Hồng lâu mộng 15
Người hiềm khích cố ý gây hiềm khích;
Gái Uyên Ương vô tình gặp Uyên Ương.
Giả Chính về Kinh, tâu lại mọi việc xong xuôi, được về nhà
nghỉ một tháng. Vì tuổi già sức yếu, công việc nặng nề, lại mấy năm ở bên
ngoài, xa cách gia đình. Nay được tụ họp trong nhà, tất nhiên ông ta vui mừng
khôn xiết. Vì vậy bất cứ việc lớn nhỏ đều gác một bên, ngày ngày chỉ xem sách,
khi buồn thì đánh cờ, uống rượu với bọn gia khách, hoặc ban ngày, mẹ con, vợ chồng
cùng ngồi với nhau nói chuyện cho vui.
Nhân mồng 3 tháng 8 năm này là ngày bát tuần đại khánh của Giả
mẫu, bạn bè sẽ đến mừng, sợ yến tiệc không làm xuể nên Giả Chính đã bàn với Giả
Xá và Giả Liễn, định bắt đầu từ ngày 28 tháng 7 đến mồng 5 tháng 8, hai phủ
Vinh, Ninh đều mở yến tiệc. Phủ Ninh thì mời khách đàn ông, phủ Vinh thì mời
khách đàn bà. Trong vườn Đại Quan thì thu dọn mấy nơi rộng rãi như gác Xuyết Cẩm,
viện Gia Ấm để làm chỗ nghỉ ngơi. Ngày 28 thì mời các hoàng thân, phò mã, vương
công, các tước vương, quận chúa, vương phi, công chúa, quốc quân, thái quân,
phu nhân; ngày 29 mời các vị phủ, đốc, trấn cùng các bậc mệnh phụ; ngày 30 mời
các vị quan trưởng cùng phu nhân, bạn thân xa gần cùng các bà. Ngày mồng một
thì Giả Xá bày gia yến, ngày mồng hai đến nhà Giả Chính, ngày mồng ba đến nhà
Giả Trân và Giả Liễn; ngày mồng bốn thì trong phủ Giả góp nhau bày gia yến;
ngày mồng năm thì bọn Lại Đại, Lâm Chi Hiếu cùng bọn quản sự góp chung bày yến
mừng một ngày.
Từ đầu tháng bảy, người đưa lễ thọ đến mừng liên tiếp không dứt.
Bộ Lễ vâng chỉ ban cho một cái gậy bằng vàng dát ngọc, bốn súc đoạn màu, chén
vàng bốn cái, bạc năm trăm lạng. Nguyên phi lại sai Thái giám đưa đến một tấm
thọ tinh bằng vàng, một cái gậy trầm hương, một chuỗi hạt dà nam, một hộp hương
phúc thọ, hai nén vàng, tám nén bạc, mười hai tấm đoạn màu, bốn cái chén ngọc.
Ngoài ra từ thân vương, phò mã đến các quan văn võ lớn, nhỏ đi lại xưa nay đều
có lễ mừng, không thể kể xiết được. Trong nhà đặt một cái bàn lớn trải thảm đỏ
bày hết những đồ quý giá bên trên rồi mời Giả mẫu đến xem. Mấy hôm đầu, Giả mẫu
còn cao hứng đến nhìn qua, sau chán không xem nữa, chỉ nói: “Bảo cháu Phượng nhận
cả, hôm nào rảnh ta sẽ lại xem”.
Đến ngày 28, trong hai phủ đều treo đèn kết hoa, đặt bình
loan phượng, trải nệm phù dung, tiếng đàn sáo chiêng trống vang khắp ngoài đường
trong ngõ. Hôm ấy trong phủ Ninh chỉ có Bắc Tĩnh vương, Nam An quận vương, Vĩnh
Xương phò mã, Lạc Thiện quân vương, cùng mấy vị công hầu ấm tập bạn thân; trong
phủ Vinh thì có Nam An vương thái phi, Bấc Tĩnh vương phi cùng các vị mệnh phụ
công hầu bạn thân. Bọn Giả mẫu đều mời ngay vào viện Gia Ấm trong vườn Đại Quan
uống trà, thay áo xong nghỉ ngơi, mới đến viện Vinh Khánh mừng thọ rồi vào tiệc.
Họ nhường nhau một lúc mới ngồi vào chỗ. Nam vương phi và Bắc vương phi ngồi ở
hai bàn trên, còn các bà công hầu thì theo thứ tự ngồi ở bàn dưới. Phía dưới,
bên trái thì các bà Cẩm Hương hầu và Lâm Xương bá ngồi tiếp, phía dưới bên phải
là chỗ ngồi của Giả mẫu. Hình phu nhân và Vương phu nhân dẫn Vưu thị, Phượng
Thư cùng mấy bà trong họ dàn thành hàng cánh nhạn đứng hầu sau lưng Giả mẫu, vợ
Lâm Chi Hiếu và vợ Lại Đại dẫn bọn đàn bà đứng ở ngoài rèm trúc dâng rượu và thức
ăn, vợ Chu Thụy dẫn mấy a hoàn đứng sau bình phong để chờ sai bảo. Những người
đi hầu các vị khách đều có người mời đi khoản đãi ở chỗ khác.
Một lúc ban hát ra chúc mừng, ở dưới sân khấu có 12 đứa gái
nhỏ chưa để tóc, đều trang điểm một màu, chắp tay đứng hầu. Một lát, có một người
dâng đơn kê tên vở hát đứng ở dưới thềm, đưa cho một bà đứng trình việc. Bà ấy
nhận rồi mới đưa cho vợ Lâm Chi Hiếu. Vợ Lâm Chi Hiếu để đơn vào cái khay nhỏ
rón rén mở rèm vào đưa cho nàng hầu của Vưu Thị là Bội Phượng nhận rồi mới đưa
cho Vưu Thị. Vưu Thị nâng lên bàn trên, Nam An thái phi nhường một lúc, rồi chấm
một vở hát “Cát Khánh”, sau lại đưa cho Bắc Tĩnh vương phi chấm một vở nữa. Mọi
người khác lại nhường nhau một lúc rồi bảo chọn vở nào hay thì hát.
Một lát, mới dâng được bốn món ăn và một món canh, những người
theo đến hầu phát phần thưởng cho con hát xong, mọi người thay áo đi vào vườn rồi
dâng chè ngon.
Nam An thái phi nhân hỏi đến Bảo Ngọc. Giả mẫu cười nói:
- Hôm nay mấy nơi trong miếu tụng kinh “Bảo an duyên thọ”(4)
cháu nó phải đi chầu kinh rồi.
Lại hỏi đến bọn chị em.
Giả mẫu cười nói:
- Các cháu đứa thì ốm, đứa thì yếu, hễ thấy người lạ là ngượng
ngùng, nên tôi bảo chúng nó ở lại trông nhà. Đã truyền một ban hát có cả con
hát nhỏ sang hát ở bên nhà, các cháu đương tiếp bà dì cháu xem hát đấy.
Nam An thái phi cười nói:
- Đã thế thì bảo người gọi họ sang đây.
Giả mẫu quay lại bảo Phượng Thư:
- Đi gọi các em Tương Vân, Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc và bảo
em Ba dẫn chúng nó đến.
Phượng Thư vâng lời, sang nhà Giả mẫu, thấy bọn chị em đương
ăn quả xem hát. Bảo Ngọc cũng mới đi chầu kinh ở miếu về. Phượng Thư nói xong,
chị em Bảo Thoa cùng Đại Ngọc, Tương Vân, Thám Xuân tất cả năm người đi vào
trong vườn. Trông thấy, mọi người chào hỏi nhau. Trong đám khách có người đã gặp,
đều đồng thanh khen ngợi các cô. Trong đó có Tương Vân là quen nhất. Nam An
thái phi cười nói:
- Cô ở đây nghe thấy tôi đến mà không ra, để phải mời mới đến.
Ngày mai tôi sẽ bảo cho ông chú cô!
Rồi một tay nắm Thám Xuân, một tay nắm Bảo Thoa, hỏi: “Mười mấy
tuổi rồi?” - Thái Phi lại khen ngợi luôm mồm. Sau bỏ hai người này ra, lại nắm
Đại Ngọc và Bảo Cầm, ngắm nghía rất kỹ, khen ngợi một lúc, cười nói:
- Đều đẹp cả! Không biết bảo tôi khen người nào cho phải!
Lúc đó đã có người đem quà đến chia ra mấy phần: năm chiếc nhẫn
bằng vàng ngọc, năm chuỗi hạt châu Uyển hương, Nam An thái phi cười nói:
- Xin các cô đừng cười, cầm lấy để thưởng cho bọn hầu.
Năm người vội lạy tạ cám ơn. Bắc Tĩnh vương phi cũng có năm
món quà thưởng. Còn những người khác không kể hết.
Uống nước xong, mọi người dạo chơi trong vườn một lúc, Giả mẫu
lại mời vào tiệc. Nam An thái phi cáo từ nói:
- Người tôi không được khỏe, không đến không được. Vì thế xin
thứ lỗi cho tôi về trước.
Giả mẫu nghe nói không tiện giữ lại, hai bên chào nhau tiễn
ra đến vườn, Nam An thái phi lên kiệu về. Bắc Tĩnh vương phi ngồi lại một lúc rồi
cũng về. Còn thì có người ngồi hết bữa tiệc có người nửa chừng ra về. Giả mẫu
hôm ấy mệt nhọc nên hôm sau không ra ngoài, tất cả đều do Hình phu nhân tiếp
đãi. Có những con em nhà gia thế đến chúc thọ, thì chỉ đến làm lễ ở nhà khách,
bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Trân đáp lễ, rồi mời sang phủ Ninh dự tiệc.
Mấy hôm ấy, Vưu Thị buổi chiều không về phủ mình, ban ngày tiếp
khách, đến tối thì hầu chuyện Giả mẫu, lại giúp Phượng Thư trông nom đồ đạc, lễ
vật lấy vào đem ra. Ban đêm đến ngủ ở buồng Lý Hoàn. Hôm ấy chị ta hầu Giả mẫu
ăn cơm chiều xong. Giả mẫu nói:
- Các cháu mệt lắm, ta cũng mệt. Các cháu tìm ngay cái gì mà
ăn rồi đi nghỉ, mai còn phải dậy sớm.
Vưu Thị vâng lời lui ra, đến nhà Phượng Thư ăn cơm. Phượng
Thư đương ở trên lầu, trông nom người ta thu nhận những bình phong mang đến biếu,
chỉ có Bình Nhi ở nhà gấp quần áo cho Phượng Thư. Vưu Thị nhớ đến lúc dì Hai
còn sống, nhờ được Bình Nhi săn sóc, liền gật đầu nói:
- Chị giỏi quá! Người tốt bụng như chị mà lại cứ phải chịu
dãi dầu ở đây mãi à!
Bình Nhi rơm rớm nước mắt, nói lảng sang chuyện khác. Vưu Thị
cười hỏi:
- Mợ chị đã ăn cơm chưa?
- Nếu ăn cơm thì thế nào mà chẳng mời mợ đến.
- Đã thế ta đi ăn chỗ khác vậy, đói không chịu được.
Nói xong Vưu Thị liền đi. Bình Nhi vội cười nói:
- Mời mợ hãy ở lại, ở đây có bánh ăn lót dạ một ít, rồi sẽ ăn
cơm.
- Chị đương bận, tôi vào vườn quấy các cô ấy thôi.
Bình Nhi giữ lại không được, đành phải thôi.
Vưu Thị vào đến vườn, thấy cửa chính và các cửa bên vẫn chưa
đóng, đèn lồng vẫn thắp, liền quay lại bảo a hoàn nhỏ đi gọi người đàn bà trực
đêm đến. A hoàn vào đến phòng canh, không thấy bóng một người nào, quay lại
trình Vưu Thị, Vưu Thị sai đi gọi người đàn bà quản gia. A hoàn vâng lời đi ra,
đến mái hiên thứ hai, nơi bọn quản sự thường họp nhau bàn việc, chỉ thấy có hai
bà già đương chia nhau các thức quả ăn. A hoàn hỏi:
- Có bà quản sự nào ở đây không? Mợ tôi ở phủ Đông đứng chờ
ngoài kia để dặn bảo công việc.
Hai bà già chỉ lo chia nhau quả ăn, lại nghe nói là mợ ở phủ
Đông nên không để ý lắm, nói:
- Các bà quản gia vừa mới đi cả rồi.
- Các bà đi tìm hộ về.
- Chúng tôi chỉ lo việc trông nhà, chứ không lo việc đi gọi
người. Cô muốn gọi ai thì sai người khác đi mà gọi.
- Úi chà! Thế này thì loạn mất. Tại sao các bà lại không chịu
đi? Các bà nói dối người mới đến, chứ nói dối thế nào được tôi. Ngày thường các
bà không đi gọi thì ai đi? Bây giờ có việc gì của bản thân các bà hoặc thưởng
cái gì cho các người quản gia thì các bà đã chạy cong đuôi lên rồi, không cần
phải biết là ai nữa. Nếu mợ Hai cần sai đi, các bà có dám trả lời như thế
không?
Bà già này một là say rượu, hai là bị a hoàn bới xấu, quá thẹn
thành giận, liền cãi lại:
- Đừng có dơ! Gọi người hay không là việc chúng tao, can gì đến
mày? Mày chưa chi đã dám bới xấu chúng tao à! Mày thử nghĩ xem mẹ mày hầu các
ông quản gia bên ấy còn biết liếm gót giỏi hơn chúng tao nữa kia. Việc nhà ai mặc
nhà ấy! Mày có giỏi thì về mà chèn ép người nhà mày ở bên ấy, chứ chúng tao ở
bên này thì mày không có phận sự gì đâu!
A hoàn nghe nói, giận tái mặt nói: “Giỏi, giỏi, giỏi đấy!”
Rồi quay ngoắt về trình.
Vưu Thị đã đi vào trong vườn, gặp Tập Nhân, Bảo Cầm, Tương
Vân cùng hai sư cô ở am Địa Tạng đương kể chuyện cũ vui đùa với nhau, Vưu Thị
nói: “Đói làm rồi”. Rồi vào ngay viện Di Hồng. Tập Nhân sửa soạn mấy món ăn
chay và mặn mời Vưu Thị ăn.
A hoàn nhỏ chạy ngay đến, hầm hầm kể lại chuyện vừa qua. Vưu
Thị nghe xong, cười nhạt:
- Hai mụ ấy là người thế nào?
Hai sư cô và Bảo Cầm, Tương Vân sợ Vưu Thị bực lên, đều
khuyên:
- Nhất định nó nghe sai, chứ làm gì có chuyện ấy.
Hai sư cô lại cười đẩy con a hoàn nói:
- Cô này còn trẻ nóng nảy quá! Các bà già ấy ăn nói lẩm cẩm,
có cũng không nên kể lại mới phải. Mợ nhà ta tấm thân ngàn vàng, khó nhọc mấy
hôm, chưa có một giọt rượu vào miệng, chúng ta nên làm cho mợ vui vẻ, chứ kể những
chuyện ấy ra làm gì?
Tập Nhân vội cười, kéo con a hoàn ra bảo:
Vưu Thị nói:
- Không phải sai ai cả, chị cứ đi gọi hai mụ ấy và gọi cả
thím Phượng đến nữa!
- Tôi xin đi ạ.
- Thôi cũng không cần chị nữa.
Hai sư cô vội đứng dậy cười nói:
- Xưa nay mợ là người độ lượng, rộng rãi, hôm nay là ngày mừng
thọ của cụ nhà, nếu mợ tức giận, chẳng để cho người ngoài bàn tán hay sao?
Bảo Cầm, Tương Vân cũng đều cười và ngăn lại, Vưu Thị nói:
- Nếu không phải là ngày sinh nhật cụ, thì ta nhất định không
nghe! Thôi hãy tạm tha cho họ.
Đương lúc nói chuyện, Tập Nhân lại sai một a hoàn ra ngoài cửa
vườn tìm người. Vừa gặp ngay vợ Chu Thụy, a hoàn này kể lại chuyện cho chị ta
nghe. Vợ Chu Thụy tuy không phải là người quản sự, nhưng ngày thường chị ta cậy
là người theo hầu của Vương phu nhân, vẫn có chút thể diện, tính lại ranh mãnh,
hay đi ton hót các nơi, vì thế các chủ nhà đều ưa thích chị ta. Nay nghe thấy
chuyện này chị ta liền đi ngay vào viện Di Hồng, vừa chạy vừa nói: “Chết nỗi,
làm mợ tôi bực chết đi mất. Nhà này quen quá sinh nhờn rồi. Tiếc là lúc bấy giờ
mình không ở đấy! Cứ đánh cho chúng nó mấy cái tát rồi sau sẽ liệu”.
Vưu Thị trông thấy vợ Chu Thụy, cười nói:
- Chị Chu ơi, lại đây bàn câu chuyện này. Đến bây giờ cửa vườn
vẫn còn mở toang, đèn đuốc sáng trưng, người ra kẻ vào rầm rập, nếu xảy ra chuyện
gì bất ngờ thì làm thế nào? Tôi định bảo người trực đêm phải tắt đèn đóng cửa,
không ngờ không thấy một mống nào!
Vợ Chu Thụy nói:
- Thế mới chết chứ! Hôm nọ mợ Hai đã dặn bảo họ là mấy ngày
nay công việc bề bộn, người đi lại đông, tối đến cần phải tắt đèn, đóng cửa,
không phải người trong vườn nhất thiết không cho vào. Thế mà bây giờ lại không
có một người nào. Để mấy hôm nữa, thế nào cũng phải đánh cho họ một trận mới được.
Vưu Thị kể lại lời của a hoàn nhỏ. Vợ Chu Thụy nói:
- Mợ không cần phải tức giận. Để xong việc, tôi sẽ bảo người
coi việc, đánh cho chết quân ấy, hãy hỏi xem đứa nào nói câu “Việc nhà ai mặc
nhà nấy”. Tôi đã bảo chúng phải tắt đèn đóng cửa rồi. Xin mợ đừng bực nữa.
Đang lúc ồn ào thì Phượng Thư sai người đến mời sang ăn cơm.
Vưu Thị nói:
- Tôi không đói, vừa mới ăn mấy cái bánh rồi, mời mợ chị cứ
xơi đi.
Một lúc vợ Chu Thụy ra về, kể lại chuyện vừa rồi cho Phượng
Thư nghe.
Phượng Thư bảo:
- Ghi lấy tên hai con mụ ấy, chờ mấy hôm nữa, sẽ trói chúng
đưa sang phủ Đông để mợ Cả xét xử. Hoặc đánh hoặc tha, tùy lòng mợ ấy. Chứ có
quan trọng gì việc này!
Vợ Chu Thụy nghe nói, chỉ chờ một câu như thế, vì ngày thường
chị ta vẫn có xích mích với mấy bà già ấy, liền sai một đứa hầu nhỏ đến nhà Lâm
Chi Hiếu truyền lại lời của Phượng Thư, rồi bảo vợ Lâm Chi Hiếu đến hầu mợ Cả
ngay. Lại sai người tức khắc đến trói hai bà già ấy, giam vào chuồng ngựa, sai
người canh giữ.
Vợ Lâm Chi Hiếu không biết là việc gì, vội lên xe vào hầu Phượng
Thư trước. Mới đến cửa ngoài, đưa tin vào, bọn a hoàn ra nói:
- Mợ Hai vừa mới đi nghỉ. Mợ Cả ở trong vườn ấy, bảo bà đến hầu
mợ Cả là được rồi.
Vợ Lâm Chi Hiếu đành phải vào trong vườn, đến Đạo Hương thôn.
Bọn a hoàn vào trình. Vưu Thị nghe nói, thấy không đành lòng, liền gọi vợ Lâm
Chi Hiếu vào, cười nói:
- Tôi chẳng qua vì không tìm được người, nên mới hỏi đến bà,
nhưng bà đã về rồi. Việc ấy cũng chẳng quan trọng gì. Ai lại còn gọi bà đến đấy,
làm cho bà phải mất công đi. Việc này cũng thường thôi, tôi đã bỏ qua đi rồi.
Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Mợ Hai sai người đòi tôi, nói rằng mợ có việc gì sai bảo.
Vưu Thị nói:
- Chừng bà Chu đặt chuyện ra đấy. Thôi bà đi về nghỉ, không
có chuyện gì to tát đâu.
Lý Hoàn lại muốn kể rõ đầu đuôi câu chuyện, nhưng Vưu Thị gạt
đi.
Vợ Lâm Chi Hiếu thấy thế đành phải quay ra. Lại gặp dì Triệu
đi đến, cười nói:
- Úi chà chà! Bà chị ơi! Bây giờ chưa về nhà ngủ, còn đi đâu
đấy?
Vợ Lâm Chi Hiếu cười trả lời:
- Sao lại không về nhà?
Rồi thuật lại việc xảy ra như thế, nên mới phải đi. Dì Triệu
xưa nay vẫn thích nghe lóng, hơn nữa ngày thường vẫn đi lại thân mật với lũ con
gái của bọn quản sự, để kéo bè kéo cánh với nhau. Vừa rồi bà ta đã biết tám
chín phần, nay nghe vợ Lâm Chi Hiếu nói, liền xui nên làm thế này thế nọ. Vợ
Lâm Chi Hiếu nghe đoạn, đáp:
- Té ra việc đó có đáng cái quái gì. Nếu tha cho nó thì chẳng
nói làm gì, nếu bụng hẹp hòi thì chỉ đánh mấy roi là xong việc.
Dì Trệu nói:
- Bà chị ơi, việc có to tát gì cho cam, đủ biết họ càn rỡ
quá. Có thế thôi cũng lại gọi bà chị vào. Thật là họ coi khinh bà chị, lấy bà
chị ra làm trò đùa. Thôi bà chị về đi, kẻo mai lại có việc. Tôi cũng chẳng giữ
bà chị ở lại uống nước nữa.
Vợ Lâm Chi Hiếu đi ra, đến trước cửa bên cạnh thì gặp con gái
của hai bà già lúc nãy đến khóc lóc nhờ xin hộ. Vợ Lâm Chi Hiếu cười nói:
- Con bé này thật vớ vẩn! Ai bảo các bà uống rượu nói nhảm để
gây ra chuyện? Ngay ta cũng không biết gì cả. Mợ Hai sai người trói các bà ấy,
ta đây cũng có lỗi này, thì còn xin hộ cho ai được nữa?
Hai đứa bé này mới độ bảy tám tuổi, vẫn không hiểu gì, cứ
khóc lóc van xin mãi. Vợ Lâm Chí Hiếu không biết làm thế nào, nói:
- Quân vớ vẩn này! Chỗ đáng đi kêu thì không đi, cứ đến quấy
rầy ta! Chị mày hiện gả cho con bà già Phi là người theo hầu của bà Cả bên kia.
Mày về nói với chị mày, nhờ bà thông gia nói với bà Cả, thì việc gì mà chẳng
xong.
Một đứa nghe vậy, nhớ ngay ra, còn đứa nữa vẫn cứ kêu van. Vợ
Lâm Chi Hiếu quát mắng:
- Quân vớ vẩn này! Con kia đi nói xong, tự khắc được tha cả.
Không có nhẽ mẹ nó được tha mà riêng mẹ mày lại bị phạt!
Nói xong lên xe đi về.
Quả nhiên đứa bé kia đến bảo chị nó nói với già Phi. Già Phi
vốn là người theo hầu của Hình phu nhân, trước kia có lúc đã từng nổi tiếng. Gần
đây vì Giả mẫu không ưa Hình phu nhân nên tất cả những người bên đó đều bị nhụt
oai thế. Mỗi khi gặp bọn có thể diện bên nhà Giả Chính, họ đều nhìn với con mắt
hằn học. Già Phi cậy già, cậy có Hình phu nhân nên thường uống rượu, mượn chén
chửi bới vu vơ cho hả. Gặp ngày mừng thọ của Giả mẫu, một việc to tát như vậy,
bà ta nhìn thấy mọi người khoe khôn khoe khéo, hò hét sai phái, múa chân múa
tay, trong lòng khó chịu, liền chửi mèo quèo chó, nói nọ nói kia. Người bên này
thấy vậy, chẳng ai đếm xỉa đến. Nay lại thấy vợ Chu Thụy sai trói bà thông gia
của mình, như lửa đổ thêm dầu, sẵn đang hăng rượu, bà ta đứng bên phía tường mắng
ầm lên một lúc, rồi đến xin với Hình phu nhân, nói bà thông gia của bà ấy chẳng
có lỗi gì, chỉ vì cãi nhau mấy câu với a hoàn của mợ Cả, vợ Chu Thụy về ton hót
với mợ Hai, trói bà ấy và đem vứt vào chuồng ngựa, để mấy hôm nữa sẽ mang ra
đánh. Thật đáng thương hại cho một bà già đã bảy tám mươi tuổi. Xin bà nói với
mợ Hai tha cho bà ấy một lần này!
Từ ngày đến hỏi Uyên Ương, Hình phu nhân có vẻ bẽ mặt. Lại thấy
Phượng Thư lên nước hơn mình, Giả mẫu đối đãi ra chiều lạnh nhạt, nên bà ta vẫn
ôm sẵn mối oán thù, ghen ghét, nhưng chưa có dịp nói ra. Bây giờ họ ngấm ngầm đặt
chuyện, ton hót bà chủ. Trước hết họ vạch vòi bọn hầu, sau đến Phượng Thư “chỉ
cố chiều chuộng cho cụ vui rồi tha hồ làm mưa làm gió. Đã trị được cậu Liễn, lại
ton hót bà Hai để bà Hai không để ý gì đến công việc bên ấy”. Sao họ lại nói cả
đến Vương phu nhân: “Cụ không thích bà, đều tự bà Hai và mợ Liễn xui cả”. Hình
phu nhân dù là gan đồng dạ sắt, nhưng tính chất đàn bà, không tránh khỏi sinh
lòng nghi kỵ. Vốn đã ghét sẵn Phượng Thư, nay thấy vậy, bà ta không nói câu
nào.
Đến sáng hôm sau, Hình phu nhân sang hầu Giả mẫu. Người trong
họ đều đến xem hát đông đủ. Hôm ấy lại đều là con cháu trong họ, không ai là
khách cả. Giả mẫu rất cao hứng nên chỉ mặc quần áo thường ra nhà ngoài nhận lễ.
Ở giữa đặt một cái giường, nào gối xếp, nệm tựa lưng, nệm gác chân, cái gì cũng
đủ cả. Giả mẫu một mình nằm nghiêng ở trên giường. Chung quanh đặt một loạt ghế
thấp. Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc, Tương Vân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân
ngồi quây cả đó. Mẹ Giả Biển dẫn đứa con gái là Hỷ Loan, mẹ Giả Quỳnh dẫn đứa
con gái là cô Tư và cả lũ cháu gái các nhà khác, lớn nhỏ độ hai mươi người. Giả
mẫu thấy Hỷ Loan và cô Tư xinh đẹp, đi đứng nói năng khác hẳn mọi người, trong
bụng vui thích, liền gọi họ đến ngồi ở trước giường. Bảo Ngọc ngồi ở trên giường
đấm chân cho Giả mẫu. Tiết phu nhân ngồi ở hàng trên, còn hai hàng phía dưới là
con cháu các nhà cứ ngồi theo bậc họ. Hai dãy hành lang ngoài rèm, thì khách
đàn ông cũng ngồi theo thứ tự trong họ. Bọn đàn bà từng tốp một làm lễ trước, bọn
đàn ông làm lễ sau. Giả mẫu nằm nghiêng ở trên giường, chỉ sai người bảo “miễn
lễ”.
