Tựa
Ai đã từng đọc qua sách “Cạm bẫy người” chắc cũng nhận thấy rằng
ngòi bút phóng sự của ông Vũ Trọng Phụng đã nói tới một độ rất cao trong nghệ
thuật. Không những ngòi bút ấy đã ghi được sự thực, lại còn ghi được cả cái thực
trạng của sự thực nữa: ghi được cái trạng thái biến hiện trong chớp mắt, cái trạng
thái phức tạp hỗn độn và bình dị linh hoạt của sự thực hàng ngày xô đẩy quanh
mình.
Nếu phải giới thiệu với quốc dân thiên “Kỹ nghệ lấy Tây” về
phương diện phóng sự, thì tài nghệ của tác giả trong những tác phẩm đã nói trên
kia đủ làm đảm bảo chắc chắn rồi.
Cuốn sách này, tôi không muốn chỉ coi là một thiên phóng sự.
Tôi muốn đặt nó vào hàng những công trình có ảnh hưởng xa rộng hơn, những công
trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ, những công trình giúp được tài liệu
cho đời sau khảo xét về buổi này.
Buổi này là một buổi hy sinh. Đời chúng ta chỉ là một độ đường
phải qua, một số năm, tháng phải phí để đi đến một tổ chức, một trật tự mới.
Vừa ở thế giới cũ bàng hoàng bước sang thế giới mới, chúng ta
tuy vẫn hành động, vẫn tiến thủ, nhưng chỉ là thử đất dò đường, đi hết thí nghiệm
này đến thí nghiệm khác, chưa đặt được căn bản vững cho cuộc sinh tồn. Cái căn
bản ấy, phải xây đắp nên được là công cuộc của thời gian. Trong khi chờ thời gian
ta chỉ gọi là sống một cuộc đời bơ vơ trôi nổi.
Cuộc đời “hy sinh” này gây cho ta nhiều điều bi phẫn, nhưng,
đứng vào phương diện một nhà cầm bút, thì buổi đời lại mở ra được nhiều đất mới
để vun trồng tài nghệ.
Nước ta hiện đương sống một cuộc đời biến đổi lạ lùng, không
có hai trong lịch sử. Chỉ trong vòng ngoài năm mươi năm, bao nhiêu lề thói, bao
nhiêu tư tưởng, bao nhiêu hình dạng của bốn nghìn năm phải phá hủy đi gần hết.
Vậy hiện tượng của cuộc biến đổi ấy như thế nào, sức xung đột của Đông Tây ảnh
hưởng vào đời vật chất và tinh thần của xã hội ra sao, há chẳng là những điều
nên mô tả ra cho đời sau được biết ư?
Được cái vinh dự sống trong một thời cục độc nhất của lịch sử,
nhà cầm bút há chẳng nên tiến thẳng vào trung tâm thời cục mà tìm tòi, xem xét,
suy nghĩ, ghi chép những sự trạng người trước chưa ai gặp thấy, những sự trạng
người sau không thấy nữa, những sự trạng chỉ riêng mình được mục kích mà thôi?
Ở buổi giao thời này, nhà cầm bút không nên phí thời giờ đem
tài nghệ ra phụng sự cho những vấn đề đời nào người ta cũng có dịp nghĩ đến, những
vấn đề “thiên cổ” làm thắc mắc tâm óc của nhân loại những tự xưa rồi. Công việc
ấy là công việc đời thái bình. Bây giờ nhà cầm bút đương đứng làm chứng cho cuộc
tàn phá xã hội cũ, và xây đắp xã hội mới, phải nghĩ thuật lại cho đời sau biết
một vài trong muôn nghìn công cuộc hoặc đã gây nên thời cục, hoặc ở trong thời
cục mà ra.
Tôi riêng nghĩ về bổn phận người cầm bút bây giờ là thế, chắc
ý kiến không khỏi có chỗ sai nhầm hoặc sơ lậu. Nhưng tôi cũng đánh bạo viết ra
đây, vì tôi cho rằng cuốn “Kỹ nghệ lấy Tây” đã đưa tác giả vào con đường bổn phận
theo như tôi hiểu.
Mong rằng cuốn sách này, quốc dân sẽ không hoan nghênh nó như
hoan nghênh những cuốn sách đọc tiêu khiển trong nửa giờ.
Nam Định, 25 Mars 1936
Phùng Tất Đắc
Chương 1:
Đầu và tai
Nhà bà bán hàng nước ấy đã bắt đầu run…
Trước một cơn thịnh nộ vô nghĩa lý của một kẻ sức lực hơn
mình, tôi vội phải đứng ngay lên và lùi mấy bước để giữ thế thủ. Giữ một cách kể
cũng hèn, vì cái thế mình đúng là mình không dám để lộ, mình vẫn cứ phải làm
như chỉ nhượng bộ, và sợ sệt, và khuất phục nữa, vì sợ cái thế thủ của mình
cũng đủ khiêu khích cho bên địch lại càng khởi thế công!
Những lời doạ nạt vẫn không thôi hắt vào mặt tôi như một cơn
mưa nặng hạt:
- Phải! Một trăm thằng thì đều lấy cớ là đến du lịch cả trăm.
Nhưng bọn chúng ta không còn ai lạ gì! Cái đất Thị Cầu này vẫn là chỗ để cho bọn
trẻ tuổi nhàn cư đến ăn trộm ái tình hoặc giở giói những thủ đoạn hèn mạt khác,
bọn người bản xứ khốn nạn ấy thường cũng có những bộ dạng khả nghi y như
anh 1.
Kẻ gây sự như thế với tôi vừa la xong thì hai bàn tay hộ pháp
của va đã nắm tròn. Cái mặt va khiến tôi phải nhớ đến một vài vai trò trong
phim Big House. Mép, cằm và quai hàm của va tua tủa những sợi râu mới đâm ra
vài hôm làm cho va có cái vẻ ngang tàng của Jean Valjean khi mới vượt ngục.
Chừng như nước mật của va chỉ có đến thế, và chỉ còn cách nhổ
xuống đất một cái tỏ ý khinh bỉ và dồn cả sự căm hờn vào đôi mắt đe doạ tôi.
Trước mắt tôi là một con hổ đang muốn gầm. Nhưng trước mắt con hổ lại có sự thản
nhiên bình tĩnh của tôi – lớp rào sắt ngăn nó vậy. Tôi đợi va căm tức tôi chán
chê đi rồi mới đáp:
- Tôi đây không thuộc hạng người mà các ông chồng ghen tuông
phải gặp mặt thì mới xong đâu! Anh đừng vội nhầm.
Sau cùng, va lầu nhầu:
- Tôi rất hy vọng thế đó. Và tôi xin báo trước anh rằng, nếu
tôi sẽ bắt được quả tang anh làm một chuyện bất lịch sự gì thì mặc lòng là thiệt
hại cho tôi hoặc chỉ thiệt hại cho ông bạn đồng ngũ của tôi ở đây, tôi cũng sẵn
lòng “hầu hạ” anh ngay!
Tôi đáp gọn:
- Xin vâng. Và cảm tạ.
Thế xong va mới chịu quay đi, lộp cộp in xuống mặt đường lầy
bùn dấu giày đầy những vết đanh khuy to tướng.
Đó là một dân nước nào bên Tây phương? Người Đức hay người
Nga? Người Ý hay người Bỉ? Hay một người Ba Lan?
Tôi không biết và có lẽ cũng không cần biết rõ đến thế. Điều
tôi cầm chắc là bác lính lê dương ấy, thấy một người trẻ tuổi lạ mặt ở giang
sơn mình mà đã nổi nóng, tất nhiên có phen bị vợ, hạng phụ nữ Việt Nam đi lấy
Tây 2 lừa dối hẳn hoi rồi. Nghĩ kỹ ra người ta cũng có quyền nghi ngờ
mình và sinh sự với mình. Lẽ thứ nhất vì người Âu ở Đông Dương có cái thói quen
hễ cứ thấy một người bản xứ làm báo thì nghi cho là làm hội kín cũng như thấy một
người ăn vận âu phục lại gần nhà mình là chỉ có một nghề đi chim vợ Tây!
Và lẽ thứ hai là vì ở cái… “Kỹ nghệ lấy Tây” nữa.
Những cuộc phối hợp của một số đông phụ nữ nước nhà với những
người Tây phương liệu có đáng là những cuộc nhân duyên hẳn hoi không? Hay đó chỉ
là, chỉ như…, chỉ hao hao giống… chỉ phảng phất… đáng gọi là một thứ “kỹ nghệ”?
Trước khi nêu lên đây những việc có thể đáp lời cho câu hỏi ấy,
tôi hãy xin kể qua mấy cảnh mà, nhờ đó, tôi thấy ra trong cái óc cái câu hỏi kỳ
lạ trên kia.
Trước nhà thờ chính, Hà Nội…
Buổi sáng, tiếng chuông đương khua động cả kinh thành.
Bốn chục chiếc xe hơi từ thềm nhà thờ nối nhau một hàng dài vắt
ra phố Lagisquet như một con rắn bể kỳ quái nằm vươn mình: một đám cưới Tây. Mặt
trời tươi tỉnh rọi ánh sáng để điểm thêm cho những bộ áo của những ngày đại tiệc.
Hàng đám người ta đón chào vồn vã nhau, ồ ạt kéo nhau vào nhà thờ. Tại một góc
thềm nọ, hai nhà, một gia đình Pháp một trăm phần trăm và một gia đình Pháp –
Việt đương tưng bừng trò chuyện với nhau. Cái gia đình Pháp chỉ có hai người:
bà vợ trẻ và rất đẹp, còn ông chồng đã già, tóc đã bạc phơ, tinh thần trông oai
nghiêm sang trọng như một ông công sứ nào vậy. Còn cái gia đình Pháp – Việt thì
có bốn người: ông chồng Pháp, bà vợ Nam, với hai con (tất nhiên là lai) trai và
gái. Cặp vợ chồng quý phái người Pháp trăm phần trăm kia đã bắt tay bà “đầm ta”
một cách kính cẩn không ngờ. Bà này cứ khanh khách cả cười, tiếng Pháp làu làu,
tiếp chuyện đã tự nhiên, mà bệ vệ, mà sang trọng!
Một cảnh như thế khiến ta có cái cảm tưởng dễ chịu khi thấy một
người đàn bà là dân một nước còn “dã man”, lấy chồng người bảo hộ mình hẳn hoi
mà cũng không lép vế. Lấy tây như thế hẳn là không phải làm một kỹ nghệ.
Một cảnh khác nữa…
Một cái nhà tây nhỏ ở vùng châu thành.
Ngoài sân.
Dân quê qua đường thường phải ngạc nhiên mà dừng chậm đà chân
mỗi khi thấy một ông Tây chân đi guốc mộc quai cao su lúi húi cầm bồ cào san một
luống rau giữa lúc vợ ông ngồi chễm chệ trên ghế mây ở dưới hiên, đan một cái
áo len và tặng cho mấy đứa con lai nghịch ngợm những tiếng nói cả Pháp lẫn Nam,
thứ thì để chỉ tên súc vật, với thứ nữa, chuyên chỉ để réo đến năm đời, mười đời.
Đó tưởng cũng là một bức tranh về hạnh phúc gia đình, mặc lòng có những lời
nguyền rủa tục tằn của người đàn bà An-nam. Người chồng vốn là cựu chiến binh,
có lẽ đã quen tai với những tiếng súng đại bác ở Verdun, nên cũng không chấp
chi ngôn ngữ mọi rợ của một mụ đàn bà mọi rợ.
Nếu chỉ thấy toàn những cảnh như thế, tôi đã chẳng dám nghĩ đến
sự viết một thiên phóng sự với cái nhan đề “Kỹ nghệ lấy Tây”.
Nhưng, một buổi sáng kia, một me Tây trước vành móng ngựa toà
trừng trị đã nói một câu khiến cho công chúng quên khuấy ngay mình đang ở chỗ
trang nghiêm, tưởng dè lúc đó đương xem hát bội mà thích chí cười ồ.
Viên thông ngôn vừa dứt tiếng gọi. Một thị khua rộn gót giày
mang cá đỏng đảnh dẫn xác lên. Cử chỉ tuy vô lễ, khả ố, song cái mặt trông lại
khả ái.
- Tên là gì?
- Nguyễn Thị Ba.
- Bao nhiêu tuổi?
- Hăm nhăm.
- Làm nghề gì?
- Trước lấy một ông phó đoan, sau lại lấy một ông…
- Im! Nghề gì chứ ai hỏi chồng!
- Sau lấy một ông cập-ten.
Viên thông ngôn cáu kỉnh làm luôn:
- Không có nghề phải không? Vô nghề nghiệp (quay lên quan
toà). Sans profession.
- Việc gì mà vô nghề nghiệp?
- Thế làm nghề gì?
- Làm nghề gì? Làm nghề… làm nghề lấy Tây!
Công chúng cười ồ. Viên mõ toà đứng lên suỵt suỵt hoài mà ở
cuối toà vẫn có tiếng cười khúc khích. Đáp một câu hỏi của quan biện lý, viên
thông ngôn bực mình cứ việc:
- Elle déclare exercer le métier d’épouser les Européens!
Ông biện lý ngẩn người ra nhìn ông chánh án. Ông chánh án
cũng ngẩn người ra nhìn ông biện lý. Rồi hai ông mỉm cười.
Lời khai nọ cũng đã ngộ nghĩnh, cũng đã táo tợn thay. Nhưng
sao thị kia dám sưng sưng như thế? Hay là có nghề lấy Tây thật? Mà sao hai ông
quan toà lại chỉ mỉm cười? Chỉ tha thứ, hay là hai Ngài đã hiểu lời khai ấy
không sai với sự thực đó chăng?
Tôi muốn hiểu sự mỉm cười tha thứ của hai ông quan toà.
Cho nên buổi sáng mưa phùn gió bấc, tôi đã đội vào đầu một
cái cát-két, ôm dưới nách một cái cặp nhỏ, đáp chuyến xe hơi thứ nhất đi Thị Cầu.
Các me đã chia chồng Tây ra làm ba hạng: xi-vin, cô-lô-nhần
và lê dương.
Tôi muốn đến chỗ có thứ hàng hạ giá nhất đã.
Trước khi thẳng tiến trên con đường vào làng Cổ Mễ nó dắt tôi
qua xóm các me, tôi mới kịp ngồi tránh mưa tại một hàng nước có một bà “nguyên
vợ Tây” ngồi bán, thì thình lình bác lính nọ đến gây sự với tôi.
Một anh làm báo trẻ tuổi và yếu ớt, lại lăn lóc ở chỗ có những
ông chồng cả ghen người Âu châu thì cũng là một sự nguy hiểm đấy.
Khốn nỗi, tôi chỉ muốn hiểu nghĩa lý cái mỉm cười của hai ông
quan tòa.
Bóng người lính lê dương ấy đã khuất sau bức tường của Nhà Ngựa,
bà hàng nước mới hết tái mặt hộ người khác (là tôi) và hỏi:
- Anh chàng cà cái gì thế ông?
- Có gì đâu: họ ghen tôi đấy. Sao bà lại cười?
Bà hàng nước vẫn cười, cười mãi, rồi mới nói:
- Biết mà! Anh chàng ghen là phải. Vừa mới chủ nhật tuần trước,
anh chàng bắt được quả tang vợ đi chơi với giai.
- Thế à!
Bà hàng tiếp:
- Hôm ấy chẳng may hắn lại săng-ty-nền nên không làm gì được
vợ. Về sau chị vợ chối mà bảo đấy là đi với em họ sang có việc nhà. Phúc làm
sao nó chỉ cho mấy cái tát.
Bị mấy cái tát mà còn nói là có phúc! Độc giả nên cố hiểu đi,
chứ người nói thế không hoá dại một tí nào. Nếu mình đi tưởng rằng ấy là câu
pha trò thì lại là không tri kỷ với bà ta.
- Thế ông ở đâu, đến đây làm gì?
- Nguyên tôi làm nghề nhật trình, đi chơi lang thang, có gì
hay thì viết.
- Thôi chết tôi rồi. Còn trách gì bác lính kia?
Bà hàng cứ gật gù cười một cách tinh quái làm sao! Bà ta cũng
nghi tôi nốt!
Vội vàng tôi phải nói một cách rất đứng đắn cho bà ta nghe là
tôi không có nhân tình nhân ngãi với ai ở đây, và hỏi bà ta những điều cần hỏi.
Nhờ cuộc trò chuyện, tôi mới biết đại khái đồn Thị Cầu.
Trời vẫn rả rích mưa to, nhưng vũ vô kiềm toả… Cho nên bà
hàng nước cũng buồn, chẳng còn cách gì khác là kể hết, kể hết cho tôi.
Tuy chỉ có vài ngọn đồi, một nhà ga với vài trại lính, Thị Cầu
cũng đáng gọi là một tỉnh “quốc tế”, cũng như Chùa Thông, Tuyên Quang hay Việt
Trì. Bề ngoài thì nó còn có gì tỏ ra cái tính cách quốc tế được! Nhưng ta thử
ngẫm về cái tinh thần nó xem! Ba trăm lính lê dương đóng đồn tại đó thì biết
bao nhiêu thứ người các nước bên Tây phương? Trong các hàng ngũ người Đức đứng
cạnh một người Nga, một người Lỗ đứng cạnh một người Bồ đào, nhưng ai cũng đều
bập bẹ nói tiếng Pháp cả. Trong 300 người, mỗi khối óc là một thế giới riêng.
Ba trăm cái tiểu sử hoặc lâm ly hoặc bi hùng trộn lẫn nhau tại đó. Muốn tưởng
tượng ra được những cuộc đời của họ, ta cần phải đã có xem chiếu những phim: Le
grand jeu, Je suis un évadé, Le passager v.v… Người này có lẽ đã chọc một mũi
dao nhọn vào cái cổ trắng nõn như ngà của một người đàn bà đã phụ bạc… Kẻ kia
có lẽ bắn súng lục vào ngực một người mẹ đã cho bố mình mọc sừng. Một kẻ khác nữa
có lẽ đã đâm chết vài thằng phản đảng một đảng quá khích.
Rồi họ đăng lính, đến đây để tìm sự sống còn, hay tìm cái
Quên.
Dù xưa kia là (…) một kẻ sát nhân xoàng, một người lê dương
thì ít ra cũng đã là một ông cọp. Họ thường có những lá gan, quả mật to phi thường.
Nếu họ phải lấy một người vợ đất Nam Việt thì đó là hùm thiêng khi đã sa cơ.
Mà 300 lính ít ra cũng phải chế tạo được 350 me Tây và vì bao
giờ cũng phải có một số các me nghỉ việc. Thí dụ cứ cho là 50 me “thất nghiệp”
thôi, ta cũng đã có thể đoán trước được những sự cạnh tranh hèn hạ, phỗng tay
trên nhau, phá giá nhau. Một người chồng không mỗi lúc đã trở mặt hoá ngay ra
được một bạc tình lang, nếu luật cung không quá luật cầu.
Trước, tôi chỉ muốn hỏi: lấy Tây có thể gọi được là một kỹ
nghệ không thì sau khi trò chuyện với bà hàng, tôi thấy rằng kỹ nghệ ấy đã đến
hồi suy đốn nữa!
Vì rằng bà ấy đã nói:
- Tuần lễ trước có cả mấy cô thiếu nữ Hà thành cũng sang đây
để kiếm chồng! Có chồng rồi, vì không biết nên cho được đồng lương cao, thành
ra không đủ tiền mua rượu, thuốc lá, đồ hộp cho chúng nó. Thiếu thốn, bị chồng
vặc, chưa chi đã sợ, ấy thế là bảo nhau tìm đường chuồn. Thành thử lấy chồng lỗ
vốn! Rõ khốn nạn! Tài có, sắc có, chữ nghĩa cũng có mà thế đấy! Bảo via như tôi
thì đã đành. Nghe đâu bây giờ có một cô ả trong bọn ấy sang một tiệm nhảy ở Đáp
Cầu xin vào làm ca-va-li-e.
Nào cô Nguyễn Thị Kiêm đâu?
Đó, một tài liệu cho cô để diễn thuyết về vấn đề chức nghiệp
của phụ nữ!
Tự nhiên bà hàng lại mách:
- Lại còn điều này mới chua chát: bây giờ vô số anh không chịu
lấy vợ, chỉ rượu và quây quần nhau lại một chỗ để bẹp tai.
Sẵn dịp, tôi liền hỏi:
- Bà có biết anh nào hiện không vợ và dễ dãi, thích nói chuyện,
có thể nhận lời mời của tôi không?
Bà ta:
- Có! Tôi quen thì nhiều.
- Không cần nhiều. Chỉ cần một người, nhưng mà dễ dãi.
- À, thế thì có lão cai Đi-mi-tốp.
- Làm cách nào bén chuyện làm quen được?
- Đến chiều, hết giờ la-gát thì thế nào anh chàng cũng đi qua
đây.
- Thì bà mách cho tôi nhé?
- Được. Khó gì điều ấy? Lão ta đã lấy nhiều vợ lắm, mà gặp phải
những đứa không ra gì cả nên lão bây giờ lử đử lù đù như người chán đời, chỉ
thích trò. Ông muốn lão cởi hết ruột gan ra thì cứ việc nói xấu người đàn bà nước
ông cho nó nhiều vào! Nhiều vào! Và mời lão đi cát-cút 3 hay là đi
chén rượu ty với phở tái cũng được cả.
Tôi hẹn giờ quay lại rồi đứng lên cáo từ.
Bà hàng thế mà là người tốt, mặc lòng tôi thường thấy rợn cả
tóc gáy mỗi khi bà ta cười mà để lộ hai hàm răng trắng nhởn ra.
Chú thích:
1. Nếu độc giả thấy câu văn là ngây ngô thì xin nhớ cho rằng
tôi cố dịch những lời nói tiếng Pháp đúng từng chữ một để khỏi sai lạc tinh
thần những người nói.
|
|
2. Chữ Tây ở đây xin độc giả hiểu cho là Tây phương, lấy Tây
là lấy người Tây phương (Occidentaux) chứ người Tây không chỉ là người Pháp.
|
|
3. Cát-cút theo chữ casse-croutte, nghĩa là bóp vỡ cùi bánh,
nghĩa là ăn bánh với các thức ăn nguội.
|
Chương 2:
Cự Môn thê thiếp
Vì rằng ông bạn mới quen nhưng đã tri kỷ của tôi đã có hai
hơi một chai “bố” nên nay ông nói chuyện nhiều nhiều. Rượu làm nóng máu, máu
nóng bắt người ta nghĩ đến ái tình, mà ái tình bao giờ cũng khiến người ta phải
đau thương. Trước mắt tôi, nằm dài tại khay đèn một cách cũng xoàng xĩnh như
tôi là một vị “anh hùng” của chính phủ Kerenski. Ông đã cao tuổi, kêu chỉ ao ước
một chế độ trọng sự tự do cá nhân như chính thể cộng hoà của nước Pháp thôi,
nên ông phải bỏ nước xa nhà. Sang Paris, Đi-mi-tốp đã làm đầu bếp một khách sạn
lớn. Việc bắt mất tích nguyên soái Koutiepoff khiến ông ta rùng mình rồi đăng
vào đội lính lê dương. Ngày nay… than ôi! Ngày nay Đi-mi-tốp chỉ còn là một người
đội lê dương, và rồi có khi đến… bẹp tai nữa.
- Tôi đã sang Bắc Kỳ lần này là hai lần, mỗi lần hai năm sáu
tháng, nghĩa là 5 năm. Trong 5 năm mới gặp ông là phái viên nhà báo, lần này là
lần đầu. Ồ, tôi sẽ nói hết các chuyện cho ông hiểu tại sao một người đàn ông
như tôi mà một đời lấy đến mười bốn người vợ. Mà người đàn bà Bắc Kỳ, trời ơi!
Thật là những “đứa trẻ ốm yếu và mười hai lần nhơ bẩn” theo lời thi sĩ nhà binh
Pháp De Vigny! Xin lỗi ông, ông có giận tôi vì lại nói xấu người đàn bà xứ sở
ông không? Chắc không, vì ông cần biết những sự thực. Còn nếu ông không bằng
lòng thì, tôi xin lỗi ông!
- Không, không! Việc gì ông lại phải xin lỗi?
Tôi “đỡ lời” như vậy mà thấy khoái chí vô cùng. Cái gì nhỉ? Một
người anh hùng muốn nói xấu một người đàn bà mà lại phải xin phép tôi ư? Phái
viên một nhà báo, dễ thường Đi-mi-tốp cũng tưởng tôi oai như ông Pierre Seize
hay một ông Louis Roubaud nào chắc!
Rồi tôi nghĩ đến lúc bà hàng nước huyên thuyên chỉ chờ nói những
câu tiếng Tây khó hiểu để giới thiệu tôi với ông ta. Lại lúc mời ông ta một “chầu”
phở thì sao mà khó vô cùng! Bây giờ mọi sự đã thay đổi hẳn. Cái gian nhà gỗ ở
bên đường sau Nhà Ngựa này đã tình cờ giấu kín dưới mái bao lời tâm sự của một
viên tướng võ mà những sự nghiệp “anh hùng” nay cũng không còn dấu vết ở
Nga-la-tư.
Bên ngoài, trời vẫn mưa. Mưa đã một tuần lễ rồi.
Tiếng cửa kẹt, bác chủ “tiệm” đã mua thuốc về. Chúng tôi chỉ
còn nằm lại để nhường chỗ cho người nằm tiêm.
Trong sách Tử Vi có câu “Cự Môn thê thiếp, đa bất mãn hoài”.
Dám chắc Đi-mi-tốp có cái số ấy. Ông ta đã khoe lấy đến mười bốn người vợ tất cả.
Nhưng trong số đó chỉ 9 người là đàn bà Bắc Kỳ mà thôi.
- Từ nay trở đi, tôi đã có ý không bao giờ lấy vợ nữa. Tôi đã
tự cầm dao đâm vào quả tim tôi, cái quả tim chịu đau thương, đúng 14 lần! Tất cả
14 đứa đều đã lừa tôi, mỗi đứa một cách, vào một trường hợp…
- Ông cho biết những sự lừa đảo của 9 người đàn bà ở đây.
- Con mụ thứ nhất, béo chứ không đẹp, trước khi lấy tôi đã lấy
biết bao nhiêu là đời chồng. Vì rằng ngoài sự có hai hàm răng trắng kiểu Tây
phương, nó lại có nhiều cử chỉ thạo đời làm cho tôi sung sướng và làm cho tôi
đau khổ. Sung sướng vì được hầu hạ vừa ý, mà đau khổ vì phải nghĩ đến những thằng
đã nằm cùng giường với nó trước tôi.
Đến đây, Đi-mi-tốp ngừng đau khổ để… sung sướng hưởng điếu
thuốc thứ nhất là điếu thuốc “danh dự”. Kéo xong, ông lại ngồi nhỏm lên mà rằng:
- Vậy thì, dù sao đi nữa, tôi cũng không sướng hẳn. Tôi, tôi
là kẻ có can đảm, đeo 60 kilô vào người, để đi mỗi ngày 30 cây số, tôi không có
sức nói với nó lấy một điều ái ân. Ngày nào cũng thường cãi cọ nhau: nó mắng
tôi là khốn nạn vì ghen tuông, tôi mắng nó là khốn nạn vì đĩ thoã. Một buổi,
đáng lẽ dọn rượu vang ra bàn, thì nó đi dọn hai chai rượu bản xứ, đúng cái thứ
ta uống với nhau vừa rồi. Sinh nghi tôi hỏi thì nó bảo rượu vang đắt và không bổ,
rượu bản xứ rẻ tiền mà khoẻ hơn. Thế là… tôi uống cả hai chai. Rồi sau ra sao,
ông có biết không? Ông không biết, tôi cũng không biết! Chỉ biết một vài giờ
sau, bốn tên lính tuần phòng tóm cổ tôi ngoài phố ga, bắt về trại. Hôm sau, tỉnh
rượu, tôi mới biết là tờ biên bản kể rằng tôi đã đập phá nhà một hiệu xe đạp
ngoài ga. Một người đàn bà đã bị tôi đánh cho chảy máu trán. Mười lăm ngày tù.
Mất lương. Hết hạn nhà pha, lại được tha ra, thì vợ tôi đã lấy người khác! Mà
người chồng ấy, sau tôi mới nhớ rõ, chính là một người trong bốn người lính tuần
phòng đã bắt tôi! Hay là chúng nó đã đồng mưu với nhau đổ rượu cho tôi? Tức
quá, tôi muốn thưa vợ. Tôi đi hỏi mấy anh em. Chao ôi! Họ chỉ nhìn tôi mà rũ
người ra cười. Lúc ấy, vì mới sang đây nên tôi chưa hiểu phong tục. Rõ những
phong tục mới đẹp và kỳ làm sao? Ở đây, tình nghĩa vợ chồng phải đi theo đồng
tiền. Tôi bị nhà pha, không có tiền lương đưa cho vợ tôi, thế cũng như là ở
phương Tây, toà đã cho cặp vợ chồng ly dị! Đó không phải là điều luật, đó là một
điều lệ mà thôi! Cái con vợ bỏ tôi, tôi không được phép trách nó! Ông thử nghĩ
xem: loài người với nhau mà thế à? Tiền bạc có thế lực làm suy vong quả tim của
người ta đến thế à?
Đi-mi-tốp vừa nói vừa đập vào ngực mình thình thình sừng sộ
như muốn cà khịa với tôi.
Nhưng ông ta cũng không nên nằm ngay xuống đón dọc tẩu mà người
chủ tiệm đã tiêm thuốc xong nhưng chưa chìa ngay ra.
Phải, Đi-mi-tốp đương đau đớn mà lị!...
Người thứ hai không có gì lạ - Đi-mi-tốp nói tiếp, cả đến người
thứ ba cũng vậy. Hai người ấy bị tôi bỏ vì không hiểu được tiếng Tây. Hai nữa,
cả hai đều xấu quá. Ông Trời của tôi! Xấu mà lại ngu, thật là những cái kỷ lục
của sự ngu. Khi ông bảo chúng nó đánh cái mũ, nó đi lau ngay cho ông đôi giày.
Khi bảo chúng nó mua thuốc lá chưa quấn thì nó lấy về thuốc 20 điếu! Chẳng lẽ
tôi lại có tiền thuê một người thông ngôn. Mà mặt mũi chúng nó xấu đâu xấu đến
thế! Chúng tôi mỗi tuần lễ chỉ được phép không ngủ trong trại có ba đêm thôi.
Thế mà khi về nhà, nằm xuống giường nhìn đến mặt vợ…
Đi-mi-tốp so vai không nói nữa. Tôi bàn:
- Nhưng mà có vợ xấu thì mình mới yên tâm. Vợ đẹp lắm tôi tưởng
là sự nguy hiểm. Người dân ở đây nghĩ thế cả, không biết dân phương Tây nghĩ thế
nào…
- Nếu ông nói thế thì ra có vợ xấu nghĩa là có hạnh phúc?
- Có lẽ. Mà người ta oẻ hoẹ lắm thì có sướng bao giờ đâu!
- Vẫn hay thế, nhưng mà ông nói ngược đời lắm. Có vợ đẹp mà lại
có thể tin được rằng vợ không bao giờ phản mình, thì sướng đến đâu! Phải, có
khi nằm nhắm mắt bên cạnh một người đàn bà không có nhan sắc, mình có thể lấy
làm tự hào rằng được người đàn bà ấy yêu, không hề nghĩ đến chuyện ngủ với kẻ
khác. Rồi mình sung sướng đi. Rồi mình nhắm mắt khoái chí đi. Nhưng mà nếu lại
mở mắt mà xem, chao ôi! Mình lại có món triết lý khác: Mình sẽ nghĩ rằng… thà rằng…
- Thà rằng…?
- Thà rằng có vợ đẹp vẫn đi ngủ trộm với kẻ khác!
Nói xong, Đi-mi-tốp mím môi cười! Điếu thuốc thứ sáu của ông
ta mà là thứ chín của người nằm tiêm. Trời vẫn mưa lại thêm gió thổi mạnh.
- Đến người thứ tư…
- À, người thứ tư! Chỉ có người ấy là tôi bỏ rồi tôi phải hối
hận. Đành rằng nó không nói một câu tiếng Pháp nhưng tôi cũng yêu. Chúng tôi hợp
nhau. Không phải hợp nhau về tinh thần, đã không cùng một thứ lưỡi thì hiểu
nhau làm sao được…? Nhưng nó hợp tôi về… xác thịt. Bây giờ bỏ rồi, tôi lại tiếc.
Không thể nào lại còn tìm được một người đàn bà thứ hai có cái thân thể bốc lửa
ngùn ngụt đến thế nữa. Dễ nó đi Tông mất rồi.
Thằng cha này hoặc lẩn thẩn, hoặc có khối óc phê phán xuất
chúng.
Hết thuốc, say, Đi-mi-tốp nằm chập chờn. Người tiêm thuốc
sang cái chõng nằm, để chúng tôi được thảnh thơi hơn.
- Ông đừng hỏi tôi đến người vợ thứ năm nhé?
- Sao vậy?
- Nhắc đến nó, tôi buồn rầu.
- Thế nói những người về sau vậy.
- Tôi còn phải kể chuyện bốn người nữa. Bốn con đàn bà này
cũng chẳng ra gì. Lỗi ở chúng cả – tôi không phải hạng người đổi vợ như thay áo
lót mình như ai. Vả lại đó là bọn đàn bà mà tôi lấy khi đăng sang Bắc Kỳ đây lần
thứ hai, nên xảy ra điều gì, tôi cũng không bực tức nữa. Tôi biết rõ: họ chỉ vì
tiền. Tôi yên trí họ không thể hiểu được chúng tôi. Thành thử sang đây lần thứ
hai là tôi gọi ai tôi cũng coi như thuê gái trong một hạn dài vậy. Không còn
bao giờ tưởng nhầm đến cái nghĩa cả: vợ chồng. Con đàn bà thứ sáu, một đêm bất
kỳ ở trại ra, về nhà không thấy đâu, tức thì tôi bỏ. Con thứ bảy bị tôi bắt được
đi chơi với một người nhân tình An-nam. Con thứ tám bỏ tôi vì không bắt được
tôi trả nhiều tiền. Nó làm ăn hoang toàng vụng về quá, mỗi tháng 18 đồng bạc mà
đến nỗi lỗ vốn. Nó bỏ tôi đi lấy người khác, đó không phải lỗi ở tôi. Còn con
thứ chín. Nó nhà quê mà tinh khôn làm sao! Đẹp đẽ, nó khiến tôi lại muốn coi nó
là vợ. Ở với nhau hai tháng, một hôm về nhà, tôi gặp một người đàn ông nhà quê.
Nó nhận là anh nó… Hôm sau, tự nhiên có giấy gọi tôi ra sở cẩm. Rồi tôi thấy
viên cẩm trỏ ông “anh vợ” tôi ấy mà bảo tôi rằng không nên quyến rũ vợ “người
ta”. Nếu tôi không buông tha, sở cẩm sẽ nhờ quan binh xử hộ!
Một hồi kèn gọi từ trại vang ra.
Đi-mi-tốp ngồi lên, cài khuy, thắt lưng, đi giày. Sau cùng bắt
tay tôi, hẹn hôm sau lại đến. Nhưng, chưa ra khỏi, đã thấy có tiếng đàn bà…
- Đi-mi-tốp! Vén s…
Ông ta rảo cẳng ra.
Tôi đưa mắt hỏi, người có khay đèn lắc đầu chán nản, ra vẻ
không thể hiểu nổi bao nhiêu chuyện tình rắc rối của lính lê dương.
Chương 3:
Mày không muốn nhận tao là chồng
Trời thì tối mà đường thì bẩn, đó là… phong cảnh sau Nhà Ngựa
lúc 10 giờ đêm. Tôi đi như một người phiêu lưu, mạo hiểm, mắt nhiều khi chỉ thấy
tối mịt, giày cứ thỉnh thoảng lại “hụp” xuống một vũng nước đánh bõm một cái,
tai nghe thấy tiếng ngựa hí với đập móng xuống thềm lộp cộp mà thèm thuồng, mà
cảm thấy có cái tư tưởng phi thường là mình cũng được yên nghỉ như một con vật
nào bên trong bức tường ấy thì cuộc đời há lại chẳng tốt đẹp lắm sao!
Đây rồi, một ngọn đèn. Một ngọn đèn điện như vươn cổ soi hộ
đường cho mình mà sáng cũng chẳng được mấy. Mà mắt thấy ánh sáng thì đôi giày
vô tội lại sắp chịu một cái khổ hình khác, quãng đường sáng lại lầy nhầy những
bùn mới đọng nước hơn những quãng tối tăm. Trước mắt tôi, những vết bánh xe đã
hiện thành hình những con rắn bạc nằm ngổn ngang khắp mặt đất. Người ta giàu
trí tưởng tượng cũng nguy hiểm thật, vì tôi rùng mình nghĩ đến con đường nhỏ ở
giữa cánh đồng có nhiều bãi tha ma mộ địa nhờ nó tôi sẽ về nhà bạn ở làng Cổ Mễ.
Rõ khổ!
Nhớ đến câu: “Đã khuya, ông cứ nghỉ tạm đây với tôi” của bác
“chủ tiệm”, tôi bỗng hối hận vô cùng. Song không lẽ lại khóc để hòng với ai? Rồi
thì… những bức hàng rào với tường đắp bằng đất đỏ nó là đặc tính của những nhà ở
Cổ Mễ, mới ban ngày khiến tôi ca tụng mãi là có vẻ thần bí như nhà ở Tây Tạng,
thì bây giờ đã khiến tôi rùng mình phát sợ, sợ vì đã hiểu nghĩa chữ thần bí.
Chợt thấy từ cách chỗ ấy vài mươi thước đưa ra những tiếng
gào thét và gắt gỏng với nhau.
- Toa ba mỏ nhá cút xê ăng co xê moa! Toi kích tê moi săng bảy
dề, a lò phi nì phăm, phi nì ma ghi! A lò, kích! (Mày không có quyền về ngủ nhà
này nữa. Mày bỏ tao đi mà không trả tiền, thế là hết vợ, hết chồng. Thế thì…
đi, đi!).
Một vài phút thấy im. Sau lại có tiếng gắt, mà vẫn tiếng người
đàn bà:
- No, se phi ni! Vắt tăng. (Không! Thế là hết! Đi, đi)
Tôi định thần nhìn… Hai mươi thước trước mặt tôi, trong một
gian nhà gỗ lợp lá kia, dưới ánh sáng yếu ớt một ngọn đèn dầu, tôi thấy bóng
dáng một người lính hai tay gãi sườn, chân giang rộng, đứng nghênh ngang lấp cả
cái cửa mà nhìn vào để cho một người đàn bà áo trắng quần trắng cũng to lớn chẳng
kém, tóc đã sổ, sừng sộ xỉa xói vào mặt rồi ân ái tặng mình những câu văn
chương kia.
Người lính – chồng hay khách hàng? – vẫn cứ đứng im. Hình như
hãy sử dụng cái im xem bên kia có sợ không đã… Người đàn bà nóng tiết, chỉ tay
ra đường:
- Va tăng! Ê tút-suýt! (Bước ngay tức khắc!).
Bây giờ ông chồng bị đuổi mới hỏi, mà giọng vẫn bình tĩnh:
- Rê pét tơ cơ tuy viêng đờ đia (Mày thử nói lại những lời vừa
nói tao nghe!)
Tức thì, rõ rẹo vào mặt chồng, người đàn bà lại:
- Moa ba bơ toa! Sí toa phe két sốt, moi điếc com măng đăng
phe toa xếp linh ê toa pát sê công sây đờ ghe! (Tao không sợ mày. Nếu mày làm
gì, tao trình quan tư bỏ nhà pha mày và lôi mày ra toà án binh).
Bốp một cái, cái tát đã vội chấm câu cho những câu mắng nhiếc
với đe doạ “lăng loàn”. Người vợ lùi lại đằng sau hai bước, hai tay bưng giữ lấy
mặt và cúi đầu đứng im. Nhưng, than ôi! Anh chồng bây giờ lại muốn cho vợ nói nữa,
nói nhiều hơn trước, nói tệ hơn trước. Vì rằng lúc ấy nó mới xông vào, hai bàn
tay nắm lại mà tặng vợ những cái “quai hàm” hình như trên sân đánh bốc nó muốn
cho kẻ địch bị một miếng “nốc ao” để mình chiếm giải vậy! Tức thì tiếng mấy đứa
trẻ con oà khóc lên như ri. Nhanh như chớp, một thằng bé độ 10 tuổi từ trong
nhà chạy vụt ra. Nó sang nhà bên cạnh đấm cửa. Rồi thì, từ hai nhà bên cạnh đều
thấy tiếng cửa mở và có hai bác lính lê dương khác, quần áo ngủ, đi guốc ta, vừa
chạy sang cái nhà “khổ chủ” ở giữa, vừa lầu nhầu… Sau ba phút, phố Nhà Ngựa hết
vắng vẻ, vì đã đầy những đàn bà con trẻ chạy ra xem.
Mải nhìn người đổ ra xem, tôi quay lại nhìn đến cặp vợ chồng
kia thì không hiểu bởi duyên cớ vì đâu, cuộc chiến tranh đã bày ra một cục diện
khác hẳn. Ông hàng xóm đang bị cái “ông chồng bị vợ đuổi” đấm đá cho một trận
không tiếc tay. Một phút sau, ông hàng xóm khác nhảy vào đấm đá anh chồng bạo
ngược. Sau cùng thì bị một người giữ hai tay, bị một người bóp cổ, bác lê dương
khiêu khích trước nhất lả oằn người đi như một sợi tóc hơ trên một ngọn lửa rồi
ngã xuống thềm nhà.
Bấy giờ tôi đã dám chạy đến tận nơi.
Lạ chưa! Phái phụ nữ với bọn trẻ con tò mò nhìn tôi mà những
ngài lê dương lúc ấy không ai để ý đến tôi cả. Vậy cứ bảo họ đa nghi thì hiểu
sao được!
Người vợ lúc này ngồi thở hồng hộc, xoa mặt, xoa lưng rồi nói
một cách tự nhiên như chung quanh đấy ai cũng là đầy tớ mình vậy:
- Phe vơ nia ba tui! (Đi gọi lính tuần phòng!).
Chợt một bác lê dương khác vỗ vai sừng sộ hỏi tôi những câu bất
nhã thế này:
- Thằng này! Mày đứng làm gì ở đây?
Tôi nghiêm mặt nhưng vẫn giữ lễ độ:
- Không phải chuyện mày tao! Tôi là một người viết báo đến lấy
tin! Tôi là một người viết báo đến lấy tin.
Anh ta dịu giọng:
- Lấy tin về nỗi gì? Đó chỉ là chuyện vợ chồng người ta đánh
nhau!
- Thế ngộ đã xảy ra một vụ án mạng?
Chợt lại một người thứ hai, mặt mũi sáng sủa, trông có vẻ học
thức hơn, mỉm cười hỏi tôi rất nhã nhặn:
- Đấy, một việc như thế, ông sẽ bình phẩm người lính lê dương
hay người vợ người lính lê dương như thế nào, tôi có thể biết trước không?
Nguy rồi. Một anh lễ phép bao giờ cũng đáng sợ hơn một kẻ thô
tục. Người thô tục thực thà nên sự nóng nảy ấy không đáng lo. Điều này họ lịch
sự tươi cười với mình, nếu họ trị mình là họ trị cho rõ đâu ra đấy. Tôi phải
nghĩ rồi mới đáp:
- Một chuyện vợ chồng đánh nhau thì ở nước tôi là sự thường,
có gì mà bình phẩm? Có lẽ tôi cũng chả viết nổi một cái tin vặt nữa. Tôi chỉ lấy
làm kính phục các ông mà thôi. Các ông đã dám gác tình anh em đồng ngũ ra để
che chở một người đàn bà. Đã chắc đâu người đàn bà ấy không có lỗi.
Thế là người lính lê dương lịch sự ấy được vui lòng. Vi chỉ
so vai khẽ nói với tôi:
- Chính thế. Chúng tôi dân Tây phương không ai nỡ dùng đến một
cành hoa để đánh một người đàn bà. Anh chàng kia đã đánh một người đàn bà, thế
là không tốt, là làm một việc tổn danh dự cho chúng tôi. Chúng ta là phái khoẻ
thì dù người đàn bà không ra gì nữa chúng ta cũng chỉ nên chịu nhường nhịn.
Bốn ông lính lê dương đi tuần đã rầm rộ kéo đến. Mãi đến bấy
giờ, hai ông hàng xóm quý hoá mới thôi đè và bóp cổ giúi dưới thềm nhà ông bạn
cô thế kia.
Người lính bị giải đi rồi thì lân bang cũng kéo về ngủ cả.
Tôi ngạc nhiên ở chỗ lân bang coi một chuyện to như vậy chỉ là sự thường.
Rồi không bao giờ tôi có thể quên được cái cười gằn, cái cười
nhạt, cái cười nghiến rít hai hàm răng lại, của người chồng bị hắt hủi, một cái
cười có hứa một cuộc đổ máu, của người chồng tặng lại cho vợ khi bị bốn ông “ba
tui” giải đi.
Trước khi bước vào gian nhà ấy, vẳng từ xa thấy còn đưa đến
tai tôi một câu:
- Đã bị “công sây đờ ghe” rồi mà lần này lại thế, bà cho gọi
là đi đứt!
Bà này tên ở khai sinh là gì không rõ: cái xã hội các me ở Thị
Cầu cứ gọi là bà Kiểm lâm thì tôi cũng đành cứ gọi là bà Kiểm lâm.
Bà ta đã sẵn lòng kéo ghế mời tôi, mặc dầu lúc ấy đã quá 11
giờ.
Tại sao người làm báo xưa nay vẫn bị người ta ghê là kẻ đi bới
móc để tống tiền, mà khi nghe xong chức nghiệp với mục đích của tôi, bà Kiểm
lâm đã không nghi ngại gì cả?
Ngồi ở giường, hai tay thấm bông vào một bát dấm rồi đập vào
cổ, má, trán, mũi, bà cứ kể lể các chuyện của bà một cách dễ dàng và thực thà
khiến tôi cảm động rồi kính phục một người có can đảm nói những cái cũng chẳng
sang trọng gì mà chẳng sợ ai khinh.
- Hạng người chúng tôi là hạng bỏ đi, ông ạ. Dù xã hội không
khinh chăng nữa, chúng tôi cũng đã tự biết phận mình. Bây giờ nghèo hèn, tôi
cũng chẳng còn sợ ai cười, chỉ cố chí làm giầu để sau này có thể ở ác được lại
với những kẻ đã khinh tôi mà thôi. Nhưng mà cứ phú quý giật lùi ông ạ. Xuất
thân lấy chồng xi-vin hẳn hoi. Sau chồng về Tây, phải giang hồ lưu lạc, lâm đến
cảnh đi lấy chồng cô-lô-nhần. Bây giờ thì đến với các anh lính lê dương cũng
không xong. Xưa kia, giữa lúc đương xuân, nào có phải đâu tôi không lấy nổi một
tấm chồng ta danh giá!
Hỡi bạn độc giả! Con đường “công danh” của những thợ đàn bà
trong kỹ nghệ lấy Tây này thật là gập ghềnh, khuất khúc lầy lội và quanh co.
Phái đàn ông ta, không ai lại có thể đỗ cử nhân trước, rồi đỗ thành chung sau,
rồi đỗ sơ học sau cùng. Nhưng cái công danh của một người đàn bà đi lấy Tây có
thể ví như thế được đấy. Vì mỗi một người chồng – nói đúng ra, mỗi một đời chồng
– cũng có giá trị như một cái giấy chứng chỉ để tiện việc kiếm chồng, nghĩa là
sinh nhai.
Bà Kiểm lâm đã lâu không dám về thăm bố mẹ giàu ở làng. Phải,
cứ thế, trước kia làm gì chẳng lấy được người chồng hẳn hoi. Con gái một nhà
quyền thế vì lắm của, lại đẹp, như thế ai dám bảo ế chồng. Ngay bây giờ, cái mặt
phong trần của bà cũng vẫn còn phảng phất những nét đẹp hồi xuân xưa. Bà ta có
thể hưởng một cuộc đời bình tĩnh.
Khốn nỗi sự đau khổ của loài người đã muốn rằng bà ta lại đa
tình, đã có một quả tim đáng quý vì biết thổn thức trước một sự đáng yêu. Trong
lúc đương xuân và còn hưởng mọi sự giàu sang, cô gái trẻ đã yêu một người. Gia
cảnh đôi bên không cân nhau, việc dạm hỏi không thành, người đàn bà đã đau khổ.
Thế rồi… một buổi chiều…
Một bức thư tuyệt mệnh!
- Không, tôi đã nghĩ: chẳng tội gì mà quyên sinh! Chỉ cốt để
bố mẹ tưởng là mình chết rồi thì thôi, có muốn thương cũng không thương được nữa.
Thế rồi thì là cái đời giang hồ.
Bà Kiểm lâm gục đầu xuống bàn một lúc lâu. Tôi tưởng bà ta
khóc. Nhưng khi bà ta ngẩng lên, nét mặt chỉ thoáng mấy nét bơ thờ… Một người
đáng thương làm sao! Cái quả tim đã già cằn rồi, bây giờ không còn thổn thức được
nữa. Cô thiếu nữ đa cảm khi xưa nay đã đến nỗi hoá ra một “con quái vật” trên đời!
Vì rằng một người đàn bà hết nước mắt có thể gọi là một con
quái vật được.
- Thế câu chuyện xảy ra vừa rồi thì nguyên do bởi đâu?
- À, tại nó chứ không phải tại tôi chút nào cả. Vẫn hay chúng
tôi lấy họ là vì tiền chứ không bao giờ vì tình. Nhưng họ cũng nhiều khi quá lắm.
Có khi sẵn tiền, họ tìm đến bọn trẻ hơn mình mà chơi kia. Hết tiền lại đòi quay
về, làm thế nào mình có thể ừ được?
- Không có lẽ người lính lê dương nào cũng lại thế cả?
- Phải, cũng có nhiều anh trung hậu lắm chứ. Nhưng cái số tôi
nó thế, chỉ gặp những đồ không ra gì mà thôi. Làm thế nào? Anh chàng vừa rồi là
một người Đức đấy. Mà ở nước anh ta, anh ta là quân giết người rồi bỏ xứ sở ra
đi. Chao ôi! Ông bảo chúng tôi có gan không? Ngủ với cả những quân đã giết người!
Mặt nó đẹp đẽ thế mà linh hồn nó rất xấu.
Giọng nói của bà Kiểm lâm khẽ dần… Bà hầu như châu đầu vào
tôi.
Một đêm kia, bác lính lê dương đã khêu to ngọn đèn cúi xuống
nhìn kỹ vợ và hỏi:
- Tao đẹp lắm phải không?
- Đẹp thật.
- Thế mà tao xưa kia đã giết một người!
- Đừng nói dối!
- Nói dối à? Mày có muốn biết rõ cái độc ác của tao không?
Thế là bác lính lê dương nghiến răng, cau mặt lại nhìn vợ trừng
trừng. Cái mặt đẹp trai bỗng chốc hoá ra mặt một kẻ đầu trâu mặt ngựa, trông rất
ghê gớm. Bà Kiểm lâm đã sợ hãi, rú lên một tiếng rồi quay đi.
- Ông có đời nào tin được rằng một người đẹp đẽ, có thể khiến
mình say mê mà bỗng chốc làm mình sợ hãi được không? Tôi, tôi đã thấy một cái mặt…
một cái mặt… hai cái mặt như thế đấy!
Đến đây, bà trỏ ba đứa con ngồi ở giường ngây ra nghe chuyện
từ nãy mà rằng:
- Từ lần ấy, tôi cứ nơm nớp sợ rằng có một ngày, nổi ghen
lên, anh ta sẽ giết chết ba đứa con của ba chồng cũ của tôi. Tội gì bây giờ sẵn
có cớ bỏ, tôi lại không cự tuyệt!
12 giờ. Gió thổi mạnh nhưng mà may không mưa. Tôi đứng lên,
xin một lần sau sẽ đến. Tiễn tôi ra khỏi cửa, bà Kiểm lâm lại thêm rằng:
- Ông chớ tưởng tôi cạn tàu ráo máng với người ta quá. Dẫu rằng
để cho mình bị đánh đập, tôi cũng là người khôn. Nếu cứ nhận, có phen họ giết
mình. Vì rằng lấy chồng là vì tiền, như thế họ tha thứ mình được. Nếu tôi nhận,
họ có thể cho tôi là đĩ, mà vợ đã đĩ thì có thể họ vắng nhà, vợ ngủ với những
thằng đẹp hơn. Lúc nãy ấy à? Nếu tôi ừ thì biết đâu họ chẳng giết tôi chứ không
phải chỉ có đánh!
Mới hay có thể có những kẻ nghĩ sâu xa khác thường!
Chương 4:
Lá gió cành chim
Sở dĩ gọi được là nhà “bên cạnh” cũng vì gian nhà gỗ ấy ngăn
đôi ra không phải bằng tường không phải bằng vách, cũng không bằng cót hẳn,
nhưng một nửa cái hàng rào thì là bằng cót, còn nửa nữa chỉ là cái mành mành mà
muốn khỏi để thông thống, bà chủ nhà đã treo vào mành mấy bức tranh Hàng Bồ với
hai đôi câu đối... không có chữ, thế là xong.
Cho nên cứ từ bên này để ý tò mò, tôi cũng có thể biết được mọi
sự xảy ra ở gian bên cạnh.
Bà Ách lúc này còn lúi húi dưới bếp làm cà phê cho tôi. Không
hiểu bà Kiểm lâm đã tiến cử tôi bằng những câu khôn khéo thế nào mà bạn bà ta,
tiếp đãi tôi một cách cảm động. Cũng may là hiện nay bà ta nghỉ việc - chết,
quên! nghỉ chồng - mà cái tuổi trẻ của tôi chỉ vào hạng con bà nên bà không sợ
ai nghi. Chứ gì?
Những thị nào dù có ngọn lưỡi rắn độc đến đâu chăng nữa, dễ
đã dám nghi một kẻ như tôi lại đi lôi thôi với một bà già. Nhất là Suzanne, cô
con gái bà, tuy đương độ phơi phới 17 cái xuân, song lúc tôi có đây, may sao lại
đi Hà Nội.
Không phải tự nhiên tôi có cái tính xấu: tò mò. Nếu khi bà
Ách dọn giường cho tôi nghỉ tạm mà chẳng thì thào: “Này, bên cạnh cũng có mấy
đám đang tìm chồng đấy!” thì tôi đã chẳng phải nhịn thở mạnh, vén bức câu đối để
nhòm sang...
Có hai me. Một me nằm đắp chăn uể oải đọc một tờ báo cũ. Còn
me kia ngồi thừ trên ghế, khoanh tay co ro, cái quần trắng cái áo len xanh, đôi
bít tất hoa đào cũng không thể bài trí nổi cho mặt có được lấy một vài nét...
me. Cũng răng trắng cẩn thận đấy, song nó vẫn quê kệch thế nào! Chỉ được cái
bình tĩnh là đáng phục! Ôi! Lã Vọng! Cụ thử sống lại mà xem vẻ mặt một người
đàn bà khi ngồi bó tay chờ... công danh mà thản nhiên đến thế, rồi cụ nghĩ lại
những lúc có cái tâm thần thư thái lúc ngồi câu, xem cụ có phải kính phục cái
“triết học” của me ấy không!
Một tiếng cùi rìa chạm cốc đánh keng một cái khiến tôi quay lại.
Bà Ách đã bày lên bàn mẩu bánh, cốc cà phê sữa và gật đầu gọi
tôi. Tôi ra ngồi bàn. Bà Ách nháy mắt một cái, đoạn khẽ hỏi:
- Bên ấy có mấy người ở nhà?
- Hai.
- Hai thôi á? Thế thì họ đi đâu vắng mất hai đấy. Mới có hai ả
nhảy đầm ở Hà thành sang vài hôm nay.
- Sang đây nhảy đầm hay tìm chồng?
- Chắc là để kiếm chồng đấy chứ nhảy với nhót gì! Thế ông có
thấy bà già nào cũng độ tuổi tôi ngồi đấy không?
- Bà ấy là bà Cẩm, nghĩa là hồi ở Chùa Thông đã lấy nhầm ông
cẩm. Con cái chả có, nay trở về già đành phải làm cái nghề bà Nguyệt rồi lấy hoả
hồng để độ thân. Nghĩa là cũng như bà Hai Yểng bên này. Song bị khốn đốn hơn bà
Hai Yểng nhiều, vì không có vốn. Phải lắm, đến bà Hai Yểng là người sống đã
thâm căn cố đế bên này, cửa hàng cát-cút (casse croute) đắt, cửa hàng xe đạp chạy,
mà chỉ bao số chị em bị chạy làng cũng đến lệch nghiệp nữa là trần như bà ta.
Đã ít xu lại cờ bạc thì tất phải chết!
Vừa lúc ấy có tiếng guốc ở ngoài vào. Rồi thấy những câu hỏi,
đáp:
- Thế nào me, được hay thua?
- Được ba hào! Tao đói lắm mà có hàng miến ngon quá cũng
không dám ăn, sợ không có tiền tiêu vặt. Mày xem trong bíp-phê còn gì không?
Hình như còn cái bánh hai đấy. Lấy ra đây, cả hộp bơ nữa, mau! Con Duyên kia, đứng
lên!
Vậy thì ra bà Cẩm của tôi đã là người quen thân mất nết đi rồi!
Vào cái cảnh ngộ ấy, giá biết điều thì bà nên hỏi cơm nắm tay hay cơm nguội với
niêu dừa kho. Song le... thói quen! Bơ với phó mát đã vượt trùng dương qua đây,
đã chinh phục được nhiều kẻ thù ở đủ các giai cấp.
Chợt thấy tiếng bà Cẩm gắt:
- Làm gì mà lâu thế? Lúi húi mãi thế? Có thấy mẩu bánh không?
Đến cái giọng thản nhiên không run sợ đáp lại:
- Thưa cô, có bánh, nhưng hộp bơ đặc cả kiến rồi...
- Cái gì? Kiến vào bơ à? Tiên nhân mẹ nhà mày nữa! Làm với
ăn! Chỉ được cái bộ ngồi lỳ ra như mẹ người ta ấy, chứ không còn biết trông đến
một cái gì cả!
Một... nàng tên Duyên là đến nỗi bị chửi như thế việc ấy khiến
động lòng... trắc ẩn của tôi. Tôi chỉ muốn can thiệp. Chưa thể can thiệp được
ngay, tôi hãy chạy ra chỗ cái mành mà nhòm. Thế cũng đủ tỏ lòng săn sóc rồi:
tôi đã bỏ cốc cà phê.
Lúc này cô ả nằm đắp chăn cũng bỏ tờ báo cũ, xướng hoạ:
- Chị Duyên cứ lơ đễnh như thế thì không thể lấy thằng nào bền
được. Chị phải biết lo mới được chứ! Đến như tôi cũng còn khốn đốn đây nữa
là...
Rõ thật lửa đã cháy lại có kẻ tưới thêm dầu, Bà Cẩm làm một hồi
nữa:
- Sao không ở làng mà lấy thằng cổ cày vai bừa nào thì lấy có
được không? Thân phận đã thế lại còn chê chồng! Không biết bố mẹ mày ăn uống gì
mà đẻ ra mày như thế chứ? Xào một xanh rau thì bắc lên hai con đỉa! Một tháng
chưa tắm, rận chấy lúc nào cũng như sung! Ngồi ăn cơm, ho một cái bắn vung cơm ở
mồm ra như mưa ấy! Chồng nó đã không chê thì thôi chứ lại còn chê chồng! Tưởng
ta... vàng... ngọc lắm đấy!
Duyên chỉ đứng im cúi đầu. Không cãi là nhận lỗi.
Ấy một người như thế mà người ta nuôi để chỉ chờ đến lúc
là... quăng cho Tây phương.
Tôi đã quay về bàn với cốc cà phê của tôi để nghĩ đến các ông
lính lê dương, những vị hoặc anh hùng, hoặc có khối óc ngang tàng, đã ở một đảng
cướp hay một đảng vô chính phủ, đã nậy đường sắt để làm đổ một chuyến hoả xa
trên có một ông tổng trưởng ngoại giao, hoặc đã ra lệnh cho mấy chục phát súng
lục cùng nổ tại một ngân hàng, đã vượt ngục, đã tránh thoát viên đạn trượt
ngang tai tại một biên thuỳ, để rồi lạc loài đến Thị Cầu này, ôm lấy một người
có giá trị đến như thế mà nỉ non, rền rĩ: “Tôi yêu mình lắm, mỹ nhân ơi!”.
Tôi không được mục kích thấy Duyên chê chồng. Tôi cũng không
được biết lúc Duyên bị ba ông chồng lính lê dương chê.
Nhưng mà... đôi bít tất hoa đào, cái vẻ mặt thản nhiên vì ngu
đần của Duyên. Với những câu kê khai tam đại Duyên của bà Cẩm.
Vậy thì tôi thử cứ phác hoạ cái đoạn đời của Duyên từ khi
Duyên còn là cô gái quê...
Một buổi chiều...
“Hỡi anh đi đường cái quan…
Dừng chân đứng lại em than một lời!”
Đương bó lúa với mấy chị em, Duyên thấy một chàng quần lụa,
áo xa hoa, giày đế kếp, đội nón dứa, tay xách cái va-ly tre, bước thoăn thoắt
trên đường Duyên đã cất giọng oanh hát ghẹo. “Anh đi đường cái quan” đi ba bước
rồi dừng lại, nhìn... Dưới ruộng chiêm, tiếng mấy người đàn bà cười khúc khích.
Chợt khách bộ hành cũng hát:
“Nếu không duyên số thì thôi,
Xin đừng chuốc tiếng là người lẳng lơ!
Dù anh đã có con thơ,
Nếu còn đú đởn anh cũng vơ lên lòng!
Hay em là gái chưa chồng?
Lên đây, anh sẽ cho bồng... cho mang!”
Mấy chị em bạn càng cười già hơn, riêng Duyên chỉ đứng cúi mặt.
Duyên đã có chồng rồi. Người khác, không có ý gì thì mới bông lơn được. Sự im lặng
này đã tố cáo một tội của Duyên: không yêu chồng!
“Anh đi đường cái quan” đáo để ấy mỉm cười đắc chí rồi đi.
Đêm, về nhà, nằm cạnh anh chồng đi ngủ không rửa chân, Duyên
thấy chán. Trời! Con người bần tiện, ngồi ăn thì đầu gối quá tai, chán làm sao,
trời ơi, buồn làm sao! Nói thì giọng nhát gừng, chỉ những ấy với lại nhà mày
ơi, có phải không nhẩy! Đã thế, có việc ra đình lại ngôn bất xuất khẩu, trên
các cụ ghét, dưới bọn đàn em khinh.
Chán ơi là chán!
Một tháng ấy, Duyên đã dùng thời giờ để chê chồng.
Tháng thứ ba, Duyên về ở nhờ chị: hai bên cùng bỏ lửng.
Trốn chúa lộn chồng thì còn ai lấy, Duyên đã ra Hà thành. Một
hôm, tại kinh đô, Duyên may sao đã gặp một người trông y như “anh đi đường cái
quan” vậy. Người ấy đã nói với Duyên những câu ngọt ngào làm sao, bùi tai làm
sao. Người ấy mời Duyên vào nhà kia “trò chuyện” một đêm, Duyên đã gật đầu.
Sáng hôm sau người ấy không biết bảnh mắt đã đi đâu, làm cho Duyên phải tháo
đôi khuyên bạc.
Thế rồi thì... những ngày sống vất vưởng tại kinh thành.
Không chịu nổi nữa, Duyên đã... bò lên Chùa Thông tìm cô là
bà Cẩm.
- Lạy cô cháu đã dại dột, cô thương cho.
Duyên tuy thú tội dại dột, song vẫn không hối hận, phải không
hối hận một tí nào cả! Bà Cẩm chép miệng:
- Rõ đồ voi dày! Tiên nhân mẹ mày nữa! Thôi được! Cứ ở đây hầu
hạ bà rồi tiện dịp thì bà gả cho Tây cho xong!
Hôm sau, bà Cẩm tống con sen đi vì nó hay ngủ gật.
Rồi bà Cẩm dạy cô cháu đánh phấn, bôi môi, kẻ lông mày. Bà
thương cháu bà lắm: cái cóoc-xê lụa cũ còn dùng được mà bà cũng cởi ra cho. Bà
chỉ dặn là lúc thổi cơm, rửa bát thì đừng có mặc đến. Xóm các me ở Chùa Thông mới
ít lâu đã đồn nhau biết cô Duyên là gái quê đi kiếm chồng.
Hôm ấy, me sừ Giăng đến chơi...
- Ki e xen là? (Thị kia là ai?)
- Ma ni-et. Bay dan, dơn, bố cu tốt! Toa vù loà ê-pu-dê?
(Cháu tôi đấy. Nhà quê, trẻ, tốt lắm. Có muốn lấy không?)
- Bay-dan? Vre? Đăng noa? Phét voa! (Nhà quê thật? Răng đen
à? Xem nào).
Bà Cẩm quay lại bảo cháu:
- Mày nhìn nó mà cười tình đi ta xem!
Duyên liếc mắt một cái rồi cười, Me sừ Giăng gật gù:
- Xa và xa và. Giơ viêng đê. Ô voa com me. (Được lắm, được lắm.
Tôi sẽ quay lại. Chào mụ thôi).
- Chiêng! Giăng! Phô mơ đồ nê vanh biết cẩm bua boà! Xăng qua
ba lạp ben rơ vơ nia! Hánh? (Này, Jean, phải biếu tôi hai chục bạc hoa hồng. Nếu
không đừng lại nữa. Thế chứ?).
Me sừ Giăng lại gật gù một hồi rồi mới ra đi. Thế là xong.
Bao nhiêu tin đi mối lại của hai bên nhà gái nhà trai, trầu cau, chạm ngõ, sêu
tết, bánh chưng bánh giầy, đại lễ, dẫn cưới, chỉ là mấy câu tiếng tây giả cầy ấy.
Ba hôm sau, Duyên đã thành: Madame Jean. Bà Cẩm có hai chục bạc bỏ hòm... Chả lỗ
vốn...
Tôi tính đến chuyện đi tìm bà hai Yểng, tìm bà Đội Tứ là người
chôn các me, với bà Ách Nhoáng xem độ này còn hùng hổ như hồi ở Việt Trì không.
Tôi đã đứng lên, toan đi:
- Chào ông!
- Không dám, chào cô.
Suzanne đã về. Cô ăn mặc ta. Chao ôi! Đẹp đâu có đẹp! Thế thì
tôi đi làm sao?
Chương 5:
Suzanne muốn… và không muốn
Tại sao bà Ách không những cho phép mà lại còn muốn tôi với
Suzanne cùng sóng đôi nhau thăm thú Thị Cầu và Đáp Cầu? Hay đó là một cuộc xếp
cảnh? Hay đó là chứng nhận lòng tin.
Không bao giờ tôi biết rõ được và tưởng cũng chẳng cần biết
rõ. Các ngài cứ hiểu cho rằng sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện thì, trước mắt
Suzanne, tôi đã tỏ ra là một kẻ biết điều phải trái, đại lượng, đáng yêu, không
khinh người.
Cho nên trong khi đi đường, tôi hỏi thật Suzanne rằng:
- Cô đi chơi với tôi thế này mà không ngại điều tiếng gì hay
sao?
Thì Suzanne cúi đầu đáp:
- Tôi tưởng chính tôi đã coi ông như một người anh thì ai muốn
bảo sao cũng mặc họ chứ? Cứ biết, chính tôi, tôi không nghi tôi, thế là đủ rồi.
Nghe thấy thế tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì được người tin và
không vui vì... chỉ được tin thôi, phải đâu đó là sự đáng cho mình tự đại!
Đã quá huyện Võ Giàng. Trên đường về Bắc Ninh, chúng tôi lộn
bước; tiết trời hơi lạnh, lại vừa lạnh mưa, nên đi chơi Đông chúng tôi cũng có cái
cảm tưởng như đi chơi Xuân.
Những me...
Những me...
Lại những me...
Nào hai chúng tôi có thể là một đám rước đâu mà các me chạy
ra xem đông đến thế! Quần trắng lồm lộp, răng cũng trắng với những cái áo len
hoặc áo di-lê, các me khiến tôi muốn hỏi: “Nhàn hạ thế, không họp nhau đánh chắn
đi à?” Dù đẹp, dù xấu các me đều có những nét mặt khó tả cả. Thập thò bên trong
cánh cửa hay sau cái mành mành, các me khiến tôi muốn đổi lại câu thơ của Ôn
Như Hầu:
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng... sợ nổi tình mây mưa!
Tôi hỏi Suzanne:
- A, cái điều ấy tôi biết rõ lắm. Tây họ có con mắt nhận sự đẹp
khác xa ta. Ông trông thấy một người đàn bà đẫy đà, mặt đầy đặn, hoặc béo núc
béo ních chẳng hạn... Thế thì ông đủ ghê sợ, cho là thô phải không? Ấy đại khái
thế, người Tây họ lại cho là đẹp. Ông có biết mặt bà Bé Tý không? Ấy chính tại
tôi đã được nghe một ông Tây khen bà ta có cái đẹp hoàn toàn: người đàn bà đẹp
nhất nước Nam! Còn khi ông thấy một người yêu kiều, thướt tha như liễu, rồi ông
say mê... Người Tây thì lại cho thế là cái đẹp đáng sợ. Lấy người mảnh dẻ, sinh
đẻ vài chuyến thì nguy to ngay chứ gì? Hai nữa, cái đẹp mảnh dẻ là cái đẹp
không bền, có phải thế không?
Tôi cười và hỏi thêm:
- Thế thì người Tây phương ưa mua những đồ có thể giữ được
lâu bền?
Suzanne khẽ cho tôi một khuỷu tay vào mạng mỡ:
- Ông, thí dụ ông sắm bộ đồ gỗ hay may bộ quần, áo, liệu ông
có thích cho những cái ông sắm chóng cũ chóng nát, chóng hỏng đi không?
Những sự đó đã đủ cắt nghĩa tại sao dân Âu châu ham mê thể
thao và đã chế tạo ra vật gì thì vật ấy phải bền, không những kể đẹp. Chỉ có
Đông phương, thí dụ như nước Nhật, là ưa cái đẹp mảnh dẻ chóng hỏng mà thôi.
Song le lời cắt nghĩa của Suzanne chỉ mới cho tôi rõ hai quan
niệm về vẻ đẹp. Tôi còn muốn biết tại sao người xấu như ma cũng vẫn lấy được chồng.
Mà xấu thì bà Ách kể đã là xấu! Vậy thì... ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Tôi
bèn xa xôi:
- Có lẽ không phải họ chỉ thích đẹp mà thôi đâu. Chắc cũng có
nhiều người trọng nết, muốn vợ là người đức phụ. Phải thế những người không có
nhan sắc mới không đến nỗi ế chồng.
Chính tôi, tôi đã không thật thà, để cho Suzanne tỏ ra là hơn
tôi: đã thật thà... Vì rằng Suzanne nói:
- Ông tưởng thế chứ tiếng đức phụ không bao giờ nên để tặng
cho một người đã đi lấy Tây. Tại làm sao xấu họ cũng lấy, già họ cũng lấy? Những
người Tây ấy là những người chán đời. Nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người
vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng,
người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem
tấm thân ái tình ra tặng vợ hay sao? Vả lại, một người Tây đã sang đây thì ai
biết rõ đoạn đời về trước của người ấy thế nào? Khối óc họ không nhẽ chỉ để làm
việc cho ái tình! Hai người đều có địa vị, cùng chí hướng, cảnh ngộ cần nhau,
mà yêu nhau, đó mới là yêu. Muốn có ái tình thì hai bên không ai có thể khinh
được ai. Chứ còn yêu để mà “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” thì đó là yêu
vì thương chứ còn đâu là yêu vì yêu nữa?
Thật vậy, Suzanne còn trẻ mà đã hiểu sự đời biết bao! Nhưng
cái đó cũng chẳng hay gì. Người nào hiểu sự đời lắm thì không mấy khi sướng cả.
Sung sướng là cái phần của ai không hiểu biết sự gì mới được hưởng mà thôi.
Mới chuyện có một lúc mà đi đã được khối đường đất rồi. Trái
đồi có nhà thương đã qua, phố ga qua, bây giờ trước mặt chúng tôi là cầu và
sông, bên trái là đường hoả xa, bên phải là ngọn đồi có trại binh pháo thủ.
- Hay là chúng ta lên đồi?
Suzanne gật đầu, chúng tôi vòng nhà máy Gạch, qua những dãy
nhà đằng sau chợ Đáp Cầu thủng thỉnh bước lên. Những nhà ở đây có thi vị lạ.
Tôi bỗng có cái cảm tưởng như đi du lịch một nơi xa lạ nào. Những gian nhà nhũn
nhặn đắp bằng đất đỏ chen chúc nhau mái thấp, mái cao hoặc cách biệt nhau bằng
những lối đi quanh co như vết rắn, do những tảng đá xanh và xám nối nhau, bắc bậc
nhau như những cái thanh ở một hòn giả sơn nào. Đẹp quá đi mất!
Bây giờ đã đến lúc để tôi tìm mọi cách khám phá cho ra những
ý nghĩ âm thầm của một cô đầm lai trẻ trung, xinh đẹp, xem cô đã biết phác hoạ
lấy một cái chương trình về cuộc đời hay chưa.
Những chuyện tâm sự chỉ có thể dò được giữa một cảnh nên
thơ...
Ngọn đồi này... với cái miếu nhỏ chung quanh có mấy cây ổi điểm
tô cho, mà dưới chân là một vùng nhà với trại binh, mà gần sườn là một khúc
sông, kể cũng đã nên thơ lắm.
- Phải, tuy tôi có lang Tây nhưng mà tôi không hy vọng lấy chồng
Tây. Hoặc lấy Tây là bần cùng. Vì rằng từ bé đến nhớn, mà tôi lấy bốn đời chồng
sau khi ba tôi về Pháp, thì cả hai chân tướng cuộc đời ra sao, tôi đã nhiều lần
nom thấy rõ. Cảnh ngộ tôi thật khó nghĩ. Lấy Tây ngộ nhỡ phải theo chồng về
bên... mẫu quốc thì để rồi mẹ già chết đói bên này hay sao?
- Lấy một người chồng An-nam...
- Cũng khó lắm. Hạng người dám có gan hỏi tôi chẳng hạn thì
không chắc đã được gia đình công nhận hẳn cho cái việc người ta làm. Nếu còn bị
điều nọ tiếng kia thì khó chịu lắm. Vả lại chỉ say mê cái sắc đẹp một lúc, có
khi rồi họ bỏ mình. Ấy là noi những người gan nhất thì như thế. Còn những người
sống theo cuộc đời nề nếp thì làm gì có can đảm hỏi một người lai? Là một người
lai là một cái khổ. Người Tây đã không hẳn quý trọng mình, mà người Nam cũng
không yêu thương hẳn mình. Ở cái xã hội quý phái Âu Tây, một ít máu An-nam
trong huyết quản là một cái nhục. Ở cái xã hội quý phái người Nam, một ít máu
Pháp trong huyết quản cũng chẳng là sự vinh. Giời ơi! Thì ra tôi không có Tổ quốc!
Suzanne cúi đầu, bất giác nức nở...
Tôi chỉ còn kịp kéo tay cô ta về mình, và muốn tỏ sự cảm xúc
bằng một cái hôn. Song le, nghĩ rồi lại thôi. Không nên chơi với lửa.
Suzanne lại nói một cách chua chát:
- Oui, je suis sans patrie!
Tôi khẽ nói:
- Lấy một người chồng lai...
Nén cơn đau, Suzanne lại bình tĩnh thêm rằng:
- Ông nói phải lắm. Tôi đã nghĩ thế. Một người chồng lai,
cũng có Pháp tịch, mà không thể nào khinh được tôi. Nếu chồng phong lưu, tôi sẽ
mặc đầm. Nếu chồng nghèo, chỉ là lính tráng chẳng hạn, thì tôi sẽ chỉ cứ ăn mặc
ta. Tôi đã học hành mãi ở trường trẻ con lai vô thừa nhận. Giá như ai, không
nghĩ đến mẹ, tôi đã sang Pháp năm ngoái rồi. Mà giá muốn lấy chồng xi-vin như
ai, tôi cứ ở Hà Nội, tìm một chân bán hàng mỗi tháng kiếm vài chục bạc may mặc,
có lẽ tôi cũng đã có một vị hôn phu rồi. Nhưng mà thà về với một người mẹ khổ sở,
cùng mẹ ăn cơm ngô, cơm khoai.
Thế là Suzanne hết đau đớn. Lòng hiếu đã làm cho cô ta trở
nên... anh hùng! Vì rằng Suzanne kể thêm:
- Ừ, mà tội gì lại phải đau xót vì không có tổ quốc nhỉ?
Nói xong cô ta đứng lên quay ra bốn phương, nhìn...
Suzanne không muốn lấy chồng Pháp. Suzanne chẳng đau khổ vì
không có tổ quốc mà thờ. Suzanne cũng chẳng muốn lấy chồng An-nam. Ồ, nếu thế
thì còn thú gì nữa! Có thể như thế được chăng?
Tôi làm ra lần thần:
- Theo ý tôi, dù sao nữa, lấy một người chồng An-nam vẫn
hơn...
Suzanne lườm tôi mỉm cười. Trong cái lườm ấy, trách là trách
yêu.
- Ấy má tôi vẫn nghĩ như thế. Vẫn bảo tôi đại khái rằng: tao
chỉ muốn có một người chàng rể An-nam để sau này chôn cất cho tao. Bao giờ cũng
thế, má tôi chỉ lo chết hơn lo sống.
May quá! Tôi chẳng để lỡ một cơ hội tốt:
- Chứ gì! Bà cụ lo thế là phải lắm chứ. Suzanne nên lấy chồng
ta, xem người nào xoàng xĩnh, quân tử, có óc mới... không chịu luỵ về những cái
thành kiến cổ hủ, chỉ biết có ái tình.
Suzanne nhoẻn cười:
- Như ông có phải không? Rõ khéo chỉ được cái giọng kẻ Bưởi!
Tôi cũng cả cười. Nhưng Suzanne đã nghiêm nét mặt:
- Không! Không thể được. Bao giờ lúc đầu người ta cũng mơ
màng sự đời là tốt đẹp lắm. Cái khốn nạn nó không đi ngay với cái tốt đẹp bao
giờ. Nó chỉ chùn lại để đi sau mà thôi. Thí dụ như ông chàng rể bà Đồng Đền ở
Phủ Lạng!
Chuyện này cũng thuộc về cái đề, “kỹ nghệ lấy Tây” song...
người thợ lại thuộc về giống đực.
Anh đàn ông coi cô vợ đầm lai như cái mỏ vàng.
Suzanne thuật chuyện trong ba phút, nhưng tôi phải viết đến
ba mươi dòng mới đủ nghe.
Cách đây độ tám năm, một viên giáo học bị cữu, kết duyên loan
phụng với cô đầm lai, con một bà Đồng Đền. Cả tỉnh ồn ào chê anh chàng tham của.
Bà đồng này có tới bạc vạn và đã hết lòng sửa lại cái điện thờ ở chợ Bắc môn.
- Không biết đã làm gì mà giàu?
- Hay đã buôn thuốc phiện lậu?
- Không phải, của mấy ông chồng để lại cho đấy!
- Nói khoác, xấu như ma lại đòi làm giàu về nghề lấy Tây!
- Cứ gì xấu hay đẹp... ở đời này có số chứ!
Đó là những điều “ngồi lê đôi mách” của các me, mỗi khi muốn
ghen với cái lá số của bà Đồng Đền.
Mà cái lịch sử li kì của bà kể cũng đáng làm rỏ dãi các me.
Khi còn cái tên Tư Bạc, nghĩa là giữa lúc “mơn mởn đào tơ”
thì bà ta vì cái nhan sắc mẫu dạ xoa, chỉ thèm làm bạn... dăm năm với một ngài
săng đá, một người mà quan niệm về mĩ thuật chưa phát triển mạnh.
Do đó, đẻ được một mụn con gái... Rồi thì, một hôm bà Tư Bạc
ngán ngẩm cuộc đời mà than rằng: “Mặt sông nước chảy lờ đờ, ông về bên ấy bao
giờ ông sang!” Một vài năm qua...
Sự túng thiếu... sự khổ nhục.
Hết các kế, bà ta phải lấy bốn chữ “lá gió cành chim” ra làm
một nghề.
Một đêm, một quan tư thầy thuốc sai bồi đi gọi bà ta. Tháng
sau, bà ta thành vợ quan tư thầy thuốc! Sự thương hại hay ái tình? Nào ai hiểu
nổi sự rộng lượng của người đàn ông. Cứ cho là tại duyên số.
Sau vài năm, ông quan tư ấy về rồi không sang.
Năm sau lại một ông quan tư khác đến kế chân ấy.
Rồi được ít lâu, ông cũng về.
Ông nào về cũng để lại cho vợ nào nhà gạch đầy rẫy, nào bạc đầy
rương.
Giàu có rồi, bà Tư lần này đành... thủ tiết. Chỉ có một con
gái, bà Tư muốn được một quý tế An-nam mai sau chôn cất cho mình. Viên giáo học
ấy đã đến nói với con bà: “Tôi lấy mình vì tình chứ chẳng vì tiền đâu”. Được
dăm năm, chàng rể quý ngày đêm cứ cầu trời khấn Phật vật chết mẹ vợ!
Duy-ly - tên người vợ - đã cau mặt:
- Đồ khốn nạn, mày chỉ vì tiền mà thôi!
Thì ông chồng cười gằn:
- Mang trên trán cái nhục là chồng mày, là con rể một kẻ như
mẹ mày, mà không nói đến chuyện tiền thì thiên hạ nó cũng chửi!
Những câu ấy chẳng phải không đến tai bà Đồng Đền. Nhưng mà
bà cần gì! Đêm ngày bà ta cứ “tấu lạy Vua mẫu” xin ban ơn cho nhân gian, múa
vung khói nhang mà hé hé hé!
- Không! Dù nghèo hay giàu tôi cũng chẳng lấy chồng An-nam!
Suzanne đã thở dài mà nói thế. Tôi, tôi cũng đã thở dài.
- Vâng, tôi cũng phải đi ngay. Bà Kiểm lâm gọi tôi có việc cần.
- Nhưng trước khi về Hà Nội, ông có quay lại đây nữa không?
- Không biết thế nào mà dám nói trước. Xin kính chào bà và
cô.
Nói xong tôi với lấy mũ ra đi, Suzanne chạy theo tôi mười bước.
- Này ông.
- ?...
- Thế chuỗi hạt này ngụ những ý gì?
Suzanne hỏi tôi một cách đứng đắn lắm. Chuỗi hạt pha lê ấy,
khi từ đồi về đi qua phố Chính, tôi đã vào một hiệu khách mua nó và chờ về đến
nhà mới rón rén đeo vào cổ Suzanne. Bà Ách nghèo nhưng trong khi tiếp đãi tôi,
đã chịu thiệt. Lúc ấy tôi đã phải nói liều:
- Để làm một kỷ vật đau đớn.
Những dòng này, tôi mong sẽ có ngày ở dưới mắt Suzanne.
Chương 6:
Mấy bức thư tình
Bà Kiểm lâm đã giới thiệu cho tôi quen bà cai Bu-Dích nhưng
bà này không mời tôi về nhà mà mời lại chơi nhà người “bạn đồng nghiệp”. Theo
dòng chữ bút chì nguệch ngoạc trên mảnh giấy xé ở sổ thợ giặt ra, tôi cứ việc
thấy cái sân có rào găng ở một ngõ lách thuộc phố Nhà Ngựa là vào.
Mới để chân trước cổng đã thấy một giọng lanh lảnh hát:
Bạc đồng me sừ chớ có mà phát xê...
At tăng moa rắc công tê tú sà! 1
Nàng Thơ ở đây, dù sao, cũng đã “dung Âu hợp Á” thành ra văn
minh hơn mình, hơn Nàng Thơ của cái “kêu đường giới” ở những chỗ tránh xe điện.
Đương đứng lắng tai muốn nghe thêm nữa thì đã thấy tiếng guốc
từ nhà ra sân.
- Ông cứ vào, chị em tôi đương đợi mãi.
Đó là bà Cai. Tôi ngả mũ rồi vào. Đây là một gian... vừa là
phòng khách, phòng ăn, và phòng ngủ. Có thể gọi là nhà thờ cũng được, vì bên cạnh
cái giường tây gỗ, có thấy đóng một cái xích đông bên trên bày đồ thờ, thờ một
cái tranh con hổ. Chẳng biết Sơn quân ngài có biết xơi bơ không? Ai đã chơi
khăm, để ngay ở đây một hộp như muốn cúng ngài thế?
Trên giường có hai me ngồi, ngồi chầu một cỗ tổ tôm. Nếu phân
tích kỹ lưỡng ra, cái giường ấy lý tất nhiên đã là cái sòng, đã chứng kiến cho
bao nhiêu tối tân hôn, và biết đâu lại không là vật tòng phạm của bao nhiêu cuộc
ngoại tình nữa! Cái giường của một me Tây cũng như cái dùi cui của một thầy cảnh
sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viện Việt
Nam. Trong cái kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên giường.
Thấy tôi vào, hai bà khép nép thu bớt những bộ đùi quần trắng
lồm lộp lại, ngồi cả vào một chỗ, mời tôi ngồi ngay bên. Một bà hỏi bà cai
Bu-Dích:
- Ông ấy đấy à?
- Phải.
Bà kia lại mỉm cười:
- Thế ông định viết báo nói xấu chị em chúng tôi những gì thế
ông?
Tôi đáp:
- Không, tôi không muốn nói xấu ai, tôi chỉ muốn rõ sự thực.
Bà cai Bu-Dích cũng đỡ lời một cách quyền hành:
- Nỡm lắm! Cứ bông lơn làm gì thế? Người ta đến đây để nói
đùa hay sao?
Tôi lại phải lựa lời:
- Hai bà nên rõ cho rằng chúng tôi chỉ muốn rõ những cuộc phối
hợp của đàn bà với người Tây phương có may, có rủi thế nào? Chúng tôi để ý nhất
là trẻ con lai. Số này đông lắm nên vấn đề trẻ con lai sau này tất làm bận lòng
các nhà cầm quyền lắm. Xưa nay hình như ta có cái thành kiến: nếu ai lấy Tây chỉ
là vì tiền. Thế thì có bao giờ bà nào lấy Tây vì ái tình không?
Nào ai ngờ mới nói qua loa thế thôi mà hai me kia đã hầu như
nổi trận lôi đình. Cả hai đều xô xô lên rằng:
- Chứ không ư? Việc gì mà lại chẳng vì tiền? Ông tính chúng
tôi với họ thì còn có thể nào vị tình vì nghĩa gì được nữa? Vả lại họ lấy chúng
tôi cũng chẳng phải vì tình. Đối với họ, chúng tôi chỉ là những cái đồ chơi
trong một hạn kha khá dài mà thôi.
Nói đại khái thế rồi, cả hai me ra vẻ lấy làm hả lắm.
Tôi thật không ngờ.
Dễ thường nếu mình ra ý phỉnh nịnh, đã nói trước rằng họ lấy
nhau vì tình chẳng hạn, có lẽ các bà này coi mình như đã... mai mỉa các bà cũng
nên.
Song, từ xưa đến nay, mấy nghìn mấy vạn bà vợ Tây, phải chăng
bà nào cũng cùng một quan niệm như thế?
Chợt một bà vội dặn:
- Nêu ông có viết vào nhật trình thì cứ viết phăng rằng chúng
tôi lấy họ là vì tiền, thế thôi! Mà hạng đàn bà chúng tôi là hạng bỏ đi, xã hội
không cần kể đến nữa.
- Nếu những cuộc nhân duyên của các bà có thể chép vào thanh
sử được thì trong cuốn sử ấy, từ khi người Tây sang đất nước này tưởng cũng đã
có nhiều đoạn oanh liệt và vẻ vang.
Thế là bà Cai nói ngay:
- Người đàn bà Bắc Kỳ thứ nhất lấy Tây là bà Đội Chóp. Bà này
chính là... chính là tổ sư nghề lấy Tây. Ông đội chết rồi, bà ta cũng chẳng
nghèo, chẳng giàu. Con cái chẳng có, bà đội về già thì để tâm tư vào một việc,
một việc ta cho là từ thiện: cái việc khóc ma mướn.
- Ới ai ơi là ai ơi: Trăm đường nghìn nỗi, ai ơi... Ai đi đâu
bỏ cửa bỏ nhà, bỏ anh em cha mẹ, họ hàng, ai ơi...
Bốn mươi năm trước đây, người Việt Nam, ngoài sự lo tưới nước
luộc lợn vào xác người chết, lại còn muốn người chết phải cảm động bởi những
câu khóc lóc khéo của kẻ sống ở sau cái quan tài! Nhà nào sợ vì lẽ gì tang gia
bối rối mà không đủ lời lẽ thảm thiết thì mời bà Đội Chóp giúp hộ một miệng. Bà
Đội Chóp, một người có lòng từ thiện, đã vui vẻ mà khóc, tươi cười mà khóc,
khóc một cách chu đáo, mà lại không tính tiền, nghĩa là khóc ga-tuýt vậy.
- Ới ai ơi là ai ơi!...
Nhưng thôi, chúng ta để bà cai kể nốt:
- Nước ta có số vạn trẻ con lai vô thừa nhận với số vạn nữa,
thiếu niên, thiếu nữ lại có Pháp tịch, được hiển đạt, tội ấy và công ấy ở cả bà
Đội Chóp mà ra. Bà ta đã có can đảm đánh trống ra lệnh cho chị em hậu sinh
chúng tôi không nơm nớp sợ những ông khổng lồ tóc đỏ mắt xanh, nói thì oang
oang như gắt, chân tay hay giơ lên như sự sừng sộ... Phải, mỗi khi người đàn bà
bỡ ngỡ nghĩ đến sự trao xương gửi thịt cho những người xa lạ ấy mà nơm nớp lo sợ,
mà trù trừ đo đắn, thì hầu như có linh hồn của tổ sư hiện lên an ủi rằng:
“Không sợ! người Tây văn minh ra phết, họ không ăn thịt mình, cứ lấy bừa đi!”.
Bọn chúng tôi không ai nhịn được cười. Ấy là bà Cai mấy hôm
nay vừa bị ông Cai chạy làng cho một vố, nghĩa là bị chồng bỏ, nghĩa là bà vừa
trải qua một trận phong ba, mà còn có gan bông lơn như thế. Đủ biết quả tim kia
không rung động nữa rồi. Lấy chồng hay bỏ chồng, bà này chỉ thấy là tậu được một
cái chén hoặc nhỡ tay đánh vỡ mất mà thôi!
Lúc này, một lũ trẻ con bà Cai dắt díu nhau lúc nhúc kéo
sang. Đứa nào trông cũng hay hay, tinh khôn nhanh nhẹn lạ. Nhất là đứa bé ba
năm trông y như trẻ quảng cáo của hiệu sữa “con chim” vậy.
Tôi buồn rầu vì chợt nghĩ đến bố mẹ chúng. Bọn trẻ ấy sau này
sẽ có tương lai ra sao?
- Má ơi, má trông thằng Gioong nó đeo vào yếm rãi nó cái mỏ neo
nó nhặt được đây này!
Con chị rầm rộ chạy vào, giơ thằng em ra khoe.
- Bước ngay! Bà đang có khách, đừng có đến ám quẻ bà nhé!
Quát rồi, bà Cai Bu-Dích nhặt cái guốc giơ rõ cao. Mấy chị em
hãi hùng, dắt bíu ẵm bế nhau cút mất!
Không, một người đàn bà, dù là quái vật đi nữa, khi đã thành
một người mẹ rồi thì khi nào lại nỡ cứ quái vật với cả lũ con mình rứt ruột đẻ
ra. Vậy thì sao trước lũ trẻ đang hôn hít nâng niu kia, mẹ chúng lại có cái cử
chỉ như của cai ngục đối với tù nhân thế?
Tôi đã muốn bất bình...
May sao, tôi nghĩ ra ngay.
Trong khi người đàn bà chỉ nghĩ đến tiền, người đàn ông chỉ
nghĩ đến nhục dục, giữa hai bên hầu như có bức tường ghê gớm mà sự thành thực
không thể nhảy qua được, chưa chi người ta đã nghi ngờ rồi. Những lời ân ái tự
đáy lòng thốt ra đều đã bị coi là giả dối cả!
Khốn nỗi, không phải ai cũng có gan dùng đến cách đề phòng sự
sinh dục cả. Từ những cuộc... cẩu hợp đó có những kết quả là bọn trẻ kia. Có
con là sự quý báu đối với ai, chứ đối với hạng vợ chồng này, có con là một cái
hoạ. Người đàn bà hầu như chửa đẻ để rồi mà hối hận. Anh đàn ông, nếu không hối
là đã điên có khi cũng bán tín bán nghi đánh mấy cái dấu hỏi: có phải chính đó
là lũ con cùng máu với mình?
Sự nghi hoặc đã sinh ra lòng căm hờn, mà bao nhiêu lẽ công phạt
của lòng căm hờn đều chỉ trút lên đầu những đứa bé ngây thơ và vô tội!
Những đứa trẻ kia rất đáng yêu thương.
Song le, hoặc con người, hoặc con ta, bà Cai có cần... “đếch”
gì?
Bà cũng y như nhà nước! 2
Vì rằng bà lại thản nhiên cho tôi nghe thêm mấy chuyện:
- Bà Đội Chóp chỉ được tiếng là tiên phong thôi chứ cũng chẳng
vẻ vang gì. Một người đã khóc ma mướn cho qua ngày đoạn tháng thì còn hay hớm
gì nữa! Cứ kể cho đúng, trong bọn chúng tôi mà oanh liệt nhất thì có một số rất
ít. Xin kể: bà Tây Cú, bà Chánh Tý, bà La Oa, bà Đuy Kiềng. Ngoài ra còn nhiều
bà lấy được những ông xi-vin sang trọng, quan cai trị, tây buôn. Thế mà, những
bà hiển đạt liệu có vì ái tình không? Chắc ông chẳng dám phán đoán. Thôi, ông cứ
yên tâm... Một người lấy Tây, cả họ được nhờ!
Đương dở chuyện, có hai me nữa bước vào, Me đi giày đầm và
khoác áo tơi nói oang oang:
- Gớm! Con mẹ Bôn bây giờ đắt lựa, hợm hĩnh tệ!
Me thứ hai vứt ô trên bàn đánh sình một cái:
- Bà cho bị chạy làng một vố thì lại hiện nguyên hình! Chị em
còn nhớ chuyện me cai Phăng-Xoa không?
Thế rồi đến những chuỗi cười rúc rích. Bà Cai bảo một me vẫn
ngồi im từ nãy:
- Muốn nhờ ông ấy làm đơn cho thì nhờ đi. Tôi xin phép ông
nhé?
Rồi thì... đám chắn tay tư.
Một me không đánh, kéo tôi ra chỗ cái bàn.
Trong cái hộp Nhật Bản mà tôi tưởng là hộp trầu, có năm cái ảnh
và một đống thư. Trong năm cái ảnh, hai cái là con gái nay mới lên tám của me ấy,
với ba cái của ba ông chồng. Lại có cả quyển sổ tay bìa xanh.
- Thưa ông, chỉ có tôi là dám tự phụ rằng trong bọn chị em
làm nghề này, tôi lấy ít chồng nhất. Bao nhiêu năm trời mà số chống chỉ mới có
là ba. Hai nữa, tôi là người kể cũng nhiều chữ nghĩa cơ đấy. Nhưng đến việc can
hệ nhờ ông vẫn hơn. Ba si ba tú quá sợ quan trên người ta chê cười.
Me này, vì muốn “bước thêm một bước” nữa nên định tống cái cô
con gái cho hội trẻ con lai.
- Mai sau khi 16 tuổi, thì người ta kiếm việc cho nó ở đây hoặc
mang nó về Pháp. Con gái chả ích gì mà nuôi. Nếu nó có dân Tây, bảo tôi cũng có
lẽ nuôi con mãi. Khốn nỗi lúc tôi đẻ nó tôi nói với cả hai anh chồng. Trước
pháp luật biết để anh nào nhận anh nào không? Thôi chả chơi dại. Nhỡ ra chúng
giết tôi thì làm thế nào?
Tôi đã rút cái bút máy để trên bàn, vui lòng thảo đơn. Nhưng
người đàn bà tinh quái này đương lúc cao hứng còn muốn tôi hãy nghe mấy cái “tuých”
dùng để lừa hai bác lê-dương đã lần lượt kế chân làm chồng mình đã.
- Đây, ảnh người chồng thứ nhì, mà đây, người thứ ba. Anh thứ
nhì tuy có hàm râu Trương Phi song bụng rất tốt. Còn anh chàng đẹp trai này, mặt
mũi đầy đặn thế mà là trùm xỏ lá, đại ma lanh! Nhưng mà cũng chưa đọ với óc tôi
đây, tôi có ngu gì... Thì ra biết chữ nghĩa cũng có lợi, ông ạ. Nếu tôi ngày
xưa học quá được lớp ê-lê-măng-te thì bây giờ nhiều anh chết nữa!
Nói xong, me ấy đưa ra tập thư với quyển sổ bìa xanh.
- Quyển sổ này là thế nào? Việc gì phải chép bút chì chữ lại
như thư nhà buôn thế?
- Việc gì à? Lại còn việc gì! Ăn gian nói dối như quỷ mà
không tìm cách nhớ những lời đã nói, ngộ nhầm mà râu ông nọ cắm cầm bà kia, để
đến nỗi tiền hậu bất nhất thì sao.
- Thế hiện giờ, hai người này không có ở đây?
- Lão già hiện giờ đã vào ngạch cô-lô-nhần hiện hàng ngũ ở Mạc-xây.
Ở đây quan thầy thuốc bảo không hợp. Còn anh chàng trai trẻ này thì phải đổi về
nước Tây đen dẹp loạn đã hơn năm nay rồi. Thế mà... Thế mà cả hai người vẫn gửi
tiền về nuôi con tôi!
Tôi giở thư của ông chồng già. Trong một lá, có một đoạn đại
ý:
“Mình là người tôi yêu quý nhất đời. Tôi thật đau khổ vì có
cái chứng bệnh này khiến tôi phải rời bỏ mình mà về đây. Cái ảnh của Jeannette
đẹp lắm, tôi thích lắm. Bố con xa cách thế này, tôi buồn bã quá. Độ này tôi uống
rượu nhiều, vì chán đời lắm. Nên năng viết tin tức cho tôi. Đây có kèm ngân phiếu
100 quan. Tôi hôn con một trăm cái, hôn mình một nghìn cái.”
Tôi lại xem đến một lá thư của anh chồng trẻ, từ Phi châu:
“Cái xứ này nóng quá, đàn bà lại xấu quá. Bọn giặc cộng sản
là tôi bắn không tiếc tay: Lắm lúc lo nhỡ bị chúng đâm trộm một nhát thì còn hi
vọng gì sang Bắc Kỳ với mình và Jeannette nữa? Chao ôi! Cái đời tôi không biết
sống chết lúc nào. Vậy thì cứ lấy chồng đi thôi. Nên tìm người nào sẵn lòng nhận
khai sinh cho con gái chúng ta đừng phải là con vô thừa nhận... vân vân...”
Thế mà cái thơ “nàng” gửi cho lão già:
“Je suis mort de faim mais je ne pense pas d’epouser un autre
mari. Les autres personnes dangereux. Moi et c’est pas qui! Pas possible
quelqu’un honnête comme vous, mon vieux cher. Alors, Jeannette reste sans papa,
mais je mens fout, n’est ce pas? Envoyer moi de tant en tant d’argents et votre
fille serons heureuse.” 3
Thế mà cái thơ “nàng” viết cho anh chồng trẻ:
“Jeannette ne voudrait suivre son papa. Elle pleure toujours.
Je l’ai fait voir photo de vous. A Tonkin, c’est la crise d’argents. Ces habits
sont mauvais état. Je veux dire vraiement: si vous êtes impossible a m’envoyer
beaucoup d’argent, je pense épouser encore un mari...
Votre femme Thị B... très chérie.” 4
Dù sao, tôi cũng chỉ muốn cười. Điều khả ố là me ta gần nhảy
lên mà reo:
- Đã biết tay đàn bà ma bùn chúng tôi chưa, ông? Đừng có tưởng
nhầm chúng tôi lấy họ vì tình nữa nhé!
Ô hay! Rõ lạ thật! Làm gì mà phải đe nhau?
Tôi đã cầm bút thảo đơn, không buồn, cũng không thèm cười.
Chỉ tiếc không có sẵn cái máy ảnh.
Chú thích:
1. Xin lỗi mình, đừng giận vội
Để rồi tôi kể hết cho nghe.
|
|
2. Từ khi có nạn kinh tế, nhà nước cũng không cứu giúp một
cách cho đầy đủ một số đông trẻ con lai vô thừa nhận như trước nữa.
|
|
3. Tôi chết đói những không nghĩ đến lấy chồng khác nữa. Những
người khác nguy hiểm. Tôi đây chứ không phải là ai đâu. Không ai lương thiện
được như mình đâu ông già của tôi ạ. Thế là Jeannette không có bố nhưng tôi
không cần, có phải thế không? Thỉnh thoảng gửi tiền cho tôi đi, thì con gái
chúng ta sung sướng.
|
|
4. Jeannette nó không muốn theo bố. Nó khóc luôn. Tôi đã cho
nó xem ảnh của mình. Ở Bắc Kỳ, kinh tế khủng hoảng. Quần áo nó rách. Tôi nói
thật: nếu mình không gửi tiền cho tôi được nữa thì tôi sẽ lấy người chồng
khác. Người vợ Thị B... yêu quý của mình.
|
Chương 7:
Ai muốn hóa ra sư tử
Trước mắt Thế Lữ, con hổ già ở chuồng trong vườn Bách Thảo đã
muốn gầm: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”
Tuy đã là hổ - hoặc sư tử - mà nay về già rồi, bà Đội Tứ của
tôi cũng không bao giờ muốn than như vậy. Nếu bà đã hết oanh liệt thì những cái
khác làm nên oanh liệt bà còn có thể đem ra dạy dỗ bọn đàn em ngây thơ. Các me ở
Thị Cầu, mỗi khi nhắc nhỏm đến bà đều ra vẻ kính cẩn mà rằng: “Chị Đội Tứ của
chúng tôi là người đáo để ít ai bì kịp, thằng chồng nào đầu trâu mặt ngựa đến
đâu cũng phải e sợ”. Và ngay cả Đi-mi-tốp nữa, khi trông thấy bà ta, cũng đã
nháy mắt bảo tôi: “Mụ này là mụ đáng sợ nhất trần đời!”
Những lời tiến cử như vậy khiến tôi chẳng dám coi thường một
bà già trạc 60 tuổi, tóc mun đã pha màu bạc, một mắt hỏng, cái mũi dọc dừa tô
điểm cho bộ mặt có cái vẻ Tây phương, răng lại nhuộm đen, ngồi thản nhiên nhai
trầu bỏm bẻm ngắm nghía cuộc “hội kiến” của Đi-mi-tốp với Ái và Tích. Cái vẻ thản
nhiên của bà Đội Tứ lúc này thế mà đáng sợ, vì Đi-mi-tốp cứ vừa nói với Ái vừa
nhìn trộm bà ta. Đi-mi-tốp có dáng diều hâu bay cao lăm le nhìn bọn gà con,
song cũng nơm nớp sợ mỏ và cánh của con gà mẹ. Đo đắn chán chê xong lão mới nói
thêm thế này.
- Bạn tôi chẳng phải kẻ không ra gì. Chính là một người đứng
đắn và tử tế. Khốn nỗi, cái tính rượu chè quá chén thì người lính nào chả có.
Mà bạn tôi đã cam đoan rằng xin chừa. Nếu cô bằng lòng tha thứ, hắn sẽ phải
nghĩ cách chuộc tội. Tôi mong cô đừng đi vội, nán lại mươi ngày nữa, chờ kỳ
lương sau...
Ái nhìn bà Đội và hỏi:
- Bà bảo con nên giả lời thế nào? Nó chỉ chi có 18 đồng thôi,
con muốn...
- Thế nó có hay ghen không?
- Con không biết... Dễ thường không ghen lắm, như người khác
đấy thôi.
Nghe xong, bà Đội bảo Đi-mi-tốp:
- Alo điếc luý vơ nia đô nê xanh biệt! La bơ tít đoa bẩy dề
pho băng xương ăng co đít dua. Xăng qua en đoa bờ lắc kê bua Hanoi buýt cơ y a
cảm soóc giăng đơ măng đê xa manh. 1
Đi-mi-tốp cau mày, cắn môi không nói gì cả. Sau cùng ông ta bắt
tay một lượt, vẫn không nói gì cả, chỉ cắm đầu ra. Bà Đội nhìn theo nói thêm:
“Cần đến thì phải có tiền. Bắt đợi mười ngày thì phải mất năm đồng... mà nếu tiếc
năm đồng thì cứ việc chạy đủ cả một tháng! Bao giờ mình lại chịu nước lép!”
Thì ra gian nhà ở Suối Hoa này đã nghiễm nhiên thành một nơi
quan trọng để cho một ông dân Nga lấy tư cách thuyết khách đến nối lại cuộc
giao hảo (do một “điều ước trăm năm” ràng buộc, nhưng lại bị cái vấn đề khô và ẩm
làm gián đoạn) giữa nước Nam Việt ký kết với một nước bên Âu châu!
- Tích! Làm sao đến nỗi có mấy ngày mà đã bỏ nhau?
Cô Tích bẽn lẽn mãi không đáp. Cái dáng người còn măng sữa với
cái áo the kép, chiếc khăn nhung, đôi giày nhung ấy tôi phải kinh ngạc, muốn
than như quan Thống lĩnh Doumer lúc bị đạn: “Có thể đến thế được chăng?” Vì rằng
Tích chưa đủ dày dạn phong trần, còn thiếu tư cách...
Tôi đã thừa hiểu như vậy, song bà Đội lại còn cắt nghĩa thêm:
- Ông tính có ai lại ngu dại như thế không? Bán nhẫn đi ứng
tiền thuê nhà cho nó, rồi để nó ăn ở với mấy ngày, bây giờ không thành chuyện
gì cả! Mất không cái nhẫn!
Tích rụt rè:
- Khốn nạn nào con có ngờ đến nỗi thế đâu!
- Thế mày bỏ nó hay nó bỏ mày?
- Nó chẳng bỏ con thì con cũng đến bỏ nó. Nào bà có biết
đâu...
Bà Đội ngắt lời:
- Úi chao ôi! Gái già này lại còn cái gì mà chẳng biết. Nghĩ
đến các cô mà sốt ruột! Ấy là đã đi học, có chữ nghĩa hẳn hoi mà còn thế!
Tiện dịp, tôi vội hỏi đến đoạn đời về trước khi Ái và Tích
chưa đến nỗi trôi dạt sang đây! Rồi từ chuyện nọ đến chuyện kia, lại nhờ cái vẻ
ngạo mạn khinh đời của bà Đội, cái gì cũng không thèm giấu giếm cả, nên trong
ít lâu tôi đã có thể phác hoạ nổi hai cảnh ba đào.
Ái và Tích là một cặp bạn thân. Cái nghèo khổ chung đã khiến
hai cô yêu nhau như ruột thịt. Xưa kia không rõ đã đi học với nhau ở những trường
tư nào. Chỉ biết không theo học được nữa thì hai người vào làm cho một hiệu mũ
áo ở Hà Nội do một bà đầm chủ trương. Mỗi ngày làm 10 giờ, lương tháng có 6 đồng
bạc!
Cả hai cam còng lưng chịu khổ, song vẫn lấy thế làm bằng
lòng, nếu không có sự xảy ra. Phải, ở đời bao giờ cũng vẫn có cái “sự gì” nó xảy
ra, để người ta đương sướng phải hoá ra khổ, hoặc đã khổ lại phải khổ hơn nữa.
Tích ít chữ nghĩa cứ càng ngày càng bị bà chủ đem tên những
súc vật mà tặng cho.
Thông minh, không bị cái nạn ấy, lại đẹp hơn bạn. Ái được bà
chủ yêu, yêu vô cùng. Bà chủ yêu thì ông chủ lại yêu hơn. Tai hoạ ở đấy.
Một hôm, bà chủ đi vắng, ông chủ nắm tay Ái, lôi Ái vào buồng.
Hôm sau Ái bị đuổi ra.
Tích cũng theo nốt!
- Tấm thân đã như hòn ngọc có vết rồi, không bao giờ tôi dám
nghĩ đến việc lấy một người chồng tử tế nữa. Khi một người đã sa ngã, hoặc tự
mình, hoặc do người khác xô đẩy cũng vậy, đã ngã một lần là rồi cứ ngã mãi, có
phải thế không, ông? Đã như tôi rồi mà lại lấy chồng An-nam, sao nên! Lấy người
tử tế thì nhục cho người ta, mà lấy người không ra gì thì tôi không muốn. Nghĩ
thế rồi hai chị em cùng sang đây.
Tôi chưa hiểu hẳn lời tâm sự của Ái. Nếu Ái đã nghĩ cho Ái
như thế, kể cũng đã cao kiến, song còn Tích? Cô này đã đến nỗi gì mà cũng nhắm
mắt huỷ hoại một cuộc đời có thể tốt đẹp của mình đi? Tôi hỏi:
- Thế cô Tích cũng đã lỡ dở về tơ duyên rồi à?
Ái đưa mắt ra ý bảo để Tích tự mình đáp lấy.
Tôi cũng phải dùng luồng nhỡn tuyến có ngụ ý cảm thương ra
yêu cầu... Chỉ trù trừ ít lâu, Tích đáp, song đáp tôi một cách gián tiếp mà
thôi, vì cô ta nói với bà Đội:
- Bà cứ bảo con dại dột, chính ra không phải đâu... Nhân tiện
bây giờ con cũng thưa chuyện bà rõ không có bà cứ tiếc mãi. Ở bên Hà Nội, đã
hai năm nay, con vẫn có một người nhân tình...
- A à!
- Hai người yêu nhau lắm, thật là một cái ái tình (!) cao thượng,
ông ạ. Đó là một người cũng làm nhà buôn. Thế nhưng mà bác ta có vợ con rồi!
Trước, tôi vẫn bảo chị tôi không nên vấn vương như thế. Chị ấy đã nghe, đã bẵng
đi một dạo... Thế mà không hiểu sao rồi lại quấn quýt lấy nhau! Rồi một hôm thấy
chị Tích kêu định lấy lẽ bác ta... Ấy trong tình trường, người ta vẫn vô nghĩa
lý như thế đó. Rồi mấy hôm sau lại thấy kêu công việc không thành, vì vợ chồng
bác ta cãi nhau đánh nhau làm sao ấy! Thế mới biết mắc vào lưới tình là thế
!... Giữa hồi ấy, xảy ra việc không may cho tôi. Chị ấy thôi, chúng tôi tìm việc
làm mãi, không được mà gánh gia đình cũng nặng, lại nghe lời mấy me Tây già ở
phố Cửa Đông thành thử mới sang đây đấy chứ. Chị Tích hơn tôi nhiều, ông ạ.
Không bao giờ chị ấy còn phải hối hận! Trước khi bước vào con đường này, chị ấy
đã làm theo câu Kiều:
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung!
Tích tuy đỏ bừng mặt nhưng cũng hỏi tôi:
- Có phải không ông? Cái gì bằng yêu nhau? Tôi tưởng việc tôi
đáng khen nữa.
Tôi cũng muốn kiếm lời khen ngợi, song bà Đội nói trước mắt:
- Có thế chứ lị... Mỗi khi nghĩ rằng mày để cho nó phá tân
mày, rồi nó lại quỵt mày thì bà lại cứ thấy như lộn cả mấy khúc ruột lên.
Bà Đội nghiến răng nói pha trò, rồi cầm cái lõi để đập xuống
giường đánh thình một cái để chấm câu, thần tình như tiếng trống chầu xinh vậy.
Bốn chúng tôi không ai nhịn được cười. Bà Đội lại nói:
- Bây giờ thì: màu hồ đã mất đi rồi, thôi thôi vốn liếng đi đời
nhà ma, có tiếc cũng chả được nữa, chứ ví thử Tích nó hãy còn tân xem! Còn tân
mà lại đến tay tôi dựng vợ gả chồng cho xem! Cái gì chứ vài ba chục bạc tiền
hoa hồng thì dễ như bỡn! Một anh lính lê dương mà lấy được vợ còn tân nó sẽ quý
hơn vàng. Mà bao giờ vợ chồng ở với nhau cũng dễ lâu bền, trừ phi con vợ giở chứng
giở quẻ hay thằng chồng mãn hạn phải đi nơi khác thì không kể.
Ai và Tích cùng phàn nàn:
- Cái kiếp lấy Tây ngán lắm, bà ạ. Nó cứ hay rượu chè, hay sừng
sộ, lắm lúc tưởng có thể mình chỉ bị một cái thụi cũng bỏ đời. Bà bảo liệu có
tay nào tàn ác đến giết chết mình không?
Bà Đội Tứ đã sắp hoá điên... Phải, ai bảo khêu gợi trong lòng
một bà già tính chất một con sư tử khi còn trẻ? Bà quát rầm cả nhà:
- Việc gì mà sợ? Có đánh chết cài ba vạn! Bọn họ toàn một
tính mềm nắn rắn buông mà thôi. Trừ phi bắt được quả tang ngủ với giai hãy chịu,
chứ đường đường chính chính ra, mình phải mà họ trái, thì... chửi thì chửi trả,
đánh cũng đánh trả! Các cô có biết gái này thế nào không? Đã có lần bị đấm một
cái mà tát lại được ba cái đấy. Giơ dao lên doạ, gái này cũng tốc phăng ngay
cái coóc-xê lên! Anh nào cũng phải gờm!
Quay lại với tôi, bà dịu giọng:
- Vả lại họ được cái khá là ít khi đánh đập đàn bà. Đánh là
đánh doạ đấy thôi, chứ người họ như thế, sức vóc như thế, tưởng cứ một cái đấm
mình cũng đủ bỏ mạng!
Bà ngắt lời một lúc, đoạn mỉm cười và thêm:
- Phải khôn mới được, nhất là khi gặp họ đi chơi gái, mình
càng nên ra oai. Bắt gặp là không cần cắt nghĩa gì nữa, cứ việc túm lấy tóc mà
cấu, mà cắn mà tát! Ông tưởng tôi nói đùa đấy à? Đời nào nó nỡ đánh lại mình mà
sợ. Mỗi khi được một trận đòn ghen như thế là anh chồng sung sướng có thể hoá dại
được ấy chứ lị... Vị tưởng được vợ yêu, biết chửa? Ấy lắm khi mình cù chúng
thôi, có ai hơi đâu ghen tuông mà làm gì!
Đi-mi-tốp có lẽ cũng sắp quay lại đây với bạn.
Muốn tránh sự nghi ngờ của người chồng của Ái, bà Đội yêu cầu
tôi ra đi.
Tôi đã được dịp nghe con sư tử cái dạy học trò.
Khi ra đi, trong bụng rất phân vân chẳng biết rồi Ái và Tích
liệu có thụ nghiệp nổi?
Chú thích:
1. Thế thì bảo nó đến đưa năm đồng. Con bé còn phải trả tiền
trọ mười ngày chờ đợi nữa. Nếu không nó phải đi Hà Nội vì hiện giờ có một người
đội muốn lấy nó.
|
Chương 8:
Sơn Tinh và Thủy Tinh
Than ôi! Bà Kiểm lâm nào phải đâu còn là người mà “mê nàng
bao nhiêu người làm thơ!” như Mỵ Nương của ông Nguyễn Nhược Pháp nữa mà Hiếc-Tôn
(xin nhớ: tên ấy cũng nêu lên đây theo hình-thanh) với bạn đồng ngũ, người đồng
thời lại là tình địch của anh ta, nỡ đem danh dự của nhau ra mà bôi nhọ đi, nỡ
đem tên nhau bằng tên những giống chẳng phải là giống người!
Ngồi khoanh tay mọt cách rất lễ phép ở tận một góc phòng, tôi
may sao không đến nỗi là cái đinh trước mắt ngài nào cả. Lẽ đời tất nhiên phải
như thế mới được. Hai ngài ấy còn phải tranh nhau làm sao được là chồng của Mỵ
Nương đã chứ chưa cần nghi ngờ rằng tôi có phải là nhân tình của bà Kiểm lâm
không.
Vả lại không phải Hiếc-Tôn gặp tôi bữa nay mới là bữa đầu.
Lần thứ nhất, cũng dưới mái gianh này, khi anh ta đem trái
tim vàng đến đặt dưới chân bà Kiểm lâm thì tôi đã được dịp trò chuyện ngay với
anh ta một cách niềm nở.
Khi biết tôi là phóng viên một tờ tuần báo bản xứ rồi, Hiếc-Tôn
đã trả lại tôi cái các nhà báo một cách rất đỗi lễ phép và vội vàng hỏi ngay đến
rằng vụ hành thích ông Barthou và vua Alexandre III ở Mạc-xây vừa rồi đã gây ra
những cái phản động lực về phần chính phủ Pháp ra sao. Tôi đã theo điện tín
hãng A.P.I.P, tóm thuật cho anh ta nghe rồi để yên anh ta với người yêu tâm sự
với nhau hàng giờ đồng hồ. Vì rằng sau khi thấy nói đến một cuộc điều tra về số
phận đáng phàn nàn của một số đông trẻ con Tây lai thì anh chàng đã vội hoan
nghênh tôi ngay, và đã hưởng ứng với tôi bằng cách cũng lập luận để kết án sự
vô tình của số đông lính lê dương một cách khá kịch liệt. Nhất là chưa có vợ
con nên lời buộc tội của anh ta lại càng thật thà. Lần đầu tôi đã thoát bị nghi
rồi nên lần này, sự tôi có mặt tại nhà bà Kiểm lâm là không đáng ngại cho tôi
chút nào cả. Nếu còn phải giữ gìn thì tôi chỉ còn cần giữ gìn với tình địch của
Hiếc-Tôn.
Nhưng hai bên cứ tự do cãi lộn nhau, cũng không để ý gì đến
tôi nữa.
Trong cuộc cãi lộn cả hai bên đều dùng thứ tiếng Pháp sai mẹo.
Nghe mãi, tôi phải ngạc nhiên mà nhận ra rằng cái chức lang quân lại chính là
bà Kiểm lâm đã tặng cho người tình địch của Hiếc-Tôn, một ông lính lê dương đã
có tuổi mà Hiếc-Tôn cứ gọi một cách khinh bỉ là: con lạc đà. Mà con lạc đà thắng
trận ấy lại là một thằng Do Thái bẩn thỉu (sale Juif) nữa.
Trước sự tranh giành của Thần Sông và Thần Núi, Mỵ Nương cứ
giữ một vẻ bình tĩnh khó tả, ra đều “măng phú tú”, và chỉ biết tiền trao cháo
múc, y như là vua Hùng Vương.
Hiếc Tôn thoạt tiên cũng còn giữ được lễ độ:
- Mày cứ cho phép tao lấy làm lạ rằng tao đến đây trò chuyện
với người đàn bà trước mày đã một tuần lễ. Mà người đàn bà này, phải chính người
đàn bà này, cũng đã hứa với tao. Thế mà bây giờ lại hoá ra thế này!
Ông lính lê dương có tuổi kia nhăn mặt lại để cố gượng cười.
Các ngài độc giả hẳn đã đôi khi trông thấy một bộ mặt như tôi muốn tả: một cái
mặt lởm chởm những râu và riu với lùng bùng những túi thịt dưới hai con mắt, với
cặp môi không màu, trắng bệch, và hai hàm răng sâu, một cái mặt buồn khi người
ta vô tư lự và cáu kỉnh nhăn nhở khi người ta muốn cười vậy.
- Không! Không! Cách đây chỉ có năm ngày thôi, tao đến đây
thì chính người đàn bà này cũng đã bảo là bằng lòng lấy tao. Mà những khi tao đến
nói chuyện thì tao chỉ thấy một mình tao thôi, chứ tao chẳng gặp mày lần nào cả!
Nói thế cho mày biết rằng mày nên đi đi là hơn. Tao cứ biết rằng người đàn bà
này vừa mới nhận của tao một chục đồng bạc.
Quay lại bà Kiểm lâm, Hiếc-Tôn cười một cách đau đớn và hỏi:
- Thế cô cho lời hứa của cô là những lời gì?
Bà Kiểm lâm đáp bằng những câu văn rất khôi hài:
- Xê ba ma phôt, nét si bá? Uây, moa bơ rô mét a vu tú đơ, mê
luý viêng a văng vu ê a lô xe, mông ma ghi! Vu dết dơnê bố cu gia lu, moa ba ú
loà! 1
Nghe xong, Hiếc-Tôn nhổ xuống đất một cái, rất khinh bỉ. Đoạn
anh ta lấy một điếu thuốc lá khác ra hút rồi quay lại với kẻ địch:
- Nếu mày tranh nó của tao thì mày thật là đồ lạc đà!
Nhưng “con lạc đà” khôn ngoan này chỉ gượng cười mà vặn lại:
- Bây giờ tao mới gặp mày là lần đầu thì tao có tranh cướp gì
của mày bao giờ đâu? Mày còn trẻ người, còn non dạ lắm.
Cáu lắm, Hiếc-Tôn lại dùng giọng mỉa mai hơn trước:
- Chính thế. Tao còn trẻ con lắm, chưa trải đời được như mày!
Nhất là tao lại không được là dân nước Áo, chưa từng được biết phong vị của
Kinh đô Ái tình (Ville d’Amour) cho nên lần này là lần đầu mà tao biết ghen.
Đến đây thì con lạc đà không còn kiên tâm nổi nữa:
- Đồ khốn nạn! Mày tưởng xưa kia tao ở xứ sở thì tao đã là một
thằng chồng mọc sừng nên sang đây, gặp người đàn bà nào tao cũng phải bám chặt
lấy chắc? Mày nhầm! Tao lấy vợ cũng như nuôi đầy tớ chứ thằng này chẳng phải là
người để cho đàn bà làm khổ được đâu.
Ấy cái ông lính già đã nói thế mà chẳng sợ mếch lòng bà Kiểm.
Không nói gì được nữa, Hiếc-Tôn lấy ví, rút một lá giấy bạc để
trên bàn. Anh ta nói cho cả hai:
- Thôi được! Mời vợ chồng ông bà ra tính tiền tôi đến đây mấy
lần, lần nào cũng được ông bà mời uống cà-phê. Vậy tôi cứ xin trả một đồng bạc.
Nói đoạn, anh ta cầm mũ đứng lên, ra...
Đi mà không nhớ bắt tay ai... Đã thế, ra đến cổng còn quay đầu
nói với lại:
- Chúc anh hưởng hạnh phúc nhé! Và tiện dịp tôi xin giới thiệu
với anh rằng cái ông trẻ tuổi người An-nam ngồi đấy là một tay làm báo đấy. Thế
nào ông ấy cũng viết lên nhật trình ca tụng cái cuộc ái tình tốt đẹp của vợ chồng
nhà anh cho mà xem!
Tôi đã định tâm cáo từ đã lâu mà rồi phải cứ ngồi lại.
Ông lính già chả biết có để ý đến nhưng lời đâm bị thóc chọc
bị gạo kia không mà đã xin phép tôi cởi bỏ áo nhà binh khi trò chuyện, thì hãy
“bẻ vài miếng cùi bánh” đã. Câu nói xỏ lá của Hiếc-Tôn bắt tôi phải tức khắc nhận
lời. Nếu lão già này có mượn chén đưa lời thì tôi sẽ tùy cơ ứng biến sau.
Sai một đứa con đi mua bánh rồi, bà Kiểm lâm bèn đốt đèn cồn,
lấy hộp bơ và mấy quả trứng, mấy khúc xúc xích để cả trên bàn, sửa soạn thức
ăn.
Câu chuyện của ba chúng tôi từ đây mà đi là rất nồng nàn, vì
có mùi thơm tho của mấy món ăn và rượu ướp cho khỏi... vô vị.
- Vì đưa tiền trước nên lấy được vợ, ông thấy một cuộc nhân
duyên như thế có giống với sự buôn bán không?
- Nếu ông nói thế thì ra nước tôi, từ xưa đến nay, cuộc nhân
duyên nào cũng là buôn bán cả. Chắc ông đã biết là ở nước tôi thì cái đại đa số
là theo văn hóa cũ nên không mấy ai được lấy nhau vì ái tình. Ở xã hội tôi
không bao giờ một đôi trẻ, sau khi hỏi nhau rồi, lại được cùng nhau công nhiên
trò chuyện để xét đoán tình tình nhau như ở Tây phương. Vậy nhận lễ vật của người
đàn ông như thế còn khác gì buôn bán? Mười đồng bạc của ông vừa rồi, tôi cứ lấy
phương diện của người xứ tôi mà bình phầm thì đó là lễ vật của bên nhà giai. Có
thế thôi, việc đời giản dị lắm, ông đừng sợ tôi cười. Nếu muốn cười được ông,
tôi phải chê bai cả nước tôi trước đã.
Có thế thôi, ông lính già cũng đã đủ khoái chí! Cái đầu tóc bạc
phơ ấy cứ gật gù hoài. Cái cổ một ngài săng đá chẳng ngờ mà lại được hân hạnh
đóng vai cái cổ một ông nghị An-nam.
Tôi, lúc ấy, xin thú thật rằng cũng đã... bịp lắm. Tôi lại
nói thêm rằng:
- Về sự loài người lấy nhau, tôi đã có đọc ít nhiều, cảm tưởng
rất chua chát nhưng rất đúng sự thực của một nhà triết học bên Tây phương. Tiếc
quá, tên nhà triết học ấy tôi lại không nhớ. (thì bịa chứ thật đâu mà nhớ!) Ông
ta đã viết đại khái thế này: “Bọn làm đĩ, nào có gì là đáng khinh? Tại sao bất
cứ ở xã hội nào, bọn làm đĩ cũng bị kết án?”
“Ngẫm mà xem: Lấy được những thiếu nữ đài các, quý phái, bọn
đàn ông chúng ta phải tốn bạc trăm bạc nghìn. Họ để ta phải chi ra một số bạc lớn
rồi thì cố nhiên là họ phải ăn đời ở kiếp với ta. Muốn tính một cuộc trăm năm
ta phải mất một số tiền nhiều. Còn khi ta chơi đĩ, đĩ chỉ làm vợ một đêm, thì
ta chỉ mất một số tiền nhỏ. Ngẫm cho cùng, làm vợ một đêm hay làm vợ suốt cả một
đời thì người đàn bà cũng chỉ là làm đĩ cả mà thôi. Ấy vậy mà bọn đĩ một đời cứ
tự đại rằng mình làm đĩ một đêm thì còn nghĩa lý gì nữa?” Ông đã thấy đấy chứ?
Nếu cả nhân loại đều xấu như vậy, ở Đông cũng như ở Tây, ở nước văn minh cũng
như ở nước dã man, ông cũng như tôi, tôi cũng như ông, thì việc gì ta còn phải
quan tâm đến lời khen chê gì nữa?
Chết! ông lính già này đến hoá điên mất! Ông ta vồ ngay bàn
tay của tôi mà giật lấy giật để, khiến tôi sái cả một bên vai đi.
Lúc này, bà vợ đã làm xong các món ăn. Đứa bé con riêng bà ta
cũng đã đem bánh về. Chúng tôi ngồi vào bàn một cách nghiêm chỉnh lắm.
Mà xin quý độc giả đọc những dòng này cũng chớ nên ngờ vực rằng
những lời tôi vừa bịa đặt là để nịnh ăn đâu.
Tôi chỉ đã khôn ngoan ở thuận lẽ trời.
Tôi đã không để cho Hiếc-Tôn có thể xỏ được chúng tôi một vố!
Người chồng - tân lang - bây giờ mới lộ sự sung sướng:
- Ông ạ, tôi thích nhất vì vợ tôi đây là người có thể tin cậy
được. Trong hai người muốn lấy nó, một người già yếu với một người trẻ tuổi và
đẹp đẽ thì nó đã chọn người già, là tôi. Một việc ấy đủ tôi vững tâm được vợ
trung thành.
Câu nói này khiến tôi chợt nhớ đến lúc bà Kiểm chê Hiếc-Tôn
là ghen tuông. Hỏi thì thấy đáp:
- Lần đầu mà nó gặp ông ở nhà này, nó trò chuyện đậm đà ngay
với ông, có phải không? Thế mà lần thứ nhì đến với tôi, nó lại lấy ông ra để
căn vặn tôi mãi! Tôi đã phải cắt nghĩa rất kỹ càng... Tôi đã phải bảo rằng một
người như tôi rồi thì chẳng còn khi nào bắt nhân tình được với một người còn trẻ
tuổi như ông... Chính nó, nó cũng đã nói: “Phải, chắc một người có học thức, ở
cái gia cấp thượng lưu cẩn thận thì chẳng khi nào lại đến một nơi như nơi này,
lại tìm hạng phụ nữ bỏ đi như hạng này...” Như thế tưởng là nó đã nghe ra. Vậy
mà lần sau nó lại bắt tôi phải khai rằng ông còn ở đây hay đã về Hà Nội! Sau
cùng, không chịu được nữa, tôi phải nói thẳng với nó rằng: “Này, anh muốn lấy
tôi thì anh đến chứ không phải tôi lạy anh để anh hỏi tôi đâu. Anh đừng có chưa
chi đã ghen vô lý!”
- Làm thế nào mà bà dám nhận lời với cả hai?
Bà ta cười rồi hỏi lại tôi một cách ngây thơ:
- Thì sao? Việc quái gì?
Một sự không ngờ! Trong cái kỹ nghệ lấy Tây này, người ta
không buồn nghĩ đến cách phủ lên những sự thật nhơ bẩn một nước sơn bóng nhoáng
nữa. Người ta không thèm “cứu vớt” lấy cái bề ngoài nữa.
Thật là: Bánh đúc bày sàng.
Thuận thiếp, thiếp bán, thuận chàng, chàng mua.
Bà ta lại nói thêm:
- Những khi nó lại đây để mặc cả thì tôi đã nói nếu không có
ai đem tiền lại cho tôi trước thì tôi mới sẽ lấy nó cơ mà!
Đến đoạn này, cuộc đời của bà Kiểm lâm đã có thể gọi là tốt đẹp
được. Trong khi bà rửa bát đĩa, làm cái chức nội tướng, thì đức lang quân của
bà gọi ba đứa con của hai đời chồng trước của bà đến quấn quýt lấy mình rồi nhắc
đứa bé nhất lên lòng mà hôn một cách thân yêu.
Vậy lúc ấy, bà Kiểm có sung sướng không?
Tôi không hiểu được. Cái mặt thản nhiên ấy đến nỗi tôi thấy
nó cứ trơ như đá, vững như đồng. Nhất là mặt một người đàn bà vào buổi tối tân
hôn, nghĩa là mặt một tân giai nhân mà không thấy biểu lộ một chút cảm tưởng
nào, cứ “gan lì tướng quân” như mặt Từ Hải lúc chết đứng thì trông đáng ghét lạ!
Tôi chợt thấy trong trí nhớ lại hiện ra cái cảnh tượng bà Kiểm
lâm bị anh chồng Đức đánh đập: cái mặt bữa ấy với cái mặt của bà bây giờ cũng
thản nhiên như vậy mà thôi. Phía tây, không có gì lạ!
Tôi đứng lên bắt tay người chồng rồi tôi nói với người vợ:
- Thôi, tôi xin phép bà. Chúc cô dâu chú rể được bách niên
giai lão nhé!
Bà ta vừa nói vừa cười:
- Có thuận hoà được với nhau thì giỏi nhất cũng chỉ được đến
ba năm. Hết ba năm, hết hạn mà anh ta phải đổi đi, thì tôi lại sẽ bước thêm một
bước nữa!
Chú thích:
1. Không phải lỗi ở tôi, có phải không? Phải, tôi đã hứa với cả
hai anh, song người ta đến trước anh thì là chồng tôi rồi đấy. Anh trẻ tuổi
và hay ghen lắm, tôi không thích.
|
Chương 9:
Tư tưởng độc quyền
Ngót bốn hôm lang thang ở đây, những tài liệu thu thập kể
cũng gần đủ, nên tôi muốn quay về Hà thành, để rồi đi Chùa Thông.
Tôi đã được trông thấy hẳn hoi một cuộc “ly dị” chồng với một
buổi cưới chồng của bà Kiểm lâm, đã được rõ cái tâm sự phân vân của Suzanne, đã
được nghe một đoạn đời lấy chín người vợ của Đi-mi-tốp. Tôi đã được mục kích bà
Đội Tứ, người chôn các me, con sư tử mất ngôi, dạy dỗ con em ấy cái “tuých” cho
khỏi bị chạy làng… Tôi chỉ còn ao ước được bà Ách Nhoáng tiếp nữa là đã có thể
lượm lặt đủ những “mẫu hàng" trong cái kỹ nghệ lấy Tây.
Chẳng may lúc bà hàng nước, người đã cho tôi được dịp kết bạn
với Đi-mi-tốp chỉ cho tôi rõ bà Ách Nhoáng thì bà này đương có điều gì bực mình
với chị hàng rau nên mặt bà hầm hầm y như quan Khâm sai Lê Hoan muốn triệt hạ cả
một làng vì tuần đinh làng ấy không cấm được ếch nhái kêu ở dưới ao để đến nỗi
làm khó chịu hai cái lỗ tai quý hóa của ngài vậy. Giữa chợ, không tiện lúc, tôi
chỉ đành thở dài mà quay về làng Cổ Mễ chào bạn rồi lại ra ga. Thôi thì dù sao
cũng ghi được ít nhiều cảm giác về “bà hoàng hậu mất ngôi ấy”, xưa kia đã hét
ra lửa ở Việt Trì thì nay, theo luật thừa trừ, chỉ còn là một người đàn bà
nghèo kiết, mới bõ những thời oanh liệt thuở xưa…
Ấy thế mà…
Có lẽ được “quỷ thần phù hộ” chăng, nên khi đã ra tới trước cửa
rạp chớp bóng A-lăm-ba, đương phân vân không rõ còn chuyến xe ca nào đi Hà Nội
không thì tôi gặp Hiếc-Tôn, nghĩa là Thuỷ Tinh, người lính lê dương mà độc giả
hẳn chưa quên một đoạn đời tình… thảm đạm. Anh ta hớn hở vặn sái tay tôi rồi
khoe đã… dạm hỏi một nơi khác thú vị hơn nữa, vì rằng “vị hôn thê” của anh ta
là một người đầm lai, đẹp hơn cái bà Kiểm lâm rất đáng ghét kia nhiều.
Hiếc-Tôn lại nói: Nếu tôi muốn xem mặt thì cứ việc đi theo
anh ta.
Cố nhiên, tôi chẳng chối từ.
Thế là nhờ có “quỷ thần phù hộ” cho mà tôi đã phải trông thấy
một cảnh ghê gớm vô cùng, một cảnh tượng khiến cho tôi phải rùng mình hồi hộp
lo như đương sống vào một thời đại nghìn xưa, thời đại mà mạng người ta cũng
như mạng một con giun, mà một ông quan cũng tàn bạo như ông vua Ngoạ Triều!
Cảnh tượng ấy, đến bây giờ ngồi trước đèn, chỉ có việc thuật
lại, mà tôi vẫn thấy sự bất bình làm sôi nổi máu trong tim.
Khi đến nhà “vị hôn thê” của Hiếc-Tôn thì trời đã tối hẳn, mà
cách dăm bước nữa mới tới cái cánh cửa thì chúng tôi đã thấy hình như trong nhà
có tiếng khóc lóc rền rĩ. Tiếng khóc lóc lại chẳng phải tiếng của trẻ con nên
chúng tôi ngạc nhiên quá chừng. Chen lẫn vào tiếng khóc có tiếng vun vút của một
cái roi mây.
Hiếc-Tôn cùng tôi kiễng chân rón rén đến để mũi sát vào khe cửa…
Trên chiếc giường Tây mà lại giải chiếu ngũ sắc, có cái… có cái thân thể đẹp đẽ,
trắng nõn và hoàn toàn trần truồng của một người đàn bà nằm sấp mặt vào gối,
đôi gò bồng đảo quằn quại dưới những “giọt thuỳ châu” của một cái phất trần do
chính bà Ách Nhoáng cầm để thỉnh thoảng giơ cao tay vụt xuống một cái cũng khá
tàn ác nhưng mà thong thả, từ tốn như một viên quan già tờ mờ điểm những tiếng
trống chầu xinh.
Thì ra đó là bà Ách Nhoáng giáo huấn cô con gái một của bà!
Vì rằng sau khi thấy cái thân thể ngà ngọc kia quằn quại tới
ba lần rồi thì Hiếc-Tôn giơ chân đạp cửa đánh thình một cái. Anh ta đút hai tay
vào túi quần lừ mắt nhìn vào phía trong…
- Giời ơi! Hỏng rồi! Người ta đến!
Không biết trong cái phút ấy, Hiếc-Tôn đau khổ hay chán đời
ra làm sao ma anh ta cứ mím môi, đăm đăm nhìn vào. Còn về phần trong nhà thì… hết
tiếng vụt, tiếng khóc, mà có tiếng guốc khua rộn lên một lúc.
Hiếc-Tôn hất hàm ra hiệu cho tôi bước vào.
Trước cái ngả mũ chào của tôi, bà Ách chỉ thản nhiên dặn cô
con gái:
- Không biết biến báo ra mà bảo là bà có máu điên, có điều gì
thì đừng có bán sới!
Nói thế xong, bà ta vứt cái phất trần vào một góc nhà và ra một
cái trõng ngồi, chẳng buồn chào hỏi gì tới tôi và Hiếc-Tôn. Chỉ ngồi thừ người
ra mà nghĩ ngợi.
Thế thì ra bà này là một người khôn-điên hay là một người
điên-khôn? Và những cử chỉ ấy khiến riêng tôi phải nghĩ phân vân: hay sự đánh đập
tàn nhẫn kia chẳng qua là một cuộc bày trò. Biết đâu bà Ách chẳng muốn con gái
bà được thương hoặc có một dịp… phô trương những bộ phận kín đáo rất đáng ngắm
trông của cái thân thể ngọc ngà?
Đương mải nghĩ thế thì cô con gái bà Ách từ gian phòng bên cạnh
bước ra. Cái “toà thiên nhiên dày dày sẵn đúc” đã bị những mảnh lượt là phủ
kín. Cặp mắt quầng đen cũng đã ráo hẳn lệ rồi. Khi cô còn ngượng nghịu nhìn
tôi, Hiếc-Tôn đã vội nói:
- Đây, một người tôi mới quen, làm nghề viết báo đấy. Tôi dám
chắc rằng sự nhẫn tâm của mẹ cô vừa rồi thì, chẳng cứ là nhà báo, ai cũng phải
bảo là dã man!
Đoạn, quay lại với tôi:
Nhanh nhẹn, nàng (sao lại không nên gọi là nàng?) kéo ghế cho
tôi và tình quân ngồi và nói:
- Thưa ông, xin ông đừng cười. Nguyên má tôi có máu điên nên
mới đánh đập tôi một cách lạ lùng như thế. Nếu tôi không chịu thì má tôi sẽ đập
phá đồ đạc. Ông bảo tiền đâu sẵn có để cứ sắm rồi chờ lúc nào điên thì lại đập
đi?
Đoạn nàng dùng tiếng Pháp cắt nghĩa cho “vị hôn phu” đại khái
thế, và nói cũng không đến nỗi quá ngập ngừng. Còn chàng?... Lòng trắc ẩn của
chàng đã rung động, chàng cảm thấy đời chàng chỉ có nghĩa lý nếu chàng có thể
là người bạn suốt đời che chở cho tấm thân bồ liễu bị dưới quyền sự điên rồ của
bà mẹ đáng sợ kia. Và Hiếc-Tôn kéo tay người yêu về lòng âu yếm:
- Ôi! Tôi yêu mình và thương mình bao nhiêu!
Sau cùng, Hiếc-Tôn phải cái ngu dại là ôm hẳn người yêu vào
lòng mà cứ công nhiên hôn chùn chụt mãi.
Tôi dám bảo anh ta ngu dại chẳng phải vì không biết giữ lễ độ
trước mặt một khách lạ, nhưng bởi lẽ tôi cũng như Hiếc-Tôn, tôi, tôi đã là khán
giả, khi người yêu anh ta đóng một vai trò khoả thân… Nhất là khi hình ảnh tấu
kịch ấy vẫn chưa nhạt trong óc tôi thì, các độc giả dám bảo sự ân ái, sự vỗ về
kia lại không ngang giá trị với một cái ảnh khiêu dâm à? Nếu, trong một phút,
tôi đã có những tư tưởng bất chính, độc giả chắc cũng thể tất rằng đó chẳng phải
lỗi tự tôi…
Song le đời nào tôi dại gì lại để cho thiên hạ công nhiên
trao tặng nhau ái tình trước mặt tôi, giữa khi tôi, không biết đêm nay, tôi sẽ
ngủ lại đâu, và ngủ với ai, như thế…
Bà Ách Nhoáng đã lủi đi đâu mất rồi, nhưng con gái bà hẳn là
phải biết rõ tại sao mẹ mình thỉnh thoảng lại phát điên.
- Thưa ông, mẹ tôi xấu số lắm. Thuở trẻ khá giả bao nhiêu, về
già lại càng nghèo túng bấy nhiêu. Mẹ tôi điên chính bởi cái nghèo. Mà mẹ tôi,
sở dĩ ác nghiệt với tôi cũng chỉ tại trông thấy một số đông con lai ăn ở không
ra làm sao với mẹ. Họ không ra gì mà đến nỗi tôi bị chết lây!
- Tôi muốn rõ tại sao bà cụ xưa kia hồi còn ở Việt Trì lại có
cái tư tưởng kỳ lạ như giữ độc quyền vậy. Theo lời nhiều người kể lại thì không
một me nào ở nơi khác lên đây mà lại kiếm được chồng.
Nàng sốt sắng cắt nghĩa:
- Chính đó là cái ý kiến hay đấy ông ạ. Không phải mẹ tôi hợm
mình và rởm đời như họ tưởng đâu. Nguyên do về cái nghề lấy Tây (than ôi, lại
cái nghề) này có lắm điều khả bỉ lắm. Có một số đông không có nhân cách gì cả,
không biết giữ danh giá cho người đã xuất thân đi lấy Tây. Thế nào họ cũng lấy,
cho bao nhiêu tiền họ cũng không suy bì cao hạ. Rồi chị nọ dèm pha chị kia. Phỗng
tay trên nhau, phá giá nhau. Thí dụ ở một nơi này, một người đang giữ một cái
giá cao như thế này, bỗng tự nhiên có một người lạ không biết từ đâu đến nhảy
vào giữa mà treo cái bảng đại giảm giá chẳng hạn thì ông bảo có tức không?
Tôi chỉ mỉm cười. Khoái chí nàng nói thêm:
- Ấy thế mà người đời họ tồi lạ! Hiện bây giờ còn có nhiều kẻ
cho mẹ tôi xưa kia ác nên bây giờ nghèo thì mai mỉa cho bõ đấy. Nghĩ thật chán
đời.
Nàng ôi! Nàng đã nói dối tôi nhé! Trong khi phục nàng là có
hiếu với mẹ, tôi chẳng dám quên rằng bà Ách Nhoáng vì muốn “chấn hưng kỹ nghệ”
chỉ có một phần nhưng mà vì muốn “hối lộ” những mười phần kia.
Cách đây 8 năm me nào lên Việt Trì kiếm chồng mà không có
chút chè lá cho bà thì đố ở được. Cả đến những me theo chồng lên đây rồi, không
vào chịu lệnh bà thì cũng đố có đậu được lâu.
Không ai rõ bà Ách đã có những cái “tuých” như thế nào…
Nhưng mà… còn có luật thừa trừ.
Lần ấy, bà Nhoáng gặp me cai Phăng Xoa theo chồng lên.
- Này, là bà cai thôi chứ giá là bà đội, bà ách, hay bà quản
nữa cũng mặc! Lên đến đây là phải biết gái này…
Bà Ách vừa đỏng đảnh xong, me cai Phăng Xoa thưa ngay:
- Em vẫn biết tiếng bà chị lắm đấy chứ. Nghĩa là em mới lên,
chưa thuê xong cửa nhà nên chưa lại lạy chào bà chị được, bà chị cũng đánh chữ
đại xá cho.
Bà Ách cũng hơi hơi hài lòng. Nhưng chỉ hơi hơi thôi, vì me
cai lại tay không, mà hai tay lại chắp sau đít một cách vô lễ. Không thấy cái
“vi thiềng”, bà Ách quát:
- Ừ lại lạy chào thì cứ lại, ai bảo đừng? Nhưng mà cũng biết
cái lẽ thường là thế nào chứ? Cũng phải biết con này là con nào mới được chứ?
Muốn ở hay đi?
- Này! Bà bảo thật: bà chỉ muốn đi thôi!
Tức thì me cai Phăng Xoa xông vào, giơ cao một cái búa đanh
khá lớn…
Ngai vàng, vì nhát búa ấy, đổ sụp.
Mà từ đó bà Ách Nhoáng đã hoá ra bà hoàng hậu mất ngôi.
Tôi chợt nhớ tới một bà to lớn, mặt to như cái nắp tráp, ngồi
bên một cái tráp trầu đầy hoa thơm nức, đã ra lệnh cho các me ở Việt Trì.
Bây giờ tôi chỉ còn thấy một bà, giấu cái cây thịt trong chiếc
áo cánh bông tàng chỉ còn hùng hổ ở những lúc lột trần truồng con ra đánh đòn.
- Anh đã sung sướng chưa?
Hiếc-Tôn ngẩn mặt nhìn tôi hỏi lại:
- Sung sướng nghĩa là thế nào?
- Thương được người khác nghĩa là sung sướng. Nhất là cái
thương ấy lại đẻ ra cái yêu. Khi anh yêu ai mà lại được người ấy yêu lại, thế
là sung sướng chứ gì.
Hiếc-Tôn đứng lên bắt tay tôi rồi nghiêm trang:
- Nếu hạnh phúc là thế thôi thì tôi sung sướng lắm. Tôi lại
xin báo anh biết rằng vị hôn thê tôi bây giờ đã là vợ tôi. Mà đêm nay lại là
đêm giăng mật của chúng tôi nữa.
Tôi sửng sốt hỏi:
- Chóng thế kia à? Sao lại tài thế?
- Vì rằng từ khi thấy nó có một người mẹ ác như thế thì tôi
đem lòng thương nó ngay. Tôi nhất định cưới nó làm vợ.
Tôi đã gần cảm động. Tôi sung sướng hộ người đàn bà khốn khổ
có một mảnh hồn u uất và một trái tim đau thương kia, nay đã có bạn tri âm. Tôi
kính phục một người lính mà có một quả tim biết thồn thức trước một cảnh thương
tâm.
Tôi đang mơ màng… Người đàn bà kia không phải vì tiền, mà Hiếc-Tôn
cũng chẳng phải chỉ đã bỏ tiền ra hòng mua nhục dục. Vào trường hợp này, trong
cuộc điều tra này, dễ thường chỉ có một cặp này lấy nhau vì hai chữ yêu thương.
- Vả lại, hôm nay là ngày lĩnh lương của tôi
Đó là một câu nói cuối cùng của Hiếc-Tôn.
Than ôi! Hiếc-Tôn đã “đập vỡ” ảo tưởng của tôi.
Hiếc-Tôn quả thật đã là đồ ngu dại, một nghìn lần ngu dại!
Chương 10:
Kết luận
Thoạt đầu, tôi đã hứa với độc giả là sẽ nói tới những me lấy
cô-lô-nhần 1 và những me lấy chồng xi-vin. Sau khi đi Thị Cầu rồi,
nghĩa là những bài nói về hạng chồng lê-dương cũng đã đủ khiến độc giả hiểu được
nhiều trường hợp có đặc tính trong cái kỹ nghệ lấy Tây rồi, tôi còn phải đi tìm
những me sang trọng hơn nữa…
Lời khuyến khích của các bạn đồng nghiệp khiến tôi rất sung
sướng.
Nhưng không phải thiên phóng sự này được hết thảy mọi người
ưa thích.
Có ba lá thư ở xa gửi về… Ông chủ nhiệm Đỗ Văn đã phải bóp
trán nghĩ trong một phút.
Trong ba lá thư, một lá là của một me Tây vô danh nào, gửi đến
cốt chỉ là để hưởng ứng và hứa mách thêm nhiều chuyện “hay”. Cái đó không đáng
kể.
Lá thứ hai là của một người Pháp. Thư hết sức khuyến khích
cho tác giả mau đi tìm những me Tây có thế lực, nghĩa là vợ những quan cai trị
và Tây buôn, vân vân. Giọng khuyến khích đáng nghi ngờ như một sự xui dại vậy.
Đến lá thứ ba, cũng của một người Pháp, thì toàn là một giọng
ôn tồn khuyên ngăn. Người viết lá thư đó báo trước cho nhà báo những sự kiện
cáo mà nhà báo sẽ trải qua, nếu cứ tiếp đăng thiên phóng sự này… Tôi không được
dẫn chứng cho cái thuyết người Tây phương không kết hợp được về tinh thần với
người Đông phương. Tôi không nên gieo một mối hoài nghi cho người Tây phương.
Tôi lại không được phép phá hoại bao nhiêu vẻ đẹp đẽ của những gia đình Pháp Việt
hiện có ngày nay bằng cách bảo vợ người ta lấy người ta vì một lẽ buôn bán… Người
ta sẽ không cho phép tôi cứ tự do khinh thế ngạo vật (?) hoài.
Cái đó cũng có lẽ…
Song, cái mỉm cười của hai ông quan toà còn kia!
Sợ là hèn, nhưng cũng nhiều khi sợ không là hèn. Vả lại, nói
nhiều mà làm gì? Sự thật bao giờ lại không là sự thật?
Nhưng sức nặng từ trên cao, sẽ rơi xuống, nếu tôi cứ muốn nói
nhiều…
Tháng 12-1934
Chú thích:
1. Cô-lô-nhần nghĩa là đạo binh thuộc địa (de l’Armée
Coloniale) vậy.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét