Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Anna Karenina 18

Anna Karenina 18
Quyển 7
Chương 1
Vợ chồng Levin ở Moskva đã hơn hai tháng. Theo tính toán chính xác nhất của những người am hiểu vấn đề, đáng lẽ Kitty phải đẻ lâu rồi. Thế mà tình hình vẫn như cũ và không có triệu chứng gì chứng tỏ ngày ở cữ đã đến gần hơn so với hai tháng trước. Bác sĩ, bà đỡ, Đôly, phu nhân và nhất là Levin không khỏi hãi hùng khi nghĩ đến chuyện sẽ xảy tới, và bắt đầu cảm thấy nóng ruột, lo ngại. Riêng có Kitty là vẫn hoàn toàn bình tĩnh và sung sướng.
Nàng thấy nảy nở trong lòng một niềm yêu thương mới đối với đứa con trong tương lai, giờ đây phần nào đã thành hiện thực đối với nàng, và nàng triền miên trong tình cảm ấy với một niềm vui trầm mặc. Đứa bé không còn chỉ là một phần của bản thân nàng; đôi khi, nó còn bộc lộ một sự sống độc lập. Nàng thấy đau nhưng đồng thời lại muốn cười lên vì niềm vui mới mẻ và kỳ lạ ấy.
Có tất cả những người thân yêu bên cạnh, ai ai cũng hết sức chăm sóc nàng, và trước mắt chỉ thấy toàn triển vọng tốt đẹp, Kitty hẳn không ao ước cuộc đời nào tốt đẹp hơn, thú vị hơn nếu nàng không biết và không linh cảm thấy sự tình ấy sắp sửa kết thúc. Duy chỉ có một điều làm giảm phần thú vị của cuộc sống đó: chồng nàng không còn giống như người nàng đã yêu, cũng không giống như hồi chàng ở nông thôn.
Nàng vốn yêu tính trầm tĩnh, hoà nhã và lòng mến khách của chồng. Sống ở thành phố, lúc nào chàng cũng ngay ngáy giữ miếng, như sợ ai xúc phạm đến mình, nhất là xúc phạm đến Kitty. Ở trại ấp, rõ ràng chàng biết mình sống đúng nơi đúng chỗ nên không bao giờ vội vàng, và lúc nào cũng bận rộn. Ở đây, bao giờ chàng cũng hối hả như để khỏi lỡ một việc gì, trong khi không có việc gì phải làm. Và nàng thấy thương chồng. Nàng biết những người khác không hề gây cái cảm giác thương hại ấy; trái lại, mỗi khi Kitty quan sát chồng ở ngoài xã hội, như thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn người mình yêu với dụng ý cố xem như đó là kẻ xa lạ để xác định ấn tượng anh ta gây ra đối với mọi người, nàng không khỏi ghen tị nhận thấy là không những chàng không có vẻ gì đáng thương hại mà còn đầy sức quyến rũ với lối lễ phép hơi lỗi thời, với thái độ dè dặt trước phụ nữ, với vóc người tráng kiện và bộ mặt đặc biệt ý vị theo con mắt nàng. Nhưng nàng nhìn thấu nội tâm chàng chứ không phải chỉ vẻ bề ngoài; nàng thấy Levin ở đây không phải là Levin thật và nàng không thể tự giải thích tâm trạng chồng bằng cách nào khác. Đôi khi, nàng thầm trách chàng không biết cách sống ngoài thành phố; cũng có lúc, nàng phải thừa nhận chàng khó mà có thể tự thu xếp lấy lối sống thỏa đáng ở đây.
Và thật vậy, liệu chàng có thể làm gì được? Chàng không thích đánh bài. Không đi chơi câu lạc bộ, giao thiệp với những người vui vẻ trẻ trung kiểu Oblonxki, bây giờ nàng đã hiểu thế nghĩa là gì… nghĩa là uống rượu, và uống rượu xong thì đi tiểu nghĩa là có trời mới biết được. Nàng không khỏi lo sợ nghĩ đến những nơi loại người đó thường lui tới trong những trường hợp này. Đi vào giới thượng lưu chăng? Nàng biết muốn vậy phải tìm thú vui trong việc dan díu với các thiếu phụ trẻ, mà nàng thì không ưng thế rồi. Ở nhà với nàng, với mẹ và các chị nàng ư? Thế nhưng những buổi hàn huyên đó dù có thú vị đến đâu cũng vẫn là những "Alin Nadin" đơn điệu như lão quận công thường gọi các cuộc trò chuyện giữa mấy chị em, nàng biết chàng sẽ chán ngấy. Liệu chàng còn biết làm gì nữa nào? Viết sách chăng? Chàng đã thử viết và lúc đầu đã tới thư viện để ghi chép và thu thập tài liệu; nhưng, như chàng đã nói với nàng, chàng càng ít việc bao nhiêu lại càng ít thời giờ bấy nhiêu. Hơn nữa, chàng phàn nàn ở đây người ta nói đến cuốn sách của chàng nhiều quá: mọi suy nghĩ của chàng lẫn lộn hết và mất cả thú vị.
Điều có lợi duy nhất trong cuộc sống thị thành là họ không bao giờ cãi nhau. Có phải do hoàn cảnh đổi khác hay về phương diện này, họ đã khôn ngoan và biết điều hơn? Dù sao ở Moskva, họ đã chấm dứt được những cảnh ghen tuông mà họ rất sợ khi bước chân về sống ở thủ đô.
Về mặt này, đã xảy ra một sự kiện rất quan trọng cho cả hai vợ chồng: Kitty gặp Vronxki.
Bà quận chúa già Maria Borixovna, mẹ đỡ đầu Kitty, vốn rất yêu nàng, nhất định muốn gặp nàng bằng được. Kitty đang có mang không đi đâu, hôm đó cùng bố đến thăm bà cụ đáng kính và gặp Vronxki ở đó.
Khi nhận ra cái dáng dấp ngày xưa quen thuộc biết bao, trong bộ thường phục, nàng như tắc thở, máu dồn về tim và cảm thấy mặt mình đỏ dừ: đó là điều duy nhất khiến nàng phải tự trách mình. Điều đó chỉ xảy ra trong mấy giây. Cha nàng vội bắt chuyện sôi nổi với Vronxki và câu chuyện chưa dứt, Kitty đã sẵn sàng giáp mặt, hoặc, nếu cần, có thể chuyện trò với Vronxki như với quận chúa Maria Borixovna và nhất là, dù trong trường hợp ấy, giọng nói, tiếng cười cũng sẽ không chứa đựng điều gì có thể làm phật ý chồng mà nàng vẫn cảm thấy ẩn hiện bên cạnh mình.
Nàng nói với Vronxki vài câu, thậm chí còn thản nhiên mỉm cười khi chàng bông đùa gọi cuộc bầu cử là "Nghị viện của chúng ta" (cần phải mỉm cười để tỏ ra mình hiểu câu đùa). Nhưng rồi nàng quay luôn sang quận chúa Maria Borixovna và không đoái hoài đến chàng lần nào nữa, cho đến khi chàng đứng dậy cáo từ; lúc đó nàng mới đưa mắt về phía chàng, nhưng đó hoàn toàn chỉ là vì nếu không nhìn người chào mình thì thật khiếm nhã.
Nàng thầm biết ơn cha đã không hề đả động gì đến cuộc gặp gỡ này; nhưng, sau đó thấy ông tỏ vẻ âu yếm đặc biệt trong cuộc đi dạo thường lệ của hai cha con, nàng biết ông bằng lòng về nàng. Chính nàng cũng thấy tự bằng lòng với mình. Nàng không ngờ mình có đủ sức để nén xuống dưới đáy lòng mọi kỉ niệm về mối tình xưa với Vronxki, và không những nàng đủ sức làm ra vẻ mà còn thật sự bình tĩnh và dửng dưng hoàn toàn trước mặt chàng.
Chính Levin còn đỏ mặt hơn vợ khi nàng kể lại cuộc gặp gỡ với Vronxki ở nhà quận chúa Maria Borixovna. Nói ra điều ấy với chồng đã là khó, nhưng tiếp tục kể mọi chi tiết lại càng khó hơn vì chàng không hỏi câu nào mà chỉ cau mày nhìn nàng.
- Em rất tiếc anh không có ở đấy, - nàng nói với chồng. Không phải em muốn lúc ấy có anh ở trong phòng đâu… vì em sẽ không tự nhiên được như thế trước mặt anh… Chính giờ đây, em lại xấu hổ hơn lúc đó nhiều, hơn nhiều lắm, - nàng nói và mặt đỏ lên như sắp khóc. - Chỉ tiếc lúc ấy anh không được nhìn thấy em qua lỗ khoá.
Đôi mắt chân thực như nói với Levin rằng nàng tự bằng lòng với mình, và mặc dù nàng đỏ mặt, Levin vẫn yên tâm ngay và bắt đầu hỏi chuyện. Nàng chỉ mong có thế.
Khi đã biết tường tận là nàng chỉ lúng túng đỏ mặt trong vài giây đầu, còn sau đó lại thoải mái như đối với bất cứ ai khác, Levin mới hoàn toàn vui vẻ và cho biết chàng rất hài lòng; chàng hứa từ đây về sau sẽ không xử sự vụng dại như trong dịp bầu cử và ngay lần đầu gặp lại Vronxki sẽ cố gắng thân thiết hết sức mình.
- Thật khổ tâm khi phải coi một người gần như thù địch, giáp mặt nhau là thấy nặng nề, - Levin nói. - Anh rất, rất bằng lòng.
Quyển 7
Chương 2' 
- Thế nào, anh đến nhà Bon đi nhé, - Kitty nói lúc chồng bước vào phòng nàng, - khoảng mười một giờ sáng, trước khi ra phố. Em biết anh sẽ ăn chiều với ba ở câu lạc bộ. Nhưng sáng nay anh làm gì?
- Anh chỉ đến nhà Katavaxov thôi, - Levin đáp.
- Sao đến sớm thế?
- Ông ta hứa giới thiệu anh với Metrov. Anh muốn nói chuyện với ông này về cuốn sách của anh, ông ta là một nhà bác học nổi tiếng ở Petersburg, - Levin nói.
- À, có phải cái ông viết bài báo mà anh rất khen đó không? Sau đó, anh làm gì?- Kitty hỏi.
- Có lẽ anh sẽ tạt qua tòa án nhờ giúp về việc bà chị.
- Anh không đi nghe hòa nhạc à?
- Anh đi một mình làm gì?
- Không, anh nên đi nghe, họ biểu diễn những tác phẩm mới… anh vẫn quan tâm đến những cái đó lắm mà. Thế nào em cũng tới đó.
- Dù sao trước bữa chiều, anh cũng sẽ về với em lần nữa, - chàng vừa nói vừa nhìn đồng hồ treo.
- Anh mặc rơđanhgôt vào, để có thể đến thẳng nhà nữ bá tước Bon được.
- Có nhất thiết phải đến đấy không?
- Cần chứ. Bá tước đã tới thăm chúng mình. Anh đến thăm hộ nào có vất vả gì lắm đâu. Anh đến đó, ngồi chơi, nói chuyện dăm phút, rồi đứng dậy và ra về.
- Được, nhưng em không thể tưởng tượng anh đã mất thói quen làm cái trò ấy đến mức nào đâu: anh sẽ lúng túng mất. Thế nào nhỉ? Mình đến nhà người lạ, ngồi xuống, ở lì đấy chẳng biết vì lí do gì, mình làm phiền mọi người, bản thân mình cũng đâm chán, rồi bỏ đi?
Kitty bật cười.
- Khi chưa có vợ, anh chẳng hay đến chơi bè bạn đó ư? - nàng bảo chồng.
- Phải, nhưng bao giờ anh cũng thấy không thoải mái và giờ đây, anh mất thói quen đó đến nỗi anh thề với em là thà anh nhịn ăn hai ngày còn hơi phải đi thăm như thế này. Ngượng lắm! Anh có cảm giác người ta sẽ phát bực lên mà nói với anh “Anh đến đây làm cái thá gì?”
- Không đâu, họ không bực đâu, em cam đoan với anh thế, Kitty nói, nhìn chồng cười. Nàng nắm tay chồng. - Nào thôi, tạm biệt… Anh tới đó đi nhé.
Chàng hôn tay vợ, định bước ra nhưng nàng giữ lại.
- Koxtia, anh biết không, em chỉ còn năm mươi rúp.
- Không sao, anh sẽ đến ngân hàng lấy tiền. Em cần bao nhiêu? Chàng nói với cái vẻ không bằng lòng rất quen thuộc đối với nàng.
- Không, khoan đã, - nàng giữ lấy cánh tay chồng. - Điều này khiến em lo lắng. Em thấy mình không tiêu pha vô ích mà tiền cứ biến đi đâu hết. Hẳn chúng ta không biết cách thu vén.
- Không phải thế đâu, - chàng nói, vừa húng hắng ho vừa gườm gườm nhìn vợ.
Nàng đã biết cái lối ho húng hắng này. Đó là dấu hiệu bất bình mãnh liệt không phải đối với nàng mà là với bản thân mình. Chàng quả có bất bình, nhưng không phải vì chuyện tiền tiêu vèo đi nhanh quá mà vì cái điều khó chịu đang muốn quên lại bị khơi ra.
- Anh đã bảo Xolokhov bán lúa mạch đi và lĩnh trước tiền cho thuê cối xay. Trong bất kì trường hợp nào, ta cũng không thiếu tiền đâu.
- Tất nhiên rồi, nhưng em sợ tiêu pha nhiều quá..
- Không sao, không sao đâu, - chàng nhắc lại. - Thôi nhé, tạm biệt em yêu dấu của anh.
- Thực quả có những ngày em tiếc đã nghe theo lời mẹ. Giá ta cứ ở nông thôn thì dễ chịu biết bao! ở đây, em làm phiền mọi người và tốn kém quá.
- Không sao mà, kìa em. Từ khi cưới đến giờ, anh chưa lần nào tiếc là sao sự việc không diễn biến khác đi.
- Thật thế chứ anh? - nàng nói và nhìn thẳng vào mặt chồng.
Chàng nói vậy nhưng không nghĩ ngợi gì, chỉ cốt an ủi nàng. Nhưng thấy đôi mắt đẹp chân thật của vợ chằm chằm nhìn mình như dò hỏi, chàng bèn nhắc lại và lần này thì thốt ra tự đáy lòng: "Đúng là mình quên mất chuyện ấy rồi", chàng nghĩ bụng. Và chàng sực nhớ tới điều đang chờ đợi hai người.
- Sắp sửa chưa em? Em thấy trong người thế nào? - chàng thì thầm hỏi, cầm lấy hai tay vợ.
- Em nghĩ đến chuyện này nhiều quá rồi đến nỗi bây giờ em không buồn nghĩ nữa và mặc kệ nó.
- Em có sợ không?
Nàng mỉm cười coi khinh.
- Không sợ chút nào hết, - nàng nói.
- Nếu có gì thì đến tìm anh ở nhà Katavaxov nhé.
- Không sao đâu, anh đừng lo. Em đi chơi phố với ba đây. Em và ba sẽ đến thăm chị Đôly. Em đợi anh trước bữa chiều. Ơ mà này! Anh có biết hoàn cảnh chị Đôly đến bước cùng quẫn rồi không? Chị ấy nợ ngập đến cổ và không có tiền. Hôm qua, chúng em nói chuyện với mẹ và anh Arxeniev (chồng Lvova, chị gái nàng) và quyết định là anh ấy và anh, các anh phải xạc cho anh Xtiva một mẻ. Không thể cứ như thế mãi được. Không cần nói lại chuyện ấy với ba nhé… Nhưng nếu cả hai anh…
- Nhưng bọn anh có thể làm gì được? - Levin nói.
- Anh cứ đến gặp Arxeniev bàn với anh ấy, anh ấy sẽ cho anh biết những điều bọn em đã quyết định.
- Anh tán thành trước ý kiến của Arxeniev. Được rồi, anh sẽ đến gặp anh ấy. Nếu có hoà nhạc, anh sẽ đi với Natalya. Tạm biệt em.
Ông già Kuzma đã hầu hạ Levin từ trước khi chàng lấy vợ, và làm công việc quản gia từ khi đến thành phố, giữ Levin lại ở bậc thềm.
- Họ đã đóng lại móng cho con "Xinh đẹp" (đó là con ngựa càng trái) nhưng nó vẫn đi khập khiễng, - ông ta nói. - Làm thế nào bây giờ ạ?
Levin đã đưa ngựa từ nông thôn ra: chàng muốn có một chuồng ngựa vừa tốt vừa rẻ. Nhưng chàng nghiệm ra rằng nuôi ngựa lại tốn kém hơn thuê và mặc dầu có ngựa, thỉnh thoảng chàng vẫn phải đi xe thuê.
- Lão cho tìm thú y đi. Có lẽ đó là một vết xước ứa máu.
- Còn với Ecaterina Alecxandrovna (1) thì sao ạ? - già Kuzma hỏi.
Khác với thời gian mới về Moskva, Levin giờ đây không còn ngạc nhiên khi thấy muốn đi từ Vozđvijenca đến Xipxev Vrajoc, phải đóng một đôi ngựa khoẻ vào cỗ xe nặng trịch, lặn lội trong tuyết lầy bốn dặm đường, cho xe đậu bốn giờ mà còn phải trả năm rúp. Bây giờ, chàng thấy đó là chuyện dĩ nhiên.
- Lão cho gọi hai ngựa thuê, - chàng nói.
- Vâng ạ.
Thế là sau khi giải quyết dễ dàng cái khó khăn mà nếu ở nông thôn sẽ đòi hỏi phải suy đi tính lại, Levin ra khỏi thềm, gọi xe ngựa và bảo chạy đến phố thánh Nixefor. Dọc đường, chàng đã quên bẵng chuyện thiếu tiền mà chỉ còn nghĩ đến cuộc gặp mặt sắp tới với nhà xã hội học thành Petersburg mà chàng muốn làm quen để nói về cuốn sách của mình.
Thoạt tiên, những món chi tiêu vô ích, kì lạ đối với một người quen sống ở nông thôn, nhưng không tránh được và lúc nào cũng cần thiết, khiến Levin kinh ngạc. Bây giờ thì chàng quen rồi. Về phương diện này, điều đó đối với chàng cũng giống cái điều thường xảy đến với kẻ nghiện rượu, như người ta nói: "Cốc rượu thứ nhất khó nuốt, cốc thứ hai trôi tuột và cốc thứ ba bay vèo như con chim nhỏ".
Khi Levin đổi tờ giấy bạc một trăm rúp đầu tiên để mua bộ đồ cho người hầu phòng và người gác cửa, chàng đã bất giác nghĩ những bộ đồ vô dụng nhưng tối cần thiết này (cứ xem vẻ sửng sốt của phu nhân và Kitty khi chàng hỏi ướm xem có thể phiên phiến đi được không thì đủ thấy), thì ra bằng tiền lương hai người làm công, nghĩa là khoảng ba trăm ngày lao động từ tuần lễ Phục sinh đến ngày ăn mặn cuối cùng, ba trăm ngày làm việc cực nhọc từ sớm tinh mơ đến tận khuya, và chàng xót ruột chi ra tờ giấy bạc một trăm rúp. Tờ giấy bạc tiếp sau dùng để mua thức ăn cho một bữa cơm gia đình trị giá hai mươi tám rúp, cũng nhắc nhở Levin là hai mươi tám rúp, trị giá gần hai trăm đấu lúa mạch, mồ hôi nước mắt của bao người cắt lúa, bó lúa, đạp lúa, xay lúa, sàng sẩy và đóng bao, mà chàng đã cho đi thật dễ dàng. Và giờ đây, những giấy bạc đôi đi không gợi cho chàng những hình ảnh tương tự nữa, nó biến đi như có phép ma. Chàng cũng không còn tự hỏi những thứ mình mua bằng món tiền kia có đem lại thú vui tương xứng với công lao động cần thiết để kiếm ra nó không. Chàng đã quên có những giá trị tối thiểu cho một số loại lúa mì, thấp hơn thì không thể bán được. Lúa mạch, trong bao lâu vẫn giữ giá, nay mỗi trăm lít phải bán rẻ hơn trước trước hăm nhăm kôpêch. Thậm chí, chàng cũng không hề nghĩ là cứ cái lối sống này thì chừng một năm sau là chàng sẽ mắc nợ: cả điều này chàng cũng chẳng coi là quan trọng nữa. Chàng chỉ cần một điều, đó là có tiền gửi ngân hàng, không cần biết tiền đó ở đâu ra, để luôn luôn bảo đảm có thịt cho ngày hôm sau. Và cho đến nay, chàng vẫn có tiền ở ngân hàng. Nhưng giờ chàng không còn tiền nữa và cũng không biết rõ sẽ lấy tiền ở đâu ra. Chính ý nghĩ đó khiến chàng bối rối khi Kitty nói chuyện tiền nong. Nhưng chàng không có thời giờ suy tính kĩ hơn về chuyện này. Chàng chỉ còn nghĩ tới Katavaxov và cuộc gặp gỡ Metrov.
Chú thích:
(1) Tức Kitty.
Quyển 7
Chương 3
Trong thời gian lưu lại Moskva, Levin càng thêm gần gũi một người bạn cũ ở trường Đại học, giáo sư Katavaxov, mà từ độ cưới vợ, chàng chưa gặp lại. Chàng mến Katavaxov vì quan điểm ông ta sáng sủa và giản dị. Levin cho rằng quan điểm của Katavaxov sáng sủa là do bản chất ông ta nghèo nàn; về phía Katavaxov, ông ta nghĩ tư tưởng Levin tiền hậu bất nhất là do chàng thiếu tinh thần kỷ luật; nhưng Levin ưa cái sáng sủa của Katavaxov và sự dồi dào vể tư tưởng vô kỷ luật của Levin lại khiến Katavaxov khoái, cho nên họ thích gặp nhau để tranh luận.
Levin đọc vài đoạn sách của mình cho Katavaxov nghe và ông ta lấy làm thú vị. Vừa hôm trước gặp Levin trong một cuộc nói chuyện trước công chúng, Katavaxov cho biết Metrov trứ danh hiện đang ở Moskva, Levin rất thích bài báo của ông này, và ông ra rất quan tâm đến những điều Katavaxov nói về công việc của Levin. Metrov sẽ đến nhà Katavaxov vào hồi mười một giờ sáng hôm sau và sẽ rất sung sướng được làm quen với Levin.
- Anh bạn thân mến, rõ ràng anh đã tu tỉnh, tôi rất mừng được gặp anh, - Katavaxov nói khi ra đón Levin ở phòng khách nhỏ. - Khi nghe thấy tiếng chuông, tôi đã nghĩ bụng: "Không lẽ anh chàng này lại đúng giờ đến thế!". Này, anh nghĩ thế nào về những người Mongtenegro? Thật là những chiến sĩ hạng nòi!
- Có chuyện gì thế? - Levin hỏi.
Katavaxov tóm tắt cho chàng những tin mới nhất và bước vào phòng làm việc, giới thiệu Levin với một người khoẻ mạnh, thấp bé và bề ngoài rất dễ ưa. Đó là Metrov. Câu chuyện xoay quanh vấn đề chính trị một lúc và quanh dư luận của giới thượng lưu Petersburg về những sự kiện gần đây nhất. Metrov dẫn vài câu trong tuyên bố sắp tới của đức vua và một vị bộ trưởng theo một nguồn tin chắc chắn. Katavaxov lại nghe nói là đức vua bình luận khác hẳn. Levin mường tượng ra một tình thế mà đức vua có thể đọc cả hai bài, và câu chuyện về vấn đề này ngừng lại ở đấy.
- Bạn tôi sắp viết xong một cuốn sách nói về những điều kiện tự nhiên của người thợ trong quan hệ với ruộng đất, - Katavaxov nói. - Đó không phải là chuyên môn của tôi, nhưng với tư cách nhà tự nhiên học, điều tôi rất thích thú, là ông bạn đây không coi loài người là nhân tố xa lạ với những quy luật về động vật học mà ngược lại, anh ấy nhìn nó lệ thuộc vào hoàn cảnh và tìm tòi trong sự lệ thuộc đó những quy luật phát triển của nó.
- Thoạt đầu tôi định viết một cuốn sách về nông học, thế rồi, khi nghiên cứu công cụ chính của kinh tế nông thôn là người thợ thì vô hình chung, tôi lại đi tới những kết quả hoàn toàn bất ngờ, - Levin đỏ mặt nói.
Rồi Levin bèn thận trọng trình bày luận thuyết của mình như kiểu thăm dò trận địa. Chàng biết Metrov đã viết bài báo chống lại nền giáo dục chính thống về chính trị kinh tế học, nhưng chàng không biết có thể trông cậy vào cảm tình của ông ta đến mức nào và không đoán được tình cảm đó trên khuôn mặt trầm tĩnh và thông minh của nhà bác học.
- Theo ông thì người thợ Nga khác với thợ thuyền nước khác ở chỗ nào? Metrov nói: khác về phương diện động vật học, nếu có thể nói như vậy, hay là do những điều kiện sống?
Levin thấy là ngay câu hỏi đó đã toát ra một ý kiến chàng không thừa nhận, nhưng vẫn tiếp tục trình bày luận thuyết: theo chàng, người thợ Nga có những quan hệ với ruộng đất hoàn toàn khác thợ thuyền các nước khác. Và, để cắt nghĩa lời khẳng định đó, Levin vội nói thêm là theo ý kiến chàng, thái độ đó của nhân dân Nga xuất phát từ ý thức về thiên chức của mình: di dân về phía đông tới những vùng đất đai rộng lớn chưa có người ở.
- Thật dễ lầm lẫn khi rút ra những kết luận về vấn đề thiên hướng của một dân tộc, - Metrov ngắt lời Levin. - Hoàn cảnh của người thợ bao giờ cũng tuỳ thuộc vào những quan hệ của họ với ruộng đất và tư bản.
Thế rồi, không để Levin chứng minh nốt, Metrov liền trình bày ý kiến riêng.
Những ý kiến này đúng ra định nói lên điều gì, Levin cũng không hiểu nữa vì thậm chí, chàng không buồn tìm hiểu làm gì: chàng thấy Metrov, cũng như bao người khác, mặc dầu viết bài bác bỏ học thuyết của các nhà kinh tế học, vẫn chỉ nhìn nhận người thợ Nga dưới góc độ tư bản, tiền lương và địa tô. Mặc dầu thừa nhận rằng ở về Đông bộ nước Nga, ở phần đất nước rộng lớn nhất này, chuyện địa tô vẫn còn chưa có gì, rằng đối với chính phần mười cái dân số tám mươi triệu người, tiền lương chỉ hạn chế sao cho tạm đủ sống, rằng tư bản mới chỉ tồn tại dưới hình thức những công cụ lao động thô sơ nhất, ông ta vẫn chỉ đứng trên quan điểm duy nhất ấy để nghiên cứu người thợ, tuy có khác với các nhà kinh tế học về nhiều phương diện, và cũng chủ trương một luận thuyết mới về vấn đề tiền lương mà ông ta trình bày cho Levin nghe.
Levin miễn cưỡng nghe ông nói và lúc đầu đã phản đối. Chàng muốn ngắt lời Metrov để nói cho ông rõ lối nhìn của mình mà theo ý chàng, nó khiến mọi sự trình bày về sau trở nên thừa. Nhưng khi biết chắc ý kiến hai người khác nhau đến nỗi không bao giờ hiểu nổi nhau, chàng thôi không phản đối nữa mà chỉ ngồi nghe. Mặc dầu những lời Metrov nói từ lúc đó trở đi không đem lại chút bổ ích nào, chàng vẫn cảm thấy vui vui khi nghe ông ta. Lòng tự ái của chàng được mơn trớn vì có người uyên bác như thế vui lòng trình bày rất tỉ mỉ ý kiến của mình mà lại cho là chàng hiểu biết vấn đề đó rất sâu (thỉnh thoảng, khi nói về cả một khía cạnh của vấn đề, ông cũng chỉ dùng ẩn ngữ để ám chỉ thôi). Chàng cho như vậy là do mình có tài năng, mà không biết Metrov đã nói cạn hết cả đề tài với mọi người chung quanh rồi, nên rất vui thích vớ được một thính giả mới, gia dĩ ông vẫn sẵn lòng nói với mọi người về vấn đề ông đang bận tâm và cần làm sáng tỏ thêm nhiều mặt.
- Chúng ta đến chậm mất thôi, - Katavaxov kêu lên khi nhìn chiếc đồng hồ treo vừa lúc Metrov trình bày hết. - Hôm nay có cuộc họp của nhóm nghiệp dư nhân dịp mừng Xvintic năm mươi tuổi, Petr Ivanovich và tôi sẽ tới đó. Tôi đã hứa báo cáo về việc nghiên cứu động vật học của ông ta. Mời anh đi với chúng tôi, chắc thú vị đấy.
- Đến giờ rồi thật, - Metrov nói. - Mời ông đi với chúng tôi rồi sau đó đến nhà tôi, nếu ông đồng ý. Tôi rất thích được ông đọc cho nghe tác phẩm. - Ồ, có gì đâu. Đó chẳng qua chỉ là bản phác thảo thôi. Nhưng tôi rất vui lòng đi dự họp.
- Anh biết không, anh bạn thân mến, tôi đã kí vào bản giác thư, - Katavaxov vừa mặc áo ở phòng bên vừa nói.
Và họ liền xoay sang một cuộc tranh cãi xảy ra ở trường Đại học. Cuộc tranh cãi này là một sự kiện rất quan trọng ở Moskva vào mùa đông năm đó. Có ba vị giáo sư già trong hội đồng đã bác bỏ cách nhìn nhận vấn đề của các bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, số người này đã đưa ra một bản giác thư. Bản giác thư này theo một số người thì rất tởm, theo số khác lại là điều dĩ nhiên và đúng đắn nhất, cho nên các giáo sư chia làm hai phe.
Phe đối địch, trong đó có Katavaxov, cho số thủ cựu là bọn tố cáo và xảo quyệt; những người thủ cựu thì coi bọn đối địch là ngược ngạo và bất phục tùng. Levin, tuy xa lại với trường Đại học, đã nghe nói đến việc này nhiều lần từ khi đến Moskva và chàng đã có nhận định riêng: chàng tham gia câu chuyện họ tiếp tục nói ngoài phố khi cả ba cùng đến trường Đại học.
Phiên họp đã bắt đầu. Katavaxov và Metrov ngồi vào một cái bàn phủ khăn dạ, ở đó sáu giáo sư đã an vị. Một trong số các giáo sư đó vừa cúi sát xuống bản ghi chép vừa đọc. Levin ngồi vào một ghế bỏ không và hỏi nhỏ một sinh viên ngồi cạnh xem ông ta đang đọc gì. Anh sinh viên lườm chàng, vẻ không bằng lòng và nói:
- Tiểu sử.
Dù không quan tâm đến tiểu sử nhà bác học, Levin vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và tìm thấy trong cuộc đời nhà khoa học danh tiếng nọ vài đặc điểm thú vị.
Diễn giả nói xong, vị chủ toạ cám ơn, rồi đọc một bài thơ của nhà thơ Măngtơ gửi tới nhân dịp lễ sinh nhật năm mươi năm này và mấy lời cảm ơn tác giả bài thơ. Tiếp đó Katavaxov lớn tiếng the thé đọc một bản lược khảo những công trình khoa học của Xvintic. Khi ông ta đọc xong, Levin nhìn đồng hồ treo thấy đã quá một giờ trưa; chàng nghĩ sẽ không đủ thời giờ đọc tác phẩm cho Metrov nghe trước buổi hòa nhạc, vả chăng chàng cũng không thiết đọc nữa. Trong lúc người ta thuyết trình, chàng cũng nghĩ tới câu chuyện họ vừa trao đổi. Bây giờ chàng thấy rõ ý kiến của Metrov cũng như của chàng đều có cơ sở; những ý kiến này chỉ dẫn đến kết quả, mỗi người nên làm việc riêng rẽ theo con đường mình chọn, chứ đem đối chiếu với nhau thì sẽ không đi đến đâu. Cho nên, sau khi quyết định từ chối lời mời của Metrov, cuối buổi họp, chàng đến ngay chỗ ông ta ngồi. Metrov giới thiệu Levin với vị chủ toạ đang cùng ông bàn chuyện thời sự chính trị. Nhân cơ hội đó, Metrov nhắc lại cho vị chủ toạ nghe những điều đã nói với Levin và Levin lại đưa ra những nhận xét đã nêu lúc sáng, nhưng muốn cho khác đi, chàng lại thêm vào một ý kiến vừa thoáng qua trong đầu. Tiếp đó, câu chuyện lại xoay về cuộc tranh cãi ở trường Đại học. Vì đã nghe tất cả những cái đó rồi, Levin vội nói với Metrov rằng chàng lấy làm tiếc không nhận lời mời của ông ta được, rồi cáo từ và đến nhà Lvov.
Quyển 7 
Chương 4
Lvov là chồng Natalya, chị Kitty, suốt đời sống ở các thủ đô và ở nước ngoài, nơi ông thực hành nghề ngoại giao.
Năm ngoái, ông ta đã bỏ nghề này, không phải do có những chuyện rầy rà (ông không hề gặp chuyện rầy rà với ai bao giờ) mà để chăm lo thật tốt đến việc giáo dục hai đứa con trai nhỏ và ông bèn nhận một trách nhiệm trong triều đình ở Moskva.
Mặc dầu có những thói quen và ý kiến rất khác nhau và Lvov nhiều tuổi hơn Levin, nhưng mùa đông năm ấy, hai người đã kết bạn và rất quý mến nhau.
Biết Lvov có nhà, Levin đi thẳng vào phòng không cho người báo trước.
Mình mặc áo trong nhà, chân đi dép da hoẵng, đeo kính kẹp mũi xanh lơ, Lvov đang ngồi trong ghế bành đọc một cuốn sách trên giá; bàn tay trắng trẻo của ông cầm một điếu xì gà hút dở, thận trọng dang ra cách xa người.
Khi thấy Levin, một nụ cười sáng lên trên bộ mặt đẹp, thanh tú và còn trẻ của ông mà mớ tóc xoăn lốm đốm hoa râm càng làm cho có vẻ quý phái.
- Tốt lắm! Tôi vừa toan cho đi hỏi thăm tin tức chú, Kitty có khoẻ không? Chú ngồi xuống đây, thoải mái hơn… - Ông đứng dậy và đẩy ra một cái ghế đu. - Chú đã đọc thông tri cuối cùng trong tờ Nhật báo thành Xanh Petersburg (1) chưa? Tôi thấy nó hay lắm, - ông nói lơ lớ giọng Pháp.
Levin kể lại những điều Katavaxov nói với chàng về dư luận hiện thời ở Petersburg và sau một lúc nói chuyện chính trị, chàng tả lại cuộc gặp gỡ với Metrov và phiên họp vừa dự. Lvov rất chú ý nghe.
- Tôi thèm được tham dự vào giới khoa học như chú, - ông nói. Và đang lúc hứng nói chuyện, như thường lệ, ông chuyển sang dùng tiếng Pháp vốn thuận tiện hơn đối với ông. - Thật tình tôi không mấy khi rỗi. Công việc và các cháu nhỏ chiếm hết thời gian; với lại, cũng thú thực, vốn học thức của tôi còn kém lắm.
- Tôi không nghĩ thế, - Levin mỉm cười nói, bao giờ chàng cũng cảm động về sự nhũn nhặn đó, không phải vờ vĩnh, cũng không phải thật cố gắng tỏ ra khiêm tốn mà là hoàn toàn chân thành.
- Thực đấy mà! Bây giờ, tôi mới thấy rõ tất cả thiếu sót trong vốn học thức của mình. Muốn dạy các cháu, tôi cần ôn lại cho nhớ và học lại hoàn toàn nữa kia. Vì chỉ có giáo sư không đủ, phải cần cả giám hộ nữa, cũng như công việc khai khẩn của chú cần có quản lí kèm sát thợ. Đây này, cuốn sách tôi đang đọc (ông chỉ cuốn ngữ pháp của Puxlaiev đặt trên giá sách), giáo sư bắt cháu Musa phải học thuộc mà khó lắm nhé… Này, chú thử giảng cho tôi xem. Ở đây nói rằng…
Levin muốn thuyết phục ông rằng đó là những món chỉ cần thuộc lòng không phải tìm hiểu kĩ làm gì. Nhưng Lvov không đồng ý.
- Đấy, chú lại giễu tôi rồi!
- Trái lại, anh không thể ngờ tôi đã lấy anh làm mẫu mực trong tương lai, nhất là về mặt giáo dục con cái.
- Tôi có gì đáng làm mẫu mực đâu, - Lvov nói.
- Tôi chỉ biết chưa bao giờ tôi thấy những đứa trẻ được dạy dỗ tốt hơn các con anh. Tôi mong sao con cái tôi sau này cũng được giáo dục tốt như thế.
Rõ ràng Lvov muốn giấu vẻ sung sướng, nhưng mắt ông đã sáng lên.
- Miễn là chúng khá hơn tôi. Tôi chỉ mong có thế. Chú chưa biết dạy dỗ con trai vất vả như thế nào, nhất là khi chúng bị sao nhãng ở nước ngoài như các cháu nhà tôi.
- Mọi cái đó rồi sẽ bù lại được thôi. Các cháu đều rất có năng khiếu. Điều quan trọng nhất là đức dục. Tôi học được điều ấy khi nhìn các cháu nhà anh.
- Chú nói đến đức dục ư? Không thể tưởng tượng việc đó khó khăn biết chừng nào! Vừa trừa bỏ được một thói xấu, những thói xấu khác đã lộ ra và lại phải đấu tranh tiếp tục. Không dựa vào tôn giáo (chú nhớ chứ, ta đã từng bàn vấn đề này rồi), thì không ông bố nào có thể độc lực dạy dỗ con cái đến đầu đến đũa.
Câu chuyện đang thu hút Levin thì bị ngắt quãng: nàng Natalia Alecxandrovna xinh đẹp bước vào, quần áo chỉnh tề để ra phố.
- Ồ! tôi không biết chú đến chơi, - nàng nói, rõ ràng không hề ân hận mà còn hể hả là đã cắt đứt một câu chuyện nhắc đi nhắc lai nhiều lần đến phát chán.- Kitty có khoẻ không? Hôm nay tôi đến ăn chiều ở đằng nhà đấy. Phải, anh Arxeniev này, - nàng quay sang nói với chồng, - anh đi xe…
Và hai vợ chồng liền bàn xem nên sử dụng thời gian như thế nào. Ông chồng có nhiệm vụ đến yết kiến vị nào đó, bà vợ đi nghe hoà nhạc và dự một cuộc họp công khai của ủy hội những người Xlav phương Nam, nên phải nghĩ kỷ mà quyết định. Levin với tư cách người nhà cũng phải tham gia bàn bạc. Mọi người quyết định Levin sẽ đi nghe hòa nhạc với Natalia và đi dự họp, rồi khi đã tới đó, sẽ cho xe về đón Arxeniev ở phòng giấy; ông này sẽ đến đón vợ để đưa đến nhà Kitty; nếu chưa xong việc, ông sẽ cho xe quay lại và Levin đưa Lvova đi.
- Chú ấy làm hư anh, - Lvov nói với vợ; - chú ấy cho rằng con mình rất ngoan, mà anh thì biết chúng còn bao nhiêu thói xấu.
- Arxeniev có tính cực đoan, tôi vẫn nói thế mà, - bà vợ đáp.
- Nếu anh tìm sự hoàn thiện thì sẽ không bao giờ bằng lòng. Bà rất đúng khi cho rằng thời nay người ta rơi vào một thái cực khác: trước kia người ta nhét con cái vào xó hầm, còn bố mẹ ở trên gác sang trọng còn bây giờ thì ngược lại: bố mẹ nằm ở nhà chứa đồ còn con cái ở tầng trên. Ngày nay, bố mẹ chỉ có quyền sống cho con cái thôi.
- Thế thì can chi, nếu như vậy lại dễ chịu hơn, - Lvov nói, mỉm cười tươi tắn và khẽ chạm vào tay vợ. - Ai không hiểu thì có thể tưởng em là dì ghẻ chứ không phải mẹ đẻ.
- Không, sự cực đoan trong mọi việc đều sai, - Natalia bình tĩnh nói, và đặt con dao rọc giấy của chồng vào chỗ cũ.
- Nào, lại đây, lũ trẻ hoàn hảo, - Lvov nói với hai chú bé xinh xẻo vừa bước vào, chúng chào Levin rồi lại gần bố, chắc định hỏi điều gì.
Levin muốn nói chuyện với chúng, nghe xem chúng nói gì với bố, nhưng Natalia đã hỏi chuyện chàng, và vừa lúc đó, Makhôtin, bạn đồng liêu của Lvov, vận triều phục, bước vào phòng: ông ta phải đưa bạn ra ga. Thế là bắt đầu câu chuyện thao thao bất tuyệt về xứ Herzegovin (2), về quận chúa Kerzinxcaia, về hạ nghị viện và cái chết đột ngột của bà Apraxina.
Levin quên khuấy nhiệm vụ vợ giao cho. Mãi lúc sang phòng đợi, chàng mới chợt nghĩ ra.
- À, Kitty nhờ tôi nói với anh về chuyện Oblonxki, - chàng bảo Lvov khi ông tiễn chàng và vợ ông xuống cầu thang.
- Phải, phải, mẹ muốn hai anh em đồng hao chúng mình công kích anh ấy, - Lvov đỏ mặt nói.
- Nhưng tại sao lại là tôi kia chứ?
- Thế thì để tôi làm cho, - Lvova, quấn tròn trong tấm khăn quàng lông cáo trắng, chờ cho hết câu chuyện mới mỉm cười nói vậy. - Ta đi thôi.
Chú thích:
(1) Journal de Saint - Pétersbourg (tiếng Pháp trong nguyên bản)
(2) Một nước cộng hoà thuộc Liên bang Nam Tư.
Quyển 7 
Chương 5
Hôm ấy, chương trình hòa nhạc ban ngày gồm hai tác phẩm rất đặc sắc.
Một bản là khúc tuỳ hứng dựa theo Vua Lia trong thảo nguyên, còn bản kia là một tứ tấu để tặng hương hồn Bach (1). Đây là hai tác phẩm gần đây soạn theo phong cách mới, và Levin muốn tự mình xác định ý kiến riêng về phong cách đó.
Sau khi đưa chị vợ đến ngồi ở hạng ghế bành, chàng ra đứng tựa lưng vào một cái cột và định bụng nghe hết sức chăm chú và cẩn trọng. Chàng cố không đãng trí hoặc bực mình vì những điệu bộ của người nhạc trưởng thắt cà vạt trắng, những điệu bộ bao giờ cũng khó chịu đối với một cử toạ chăm chú, vì những bà đội mũ đã cẩn thận lấy băng che kín tai trước khi đi nghe hoà nhạc, và vì tất cả những bộ mặt nhởn nhơ hoặc bận tâm về các chuyện đâu đâu chứ không phải bận tâm nghe nhạc. Chàng cố tránh gặp những người mê nhạc theo kiểu tài tử cùng những chàng ba hoa, và cứ đứng nghe, mắt nhìn xuống đất.
Nhưng càng chú ý nghe khúc tuỳ hứng Vua Lia, chàng càng thấy khó có ý kiến rõ rệt. Luôn luôn, nét nhạc, cứ sắp đến lúc phát triển, lại tãi ra tán loạn theo những nguyên tắc mới, hoặc quyện thành những hợp âm vô cùng phức tạp chỉ gắn bó với nhau do ý thích riêng của nhà soạn nhạc. Nhưng ngay cả những đoạn nhạc biểu hiện đó, dù đôi khi có đẹp thật, nhưng nghe vẫn chối tai vì nó hoàn toàn bất ngờ và không có gì chuẩn bị trước. Cái vui, cái buồn, nỗi thất vọng, niềm âu yếm, niềm đắc thắng cứ nối tiếp nhau không có cơ sở, như những cảm giác của một anh điên. Và nó cũng bặt đi bất ngờ như cảm giác của một anh điên vậy.
Suốt thời gian biểu diễn, Levin có cảm tưởng như mình là một anh điếc đứng nhìn người ta nhảy. Bản nhạc chấm dứt, chàng hoàn toàn chưng hửng và cảm thấy mệt mỏi vì đầu óc căng thẳng mà không được đền bù chút gì. Tiếng vỗ tay rộn lên khắp phía. Mọi người đứng dậy, đi, lại và nói chuyện.
Levin bèn đi tìm người có thẩm quyền để làm sáng tỏ nỗi bối rối của mình và sung sướng nhìn thấy một người sành nhạc đang nói chuyện với Petxov.
- Thật kỳ diệu! - Petxov nói, giọng rất trầm.
- Chào anh, Konxtantin Dimitrievich. Đoạn nhạc nhiều hình tượng nhất, có thể nói là khắc hoạ rõ nhất và phong phú màu sắc nhất, chính là cái đoạn trong đó ta cảm thấy Cordelia (2) tiến lại gần, cái đoạn người đàn bà, das ewig Welbliche (3), bước vào cuộc đấu tranh với định mệnh. Anh có thấy thế không?
- Tại sao lại Cordelia? - Levin rụt rè hỏi, quên khuấy là bản nhạc dựng lên hình ảnh vua Lia trong thảo nguyên.
- Cordelia xuất hiện… đây này! - Petxov vừa nói, vừa lấy ngón tay đập vào tờ chương trình nhẵn mịn đang cầm trong tay và đưa cho Levin.
Mãi lúc đó, Levin mới sực nhớ ra tên bản nhạc và vội đọc những câu thơ của Shakespeare dịch sang tiếng Nga in ở mặt sau chương trình.
- Không có cái này thì không theo dõi nổi đâu, - Petxov quay sang nói với Levin vì người vừa tiếp chuyện ông đi rồi, không còn ai khác để bàn bạc nữa.
Levin và Petxov đi vào tranh cãi về những ưu điểm và khuyết điểm của khuynh hướng Vagner (4).
Levin muốn chứng minh cái nhầm của Vagne và các môn đồ là muốn thâm nhập vào một lĩnh vực xa lạ với âm nhạc, cũng như thơ đã lạc đường đi miêu tả từng nét mặt, nó là công việc của hội hoạ. Chàng dẫn chứng một nhà điêu khắc tưởng có thể khắc trên cẩm thạch bóng dáng những hình tượng thơ vươn lên quanh bệ tượng một thi sĩ. "Bóng chẳng ra bóng, thành thử phải dựa vào cầu thang", Levin nói. Chàng khoái câu ấy, nhưng lại không dám chắc là chưa hề nói ra với chính Petxôp, và đâm lúng túng.
Về phần Petxov, ông khẳng định nghệ thuật là một thể thống nhất và chỉ có thể đạt tới đỉnh cao do tập hợp tất cả các thể loại khác nhau.
Levin không thể nghe nổi bản nhạc thứ hai. Petxov đứng cạnh, vẫn không ngừng nói chuyện, ông bình phẩm cái giản đơn chải chuốt và giả tạo của tác phẩm này mà ông đem so sánh với cái giản đơn của phái tiền-Rafael (5) trong hội hoạ.
Khi ra ngoài, Levin còn gặp nhiều người quen, cùng họ bàn về chính trị, âm nhạc và về bạn bè; trong số đó, chàng thấy cả bá tước Bon mà chàng quên khuấy là phải đến thăm.
- Chú tới đó nhanh lên, - Lvova bảo khi chàng tâm sự với bà. - Có lẽ hôm nay họ không tiếp khách đâu. Sau đó, chú đến đón tôi ở cuộc họp. Tôi chờ chú ở đấy.
Chú thích:
(1) Jean Sebastec Bach (1685-1750): nhạc sĩ vĩ đại người Đức.
(2) Nhân vật trong bi kịch Vua Lia của Sêcxpia
(3) Cái nữ tính muôn thuở (tiếng Đức trong nguyên bản
(4) Vagner (1813-1883): nhạc sĩ người Đức.
(5) Một thuyết vào nửa cuối thế kỷ XIX cho rằng thời kỳ cực thịnh của hội hoạ chính là thời kỳ của các họa sĩ tiền bối của Rafael.
Quyển 7  
Chương 6
- Có lẽ không phải ngày tiếp khách thật chăng? - Levin nói khi bước vào phòng chờ nhà nữ bá tước Bôn.
- Có chứ, xin mời ông vào, - người gác cửa nói và quả quyết cởi áo khoác cho chàng.
"Chán quá! Levin thở dài nghĩ bụng, tháo một chiếc găng tay và nắn lại mũ. Tại sao mình lại đến đây nhỉ? Biết nói chuyện gì với họ đây?"
Khi qua phòng khách thứ nhất, Levin gặp nữ bá tước Bon đang sai đầy tớ, vẻ bận rộn và nghiêm khắc. Bà mỉm cười khi thấy Levin và mời sang phòng khách nhỏ bên cạnh, nơi đang có tiếng người vẳng ra. Ở đây có hai cô con gái nữ bá tước đang ngồi ghế bành và một quan chức Moskva vốn là chỗ quen biết với Levin. Chàng lại gần ông ta, chào và ngồi xuống cạnh đi-văng, mũ đặt trên đầu gối.
- Bà nhà ta thế nào? Ông có đi nghe hòa nhạc không? Chúng tôi không đi được. Mẹ tôi vừa phải đi đưa đám ma.
- Vâng, tôi có nghe nói… cái chết đột ngột quá! - Levin nói.
Nữ bá tước trở vào, ngồi xuống đi văng và cũng lại hỏi Levin về vợ chàng và cuộc hòa nhạc.
Levin đáp và nhắc lại câu về cái chết đột ngột của bà Apraxina.
- Với lại, bà ta xưa nay vẫn yếu. - Hôm qua ông có đến nhà hát ca kịch không?
- Có ạ.
- Đào Luicca cừ thật!
- Vâng, - Levin nói, và nhắc lại những điều đã nghe thấy hàng trăm lần về những đặc điểm tài năng của cô đào hát ấy, mặc cho người ta muốn nghĩ thế nào về mình cũng được. Nữ bá tước Bon làm như chú ý nghe. Tiếp đó, khi Levin nói đủ rồi và ngồi im, đến lượt ông đại tá vẫn nín lặng từ nãy lên tiếng. Ông nói về nhà hát ca kịch và cách bố trí ánh sáng kiểu mới. Cuối cùng, sau khi nhắc đến ngày vui nhộn dự định tổ chức ở nhà Tuirin, ông đại tá cười ầm ĩ, đứng dậy và cáo lui.
Levin cũng đứng lên, nhưng nhìn mặt bà bá tước, chàng hiểu chưa phải lúc cáo từ. Cần ở lại thêm vài phút nữa. Chàng lại ngồi xuống.
Nhưng vì chỉ một mực nghĩ là toàn bộ cái trò đi thăm này thật ngu xuẩn, nên chàng không tìm ra chuyện mà nói.
- Ông không đi dự phiên họp của ủy hội à? Nghe nói cuộc họp thú vị lắm đấy, - nữ bá tước nói.
- Không ạ, tôi đã hứa với bà chị vợ sẽ tạt vào đón thôi, - Levin nói. Một phút im lặng. Bà mẹ và mấy cô con gái đưa mắt nhìn nhau.
"Thôi, chắc đến lúc rồi đấy", Levin nghĩ bụng và đứng lên. Các bà bèn bắt tay chàng và nhờ chuyển đến vợ chàng lời thăm hỏi thân ái.
Người gác cửa, khi đưa áo khoác, hỏi chàng địa chỉ và ghi ngay vào một quyển sổ to đóng gáy thật đẹp.
"Tất nhiên mình chẳng cần gì, nhưng dù sao cũng khó chịu, và hết sức lố bịch!", Levin vừa nghĩ, vừa tự an ủi rằng ai nấy đều làm như vậy, và chàng đến chỗ ủy hội họp, tìm bà chị vợ đưa về nhà mình.
Cuộc họp của uỷ hội rất đông và gần đủ mặt giới thượng lưu.
Levin đến vừa kịp nghe một bản tường trình rất bổ ích, theo ý kiến chung của mọi người. Bản tường trình chấm dứt, người ta đi tìm nhau và Levin gặp lại Xvyajxki, ông mời chàng ngay tối đó đến hội nông học dự một cuộc thuyết trình đáng chú ý; chàng cũng gặp Stepan Ackađich vừa ở trường đua về, và nhiều người khác; thế là chàng lại phải vừa phát biểu vừa nghe nhiều nhận xét khác nhau về phiên họp, về nhà hát ca kịch và về một vụ kiện đang xảy ra. Nhưng hẳn vì đã bắt đầu thấm mệt, nên khi nói về vụ kiện, chàng đã phạm một điều sai lầm mà sau đó chàng cứ bực bội nhớ tới luôn. Khi bàn về hình phạt đối với một người nước ngoài bị xử ở Nga mà người ta cho rằng kết án trục xuất cũng chưa đủ, Levin bèn nhắc lại điều hôm trước đã nghe một người bạn nói tới.
- Theo tôi, trục xuất anh ta thì cũng giống như trừng trị một con cá măng bằng cách thả nó xuống nước, - Levin nói. Nhưng sau đó, chàng mới sực nhớ cái ý vừa phát biểu như ý riêng của mình, hôm trước thốt ra từ miệng một người bạn, lại chính là ý lấy ở một bài ngụ ngôn của Krưlôp và anh bạn kia đã mượn nó trong một bài báo.
Levin cùng chị vợ ra về, thấy Kitty vui và khoẻ, chàng lại tới câu lạc bộ.
Quyển 7
Chương 7
Levin đến cùng lúc với những hội viên khác và khách khứa của câu lạc bộ. Suốt từ dạo học xong Đại học ở Moskva và bước vào giới xã giao, chàng chưa trở lại đây. Chàng còn nhớ những chi tiết kiến trúc phía ngoài nhà câu lạc bộ, nhưng quên hẳn cái cảm giác xưa kia mỗi lần bước vào đây.
Sau khi quan sát sân rộng hình bán nguyệt, bước xuống xe ngựa, trèo lên thềm và người gác cửa thắt đai lưng chạy ra đón đã cúi chào, mở cánh cửa êm ru, sau khi nhìn thấy trong hành lang những giày cao su và áo khoác lông của những hội viên ưng bỏ giày cao su ở nhà dưới cho tiện hơn là mang lên tầng trên; sau khi nghe tiếng chuông bí ẩn báo tin chàng đến và trông thấy bức tượng trên sàn gác lúc trèo lên cầu thang dốc thoai thoải phủ thảm và khi ông già gác cửa quen thuộc mặc đồng phục câu lạc bộ đứng trên bậc cửa tầng hai, đủng đỉnh mở cửa và nhìn chàng từ đầu đến chân.
Levin chợt thấy cảm giác xưa kia trở lại: một cảm giác an tĩnh, lạc thú và quyền quý.
- Xin mời ông để mũ lại, - người gác cửa nói khi thấy Levin quên không để mũ lại phòng gửi quần áo như điều lệ quy định. - Đã lâu không được gặp ông. Lão quận công hôm qua có đến ghi tên ông. Hoàng thân Stepan Ackađich chưa thấy tới.
Lão gác cửa không những biết Levin mà còn biết tất cả bè bạn cùng họ hàng nhà chàng, và nhắc ngay đến những người thân cận nhất của chàng.
Đi qua phòng chờ đầu tiên có bình phong trang trí và một căn phòng có vách ngăn bên phải là chỗ người bán hoa quả, Levin theo kịp một ông già đang chậm rãi bước, và vào phòng ăn.
Chàng đi giữa những dãy bàn hầu hết kín người và nhìn các vị khách. Trước mắt chàng là những loại người khác nhau nhất: trẻ có, già có, những bóng dáng hơi quen hoặc thân thuộc. Không thấy bộ mặt nào lo âu hay cau có. Ai nấy đều như đã để lại ngoài phòng gửi quần áo cùng với mũ mãng, những đau buồn, phiền muộn để sẵn sàng bình thản hưởng những thú vui vật chất của cuộc đời. Ở đấy có Xvyajxki, Trerbaxki, Neviedovxki, lão quận công, Vronxki và Xergei Ivanovich.
- Ồ! Con đến muộn thế! - lão quận công mỉm cười nói và chìa tay qua vai cho chàng bắt.- Kitty khoẻ không, ông cụ nói tiếp, gài lại khăn ăn nhét vào khuyết áo gi lê.
- Nhà con khoẻ ạ. Cả ba chị em chiều nay ăn ở nhà.
- À, bọn "Alin-Nađin"! Này, ở đây không còn chỗ nữa. Con đi nhanh ra ngồi bàn đằng kia, - lão quận công nói và quay đi, thận trọng cầm đĩa xúp cá quả.
- Levin, lại đây! - có tiếng gọi thân ái cất lên cách đấy không xa. Đó là Turovxưn. Anh ta ngồi với một sĩ quan trẻ, cạnh hai chỗ dành riêng.
Levin vui vẻ chạy đến. Chàng vẫn mến anh chàng Turovxưn trung thực, thích hội hè đình đám này (cứ nghĩ đến anh ta là chàng liền nhớ ngay đến cuộc phân trần với Kitty) và hôm nay, sau khi phải cố tỏ ra thông minh trong hàng loạt cuộc trò chuyện căng thẳng, diện mạo hiền lành của Turovxưn làm chàng hết sức dễ chịu.
- Đây là chỗ dành cho anh và Oblonxki. Anh ấy sắp tới bây giờ.
Viên sĩ quan, người Petersburg, tên là Gaghin, ngồi rất thẳng và có cặp mắt tươi vui, lúc nào cũng như cười. Turovxưn giới thiệu hai người với nhau.
- Oblonxki bao giờ cũng đến chậm.
- Anh chàng kia rồi!
- Chú vừa mới tới à! - Oblonxki nói, thoăn thoắt bước đến chỗ họ.
- Xin chào. Chú uống vodka chưa? Ta đi uống đi.
Levin đứng dậy và theo ông đến gần một cái bàn lớn chất đầy rượu mạnh và đủ loại thức ăn nguội. Ở đây có tới hai trăm món ăn nguội có thể chọn theo khẩu vị riêng, nhưng Stepan Ackađich đòi một món đặc biệt, và một người hầu bàn mặc đồng phục đem lai ngay món ông gọi. Mỗi người uống cạn một li rượu nhỏ và trở về bàn. Ngay sau món xúp cá, người ta mang sâm banh đến cho Gaghin và ông sai rót đầy bốn cốc.
Levin không từ chối và gọi chai thứ hai. Chàng đói; - chàng vui vẻ ăn uống và lại càng vui vẻ xen vào câu chuyện bình dị và vui tươi của các bạn cùng bàn.
Gaghin hạ hấp giọng kể một giai thoại mới toanh ở Petersburg: mẩu chuyện mặc dầu tục tĩu và ngớ ngẩn nhưng hài hước đến nỗi Levin phá lên cười ầm ĩ khiến những người ngồi quanh phải quay lại nhìn.
- Đại khái vào loại: "Tôi không chịu nổi!". Chú biết chứ? - Stepan Ackađich hỏi chàng.
- Chao! Thật tuyệt diệu! Một chai nữa, - ông nói với người hầu bàn và sôi nổi kể chuyện.
- Của ông Petr Vinovxki mời đấy ạ, - một người hầu già ngắt lời và bưng cho Stepan Ackađich và Levin hai cái cốc mỏng đựng sâm banh lóng lánh. Stepan Ackađich cầm cái cốc và đưa mắt nhìn một người đàn ông tóc hung, hói trán, để ria ngồi đầu bàn đằng kia, rồi mỉm cười gật đầu chào.
- Ai đó? - Levin hỏi.
- Chú đã gặp ông ta một lần ở nhà tôi, chú còn nhớ không? Một con người rất tốt.
Levin cũng bắt chước Stepan Ackađich và cầm cốc rượu.
Mẫu giai thoại của Stepan Ackađich cũng rất ngộ, Levin lại kể một mẩu nữa, cũng làm mọi người rất thú. Tiếp đó, họ xoay ra nói chuyện ngựa, chuyện các cuộc đua diễn ra hôm đó và chuyện con Xatanh của Vronxki được giải nhất. Levin thấy quên cả thời gian.
- A! Họ đây rồi! - cuối bữa ăn, Stepan Ackađich nói, ngả người lên lưng ghế tựa và bắt tay Vronxki vừa đi ngang qua cùng một đại tá cận vệ to lớn. Nét mặt Vronxki cũng roi rói cái vẻ vui tươi tràn lan trong câu lạc bộ. Chàng tì tay lên vai Stepan Ackađich, vẻ vui thích nói nhỏ vài câu vào tai ông và bắt tay Levin vẫn với nụ cười hớn hở đó.
- Hân hạnh được gặp ông, - chàng nói.
- Hôm nọ, tôi có tìm ông ở chỗ bầu cử, nhưng có người nói ông đi rồi, - chàng nói với Levin.
- Vâng, tôi đi ngay hôm ấy. Chúng tôi vừa nhắc tới con ngựa của ông. Xin chúc mừng, - Levin nói.
- Đây là một kỷ lục.
- Hình như ông cũng nuôi ngựa.
- Không, đó là cha tôi kia, nhưng tôi cũng có biết chút ít về ngựa.
- Cậu ngồi ăn ở đâu? - Stepan Ackađich hỏi.
- Ở bàn thứ hai, sau hàng cột.
- Người ta chúc mừng anh ấy lu bù, - viên đại tá nói. Giải thứ hai của nhà vua kia mà! Tôi mong sao đánh bạc cũng may mắn như anh ấy đua ngựa. Nhưng tại sao lại để mất thời gian quý báu này nhỉ? Tôi quay lại phòng địa ngục đây. - Và ông ta bỏ đi.
- Yasvin đấy, - Vronxki trả lời Turốpxưn và ngồi xuống một chỗ trống cạnh họ. Chàng uống cốc sâm banh các bạn mời và gọi thêm một chai. Do ảnh hưởng của không khí câu lạc bộ hay có lẽ do uống rượu, Levin sôi nổi bắt chuyện với Vronxki về những giống bò tốt nhất và lấy làm sung sướng vì không hề cảm thấy hằn học chút nào với con người này. Chàng còn kể là đã được vợ thuật lại cuộc gặp gỡ ở nhà quận chúa Maria Borixevna.
- A! Quận chúa Maria Borixovna thật là một người đàn bà rất đáng quý! - Stepan Ackađich nói và kể một giai thoại về bà khiến mọi người cười rộ. Đặc biệt Vronxki cười hồn nhiên vui vẻ đến nỗi Levin cảm thấy hoàn toàn có thiện cảm với chàng.
- Các anh xong chưa? - Stepan Ackađich vừa mỉm cười nói vừa đứng dậy. - Ta đi thôi.
Quyển 7  
Chương 8
Ra khỏi bàn ăn, Levin cảm thấy cử động rất thoải mái, chàng cùng Gaghin đi qua mấy phòng lớn để tới phòng chơi bi a. Đến một phòng khách, chàng chạm trán bố vợ.
- Thế nào? Anh thấy cái đền thờ sự vô công rồi nghề này ra sao? - Lão quận công nói và khoác tay chàng. - Ta thử đi một vòng xem.
- Chính con cũng định thế. Thật đáng quan tâm.
- Ừ, nhưng ba, ba lại quan tâm theo một cách khác. Con trông những Lão già bé nhỏ kia, - ông vừa nói vừa chỉ một ông cụ lưng còng, môi thưỡn ra, chân đi ủng mềm, đang khó nhọc bước về phía họ.
- Con tưởng họ lú lẫn từ lúc mới đẻ và con bật cười, nhưng ba, ba lại nghĩ một ngày kia ba cũng sẽ như họ thôi. Con có biết hoàng thân Tsêtsenxki không? - lão quận công hỏi, nhìn mặt bố vợ, Levin biết ông sắp kể cho chàng nghe một chuyện tức cười.
- Không ạ.
- Không à? Ông ta nổi tiếng lắm kia mà! Thôi được, không hề gì. Lúc nào ông ta cũng chơi bi a. Cách đây ba năm, ông ta chưa đến nỗi lú lẫn và làm ra vẻ ta đây anh hùng hảo hán. Chính lão thường cho kẻ khác là lẩm cẩm. Nhưng một hôm, lão đến, và người gác cổng nhà ta… con biết chứ, Vaxili ấy mà? Cái gã to béo ấy, một gã chúa hay bông phèng. Hoàng thân Tsêtxenki bèn hỏi gã: "Thế nào, Vaxili, có khách nào đấy? Có ai lẩm bẩm không?" Và gã đáp: "Ông là người thứ ba". Phải, thế đó, con ạ!
Vừa chuyện gẫu vừa chào bè bạn gặp trên đường đi, Levin và lão quận công đi qua tất cả các phòng: phòng khách lớn có bàn đánh bài với những đấu thủ quen thuộc bắt đầu chơi; phòng khách nhỏ là nơi đánh cờ: Xergei Ivanovich có mặt ở đấy, đang mải nói chuyện; phòng chơi bi a, ở một góc, gần đi văng, có một bọn vui vẻ đang uống sâm banh, trong đó có cả Gaghin; hai bố con còn ngó vào cả "phòng địa ngục", các con bạc đang chen lấn nhau quanh một cái bàn, cả Yasvin cũng ngồi đó. Hết sức khẽ khàng, họ bước vào phòng đọc sách mờ tối, thấy dưới những đèn có chụp, là một thanh niên nét mặt đăm chiêu đang dở hết báo này sang tạp chí khác, và một vị tướng đầu hói mải mê đọc sách. Họ tới cả căn phòng mà lão quận công mệnh danh là "khách thính của giới trí thức". Tại đó, ba vị đang sôi nổi thảo luận về những tin tức chính trị cuối cùng.
- Quận công, xin mời lại đây, chúng tôi đang chờ ngài, - một khách chơi bài đang đi tìm lão quận công nói, và lão quận công đi ra.
Levin ngồi xuống, nghe ngóng nhưng nhớ lại những câu chuyện buổi sáng, thốt nhiên cảm thấy ngấy đến mang tai. Chàng vội đứng dậy và chạy đi tìm Oblonxki và Turôpxưn, may ra còn vui.
Turôpxưn đang ngồi trên một cái đi văng cao trong phòng chơi bi a cùng nhóm uống rượu; còn Stepan Ackađich và Vronxki đang nói chuyện ở góc phòng đằng kia gần cửa ra vào.
- Không phải cô ấy buồn đâu, nhưng cái lối mập mờ, do dự ấy… - Levin nghe thấy và muốn lảng đi chỗ khác ngay; nhưng Stepan Ackađich gọi chàng lại.
- Levin này, - Stepan Ackađich nói, và Levin nhận thấy mắt ông long lanhướt - điều thường xảy ra khi ông uống rượu hoặc xúc động. Lần này do cả hai nguyên nhân. - Levin này, chú đừng đi, - ông nói và xiết chặt phía trên khuỷu tay chàng, rõ ràng nhất quyết không để chàng đi.
- Đấy là người bạn chân thành nhất và có lẽ tốt nhất của tôi, - ông nói với Vronxki. - Cả anh nữa, anh cũng rất gần gũi và thân yêu đối với tôi. Tôi mong các anh sẽ là bạn của nhau và nhất định phải như vậy. Vì cả hai anh đều là người trung thực.
- Thế thì ta chỉ còn có việc hôn nhau thôi, - Vronxki nói đùa và chìa tay cho Levin. Chàng sôi nổi bóp mạnh bàn tay chìa ra.
- Tôi rất, rất hài lòng, - chàng nói.
- Bồi, một chai sâm banh đây, Stepan Ackađich nói.
- Cả tôi cũng rất hài lòng, - Vronxki nói.
Nhưng dù đó là mong muốn của Stepan Ackađich và của chung cả hai người, họ vẫn không biết nói gì và cả hai đều cảm thấy rõ điều này.
- Anh có biết là chú ấy chưa quen Anna không? - Stepan Ackađich nói với Vronxki. - Tôi rất muốn đưa Levin đến chơi nhà cô ấy. Đi đi, Levin!
- Thật không? - Vronxki nói. - Nàng sẽ rất vui sướng. Tôi cũng muốn đi ngay bây giờ, - chàng nói tiếp, - nhưng tôi lo cho Yasvin lắm; tôi phải ở lại đến khi cậu ấy chơi xong.
- Cậu ấy xúi à?
- Có bao nhiêu hắn thua bạc sạch, chỉ có tôi giữ được hắn thôi.
- Thế thì, ta làm ván bi a chăng? Levin đồng ý không? Tốt lắm, Stepan Ackađich hỏi. Bày hình tháp đi! - ông nói với người ghi điểm.
- Sẵn sàng từ lâu rồi ạ, - người ghi điểm đã xếp sẵn bi thành hình tam giác và đang lăn hòn cái màu đỏ để tiêu sầu.
- Được lắm, ta chơi thôi.
Sau ván chơi, Vronxki và Levin lại ngồi ở bàn của Gaghin, và Levin, theo lời khuyên của Stepan Ackađich, đặt vào quân xì.
Vronxki thỉnh thoảng lại rời bàn, nơi bè bạn luôn chạy đến tìm, để sang phòng địa ngục giám sát Yasvin, Levin sau cái mệt mỏi về tinh thần khi sáng, giờ thấy đầu óc thanh thản khoan khoái. Chàng sung sướng thấy Vronxki với mình đã hết hiềm khích, một cảm giác an lạc và vui thích tràn ngập trong lòng.
Hết ván bài, Stepan Ackađich bèn khoác tay Levin.
- Thế nào, chú đến thăm Anna chứ? Cô ấy có nhà đấy. Từ lâu tôi đã hẹn với cô ấy sẽ đưa chú lại chơi. Tối nay, chú định đi đâu?
- Tôi không có dự định gì đặc biệt cả. Tôi đã hứa với Xvyajxki tới hội nông học. Nếu anh muốn thì ta đi thôi, - Levin nói.
- Tốt lắm! Anh hỏi xem xe của tôi có ngoài ấy chưa? - Stepan Ackađich bảo người hầu phòng.
Levin trở lại gần bàn, trả bốn mươi rúp vừa thua về quân xì, tính tiền với lão đầu bếp già đang đứng tựa màn cửa mà không hiểu do phép huyền bí nào đã biết ngay tổng số tiền, rồi, với cái dáng vung vẩy tay riêng biệt, đi ngang qua phòng ra cửa.
Quyển 7 
Chương 9
- Xe của hoàng thân Oblonxki đâu! - người gác cổng cất giọng trầm, bực bội kêu lên. Xe ngựa lại gần và đôi bạn trèo lên. Thoạt đầu, khi xe vượt qua cánh cổng lớn, Levin vẫn thấy nguyên vẹn cái ấn tượng bình thản, thỏa mãn và dễ chịu mà ai nấy đều cảm thấy lúc ở trong câu lạc bộ; nhưng ra tới phố, khi chàng thấy xe lắc lư trên mặt đường lồi lõm, nghe tiếng la lối của gã đánh xe đi ngược lại, nhìn thấy dưới ánh sáng đèn lồng mờ mờ cái biển hàng đỏ một tiệm rượu, những cửa hàng, cảm giác kia bỗng tan đi, chàng bèn suy nghĩ về cách cư xử của mình và tự hỏi không biết đến nhà Anna thế này có phải không? Kitty sẽ nói sao? Nhưng Stepan Ackađich không để chàng ngẫm ngợi lâu la và xua tan luôn mối ngờ vực đó như thể đã đọc được hết ý nghĩ của chàng.
- Mình rất hài lòng thấy cậu sắp quen cô ấy, - ông nói. - Cậu có biết Đôly muốn thế từ lâu rồi không? Cả Lvov cũng đến chơi nhà cô ấy. Tuy Anna là em gái mình, - Xtêpam Ackađich nói tiếp, mình vẫn có thể mạnh dạn nói đó là một phụ nữ tuyệt diệu. Rồi cậu sẽ thấy. Hoàn cảnh cô ấy rất khó khăn, nhất là lúc này.
- Tại sao lại nhất là lúc này?
- Bọn mình đang thương lượng với chồng cô ấy về vấn đề li dị. Lão ta đã đồng ý, nhưng lại nảy ra khó khăn về chuyện thằng bé thành thử công việc đáng lẽ xong lâu rồi thì lại kéo dài thêm ba tháng nay. Chừng nào li dị xong, cô ấy sẽ lấy Vronxki. Thật ngu xuẩn, cái lối đi dạo quanh cổ lỗ sĩ theo thủ tục: "Idai, cứ vui chơi đi!" chẳng ai tin và chỉ làm cản trở hạnh phúc người ta! - Stepan Ackađich nói. - Cuối cùng, đến lúc đó, hoàn cảnh của họ sẽ đâu vào đấy cũng như của mình, của cậu.
- Khó khăn do đâu mà ra! - Levin hỏi.
- Chà! Chuyện dài và ngấy lắm! Chả ra đâu vào đâu cả. Nhưng thực tế, cô ấy đã sống để đòi li dị ba tháng nay ở Moskva, nơi mà ai nấy đều biết họ; cô ấy không đi đâu, không gặp người bạn gái nào trừ Đôly, vì cậu cũng hiểu, cô ấy không muốn người ta rủ lòng bác ái mà đến chơi; cả đến mụ Vavara ngu ngốc cũng đánh bài chuồn, cho rằng hoàn cảnh không chính đính. Ở cái thế như vậy, một người đàn bà khác hẳn sẽ không thể tự mình tìm ra phương kế nào. Đằng này, cậu sẽ thấy cô ấy đã biết tổ chức cuộc sống ra sao, cô ấy vẫn bình tĩnh và giữ trọn phẩm cách. Rẽ bên trái, trước mặt nhà thờ, - Stepan Ackađich bỗng thò đầu ra ngoài cửa xe, kêu lớn. - Lạy Chúa, sao mà nóng vậy! ông nói và cởi nốt khuy áo choàng đã phanh ra, mặc dầu thời tiết đang mười hai độ dưới không.
- Nhưng bà ấy có đứa con gái, chắc bà ấy trông nom lấy? - Levin nói.
- Tựa hồ cậu chỉ nhìn đàn bà như một giống cái, như một cái máy ấy vậy, - Stepan Ackađich nói.
- Dường như đàn bà chỉ có việc chăm sóc con cái thôi. Không đâu, Anna nuôi con gái rất giỏi, nhưng không ai nghe nói tới đứa con ấy. Trước hết, cô ấy đang bận viết. Mình thấy cậu mỉm cười mỉa mai, nhưng cậu nhầm. Cô ấy đang viết một cuốn sách cho trẻ em và không hề nói với ai, nhưng cô ấy đã đọc cho mình nghe và mình đã đưa tập bản thảo cho Vorkuiep, anh chàng làm xuất bản ấy, cậu biết chứ… hình như chính anh này cũng là nhà văn thì phải. Hắn ta hiểu biết văn học và nói cuốn sách thật đáng chú ý. Nhưng có lẽ cậu tưởng cô ấy là một… nữ sĩ à? Không đúng chút nào. Trước hết, đó là một thiếu phụ có tâm hồn, rồi cậu sẽ thấy. Cô ấy đã cưu mang một con bé người Anh và gia đình nó.
- Sao, làm phúc à?
- Không đâu, bao giờ cậu cũng nặng nhìn về mặt xấu. Không phải chuyện làm phúc mà là lòng tốt. Họ có, đúng hơn là Vronxki có nuôi một gã dạy ngựa người Anh, rất có tài nhưng nghiện rượu. Hắn uống rượu đến bại hoại cơ thể, delirium tremens(1), bỏ cả gia đình. Cô ấy tới thăm nom giúp đỡ họ, dần dà đâm quen, và bây giờ thì nuôi cả gia đình, nhưng không phải chỉ làm độc một việc là cho tiền: cô ấy còn dạy tiếng Nga cho mấy đứa con trai nhỏ, chuẩn bị cho chúng vào trường trung học và mang con bé con về nhà. Với lại, rồi cậu sẽ gặp con bé.
Xe đi vào sân, và Stepan Ackađich kéo chuông ầm ĩ trước cửa ra vào, tại đó có một chiếc xe trượt đợi sẵn.
Không cần hỏi người đầy tớ ra mở cửa xem có ai ở nhà, Oblonxki bước vào phòng chờ.
Levin theo sau, mỗi lúc một thêm ngờ ngợ việc đi thăm này là bất tiện.
Levin soi vào một tấm gương thấy mặt mình đỏ; nhưng chàng tin chắc mình không say và đi theo Stepan Ackađich lên cầu thang rải thảm. Đến gác hai, Stepan Ackađich hỏi người hầu phòng đến chào ông như người thân trong nhà, xem có ai đến chơi với Anna Arcadievna không; người này trả lời là có ông Vorkuiep.
- Họ ở đây?
- Trong phòng giấy ạ.
Stepan Ackađich và Levin đi qua phòng ăn nhỏ, tường lát ván màu sẫm và bước vào một phòng làm việc rải thảm mềm chỉ có một ngọn đèn che chụp sẫm chiếu sáng. Một tấm kính phản chiếu treo trên tường hắt sáng vào một bức chân dung phụ nữ vẽ toàn thân khiến Levin bất giác chú ý. Đó là chân dung Anan do Mikhailov vẽ hồi ở bên ý.
Trong khi Stepan Ackađich đi vào sau tấm bình phong mắt cáo và tiếng đàn ông đang nói trong góc đó im bặt, Levin ngắm nghía bức chân dung như đang ra khỏi chiếc khung dưới làn ánh sáng rực rỡ, và chàng không sao quay mặt đi được. Chàng quên cả mình đang ở đâu, và chẳng buồn nghe xem xung quanh đang nói gì, cứ dán mắt vào bức hình tuyệt diệu. Đây không phải là tranh, mà là một thiếu phụ đẹp mê hồn đang sống thực, với những búp tóc đen nhánh, với đôi vai và đôi cánh tay trần, với nụ cười tư lự thấp thoáng trên cặp môi điểm hàng lông tơ mịn màng, và cặp mắt vừa dịu dàng vừa đắc thắng đăm đăm nhìn khiến lòng chàng xao xuyến. Chính vì từ trong tranh bước ra nên nhìn nàng còn đẹp hơn là sống thực.
- Tôi rất hân hạnh, - chàng bỗng nghe tiếng ai bên cạnh. Đúng là có người nói với chàng thật và đó là tiếng người thiếu phụ mà chàng đang ngắm chân dung. Anna ra đón chàng và trong khuê phòng tranh tối tranh sáng, Levin nhìn thấy nàng trong bộ áo màu xanh sẫm thêu hoa lá. Tư thế cũng như vẻ mặt thì có khác, nhưng vẫn là cái đẹp tuyệt vời mà họa sĩ đã ghi lại trên tranh: trong thực tế, nàng có phần kém lộng lẫy, nhưng lại có một vẻ quyến rũ mới không thấy trong tranh.
Chú thích:
(1) Chứng động kinh do nghiện rượu
Quyển 7
Chương 10
Nàng ra đón Levin, không giấu nỗi vui mừng được chàng đến thăm. Qua vẻ thư thái của Anna, khi đưa bàn tay nhỏ bé nhưng rắn rỏi cho chàng bắt, khi giới thiệu chàng với Vorkuiep và chỉ một em bé xinh xẻo tóc hung đang ngồi khâu mà nàng gọi là con nuôi, Levin vui thích nhận ra cốt cách một thiếu phụ trong giới thượng lưu, bao giờ cũng bình tĩnh và tự nhiên.
- Tôi rất, rất hân hạnh, - nàng nhắc lại và trên môi nàng, lời nói giản dị đó có một ý nghĩa đặc biệt đối với Levin. - Tôi biết anh từ lâu rồi và rất quý anh, vừa vì anh là bạn thân của Xtiva, vừa vì chị ấy nữa… tôi chỉ quen chị ấy một thời gian ngắn, nhưng chị ấy để để lại cho tôi ấn tượng về một bông hoa tuyệt diệu, một bông hoa, phải dùng chữ ấy mới đúng. Và chị ấy sắp làm mẹ rồi!
Nàng nói không chút lúng túng vội vàng, thỉnh thoảng lại đưa mắt từ Levin sang anh trai. Levin hiểu là mình đã gây ấn tượng tốt và lập tức, cũng thấy thoải mái như đã quen Anna từ lâu.
- Chính vì vậy mà Ivan Petrovich và em mới ngồi ở phòng làm việc của Alecxei, - nàng đáp khi Stepan Ackađich hỏi có hút thuốc lá được không, và sau khi nhìn Levin, đáng lẽ hỏi chàng có hút không thì nàng lại kéo cái hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi về phía mình và lấy một điếu bọc trong lá ngô.
- Hôm nay cô có khoẻ không? - ông anh trai nàng hỏi.
- Cũng khá. Nhưng thần kinh vẫn thế.
- Có đúng là tuyệt diệu không? - Stepan Ackađich nhận thấy Levin vẫn nấn ná trước bức chân dung, bèn hỏi vậy.
- Đây là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được thấy từ xưa tới nay.
- Và giống một cách lạ lùng phải không? - Vorkuiep nói.
Levin rời mắt khỏi bức chân dung quay sang nhìn người thật. Mặt Anna ngời lên một ánh sáng đặc biệt khi cảm thấy cái nhìn ấy. Levin đỏ mặt, và để giấu vẻ bối rối, định hỏi lâu nay nàng có gặp Đarya Alecxandrovna không, nhưng ngay lúc đó Anna đã nói:
- Vừa rồi Ivan Petrovich có nhắc đến những bức tranh mới đây của Vatsencov. Anh đã xem chưa?
- Rồi ạ, - Levin đáp.
- Xin lỗi, tôi vừa ngắt lời anh, anh định nói…
Levin bèn hỏi lâu nay nàng có gặp Đôly không.
- Chị ấy vừa đến thăm tôi hôm qua. Chị ấy bất bình lắm: hình như ở trường trung học, ông giáo dạy tiếng la tinh đối xử bất công với Grisa.
- Vâng, tôi đã xem những tranh đó. Tôi không thích lắm, - Levin nói, trở lại câu chuyện vừa bắt đầu.
Lần này, Levin không nói chuyện theo lối học trò chăm chỉ như buổi sáng nữa. Với Anna, mỗi lời mỗi chữ đều có nghĩa. Được nói chuyện với nàng đã thú vị, nhưng nghe nàng nói càng thú vị hơn.
Anna nói năng không những giản dị và thông minh, mà còn xuề xoà, không hề cho ý kiến mình là có giá trị. Trước mặt người tiếp chuyện mình, nàng rất nhún nhường.
Câu chuyện xoay sang những khuynh hướng mới trong nghệ thuật và những minh hoạ mới đây của một hoạ sĩ Pháp trong Kinh Thánh. Vorkuiep chê nghệ sĩ tả chân quá đáng đến thành kệch cỡm. Levin nói người Pháp đã đẩy tínhước lệ trong nghệ thuật đi xa hơn ai hết và chính vì vậy họ cho việc quay về chủ nghĩa tả chân là một ưu điểm đặc biệt. Trong việc thôi không nói dối, họ nhìn thấy chất thơ.
Chưa bao giờ có câu chuyện thông minh nào đem lại cho Levin nhiều hứng thú như vậy. Nét mặt Anna bỗng sáng lên khi chợt cảm thấy thế. Nàng bật cười.
- Tôi cười, - nàng nói, - như ta thường bật cười khi thấy một tấm chân dung giống quá. Điều anh vừa nói miêu tả rất đúng đặc tính của nghệ thuật hiện đại Pháp, cả trong hội hoạ lẫn văn học: Zola, Dode. Nhưng có lẽ thoạt tiên người ta tự xác định những quan niệm dựa trên những hình tượng hư cấu và có tính chất ước lệ; về sau, khi tất cả những kết hợp đã được xây dựng, người ta mới thấy chán những hình tượng bịa đặt và bắt đầu sáng tạo ra những hình tượng tự nhiên hơn, chân thực hơn.
- Hoàn toàn đúng như vậy, - Vorkuiep nói.
- Vậy ra các anh đã tới câu lạc bộ đấy à? - nàng vừa nói, vừa quay sang anh trai.
"Phải, phải, thật là một người đàn bà kì diệu!", Levin nghĩ bụng, mê mải ngắm khuôn mặt đẹp linh hoạt thoắt cái đã thay đổi.
Levin không nghe thấy nàng nói gì vì nàng cúi xuống phía anh trai, nhưng ngạc nhiên về sự thay đổi sắc diện của nàng. Khuôn mặt kiều diễm của nàng một phút trước còn thanh thản, giờ bỗng lộ vẻ tò mò lạ lùng, giận dữ, kiêu kỳ. Nhưng cái đó chỉ thoáng qua một lát. Nàng lim dim mắt như cố nhớ ra việc gì.
- Với lại, ai hoài hơi nghĩ đến việc đó. Con bảo pha trà ngoài phòng khách hộ mẹ , - nàng nói với đứa bé người Anh.
Đứa bé đứng dậy và đi ra.
- Thế nào, cháu nó thi cử ra sao? - Stepan Ackađich hỏi.
- Khá lắm. Đó là một đứa trẻ rất có năng khiếu, tính nết rất dễ thương.
- Rồi cô đến yêu nó hơn con đẻ mất.
- Rõ thật chuyện đàn ông. Trong tình yêu, không có chuyện hơn, kém. Em yêu con gái một cách, lại yêu cháu này cách khác.
- Chính tôi vừa nói với Anna Arcadievna, - Vorkuiep nói, - nếu bà chỉ đem một phần trăm công sức bỏ ra cho con bé người Anh này, để dạy dỗ trẻ em nước Nga, bà sẽ làm được một việc to lớn và hữu ích.
- Biết làm sao được, tôi không có khả năng. Bá tước Alecxei Kirilovich đã khuyến khích tôi rất nhiều (khi nhắc đến cái tên này, nàng nhìn Levin, vẻ rụt rè, dò hỏi, và bất giác chàng đáp lại bằng cái nhìn kính cẩn và đồng tình), anh ấy rất khuyến khích tôi trông nom cái trường ở nông thôn. Tôi có về đấy nhiều lần. Các em ngoan lắm nhưng tôi không thể làm việc đó được. Ông vừa nói nghị lực dựa trên tình yêu. Mà tình yêu là chuyện không thể bắt buộc. Tôi rất mến con bé này. Tự tôi cũng không hiểu tại sao nữa.
Nàng lại nhìn Levin. Cả con mắt lẫn nụ cười đều nói rằng những lời đó là dành riêng cho chàng, rằng nàng trân trọng ý kiến chàng và biết trước hai người sẽ hiểu nhau.
- Tôi hoàn toàn hiểu điều đó, - Levin đáp. Người ta không thể đặt trái tim mình vào một trường học hay một thiết chế tương tự, và tôi nghĩ chính vì vậy mà những tổ chức từ thiện bao giờ cũng đem lại kết quả ít ỏi đến thế. Nàng lặng im rồi mỉm cười.
- Vâng, vâng, - nàng nhấn mạnh. - Không bao giờ tôi làm nổi điều đó. Lòng tôi không đủ rộng rãi để đi yêu cả một trường nữ công đầy những cô bé xấu xí. Tôi không bao giờ làm nổi việc đó. Thế mà có biết bao bà dựa vào đó để kiếm một địa vị xã hội đấy. Ngay cả bây giờ, - nàng nói, vẻ buồn buồn và tin cẩn (bề ngoài là nói với anh trai nhưng rõ ràng chỉ nói với Levin), - ngay cả bây giờ, giữa lúc rất cần có việc để bận bịu đôi chút, em vẫn không làm thế được. - Rồi nàng bỗng cau mày (Levin hiểu nàng tự trách vì đã nói đến bản thân), chuyển sang chuyện khác. - Người ta bình phẩm rằng anh là một công dân xấu, - nàng bảo Levin. - Tôi đã hết sức bênh vực anh.
- Như thế nào kia ạ?
- Còn tuỳ ở cách đả kích… Nhưng anh dùng trà nhé? - nàng đứng dậy và cầm một quyển vở đóng bìa da dê thuộc.
- Đưa cho tôi nào, bà Anna Arcadievna, - Vorkuiep chỉ quyển vở, nói. - Cái này thật đáng đem xuất bản.
- Ồ, không, chưa hoàn chỉnh đâu.
- Anh có nói với anh ấy về cái đó, - Stepan Ackađich chỉ Levin nói với em gái.
- Anh nói làm gì. Những điều em viết cũng giống như những cái lẵng nhỏ và những vật chạm trổ do bọn tù làm mà ngày xưa Liza Mercalova vẫn bán cho em. Chả là bà ta quản lí các nhà tù mà, - nàng nói với Levin. - Những kẻ khốn khổ đó đã hoàn thành những kì công của lòng kiên nhẫn.
Thế là Levin lại khám phá thêm một nét mới ở người thiếu phụ đã lôi cuốn chàng một cách kỳ lạ này. Thông minh, duyên dáng, kiều diễm đã vậy, nàng còn thẳng thắn nữa. Nàng không tìm cách giấu chàng những khó khăn của hoàn cảnh mình. Nói xong, nàng thở dài và mặt bỗng nghiêm hẳn lại, sững ra như tạc. Trông nàng như thế lại càng đẹp, nhưng cái diện mạo này thuộc loại khác hẳn: nó không nằm trong loạt sắc thái rạng rỡ hạnh phúc và mang lại hạnh phúc như họa sĩ đã ghi lại trên bức chân dung.
Levin lại đưa mắt nhìn từ bức tranh sang người mẫu trong khi nàng khoác tay anh trai, kéo ra cửa và chàng bỗng ngạc nhiên thấy lòng mình dạt dào trìu mến và thương xót Anna.
Nàng mời Levin và Vorkuiep vào phòng khách và nán lại sau để nói chuyện với anh trai. "Nàng nói chuyện gì với ông ta? Về vấn đề li dị chăng? Về Vronxki? Về những việc anh ta đã làm ở câu lạc bộ? Về mình?", Levin nghĩ thầm. Câu hỏi làm chàng bối rối đến nỗi chỉ lơ đãng nghe bằng một bên tai những lời Vorkuiep nói về những ưu điểm của cuốn tiểu thuyết Anna viết cho thiếu nhi.
Trong khi uống trà, họ tiếp tục cuộc trò chuyện thú vị và phong phú. Chẳng những không lúc nào cần tìm kiếm đầu đề mà trái lại, ai nấy đều dồi dào ý kiến, sẵn sàng phải kìm lại để nghe người bên cạnh nói. Tất cả những điều nói ra, không riêng gì của Anna mà cả của Vorkuiep và Stepan Ackađich đều mang ý nghĩa đặc biệt nhờ có nữ chủ nhân chăm chú nghe và bình luận thêm: ít ra đó cũng là cảm giác của Levin.
Levin vừa theo dõi chuyện vừa thán phục sắc đẹp, trí thông minh, kiến thức và cả vẻ giản dị, thân mật của Anna. Chàng ngồi nghe, nhưng chỉ nghĩ đến nàng, đến cuộc sống nội tâm của nàng. Ngày xưa chàng vốn từng phê phán nàng rất nghiêm khắc, giờ đây, do một diễn biến lạ lùng của tư tưởng, lại biện hộ cho nàng, đồng thời, còn thương nàng và sợ Vronxki không hoàn toàn hiểu nổi nàng. Khoảng mười một giờ, khi Stepan Ackađich đứng dậy cáo từ (Vorkuiep về trước rồi), Levin có cảm giác như mình chỉ vừa mới tới. Đến lượt chàng đứng lên, đầy luyến tiếc.
- Chào anh, - nàng nắm tay chàng nói với một cái nhìn đầy vẻ quyến rũ.
- Tôi rất vui lòng thấy chúng ta đã bắt đầu thân thiện. Nàng buông tay ra và lim dim mắt.
- Anh nói hộ với chị là tôi vẫn mến chị như xưa và nếu chị không thể tha thứ cho hoàn cảnh của tôi thì mong rằng cứ nên thế mãi. Vì muốn tha thứ thì phải đau khổ như tôi đã đau khổ, và cầu Chúa đừng để chị ấy phải như thế!
- Xin chị cứ yên tâm, tôi sẽ nói lại với nhà tôi… - Levin đỏ mặt nói.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Nhảy và múa Trong đêm liên hoan văn nghệ chuẩn bị tổng kết cho năm cuối cấp hai tôi có tham gia vào một tiết mục, xuất hiện trên sân...