Bọn Lại Đại dẫn người nhà quỳ lạy từ cửa nghi môn vào đến
phòng khách. Sau đến các người đàn bà trong nhà, rồi đến a hoàn ở các phòng. Nhộn
nhịp chừng ăn hai ba bữa cơm mới xong. Họ lại xách đến rất nhiều lồng chim sẻ
“phóng sinh” ở giữa sân. Bọn Giả Xá đốt xong những giấy thọ tinh lễ trời đất rồi
mới bắt đầu xem hát uống rượu. Hát đến nửa chừng, Giả mẫu đi nghỉ, bảo mọi người
cứ tùy thích, rồi dặn Phượng Thư giữ Hỷ Loan và cô Tư ở lại chơi mấy hôm. Phượng
Thư đi ra nói với mẹ chúng. Hai bà này xưa nay nhờ Phượng Thư giúp đỡ, liền vui
lòng ở lại chơi trong vườn.
Đến chiều, lúc sắp tan tiệc, trước mặt mọi người. Hình phu
nhân đến xin với Phượng Thư, cười nói:
- Chiều hôm qua, tôi nghe nói mợ Hai tức giận, sai bà Chu quản
gia trói hai bà già, không biết là họ phạm tội gì? Đáng lẽ ra tôi không nên xin
hộ là phải. Nhưng tôi nghĩ là ngày sinh nhật cụ còn cố gắng bỏ tiền bỏ gạo giúp
đỡ kẻ nghèo yếu, thế mà chúng ta lại hành hạ người già hay sao? Dù không nể mặt
tôi, chị cũng nên nể mặt cụ, tạm tha cho họ!
Nói xong lên xe về. Phượng Thư vừa xấu hổ, vừa tức, không biết
đầu đuôi ra sao, đỏ mặt tía tai, quay lại cười nhạt, bảo bọn vợ Lại Đại:
- Chuyện này ở đâu ra thế! Hôm qua vì người ở phủ này có lỗi
với mợ Cả bên kia, tôi sợ mợ ấy ngờ vực, nên giao sang để tùy mợ ấy xét định,
chứ họ có lỗi gì với tôi. Thế mà tin ở đâu lại truyền đi nhanh thế?
- Việc gì?
Phượng Thư cười, kể lại chuyện hôm qua, Vưu Thị cũng cười
nói:
- Ngay tôi cũng không biết gì, thím cũng lắm chuyện quá.
Phượng Thư nói:
- Vì tôi sợ chị ngượng mặt, nên để tùy ý chị xử trí, chẳng
qua cũng là giữ lễ đó thôi. Cũng như ở bên chị, có người nào láo lếu với tôi tất
nhiên chị phải giao sang cho tôi xử. Dù là hạng đầy tớ thế nào chăng nữa, cũng
không thể bỏ qua cái lệ ấy được. Không biết ai đã sang bên ấy hết chuyện ton
hót, lại giở ngay việc này ra.
Vương phu nhân nói:
- Mẹ chồng cháu nói phải đấy. Chị Trân không phải là người
ngoài, thì cần gì phải giữ cái lễ hão ấy. Ngày sinh nhật cụ là cần nhất, tha họ
ra mới phải.
Nói xong liền sai người đi tha hai bà già ấy.
Phượng Thư càng nghĩ càng tức, càng xấu hổ, đâm ra chán nản,
nước mắt giàn giụa, rồi hậm hực về buồng khóc lóc, nhưng không muốn cho ai biết.
Giả mẫu lại sai Hổ Phách đến gọi Phượng Thư hỏi việc. Hổ Phách thấy vậy, lấy
làm lạ, nói:
- Tự dưng vô cớ, mợ làm sao thế? Bên kia đương chờ mợ đấy.
Phượng Thư nghe nói, lau nước mắt. rửa mặt đánh phấn, rồi
cùng đi với Hổ Phách. Giả mẫu hỏi:
- Hôm nọ người ta đến mừng, tất cả có mấy nhà đưa vi bình?
- Tất cả có mười sáu nhà. Có mười hai cái lớn, và bốn cái nhỏ
che giường. Trong số đó có một cái lớn của nhà họ Chân, mười hai cánh bằng lụa
màu đại hồng, thêu kiểu “hốt để đầy giường”, một mặt thì vẽ tranh bách thọ thiếp
vàng là đẹp nhất. Lại còn có một cái bình bằng pha lê của nhà Ô tướng quân ở Việt
Hải nữa.
- Thế thì không được động đến hai cái ấy, phải cất đi cẩn thận,
ta cần đem đi biếu người khác.
Phượng Thư vâng lời.
Uyên Ương đến nhìn kỹ mặt Phượng Thư, làm Giả mẫu phải hỏi:
- Mày không nhận ra mợ ấy à? Sao cứ nhìn mãi thế?
Uyên Ương cười nói:
- Cháu thấy mắt mợ ấy sưng húp lên, nên lấy làm lạ.
Giả mẫu bảo Phượng Thư đến gần, để ý nhìn kỹ. Phượng Thư cười
nói:
- Cháu bị ngứa mắt, dụi mãi thành sưng lên.
Uyên Ương cười nói:
- Chắc lại bị ai trêu tức rồi?
Phượng Thư cười nói:
- Ai dám trêu tức ta? Dù có bị tức, nhưng trong ngày sinh nhật
cụ, ta cũng chẳng dám khóc.
Giả mẫu nói:
- Phải đấy, ta muốn ăn cơm, cháu ở đây dọn cho ta ăn, còn thừa
thì để cháu và chị Trân ăn. Hai chị em ở đây giúp các vị sư niệm phật nhặt đậu
cho ta, các cháu cũng được thêm tuổi thọ đấy. Hôm nọ các em và Bảo Ngọc đều nhặt
cả rồi, giờ cũng cho các cháu nhặt, không thì lại bảo ta thiên tư.
Trong khi nói chuyện đã đặt sẵn một bàn cơm chay cho hai sư
cô ăn. Rồi lại bày một bàn cỗ mặn. Giả mẫu ăn xong, bưng ra nhà ngoài. Vưu thị
và Phượng Thương ăn thì Giả mẫu lại gọi Hỷ Loan, cô Tư đến cùng ăn với hai người.
Ăn xong, rửa tay, thắp hương, bưng một thưng đậu đến. Hai sư cô đọc bài kệ rồi
người nào người ấy nhặt từng hạt đậu bỏ vào cái giỏ, cứ nhặt một hạt đậu lại niệm
phật một câu. Ngày mai nấu chín, sai người mang ra ngã tư đường làm lễ bố thí.
Giả mẫu nằm nghiêng ra nghe hai sư cô nói ít chuyện nhân quả.
Uyên Ương đã nghe thấy Hổ Phách nói về việc Phượng Thư khóc,
lại hỏi dò Bình Nhi nên biết hết ngành ngọn câu chuyện. Buổi chiều vắng người,
liền trình Giả mẫu:
- Mợ Hai khóc là vì bà Cả bên kia làm cho mợ ấy bẽ mặt trước
mọi người.
- Việc gì?
Uyên Ương kể lại đầu đuôi việc này. Giả mẫu nói:
- Thế là cháu Phượng biết giữ lễ đấy. Có lẽ nào vì ngày sinh
nhật của ta, lại để cho bọn đầy tớ hỗn với các người chủ trong họ, mà không để
ý đến hay sao? Đó là vì ngày thường bà Cả vẫn không ưa cháu Phượng, nhưng chưa
dám làm to ra, nên hôm nay mới mượn cớ để ra oai. Rõ ràng là bà ấy cố ý làm bẽ
mặt cháu Phượng trước mọi người.
Lúc đó, thấy Bảo Cầm đến, nên không ai nói nữa.
Giả mẫu chợt nghĩ đến Hỷ Loan và cô Tư, liền sai người đến dặn
bọn bà già trong vườn.
- Hai cô ấy tuy nhà nghèo nhưng phải hầu hạ như các cô ở
trong nhà này. Ta biết bọn chúng bây, cả trai lẫn gái, đều một lòng ham chuộng
giàu sang. Có hai cách nhìn người, chưa chắc chúng bay đã chịu để hai cô ấy lọt
vào trong con mắt. Nếu đứa nào dám coi thường các cô ấy, ta nghe thấy sẽ không
tha đâu!
Bà già vâng lời toan đi. Uyên Ương nói:
- Để cháu đi cho. Họ có chịu nghe lời bà già đâu.
Nói xong đi vào trong vườn. Trước hết Uyên Ương đến Đạo Hương
thôn tìm Lý Hoàn và Vưu thị, không gặp. Bọn a hoàn đều nói:
- Các mợ ở cả bên cô Ba.
Uyên Ương quay ra đến Hiểu Thúy đường, thấy những người ở
trong vườn đương cười nói ở đấy. Thấy Uyên Ương đến, họ cười nói:
- Bây giờ chị còn đến đây làm gì? - rồi mời ngồi.
Uyên Ương cười nói:
- Không cho tôi đi dạo chơi à?
Rồi kể lại lời của Giả mẫu. Lý Hoàn vội đứng dậy. Nghe xong lập
tức sai người đi gọi những người đứng đầu các phòng đến, bảo phải truyền lại
cho mọi người biết.
Vưu Thị cười nói:
- Cụ nghĩ chu đáo quá. Ngay những đứa trẻ tuổi lực lưỡng như
chúng mình có sức trói nổi mười người, cũng không theo kịp được cụ.
Lý Hoàn nói:
- Con Phượng vẫn cậy là thông minh ranh mãnh cũng chẳng cắn
gót được người, nữa là chúng mình theo làm sao được.
Uyên Ương nói:
- Thôi đi. Lại còn nhắc đến con Phượng, con hùm ra đây làm
gì? Mợ ấy kể cũng đáng thương! Tuy mấy năm nay hầu cụ và bà Hai không có điều
gì sơ suất, nhưng ngấm ngầm thì không biết đã mắc lỗi với bao nhiêu người rồi.
Nói tóm lại, ở đời rất khó: thực thà quá không biết tháo vát, thì bố mẹ chồng lại
chê là đần độn, người nhà chả ai sợ cả; nếu là người biết tháo vát, không khỏi
được đằng nọ hỏng đằng kia. Như nhà ta đây lại càng buồn cười, có những “mợ” ở
hàng đầy tớ mới nổi lên, ả nào ả nấy đều ra bộ, chẳng biết thế nào là vừa lòng
họ, hễ hơi phật ý một chút là họ chẳng đi nói xấu vắng mặt, cũng hay “đâm bị
thóc chọc bị gạo”. Tôi sợ cụ bực lên, nên không muốn nói, nếu không tôi kể hết
ra thì cả nhà chẳng được yên đâu. Đây không phải là tôi dám nói hỗn trước mặt
cô Ba, như cụ yêu cậu Bảo, lúc vắng mặt, có người oán trách cho là thiên tư,
như thế cũng chẳng đáng kể gì. Nhưng bây giờ cụ chỉ yêu cô, tôi thấy họ cũng tức
lên. Như thế có đáng buồn cười không?
Thám Xuân cười nói:
- Người vớ vẩn thì nhiều, so sánh thế nào cho hết được. Tôi
nghĩ những nhà hèn hạ, tuy nghèo đói đấy, nhưng mẹ con ngày nào cũng vui vẻ cười
đùa, lại hóa ra sung sướng. Còn nhà ta đây, bề ngoài ai cũng cho chúng mình tiểu
thư nghìn vàng, vạn vàng, sung sướng biết bao, nhưng biết đâu lại có những chuyện
rắc rối, không thể kể ra hết được!
Bảo Ngọc nói:
- Có phải ai cũng nghĩ luẩn quẩn như cô Ba ấy à? Anh thường
khuyên em không nên nghe những câu tục, nghĩ những việc tục, chỉ nên yên hưởng
phú quý mới phải, chỉ những kẻ không được phúc phận như chúng ta mới nghĩ nhảm
thôi.
Vưu Thị nói:
- Có ai lại như chú, trong bụng không vướng víu gì, chỉ biết
chơi đùa với bọn chị em. Đói thì ăn, mệt thì ngủ, đến mấy năm nữa cũng thế
thôi, không nghĩ gì đến việc về sau cả.
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi được vui đùa với các chị em ngày nào hay ngày ấy, rồi
chết là xong, chứ có gì là việc sau với việc trước nữa!
Bọn Lý Hoàn đều cười nói:
- Lại nói nhảm rồi! Dù cho chú chẳng làm gì, chết già trong
nhà này, không nhẽ bọn chị em lại không đi lấy chồng à?
Vưu Thị cười nói:
- Chẳng trách người ta bảo chú chỉ được cái lớn xác thôi, quả
thật là vừa ngây vừa ngốc.
Bảo Ngọc cười nói:
- Việc đời khó định trước, đã biết ai chết ai sống? Ví dụ
ngày nay hay ngày mai, năm nay hay năm sau mà tôi chết đi, thì cũng là được thỏa
một đời!
Mọi người không đợi Bảo Ngọc nói hết, ngắt lời ngay:
- Lại càng nhảm. Thôi đừng đấu chuyện với chú ấy thì hơn. Nói
ra không chuyện ngây cũng chuyện rồ.
Hỷ Loan cười nói:
- Anh Hai, anh đừng nói thế. Khi các chị nhà này đi lấy chồng
cả rồi, thế nào cụ và bà Hai cũng buồn, lúc đó em sẽ đến đây cùng ở với anh.
Lý Hoàn và Vưu Thị đều cười nói:
- Thôi cô cũng đừng nói chuyện ngớ ngẩn nữa. Chẳng lẽ cô lại
không đi lấy chồng hay sao?
Câu nói ấy làm Hỷ Loan thẹn, cúi đầu xuống. Bấy giờ đã sang
canh, mọi người đều về buồng nghỉ.
Uyên Ương vừa về đến trước cửa vườn, thấy cửa ngách khép hờ
chưa cài. Lúc này trong vườn vắng lặng không ai đi lại, chỉ có ánh đèn le lói từ
trong buồng cạnh hắt ra. Trên không, bóng trăng lờ mờ. Uyên Ương đi một mình,
không xách đèn, chân bước nhè nhẹ, vì thế những người canh đêm không ai để ý đến.
Uyên Ương muốn đi tiểu, liền xuống dưới đường, rẽ cỏ đi đến dưới gốc cây quế ở
sau núi đá. Vừa quanh đến bên hòn đá, bỗng có tiếng quần áo sột soạt. Sợ quá,
Uyên Ương nhìn xung quanh, bắt gặp hai người ở đấy. Thấy Uyên Ương đến, họ định
nép vào sau hòn đá chỗ bụi cây. Uyên Ương nhanh mắt, nhân có ánh trăng lờ mờ,
trông thấy một người mặc áo màu hồng, đầu tết bím, vóc người vạm vỡ cao lớn,
đúng là Tư Kỳ hầu ở buồng Nghênh Xuân. Uyên Ương cứ tưởng là nó cùng đứa con
gái nào nữa ra chơi ở đấy, thấy mình đến nó cố ý ẩn nấp để dọa chơi, liền cười
gọi:
- Tư Kỳ! Mày không ra ngay đây, chực dọa tao à. Tao sẽ kêu ầm
lên là có trộm. Con chương xác này, không kể ngày đêm cứ chơi đùa không biết
chán!
Uyên Ương nói đùa để gọi nó ra thôi. Ngờ đâu đứa gian hay chột
dạ, nó nghĩ là Uyên Ương đã biết rõ đầu đuôi việc mình, lỡ kêu ồn lên, người ta
biết thì càng nguy, vả chăng ngày thường Uyên Ương vẫn thân mật với mình, không
như người khác. Nó liền từ sau cây chạy ra nắm lấy Uyên Ương, quỳ xuống nói:
- Chị ơi! Xin chị đừng kêu ầm lên!
Uyên Ương vẫn không biết vì việc gì, liền kéo nó dậy, hỏi:
- Nói thế là thế nào?
Tư Kỳ không nói câu gì, người cứ run rẩy. Uyên Ương càng
không hiểu. Nhìn một lần nữa, thấy một bóng người như một đứa hầu nhỏ, Uyên
Ương đã đoán ra được tám, chín phần, trong lòng hổ thẹn, rạo rực đỏ mặt tía
tai, lại đâm ra sợ, liền đứng yên một lúc, khẽ hỏi Tư Kỳ:
- Người kia là ai thế?
- Người anh con cô con cậu với em.
Uyên Ương suỵt lên một tiếng, thẹn quá, không nói ra được câu
gì. Tư Kỳ quay lại khẽ gọi:
- Thôi đừng tránh nữa, chị đã trông thấy rồi, ra mà lạy đi.
Đứa hầu nhỏ nghe nói, mới từ sau cây đi ra, lạy như tế sao.
Uyên Ương quay người đi, Tư Kỳ nắm lại van xin, khóc nói:
- Tính mệnh chúng em đều ở trong tay chị cả, mong chị tha chết
cho!
Uyên Ương nói:
- Đừng nói nhiều nữa, bảo nó bước đi. Ta không mách ai cả là
được. Sao mày lại nói như vậy?
Nói chưa dứt lời, thấy bên cửa ngách có người gọi:
- Cô Kim đã ra rồi, khóa cửa lại.
Uyên Ương cứ bị Tư Kỳ níu giữ mãi, không dứt ra được, nghe vậy
liền lên tiếng:
- Tôi còn ở đây có việc hãy chờ một tý, tôi sẽ ra đấy.
Tư Kỳ đành phải buông ra, để cho Uyên Ương về.
Hồi 72:
Cậy mình khỏe, Vượng Phượng Thư kiêng nói ốm;
Ỷ thần thế, vợ Lai Vượng cố ép duyên.
Uyên Ương khi ra khỏi cửa ngách, mặt còn nóng, tim đập mạnh,
cho đó là việc không ngờ, nghĩ bụng: “Việc này quan trọng, nếu nói ra sẽ liên
can đến việc gian dâm trộm cắp, quan hệ đến mệnh người, không khỏi làm lụy tới
kẻ khác. Vả chăng cũng chẳng dính dáng gì đến mình thì hãy để bụng, không nên
nói cho ai biết vội”. Uyên Ương về trình Giả mẫu xong rồi đi nghỉ.
Từ đó, thường ban đêm Uyên Ương không hay vào vườn mấy, nghĩ
bụng: “Trong vườn còn xảy chuyện kỳ quặc, huống chi các nơi”. Vì vậy chị ta
cũng ít khi đi đâu.
Tư Kỳ từ thuở nhỏ vẫn ở chung với người anh con nhà cô. Lúc đầu
hai đứa nói đùa với nhau, hẹn hò sau này không lấy được nhau thì đành ở vậy chứ
không lấy ai nữa. Gần đây chúng đã lớn, đến tuổi dậy thì, trai xinh gái đẹp, thỉnh
thoảng Tư Kỳ về nhà, hai bên đầu mày cuối mắt, tình cũ khôn khuây, nhưng không
cách gì gần nhau được. Lại sợ cha mẹ không bằng lòng, chúng liền nghĩ cách đút
lót bọn bà già trong vườn, ngỏ cửa gác đường, nhân lúc lộn xộn định lẻn vào giở
cuộc. Lần đầu gặp gỡ tuy chửa thành đôi, nhưng cũng đã chỉ non thề bể, tặng vật
trao lời, chan chứa biết bao tình tứ. Vụt gặp Uyên Ương đến, làm chúng sợ hãi
phải rời nhau ra. Thằng nhỏ liền rẽ hoa chen liễu theo phía cửa ngách lẻn mất.
Suốt đêm đó Tư Kỳ không sao ngủ được, hối hận không kịp. Hôm
sau đến gặp Uyên Ương, nét mặt khi đỏ khi tái, ngượng ngùng khôn xiết, trong
lòng thắc thỏm, chẳng thiết gì ăn uống, đứng ngồi bâng khuâng. Qua hai hôm,
không thấy động tĩnh, nó mới hơi yên lòng. Buổi chiều hôm ấy, có một bà già đến
khẽ bảo:
- Anh mày trốn đi ba, bốn hôm nay không về nhà, hiện đương nhờ
người đi tìm các nơi đấy.
Tư Kỳ nghe nói, vừa sốt ruột, vừa tức vừa buồn, nghĩ bụng: “Nếu
xảy việc gì thì liều cùng chết một chỗ mới phải. Bọn con trai thật là bạc tình,
đã chạy ngay trước rồi!” Cô ta càng nghĩ càng tức. Hôm sau thấy trong mình khó
chịu, không gượng được nữa, đành nằm vật xuống, rồi lìm lịm đâm ra ốm.
Uyên Ương nghe thấy một hầu nhỏ vô cớ bỏ trốn, Tư Kỳ ở trong
vườn lại ốm nặng, sắp dời ra ngoài, đã đoán ngay chúng nó sợ mình nói ra sẽ bị
tội. Uyên Ương không đành lòng, liền sang thăm Tư Kỳ, đuổi mọi người ra, rồi thề
với Tư Kỳ:
- Tôi mà mách ai, xin chết ngay lập tức. Em cứ yên tâm tĩnh
dưỡng, đừng có hủy hoại thân mình!
Tư Kỳ níu lấy Uyên Ương khóc:
- Chị ơi! Từ lúc bé, chúng ta đã gần gũi nhau, chị không hề
coi em như người ngoài, em cũng không dám khinh nhờn chị. Bây giờ em trót nhầm
nhỡ, chị không mách ai, thì em coi chị như mẹ đẻ! Từ nay trở đi, em sống ngày
nào tức là nhờ chị ngày nấy. Em khỏi bệnh, sẽ viết bài vị trường sinh của chị,
ngày nào em cũng thắp hương cúng vái cầu trời khấn phật phù hộ cho chị suốt đời
được phúc thọ song toàn. Dù em có chết đi, sẽ hóa kiếp lừa kiếp chó để đền ơn
chị! Tục ngữ có câu: “Dựng rạp ngàn dặm, nhưng không có tiệc nào không tan”.
Vài ba năm sau, chúng ta cũng phải xa nhau, mỗi người mỗi ngả. Câu tục ngữ lại
nói: “Cánh bèo mặt nước lênh đênh, cũng khi gặp gỡ nữa mình với ta”. Sau này được
gặp nhau, em xin tìm cách đền ơn chị.
Tư Kỳ vừa nói vừa khóc.
Câu nói ấy làm Uyên Ương xót xa cũng phải khóc lên, liền gật
đầu nói:
- Chính là em tự tìm lấy cái chết! Tôi hơi đâu để ý đến những
chuyện ấy, đi ton hót hão làm hại tiếng tăm của em. Vả chăng việc này tôi cũng
không tiện mở miệng nói với người ngoài. Em cứ yên tâm, nên cố gắng chữa chạy
cho khỏi rồi giữ thân giữ phận đừng có làm bậy nữa.
Tư Kỳ cứ nằm, gật đầu luôn. Uyên Ương an ủi Tư Kỳ một lần nữa
mới về.
Biết Giả Liễn đi vắng, Phượng Thư mấy hôm nay có vẻ mệt nhọc,
không được như trước, Uyên Ương tiện đường đến hỏi thăm. Vừa vào tới sân, người
gác cửa thứ hai trông thấy đứng dậy mời vào, Uyên Ương vào nhà ngoài, gặp Bình
Nhi từ trong đi ra. Trông thấy, Bình Nhi khẽ cười nói:
- Mợ ấy vừa mới ăn một tí cơm, đi nghỉ trưa rồi. Chị hãy vào
đây chơi đã.
Uyên Ương nghe nói, theo Bình Nhi sang buồng bên đông. A hoàn
nhỏ pha trà. Uyên Ương khẽ hỏi:
- Mấy hôm nay mợ chị thế nào? Dạo này tôi xem mợ ấy có vẻ uể
oải lắm.
Bình Nhi nhân lúc vắng người than thở:
- Không phải hôm nay mợ ấy mới uể oải đâu! Trước đây một
tháng đã như thế rồi, nhưng cứ giấu. Mấy hôm nay bận việc, lại bị tức khí về những
chuyện không đâu, nên bệnh trở lại. Hai hôm nay ốm hơn trước, không gượng được
nữa mới chịu “lòi đuôi” ra.
- Đã thế sao không mời thầy thuốc chữa ngay đi?
- Chị ơi! Chị còn không biết tính mợ ấy à? Nhiều khi nhìn thấy
không đành lòng, tôi phải hỏi một câu “mợ thấy trong người thế nào?” Mợ ấy gắt
lên, bảo là tôi rủa mợ ấy, còn nói gì đến việc mời thầy bốc thuốc nữa. Mặc dầu
vậy, ngày nào mợ ấy cũng xét nét từng ly từng tý, không tự biết mình phải giữ
gìn sức khỏe!
- Nhưng cũng phải mời thầy thuốc đến xem là bệnh gì cho mọi
người được yên tâm.
- Cứ nói về bệnh, theo tôi, không phải ốm đau xoàng đâu!
- Thế là bệnh gì?
Bình Nhi xích lại gần, ghé vào tai Uyên Ương nói:
- Thấy kinh từ tháng trước đến mãi tháng này vẫn rong, đầm
đìa không sạch. Thế không phải là bệnh nặng à?
- Úi chào! Theo chị nói thì chả phải chứng “băng huyết” là
gì?
Bình Nhi nhổ toẹt một cái, lại khẽ cười nói:
- Con gái mà nói cái gì thế? Chị cũng biết rủa người ta à?
Uyên Ương đỏ mặt lên, lại khẽ cười nói:
- Thực ra tôi cũng không biết thế nào là băng với không băng.
Cô quên rồi ư? Chị tôi trước kia không phải mắc bệnh ấy mà chết đấy à?
Lúc đó tôi cũng không biết là bệnh gì, ngẫu nhiên nghe thấy mẹ tôi nói chuyện với
bà thông gia, tôi vẫn buồn, sau nghe rõ ngành ngọn tôi mới hiểu được một vài phần.
- Chị nhớ chứ tôi quên bẵng đi rồi.
Hai người đương nói chuyện, thấy a hoàn nhỏ vào nói với Bình
Nhi:
- Già Chu lại đến. Tôi thưa với già ấy là mợ vừa mới đi nghỉ
trưa. Già ấy lại sang bên bà Hai rồi.
Bình Nhi gật đầu, Uyên Ương hỏi:
- Già Chu nào?
- Là người vẫn đi làm mối cho nhà quan ấy. Vì có ông họ Tôn
nào đến xin cầu hôn với nhà ta, nên mấy hôm nay ngày nào già ấy cũng mang thiếp
đến, làm cho người ta sinh phiền ra.
Nói chưa dứt lời, a hoàn nhỏ chạy đến nói:
- Cậu Hai đã về đấy.
Giả Liễn vào đến cửa nhà ngoài, Bình Nhi vội ra đón. Giả Liễn
vào ngay buồng. Khi đến cửa, thấy Uyên Ương ngồi ở trên giường. Giả Liễn đứng dừng
lại, cười nói:
- Chị Uyên Ương, hôm nay thực là rồng đến nhà tôm!
Uyên Ương cứ ngồi yên cười nói:
- Đến thăm cậu mợ đấy, nhưng người thì đi vắng, người thì ngủ.
Giả Liễn cười nói:
- Chị vất vả quanh năm, hầu hạ cụ. Tôi chưa đến thăm chị được,
đâu dám phiền chị đến thăm chúng tôi! May quá, tôi định đi tìm chị, nhưng vì mặc
cái áo dài nóng lắm, nên về thay áo lót rồi sẽ đi. Không ngờ ông trời run rủi
tôi lại đỡ phải đi. Thế ra chị đã ngồi đợi tôi ở đây rồi.
Hắn vừa nói vừa ngồi vào ghế.
- Lại có việc gì đấy?
- Nhân có một việc tôi quên mất, chắc chị còn nhớ thì phải.
Năm ngoái trong ngày sinh nhật cụ, có một hòa thượng ở ngoài dâng một quả phật
thủ màu sáp ong. Vì cụ thích, nên bắt bày ngay ra. Hôm nọ lại đến ngày sinh nhật
cụ, tôi đem sổ ghi đồ cổ vẫn thấy có biên cái ấy, nhưng bây giờ không biết bỏ ở
đâu. Người coi phòng đồ cổ có nói với tôi hai lần, chờ tôi hỏi đích xác để biên
vào sổ. Vì thế tôi hỏi chị: giờ cụ còn bày cái ấy nữa không? Hay là đã giao cho
ai rồi?
- Cụ bày được mấy hôm thì chán, đã giao cho mợ nhà rồi. Bây
giờ cậu lại đi hỏi tôi. Tôi hãy còn nhớ cả ngày tháng, chính tôi đã sai vợ bác
Vương đưa sang kia. Nếu cậu quên, cứ hỏi mợ nhà hay chị Bình sẽ rõ.
Bình Nhi đương lấy quần áo, nghe vậy trả lời:
- Cái ấy đã giao sang đây rồi, hiện để ở trên lầu. Mợ nhà đã
sai người đến bảo, nhưng họ cứ lú lấp không biên vào sổ. Việc không quan hệ gì
mà cứ làm nhộn lên.
Giả Liễn cười nói:
- Nếu đã đưa cho mợ chị, sao tôi không biết, chắc các người lại
định lấp liếm đi chứ gì?
- Mợ đã nói với cậu, nhưng cậu còn định đem biếu người khác.
Mợ không bằng lòng mới giữ lại được. Nay chính cậu quên, còn bảo chúng tôi lấp
liếm. Cái ấy có quí hóa gì. Những cái quí bằng mười cũng chẳng cần lấp liếm nữa
là cái không đáng một đồng.
Giả Liễn cúi đầu mỉm cười, cố nhớ lại rồi vỗ tay nói:
- Bây giờ tôi cũng lẫn rồi! Nói trước quên sau, làm người ta
oán trách, thật kém trước nhiều quá.
Uyên Ương cười nói:
- Cũng không trách được cậu, công việc bận rộn, lắm người nhiều
điều, lại thêm mấy chén rượu vào thì còn nhớ được cái gì nữa.
Uyên Ương đứng dậy định đi. Giả Liễn nói:
- Chị hãy ngồi chơi, tôi còn có một việc muốn nhờ chị.
Nói xong liền mắng a hoàn nhỏ: “Sao không pha trà ngon lên
đây? Phải lấy chén nắp sạch ra, pha thứ trà người ta mới biếu hôm qua ấy”. Rồi
nói với Uyên Ương:
- Mấy hôm nay lễ sinh nhật cụ, có mấy nghìn lạng tiêu hết cả.
Tiền tô ruộng, tô nhà các nơi đều đến tháng chín mới thu được. Bây giờ tôi
không còn món tiền nào nữa. Ngày mai lại phải dâng lễ sang phủ Nam An, lại phải
chuẩn bị lễ trùng dương(1) cho nguyên phi, ngoài ra còn phải sửa lễ mừng, lễ viếng
mấy nơi, ít ra cũng phải tiêu đến hai, ba nghìn lạng, không thể chạy ngay một
lúc được. Tục ngữ nói rất đúng: “Nhờ người chẳng bằng nhờ mình”. Bất đắc dĩ tôi
phải phiền đến chị, mong chị xem có hòm đồ vàng bạc xưa nay cụ không để ý đến,
thầm đưa cho tôi mang đi cầm lấy độ vài nghìn lạng bạc để tiêu. Chừng trong nửa
tháng thu được số tiền, tôi sẽ chuộc giả, nhất định không để cho chị phải mang
tiếng đâu.
- Cậu cũng biết xoay xở đấy! Sao cậu lại nghĩ khá như vậy?
- Không phải là tôi nói láo đâu. Ngoài chị ra, người khác
cũng có thể đảm đang được hàng nghìn lạng, nhưng họ không phải là người gan góc
hiểu đời như chị, nếu tôi nói với họ lại làm họ phát sợ lên. Cho nên thà tôi
“đánh một tiếng chuông vàng, còn hơn đánh ba nghìn tiếng chũm chọe”.
Bỗng a hoàn nhỏ bên Giả mẫu chạy đến tìm Uyên Ương, nói:
- Cụ gọi chị đấy, tìm mãi không thấy chị đâu. Té ra lại ở
đây.
Uyên Ương đi rồi, Giả Liễn quay vào thăm Phượng Thư. Lúc này
Phượng Thư đã dậy, nghe thấy chồng nhờ Uyên Ương mượn đồ đi cầm, nên không tiện
lên tiếng, cứ nằm yên ở trên giường. Thấy Giả Liễn vào, Phượng Thư hỏi: “Nó đã
nhận lời chưa?”
- Tuy chưa nhận lời, nhưng cũng chắc được vài phần. Tối đến,
mợ nói thêm vào một câu thì mười phần sẽ chắc cả mười.
- Tôi mặc kệ, không biết đến việc ấy. Bây giờ nghe cậu nói,
bùi tai đấy, nhưng khi tiền đã vào tay rồi, cậu lại đánh trống lảng, liệu ai đi
cãi vã với cậu được. Cụ biết ra thì thể diện tôi mấy năm nay mất hết!
- Mợ nói được tôi sẽ tạ ơn.
- Cậu tạ tôi cái gì nào?
- Mợ muốn cái gì, tôi tạ cái ấy.
Bình Nhi đứng bên cười nói:
- Mợ không cần đòi hỏi gì cả. Vừa rồi mợ nói phải làm một việc
thiếu mất mấy trăm lạng, chi bằng khi mượn được về, mợ lấy ngay số tiền đó, như
thế chẳng được việc cả hai bên hay sao?
Phượng Thư cười nói:
- May có chị nhắc tôi đấy. Thôi thế cũng được.
Giả Liễn cười nói:
- Các người tệ lắm! Các người chỉ nghĩ lúc này có món tiền đi
cầm được chừng một nghìn lạng, biết đâu dù năm ba nghìn tiền mặt đối với các
người cũng chẳng khó gì. Tôi không vay mượn các người thì thôi, chứ nhờ nói hộ
một câu mà đã đòi tiền tạ. Sao mà ghê quá thế ?
Phượng Thư nghe xong vùng dậy bảo:
- Tôi có năm nghìn hay năm vạn cũng chẳng phải là món tiền kiếm
chác được của cậu đâu! Hiện giờ hễ vắng mặt tôi là trong ngoài, trên dưới họ đều
nói xấu rất nhiều, chỉ còn thiếu cậu nữa thôi! Thế mới biết “ma trong nhà chưa
tỏ thì ma ngoài ngõ đã hay sao được”. Chính tiền nhà họ Vương chúng tôi, đều bị
họ Giả các cậu kiếm chác mất. Cậu đừng cho tôi là kẻ xấu bụng xấu dạ. Tôi xem
nhà cậu liệu đã giàu bằng Thạch Sùng, Đặng Thông(2) chưa? Cứ quét cái kẽ đất
nhà họ Vương chúng tôi cùng đủ nuôi các cậu suốt đời. Nói sao không biết xấu!
Hiện có chứng cớ đây: cứ mang đồ cưới của bà Hai và của tôi ra so xem, có thứ
nào kém nhà các người không?
Giả Liễn cười nói:
- Tôi mới nói đùa một câu, mợ đã phát khùng rồi. Việc này có
ra cái gì? Mợ muốn tiêu nhiều thì không có, chứ một vài trăm lạng có đáng là
bao? Mợ cứ lấy mà tiêu, sau sẽ liệu.
Phượng Thư nói:
- Tôi có cần tiền để ngậm hàm, lót lưng(3) đâu mà vội thế?
Giả Liễn nói:
- Tại sao bỗng dưng lại lồng lộn lên như vậy?
Phượng Thư lại cười nói:
- Không phải tôi nóng nảy đâu, những lời cậu nói như đâm vào
ruột ấy. Đến ngày kia là ngày giỗ đầu dì Hai. Trước kia chúng tôi ăn ở tử tế với
nhau, giờ không làm gì cũng phải đến viếng mộ, đốt vàng, để tỏ tình chị em. Dì ấy
dù không có con, cũng không nên quên cả tình xưa nghĩa cũ mới phải.
Giả Liễn nghe đoạn, cúi đầu suy nghĩ một lúc, mới nói:
- Mợ nghĩ thật là chu tất quá. Chính tôi cũng quên đi mất.
Còn số tiền ngày kia tôi mới tiêu đến, nếu mai mợ hỏi được, tùy mợ muốn tiêu
bao nhiêu cứ lấy mà tiêu.
Nói chưa dứt lời thì vợ Lai Vượng đi vào. Phượng Thư hỏi:
- Việc ấy đã xong chưa?
- Không ăn thua gì cả. Tôi đã nói, tất phải mợ đứng chủ cho
thì mới xong.
Giả Liễn hỏi:
- Lại có việc gì đấy.
- Có việc gì quan hệ đâu. Chị Vượng có đứa con trai năm nay
mười bảy tuổi, vẫn chưa có vợ. Chị ấy muốn xin Thái Hà hầu bên phòng bà Hai,
không biết bà Hai có ưng hay không. Hôm nọ bà Hai thấy Thái Hà đã lớn, lại hay ốm
đau luôn, nên đã rộng lượng cho nó về nhà, đề tùy bố mẹ nó chọn ai xứng đáng
thì gả. Vì thế chị Vượng đến nhờ tôi nói giúp. Tôi nghĩ hai nhà ấy cũng môn
đăng hộ đối, nói một câu là tự khắc xong ngay; ngờ đâu chị ấy đến nói lại không
xong!
Giả Liễn nói:
- Việc ấy có quan hệ gì? Thiếu gì người giỏi hơn Thái Hà.
Vợ Lai Vượng cười nói:
- Cậu cứ nói vậy. Ngay nhà ấy cũng khinh chúng tôi, thì người
khác còn coi chúng tôi ra gì nữa. Tôi tìm kiếm mãi mới được đám này, mong cậu mợ
ra ơn xây dựng cho. Mợ cứ bảo thế nào họ cũng bằng lòng, nên tôi mới nhờ người
đến hỏi ướm, ngờ đâu mất công mua lấy cái bẽ. Kể ra con bé ấy cũng tốt đấy,
ngày thường tôi đã ướm nó, chẳng thấy nói gì; chỉ có hai vợ chồng lão già nhà
nó là làm bộ đấy thôi.
Câu nói ấy có ý chọc cả Phượng Thư và Giả Liễn, nhưng Phượng
Thư cứ ngồi im, xem vẻ mặt Giả Liễn ra làm sao. Giả Liễn đương bận việc, đâu
còn để bụng đến việc ấy. Hắn định bỏ mặc, nhưng ngại vì vợ Lai Vượng là người
theo hầu của Phượng Thư, vả lại ngày thường chị ta cũng chịu khó hầu hạ, nên
không tiện bỏ qua, liền nói:
- Việc ấy có quan trọng gì mà phải nói lôi thôi mãi? Chị cứ
yên tâm về đi. Ngày mai tôi sẽ đứng lên làm mối, sai hai người có thể diện đến
nói và mang lễ đến luôn, bảo là ý định của tôi đấy! Nếu họ nhất định không nghe
thì bảo họ đến đây gặp tôi.
Thấy Phượng Thư bĩu môi, vợ Lai Vượng hiểu ý ngay, gục đầu tạ
ơn Giả Liễn. Giả Liễn nói:
- Chị cứ tạ ơn mợ chị thôi. Tôi tuy nói thế, nhưng cũng phải
nhờ mợ chị sai người đi, gọi bà ta đến, nói khéo với bà ta thì hơn, nếu không
thì ra cậy thế bắt ép người ta quá, sau này hai bên thông gia cũng khó đi lại với
nhau.
Phượng Thư nói:
- Ngay cậu cũng còn để bụng làm ơn như thế, chẳng lẽ tôi lại
khoanh tay đứng nhìn hay sao? - Chị Vượng nghe đây: Tôi nói hộ chị việc này, chị
cũng phải làm ngay cho xong công việc của tôi. Chị về bảo anh ấy: bao nhiêu món
nợ bên ngoài, đến cuối năm nay phải thu cho đủ, thiếu một đồng cũng không được.
Tôi đã mang tiếng xấu rồi, nếu lại cho vay năm nữa, có lẽ họ ăn thịt tôi đấy!
Vợ Lai Vượng cười nói:
- Mợ nhát gan quá. Ai dám bàn tán. Nếu thu về, cứ công bằng
mà nói, chúng tôi lại nhẹ việc, khỏi phải mang trách mang oán với người.
Phượng Thư nói:
- Tôi thật là một tấm lòng ngây thơ hão! Tôi thu tiền về để
làm gì? Chẳng qua vì việc tiêu dùng hàng ngày, chi ra nhiều thu vào ít. Trong
nhà việc này việc khác, tiền lương tháng của tôi, của cậu ấy và của bốn người a
hoàn cộng cả lại được một vài chục lạng bạc, vẫn không đủ tiêu trong năm ba
ngày. Nếu tôi không xoay cách này cách khác, biết đâu chẳng phải ra đầu đình xó
chợ từ bao giờ rồi! Thế mà vẫn mang tiếng là người cho vay lãi. Đã thế, tôi thu
cả về. Tôi chả biết tiêu tiền như người khác ư? Từ nay trở đi, chúng ta cứ ngồi
mà tiêu bừa đi, được đến đâu hay đến đấy. Cứ xem trước kia, gặp ngày sinh nhật
cụ, bà Hai lo cuống lên trong hai tháng trời, chẳng nghĩ ra được cách gì, cũng
lại đến tôi phải nhắc một câu là trên lầu hiện có bốn, năm hòm đồ đồng, đồ thiếc,
không cần dùng đến, đem bán lấy ba trăm lạng bạc, lúc ấy mới có tiền sắm lễ,
nhuế nhóa cho qua, để khỏi bẽ mặt. Các chị cũng biết đấy, tôi bán một cái đồng
hồ vàng được năm trăm sáu mươi lạng bạc, chưa đầy nửa tháng, gặp ngay gần mười
việc lớn nhỏ, thành ra bù cả vào đấy hết cả. Bây giờ ở bên ngoài cũng thiếu tiền.
Không biết ai đã nghĩ ra kế này, về lục lọi của cụ. Sau này độ một năm nữa, có
lẽ sẽ lục lọi đến cả đồ nữ trang và quần áo nữa, như thế thì thật là đẹp!
Vợ Lai Vượng cười nói:
- Đem cầm bán đồ nữ trang và quần áo của bà hay của mợ nào mà
không đủ tiêu suốt đời. Có cái là không muốn làm thế thôi.
Phượng Thư nói:
- Không phải là tôi không làm được đâu, nhưng làm cách như thế
thì tôi đành chịu thôi. Tối hôm qua nằm mê, nói ra đáng buồn cười. Tôi mê gặp một
người quen quen, nhưng không biết tên. Hắn đến nói với tôi là quí phi sai hắn đến
đòi một trăm tấm gấm. Tôi hỏi là quí phi nào, cứ như hắn nói, thì không phải là
quí phi nhà chúng ta. Tôi không cho hắn, nhưng hắn cứ cướp lấy. Trong khi hắn
đang cướp thì tôi tỉnh dậy.
Vợ Lai Vượng cười nói:
- Đó là vì ban ngày mợ lo nghĩ, rồi nhớ đến việc hầu hạ ở
trong cung đấy.
Chợt có người vào trình:
- Quan Thái giám họ Hạ sai người nhà đến trình có việc.
- Lại còn việc gì nữa? Cả năm họ đến quấy quả kể cũng đã chán
rồi!
Phượng Thư nói:
- Cậu hãy lánh mặt đi, để tôi ra tiếp họ. Việc xoàng thì
thôi, nếu là việc quan trọng tôi sẽ có cách trả lời họ.
Giả Liễn liền lánh vào nhà trong.
Phượng Thư sai người dẫn tên tiểu thái giám vào, mời hắn ngồi
chơi uống nước, rồi hỏi có việc gì.
Tiểu thái giám nói:
- Quan Hạ thái giám muốn mua một ngôi nhà, nhưng thiếu mất
hai trăm lạng bạc, sai tôi đến hỏi, nếu bên nhà mợ có sẵn cho quan tôi vay, độ
vài hôm sẽ mang trả lại.
Phượng Thư cười nói:
- Việc gì phải trả. Có sẵn tiền đây hãy cứ lấy về. Khi nào
chúng tôi thiếu sẽ đến mượn lại, cũng thế.
Tiểu Thái giám nói:
- Quan Hạ tôi còn nói hai lần trước có vay một nghìn hai trăm
lạng bạc, vẫn chưa trả. Để đến cuối năm nay quan tôi sẽ mang lại trả cả một thể.
Phượng Thư cười nói:
- Quan nhà anh nhỏ nhen quá. Việc ấy có gì đáng để bụng? Tôi
nói câu này ông ấy giận cũng mặc: nếu món nào cũng nhớ trả cho chúng tôi thì
không biết phải trả bao nhiêu cho đủ? Chỉ sợ chúng tôi không có tiền, nếu có,
quan anh cứ việc lấy mà tiêu.
Phượng Thư gọi vợ Lai Vượng đến bảo:
- Bất cứ món nào, chị hãy chi hai trăm lạng mang vào đây.
Vợ Lai Vượng hiểu ý, cười nói:
- Vì không lấy vào món nào được, nên tôi mới phải đến xin mợ
chỉ cho.
- Các người chỉ biết lấy tiền ở trong này thôi; còn bảo ra
ngoài mà lấy thì không bao giờ có.
Nói xong liền gọi Bình Nhi:
- Mang hai cái vòng vàng của tôi ra đây, đi cầm tạm lấy bốn
trăm lạng bạc.
Bình Nhi vâng lời, mang một cái hộp gấm ra, trong có hai gói
bọc gấm. Mở ra, một chiếc vòng vàng dát hạt châu, mỗi hạt to độ bằng hạt sen,
còn một chiếc nữa thì dát ngọc đá xanh. Hai chiếc vòng này chẳng kém gì đồ
trang sức ở trong cung. Rồi mang đi cầm được bốn trăm lạng bạc đem về. Phượng
Thư sai đếm cho tiểu thái giám một nửa, còn một nửa thì giao cho vợ Lai Vượng,
bảo chị ta cầm lấy để sửa lễ tết Trung Thu. Tiểu thái giám cáo từ ra về. Phượng
Thư sai người mang tiền theo và tiễn ra đến cửa ngoài.
Bấy giờ Giả Liễn ở trong đi ra, cười nói với Phượng Thư:
- Cái bọn ma ở ngoài ấy quấy mãi đến bao giờ mới thôi?
- Vừa mới nói xong, đã lại có một bọn đến ngay.
- Hôm nọ Chu Thái giám đến, hỏi vay một nghìn lạng, tôi chậm
trả lời, hắn đã tỏ ra không bằng lòng. Sau này sẽ còn nhiều việc để cho người
ta oán trách. Bây giờ có món nào phát tài được năm ba vạn nữa mới được!
Giả Liễn nói xong thì Bình Nhi sắp sửa cho Phượng Thư rửa mặt,
thay áo sang hầu cơm bên Giả mẫu.
Giả Liễn ra đến thư phòng bên ngoài, thấy Lâm Chi Hiếu đến.
Giả Liễn hỏi có việc gì. Lâm Chi Hiếu nói:
- Nghe đâu ông Vũ Thôn bị giáng chức, không biết là việc gì,
nhưng chưa chắc có thực không?
- Thực hay hư thì chức quan của ông ấy cũng chưa chắc đã giữ
được lâu. Chỉ sợ sau này xảy ra chuyện gì, chi bằng chúng ta xa hắn ra là hơn.
- Phải đấy! Nhưng xa ngay sợ cũng khó đấy. Hiện giờ ông bên
phủ Đông chơi thân với hắn. Ông nhà ta cũng thích hắn, thường hay đi lại chơi bời,
ai mà chẳng biết?
- Nhưng không bàn bạc với hắn, thì cũng không can hệ gì. Anh
đi nghe ngóng xem có đích thực không và bị việc gì?
Lâm Chi Hiếu vâng lời, nhưng vẫn không đi, cứ ngồi ở ghế nói
chuyện phiếm. Khi bàn đến việc nhà khó khăn, hắn nhân dịp nói:
- Hiện giờ người ăn nhiều quá. Hôm nào rỗi, cậu trình với cụ
và ông lớn rộng ơn cho những người hầu già đã khó nhọc từ trước cho họ về nhà
không dùng nữa. Như thế, một là họ sẽ kiếm được việc làm ăn; hai là nhà ta mỗi
năm bớt được ít nhiều lương ăn và tiền tháng. Hơn nữa, các a hoàn bây giờ cũng
đông quá. Tục ngữ nói: “Mỗi lúc một khác”. Giờ không thể noi theo lệ trước được
nữa, đáng tám người chỉ dùng sáu thôi, đáng bốn người chỉ dùng hai thôi, tất
nhiên mỗi người đều thấy khó chịu đấy. Nhưng tính ra, đổ đồng các phòng, mỗi
năm có thể bớt được khá nhiều lương tiền. Vả chăng bọn hầu gái trong nhà có một
nửa đã lớn, đứa nào đáng gả chồng thì gả; đã lấy chồng tất lại sinh thêm người.
- Tôi cũng nghĩ thế, nhưng vì ông mới về, còn nhiều việc quan
trọng, chưa trình hết, đã nghĩ đâu đến việc này? Hôm nọ có người mối mang danh
thiếp đến cầu hôn, bà còn bảo là ông mới về, ngày nào cũng vui vẻ “gia đình
đoàn tụ”, nếu nhắc ngay việc ấy sợ ông buồn, nên chưa cho nói vội.
- Như thế rất đúng. Bà nghĩ thực là chu đáo.
- Phải đấy. Nói đến việc cầu hôn, tôi lại nhớ ra một chuyện.
Con trai của Lai Vượng muốn hỏi Thái Hà là đứa hầu của bà Hai. Hôm qua hắn đến
nhờ tôi, tôi nghĩ việc ấy có to tát gì? Anh rỗi đến nói một tiếng, cứ bảo là
tôi định như thế đấy.
Lâm Chi Hiếu vâng lời, một lúc lại cười nói:
- Cứ ý tôi thì cậu không nên để ý đến việc này. Con trai Lai
Vượng còn trẻ tuổi, đã ra ngoài rượu chè, cờ bạc, chẳng từ cái gì. Dù là đầy tớ
đấy, nhưng việc này quan hệ đến cả một đời người. Con bé Thái Hà lâu nay tôi
không gặp, nhưng thấy người ta nói, nó bây giờ xinh lắm. Vậy thì tội gì lại làm
khổ đời một đứa con gái?
- Ơ! Thằng bé ấy lại đâm ra rượu chè, làm những việc bậy bạ ở
ngoài à? Đã thế, còn hỏi vợ cho nó làm gì? Hãy đánh cho nó một trận, giam lại đấy,
rồi hỏi bố mẹ nó xem sao.
- Cần gì phải làm ngay bây giờ? Khi nào nó gây chuyện, tôi sẽ
trình cậu trị tội. Bây giờ hãy tha cho nó.
Giả Liễn không nói gì. Một lúc Lâm Chi Hiếu lui ra.
Buổi chiều, Phượng Thư sai người đi gọi mẹ Thái Hà đến nói
chuyện, mẹ Thái Hà vốn không bằng lòng nhưng thấy Phượng Thư chịu nói với mình,
rất lấy làm hãnh diện, nhận lời ngay.
Phượng Thư lại hỏi Giả Liễn:
- Đã nói hộ việc ấy chưa?
- Tôi vẫn định nói hộ, nhưng nghe đâu thằng bé ấy không ra hồn
người, nên tôi hãy để nán lại. Nếu quả nó không ra gì, hãy nên dạy bảo ít lâu,
rồi sẽ lấy vợ cho nó cũng không muộn.
- Những người họ Vương nhà tôi, ngay tôi cũng chẳng được vừa
ý cậu nữa là bọn đầy tớ! Tôi đã nói với mẹ Thái Hà rồi, bà ấy vui lòng lắm, có
nhẽ nào bây giờ lại gọi bà ấy đến dãn hay sao?
- Mợ đã nói rồi, thì cần gì phải dãn. Mai đây tôi sẽ bảo cha
nó phải lo dạy con cho tử tế mới được.
Trước đây Thái Hà được về nhà tùy bố mẹ chọn người gả bán, mặc
dù trong bụng có quyến luyến với Giả Hoàn, nhưng cũng chưa có gì chắc chắn. Bây
giờ thấy Lai Vượng đến cầu hôn, lại nghe con trai hắn ta hay rượu chè cờ bạc,
người lại xấu, nên không vừa ý. Thái Hà sinh ra buồn bực, chỉ sợ Lai Vượng cậy
thế Phượng Thư, một khi công việc xong xuôi, sẽ là mối lo cho suốt cả một đời,
nên lòng càng run sợ. Đến tối nó khẽ bảo em là Tiểu Hà vào cửa thứ hai tìm dì
Triệu, hỏi rõ đầu đuôi. Ngày thường dì Trệu rất mến Thái Hà, chỉ mong lấy được
nó cho Giả Hoàn, để có người giúp đỡ, không ngờ Vương phu nhân lại cho Thái Hà
ra ngoài. Dì Triệu thường xui Giả Hoàn đến van xin, nhưng một là Giả Hoàn xấu hổ
không dám nói, hai là chính hắn cũng không để ý đến Thái Hà, cho Thái Hà là một
đứa hầu, nó đi sau này tất có đứa khác đẹp hơn, vì thế hắn cứ vùng vằng không
chịu nói, ý muốn lờ đi cho rảnh. Khốn nỗi dì Triệu lại không chịu rời, thấy em
Thái Hà đến hỏi, nhân buổi chiều rỗi, liền đến xin với Giả Chính.
Giả Chính nói:
- Việc gì mà vội! Chờ nó học một vài năm nữa đã rồi sẽ tìm
người cũng chưa muộn. Ta đã để ý hai đứa a hoàn, một đứa cho Bảo Ngọc; một đứa
cho thằng Hoàn. Chỉ vì chúng hãy còn bé, sợ làm lỡ việc học, hãy chờ vài năm nữa
sẽ hay.
Dì Triệu nói:
- Bảo Ngọc đã có từ hai năm nay rồi, ông còn chưa biết sao?
- Ai vậy?
Dì Triệu còn muốn nói nữa, bỗng nghe phía ngoài ầm một tiếng.
Mọi người giật mình, không biết vỡ cái gì.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Tức mồng 9 tháng 9 âm lịch.
(2). Thạch Sùng người đời Tấn, giầu địch với vua. Đặng Thông
người đời Hán, được vua yêu cho quả núi đồng để đúc tiền. Vì thế Đặng Thông rất
giàu.
(3). Theo tục đời xưa, người chết, thì bỏ một ít tiền hoặc gạo
vào trong miệng và rải một ít tiền dưới kê sau lưng để đặt người chết xuống.
Hồi 73:
A hoàn ngơ ngẩn, nhặt nhầm túi xuân tình;
Tiểu thư ươn hèn, bỏ lơ dây kim phượng.
Dì Triệu đương nói chuyện với Giả Chính, chợt nghe thấy ầm một
tiếng ở bên ngoài, không biết vật gì rơi, liền hỏi, hóa ra cái cửa sổ nhà ngoài
không cài chặt then rơi xuống. Dì Triệu mắng bọn a hoàn mấy câu, dẫn họ đi đóng
lại tử tế rồi vào sửa soạn cho Giả Chính đi nghỉ.
Trong viện Di Hồng. Bảo Ngọc vừa mới đi ngủ, bọn a hoàn cũng
định đi ngủ, chợt nghe có người đến gõ cửa, bà già ra mở, thấy a hoàn của dì
Triệu là Tiểu Thước đến. Họ hỏi, nó không trả lời, cứ đi thẳng vào trong nhà
tìm Bảo Ngọc. Bảo Ngọc mới đi ngủ; bọn Tình Văn đương ngồi cười đùa ở cạnh giường,
thấy nó đến, đều hỏi:
- Việc gì mà bây giờ còn chạy đến?
Tiểu Thước vội khẽ nói với Bảo Ngọc:
- Cháu đến mách cậu cái tin này, vừa rồi dì Triệu cháu thì
thào với ông lớn, không biết nói chuyện gì về cậu. Cháu chỉ nghe thấy hai tiếng
“Bảo Ngọc” thôi. Cháu lại mách cậu, cẩn thận không ngày mai ông sẽ hỏi đến cậu
đấy!
Tập Nhân sai người giữ nó lại uống nước, nhưng sợ cửa đóng,
nó chạy đi ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, biết là dì Triệu xấu bụng, coi mình như
quân thù, nhưng không biết dì ấy đã nói những gì, nên cứ như Tôn Ngộ Không sợ
“vành kim cô” ấy, chân tay bủn rủn, gan ruột bồn chồn. Nghĩ mãi không biết làm
thế nào, đành phải học ôn sách, phòng ngày mai cha có hỏi đến chăng. Cốt sao
sách vở không sai nhầm, thì việc gì cũng có thể che lấp được. Nghĩ vậy, Bảo Ngọc
khoác áo đứng dậy, trong bụng băn khoăn: “Mấy lâu nay mình cho là không ai hỏi
đến, cứ bỏ khuấy đi. Nếu biết thì ngày nào mình cũng đem ra ôn lại ít nhiều mới
được. Nay tính nhẩm lại, những sách có thể đọc thuộc lòng được, chẳng qua chỉ mấy
quyển “Đại học”, “Trung dung” và “Luận ngữ”, “Mạnh Tử thượng” nhớ mang máng độ
một nửa, bất chợt cha hỏi một câu, chắc không thể đọc được. “Mạnh Tử hạ” thì
quên gần hết. “Ngũ kinh” thì vì gần đây làm thơ thường hay lượm lặt ít nhiều
trong đó, nên thuộc lõm bõm, có thể nói qua được. Những sách khác tuy không nhớ
hết, nhưng may ngày thường cha chưa bắt học, dù không biết cũng không sao. Về cổ
văn như “Tả truyện”, “Quốc sách”, “Công dương”, “Cốc lương”, Hán văn, Đường
văn, thì mấy năm trước cũng đã đọc qua, nhưng vài năm nay bỏ nhãng đi, khi cao
hứng thì đọc, đọc rồi lại quên, - mình chưa chịu khó nghiền ngẫm thì nhớ sao được?
Việc này cũng khó che đậy đấy. Lại còn văn bát cổ nữa, vì mình ngày thường rất
ghét, cho đó không phải văn của thánh hiền đặt ra, nên không thể khơi sâu được
ý nghĩa, chẳng qua chỉ là cái bậc thang để câu mồi danh lợi của bọn người sau
đó thôi.
Vì khi Giả Chính sắp ra đi, có chọn hơn một trăm bài cho Bảo Ngọc đọc, nhưng đều là thời văn của người sau, thỉnh thoảng một vài vế trong câu “thừa” hay câu “khởi” cũng có ý sâu sắc hoặc trôi chảy, hoặc đùa bỡn, hoặc thương cảm làm xúc động lòng người, tình cờ đọc lên, thấy có hứng thú trong chốc lát, nhưng rút cục chẳng để tâm nghiền ngẫm được trọn một bài nào. Bây giờ mình ôn tập bài nọ, sợ ngày mai cha hỏi bài kia; ôn tập bài kia lại lo cha tra bài nọ, dù ôn tập cả đêm cũng không thể hết được. Bảo Ngọc càng thấy sốt ruột. Việc đọc sách của Bảo Ngọc chẳng quan trọng gì, nhưng phiền nhất là các a hoàn không ai ngủ được. Tập Nhân thì đứng bên cạnh cắt ngọn đèn và pha nước, bọn hầu nhỏ thì mệt lử, ngủ gà ngủ gật.
Vì khi Giả Chính sắp ra đi, có chọn hơn một trăm bài cho Bảo Ngọc đọc, nhưng đều là thời văn của người sau, thỉnh thoảng một vài vế trong câu “thừa” hay câu “khởi” cũng có ý sâu sắc hoặc trôi chảy, hoặc đùa bỡn, hoặc thương cảm làm xúc động lòng người, tình cờ đọc lên, thấy có hứng thú trong chốc lát, nhưng rút cục chẳng để tâm nghiền ngẫm được trọn một bài nào. Bây giờ mình ôn tập bài nọ, sợ ngày mai cha hỏi bài kia; ôn tập bài kia lại lo cha tra bài nọ, dù ôn tập cả đêm cũng không thể hết được. Bảo Ngọc càng thấy sốt ruột. Việc đọc sách của Bảo Ngọc chẳng quan trọng gì, nhưng phiền nhất là các a hoàn không ai ngủ được. Tập Nhân thì đứng bên cạnh cắt ngọn đèn và pha nước, bọn hầu nhỏ thì mệt lử, ngủ gà ngủ gật.
Tình Văn liền mắng:
- Bọn ranh con này! Ngủ trương xác suốt ngày suốt đêm không đủ
à, giờ mới thức khuya một tí mà đã thế. Nếu còn thế nữa ta sẽ lấy kim đâm mấy
cái cho mà coi!
Bỗng bên ngoài có tiếng “cộc” một cái, té ra một a hoàn ngồi
ngủ gật, đầu va vào vách. Nó bàng hoàng tỉnh dậy, nghe đúng câu mắng của Tình
văn. Nó hoảng hốt tưởng Tình Văn đánh mình, liền khóc van:
- Thưa chị! Em không dám ngủ nữa!
Mọi người đều cười ầm lên.
Bảo Ngọc vội khuyên:
- Thôi tha cho nó. Đáng lẽ nên bảo chúng nó đi ngủ. Các chị
cũng nên thay nhau đi ngủ đi.
Tập Nhân nói:
- Ông trẻ ơi! ông cứ lo việc của ông đã! Chỉ còn một đêm nay
nữa, ông hãy cứ để bụng vào mấy quyển sách đi. Nếu qua được bước này, thì ông
tha hồ, muốn nghĩ gì cũng chẳng sợ lầm lỡ nữa.
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân nói thiết tha thế, đành lại phải đọc.
Đọc được mấy câu, thấy Xạ Nguyệt pha một chén nước đưa cho nhấp giọng. Bảo Ngọc
thấy Xạ Nguyệt chỉ mặc một áo lót, liền bảo:
- Đêm khuya rồi, trời lạnh, chị phải mặc áo ngoài vào mới được.
Xạ Nguyệt trỏ vào sách, cười:
- Cậu thử tạm quên chúng tôi đi, hãy để bụng vào đây đã.
Nói chưa dứt lời thì Xuân Yến, Thu Văn từ cửa buồng sau chạy
vào, kêu ầm lên:
- Nguy rồi! Có một người ở trên tường nhảy xuống!
Mọi người hỏi: “Ở đâu?” Rồi lập tức gọi người đi tìm khắp
nơi.
Tình Văn thấy Bảo Ngọc suốt đêm nghiền ngẫm sách vở vất vả
tinh thần, chưa chắc ngày mai đã được yên thân, nên trong bụng nghĩ ra một kế
cho Bảo Ngọc thoát nạn. Chợt gặp việc kinh khiếp này, liền nói với Bảo Ngọc:
- Gặp dịp này, cậu hãy giả cách ốm, cứ bảo là vì sợ quá.
Câu nói trúng vào tim đen, Bảo Ngọc gọi ngay người canh đêm đến
bắt họ thắp đèn đi lục lọi các nơi, nhưng không thấy dấu vết gì cả. Họ đều nói:
- Chắc là các cô bé buồn ngủ quá, hoa mắt lên, thấy gió đập
cành cây lại nhận nhầm là người đấy thôi.
Tình Văn nói:
- Đừng nói bậy! Các người tra xét không nghiêm ngặt, sợ mang
lỗi, nên giở cách để chống đỡ! Vừa rồi không phải chỉ một người trông thấy, cậu
Bảo cùng chúng tôi đi ra xem, đều thấy rõ cả. Hiện giờ cậu Bảo sợ quá tái hẳn mặt
đi, khắp người nóng ran, tôi phải lên buồng lấy thuốc an thần cho cậu ấy uống
đây; nếu bà hỏi, tôi phải trình rõ, chẳng nhẽ theo lời các người rồi bỏ qua đi
hay sao?
Mọi người nghe xong, sợ quá, không dám nói gì, đành phải đi
tìm các ngả. Tình Văn và Thu Văn cùng đi ra xin thuốc, cố ý làm ầm lên cho mọi
người biết là Bảo Ngọc sợ quá đâm ốm. Vương phu nhân sai người đến thăm và cho
thuốc, dặn dò các người canh đêm phải tra xét cấn thận; lại cho tra hỏi bọn
canh đêm ở cửa thứ hai vườn bên cạnh. Vì thế đèn đuốc khắp vườn, nhộn lên cả
đêm. Đến trống canh năm, lại truyền cho bọn quản gia xét hỏi lại kỹ càng.
Giả mẫu nghe nói Bảo Ngọc bị kinh khiếp, hỏi kỹ ngọn ngành, mọi
người không dám giấu, đành phải trình rõ, Giả mẫu nói:
- Ta không ngờ có việc này. Lâu nay bọn canh đêm không được cẩn
thận, nhưng đó còn là việc nhỏ, chỉ sợ chính chúng nó lại là trộm cướp cũng
chưa biết chừng!
Hình phu nhân và Vưu thị đều đến hỏi thăm. Lý Hoàn, Phượng
Thư cũng đứng hầu đấy, nghe Giả mẫu nói thế, đều lặng thinh cả. Chỉ có Thám
Xuân đứng ra cười nói:
- Gần đây chị Phượng cháu không được khỏe, nên những người
trong vườn ngông cuồng hơn trước nhiều. Lúc đầu chẳng qua họ lén lút, một chốc
một lát hoặc khi canh đêm, ba bốn người họp nhau gieo xúc xắc, đánh bài chơi
đùa, chỉ cốt đỡ buồn ngủ thôi. Nhưng bây giờ càng ngày họ càng bừa bãi, mở hẳn
sòng bạc, thậm chí có người chứa gá, người làm cái, được thua hàng dăm, ba chục
quan. Trước đây nửa tháng đã xảy ra việc tranh giành đánh nhau.
Giả mẫu nghe thế, liền nói:
- Cháu đã biết rõ, sao không đến trình ngay.
- Cháu thấy mẹ cháu bận việc, lại mấy hôm nay không được khỏe,
nên cháu chưa dám trình, chỉ mách chị Cả và những người coi việc, đã dặn bảo họ
mấy lần, bây giờ cũng đã đỡ rồi.
Giả mẫu nói:
- Các cô biết đâu được những chuyện tai hại trong đó. Cháu tưởng
đánh bạc là việc thường, chỉ có thể xảy ra tranh cãi nhau là cùng; chứ biết đâu
ban đêm đã đánh bạc thì tất phải uống rượu, đã uống rượu thì tha hồ mở cửa hoặc
đi mua thức ăn, tìm người này người nọ, trong lúc đêm khuya vắng người, thôi
thì đủ cả giấu trộm, dắt cướp, chẳng từ việc gì. Vả chăng những người ở cùng với
các cháu trong vườn đều là bọn bàn bà con gái, kẻ hay người dở lẫn lộn, trộm cướp
còn là việc nhổ, chứ nếu xảy ra chuyện gì không hay, lỡ có dính líu đến, thì
không phải chuyện chơi! Việc này bỏ qua sao được?
Thám Xuân nghe nói lẳng lặng về chỗ ngồi. Phượng Thư tuy chưa
khỏi hẳn, nhưng tinh thần vẫn còn tỉnh táo, thấy vậy liền nói:
- Khốn nỗi cháu lại đương ốm!
Rồi quay ra sai người đi gọi ngay bốn người đàn bà tổng lý
trong nhà là bọn vợ Lâm Chi Hiếu đến, quở trách họ ngay trước mặt Giả mẫu. Giả
mẫu truyền đi tra xét ngay những nhà chứa bạc. Người nào ra thú trước thì được
thưởng, kẻ nào cố giấu thì phải phạt. Vợ Lâm Chi Hiếu thấy Giả mẫu nổi giận,
không dám thiên vị một ai, liền vào trong vườn tra hỏi hết lượt. Mọi người đều
chối quanh nhưng “cháy nhà ra mặt chuột”, lúc lâu rồi cũng tra ra được ba sòng
to, tám sòng nhỏ, tất cả có hơn hai mươi con bạc. Bà ta dẫn đến trình Giả mẫu.
Họ đều quỳ cả ở ngoài sân, lạy lục xin tha.
Trước hết Giả mẫu hỏi tên họ ba chủ sòng bạc lớn và số bạc có
bao nhiêu? Trong số ba chủ sòng lớn có một người là đôi con dì với vợ Lâm Chi
Hiếu; một người là em gái nàng dâu thím Liễu hiện làm bếp ở trong vườn; một người
nữa là vú nuôi của Nghênh Xuân. Ba người này đứng đầu, còn nữa không thể kể hết
được. Giả mẫu sai đốt hết xúc xắc và cỗ bài, tịch thu hết tiền đánh bạc đem
chia cho mọi người; đánh mỗi người đứng đầu bốn mươi gậy rồi đuổi cổ đi, nhất thiết
không cho vào làm nữa; những người theo hùa thì đánh hai mươi gậy, phạt ba
tháng lương, bắt vào quét dọn nhà xí. Lại quở trách vợ Lâm Chi Hiếu một trận.
Vợ Lâm Chi Hiếu thấy người bà con làm mình mặt, đâm ra
cụt hứng. Nghênh Xuân ngồi đấy cũng thấy ngượng ngùng. Bọn Đại Ngọc, Bảo Thoa,
Thám Xuân thấy vú nuôi Nghênh Xuân như thế, cũng có ý thương tình, đều đứng dậy
cười xin Giả mẫu:
- Bà vú này, xưa nay không đánh bạc, không biết sao bây giờ lại
tự nhiên thích vui thế. Xin bà nể mặt cô Hai mà tha cho bà ấy một lần.
Giả mẫu nói:
- Các cháu không biết! Những bọn vú này, người nào cũng cậy
mình nuôi các cô các cậu, có chút thể diện hơn người khác nên cứ hay so bì,
càng đáng ghét hơn. Họ chỉ biết ton hót chủ nhà che lỗi, thiên vị cho họ. Ta đã
biết cả rồi. Ta vẫn muốn trị một đứa để làm gương, thì vừa hay gặp ngay con mụ
này. Các cháu đừng dây vào, ta đã có cách.
Bọn Bảo Thoa nghe nói thế, đành phải thôi.
Một lúc, Giả mẫu đi nghỉ trưa. Mọi người lui ra. Thấy Giả mẫu
nổi giận, chưa ai đám về nhà, cứ phải ở lại đấy chực chầu. Vưu thị đến nhà Phượng
Thư nói chuyện phiếm một lúc nhưng vì thấy chị ta cũng khó ở đành vào trong vườn
nói chuyện phiếm với các chị em.
Hình phu nhân ngồi ở nhà Vương phu nhân một lúc, rồi cũng vào
chơi trong vườn. Vừa tới nơi, thấy a hoàn nhỏ của Giả mẫu, tên là con Ngốc,
đương tươi cười hí hớn đi lại, trong tay cầm một vật gì xanh đỏ, cúi đầu vừa ngắm
vừa chạy, không ngờ đụng phải Hình phu nhân, nó ngẩng lên, thấy vậy, mới đứng lại.
Hình phu nhân nói:
- Con Ngốc kia, mày bắt được cái gì mà thích thế? Đưa lại đây
ta xem nào.
Con Ngốc mười bốn tuổi, mới được tuyển vào làm những việc
gánh nước, quét nhà ở trong nhà Giả mẫu. Giả mẫu thấy người nó vạm vỡ, hai chân
lại to, làm việc rất nhanh nhẹn gọn gàng, tính lại ngu đần không biết gì cả, hễ
nói ra là ai cũng bật cười. Giả mẫu thích nó lắm, liền đặt tên cho nó là con Ngốc.
Nó có lầm lỗi điều gì, được Giả mẫu vui, nên cũng không bị trách mắng. Lúc rỗi
việc, nó hay vào trong vườn chơi đùa. Bấy giờ nó đương tìm bắt dế mèn ở sau núi
đá, chợt trông thấy một cái túi thơm(1) thêu chỉ ngũ sắc, không phải con chim
cành hoa gì cả, mà là hai người trần truồng đương ôm nhau, với mấy chữ đề. Con
bé Ngốc này không biết đó là lối khêu gợi xuân tình, trong bụng đắn đo: “Chắc
là hai con yêu tinh đánh nhau chăng? Nếu không, hẳn là hai người đánh nhau gì
đây?” Nó đoán mãi không ra, định mang về đưa Giả mẫu xem. Vì thế nó hí hửng chạy
về. Thấy Hình phu nhân hỏi, nó cười nói:
- Bà nói rất đúng, thực là một vật đáng yêu! Bà thử xem đây.
Nói xong nó đưa ra.
Hình phu nhân cầm xem, sợ quá, vội nắm chặt lấy nó, hỏi ngay:
- Mày nhặt được cái này ở đâu?
- Cháu đi bắt dế, nhặt được ở sau núi đá.
- Mày không được nói cho ai biết. Cái này không đẹp đâu. Cả
mày cũng đáng đánh chết nữa. Nhưng vì mày vốn là con ngốc, từ nay không được nhắc
đến nữa.
Nghe xong nó sợ tái mặt đi, thưa: “vâng” rồi gục đầu tạ, ngơ
ngẩn chạy đi.
Hình phu nhân quay lại nhìn, theo sau đều là bọn hầu gái cả,
không tiện đưa cho chúng, liền tự mình bỏ vào ống tay áo, trong bụng rất lấy
làm lạ, đoán mãi không biết cái này ở đâu đến đây, nhưng không lộ ra nét mặt,
đi thẳng vào buồng Nghênh Xuân. Vì vú nuôi bị tội, Nghênh Xuân trong bụng khó
chịu, thấy mẹ đến, liền ra mời vào. Uống nước xong, Hình phu nhân nói:
- Con đã lớn rồi, vú nuôi của con làm bậy như thế, sao con
không răn bảo. Hiện giờ người ta đều tử tế cả, riêng người nhà mình là xấu
thôi. Thế là nghĩa thế nào?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo, một lúc mới thưa:
- Con đã bảo bà ấy hai lần, nhưng bà ấy không nghe, con cũng
chẳng biết làm thế nào cả. Vả chăng bà ấy là vú nuôi, chỉ có bà ấy bảo được con
thôi, chứ con không thể bảo được bà ấy.
- Nói nhảm! Con có điều không phải thì vú ấy bảo con; nhưng
vú ấy phạm pháp, thì con phải lấy tư cách là cô mà răn bảo. Nếu vú ấy không
nghe, con trình mẹ biết mới phải. Bây giờ vỡ lở ra, người ngoài biết, còn ra
làm sao nữa! Hơn nữa vú ấy là nhà gá bạc, cũng đã nói khôn nói khéo, mượn trâm
vòng quần áo của con đi cầm để làm tiền vốn. Con là người nhẹ dạ cả nể, chắc
đâu không giúp đỡ ít nhiều. Nếu bị vú ấy lừa mất, thì ta một đồng không có, rồi
đây ngày tết, con ấy gì mà ăn mặc?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo không nói gì cả. Hình phu
nhân thấy vậy cười nhạt:
- Rút cuộc, chỉ có anh con, chị dâu con là tiếng tăm lừng lẫy
thôi! Cậu hai Liễn! Mợ Phượng! Cả hai làm trời làm đất, việc gì cũng thu xếp
đâu vào đấy, nhưng có một cô em thì lại chả để ý gì đến. Nếu như con ta đẻ ra,
thôi thì mặc kệ chúng. Nhưng con lại không phải con đẻ của ta. Con với anh con,
dù khác mẹ, vẫn là cùng cha, phải nên chăm sóc lẫn nhau một chút, đừng để người
ngoài chê cười. Ta nghĩ, việc đời khó mà liệu định được. Con là con nàng hầu của
ông Cả, con Thám Xuân là con nàng hầu của ông Hai. Hai đứa đều như nhau cả. Mẹ
con đã chết rồi. Nhưng kể ra, mẹ con còn giỏi gấp mười dì Triệu, đáng lẽ con
cũng phải hơn con Thám Xuân mới phải.
Một người đứng hầu bên cạnh thừa dịp nói:
- Cô tôi hiền lành phúc hậu, có đâu như cô Ba là người mồm
mép láu lỉnh, làm em lại cứ đành hanh. Biết chị như vậy, cô ấy chẳng vị nể chút
nào.
Hình phu nhân nói:
- Anh chị ruột còn như vậy, trách gì người ngoài.
Lúc đó có người vào trình:
- Mợ Liễn sang hầu.
Hình phu nhân nghe nói, cười nhạt mấy tiếng, rồi sai người ra
bảo: “Mời mợ ấy về nhà nghỉ ngơi cho khoe, ta không cần mợ ấy vào hầu.”
Sau lại có a hoàn coi việc dò tin đến báo: “Cụ đã dậy rồi”.
Hình phu nhân mới đứng dậy sang bên nhà Giả mẫu.
Nghênh Xuân tiễn ra đến ngoài sân mới vào, Tú Quất hỏi ngay:
- Thế nào? Hôm nọ cháu đã trình cô cái dây vàng dát hạt châu
buộc mũ không thấy đâu, cô cũng không nói gì cả. Cháu đoán là bà vú đem cầm lấy
tiền gá bạc, cô không tin cứ bảo là Tư Kỳ cất, sai cháu đi hỏi Tư Kỳ, Tư Kỳ tuy
ốm, vẫn nhớ rõ ràng. Nó nói là không cất, vẫn để ở trong cái tráp trên giá
sách, định để đến rằm tháng tám cho cô đội, cô nên cho hỏi bà vú một tiếng xem.
- Hỏi làm gì? Chắc bà ấy mang đi trang trải công nợ rồi. Tôi
nghĩ bà ấy có vụng trộm lấy, cũng chỉ ít lâu sẽ lại vụng trộm đem trả, ai ngờ
bà ấy lại quên. Hôm nay xảy ra chuyện, có hỏi bà ấy cũng vô ích.
- Khi nào lại quên? Bà ấy biết tính nết của cô mới dám làm
như thế. Cháu nghĩ, nên đến nhà mợ Hai trình rõ việc này, rồi cho người đi hỏi
bà ấy; hay là bỏ ít tiền ra chuộc cho bà ấy để bớt việc đi, cô nghĩ thế nào?
- Thôi thôi! Bớt việc đi là phải. Thà không có cái ấy thì
thôi, còn sinh sự làm gì?
- Sao cô nhút nhát thế? Cái gì cũng muốn bớt việc, thì sau
này họ lừa cả cô nữa đấy! Cháu đi đây.
Tú Quất đi ngay. Nghênh Xuân cũng không nói gì, mặc cho nó
đi.
Ngờ đâu nàng dâu vú nuôi Nghênh Xuân là vợ Ngọc Trụ, vì mẹ chồng
có tội, đến nhờ Nghênh Xuân xin hộ. Thấy họ đương nói chuyện mất dây vàng, nên
chưa vào vội. Biết Nghênh Xuân ngày thường là người nhu nhược, nên chúng không
coi vào đâu. Giờ thấy Tú Quất nhất định đi trình Phượng Thư, xem việc này khó
lòng thoát tội, vợ Ngọc Trụ có ý kêu van Nghênh Xuân, nên phải đi vào, trước hết
cười nói với Tú Quất:
- Chị ơi, chị đừng sinh sự nữa. Và thưa cô, dây vàng của cô
là do mẹ chồng tôi già lẫn, đánh bạc thua, không có tiền gỡ, đã mượn đem đi cầm,
cũng định ngày một ngày hai sẽ chuộc lại, nhưng chưa gỡ được, nên phải để chậm,
ngờ đâu lại xảy ra chuyện này. Dù sao cũng là đồ của chủ, chúng tôi không dám để
lâu, thế nào cũng phải chuộc về trả. Mong cô nghĩ đến tình bú mớm từ nhỏ, đến
xin với cụ, cứu vớt mẹ chồng tôi.
Nghênh Xuân nói:
- Chị ơi, chị đừng có nghĩ mơ hồ như thế! Nếu đợi tôi đi xin
hộ, thì chờ đến sang năm cũng chẳng ăn thua gì. Vừa rồi chính chị Bảo và cô Lâm
đến xin hộ, cụ còn chẳng nghe nữa là nữa tôi. Tự tôi đã thấy ngượng rồi, lại đi
mua thêm lấy cái ngượng nữa sao?
Tú Quất nói:
- Chuộc dây vàng là một việc, đi xin hộ là một việc, không thể
kéo cái nọ vào cái kia được. Chẳng lẽ cô tôi không đi nói hộ, thì chị không chịu
đền hay sao? Chị hãy đi lấy dây vàng về đây đã rồi sẽ liệu.
Vợ Ngọc Trụ thấy Nghênh Xuân dứt khoát từ chối, Tú Quất nói lại
đanh thép, không biết trả lời ra sao, bị bẽ mặt quá, nhưng biết rõ Nghênh Xuân
xưa nay là người dễ dãi, liền quay lại bảo Tú Quất:
- Chị ơi, chị đừng làm ồn lên nữa, chị xem khắp phủ này, người
vú nuôi nào chẳng nhờ thế các cô các cậu kiếm ít nhiều lợi lộc? Chỉ có chúng
tôi đây một là một hai là hai thôi, còn các chị thì tha hồ mà lừa gạt người ta.
Từ ngày cô Hình đến đây, bà Cả bắt phải bớt tiền lương của cô ấy mỗi tháng một
lạng để gửi cho bà mợ, như thế nhà này vẫn phải sắm sửa những món cần dùng cho
cô Hình, lại hụt đi một lạng. Thường khi thiếu cái này, thiếu cái nọ, chẳng phải
chúng tôi bỏ tiền ra bù, thì còn đi hỏi ai nữa? Chẳng qua chúng tôi cũng xuề
xòa cho xong đấy thôi. Tính đến bây giờ, ít ra cũng phải bù mất ba mươi lạng rồi!
Thế thì món tiền ấy của chúng tôi mất toi à?
Tú Quất không chờ nói hết, nhổ toẹt một cái nói:
- Chị làm gì mà phải mất toi ba mươi lạng? Tôi hãy tính sổ
cho chị xem. Cô đòi những món gì?
Nghênh Xuân nghe thấy vợ Ngọc Trụ nói lộ việc riêng của Hình
phu nhân, liền gạt đi, nói:
- Thôi, thôi! Không đòi được dây vàng về thì thôi, chị đừng
có vơ quàng vơ xiên làm ầm lên nữa. Tôi cũng chẳng cần đến dây vàng. Nếu các bà
có hỏi, tôi chỉ nói là đánh mất, cũng chẳng can hệ gì đến chị. Chị về nghỉ
thôi.
Rồi cô ta sai Tú Quất đi pha nước. Tú Quất tức giận,
nói:
- Cô tuy không sợ, nhưng còn cháu đây để làm gì? Họ đã làm mất
đồ vật của cô, lại còn nói bậy là cô tiêu tiền của họ, bây giờ phải khấu trừ
đi. Nếu bà Hai hỏi cô tại sao tiêu hết bấy nhiêu tiền và cho là chúng cháu nhờ
bão bẻ măng, ăn bớt xén gì chăng? Như vậy sao được.
Tú Quất vừa nói vừa khóc. Tư Kỳ nghe thấy không chịu được cố
gượng dậy, bênh vực Tú Quất, hỏi vặn lại vợ Ngọc Trụ. Nghênh Xuân không can nổi,
đi lấy quyển “Thái thượng cảm ứng thiên”(2) ra xem.
Bảo Thoa, Bảo Cầm, Đại Ngọc, Thám Xuân, nghe Nghênh Xuân hôm
nay khó chịu, bèn hẹn nhau đến an ủi. Họ vừa vào sân, thấy mấy người đương đấu
khẩu nhau. Thám Xuân nhìn qua cửa sổ, thấy Nghênh Xuân ngồi tựa trên giường xem
sách, như không nghe thấy gì. Thám Xuân cũng buồn cười. Bọn a hoàn nhỏ vội vén
rèm vào trình: “Các cô đến chơi đấy”. Nghênh Xuân bỏ sách đứng dậy. Vợ Ngọc Trụ
thấy người đến, có cả Thám Xuân nữa, nên không ai ngăn cũng phải thôi, lẻn đi mất.
Thám Xuân ngồi xuống, hỏi:
- Vừa rồi ai nói gì ở trong này như là cãi nhau ấy?
Nghênh Xuân nói:
- Có gì đâu, chẳng qua việc bé xé ra to, hỏi họ làm gì?
- Tôi vừa nghe thấy nói nào là “dây vàng” nào là “không có tiền
phải tiêu của bọn đầy tớ”. Vậy ai là người tiêu tiền của đầy tớ? Có nhẽ nào chị
lại phải tiêu tiền của họ à?
Tư Kỳ, Tú Quất đều nói:
- Cô nói phải đấy! Khi nào cô tôi lại tiêu tiền của bọn họ?
Thám Xuân cười nói:
- Chị đã không tiêu tiền của họ, thì chắc là chúng tôi tiêu của
họ chứ gì? Gọi chị ta vào đây, tôi cần hỏi một việc!
Nghênh Xuân cười nói:
- Thế mới buồn cười chứ! Việc này có dính dáng gì đến các cô,
lôi thôi với họ làm gì.
Thám Xuân nói:
- Như thế không đúng. Em cũng như chị. Việc của chị cũng như
việc của em. Người ta nói chị tức là nói em. Nếu ở bên nhà em có ai oán trách
em, chị nghe thấy cũng coi như là người ta oán trách chị vậy. Chúng ta là chủ,
tất nhiên không nghĩ gì đến việc tiền tài lặt vặt, chỉ biết cần món nào lấy món
ấy, đó là việc thường. Nhưng không biết tại sao lại nói kèm cả việc dây vàng
vào đấy?
Vợ Ngọc Trụ sợ bọn Tú Quất tố giác việc mình ra, vội chạy vào
tìm lời che giấu. Thám Xuân biết ý, cười nói:
- Các chị thế mới lẩn thẩn chứ! Mẹ chồng chị đã mắc lỗi, nhân
lúc này, chị đến xin với mợ Hai, trích một ít trong số tiền chưa kịp chia cho
người ta đem đi chuộc về là xong. Như vậymọi người đều giữ được thể diện, việc
gì cứ phải làm ầm lên. Giờ đã trót làm mất thể diện, thì dù có mười tội, cũng
chỉ một người chịu thôi, lẽ nào lại để lây đến người khác. Chị cứ nghe lời tôi
đi nói với mợ Hai. Chứ cãi vã nhau ở đây thì xong việc thếnào được!
Vợ Ngọc Trụ bị Thám Xuân vạch trần chân tướng, không chối vào
đâu được, nhưng vẫn không dám đến thú tội với Phượng Thư.
Thám Xuân cười nói:
- Tôi không nghe thấy thì thôi, đã nghe thấy, thế nào cũng phải
phân giải giúp các chị.
Thám Xuân đưa mắt cho Thị Thư, Thị Thư đi ra ngay. Họ đương
nói chuyện, thấy Bình Nhi đến. Bảo Cầm vỗ tay cười nói:
- Chắc là chị Ba có phép “hô thần triệu tướng” gì đây?
Đại Ngọc cười nói:
- Đó không phải là phép thuật của nhà tu hành, mà là cách
tinh vi của nhà binh, đúng như diệu kế đánh địch bất ngờ: “Lúc thế thủ như cô
gái cấm cung, khi lọt vòng nhanh như thỏ chạy” vậy.
Hai người cùng cười. Bảo Thoa đưa mắt cho họ rồi nói lảng ra
chuyện khác.
Thám Xuân thấy Bình Nhi đến, liền hỏi:
- Mợ chị đã đỡ chưa? Thực là ốm mê ốm mẩn, chẳng thèm để ý đến
việc gì, làm chúng tôi phải bực tức thế này.
Bình Nhi nói:
- Cô làm sao mà bực? Ai dám làm cô bực? Xin cô cứ dạy rõ.
Vợ Ngọc Trụ cuống lên, chạy ngay đến van xin với Bình Nhi: “Mời
cô ngồi xuống đây để tôi nói đầu đuôi cho cô nghe”.
Bình Nhi nghiêm nét mặt nói:
- Các cô đương nói chuyện ở đây, chị lại dám đến nói leo à?
Chị là người biết lễ phép, phải ra ngoài kia đứng hầu. Không ai gọi chị không
được vào. Đâu có đàn bà hầu bên ngoài, không có việc gì lại dám vào thẳng trong
nhà các cô bao giờ?
Tú Quất nói:
- Chị chưa biết trong nhà chúng tôi đây không có lễ phép gì cả,
ai muốn vào thì vào.
- Đó là lỗi ở các chị em cả. Cô dù dễ tính, các chị em cũng
phải đuổi họ ra, rồi sau đi trình bà Hai mới phải.
Vợ Ngọc Trụ thấy Bình Nhi lên tiếng, đỏ mặt lên, đi ra. Thám
Xuân nói:
- Tôi nói cho các chị nghe: người khác có lỗi với tôi thì
thôi, nhưng nay vợ Ngọc Trụ cùng mẹ chồng nó cậy thế là u nuôi, lại thấy chị
Hai dễ tính, lấy cắp đồ trang sức của chị ấy đi đánh bạc, lại bịa ra chuyện
công nợ và bắt phải đi xin hộ, rồi cãi nhau ầm ĩ với hai a hoàn ở trong buồng
chị Hai. Chị Hai cũng không thể ngăn cản được. Tôi khó chịu quá, phải mời chị đến
đây hỏi xem có phải chị ta là người ở lỗ nẻ chui lên đâu mà không biết lẽ phải?
Hay là có ai cầm nọc cho chị ta làm như thế? Trước hết định áp lép chị Hai rồi
tìm cách trị tôi và cô Tư chứ gì?
Bình Nhi vội cười nói:
- Sao hôm nay cô lại nói những câu như thế? Mợ tôi chịu làm
sao nổi?
Thám Xuân cười nhạt:
- Tục ngữ có câu: “Máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh”, nên
tự nhiên tôi đâm ra lo sợ.
Bình Nhi hỏi Nghênh Xuân:
- Việc này có to tát gì, cũng dễ xử thôi, nhưng vì bà ấy là u
nuôi của cô, thì cô nghĩ thế nào cho phải?
Nghênh Xuân vẫn ngồi xem “Thiên cảm ứng” với Bảo Thoa, không
để ý đến những câu nói của Thám Xuân. Thấy Bình Nhi nói thế, liền cười:
- Chị hỏi tôi à, tôi cũng chẳng có cách gì cả. Họ làm bậy thì
họ phải chịu lấy tội, tôi không thể xin hộ được. Tôi chẳng đi xin ai và cũng chẳng
trách họ là được rồi. Những vật ăn cắp, đưa trả thì tôi nhận, nếu không trả tôi
cũng chẳng cần. Các bà có hỏi, tôi che chở được thì phúc cho họ, nếu không giấu
nổi, tôi cũng không biết làm sao được. Không có nhẽ vì họ mà tôi lại dối trá
các bà, tất là phải nói thẳng ra. Các chị cho tôi là dễ tính, không biết quyết
đoán, có cách gì chu toàn được mọi mặt, không để các bà giận thì tùy các chị định
liệu, tôi cũng thây kệ.
Mọi người nghe nói đều bật cười. Đại Ngọc cười nói:
- Thật là “hùm sói đã ngồi trên thềm nhà vẫn còn nói chuyện
nhân quả”. Nếu chị Hai là đàn ông thì những người trong nhà này cai quản thế
nào được họ?
Nghênh Xuân cười:
- Đúng đấy! Biết bao nhiêu là đàn ông cũng còn như thế, huống
chi là tôi.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Túi có ướp chất thơm.
(2). Sách dạy người làm điều lành, răn điều ác.
Hồi 74:
Quá nghe gièm hót, khám xét vườn Đại Quan;
Thề giữ đoan nghiêm, rào lấp phủ Ninh Quốc.
Bình Nhi nghe Nghênh Xuân nói, đương buồn cười, thấy Bảo Ngọc
đến. Em gái thím Liễu cũng vì gá bạc bị tội. Trong vườn xưa nay vẫn có người
không ưa thím Liễu, liền báo rằng thím Liễu gá chung với em gái để chia lời. Vì
thế Phượng Thư muốn trị tội thím Liễu. Nghe thấy thế, thím cuống lên, nghĩ xưa
nay mình vẫn chơi thân với các người ở trong viện Di Hồng, nên thím đến rỉ tai
với bọn Phương Quan, Tình Vãn nhờ nói hộ với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nghĩ trong bọn ấy
cũng có u nuôi của Nghênh Xuân bị can tội này, chi bằng đến hẹn với Nghênh Xuân
cùng đi, hơn là một mình đi xin hộ cho thím Liễu. Vì thế mới đến nhà Nghênh
Xuân. Thấy Bảo Ngọc đến, mọi người ngồi đấy đều hỏi: “Cậu đã khỏi hẳn chưa? Đến
đây có việc gì?” Bảo Ngọc không tiện nói rõ việc đi xin hộ, chỉ nói “đến thăm
cô Hai”. Mọi người đều không để ý đến, cứ nói chuyện phiếm.
Bình Nhi ra về để xét việc mất dây vàng. Vợ Ngọc Trụ cứ theo
sát đằng sau, luôn miệng van xin:
- Cô hết lòng làm phúc nói giúp cho, thế nào tôi cũng xin chuộc
về.
Bình Nhi cười nói:
- Sớm muộn chị cũng vẫn phải chuộc về. Biết thế này thì trước
kia gây chuyện ra làm gì? Xem ý chị thì được lúc nào hay lúc ấy thôi. Đã thế
tôi cũng không nói cho ai biết, nhưng phải chuộc ngay về đầy giao cho tôi, tôi
sẽ không nói gì hết.
Vợ Ngọc Trụ nghe vậy mới yên tâm, lạy tạ rồi nói:
- Xin cô cứ đi làm việc, chiều hôm nay tôi chuộc về trình cô
rồi mang đi trả, có được không?
- Chiều hôm nay mà không mang đến thì đừng trách tôi đấy.
Nói xong, mỗi người đi một ngả.
Bình Nhi về nhà, Phượng Thư hỏi:
- Cô Ba gọi chị có việc gì đấy?
- Cô Ba sợ mợ bực, bảo tôi về khuyên mợ, hỏi mợ mấy hôm nay
có ăn được gì không?
- Cô ấy vẫn còn nhớ đến tôi. Vừa rồi lại xảy ra một việc, có
người trình họ Liễu thông đồng với em gái gá bạc, những việc em nó làm đều do
nó cầm nọc cả. Tôi nghĩ, chị thường khuyên tôi, thêm một việc không bằng bớt một
việc, nên giữ gìn sức khoẻ là hơn. Tôi không nghe lời chị, quả nhiên mắc vạ
ngay, đã có lỗi với bà Hai, lại làm cho mình ốm thêm. Bây giờ tôi đã hiểu rõ rồi,
thây kệ họ muốn làm gì thì làm, dẫu sao cũng còn nhiều người nữa. Tôi đã uổng
công lo nghĩ mấy lâu, chỉ tổ cho người ta chửi rủa thôi, chi bằng mình cứ lo
tĩnh dưỡng là hơn. Dẫu khi bệnh khỏi rồi, tôi vẫn là người ngoài cuộc, được vui
cứ vui, được cười cứ cười, bao nhiêu việc phải trái đều mặc kệ họ cả. Vì thế
khi họ đến trình, tôi chỉ trả lời một tiếng “biết rồi”, chẳng phải lo lắng gì cả.
Bình Nhi cười nói:
- Nếu mợ được như thế thì thật là phúc đức cho chúng tôi!
Chợt Giả Liễn đi vào, đập tay thở dài:
- Tự dưng vô cớ lại xảy ra một việc! Hôm nọ tôi mượn đồ đạc của
Uyên Ương đi cầm, sao bên mẹ cũng biết? Vừa rồi mẹ gọi tôi sang, bảo phải mượn
cho hai trăm bạc, lấy ở món nào cũng được, để sắm sửa lễ rằm tháng tám. Tôi nói
không vay vào đâu được, mẹ nói ngay: “Anh không có tiền đã có chỗ xoay xở. Tôi
mới bàn với anh, mà anh đã kiếm lời rào đón! Anh không có chỗ xoay xở thì cái
món đồ cầm một nghìn bạc hôm trước đó lấy ở đâu ra? Ngay đến những đồ đạc của cụ,
anh cũng hoá phép lấy ra được, bây giờ chỉ có hai trăm lạng bạc, anh lại làm ra
vẻ khó khăn! May mà tôi chưa nói với ai đấy!” Tôi nghĩ, thật ra mẹ chẳng thiếu
gì, sao lại cứ bới việc làm rầy rà người ta thế!
Phượng Thư nói:
- Hôm ấy không hề có người ngoài, thế thì ai để lộ chuyện này
ra?
Bình Nhi nghe nói, cũng nghĩ xem hôm đó có ai ở đấy không.
Nghĩ một lúc, cười nói:
- Phải rồi! Hôm đó lúc nói chuyện thì không có người ngoài,
chỉ đến buổi chiều, lúc lấy đồ về thì vừa khi mẹ chị Ngốc ở bên cụ đưa quần áo
giặt đến. Bà ấy ngồi một lúc ở nhà dưới, trông thấy hòm đồ to sù, tất nhiên bà
ta phải hỏi. Bọn a hoàn không hiểu đã nói toạc ra ngay cũng chưa biết chừng.
Phượng Thư cho gọi mấy đứa a hoàn nhỏ đến hỏi:
- Hôm đó đứa nào nói cho mẹ chị Ngốc biết?
Chúng sợ quá, đều quỳ xuống thề:
- Từ xưa đến nay, ai hỏi gì chúng cháu đều trả lời là không
biết, không dám bịa đặt một câu. Khi nào chúng cháu lại nói chuyện ấy.
Phượng Thư ngẫm nghĩ: “Chắc chúng nó không dám nói chuyện ấy,
chớ nên đổ oan cho chúng. Giờ hãy gác việc này lại, phải xoay xở cho xong món
tiền của mẹ đi. Thà chúng ta nhịn tiêu một ít, chứ đừng để xảy chuyện không
hay”. Liền gọi Bình Nhi “lấy đồ vàng của ta đem cầm thêm hai trăm lạng bạc về
đưa sang cho xong việc”.
Giả Liễn nói:
- Cầm thêm hai trăm lạng nữa, chúng ta còn phải tiêu kia.
Phượng Thư nói:
- Không cần. Tôi không tiêu gì cả. Còn chẳng biết sau này lấy
món nào để chuộc đây!
Bình Nhi lấy vàng ra, đưa cho vợ Lai Vượng mang đi cầm. Một
lát đem tiền về. Giả Liễn thân hành mang sang.
Phượng Thư và Bình Nhi đương đoán xem đứa nào nói lộ chuyện
này nhưng vẫn chưa đoán được là ai.
Phượng Thư nói:
- Kẻ nói chuyện này hãy còn là việc nhỏ, sợ đứa tiểu nhân nào
bày đặt chuyện gây ra những điều rắc rối. Hay bên ấy có ai thù hằn con Uyên
Ương, nghe nó cho cậu Liễn mượn đồ đi cầm, bụng dạ nhỏ nhen, dù chẳng có chuyện
gì, chúng cũng còn đâm dầm vào, nữa là lại có sự việc rõ ràng, lẽ nào chúng
không đặt điều xằng bậy, chẳng còn trời đất nào. Chưa biết chừng cậu Liễn có việc,
hay lại chỉ một con Uyên Ương chịu oan thôi. Như vậy chả phải là lỗi ở chúng ta
hay sao.
Bình Nhi cười nói:
- Cái đó cũng không ngại. Uyên Ương cho mượn đồ là vì có mợ
chứ không vì cậu. Việc này tuy Uyên Ương nói là dấm dúi nhưng thực ra nó đã
trình cụ rồi. Cụ sợ con cháu nhiều, đứa này mượn, đứa kia mượn, đến nói khôn
nói khéo với cụ, rồi sau này biết đòi ai? Vì vậy người cứ lờ đi như không biết.
Dù có vỡ chuyện cũng chẳng ngại gì.
- Lý thế đấy. Bây giờ chỉ có tôi với chị biết thôi, biết đâu
lại chẳng ngờ.
Đương nghĩ vẩn vơ, thì có người vào báo:
- Bà Hai đến.
Phượng Thư lấy làm lạ, không biết việc gì, liền cùng Bình Nhi
ra đón, thấy nét mặt Vương phu nhân khác hẳn, chỉ đem theo một a hoàn hầu cận,
không nói năng gì, đi thẳng vào phòng ngồi xuống. Phượng Thư vội pha trà cười hỏi:
- Hôm nay mẹ lại cao hứng đến đây chơi à?
Vương phu nhân quát bảo:
- Bình Nhi đi ra ngoài kia.
Bình Nhi thấy thế, không biết là việc gì, “dạ” một tiếng, dẫn
bọn a hoàn nhỏ ra, đứng cả ở ngoài cửa. Bình Nhi đóng cửa lại, rồi ngồi xuống
thềm, không cho một ai vào cả.
Phượng Thư sợ quá, không biết có việc gì. Thấy Vương phu nhân
ứa nước mất, vất cái túi thơm ở trong tay áo ra, nói:
- Chị xem đây!
Phượng Thư vội nhặt lên xem, cái túi thơm thập cẩm, ngoài
thêu cái hình khiêu dâm, giật mình vội hỏi:
- Mẹ nhặt được cái này ở đâu?
Vương phu nhân nước mắt giàn giụa, giọng run run nói:
- Ta nhặt được ở đâu à? Ngày nào ta cũng ru rú ở xó nhà! Tưởng
chị là người cẩn thận, nên mới được rỗi rãi đôi chút. Ngờ đâu chị lại như ta!
Ban ngày ban mặt họ dám bày những thứ này ra trước hòn đá trong vườn, để cho
con a hoàn bên cụ nhặt được. Nếu không nhờ được mẹ chồng chị trông thấy, thì
cái này đã đến trước mặt cụ rồi! Tôi hãy hỏi chị: tại sao cái này lại vất ở đấy?
Phượng Thư nghe nói cũng đổi nét mặt, vội hỏi:
- Sao mẹ lại biết cái này là của con?
- Chị lại hỏi vặn ta à? Chị thử nghĩ xem: nhà này trừ vợ chồng
trẻ như anh chị ra, còn bọn bà già thì dùng cái này làm gì? Bọn chị em chúng nó
thì làm gì có? Chắc là thằng Liễn đốn mạt đem ở đâu về đây! Vợ chồng các người,
một duộc với nhau, lại cho đó là món đồ chơi, hạng trẻ tuổi thì chuyện tình
riêng trai gái trong buồng the khi nào chả có, chị lại còn chối à! May mà người
trên kẻ dưới trong vườn chưa ai biết việc này, nếu họ nhặt được, chị em chúng
nó trông thấy thì còn ra sao nữa! Thảng hoặc có đứa a hoàn nào nhặt được mang
ra ngoài, người ta trông thấy, liệu thể diện nhà mình có còn nữa không?
Phượng Thư nghe nói, vừa tức vừa thẹn, mặt tím bầm lại, liền
vịn vào cạnh giường quỳ xuống, cũng ứa nước mắt kêu van:
- Mẹ nói có lý thực, con không dám cãi. Nhưng con không hề có
thứ này, xin mẹ nghĩ kỹ cho. Cái túi thơm này là ở bên ngoài họ bắt chước kiểu
trong nhà rồi thêu ra. Chính cái tua cũng là thứ mua ở chợ. Con tuy còn trẻ,
không biết giữ gìn, nhưng không khi nào cần những thứ này. Hơn nữa, cái này
cũng không phải là thứ thường đeo, dù có chăng nữa con cũng chỉ để giấu ở chỗ
kín, chứ khi nào lại đeo luôn ở trong người rồi đi chơi khắp nơi? Vả lại khi ra
chơi ngoài vườn, chị em người nào cũng thường hay lôi kéo nhau, nếu để lộ ra,
không những các chị em mà cả bọn người hầu cũng trông thấy nữa, như thế thì còn
ra làm sao? Kể ra những người trong này, con còn trẻ thật, nhưng nhiều đứa hầu
còn trẻ hơn con nữa. Họ thường đi lại ở trong vườn, biết đâu không phải là của
họ đánh rơi. Hơn nữa, trừ con thường ở trong vườn ra, còn có các cô cháu của mẹ
con bên kia, thường dẫn sang, như bọn Yên Hồng, Thúy Vân, đều là hạng tuổi trẻ,
họ cũng có thể có thứ này được. Lại còn chị Trân bên phủ Đông, chị ấy cũng chưa
lấy gì làm già, và cũng thường dẫn bọn Bội Phượng sang, biết đâu không phải là
của họ? Trong vườn cũng nhiều a hoàn, không chắc đã đứng đắn cả. Hoặc có đứa lớn,
đã biết mùi đời, đôi khi không trông nom xuể, chúng lẻn ra ngoài được; hoặc
chúng kiếm cớ tán dính với bọn trẻ canh cửa ngoài, rồi từ ngoài đưa vào cũng
chưa biết chừng, không những con không hề làm việc này, mà cả Bình Nhi cũng có
thể bảo đảm được. Xin mẹ xét kỹ cho.
Vương phu nhân nghe cũng có lý, liền thở dài nói:
- Chị hãy đứng đậy. Ta biết chị là con nhà đại gia, chắc
không đến nỗi trai lơ như thế, chẳng qua ta bực lên nói vậy để trêu tức chị đấy
thôi. Nhưng bây giờ nên xử trí ra sao? Mẹ chồng chị gói cái này lại, sai người
mang cho ta xem, làm ta tức chết đi được.
Phượng Thư nói:
- Xin mẹ đừng nổi giận nữa. Nếu để người ngoài biết, thế nào
cũng đến tai cụ. Hãy nên bình tĩnh, ngầm dò xét mới rõ ra được sự thực; dù xét
không ra, người ngoài cũng không thể biết được, như vậy mới đúng câu “tay gãy
giấu vào ống áo”. Nay nhân việc họ đánh bạc, bị đuổi một số ra, ta cho mấy người
hầu cận không hay bép xép như vợ Chu Thụy, vợ Vương Nhi vào ở luôn trong vườn,
lấy cớ là để xét việc đánh bạc. Hiện nay a hoàn các nơi nhiều quá, lớn tuổi
sinh to gan, lâu ngày thành tinh, nếu xảy chuyện ra, có ăn năn cũng không kịp nữa.
Bây giờ không có cớ gì mà bớt người đi, không những bọn các cô thì thấy khó chịu,
ngay mẹ và con cũng không đành lòng. Chi bằng nhân dịp này, thấy a hoàn nào lớn
tuổi hoặc cứng đầu cứng cổ thì tìm cách cho nó đi lấy chồng, như thế một là khỏi
xảy ra rắc rối; hai là số tiền chi tiêu cũng đỡ tốn. Những lời con nói, mẹ nghĩ
thế nào?
Vương phu nhân thở dài:
- Chị nói phải đấy. Nhưng cứ xét cho công bằng thì mấy chị em
nó thật cũng đáng thương. Không nói gì xa, như mẹ cháu Lâm trước kia, khi chưa
lấy chồng, được chiều chuộng dường nào, thật là cành vàng lá ngọc, một cô tiểu
thư ngàn vàng. Bây giờ mấy chị em nó chẳng qua chỉ hơn nhà khác tý chút thôi. Mỗi
người chỉ có ba, bốn đứa a hoàn là ra hồn người, còn thì đều như bọn ranh con cả;
giờ lại cho chúng về, không những bụng ta không nỡ, chưa chắc cụ đã bằng lòng.
Tuy rằng nhà có túng thiếu đấy, nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Ta dù chưa được
sung sướng lắm, cũng còn hơn các cháu nhiều, nay thà bớt người của ta đi, chứ đừng
làm cho nó bực bội. Chị hãy cho gọi vợ Chu Thụy đến đây, truyền cho họ phải dò
xét ngay việc này!
Phượng Thư lập tức gọi Bình Nhi ra gọi vợ Chu Thụy đến.
Một lúc vợ Chu Thụy, vợ Ngô Hưng, vợ Trịnh Hoa, vợ Lai Vượng,
vợ Lai Hỷ, tất cả năm người hầu cận đi vào, còn một số người nữa đang bận việc ở
Nam chưa tới. Vương phu nhân đang phàn nàn ít người, khám xét không xuể, chợt
thấy vợ Vương Thiện Bảo là người hầu cận của Hình phu nhân, vừa đưa cái túi
thơm cho Vương phu nhân, đi đến. Xưa nay Vương phu nhân vẫn xem người hầu thân
của Hình phu nhân như người của mình, không có lòng ngờ vực gì, nay thấy chị ta
đến nghe ngóng, liền bảo:
- Chị về trình với bà Cả, rồi sang bên vườn trông nom, chẳng
hơn người ngoài hay sao?
Ngày thường vợ Vương Thiện Bảo sang bên vườn không được bọn a
hoàn thù phụng tử tế. Chị ta lấy làm bực tức, định bới chuyện của họ ra, nhưng
không lần vào đâu được; may sao xảy ra việc này, chị ta nghĩ đã nắm chắc được đằng
chuôi rồi; giờ lại thấy Vương phu nhân giao phó công việc, hợp với ý định của
mình, liền thưa:
- Điều đó cũng dễ thôi. Không phải là cháu bày chuyện đâu, nhẽ
ra, thì việc này cũng nên tra xét sớm sớm một chút. Bà không hay sang bên vườn,
bọn gái hầu bên ấy, đứa nào cũng ra vẻ bà lớn, sắp trở thành tiểu thư nghìn
vàng cả. Chúng định chọc đổ cả trời, chẳng ai dám hé răng nói một tiếng. Huống
hồ chúng lại ton hót các cô, nói người này khinh rẻ, người kia lừa dối, ai mà
chịu được.
Vương phu nhân gật đầu nói:
- Bọn hầu các cô hay làm bộ, cũng là việc thường. Các chị nên
khuyên răn chúng. Nếu không dạy bảo, dù các cô cũng còn làm điều không đúng, nữa
là họ.
Vợ Vương Thiện Bảo thưa:
- Đứa khác còn khá. Bà không biết, chứ nhất là con Tình Văn,
a hoàn ở nhà cậu Bảo. Nó cậy sắc đẹp hơn người, miệng lại khéo léo, ngày nào
cũng trang điểm như nàng Tây Thi, hễ nói chuyện với ai là nó lém lỉnh tranh
khôn; có điều gì không hợp ý, là nó trợn mắt ngay lên mắng người ta. Õng ẹo
ngoa ngoắt, không ra thể thống gì cả!
Vương phu nhân nghe vậy, nhớ ngay đến việc trước, hỏi Phượng
Thư:
- Lần trước chúng ta theo cụ vào chơi trong vườn, có một đứa
lưng hơi cong, vai hơi thon, lông mày và mắt lại hơi giống em Lâm của chị,
đương quát mắng bọn a hoàn nhỏ. Trông cái dáng ngông cuồng ấy ta khó chịu lắm.
Nhưng vì cùng đi với cụ, ta không tiện nói. Sau định hỏi xem là đứa nào, thì lại
quên mất. Hôm nay nhớ ra, chắc là nó chứ gì?
Phượng Thư nói:
- So sánh ra chẳng có đứa a hoàn nào đẹp bằng con Tình Văn cả.
Về cách ăn nói đi đứng, thì nó hơi trai lơ. Như mẹ nói vừa rồi, có nhẽ là nó đấy,
nhưng con cũng quên mất việc hôm nọ, không dám nói bừa.
Vợ Vương Thiện Bảo nói:
- Không cần phải đoán nữa. Bây giờ cứ gọi ngay nó đến đây để
bà xem cũng chẳng khó gì.
Vương phu nhân nói:
- Ở bên nhà Bảo Ngọc, chỉ có Tập Nhân và Xạ Nguyệt thường đến
hầu ta. Hai đứa này tuy mộc mạc nhưng cũng ngoan. Nếu có con ấy thì chắc nó
không dám đến. Ta cả đời rất ghét những hạng người ấy, huống hồ lại xảy ra việc
này. Thằng Bảo Ngọc như thế mà để cho con ranh ấy quyến rũ làm hư thân đi, thì
để sao được.
Bà ta gọi a hoàn hầu cận đến dặn:
- Mày đi nhanh, gọi con Tình Văn đến đây hầu ta ngay. Ta có
việc cần. Tập Nhân và Xạ Nguyệt ở nhà hầu Bảo Ngọc, không phải đến nữa. Mày
không được nói câu gì với nó cả!
A hoàn nhỏ vâng lời, chạy sang viện Di Hồng, gặp lúc Tình Văn
không được khỏe, vừa ngủ trưa dậy, đương ngồi thừ ra. Thấy gọi, đành phải sang.
Ngày thường, bọn a hoàn đều biết Vương phu nhân rất ghét kiểu
trang sức lòe loẹt, ăn nói trai lơ, vì vậy cả Tình Văn cũng không dám ló mặt tới.
Mấy hôm nay khó ở, nên không trang điểm, cho là như thế cũng không ngại gì. Khi
vào đến buồng Phượng Thư, Vương phu nhân trông thấy nó đầu tóc bơ phờ, áo quần
lõng thõng, có vẻ lẳng lơ như Tây Thi đêm xuân nằm ôm bụng; nhìn vẻ mặt đúng là
người đã gặp tháng trước, tự nhiên nổi cơn giận lên. Bà ta vốn người thực thà,
chợp mắt bỏ qua, vụt mừng vụt giận, chứ có được như người kín đáo, lựa lời giữ
ý đâu. Vốn đã bực sẵn, lại ngoặc đến việc trước, bà ta liền cười nhạt:
- Đẹp thật! Thật là giống hệt “Tây Thi đương ốm!” Ngày nào
mày cũng giở cái lối trai lơ ấy ra để cho ai xem đấy? Mày cứ tưởng là ta không
biết việc mày làm à? Ta hãy tha cho mày. Ngày mai ta sẽ lột xác mày ra! Hôm nay
Bảo Ngọc đã đỡ chưa?
Tình Văn nghe thấy nói thế, trong bụng rất kinh ngạc, biết là
có đứa định hại mình, tuy tức giận, nhưng không dám hé răng. Vốn người thông
minh tột bực, thấy hỏi Bảo Ngọc đã đỡ chưa, cô ta không nói thực, quỳ xuống
thưa:
- Cháu không hay đến buồng cậu Bảo và cũng không hay ở chung
với cậu ấy, nên cháu không được biết rõ. Đó là việc của chị Tập Nhân và chị Xạ
Nguyệt, xin bà cứ hỏi hai chị ấy.
Vương phu nhân nói:
- Đáng tát vào mồm! Mày là người chết à? Nuôi chúng bay để
làm gì?
Tình Văn lại thưa:
- Cháu nguyên là người hầu của cụ, vì người bảo vườn rộng,
người ít, cậu Bảo hay sợ, nên cắt cháu sang đấy canh đêm ở ngoài, chẳng qua để
trông nhà thôi. Cháu có thưa rằng cháu đần độn không thể sang hầu được, cụ mắng
cháu, bảo “tao có sai mày sang hầu cậu ấy đâu? Mày sắc sảo để làm gì?” Cháu
nghe vậy đành phải sang. Chẳng qua độ mười bữa nửa tháng, gặp lúc cậu Bảo buồn,
cháu chơi đùa một lúc rồi đi ngay. Việc cậu Bảo ăn uống nằm ngồi, trên có các
bà già, dưới có các chị Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Thu Văn. Khi cháu rỗi, còn phải
may vá cho bên nhà cụ, vì thế cháu không để ý đến việc của cậu Bảo. Nay bà đã
quở mắng, từ sau cháu xin chăm chú.
Vương phu nhân tin là thực, nói:
- A di đà phật! Mày không gần gũi Bảo Ngọc, thì thực là phúc
cho ta. Thôi không cần mày phải bận lòng. Mày đã là người của cụ cho sang hầu Bảo
Ngọc thì ngày mai ta sẽ sang trình cụ cho mày về.
Rồi ngoảnh lại vợ Vương Thiện Bảo:
- Các chị vào đấy, phải đề phòng nó mấy ngày, không cho nó ngủ
ở trong nhà Bảo Ngọc. Đợi ta trình cụ rồi sẽ liệu cho nó.
Lại quát:
- Cút đi! Đứng đấy làm gì? Trông thấy cái dáng lẳng lơ ấy ta
ngứa cả mắt! Ai cho phép mày ăn mặc lòe loẹt như thế?
Tình Văn đành lui ra, tức quá, ra khỏi cửa, lấy khăn tay che
mắt, vừa đi vừa khóc, mãi đến khi về trong vườn.
- Mấy năm nay tinh thần ta ngày càng sút kém, trông nom không
xiết. Những hạng yêu tinh như thế mà ta cũng không hề thấy! Cái hạng ấy chắc
còn có nữa, ngày mai phải tra xét mới được.
Phượng Thư thấy Vương phu nhân đương lúc nổi giận, lại có vợ
Vương Thiện Bảo là tai mắt của Hình phu nhân, ngày thường hay ton hót Hình phu
nhân để sinh chuyện, nên dù có nhiều câu đáng nói, cũng không dám nói ra, đành
cứ cúi đầu vâng thôi.
Vợ Vương Thiện Bảo thưa:
- Xin bà hãy nguôi giận. Đó là việc nhỏ mọn, xin cứ giao cho
cháu. Muốn tra xét việc này cũng dễ thôi. Chờ đến buổi tối, các cửa trong vườn
đóng rồi, trong ngoài không ai đi lại với nhau, nhân lúc họ không để ý, chúng
cháu dẫn người đi khám các buồng a hoàn ở các nơi. Cháu nghĩ: ai đã có cái này
không phải một cái mà thôi, chắc còn cái khác nữa. Khi đã khám được cái khác rồi,
thì cái này chắc là của người ấy.
Vương phu nhân bảo:
- Nói thế cũng phải. Nếu không làm như thế thì không thể
làm ra việc được.
Rồi hỏi Phượng Thư:
- Chị nghĩ thế nào?
Phượng Thư đành vâng lời, nói:
- Mẹ cho là phải thì xin đi làm ngay thôi.
Vương phu nhân nói:
- Cách làm như thế rất đúng. Nếu không thì tra một năm cũng
chẳng ra.
Mọi người bàn định xong, sau bữa cơm chiều, đợi Giả mẫu ngủ
yên, bọn Bảo Thoa đã về trong vườn rồi, vợ Vương Thiện Bảo liền mời Phượng Thư
vào trong vườn, sai khóa cả cửa ngách lại, rồi bắt đầu khám xét từ các chỗ bà
già canh đêm, chỉ thấy mấy thứ đèn nến dùng còn thừa.
Vợ Vương Thiện Bảo nói:
- Những cái này cũng là tang vật cả đây, không được động đến,
để sáng mai trình bà, rồi sẽ hay.
Rồi vào ngay viện Di Hồng, bắt đóng cửa lại.
Bảo Ngọc vì việc Tình Văn, đương khó chịu, chợt thấy một bọn
người đến, không biết duyên cớ gì, lại cứ kéo thẳng vào buồng của bọn a hoàn. Bảo
Ngọc ra đón Phượng Thư, hỏi là việc gì. Phượng Thư nói:
- Mất một vật quan trọng, hỏi ai cũng chối cả, chắc là bọn a
hoàn ăn cắp, nên họ đến khám xét, để khỏi phải ngờ oan.
Vừa nói Phượng Thư vừa ngồi uống nước. Vợ Vương Thiện Bảo lục
soát một lúc rồi khẽ hỏi:
- Mấy cái hòm ấy là của ai, bảo họ đến mở ra.
Tập Nhân thấy Tình Văn như thế, chắc là có việc lạ, lại thấy
khám xét, đành phải mở hòm và hộp của mình trước để cho họ khám, thì chỉ thấy
những đồ thường dùng thôi. Khám xong lại khám đến hòm của người khác, cứ theo
thứ tự, khám hết một lượt, khi khám đến hòm của Tình Văn, liền hỏi:
- Hòm của ai đây, sao không mở ra để khám.
Tập Nhân đương định mở hộ hòm cho Tình Văn, thấy Tình Vãn quấn
tóc chạy đến, đánh “xình” một cái, mở toang hòm ra, hai tay bưng đáy hòm lên, dốc
ngược xuống đất, bao nhiêu đồ đạc ở trong hòm đều tung ra cả.
Vợ Vương Thiện Bảo có ý ngượng, khám kỹ một lượt cũng không
thấy vật gì bậy bạ cả, liền trình với Phượng Thư để đi khám chỗ khác.
Phượng Thư nói:
- Bà phải khám kỹ đi, lần này không khám ra được cái gì thì
biết về trình thế nào?
Mọi người đều nói:
- Lục soát hết cả rồi, nhưng chẳng thấy có cái gì là phạm lỗi
cả; tuy có mấy thứ đồ dùng của con trai, nhưng đều là của trẻ con, chắc đồ cũ của
cậu Bảo, không lấy gì làm quan hệ.
Phượng Thư cười nói:
- Đã thế thì chúng ta đi khám chỗ khác.
Liền đi thẳng ra. Nhân nói với vợ Vương Thiện Bảo:
- Tôi có điều này muốn nói, không biết có đúng hay không. Ta
khám thì chỉ nên khám những người nhà của chúng ta thôi, chứ nhà cô Tiết thì
quyết không thể khám được.
Vợ Vương Thiện Bảo cười nói:
- Cố nhiên rồi, lẽ nào lại đi khám nhà của bà con!
Phượng Thư gật đầu nói:
- Tôi cũng nói thế thôi.
Rồi đi đến quán Tiêu Tương.
Đại Ngọc đã đi ngủ, nghe bảo có mấy người đến, không biết việc
gì, định trở dậy, thì Phượng Thư đã đi vào, giữ lại không cho Đại Ngọc dậy và
nói:
- Cô cứ ngủ đi, chúng tôi đi bây giờ đây.
Rồi ở đấy nói mấy câu chuyện phiếm.
Vợ Vương Thiện Bảo dẫn mọi người đến buồng của a hoàn, lục lọi
hết các hòm, thấy trong buồng Tử Quyên có hai cái bùa bán khoán của Bảo Ngọc
thường thay đổi, một cái dây đeo thắt lưng, hai cái túi, một cái hộp trong có đựng
cái quạt, mở ra xem, đều là những thứ của Bảo Ngọc lúc trước thường dùng. Vợ
Vương Thiện Bảo lấy làm đắc ý, mời Phượng Thư đến xem, rồi nói:
- Những thứ này ở đâu đến đây?
Phượng Thư cười nói:
- Bảo Ngọc lúc còn bé, có ở chung với chị em mấy năm. Những
thứ này chắc là đồ dùng cũ của chú ấy đây. Những cái ấy cũng chẳng lạ lùng gì,
hãy bỏ lại để đi khám chỗ khác là phải.
Tử Quyên cười nói:
- Đến bây giờ những đồ dùng của chúng tôi trao đổi cho nhau
cũng không tính hết được. Nếu hỏi đến cái này, thì chính tôi cũng quên mất là
có từ ngày, tháng, năm nào.
Phượng Thư lại cùng vợ Vương Thiện Bảo đến nhà Thám Xuân. Ngờ
đâu đã có người đến báo cho Thám Xuân biết trước. Thám Xuân đoán chắc là có
duyên cớ gì, nên mới gây ra những chuyện xấu xa như thế. Liền sai bọn a hoàn cầm
đèn mở cửa đứng đợi. Một lúc mọi người đến. Thám Xuân cố ý hỏi:
- Việc gì đấy?
Phượng Thư cười nói:
- Vì mất một cái đồ dùng, mấy ngày tra xét chưa ra, sợ người
ngoài lại đổ cho bọn chị em a hoàn, nên mới đi khám một lượt để cho người ta khỏi
ngờ, đó cũng là một cách hay để rửa sạch tiếng tăm cho họ.
Thám Xuân cười nói:
- Bọn a hoàn nhà tôi tất nhiên là phường trộm cắp cả, mà tôi
chính là người chủ chứa. Đã thế thì hãy khám rương hòm của tôi trước đi vì họ
ăn trộm được cái gì đều đưa cho tôi cất giấu.
Nói xong, Thám Xuân sai bọn a hoàn mở cả hòm ra, bao nhiêu đồ
lớn, đồ nhỏ, như hộp gương, hộp phấn, bọc chăn bọc áo đều mở tung ra cả, rồi mời
Phượng Thư đến khám.
Phượng Thư cười nói:
- Chẳng qua tôi vâng lệnh mẹ đến đây, xin cô đừng hiểu lầm
tôi.
Rồi sai bọn a hoàn:
- Mau mau đóng rương hòm lại cho cô.
Bình Nhi, Phong Nhi đến giúp bọn Thị Thư xếp đồ đạc và đóng
hòm lại.
Thám Xuân nói:
- Chỉ cho các chị khám xét đồ đạc của tôi, chứ muốn khám xét
đồ đạc của a hoàn nhà tôi thì không được đâu! Tôi vốn cay nghiệt hơn người
khác, bao nhiều những đồ đạc của a hoàn, tôi đều biết và đều giữ ở đây cả. Ngay
một cái kim, một sợi chỉ, họ cũng không được giữ riêng. Muốn khám thì cứ khám một
mình tôi. Các chị không bằng lòng, cứ về trình bà, bảo tôi trái lệnh bà đấy, muốn
bắt thế nào tôi cũng nhận cả. Các chị đừng vội, thế nào sau này các chị cũng có
ngày bị khám đấy! Sáng hôm nay các chị chả bàn tán việc nhà họ Chân đấy à, chỉ
mong được khám nhà, quả nhiên bây giờ được khám thực đấy. Dần dần rồi cũng đến
lượt chúng ta thôi! Thế mới biết những nhà đại gia thế này, chỉ người ngoài đến
thì một lúc không thể giết chết được. Chính đúng như người xưa đã nói: “Con sâu
trăm chân, chết cũng không ngã!” Tất phải do người trong nhà giết lẫn nhau trước,
mới tan nát, sạch sanh!
Nói xong, cô ta chảy nước mắt ra.
Phượng Thư chỉ đứng nhìn bọn đàn bà. Vợ Chu Thụy liền nói:
- Đồ vật của bọn hầu gái đã ở cả đấy rồi, xin mợ đi khám chỗ
khác, để cô đi nghỉ.
Phượng Thư đứng dậy cáo từ. Thám Xuân nói:
- Hãy khám kỹ nữa đi! Ngày mai đến, tôi không nghe đâu.
Phượng Thư cười nói:
- Đồ vật của bọn hầu gái ở cả đây thì không cần phải khám nữa.
Thám Xuân cười nhạt:
- Chị thực là khôn khéo quá! Ngay gói bọc của tôi cũng còn mở
cả ra xem, mà lại bảo là không khám? Ngày mai có dám nói là tôi bênh bọn hầu,
không cho các chị khám không? Chị cứ nói thẳng ngay ra, còn cần phải khám, cứ
khám nữa cũng không sao.
Phượng Thư vẫn biết tính nết Thám Xuân ngày thường khác hẳn mọi
người, đành phải cười nói:
- Ngay cả đồ vật của cô, cũng đã khám xét kỹ càng rồi.
Thám Xuân lại hỏi mọi người:
- Các chị đã khám kỹ chưa?
Bọn vợ Chu Thụy đều cười nói:
- Đã khám kỹ cả rồi ạ.
Vợ Vương Thiện Bảo vốn là người không biết suy nghĩ, ngày thường
tuy nghe thấy tiếng Thám Xuân, nhưng cho là mọi người không tinh mắt, hoặc là
non gan, chứ đâu có một cô gái mà lại ghê gớm đến như thế? Hơn nữa cô ta lại là
con vợ lẽ, thì làm gì được ai. Mụ lại cậy mình là người hầu thân của Hình phu
nhân, ngay đến Vương phu nhân cũng còn phải nể, huống chi người khác. Mụ cho
Thám Xuân chỉ giận một mình Phượng Thư thôi, không can gì đến mụ, nên muốn nhân
đó làm bộ, liền đi lên trước mọi người, kéo vạt áo Thám Xuân, cố ý giơ lên một
cái cười hì hì nói:
- Ngay trong mình cô tôi cũng khám cả rồi, chẳng thấy gì cả.
Phượng Thư thấy mụ làm thế vội nói:
- Già đi thôi, đừng giở trò rồ dại nữa.
Chưa dứt lời thì nghe “bốp” một tiếng, vợ Vương Thiện Bảo bị
Thám Xuân tát một cái vào mặt. Thám Xuân nổi giận, trỏ vào vợ Vương Thiện Bảo hỏi:
- Mày là hạng gì dám nắm lấy áo tao. Chẳng qua tao nể mặt bà,
thấy mày cũng đã có tuổi, nên mới gọi mày là già, mày lại chó cậy chủ nhà, càng
ngày càng bậy, dám lên mặt với tao à! Mày cứ tưởng tao cũng dễ tính như cô mày,
mặc cho chúng bay khinh rẻ, mày nghĩ thế là nhầm rồi! Mày đến khám đồ đạc, tao
không tức giận, nhưng mày không được mang tao ra làm trò cười!
Thám Xuân liền tự cởi khuy áo, kéo Phượng Thư lại, bắt phải
khám kỹ và nói:
- Để cho bọn đầy tớ các người khỏi đến khám tôi!
- Già này uống mấy chén rượu đâm ra rồ dại. Hôm nọ cũng đã
làm bà Hai bực mình rồi. Thôi đi ra, đừng đứng đấy mua lấy bẽ nữa.
Họ lại khuyên Thám Xuân đừng nổi giận nữa. Thám Xuân cười nhạt:
- Tôi mà bực thì tôi đã đập đầu tự tử rồi! Thế thì sao tôi lại
chịu để quân đầy tớ đến lục soát tang vật trộm cắp trong người tôi? Sáng sớm
mai tôi sẽ đến trình cụ, bà Hai và sang xin lỗi bác gái. Đáng tội thế nào, tôi
cũng xin nhận!
Vợ Vương Thiện Bảo bẽ mặt quá, ra đứng nép ở ngoài cửa sổ
nói:
- Thôi! Thôi! Đây là lần đầu tiên tôi bị đánh đấy! Ngày mai
tôi sẽ trình bà Hai, xin về quách nhà thôi. Thiết cái thân già này làm gì nữa!
Thám Xuân quát bảo bọn a hoàn:
- Nghe nó nói đấy! Các chị định để tôi phải cãi nhau với nó
hay sao?
Thị Thư đi ra bảo:
- Già ơi, già mà biết điều một tí, thì bớt nói đi thôi. Nếu
già về nhà lại là phúc cho chúng tôi. Chỉ sợ già không dứt ra được thôi. Nếu
già về, lấy ai ton hót chủ, xúi bẩy chủ cho người đi khám xét các cô và hành hạ
chúng tôi?
Phượng Thư cười nói:
- Con bé này giỏi thật! Thực là chủ nào thì tớ ấy!
Thám Xuân cười nhạt:
- Chúng tôi là bọn ăn trộm, bao giờ cũng mồm năm miệng mười,
chỉ có điều là không biết xúi bẩy chủ thôi.
Bình Nhi vội khuyên giải và kéo Thị Thư vào. Bọn vợ Chu Thụy
cũng khuyên một lúc, Phượng Thư chờ sắp sửa cho Thám Xuân đi ngủ, rồi mới dẫn
người sang Noãn Hương ổ.
Lúc này Lý Hoàn đương ốm, nằm ở trên giường. Chị ta ở sát nhà
Tích Xuân, và gần nhà Thám Xuân, nên bọn Phượng Thư tiện đường đến hai nơi ấy
trước. Lý Hoàn vừa uống thuốc xong đi nằm, không tiện đánh thức, nên họ chỉ đến
buồng các a hoàn, khám xét một lượt, cũng không tìm thấy vật gì, liền đi sang
phòng Tích Xuân. Tích Xuân còn trẻ tuổi, chưa hiểu mấy, sợ quá không biết xảy
ra việc gì. Phượng Thư đành phải yên ủi Tích Xuân. Ngờ đâu, khám đến hòm của Nhập
Họa, thấy một cái bọc lớn, đựng toàn khóa bạc, độ ba bốn mươi cái. Lại một cái
đai ngọc, cùng một bọc dây bí tất của đàn ông.
Nhập Họa tái mặt lại, phải quỳ xuống khóc, nói thực:
- Đó là của ông Trân thưởng cho anh cháu đấy. Vì bố mẹ cháu đều
ở miền Nam, chúng cháu theo ông chú lên đây kiếm ăn. Nhưng chú thím cháu chỉ
ham uống rượu đánh bạc. Anh cháu sợ giao cho chú thím, lỡ lại tiêu mất, nên mỗi
khi được cái gì, thường khẽ nhờ bà già đưa đến, bảo cháu cất đi.
Tích Xuân là người nhát gan, thấy thế sợ hãi, nói:
- Tôi chả biết gì cả. Như thế sao được! Chị Hai muốn đánh nó,
cứ việc lôi nó ra mà đánh. Những câu nó nói, tôi nghe chối cả tai.
Phượng Thư cười nói:
- Nếu quả thực thế, cũng nên tha, nhưng không được lén lút
đưa cho nhau. Thứ này đưa được thì thứ gì mà không đưa. Đó là lỗi ở người đưa đấy.
Nếu không nói thực, mà là của ăn trộm, thì mày đừng có hòng sống.
Nhập Họa quỳ xuống khóc nói:
- Cháu không dám nói dối. Ngày mai mợ cứ hỏi cậu Cả, mợ Cả
bên cháu mà xem, nếu không phải là đồ được thưởng, thì mang cháu và anh cháu ra
đánh chết cũng không dám oán hận gì!
Phượng Thư nói:
- Thế nào cũng phải hỏi. Nhưng nếu thực là đồ thưởng thì mày
cũng có lỗi. Ai cho phép mày lén lút mang những đồ này vào đây? Mày hãy nói rõ
ai giao cho mày, ta sẽ tha chết cho. Ta cấm từ nay không được thế nữa.
Tích Xuân nói:
- Chị đừng tha nó, ở đây nhiều người, nếu không trừng trị, những
đứa lớn trông thấy, không biết còn xảy ra thế nào nữa kia. Chị tha nó, tôi cũng
không tha!
Phượng Thư nói:
- Tôi xem nó ngày thường cũng khá đấy. Ai không có lỗi, mới một
lần này thôi, lần sau lại phạm nữa, sẽ phạt cả hai tội. Nhưng không biết ai là
người lén lút đưa cho nó.
Tích Xuân nói:
- Không có ai đưa cho nó đâu, chắc là già Trương canh ở cửa
sau đấy. Già ấy thường thậm thụt với bọn a hoàn này, bọn họ cũng thường giúp đỡ
già ấy.
Phượng Thư nghe nói sai người ghi lấy tên, giao cho vợ Chu Thụy
tạm giữ những đồ vật khám được, để ngày mai đối chiếu sẽ hay. Rồi từ biệt Tích
Xuân đi vào buồng Nghênh Xuân.
Nghênh Xuân đã đi ngủ rồi, bọn a hoàn cũng sắp đi ngủ. Mọi
người gõ cửa, một lúc mới mở. Phượng Thư dặn trước:
- Không được đánh thức cô dậy.
Rồi vào ngay buồng bọn a hoàn. Tư Kỳ là cháu ngoại vợ Vương
Thiện Bảo, nên Phượng Thư để ý xem mụ ta có thiên vị với cháu hay không. Bắt đầu
khám hòm của các người, không thấy gì. Khi khám đến hòm của Tư Kỳ, mụ ta xáo
qua loa một lượt rồi nói:
- Cũng chẳng có gì cả.
Lúc sắp đóng hòm, vợ Chu Thụy nói:
- Hãy hượm! Cái gì đây?
Liền thò tay vào lấy ngay ra được một đôi bí tất gấm và một
đôi giày đoạn của đàn ông, lại còn một cái bọc nhỏ nữa. Khi mở xem một cái đồ
chơi kiểu “đồng tâm như ý” và một lá thư, tất cả đều đưa cho Phượng Thư, Phượng
Thư trông nom việc nhà đã lâu, thường xem thư, xem sổ, cũng bập bẹ biết được mấy
chữ. Thư này là giấy hoa tiên song hỷ đỏ sẫm, trong thư viết:
“Tháng trước, sau khi em về nhà, cha mẹ đã biết cả rồi. Nhưng
vì cô chưa đi lấy chồng, nên chưa thỏa được nỗi lòng ao ước của chúng ta. Nếu
có thể gặp nhau trong vườn, thì em nên nhờ già Trương đưa tin ra cho anh. Gặp
nhau trong vườn, thì dễ nói chuyện hơn là về nhà. Mong lắm! Mong lắm! Em có gửi
tặng hai cái túi thơm, anh đã nhận được rồi. Nay gửi vào cho em một chuỗi hạt
châu để tỏ chút lòng anh đối với em. Mong em nhận cho! Anh bên ngoại là Phan Hữu
An thân gửi.”
Phượng Thư xem xong, không tỏ ý bực lại mừng. Mọi người đều
không biết chữ cả. Vợ Vương Thiện Bảo không biết xưa nay anh em nó vẫn có chuyện
tư tình với nhau, vừa rồi trông thấy giày và bí tất, đã hơi chột dạ, bây giờ lại
thấy một cái thiếp đỏ. Phượng Thư xem rồi cười. Mụ ta liền hỏi:
- Chắc là chúng nó biên sổ không thành chữ, nên mợ mới cười?
Phượng Thư nói:
- Phải đấy. Cái sổ này tính không ra được. Nhưng già là bà
ngoại Tư Kỳ thì anh ngoại nó là họ Vương mới phải, sao lại là họ Phan?
Vợ Vương Thiện Bảo thấy câu hỏi lạ lùng, miễn cưỡng nói:
- Vì bà cô của Tư Kỳ lấy người họ Phan, nên anh con cô nó là
họ Phan. Lần trước có tên Phan Hữu An trốn đi, chính là hắn đấy.
Phượng Thư cười nói:
- Phải rồi. Tôi đọc cho già nghe nhé!
Liền đọc cái thư một lượt từ đầu đến đuôi. Mọi người nghe
xong đều giật nẩy mình lên.
Vợ Vương Thiện Bảo chỉ muốn bới lỗi người khác, không ngờ lại
bới phái cháu ngoại mình, vừa tức giận, vừa xấu hổ. Bọn vợ Chu Thụy bốn người
nghe xong, hỏi:
- Già nghe thấy rồi đấy. Thực là rõ ràng, hết đường nói nữa!
Bây giờ việc này làm thế nào?
Vợ Vương Thiện Bảo bực không sao chui ngay xuống lỗ nẻ cho khỏi
thẹn mặt. Phượng Thư cứ nhìn chòng chọc vào mặt mụ ta, bĩu môi cười hì hì, bảo
vợ Chu Thụy:
- Như thế cũng hay đấy. Bà ngoại nó chả cần phải lo nghĩ nữa.
Cứ im lặng như tờ, tự nhiên vớ ngay được một anh chồng. Chẳng ai phải lo lắng nữa.
Vợ Chu Thụy cũng cười rồi nói đùa theo. Vợ Vương Thiện Bảo
không biết trút giận vào đâu được đành cứ tát vào mặt mình mà mắng:
- Con đĩ già này không chết đi! Làm sao lại gây nên tội nợ
như vậy?
Mồm nói mồm lại tát, thực là quả báo trước mắt. Mọi người thấy
thế, cười không ngớt, vừa khuyên vừa chế giễu thêm.
Phượng Thư thấy Tư Kỳ cúi đầu không nói gì và cũng không có ý
sợ hãi hổ thẹn, cũng lấy làm lạ. Xem chừng đêm đã khuya, chưa cần tra hỏi,
nhưng sợ nó nghĩ quanh tìm cách tự tử chăng, liền sai hai bà già canh giữ, rồi
dẫn người mang đồ tang chứng về nhà nghỉ, sáng mai sẽ liệu. Không ngờ đêm hôm ấy,
Phượng Thư lại bị rong huyết, hôm sau thấy người rất mệt, phát nóng, không gượng
được, phải mời thầy thuốc đến. Xem xong thầy thuốc kê đơn, chẳng qua lại Nhân
sâm, Đương quy, Hoàng kỳ, v.v... Bọn bà già mang đơn đi trình Vương phu nhân.
Bà ta đâm buồn, nên việc Tư Kỳ hãy tạm gác lại.
Hôm ấy Vưu Thị đến thăm Phượng Thư, ngồi một lúc, rồi sang
thăm Lý Hoàn. Chợt thấy Tích Xuân sai người đến mời. Vưu Thị vừa vào đến nhà,
thì Tích Xuân đem ngay việc đêm qua ra nói, lại sai người đem tất cả những đồ vật
của Nhập Họa ra cho Vưu Thị xem.
Vưu Thị nói:
- Cái này thực là cha anh cô thưởng cho anh nó đấy. Nhưng
không nên lén lút đưa cho nhau, làm thế, công lại hóa ra tư mất.
Rồi quay sang Nhập Họa:
- Đồ ngu, ăn lắm đâm lú lấp!
Tích Xuân nói:
- Các chị trông nom không cẩn thận, lại cứ đi mắng a hoàn.
Trong đám chị em, chỉ có a hoàn của tôi là không ra gì, tôi còn mặt mũi nào
trông thấy người ngoài nữa! Hôm qua tôi bảo chị Phượng mang nó đi, chị ấy không
nghe, kể cũng có lý, may sao chị sang đây, chị mang ngay nó về, đánh nó, giết
nó, hay bán nó đi, tôi cũng mặc kệ.
Nhập Họa nghe thấy nói thế, quỳ xuống kêu van:
- Từ nay cháu không dám thế nữa. Mong cô nghĩ lại chút tình từ
thuở bé đến giờ. Dù sống chết cháu cũng xin ở lại với cô.
Vưu Thị và bọn vú già cũng hết sức nói giúp:
- Chẳng qua nó chỉ bị nhầm lẫn nhất thời, lần sau không dám
thế nữa đâu. Nó hầu hạ cô từ thuở bé. Cô nên tha cho nó.
Tích Xuân trẻ tuổi, khó tính, mặc ai nói gì thì nói, cứ cho
là mất thể diện, nghiến răng lại, nhất định không nghe.
- Tôi lớn rồi, không cần Nhập Họa. Từ nay bên nhà các chị,
tôi cũng không sang nữa. Gần đây có nhiều chuyện bàn tán, tôi sang bên ấy, họ sẽ
quàng cả cho tôi nữa.
Vưu Thị nói:
- Ai dám bàn tán? Có chuyện gì đáng bàn tán? Cô là ai? Chúng
tôi là ai? Cô thấy người ta bàn tán chúng tôi, cũng nên hỏi họ mới phải.
Tích Xuân cười nhạt:
- Chị hỏi tôi những câu ấy hay đấy nhỉ! Tôi là một cô gái cần
phải tránh chuyện lôi thôi, cớ chi lại đi chuốc lấy chuyện, thì còn ra người
sao được? Người xưa có nói: “Lành dữ sống chết, cha con cũng không thể giúp
nhau được”, huống chi giữa hai người chúng ta. Tôi chỉ có thể giữ thân tôi
thôi. Từ nay các chị có việc gì, đừng làm phiền đến tôi nữa.
Vưu Thị nghe nói, vừa tức, vừa buồn cười, nói với mọi người đứng
ở đấy:
- Thảo nào ai cũng bảo cô Tư trẻ tuổi hồ đồ, tôi vẫn không
tin. Các chị nghe lời cô ấy nói đấy, chẳng ra đầu đuôi, chẳng biết cân nhắc gì
cả, thật giọng trẻ con, nhưng lại làm người ta phải kinh khủng.
- Cô còn trẻ tuổi, tất nhiên là mợ phải chịu nhịn.
Tích Xuân cười nhạt:
- Tuổi tôi tuy còn thơ ngây, nhưng lời nói thì không thơ ngây
đâu. Các người không học, không biết chữ, đều là hạng ngốc cả, thế lại bảo tôi
hồ đồ!
Vưu Thị nói:
- Cô là trạng nguyên, thám hoa, là tài tử hạng nhất! Chúng
tôi chỉ là hạng người lẩn thẩn, không được sáng suốt như cô!
- Trạng nguyên, thám hoa mà không có người lẩn thẩn à? Thế mới
biết các chị đều là người tục cả.
- Giỏi lắm, giỏi lắm! Vừa mới là tài tử, giờ lại thành ra hòa
thượng bàn đến giác ngộ rồi.(1)
- Tôi chẳng giác ngộ gì cả. Tôi xem người bây giờ đều như hạng
Nhập Họa hết.
- Thế mới biết cô thực là người vô tình lạnh nhạt!
- Người xưa có câu: “Không làm kẻ dữ, khó gọi là trai”. Tôi
là một người trong trắng, sao lại chịu để liên lụy làm hỏng tôi đi.
Vưu Thị có tật giật mình, rất sợ người ta nói đến những câu ấy.
Nghe ai bàn tán đến chuyện mình là trong bụng đã xấu hổ bồn chồn, nhưng hôm nay
đối với Tích Xuân, chị ta đành cố nhịn, không tiện to tiếng, nay thấy Tích Xuân
lại giở những câu ấy ra, không chịu được nữa, liền hỏi:
- Sao lại liên lụy đến cô? A hoàn của cô có lỗi, tự nhiên vô
cớ cô lại chằng cả tôi. Tôi đã cố nhịn, cô lại càng lên nước, cứ nói bừa đi. Cô
là cô gái ngàn vàng, vạn vàng, từ nay chúng tôi không dám gần cô nữa, sợ làm bẩn
lây cái tên đẹp của vị tiểu thư! Thôi bảo ngay người mang con Nhập Họa về.
Vưu Thị hầm hầm đi ra.
Tích Xuân nói:
- Chị về nhà lần này, nếu quả không sang nữa, thì cũng bớt được
điều nọ tiếng kia. Mọi người càng được yên tĩnh.
Vưu Thị không trả lời, đi thẳng ra ngoài.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Danh từ nhà Phật, tức là ngộ đạo.
Hồi 75:
Mở tiệc đêm khuya, điềm lạ vẳng nghe tiếng thảm;
Thưởng trăng tháng tám, lời nói thành câu sấm hay.
Vưu Thị tức giận đi ra, định đến thăm Vương phu nhân, nhưng
các bà già theo hầu khẽ nói:
- Thưa mợ, không nên đến đó vội. Vừa rồi có mấy người nhà họ
Chân đến, có mang theo ít đồ đạc, không biết là việc gì giấu kín. Mợ vào sợ
không tiện chăng?
- Hôm nọ thấy ông nhà nói: xem trong giấy báo, thấy nói nhà họ
Chân phạm tội, hiện đương bị tịch biên gia sản và triệu về Kinh trị tội. Sao lại
còn có người đến nữa?
- Đúng đấy. Mấy người đàn bà mới đến, mặt cắt không còn máu,
hớt hơ hớt hải, chắc là có việc gì phải giấu chăng.
Vưu Thị nghe nói, không đến nữa, quay vào nhà Lý Hoàn, gặp
lúc thầy thuốc đến xem mạch xong. Mấy hôm nay Lý Hoàn đã tỉnh táo, ôm chăn tựa
gối ngồi trở trên giường, đương muốn có người đến chơi để nói chuyện phiếm. Thấy
Vưu Thị đi vào, không được tươi tỉnh như lúc nãy, cứ ngồi thừ ra, Lý Hoàn hỏi:
- Chị đến đấy à, đã ăn gì chưa? Chắc đói rồi thì phải.
Liền gọi Tố Vân:
- Xem có thứ điểm tâm gì mới đem đến đây.
Vưu Thị ngăn lại nói:
- Không cần, không cần. Thím đau ốm luôn, làm gì có thức ăn mới?
Tôi cũng không đói.
- Hôm trước có người biếu ít chè rất ngon. Tôi bảo nó pha một
bát chị uống nhé.
Nói xong sai đi pha.
Vưu Thị ngồi ngẩn ra không nói gì. Bọn a hoàn và đàn bà theo
hầu hỏi:
- Hôm nay trưa rồi, mợ chưa rửa mặt. Giờ nhân tiện mợ rửa
nhé!
Vưu Thị gật đầu. Lý Hoàn sai Tố Vân đi lấy hộp trang điểm của
mình ra. Tố Vân lại mang phấn của nó ra cười, nói:
- Mợ cháu không có cái này, nếu mợ không chê bẩn xin dùng tạm
một chút.
Lý Hoàn nói:
- Ta không có, mày cũng nên đến chỗ các cô mà lấy, sao lại tự
tiện lấy của mày ra. May là chị ấy đấy, phải người khác, lại không giận à?
Vưu Thị cười nói:
- Có can gì việc ấy? Ta đến đây luôn, của ai mà chả dùng. Bây
giờ còn sợ gì bẩn nữa.
Nói rồi ngồi xếp bằng trên bục, con Ngân Điệp chạy lại
tháo vòng tay và nhẫn, lấy cái khăn lớn che nửa người cho nước khỏi bắn vào quần
áo. A hoàn nhỏ là Sao Đậu bưng nước nóng lên. Đến trước mặt Vưu Thị, nó chỉ
khom lưng xuống bưng chậu nước.
Ngân Điệp cười nói:
- Mày chẳng tinh ý tý nào. Nói gà ra cáo. Mợ đối xử rộng rãi
với chúng ta, muốn sao được thế, mày đâm nhờn quen. Ra ngoài, trước mặt mọi người,
mày cũng làm qua loa cho xong chuyện à?
Vưu Thị nói:
- Mày mặc nó. Ta rửa xong thì thôi. Tất cả lớn bé trong nhà
chúng ta, chỉ biết bề ngoài, giả cách lễ phép đấy thôi, rút cuộc việc gì cũng muốn
làm cho xong chuyện.
Lý Hoàn nghe thấy thế, biết ngay chị ta đã biết chuyện đêm
qua, liền cười nói:
- Câu nói của chị có ý nhị đấy. Thế thì ai làm việc cho xong
chuyện.
Vưu Thị nói:
- Thím lại còn hỏi tôi, có họa thím ốm chết rồi hay sao mà
không biết.
Chợt có người vào báo:
- Cô Bảo đến chơi.
Hai người đều nói:
- Mời vào!
Bảo Thoa đi vào. Vưu Thị vội lau mặt, đứng dậy mời ngồi, hỏi:
- Sao tự nhiên lại một mình cô đến. Các chị em khác đâu cả?
- Đúng đấy, tôi cũng không gặp họ. Hôm nay mẹ tôi yếu, trong
nhà có hai người hầu gái đều ốm chưa khỏi, những người khác thì không tin cậy
được. Đêm hôm nay tôi phải sang bên ấy trông nom mẹ lôi. Tôi định đến trình cụ
và dì tôi, nhưng nghĩ việc này cũng chẳng quan hệ gì, nên thôi không nói, đợi mẹ
tôi khỏi thế nào tôi sẽ lại sang. Vì thế tôi sang nói để chị biết.
Lý Hoàn nghe nói, nhìn Vưu Thị. Hai người cùng cười.
Một lúc, Vưu Thị rửa mặt gội đầu xong, mọi người uống trà. Lý
Hoàn cười nói với Bảo Thoa:
- Tôi sẽ sai người sang hỏi thăm bà dì, xem người yếu ra làm
sao. Tôi cũng đương ốm, không thể sang tận nơi hỏi thăm được. Cô cứ việc đi,
tôi sẽ sai người sang trông nhà hộ. Một vài hôm, thế nào cô cũng về, đừng để
tôi phải mang lỗi đấy.
Bảo Thoa cười nói:
- Việc gì mà chị mang lỗi? Đó là thường tình của người ta, chị
có phải thả bọn trộm cướp ra đâu. Cứ ý tôi, chị cũng không phải cất thêm người
sang nữa, cứ mời cô Vân về đây ở với chị vài ngày, lại chẳng đỡ việc hay sao?
Vưu thị nói:
- Cô Vân bây giờ đi đâu?
Bảo Thoa nói:
- Tôi vừa bảo bọn họ đi mời cô Thám Xuân cùng đến đây luôn.
Tôi cũng sẽ nói rõ với cô ấy.
Đương nói thì có người báo:
- Cô Vân và cô Ba đã đến.
Mọi người mời nhau ngồi xong, Bảo Thoa nói đến việc mình phải
ra ngoài ở. Thám Xuân nói:
- Hay lắm. Dì khỏi sẽ trở lại, hoặc không trở lại cũng chẳng
sao.
Vưu Thị cười nói;
- Nói mới lạ chứ? Sao lại đuổi cả bà con đi?
Thám Xuân cười nhạt:
- Đúng đấy. Rồi thế nào cũng có người đuổi, chị để tôi đuổi
trước đi! Chỗ bà con với nhau, không cần phải ở rịt với nhau một chỗ mới là tử
tế. Chúng ta là chỗ bà con thân thiết đấy, nhưng ai mà chẳng như giống gà đen mắt,
chỉ chực nuốt sống nhau thôi.
Vưu Thị cười nói:
- Hôm nay sao tôi đen đủi thế? Đi đến chỗ nào cũng đụng phải
chị em các cô cáu gắt.
Thám Xuân nói:
- Ai bảo chị đâm đầu vào bếp lửa làm gì? - Lại hỏi luôn: - Ai
đã mắc lỗi với chị thế. Cô Tư chắc không khi nào gây chuyện với chị. Thế là ai
chứ?
Vưu Thị cứ ậm ừ trả lời cho qua.
Thám Xuân biết là Vưu thị sợ sinh chuyện, không dám nói nhiều,
liền cười nói:
- Chị đừng làm bộ thực thà nữa. Trừ khi triều đình trị tội,
ngoài ra không ai chém được đầu mình. Chị không cần phải sợ rụt đầu rụt cổ như
thế. Tôi nói cho chị nghe này: hôm qua tôi vừa mới đánh con vợ thằng Vương Thiện
Bảo, vẫn còn mắc tội đấy. Nhưng dù sao họ cũng chỉ nói vụng khi vắng mặt tôi
thôi, chẳng lẽ lại lôi tôi ra đánh à?
Bảo Thoa hỏi:
- Tại sao lại đánh mụ ta?
Thám Xuân kể lại đầu đuôi sự việc đêm qua. Vưu Thị thấy
Thám Xuân nói ra hết, cũng đem việc lúc nãy của Tích Xuân ra nói. Thám Xuân
nói:
- Tính khí cô ta xưa nay vẫn kiêu kỳ quá, chúng tôi không thể
địch với nó được. - Rồi lại nói với mọi người: - Hôm nay chẳng thấy động tĩnh
gì, hỏi ra thì chị Phượng lại ốm. Tôi sai người đi các nơi dò xét xem tình hình
vợ Vương Thiện Bảo. Trở về họ trình rằng: mụ ta bị một trận đòn rồi bị mắng là
hay sinh chuyện.
Vưu Thị, Lý Hoàn đều nói:
- Có thế mới được.
Thám Xuân cười nhạt:
- Cách che mắt người ta như thế, ai chẳng biết làm? Hãy chờ
xem sao.
Vưu Thị và Lý Hoàn ngồi im không nói gì. Một lúc, bọn a hoàn
vào mời đi ăn cơm. Tương Vân và Bảo Thoa về nhà sắp xếp quần áo.
Vưu Thị cáo từ Lý Hoàn sang bên Giả mẫu. Giả mẫu còn nằm trên
giường. Vương phu nhân đương kể lại việc nhà họ Chân vì sao bị tội, hiện giờ đã
bị tịch biên gia sản, và giải về kinh trị tội. Giả mẫu nghe nói, trong bụng rất
là khó chịu. Thấy Vưu Thị đến, liền hỏi:
- Chị ở đâu đến đây? Không biết chị em con Phượng ốm, giờ đã
khỏi chưa?
Vưu Thị vội trình:
- Hôm nay đều đã đỡ rồi.
Giả mẫu gật đầu thở dài:
- Chúng ta đừng bàn tán việc nhà người ta nữa, hãy bàn việc
thưởng trăng rằm tháng tám đi.
- Đã sắp sẵn cả rồi, nhưng không biết cụ định chọn chỗ nào
cho đẹp? Chỉ sợ ở trong vườn đêm khuya gió lạnh thôi.
Giả mẫu cười nói:
- Mặc nhiều áo vào thì sợ gì? Ở đó mới là chỗ thưởng trăng,
sao lại không ra đó chơi?
Trong lúc nói chuyện, bọn đàn bà khênh bàn ăn đến. Vương phu
nhân và Vưu Thị vội đến so đũa xới cơm. Giả mẫu thấy mấy món ăn của mình đã bầy
đủ rồi, lại còn có hai hộp lớn, đựng mấy món ăn nữa, đó là lệ cũ, các phòng
dâng thêm thức ăn. Giả mẫu nói:
- Ta đã bảo nhiều lần, bỏ lệ này đi, có chị vẫn không nghe.
Giờ có được như trước nữa đâu.
Uyên Ương cười nói:
- Cháu cũng đã nói nhiều lần. Chẳng ai nghe cả, nên đành phải
chịu.
Vương phu nhân cười nói:
- Chỉ là những đồ ăn thường thôi. Hôm nay con ăn chay, không
có món gì đem dâng cụ, miến và đậu phụ thì cụ lại không thích dùng, nên chỉ
mang đến một món rau dút, dưa chua ngâm dấm và tương ớt.
Giả mẫu cười nói:
- Ta lại thích ăn món ấy.
Uyên Ương nghe nói đưa đĩa rau ra bày ở trước mặt Bảo Cầm, mời
đủ mọi người, rồi mới ngồi xuống. Giả mẫu bảo Thám Xuân cùng ngồi xuống ăn.
Thám Xuân cũng mời khắp lượt, rồi mới ngồi đối diện với Bảo Cầm.
Thị Thư vội đi lấy bát đũa. Uyên Ương lại trỏ mấy món ăn nói:
- Hai món này không hiểu là món gì, bên ông Cả mang biếu đấy.
Bát này là măng nấu với tủy gà, đó là của ông ở nhà ngoài đem đến biếu.
Giả mẫu nếm qua mấy miếng rồi bảo người mang những món ấy về,
nói rằng “ta đã ăn rồi, từ nay không cần phải ngày nào cũng mang đến biếu. Ta
muốn ăn thứ gì, tự khắc cho người đến lấy”. Bọn đàn bà vâng lời mang ra.
Giả mẫu lại bảo:
- Mang cháo lên đây ăn một ít vậy.
Vưu Thị bưng một bát đến, nói là cháo gạo cẩm.
Giả mẫu cầm lấy ăn nửa bát, rồi bảo:
- Đem bát cháo cho cháu Phượng ăn.
Lại sai đem bát măng và quả chua cho Đại Ngọc và Bảo Ngọc ăn.
Bát thịt này thì cho chắt Lan. Rồi nói với Vưu Thị:
- Ta đã ăn rồi, chị cũng ăn đi thôi.
Vưu Thị vâng lời, chờ Giả mẫu súc miệng rửa tay xong, xuống đất
đi dạo, nói chuyện với Vương phu nhân, mới xin phép ngồi ăn. Thám Xuân, Bảo Cầm
đứng dậy cười nói:
- Chúng em xin thất lễ chị.
Vưu Thị cười nói:
- Chỉ còn một mình tôi ngồi ăn cỗ to không quen.
Giả mẫu bảo Uyên Ương, Hổ Phách đến tiếp, Vưu Thị nói:
- Đúng! Đúng! Cháu cũng đang định nói.
Giả mẫu cười nói:
- Nhiều người ăn càng vui. - Nhân trỏ Ngân Điệp: - Con
bé này khá, lại đây ngồi ăn với chủ mày một thể. Bao giờ chúng bay xa ta, lúc ấy
lại sẽ có khuôn phép.
Vưu Thị nói:
- Em lại đây mau, đừng giả vờ nữa.
Giả mẫu chống tay đứng xem, thấy người mang cơm đến cho Vưu
Thị vẫn cơm gạo thường, liền hỏi:
- Mày mê à? Sao lại lấy thứ cơm ấy cho mợ mày?
Người kia thưa:
- Cơm của cụ hết rồi. Hôm nay thêm một cô, nên thiếu.
Uyên Ương nói:
- Từ nay đều phải “đo đầu mà làm mũ”, không thể để thừa một
tí gì.
Vương phu nhân nói:
- Mấy năm nay hạn lụt thất thường, gạo ở trại không nộp đủ số.
Mấy thứ gạo ngon lại càng khó khăn lắm, nên đều nấu đủ ăn thôi, sợ một mai thiếu
không mua đâu ra.
Giả mẫu cười nói:
Phải đấy. Đàn bà khôn khéo không có gạo cũng không nấu được
thành cháo.
Mọi người đều cười. Uyên Ương quay lại bảo bọn đàn bà hầu ở cửa
ngoài:
- Đã thế, các chị đi lấy thêm phần cơm của cô Ba lại đây cũng
vậy.
Vưu Thị cười nói:
- Tôi ăn từng này đủ rồi, không cần phải đi lấy nữa.
Uyên ương nói:
- Mợ ăn đủ rồi, còn tôi không biết ăn à?
Bọn đàn bà nghe nói, vội đi lấy ngay. Một lúc Vương phu nhân
cũng đi ăn cơm. Vưu Thị thì ngồi hầu chuyện Giả mẫu sang đầu canh một. Giả mẫu
nói:
- Trời tối rồi, chị cũng về đi thôi.
Vưu Thị cáo từ ra về. Đến ngoài cửa thứ hai, lên xe. Ngân Điệp
ngồi bên cạnh. Bọn đàn bà bỏ rèm xuống, rồi dẫn lũ hầu nhỏ kéo ra trước, đứng
chực ở cửa chính bên kia.
Vì cổng hai phủ chỉ cách nhau một quãng đường, hàng ngày đi lại
luôn, không cần phải sắp sẵn gì cả. Vả lại, giữa lúc đêm tối, người qua lại tấp
nập, nên các bà già chỉ dẫn lũ a hoàn nhỏ, đi mấy bước là sang ngay. Những người
đứng ở hai cổng, ngăn không cho ai qua lại. Xe Vưu Thị không cần phải đóng ngựa,
chỉ sai bảy tám đứa đẩy là nhẹ nhàng đến ngay bậc hè.
Tới nơi, những người đẩy xe lùi ra ngoài con sư tử đá, các bà
già vén rèm lên. Ngân Điệp xuống trước dắt Vưu Thị. Bảy tám đứa lớn nhỏ cầm đèn
lồng soi sáng rõ như ban ngày.
Vưu Thị thấy bốn, năm cái xe lớn đỗ dưới hai con sư tử, biết
ngay là những người đến đánh bạc, liền bảo Ngân Điệp:
- Mày xem đấy, có ngần ấy người ngồi xe thôi, không biết bao
nhiêu người cười ngựa nữa. Vì họ buộc ngựa vào chuồng cả, nên ta không trông thấy.
Không biết các bà vợ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho họ chơi cái món ma mãnh này.
Nói xong đến nhà khách. Vợ Giả Dung dẫn bọn đàn bà và a hoàn
cầm đuốc ra đón. Vưu Thị cười nói:
- Ngày thường ta muốn rình xem họ đánh bạc thế nào, nhưng
chưa có dịp. Hôm nay nhân tiện ta đến gần cửa sổ xem sao.
Bọn đàn bà vâng lời, cầm đèn dẫn đường. Lại sai một người đến
trước, khẽ bảo những tên hầu nhỏ ở đấy không được nhớn nhác sợ sệt. Rồi cả bọn
Vưu Thị khe khẽ đến dưới cửa sổ nghe những tiếng “tam”, “tứ” reo ầm ĩ, xen lẫn
“ngũ”, lục” cáu gắt om sòm.
Giả Trân lâu nay có tang, không được đi chơi, cũng không cả
nghe đàn nghe hát, lòng rất trống trải, nên tìm cách để giải buồn. Ban ngày thì
hắn mượn cớ tập bắn, mời mấy vị con nhà thế gia cùng các bạn bè giàu có đến bắn
thi. Rồi nói đổ là nếu bắn bừa cũng vô ích, không những không giỏi, lại đâm hỏng
kiểu; phải lập lệ thưởng phạt, đặt cược đánh đố, mọi người mới chịu cố gắng. Hắn
bèn dựng một cái bia ở giữa đường thẳng dưới lầu Thiên Hương, hẹn nhau mỗi ngày
sau bữa cơm sáng đến đó bắn bia. Giả Trân không tiện ra mặt, cho Giả Dung đứng
làm chủ chứa. Đám này đều là hạng trẻ tuổi, lại con nhà giàu quen lối sống
phóng túng, chỉ lo những việc chó săn gà chọi, hỏi liễu tìm hoa. Vì thế họ bàn
nhau, mỗi ngày thay phiên thết nhau một bữa cơm chiều. Ngày nào cũng giết lợn
giết dê, mổ gà mổ vịt chẳng khác gì thi của báu ở đất “Lâm Đồng”(1) ai cũng
khoe khoang nhà mình có đầu bếp giỏi và nấu nướng khéo.
Chưa đầy nửa tháng, Giả Xá, Giả Chính nghe thấy, nhưng không
biết rõ ẩn tình bên trong, lại nói:
- Như thế mới phải, văn đã kém tất phải tập võ, huống chi
mình lại là dòng dõi con nhà quan võ nữa.
Rồi bảo Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Tôn, Giả Lan, cứ sau bữa cơm,
phải đến tập bắn với Giả Trân một lúc mới được về.
Giả Trân không phải chú ý vào việc này, tập bắn được vài
ngày, dần dần mượn cớ nghỉ bắn để dưỡng sức, rồi cứ đến buổi tối lại giở trò
bài bạc, ai thua phải thết rượu; sau dần đánh bằng tiền. Ròng rã ba bốn tháng
trời, hắn công nhiên đánh bài lá, gieo xúc xắc, tung tiền đầu. Người nhà cũng
nhờ đó kiếm được tý chút. Vì họ chỉ mong được như thế, nên trở thành sòng bạc.
Người ngoài đều không ai biết cả.
Gần đây, em ruột Hình phu nhân là Hình Đức Toàn rất mê đánh bạc.
Hắn cũng ở trong cuộc. Lại có Tiết Bàn là người thích cúng tiền cho người nhất,
lẽ nào không hăng say. Hình Đức Toàn tuy là em ruột Hình phu nhân, nhưng ý nghĩ
và việc làm lại khác hẳn. Hắn chỉ biết rượu chè cờ bạc, đắm liễu say hoa, tiêu
tiền bừa bãi, đối với mọi người, coi ai cũng như ai. Thấy thế, những kẻ nghiện
rượu thì thích, nhưng người không nghiện thì không hay gần gụi. Hấn bất chấp
trên dưới hay thầy trò, đều như nhau cả, không phân biệt là sang hay hèn, vì thế
ai cũng gọi hắn là “cậu Cả ngốc”. Tiết Bàn cũng là “anh chàng ngốc” có tiếng.
Nay hai người cùng ở một chỗ, đều thích sát phạt nhau, nên họ họp riêng, đánh ở
trên giường phía ngoài. Ngay đấy lại có mấy người đánh cá ngựa ở trên cái bàn lớn.
Trong nhà thì có một bọn chơi hơi nhã hơn, cùng nhau đánh mạt chược và bài cẩu.(2)
Bọn hầu nhỏ phục dịch ở đây, đều là trẻ con dưới 15 tuổi. Người lớn không được
vào.
Vưu Thị lẻn đến cửa sổ nhìn trộm, thấy trong đó có hai đứa trẻ
con hầu rượu, chừng mười sáu mười bảy cũng đều son phấn trang điểm lòe loẹt như
hoa như gấm vậy. Tiết Bàn đánh thua, trong bụng đương khó chịu, sau gỡ lại được,
trừ bỏ hồ rồi, còn được một ít, hắn lấy làm vui sướng lắm. Giả Trân nói:
- Hãy nghỉ tay, đi ăn đã rồi sẽ đánh. Còn hai bàn kia thì
sao?
Bàn đánh bài cẩu cũng đi ăn, chỉ còn bàn đánh cá ngựa là
đương giở cuộc chưa ăn được, nên bày một bàn sẵn. Hắn sai Giả Dung đợi tiếp bàn
sau. Ngay đấy Giả Trân ngồi tiếp. Tiết Bàn hứng lên ôm một đứa hầu bé ngồi uống
rượu, rồi sai nó mang rượu mời cậu “cậu Cả ngốc”.
Cả Ngốc đương thua, không còn bụng dạ nào nữa, mới uống hai
chén đã thấy say, liền cáu mắng đứa hầu rượu:
- Chỉ biết xoắn xuýt với người được, không để ý đến người
thua. Hạng nhãi con chúng bay chuyên việc hầu hạ, ngày nào cũng ở đây, thì ai
mà chúng bay không được nhờ ơn? Bây giờ ta mới thua có mấy lạng bạc, chúng bay
đã ra vẻ nhìn người ba bảy đứng rồi. Chẳng lẽ từ nay trở đi, chúng bay không có
việc gì nhờ đến tao nữa hay sao?
Mọi người thấy hắn đã chếnh choáng say, đều nói:
- Đúng! Đúng! Quả thật chúng nó vẫn quen cái thói ấy.
Rồi mắng hai đứa kia:
Hai đứa hầu nhỏ giở ngay trò ra. Chúng quỳ xuống dâng rượu
nói:
- Chúng cháu là người hàng họ. Thầy chúng cháu thường dạy:
Không kể xa gần thân sơ, cứ xem người có tiền thì xoắn xuýt lấy như ông tiên
trên trời. Khi tiền hết, thì bỏ đấy không cần nhìn đến. Vả lại chúng cháu còn
ít tuổi chưa quen làm cái nghề này. Xin ông rộng lượng tha cho chúng cháu.
Cậu Hình nghe vậy, lòng dịu hẳn đi, nhưng vẫn làm ra vẻ thịnh
nộ, không nhìn đến. Mọi người thấy vậy lại khuyên:
- Chúng nó trẻ con nói thực đấy. Cậu vẫn quen thương hương tiếc
ngọc, sao hôm nay lại như vậy? Cậu không uống, khi nào chúng dám đứng lên.
Cậu Hình nói:
- Nếu các vị không khuyên giải, tôi sẽ không nhìn đến chúng nữa.
Rồi cậu ta uống một hơi cạn chén. Sau lại rót một bát nữa. Rượu
vào, nhớ đến chuyện cũ, cậu Hình mới thổ lộ chân tình, đập bàn nói với Giả
Trân:
- Chẳng trách chúng coi tiền hơn hết. Bao nhiêu con nhà đại
gia sang trọng, đụng đến tiền, dù anh em ruột thịt cũng xa nhau. Cháu ơi! Hôm
qua tôi cãi nhau với bà thím nhà cháu, cháu có biết không?
- Cháu không nghe thấy!
Hắn ta thở dài:
- Cũng chỉ vì tiền thôi! Ghê lắm!
Giả Trân biết hắn giận nhau với Hình phu nhân, nên mỗi khi bị
Hình phu nhân ruồng bỏ, là hắn lại điều nọ tiếng kia, nhân khuyên:
- Thưa cậu, cậu cũng hay phung phí quá, nếu cứ để mặc cậu thì
bao nhiêu tiền cậu tiêu cũng hết.
- Cháu ơi, cháu chưa biết tình cảnh nhà họ Hình chúng ta. Khi
bà cụ mất, ta còn bé, chưa biết gì. Có ba chị em gái, thì bà thím anh là cả,
khi bà ấy đi lấy chồng, mang hết cả của cải trong nhà đi. Giờ dì hai cũng đi lấy
chồng rồi, nhưng cũng túng thiếu. Dì ba còn ở nhà. Tất cả những tiền bạc chi
tiêu, đều do người hầu thân là vợ Vương Thiện Bảo nắm giữ. Ta có đến lấy ít tiền
tiêu cũng không phải là lấy của nhà họ Giả. Tiền của nhà họ Hình cũng đủ cho ta
tiêu, nhưng không ngờ lại chẳng được đồng nào! Thật không biết giãi tỏ với ai
cho hết nỗi bực được!
Giả Trân thấy hắn say rượu nói lôi thôi, sợ người ngoài nghe
thấy không tiện, liền tìm lời khuyên ngăn.
Vưu Thị đứng ngoài nghe thấy mồn một, khẽ cười bảo Ngân Điệp:
- Mày nghe đấy. Đó là cậu em của bà cả bên phủ bắc đang bực bội
với bà ta đấy. Chị em ruột mà còn thế, trách sao được những người ngoài.
Vưu Thị muốn nghe nữa, gặp lúc những người đánh “cá ngựa” nghỉ
để uống rượu. Có người hỏi: “Vừa rồi người nào có lỗi với ông cậu thế? Chúng
tôi không nghe rõ. Hãy nói lại xem ai phải ai trái?” Hình Đức Toàn kể lại việc
hai đứa bé không chịu nhìn ngó đến mình, mà cứ xoắn xuýt với người được bạc.
Người kia liền tiếp:
- Tức thật! Không trách ông cậu nổi giận là phải. Tao hỏi
chúng mày: ông cậu chẳng qua mới chỉ thua mất mấy đồng tiền, chứ có thua mất cả
cái “con c...” của ông ấy đâu. Tại sao chúng bay lại lờ ông ấy đi?
Cả bọn nghe vậy đều cười ầm lên. Hình Đức Toàn cũng cười sặc
cả cơm ra.
Vưu Thị đứng ngoài nghe vậy hậm hực khẽ mắng:
- Mày nghe xem, cái bọn chết đâm vô liêm sỉ ấy! Vừa bỏ xương
đầu, đã ngậm ngay lông đít. Còn nốc rượu vào, chưa biết họ còn thở ra bao nhiêu
câu đểu nữa cơ!
Liền về nhà cởi đồ trang sức đi ngủ.
Đến canh tư, đám bạc mới tan. Giả Trân vào buồng Bội Phượng.
Hôm sau trở dậy, có người vào trình: Dưa và bánh dẻo đã sắp đủ cả, chúng con chờ
lệnh ông cho biếu các nơi.
Giả Trân dặn Bội Phượng: “Em nói với mợ sai người đi biếu. Ta
còn bận việc khác”.
Bội Phượng vâng lời đi trình Vưu Thị, rồi sai người đi biếu.
Sau đó Bội Phượng lại đến nói:
- Cậu hỏi mợ hôm nay có đi chơi đâu không? Cậu nói nhà ta
đương có tang, không nên ăn tết ngày rằm, nhưng tối hôm nay thì được. Chúng ta
có thể ăn dưa, uống rượu vui chơi qua loa.
Vưu Thị nói:
- Ta cũng không muốn đi đâu! Nhưng bên kia mợ Cả lại ốm, mợ
Hai cũng chưa dậy được, nếu ta không đi thì không có ai. Hơn nữa, chẳng ai rỗi
cả thì vui cái gì.
- Cậu bảo hôm nay đã từ chối mọi người rồi, đến mười sáu họ mới
đến, và mời mợ đến uống rượu.
- Mời ta, ta chẳng có cỗ đâu mà mời lại.
Bội Phượng cười rồi đi, một lúc lại đến nói:
- Mời mợ đến ăn cả bữa cơm chiều nay. Thế nào mợ cũng phải về
sớm. Cậu lại bảo tôi đi hầu mợ nữa.
- Đã thế thì ăn cơm sớm rồi đi.
- Cậu bảo là cơm sáng cậu ăn ở ngoài kia, xin mời mợ cứ ăn
đi.
- Hôm nay ngoài kia có ai?
- Nghe nói có hai người ở Nam Kinh mới đến, không biết là ai.
Đang nói chuyện thì vợ Giả Dung chải đầu, thay quần áo xong,
cũng đến đó. Một lát, cơm bưng lên, Vưu Thị ngồi trên, vợ Giả Dung ngồi dưới,
hai mẹ con cùng ăn; ăn xong, Vưu Thị thay quần áo đi sang bên phủ Vinh, đến chiều
mới về.
Quả nhiên Giả Trân giết một con lợn, thui một con dê, sắp một
bàn các thứ rau quả, bày ở Tùng Lục đường trong vườn Hội Phương, dẫn vợ con
nàng hầu đến đấy, bày ra tiệc rượu, tìm thú thưởng trăng. Vào khoảng canh một,
gió mát trăng trong, cả khoảng trời lấp lánh như bạc. Giả Trân muốn đố rượu.
Vưu Thị cho bọn Bội Phượng bốn người cùng vào dự tiệc, ngồi một dãy ở phía dưới
chơi hột, đánh toan. Uống rượu một lúc, Giả Trân đã ngà ngà say, cao hứng lên,
sai lấy một cái tiêu trúc, bảo Bội Phượng thổi, Văn Hoa hát, âm điệu du dương,
rung động tâm hồn mọi người. Hát xong lại làm tửu lệnh cho mãi tới khoảng canh
ba. Giả Trân đã say mềm, mọi người đương mặc thêm áo, thay chén uống rượu nữa.
Chợt nghe thấy từ chân tường bên kia có tiếng thở dài, ai nấy nghe rõ mồn một,
đều rợn tóc gáy. Giả Trân quát to: “Ai ở bên kia?” Hỏi dồn mấy tiếng, không có
ai trả lời. Vưu Thị nói:
- Chắc là tiếng người ở bên kia tường cũng chưa biết chừng.
Giả Trân nói:
- Nói nhảm! Không có nhà người hầu nào ở gần tường cả. Bên ấy
lại liền ngay với từ đường thì làm gì có người?
Nói chưa dứt lời, một cơn gió thổi tạt qua. Thấp thoáng như ở
trong từ đường có tiếng cánh cửa mở đóng, rồi thấy hơi gió rùng rợn, có vẻ lạnh
lùng, ánh trăng lúc đó cũng tờ mờ, không sáng tỏ như trước nữa. Thấy vậy ai nấy
đều rởn tóc gáy. Giả Trân hết hẳn say, tuy ngoài mặt trấn tĩnh hơn mọi người,
nhưng trong bụng rất khiếp sợ, không còn hứng thú gì nữa. Hắn gắng gượng ngồi lại
một lúc, rồi cũng về buồng nằm nghỉ.
Hôm sau là ngày rằm, Giả Trân dẫn con cháu đến từ đường làm lễ.
Xem xét khắp nhà thờ, vẫn thấy y nguyên như trước, không có dấu tích lạ lùng
gì. Giả Trân cho là sau khi rượu vào, thần hồn nát thần tính, nên không nhắc việc
ấy nữa. Làm lễ xong, đóng cửa khóa kín cẩn thận.
Sau bữa cơm chiều, vợ chồng Giả Trân mới sang phủ Vinh, thấy
Giả Xá, Giả Chính đương ngồi nói chuyện ở trong phòng cho Giả mẫu vui. Giả Liễn,
Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan đều đứng hầu ở dưới. Giả Trân đến nơi, đi chào một
lượt, nói mấy câu chuyện, rồi mới xin phép ngồi né xuống cái ghế nhỏ ở cạnh cửa.
Giả mẫu cười hỏi:
- Mấy hôm nay em Bảo anh bắn có khá không?
Giả Trân vội đứng dậy cười thưa:
- Khá lắm rồi, không những cách bắn trông đẹp mà giương cung
cũng khỏe thêm.
- Thế cũng đủ rồi, cẩn thận kẻo quá sức có hại đấy.
Giả Trân vội “dạ” luôn mấy tiếng. Giả mẫu lại nói:
- Bánh dẻo anh cho mang sang biếu hôm qua ngon đấy, dưa thì
trông ngoài cũng đẹp, nhưng bổ ra lại chẳng ra sao cả.
Giả Trân vui cười thưa:
- Bánh dẻo là do người đầu bếp mới đến làm ra, cháu đã nếm thử,
thấy ngon, mới dám mang sang biếu cụ. Dưa thì năm ngoái còn khá, không biết năm
nay sao lại dở thế?
Giả Chính nói:
- Có lẽ vì năm nay mưa nhiều quá.
Giả mẫu cười nói:
- Bây giờ trăng đã sáng rồi, chúng ta hãy đi lễ đã.
Nói xong, đứng dậy vịn vào vai Bảo Ngọc, dẫn mọi người cùng
vào trong vườn.
Lúc này cửa chính ở trong vườn đã mở rộng, treo đèn sừng dê.
Trên đài thưởng trăng ở Gia Ấm đường đã thắp hương đốt nến, bày các thứ hoa quả,
dưa bánh. Hình phu nhân và một lũ khách đàn bà đã chực lâu ở đấy. Thật là đèn rọi
trăng trong, hơi thơm hương ngát, mịt mù lộng lẫy, không thể tả ra hết được. Dưới
đất rải thảm gấm để lạy. Giả mẫu rửa tay dâng hương, lễ xong, mọi người cùng
vào lễ. Giả mẫu nói:
- Thưởng trăng ở trên núi tốt hơn.
Rồi bảo lên nhà hoa lớn ở trên núi. Mọi người nghe nói, bày
các thứ ở đấy. Giả mẫu vào ngồi nghỉ tạm ở Gia Ấm đường uống nước, nói chuyện.
Một lúc có người vào trình: “Đã sắp sửa xong cả”. Giả mẫu vịn
vào một người đi lên núi. Vương phu nhân nói:
- Sợ đá có rêu trơn, xin cụ ngồi lên ghế trúc, để kiệu đi.
Giả mẫu nói:
- Đường rộng và bằng phẳng, lại ngày nào cũng quét dọn, đi dạo
một lúc cho dãn gân cốt chẳng hơn ư?
Giả Xá, Giả Chính đi trước dọn đường, hai bà già cầm hai cái
đèn lồng sừng dê. Uyên ương, Hổ Phách, Vưu Thị đi gần lại đỡ Giả mẫu. Bọn Hình
phu nhân đi theo sau. Quanh co không đầy một trăm bước, đã đến sườn núi chính, ở
đấy có một tòa nhà rộng thoáng. Vì làm ở trên sườn núi cao, nên gọi là “Đột
bích sơn trang”(3) Trên đài, trước nhà bày bàn ghế, ở giữa lại đặt một cái bình
phong lớn, ngăn làm hai gian. Bàn ghế đều dùng kiểu tròn cả, lấy nghĩa là đoàn
viên. Giả mẫu ngồi giữa, bên trái có Giả Xá, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung, bên
phải có Giả Chính, Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan, ngồi quây quần; còn phía dưới vẫn
để không.
Giả mẫu cười nói:
- Trước kia còn chưa biết là ít người, bây giờ xem ra nhà ta
thật ít người quá. Nghĩ lại mấy năm về trước, ăn tết trông trăng đêm rằm, trai
gái có hàng ba, bốn mươi người, vui nhộn biết bao! Hôm nay sao lại ít quá, bảo
bọn cháu gái ra ngồi ở bên kia vậy.
Rồi sai người đến bàn của Hình phu nhân ở sau bình phong mời
Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân ra. Giả Liễn, Bảo Ngọc đứng dậy, nhường các
chị em ngồi trước, rồi mới theo thứ tự ngồi xuống.
Giả mẫu sai bẻ một cành hoa quế mang đến, bảo một người đàn
bà ở sau bình phong đánh trống, truyền hoa đến tay ai, người ấy phải uống một
chén rượu và phải nói một câu chuyện vui. Bắt đầu từ Giả mẫu, rồi đến Giả Xá, cứ
thế lần lượt truyền đi. Trống đánh hai hồi vừa hay đến tay Giả Chính, ông ta phải
uống một chén rượu. Các anh chị em đều khe khẽ người nọ kéo người kia, người
kia bấm người nọ, ai cũng mỉm cười xem câu chuyện vui như thế nào.
Giả Chính thấy Giả mẫu đương vui, cũng phải làm cho vui thêm,
ông ta sắp nói, Giả mẫu lại cười bảo:
- Nếu câu chuyện không được người ta cười thì anh phải phạt đấy.
Giả Chính cười, thưa:
- Con chỉ biết có một câu chuyện, nói ra không ai buồn cười
thì cũng đành xin chịu phạt vậy.
- Anh cứ nói đi.
- Một anh chàng con nhà nọ rất sợ vợ.
Mới nói câu ấy, mọi người đã cười ầm lên. Vì họ chưa nghe Giả
Chính nói chuyện vui bao giờ. Giả mẫu cười nói:
- Chắc chuyện này hay đấy.
Giả Chính cười thưa:
- Nếu hay, thì mời cụ xơi trước một chén.
Giả Chính lại nói tiếp:
- Anh chàng sợ vợ này, xưa nay không dám đi ra ngoài một bước.
Hôm ấy là ngày rằm tháng tám, chàng ta ra phố mua các thứ, gặp ngay mấy người bạn
cố sống cố chết kéo hắn về nhà uống rượu. Không ngờ chàng ta uống say quá, lăn
ra ngủ ngay. Hôm sau tỉnh dậy, hối không kịp, đành phải về nhà nhận tội. Lúc ấy
người vợ đương rửa chân, bảo chàng ta: “Đã thế thì anh phải liếm chân tôi, tôi
sẽ tha cho”. Chàng ta đành phải liếm chân vợ, rồi bụng thấy tởm tởm, muốn nôn.
Chị vợ nổi giận định đánh, và nói: “Anh lại hỗn xược thế à!” Chàng ta khiếp quá
vội quỳ xuống kêu nài: “Không phải là chân mợ bẩn đâu, vì hôm qua tôi trót uống
nhiều rượu, ăn nhiều nhân bánh dẻo quá nên hôm nay thấy lợm giọng”.
Câu chuyện làm cho Giả mẫu và mọi người cười ầm lên. Giả
Chính lại rót một chén rượu nữa mời Giả mẫu. Giả mẫu cười nói:
- Đã thế thì bảo người mang rượu nóng lại đây, đừng làm khổ
các anh nữa.
Mọi người đều cười ầm lên.
Lúc đó lại đánh trống, bắt đầu từ Giả Chính truyền đi, vừa đến
Bảo Ngọc thì tắt trống. Vì có Giả Chính ngồi đấy, Bảo Ngọc đã khép nép không
yên, nay cành hoa lại đến tay, liền nghĩ: “Mình nói chuyện không vui thì bảo là
không lém lỉnh, câu chuyện cười cũng không biết nói, còn biết cái gì, nói hay
ra lại bảo những chuyện đúng đắn chẳng thấy đâu, chỉ quen lối bẻm mép thôi,
cũng có lỗi, chi bằng ta không nói là hơn.”
Rồi đứng dậy từ chối nói:
- Con không biết nói, xin cho cái khác.
Giả Chính nói:
- Đã thế thì hạn cho chữ “thu” con phải làm một bài thơ tức cảnh.
Làm hay ta thưởng; không hay thì mai liệu hồn đấy!
Giả mẫu bảo:
- Làm tửu lệnh đương vui, sao lại bày ra làm thơ?
Giả Chính cười thưa:
- Nó làm được thơ đấy.
Giả mẫu nói:
- Đã thế thì làm đi.
Rồi sai người mang bút giấy đến.
Giả Chính nói:
- Nhưng không được dùng những chữ đệm lót như “thủy”, “tinh”,
“băng”, “ngọc”, “ngân”, “thái”, “quang”, “minh”, “tố” v.v... Phải theo ý của
mình để ta xem mấy năm nay mày học hành ra sao?
Bảo Ngọc nghe nói, chọc đúng vào tim mình, liền nghĩ ngay bốn
câu, viết ra giấy đưa lên. Giả Chính xem xong gật đầu không nói gì. Giả mẫu biết
là không đến nỗi dở lắm, liền hỏi:
- Thế nào?
Giả Chính muốn cho Giả mẫu vui lòng, nói:
- Nó cũng khá đấy. Chỉ có cái là không chịu học và đặt câu
chưa được nhã.
- Thôi được, nó đã lớn gì cho lắm. Định bắt nó làm tài tử
chăng? Cũng cần khen nó để sau này nó cố lên.
- Phải đấy.
Liền quay lại bảo bà già:
- Đi ra gọi bọn hầu nhỏ, bảo lấy hai cái quạt của ta mang ở Hải
Nam về, thưởng cho Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc cúi đầu tạ, lại ra chỗ ngồi làm tửu lệnh.
Giả Lan thấy Bảo Ngọc được thưởng, cũng đứng dậy làm một bài
đưa trình Giả Chính. Giả Chính xem xong lấy làm vui mừng, liền giảng nghĩa luôn
cho Giả mẫu nghe. Giả mẫu rất là sung sướng, vội bảo Giả Chính cũng phải thưởng
cho nó.
Mọi người trở về chỗ ngồi, lại bắt đầu làm tửu lệnh. Lần này
hoa đến tay Giả Xá, ông ta đành phải uống rượu và nói chuyện vui:
- Một nhà có một đứa con rất là hiếu thuận. Không may bà mẹ bị
bệnh, tìm thầy chạy thuốc các nơi không được. Người con mời ngay một bà biết
châm cứu đến. Bà này không biết xem mạch, chỉ bảo là bệnh tâm hỏa, châm một mũi
là khỏi thôi. Người con sợ quá, hỏi: “Tim mà gặp phải sắt thì chết, châm thế
nào được?” Bà lang nói: “Không cần phải châm vào tim, chỉ châm vào bên hông là
được rồi”. Người con nói: “Hông cách tim xa, châm vào đó khỏi thế nào được?” Bà
lang nói: “Không việc gì đâu. Anh không biết thiên hạ làm bố mẹ, nhiều tim rất
là thiên lệch.”
Mọi người nghe nói đều cười lên. Giả mẫu cũng phải uống nửa
chén rượu, ngồi một lúc rồi cười bảo:
- Nếu ta được bà lang ấy châm cho một cái thì cũng tốt đấy.
Giả Xá nghe vậy, biết là mình nói sỗ sàng để Giả mẫu nghi ngờ,
liền đứng dậy cười, dâng chén mời Giả mẫu rồi nói lảng sang chuyện khác. Giả mẫu
cũng không tiện nhắc, lại làm luôn tửu lệnh. Không ngờ cành hoa truyền đến tay
Giả Hoàn. Gần đây Giả Hoàn học đã hơi tiến, nhưng cũng giống Bảo Ngọc, không
thiết gì việc chính, mỗi khi làm thơ, chỉ thích những ma quỷ hão huyền. Thấy Bảo
Ngọc làm thơ được thưởng, hắn đã ngứa ngáy, nhưng trước mặt Giả Chính, không
dám lỗ mãng. May sao cành hoa lại đến tay mình, hắn lấy giấy bút viết một bài tứ
tuyệt trình lên. Giả Chính xem xong, cũng lấy làm lạ. Nhưng xét trong bài thơ,
vẫn có ý không thích đọc sách, Giả Chính tỏ ý không vui, nói:
- Thế mới biết là anh nào em ấy, mở mồm ra là rặt những câu bất
chính. Sau này chỉ là những kẻ hạ lưu, không chịu đi vào khuôn khổ. Người xưa
có chữ “nhị nan”(4), hai đứa chúng bay cũng có thể gọi là “nhị nan” được đấy,
nhưng không phải như nghĩa chữ “nan” của người xưa nói, mà phải giảng chữ “nan”
là “nan dĩ giáo huấn(5) mới đúng. Thằng anh thì nghiễm nhiên coi mình như Ôn
Phi Khanh,(6) Tào Đường sống lại.
Mọi người nghe vậy đều cười.
Giả Xá nói:
- Đem thơ lại cho ta xem. - Rồi khen luôn mồn: - Cứ ý tôi,
thì bài thơ này thực có chí cốt. Tôi nghĩ nhà chúng ta đây không giống như những
nhà bần hàn, phải ngồi trước cửa sổ khi tuyết xuống hoặc lấy đom đóm thay đèn để
học, hòng một mai bẻ quế trên cung trăng, mới được mở mày mở mặt. Con cháu ta
không cần phải dùi mài cho lắm, chỉ cần đọc ít sách, hiểu biết hơn người, khi
có thể làm quan được thì ra làm quan, còn chệch đi đằng nào. Việc gì mà phải
hao công tốn sức, lại thành ra anh chàng ngốc chữ. Tôi thích bài thơ của nó, vì
không mất cái khí khái nhà công hầu chúng ta!
Liền quay lại, sai người về lấy những đồ chơi của mình đem
thưởng cho Giả Hoàn, rồi gõ vào đầu hắn, cười nói:
- Từ nay cháu cứ làm thơ như thế này, bước đường “thế tập”(7)
chắc không chệch khỏi tay cháu.
Giả Chính vội ngăn:
- Chẳng qua nó làm liều mấy câu đấy thôi, sao anh lại nói đến
việc mai sau.
Ông ta rót rượu, lại bắt đầu làm tửu lệnh. Giả mẫu nói:
- Các anh về đi thôi. Ngoài ấy chắc còn có bọn gia khách chực
hầu, cũng không nên sơ suất với họ. Hơn nữa đã quá trống canh hai rồi, các anh
nên về để chị em chúng nó vui chơi một lúc.
Giả Xá, Giả Chính nghe nói, mới thôi tửu lệnh, rồi đứng dậy.
Họ cùng dâng chung một chén rượu, rồi dẫn bọn con cháu đi ra.
Chú thích:
Chú thích:
1. Chuyện Mục công nước Tần định xâm chiếm các nước chư hầu,
hẹn gặp nhau ở đất Lâm Đồng, đem mỗi nước hai thứ của báu đến thi để định được
thua.
2. Trong nguyên bản nói cách đánh bạc như Thương Tân Khoái,
công phiên… xét không cần thiết lắm, nên chúng tôi đổi ra là mạt chược và bài cẩu.
3. Nhà làm nhô lên sườn núi.
4. Đời Đông Hán có hai anh em họ Trần: anh là Nguyên Phương,
em là Quý Phương đều có tài học bằng nhau, khó phân được anh hơn hay em
hơn, do đó có chữ “nan huynh nan đệ”.
5. Khó mà dạy bảo.
6. Nhà thơ lớn đời Đường.
7. Đời này nối đời khác làm quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét