Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Anna Karenina 19

Anna Karenina 19
Quyển 7
Chương 11
"Thật là một phụ nữ kì diệu và quyến rũ lạ lùng và cũng hết sức đáng thương!" - Levin nghĩ bụng khi cùng Stepan Ackađich từ nhà bước ra ngoài trời giá lạnh.
- Thế nào? Mình đã nói với cậu mà, - Stepan Ackađich nói khi thấy Levin đã bị thu phục.
- Đúng thế, thật là một thiếu phụ hiếm có, - Levin đáp, vẻ tư lự. - Không phải chỉ riêng trí tuệ mà cả tâm hồn bà ta đều khác thường. Bà ấy làm tôi thương hại kinh khủng!
- Đội ơn Chúa, giờ thì mọi chuyện sắp ổn cả rồi. Cậu xem đấy, từ nay chớ có phê phán trước, - Stepan Ackađich nói và mở cánh cửa xe. Tạm biệt, chúng mình không đi cùng đường.
Trên đường về, Levin không ngừng nghĩ đến Anna, đến những câu chuyện hết sức giản dị mà họ đã trao đổi. Chàng nhớ lại mọi sắc thái trên khuôn mặt nàng, thử đặt mình vào địa vị nàng và thấy thương nàng sâu sắc.
Về tới nhà, Levin được Kuzma báo cho biết Ecaterina Alecxandrovna (1) vẫn khỏe, các bà chị đã về được một lúc và trao cho hai phong thư. Levin đọc thư ngay ở phòng ngoài để về sau khỏi quên mất. Một thư của quản lí Xocolov cho biết không làm sao bán được lúa mạch, người ta chỉ trả năm rúp rưỡi, thành thử không biết xoay đâu ra tiền nữa. Thư thứ hai là của chị chàng. Bà ta trách chàng vẫn chưa thu xếp được công việc cho bà.
"Không ai trả cao hơn thì đành bán với giá năm rúp rưỡi vậy", Levin giải quyết một cách nhẹ nhàng vấn đề thứ nhất mà giá trước kia chàng hẳn thấy đặc biệt gay go.
"Thật kỳ lạ, ở đây người ta không có phút rảnh nào cả", chàng nghĩ tới lá thư thứ hai và tự nhủ. Chàng thấy mình có lỗi với chị vì chưa làm xong việc bà ta nhờ.
"Hôm nay mình chưa đến toà án được, nhưng thật quả không có thời giờ". Và sau khi đã quả quyết ngày hôm sau nhất định sẽ chạy chọt việc ấy, chàng đến phòng vợ. Vừa đi, chàng vừa ôn lại nhanh trong đầu cái ngày vừa trôi qua. Cả ngày chỉ toàn nói chuyện: những chuyện chàng đã nghe và tham gia. Tất cả đều xoay quanh những vấn đề mà khi sống một mình ở nông thôn, chàng không bao giờ nghĩ tới. Nhưng ở đây, những vấn đề đó đều hấp dẫn. Nói chung, chàng đã xử sự đúng: chỉ còn tự trách mình về cái ý con cá măng, và niềm thương xót trìu mến đối với Anna có lẽ cũng đáng trách.
Levin thấy vợ đang buồn và ngồi không. Bữa ăn của ba chị em rất vui nhưng sau đó, đợi chàng, mọi người đâm chán, hai bà chị đã về và nàng còn lại một mình.
- Thế còn anh, anh làm gì? - nàng hỏi và nhìn vào mắt chồng đang long lanh một ánh khả nghi. Nhưng nàng giấu nỗi ngờ vực để khỏi ngăn chàng kể hết tất cả và nàng nghe chàng kể câu chuyện đi chơi buổi tối với nụ cười tán thưởng.
- Anh rất bằng lòng đã gặp Vronxki. Anh cảm thấy rất thoải mái đối với anh ta. Em ạ, bây giờ anh sẽ cố tránh gặp anh ta, nhưng dù sao cũng đã thanh toán được sự lúng túng ấy trong quan hệ, - chàng nói và chợt nhớ là trong khi cố tránh gặp anh ta, mình lại tức tốc đến chơi nhà Anna, chàng bèn đỏ mặt. - Chúng ta thường nói bình dân hay uống rượu; anh tự hỏi ai uống nhiều hơn, bình dân hay giới thượng lưu chúng ta; trong đám bình dân ít ra họ cũng chỉ rượu chè vào những ngày tết nhất…
Nhưng điều đó không làm Kitty quan tâm lắm. Nàng đã thấy chàng đỏ mặt và muốn biết tại sao như vậy.
- Thế sau đó, anh đi đâu?
- Xtiva cứ khẩn khoản mời anh đến nhà Anna Arcadievna.
Và Levin càng đỏ mặt hơn khi nói câu ấy và nỗi phân vân không biết việc đến thăm Anna như vậy là đúng hay sai, giờ đây vụt sáng tỏ: bây giờ, chàng hiểu đáng lẽ không nên đến.
Nghe đến tên Anna, mắt Kitty bỗng mở to và loé lên một tia chớp, nhưng nàng cố giấu xúc động, khiến chồng mắc lừa.
- À! - nàng nói gọn lỏn.
- Em không nên bực mình. Chính anh Xtiva yêu cầu anh và chị Đôly cũng muốn như vậy.
- Ồ, không sao cả, - nàng nói, nhưng nhìn mặt vợ, chàng biết nàng đang gắng tự chủ, và điều đó không báo hiệu cái gì tốt lành.
- Thật là một phụ nữ đáng mến và tốt và rất, rất đáng thương, - chàng nói tiếp với vợ về Anna, về công việc của nàng và chuyển lời nàng nhờ nói với Kitty.
- Vâng, hẳn thế, chị ấy rất đáng thương, - Kitty nói, khi chồng kể xong. - Ai viết thư cho anh đấy?
Chàng nói cho vợ hay và tin tưởng ở thái độ bình tĩnh của nàng, chàng đi thay quần áo.
Chàng quay vào, vẫn thấy Kitty ngồi trong chiếc ghế bành lúc nãy. Khi chàng đến gần, nàng ngước mắt nhìn và oà khóc.
- Sao? Sao thế? - chàng hỏi, thừa biết đó là chuyện gì rồi.
- Anh đã đi mê cái người đàn bà ghê gớm ấy, cô ta bỏ bùa cho anh rồi. Nhìn mắt anh, em biết. Có, có mà! Như thế rồi sẽ đi tới đâu? Anh uống rượu ở câu lạc bộ, anh uống rượu, anh đánh bạc và sau đó anh đã đi… đi tới nhà ai mới được chứ? Không, ta đi khỏi đây thôi… Ngày mai, em đi đây.
Hồi lâu, Levin không thể làm cho vợ nguôi. Mãi đến khi thú nhận lòng thương hại cộng với hơi men đã làm chàng mất trí, rằng chàng đã bị Anna chài và hứa từ nay về sau sẽ tránh Anna, chàng mới dỗ được vợ. Điều chàng thú nhận thành thực nhất là mình đã hoàn toàn hư hỏng do cứ sống như thế này ở Moskva, tán gẫu, ăn uống rượu chè lu bù. Hai vợ chồng nói chuyện đến tận ba giờ sáng. Và mãi tới ba giờ, họ mới tạm gọi là đã làm lành với nhau để đi ngủ.
Chú thích:
(1) Tên chính của Kitty
Quyển 7  
Chương 12 
Sau khi tiễn khách về, Anna không ngồi nghỉ mà cứ đi đi lại lại khắp phòng. Suốt buổi tối, nàng đã cố hết sức để gợi tình Levin, mặc dầu chỉ làm một cách vô ý thức (ít lâu nay, nàng vẫn xử sự như vậy với mọi chàng trai trẻ). Tuy biết mình đã đạt mục đích vì điều đó rất có thể xảy ra với một người đàn ông trung thực có vợ và chỉ trong vòng một buổi tối thôi, và tuy rất mến Levin (về phương diện nam tính, Levin và Vronxki căn bản khác nhau, nhưng với bản năng phụ nữ, nàng nhìn thấy ở hai người những điểm tương đồng khiến người ta có thể hiểu tại sao Kitty mê cả hai), nhưng khi Levin đi khỏi, nàng liền thôi không nghĩ đến chàng nữa.
Vẫn chỉ có một ý nghĩ duy nhất giày vò nàng không dứt, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. "Nếu mình gây được tác động như vậy với người khác, với anh chàng có vợ và si tình đó, thì tại sao chàng vẫn lạnh lùng với mình nhỉ… Với lại đâu phải chàng lạnh lùng, chàng yêu mình, mình biết thế. Nhưng bây giờ có một cái gì mới đang ngăn cách hai đứa. Tại sao chàng vắng mặt cả buổi tối? Chàng nhờ Xtiva nói hộ là chàng không thể bỏ mặc Yasvin và phải giám sát anh ta đánh bạc. Yasvin là con nít à? Cứ cho là như thế. Chàng không bao giờ nói dối mà. Ở đây, còn có chuyện khác nữa.
Chàng bằng lòng là được dịp này để tỏ cho mình biết chàng còn có nhiều nhiệm vụ khác. Mình biết lắm, mình đồng ý như vậy, cần gì phải tỏ ra như thế với mình. Chàng muốn chứng tỏ với mình rằng tình yêu không được làm trở ngại đến tự do. Nhưng mình cần gì bằng chứng, mình chỉ cần tình yêu. Chàng cần phải hiểu rằng cuộc sống này ở Moskva nặng nề biết bao đối với mình. Có thực ta đang sống không? Ta không sống, ta đang chờ một kết thúc mãi không tới. Mãi chẳng có trả lời gì cả! Xtiva nói là anh ấy không thể đến đằng nhà Alecxei Alecxandrovich. Và ta, ta cũng không thể viết thư thêm lần nữa cho lão ta. Ta không thể làm gì, không thể tiến hành được việc gì, không thay đổi được gì hết: ta tự kiềm chế, ta chỉ đợi, bày trò tiêu khiển: cái gia đình người Anh này, viết sách, đọc sách, tất cả chỉ đánh lừa mình, có khác chi một thứ thuốc mooc phin. Đáng lẽ chàng phải biết thương ta chứ", nàng nghĩ thầm và trào lên những giọt nước mắt thương thân xót phận. Nàng nghe thấy tiếng chuông đột ngột của Vronxki và vội lau nước mắt; không những lau khô nước mắt, nàng còn ra ngồi trước đèn và mở sách ra, làm ra vẻ bình tĩnh. Phải tỏ ra mình không bằng lòng vì chàng không về đúng hẹn, nhưng chỉ thế thôi, chứ không thể để cho chàng thấy mình đau khổ và nhất là đừng thương thân tủi phận. Nàng có thể tự thương hại, nhưng không thể để chàng thương hại mình được. Nàng không muốn gây lộn, nàng hay trách chàng cứ muốn gây lộn nhưng bất giác nàng đang tự đặt mình vào tư thế gây lộn.
- Em không buồn chứ? - chàng lại gần, giọng vui vẻ hoạt bát. Cờ bạc là thói ham mê đáng sợ thật!
- Không đâu, đã từ lâu em quen không buồn nữa. Anh Xtiva và Levin có đến thăm em.
- Ừ, họ muốn đến thăm em. Em có ưa Levin không? - chàng nói và ngồi xuống cạnh nàng.
- Rất ưa. Họ vừa mới đi thôi, không lâu. Yasvin đã làm gì vậy?
- Hắn ta đã được mười bảy ngàn rúp. Anh bảo hắn về thôi. Hắn toan đi nhưng lại lộn lại và thua tiếp.
- Vậy thì, anh ở lại để làm gì? - nàng hỏi và bất thần ngước mắt lên nhìn chàng. Mặt nàng lạnh lùng và hằn học. - Anh nói với Xtiva là anh ở lại để kéo Yasvin đi. Và anh lại bỏ anh ấy ở lại đấy.
Cũng vẻ lạnh lùng quyết tâm nghênh chiến ấy lộ rõ trên khuôn mặt Vronxki.
- Trước hết, anh không nhờ anh ấy nói gì với em hết; sau nữa, anh không bao giờ nói dối ai. Và nhất là… anh ở lại vì anh muốn ở lại, - chàng cau mày nói. - Anna, tại sao, tại sao vậy? - chàng nói sau một phút im lặng, cúi xuống và mở bàn tay ra, hi vọng nàng sẽ đặt tay vào đó.
Nàng sung sướng vì lời kêu gọi ái ân này. Nhưng một sức mạnh kì lạ và hung ác đã ngăn không cho nàng tự buông trôi theo phút bồng bột đầu tiên đó, tựa hồ những điều kiện của cuộc xung đột không cho phép nàng khuất phục.
- Tất nhiên anh ở lại vì anh muốn ở lại. Anh cứ làm tất cả những gì anh muốn. Nhưng sao anh lại nói với em như thế? Tại sao? - nàng nói và càng nổi nóng. - Có ai phủ nhận quyền của anh? Nhưng anh cứ muốn là mình phải kia. ừ, thì anh phải.
Bàn tay Vronxki bèn nắm lại. Chàng quay đi, mặt càng lộ vẻ bướng bỉnh hơn.
- Với anh, đó chỉ là vấn đề cố chấp thôi, - nàng nói và riết róng nhìn chàng. Thốt nhiên, nàng tìm ra tiếng gọi đích danh cái vẻ mặt làm nàng tức tối: cố chấp.
- Với anh, vấn đề chỉ là muốn biết xem anh có thắng em không, còn với em… - Một lần nữa, nàng lại thấy nhói lên nỗi thương thân vô hạn và suýt oà khóc. - Nếu anh biết đối với em cái đó là thế nào! Khi em cảm thấy, như trong phút này, là anh đối xử với em như với kẻ thù, phải, như kẻ thù, nếu anh biết được cái đó nghĩa là thế nào đối với em! Những phút như thế này, em thấy em gần kề một bất hạnh, em sợ lắm, em sợ lắm! Và nàng quay mặt đi giấu những tiếng nức nở.
- Nhưng em nói gì vậy? - chàng nói, hoảng sợ vì vẻ tuyệt vọng đó. Chàng lại cúi xuống lần nữa, cầm lấy tay nàng hôn. - Tại sao vậy? Nào phải anh đã đi tìm những thú vui riêng bên ngoài gia đình? Nào phải anh không lẩn tránh việc gần gũi phụ nữ?
- Chỉ còn thiếu có mỗi nước ấy nữa thôi, - nàng nói.
- Nếu vậy, em hãy nói cho anh biết anh cần làm gì để em yên lòng. Anh sẵn sàng làm mọi việc để em sung sướng, - chàng nói, xúc động vì nỗi tuyệt vọng của nàng. - Anh sẽ chẳng quản ngại gì để tránh cho em cả đến điều buồn phiền nhỏ nhất như trong lúc này. Anna! - chàng nói.
- Không sao, không sao hết! - nàng nói tiếp. - Chính em cũng không hiểu cái gì đã chi phối em: sự cô đơn, thần kinh… Thôi không nói tới cái đó nữa. Thế còn cuộc đua ngựa ra sao? Anh chưa nói cho em nghe, - nàng hỏi và cố giấu vẻ đắc thắng, vì chính nàng đã thắng.
Chàng sai dọn ăn đêm và kể tỉ mỉ cho nàng nghe về cuộc đua: nhưng qua giọng nói và cái nhìn mỗi lúc một lạnh lùng hơn, nàng biết chàng vẫn hậm hực với thắng lợi của nàng, và vẻ cố chấp mà nàng đã đấu tranh, lại thống ngự chàng một lần nữa. Chàng lạnh lùng hơn trước, như thể hối hận vì đã khuất phục. Về phần nàng, khi nhớ lại những lời đã đem lại thắng lợi: "Em đang ở kề bên một bất hạnh khủng khiếp, em sợ lắm", nàng hiểu đó là một vũ khí nguy hiểm và không nên dùng lần thứ hai nữa. Nàng cảm thấy bên cạnh mối tình gắn bó hai người, còn xuất hiện một ý thức đấu tranh ác độc không sao xua được ra khỏi trái tim Vronxki, lẫn trái tim nàng.
Quyển 7  
Chương 13
Không có hoàn cảnh nào không thể làm quen được, nhất là khi thấy tất cả mọi người chung quanh đều làm như vậy. Ba tháng trước đây, Levin hẳn không thể ngờ mình có thể bình tĩnh ngủ sau một ngày như thế này: đeo đẳng một cuộc sống vô nghĩa lý, vô mục đích, tệ hơn nữa, lại vượt quá khả năng tiền tài của mình, sau khi rượu chè be bét (chàng không thể gọi cách nào khác những điều diễn ra ở câu lạc bộ), sau khi biểu lộ một tình thân vô lối với gã đàn ông trước kia Kitty đã mê, sau khi làm một điều còn vô lối hơn nữa là đến chơi nhà một người đàn bà chỉ có thể liệt vào loại đàn bà bỏ đi, mà lại đâm mê mẩn khiến Kitty khổ tâm, chàng không thể ngờ mình có thể nhắm mắt ngon lành trong những điều kiện ấy. Tuy nhiên, phần vì mệt, phần vì qua một đêm mất ngủ và say rượu, chàng vẫn ngủ tít.
Khoảng năm giờ sáng, có tiếng mở cửa làm chàng tỉnh dậy. Chàng giật mình và nhìn chung quanh. Không thấy Kitty nằm cạnh. Nhưng thấy ánh đèn lay động sau vách và nghe thấy bước chân nàng.
- Sao vậy? Có gì thế? - chàng lầm bầm, nửa thức nửa ngủ. Kitty! Có chuyện gì thế!
- Không hề gì, - nàng ló ra nói, tay cầm cây đèn nến. - Em thấy trong người không được dễ chịu lắm, - nàng nói tiếp với một nụ cười đặc biệt dịu dàng và đầy ý nghĩa.
- Bắt đầu rồi à? - chàng hoảng sợ nói. - Phải cho đi tìm thầy thuốc ngay, - và chàng định lập tức mặc quần áo.
- Không, không, - nàng mỉm cười nói và giữ chàng lại. - Có lẽ chưa có gì đâu. Em chỉ thấy hơi khó chịu thôi. Bây giờ thì qua rồi.
Nàng đến giường, tắt nến, nằm thẳng, không cựa quậy. Mặc dầu nghe thấy tiếng vợ thở nặng nhọc và nhất là vẻ đặc biệt căng thẳng và khích động khi nàng nói: "không hề gì" lúc ở buồng tắm ra, khiến chàng nghi hoặc, chàng vẫn thiếp đi ngay vì buồn ngủ quá. Mãi sau, chàng mới nhớ tới cái hơi thở hổn hển kia và đoán ra tất cả những gì xảy đến trong tâm hồn đáng yêu đó khi nàng nằm dài bên cạnh không động đậy, chờ đợi giờ phút trang nghiêm nhất của cuộc đời người đàn bà. Đến bảy giờ, tay vợ chạm vào vai và một tiếng thì thào nhỏ nhẹ làm chàng tỉnh giấc. Hình như nàng phân vân nửa hối tiếc đã đánh thức chồng, nửa muốn nói chuyện với chàng.
- Koxtia, anh đừng sợ, không có gì đâu. Nhưng em thấy hình như… Phải cho đi tìm Elizaveta Petrovna thôi.
Nến lại được thắp lên. Kitty ngồi trong giường, tay cầm chiếc áo sợi nàng vẫn đan thời gian gần đây.
- Em van anh, đừng sợ, không sao hết. Em có sợ gì đâu, - nàng nói khi nhìn thấy bộ mặt hốt hoảng của chồng. Nàng cầm tay Levin áp chặt vào ngực, rồi vào môi mình.
Chàng cuống cuồng hối hả nhảy từ trên giường xuống đất, trân trân nhìn vợ, mặc vội áo ngủ rồi cứ đứng sững như vậy. Đáng lẽ ra khỏi phòng, nhưng chàng không thể rời mắt khỏi vợ. Khuôn mặt mà chàng xiết bao yêu dấu, biết từng sắc thái nhỏ nhất, chưa bao giờ chàng nhìn thấy khuôn mặt đó như vậy. Nhớ lại nỗi buồn tủi đã gây cho nàng giữa lúc bụng mang dạ chửa, chàng thấy thái độ hôm trước của mình sao mà bỉ ổi, ghê tởm! Bộ mặt đỏ dừ của Kitty giữa mớ tóc tơ mềm xổ ra khỏi mũ đêm, ngời lên ánh vui tươi và quả quyết.
Dù Kitty có hồn nhiên và giản dị đến đâu, lúc này mọi tấm màn che bỏ đã đi rồi và bản chất tâm hồn nàng hiện ra trong đôi mắt, Levin vẫn sửng sốt trước những điều đang bộc lộ trước mắt. Vẻ giản dị, trần trụi kia đã phơi bày rõ con người chàng yêu. Nàng mỉm cười nhìn chồng; nhưng thốt nhiên, nàng cau mày và ngẩng đầu lên; nàng lại gần chồng; cầm tay và ôm chặt chàng, bao bọc chàng trong hơi thở nóng bỏng. Nàng đang đau và như than thở với chàng về cơn đau. Thoạt tiên, theo thói quen, chàng cảm thấy như mình có lỗi. Nhưng vẻ âu yếm trong cái nhìn của Kitty nói lên rằng nàng không hề trách móc mà chỉ thêm yêu chàng vì đã làm nàng đau đớn. "Vậy lỗi tại ai, nếu không phải tại mình?", chàng bất giác nghĩ thầm cố khám phá xem ai là kẻ gây ra đau đớn để trừng trị, những chàng trai không tìm ra. Nàng đau đớn, than thở, nhưng đắc thắng: nàng yêu dấu cái cực hình này, chính nó lại làm cho nàng cực kì vui sướng. Chàng thấy một cái gì đẹp đẽ đã đến trong tâm hồn nàng, cụ thể là gì thì chàng không biết. Điều đó vượt quá tầm hiểu biết của chàng.
- Em sẽ báo cho mẹ biết. Còn anh, anh chạy nhanh đi tìm Elizaveta Petrovna…! Koxtia!… Không, hết đau rồi.
Nàng đi giật chuông.
- Bây giờ anh đi đi, Pasa sắp tới rồi. Em thấy trong người dễ chịu rồi.
Và Levin sửng sốt thấy vợ lại cầm lấy áo sợi đan.
Khi chàng đi ra bằng lối cửa này thì chị hầu phòng đi vào bằng lối cửa kia. Chàng đứng lại và nghe thấy Kitty vừa căn dặn tỉ mỉ vừa tự tay giúp chị ta kê lại giường.
Chàng mặc quần áo và trong lúc người nhà thắng ngựa vào xe (giờ này chưa có xe ngựa thuê), chàng vội quay lại phòng ngủ, không rón rén nữa mà chạy như bay: ít ra đó cũng là cảm giác của chàng. Hai cô hầu đang kê dọn lại đồ đạc. Kitty vừa đan vừa đi đi lại lại; nàng vừa bứt rứt đan từng mắt sợi, vừa sai bảo người làm.
- Anh lại đằng thầy thuốc đây. Anh đã cho gọi Elizaveta Petrovna, nhưng anh sẽ đích thân đến tận nơi cho chắc chắn. Em cần gì nữa không? Có phải tìm chị Đôly không?
Nàng nhìn chồng: rõ ràng nàng không nghe thấy chàng nói gì.
- Được, được, anh đi đi, - nàng nói nhanh, lông mày cau lại và làm hiệu cho chồng đi ra.
Chàng đang đi qua phòng khách thì một tiếng rên đau đớn, thoắt bị ghìm lại, chợt bay đến tận tai. Chàng dừng lại và đứng im hồi lâu, không hiểu ra sao.
"Phải, chính nàng rên đấy", chàng nghĩ thầm và hai tay ôm đầu, chạy nhanh xuống cầu thang.
- Lạy Chúa thương lấy chúng con! Hãy tha thứ cho chúng con, cứu giúp chúng con! - chàng nhắc lại những lời bỗng nhiên cứ dồn lên môi. Và không phải chàng chỉ đọc suông ngoài miệng, mặc dầu không tin đạo. Lúc này, chàng biết không riêng gì mối hồ nghi mà cả việc chàng không thể dung hòa lòng tin với lý trí - điều tự chàng biết rất rõ - cũng tuyệt nhiên không ngăn chàng hướng về Thượng đế. Tất cả cái đó giờ đây đã tan thành mây khói. Và chàng còn biết hướng về ai đây, nếu không phải về Người mà chàng cảm thấy đã nắm trong tay cả linh hồn, tình yêu lẫn con người chàng?
Ngựa vẫn chưa thắng xong, nhưng cảm thấy toàn bộ sức lực và sự chú ý căng ra hướng về công việc trước mắt phải làm và không thể phí phạm chờ thêm phút nào nữa, chàng bèn đi bộ và bảo Kuzma đuổi theo mình sau.
Đến góc phố, chàng gặp một chiếc xe trượt nhỏ đang phóng lại. Elizaveta Petrovna ngồi trên xe, mặc áo nịt nhung, đầu bịt khăn. "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!", chàng thầm nói, vui mừng nhận ra khuôn mặt nhỏ mái tóc vàng của bà, lúc này nom trang trọng lạ lùng và thậm chí nghiêm khắc nữa. Không cần bảo xà ích dừng xe, chàng quay ngoắt lại và chạy theo cạnh xe.
- Ông bảo là đã hai tiếng đồng hồ rồi à? Không hơn chứ? - bà ta hỏi.
- Petr Dimitrievich có nhà đấy, nhưng đừng giục ông ta. Và ông hãy đến hiệu bào chế mà mua thuốc phiện.
- Bà có tin mọi sự sẽ tốt lành không? "Lạy Chúa, thương lấy chúng con, cứu giúp chúng con"! - Levin nói và thấy xe trượt của mình đang chạy ra khỏi cửa lớn. Chàng nhảy lên ngồi cạnh Kuzma và bảo lão đánh thẳng đến nhà bác sĩ.
Quyển 7  
Chương 14
Bác sĩ chưa dậy, và gã hầu phòng nói chủ mình đi ngủ muộn, yêu cầu đừng ai gọi, nhưng chắc cũng sắp dậy rồi. Gã đang lau bóng đèn, xem vẻ như hoàn toàn tập trung vào công việc. Việc gã đầy tớ này chăm chút những cái bóng đèn và thờ ơ với sự kiện vừa xảy đến trong gia đình Levin, thoạt tiên làm chàng sửng sốt, nhưng sau một lúc suy nghĩ, chàng hiểu ra là không ai biết hoặc cần biết tới tình cảnh của mình, nên cần hành động bình tĩnh, từ tốn và kiên quyết để chọc thủng bức thành lạnh nhạt này và đạt đến mục đích. "Không vội vàng và cũng không sao nhãng điều gì", chàng tự nhủ; chàng cảm thấy dồn lên trong người sức dự trữ ngày càng lớn của thể lực và tâm trí, sẵn sàng trước tất cả những việc còn phải làm.
Khi được biết bác sĩ chưa dậy, chàng liền quyết định chọn một trong những kế hoạch nảy ra trong đầu, cụ thể như sau: Kuzma sẽ đem ngay thư đến một thầy thuốc khác, còn chàng đến hiệu bào chế mua thuốc phiện và nếu khi quay lại mà bác sĩ vẫn chưa dậy, chàng sẽ hối lộ cho tên hầu phòng hoặc giả, trong trường hợp hắn từ chối, sẽ dùng bạo lực để đánh thức bác sĩ bằng bất kì giá nào.
Ở hiệu bào chế, một người pha chế gầy giơ xương đang đóng thuốc bột vào bao đựng bánh thánh cho một xà ích đang đợi. Hắn cũng dửng dưng như gã hầu phòng mải lau bóng đèn. Hắn không chịu bán thuốc phiện. Levin phải tự kiềm chế, cố bình tĩnh và kiên nhẫn, ra công thuyết phục bằng cách nói tên tuổi thầy thuốc và bà đỡ, và giải thích tại sao chàng cần mua thuốc phiện. Người pha chế bàn bạc bằng tiếng Đức với một người ngồi đằng sau vách ngăn; sau khi được phép bán thuốc, hắn bèn đi tìm hai cái lọ, một cái phễu, chậm rãi lấy lọ lớn đổ đầy thuốc vào lọ con, dán nhãn rồi đóng dấu lên trên, mặc cho Levin giục, và còn định gói lại nữa. Nhưng lần này Levin không đủ kiên nhẫn nữa: chàng quả quyết giật lấy cái lọ trong tay người pha chế, và chạy đi.
Bác sĩ vẫn chưa dậy và gã hầu phòng lúc này đang quét thảm, không chịu lên đánh thức. Levin bèn từ tốn móc ra một tờ giấy bạc mười rúp và vừa chìa cho hắn, vừa nói liền một hơi tách bạch rõ ràng từng tiếng, giải thích rằng Petr Dmitrievich (cái nhân vật gầy yếu đến thế mà giờ đây đối với Levin mới to lớn và quan trọng làm sao) đã hữa sẵn sàng đến nhà chàng vào bất kì giờ nào, cho nên gã có thể đánh thức ông dậy ngay lập tức mà không sợ ông cáu.
Gã hầu phòng nhận lời, lên gác và mời Levin vào phòng đợi.
Levin nghe tiếng ông thầy thuốc ho, đi lại, rửa mặt và nói ở sau cánh cửa ra vào. Chừng ba phút trôi qua, mà Levin tưởng đến hơn một tiếng đồng hồ. Chàng không đợi thêm được nữa.
- Petr Dimitrievich, ông Petr Dimitrievich! - chàng gọi giọng van lơn và mở hé cánh cửa.
- Vì lòng kính Chúa, hãy thứ lỗi cho tôi! Cứ thế mà tiếp tôi luôn cũng được. Trở dạ hơn hai tiếng đồng hồ rồi.
- Xong ngay, xong ngay đây, - có tiếng đáp lại và Levin kinh ngạc thấy bác sĩ vừa nói vừa mỉm cười.
- Tôi chỉ cần gặp một phút thôi.
- Xong ngay đây.
Hai phút nữa lại trôi qua trước khi bác sĩ xỏ xong ủng, và lại thêm hai phút nữa trước khi ông ta mặc được áo nịt và chải đầu.
- Ông Petr Dimitrievich! - Levin lại gọi, giọng thảm thiết, nhưng vừa lúc đó, bác sĩ bước vào, chỉnh tề và chải chuốt. "Bọn này thật không có lương tâm, Levin nghĩ thầm. Còn đi chải đầu khi người ta sắp chết!".
- Chào ông! - bác sĩ nói và bắt tay chàng, vẻ thản nhiên như muốn trêu tức. - Có chuyện gì vậy? Cứ thong thả.
Levin liền kể hết sức tỉ mỉ một loạt chi tiết vô ích về tình hình sức khỏe của vợ, chàng luôn ngừng lại vẻ giục bác sĩ đi ngay với chàng.
- Thôi nào, đừng cuống lên thế. Hình như ông chưa có kinh nghiệm thì phải. Tôi nghĩ sự có mặt của tôi không cần thiết, nhưng đã hứa thì tôi sẽ đến, nếu ông muốn. Không có gì phải vội vàng. Mời ông ngồi, tôi cho pha cà phê hầu ông nhé?
Levin nhìn ông ta, như muốn hỏi có phải ông giễu mình không. Nhưng bác sĩ thậm chí không hề có ý định ấy.
- Tôi biết lắm, - bác sĩ mỉm cười nói. - Chính tôi cũng đã có vợ. Những kẻ làm chồng như chúng ta lúc này thường vác bộ mặt đến là thiểu não. Tôi có bà khách hàng cứ đến lúc sắp đẻ, ông chồng bao giờ cũng trốn vào chuồng ngựa.
- Ông Petr Đimitriêvitr, ông nghĩ thế nào? Liệu ông có tin là sẽ êm đẹp không?
- Mọi điều ông cho biết đều hứa hẹn kết quả tốt đẹp.
- Vậy ông tới ngay nhé? - Levin vừa nói, vừa gườm gườm nhìn tên đầy tớ bưng cà phê vào.
- Trong vòng một giờ nữa.
- Lạy Chúa tôi!
- Thì cũng phải để tôi kịp uống cà phê chứ.
Bác sĩ rót cà phê. Cả hai người im lặng.
- Này ông, bọn Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như bị quất nên thân. Ông đọc bản thông cáo cuối cùng chưa? - bác sĩ hỏi, miệng đầy cà-phê.
- Chao! Tôi không chịu nổi nữa! - Levin nói và bất thình lình đứng dậy.
- Khoảng mười lăm phút nữa ông có tới được không?
- Nửa giờ nữa.
- Lời hứa danh dự đấy chứ?
Về tới nhà, Levin xuống xe cùng một lúc với quận công phu nhân. Cả hai lên phòng ngủ. Phu nhân nước mắt vòng quanh và tay run lẩy bẩy. Thấy Levin, bà cụ ôm lấy chàng khóc.
- Thế nào bà? - bà vừa nói, vừa khoác tay bà đỡ đang bước ra đón hai người, vẻ mặt nửa mừng nửa lo.
- Chiều hướng tốt đấy, - bà nói. - Cụ dỗ cô ấy nằm thẳng ra cho dễ chịu hơn.
Từ phút tỉnh dậy và hiểu rõ sự tình, Levin đã chuẩn bị đón nó không suy nghĩ, cũng không dự đoán gì hết, khép chặt mọi cảm nghĩ, kiên quyết không làm cho vợ hoang mang, không những thế còn giữ vững nghị lực cho nàng và động viên nàng. Thậm chí, Levin còn cấm mình không được hình dung chuyện gì sẽ xảy đến và tình hình sẽ đi tới đâu, chàng tin vào sự đánh giá thông thường để chuẩn bị tinh thần kiên nhẫn và đem hết tâm lực ra chịu đựng trong vòng năm tiếng đồng hồ: chàng thấy đủ sức làm được như thế. Nhưng khi ở nhà bác sĩ về và lại phải chứng kiến những đau đớn của Kitty, chàng cứ luôn miệng: "Lạy Chúa, tha thứ cho chúng con, cứu giúp chúng con", luôn miệng thở dài, chốc chốc lại ngửa mặt lên trời và đâm sợ khéo không chịu đựng nổi cảnh tượng này, đến oà khóc mà chạy trốn mất; chàng đang chịu đựng một cực hình thực sự. Thế mà, mới chỉ có một giờ trôi qua.
Sau cái giờ ấy, lại một giờ khác, rồi hai, rồi ba giờ, năm giờ quy định như thời hạn tối hậu cho lòng kiên nhẫn của chàng trôi qua, vậy mà tình hình vẫn chưa thay đổi: và chàng phải cắn răng chịu đựng, vì không còn cách gì khác là cắn răng chịu đựng, mỗi phút trôi qua, chàng đều cảm thấy không còn sức chịu đựng và trái tim sắp sửa vỡ tung vì thương xót.
Nhưng từng phút rồi từng giờ theo nhau qua, và cảm giác đau đớn, sợ hãi của chàng mỗi lúc một lớn dần.
Tất cả những điều kiện bình thường của cuộc sống, mà người ta không thể hình dung được điều gì bên ngoài phạm vi đó, lúc này không còn tồn tại với Levin. Chàng mất cả ý niệm về thời gian. Có lúc chàng thấy một phút dài bằng một giờ, như lúc Kitty gọi đến đặt bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vào tay chồng rồi riết chặt với một sức mạnh chưa từng thấy, để sau đó lại đẩy ra ngay: cũng có lúc, một giờ chỉ ngắn bằng một phút. Khi bà Elizaveta Petrovna nhờ chàng thắp một ngọn nến đằng sau tấm bình phong, chàng bỗng kinh ngạc nhận thấy lúc đó đã năm giờ chiều. Nếu có ai nói mới mười giờ sáng hẳn chàng cũng sẽ không kém kinh ngạc. Chàng không biết trong thời gian đó, chàng ở đâu và sự thể đã đến đâu. Dưới mắt chàng là khuôn mặt đỏ dừ của Kitty: khi thì nàng như ngạc nhiên thấy mình đau, lúc lại mỉm cười như động viên chàng yên tâm. Chàng nhìn thấy phu nhân nuốt nước mắt và cắn môi, mắt đỏ lên, ứ máu, những búp tóc hoa râm rũ rượi. Chàng cũng thấy cả Đôly, cả ông thầy thuốc đang hút những điếu thuốc lá to tướng, cả bà Elizaveta Petrovna vẻ mặt kiên nghị và vỗ về, cả lão quận công đang cau mày đi đi lại lại trong phòng khách. Nhưng họ ra, vào làm sao, họ đứng đâu thì chàng không rõ. Phu nhân khi đứng ở phòng ngủ với bác sĩ, khi đứng ở phòng giấy đã dọn sẵn bàn ăn; có lúc Đôly lại thế chỗ bà cụ. Về sau, Levin nhớ lại người ta có phái chàng đi làm một việc: kê lại một cái bàn và một cái đi văng. Chàng tận tâm thi hành, tưởng đó là kê cho Kitty và một lúc sau mới vỡ lẽ là chuẩn bị giường cho chính mình. Sau đó, người ta bảo chàng đến phòng giấy hỏi bác sĩ một điều gì đó. Bác sĩ trả lời xong liền huyên thuyên nói sang những sự lộn xộn ở Hạ nghị viện. Rồi người ta lại nhờ chàng đến phòng phu nhân lấy một cái tượng thánh sơn son thiếp vàng; chàng phải nhờ bà cụ hầu phòng của mẹ vợ giúp sức trèo lên nóc tủ đựng ảnh và đánh vỡ một câyđèn ngủ: mụ hầu hết lời an ủi chàng về cả chuyện vợ đẻ lẫn việc đánh vỡ cây đèn ngủ: chàng cầm tượng thánh đi và thận trọng đặt lên đầu giường Kitty, sau chồng gối. Nhưng những việc này xảy ra ở đâu, lúc nào và tại sao thì chàng không biết gì hết. Chàng cũng không hiểu tại sao phu nhân lại cầm lấy tay chàng, động viên nên bình tĩnh và nhìn chàng bằng cặp mắt đầy thương cảm, tại sao Đôly cố kéo chàng ra khỏi phòng, dỗ đi ăn và cuối cùng tại sao ông thầy thuốc lại cứ ngắm chàng một cách vừa nghiêm trang vừa thương hại và đề nghị chàng uống thuốc.
Chàng chỉ biết giờ đây đang diễn ra một cái gì tương tự như điều đã xảy ra một năm về trước, trong cái khách sạn tỉnh lẻ, cạnh giường lâm chung của Nicolai - anh chàng. Có điều là cái vui đã thay cho cái buồn. Nhưng cả hai cái buồn kia lẫn cái vui này đều vượt ra ngoài những điều kiện thông thường của cuộc sống; có thể nói khác nào một lỗ hỏng hé ra trong cuộc đời bình dị để cho ta trông thấy một cái gì cao quý hơn. Điều đang diễn ra thật nặng nề, đau đớn, và chiêm ngưỡng sự kiện siêu đẳng này, tâm hồn ta bay lên những đỉnh cao tuyệt vời mà trước kia lòng ta không ngờ đến, ở đấy lí trí không thể theo kịp được tâm hồn.
"Lạy Chúa, hãy tha thứ và cứu giúp chúng con!", chàng khẽ nhắc mãi không biết mệt, và mặc dầu cảm thấy cả một thời gian cách biệt đằng đẵng và tưởng như dứt khoát với tôn giáo, chàng vẫn kêu gọi Thượng đế với một niềm tin trong trắng y như hồi còn thơ và đang độ hoa niên.
Suốt thời gian này, chàng trải qua hai tâm trạng khác nhau. Một tâm trạng khi ở ngoài phòng Kitty, cùng ngồi với Đôly, với lão quận công, với ông bác sĩ luôn miệng hút thuốc hết điếu này sang điếu khác rồi dập thuốc vào thành cái gạt tàn đầy ụ; họ nói chuyện về bữa ăn chiều, về chính trị, về bệnh tình bà Maria Petrovna, và có lúc, Levin hoàn toàn quên mọi việc đang xảy ra và tưởng vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng; tâm trạng thứ hai là khi chàng ngồi ở đầu giường vợ: trái tim Levin lúc đó muốn vỡ ra vì thương xót mà không được, và chàng cứ cầu nguyện không ngừng. Và mỗi khi có tiếng kêu từ phòng ngủ vọng tới, kéo chàng ra khỏi phút quên lãng, chàng như rơi vào cái hoảng loạn kỳ lạ đã xâm chiếm chàng từ phút đầu: vừa nghe thấy tiếng rên la, chàng đã nhảy chồm khỏi ghế và chạy đi để thanh minh, rồi được nửa đường, mới nhớ ra mình không có lỗi; chàng chỉ muốn bảo vệ và cứu giúp vợ. Nhưng khi thấy nàng, một lần nữa chàng lại hiểu mình hoàn toàn bất lực, đâm hoảng và nói: "Lạy Chúa, hãy tha thứ và cứu giúp chúng con!". Thời gian càng trôi qua, hai tâm trạng kia càng rõ nét: những lúc không ở bên vợ, Levin càng bình tĩnh, thậm chí quên bẵng hẳn nàng, thì khi đứng trước Kitty đang quằn quại, cảm giác bất lực của chàng lại càng sâu sắc. Chàng bèn đứng dậy với ý định trốn đi bất cứ chỗ nào nhưng lại chạy đến bên vợ.
Đôi khi, thấy Kitty gọi liên hồi, chàng đâm giận nàng. Nhưng đến lúc nhìn thấy khuôn mặt cam chịu, tươi cười của vợ và nghe nàng nói: "Em làm tội anh", thì chàng lại oán Chúa: nhưng ngay khi nghĩ đến Chúa, chàng lại cầu xin Chúa tha thứ và mở lượng từ bi.
Quyển 7  
Chương 15 
Chàng không biết lúc đó là đêm hay sáng nữa. Nến đã cháy hết. Đôly vừa vào phòng giấy để mời bác sĩ đi nghỉ một chút. Levin ngồi trong ghế bành, vừa nghe bác sĩ kể chuyện một tên lang băm chữa bệnh bằng miên thuật, vừa ngắm mẫu tàn thuốc lá của ông. Đây là một phút nghỉ ngơi và chàng thả mình vào đó… Chàng hoàn toàn quên bẵng mọi chuyện xảy ra. Chàng nghe bác sĩ nói huyên thuyên và hiểu cả. Thốt nhiên, một tiếng kêu vang lên hoàn toàn khác tiếng người. Tiếng kêu nghe ghê sợ đến nỗi Levin ngồi ngây như tượng, nhưng chàng thở hổn hển và đưa mắt nhìn bác sĩ, vẻ hốt hoảng và dò hỏi. Ông thầy thuốc bèn nghiêng đầu, lắng nghe và mỉm cười ra vẻ bằng lòng. Mọi sự đều kì dị đến nỗi không còn gì khiến Levin ngạc nhiên nữa. "Có lẽ là phải như thế", chàng tự nhủ và cứ ngồi im. Nhưng ai kêu vậy? Chàng đứng phắt lên, nhón chân chạy vào phòng, vượt lên trước Elizaveta Petrovna và quận công phu nhân, và đến ngồi vào đầu giường Kitty. Tiếng kêu rên đã im bặt, nhưng vừa có một sự gì thay đổi. Đó là gì, chàng không nhìn ra, không hiểu được và cũng chẳng muốn nhìn, muốn hiểu làm chi. Nhưng chàng đọc thấy nó trên mặt bà Elizaveta Petrovna: mặt bà tái đi, nghiêm lại và vẫn kiên quyết nhưng quai hàm hai rung lên và mắt trân trân nhìn Kitty. Bộ mặt đỏ nhừ và mệt rã rời của Kitty, với mớ tóc dính bết mồ hôi, đang quay về phía Levin và ngóng cái nhìn của chàng. Tay nàng sờ soạng tìm tay chồng. Nàng nắm trong tay bàn tay nhớp mồ hôi tay lạnh toát của Levin, áp vào mặt.
- Anh đừng đi, anh đừng đi, em không sợ đâu! - nàng luýnh quýnh nói. - Mẹ ơi, tháo đôi hoa tai ra cho con, vướng quá. Mẹ không sợ chứ? Nhanh lên, nhanh lên, Elizaveta Petrovna…
Nàng nói rất nhanh và cố mỉm cười. Nhưng thốt nhiên nàng nhăn mặt và đẩy chồng ra.
- Chao ôi! Kinh khủng quá! Tôi chết mất! Anh đi đi! - nàng thét to và một lần nữa tiếng kêu như thú vật lại cất lên.
Levin đưa hai tay lên ôm đầu, chạy ra khỏi phòng.
- Không sao, không sao cả, mọi việc đều tốt đẹp! Đôly nói với chàng.
Nhưng, mặc họ nói, chàng biết bây giờ thế là hỏng hết. Chàng tì đầu vào khung cửa, nghe thấy ở phòng bên những tiếng thét khác hẳn những tiếng kêu đã nghe từ trước đến nay và biết những tiếng đó phát ra từ con người mới đây còn là Kitty. Lâu rồi, chàng không nghĩ đến đứa bé. Thậm chí chàng không mong gì Kitty sống nữa; chàng chỉ mong sao chấm dứt được những đau đớn ghê gớm kia.
- Bác sĩ! Cái gì đó? Cái gì đó! Lạy Chúa tôi! - chàng vừa nói vừa nắm lấy cánh tay ông thầy thuốc đang bước vào.
- Sắp xong rồi, - ông thầy thuốc nói. Và mặt ông ta khi nói câu ấy trông nghiêm trang đến nỗi Levin lại hiểu "sắp xong rồi" nghĩa là "bà ấy đang hấp hối".
Chàng hốt hoảng nhảy bổ vào phòng. Điều trước tiên chàng trông thấy là mặt bà Elizaveta Petrovna. Mặt bà còn u ám và nghiêm hơn trước. Không thể nào nhận ra Kitty nữa. Mặt nàng đã biến mất, nhường chỗ cho một cái gì ghê gớm không ngừng co giật và la thét. Chàng tì trán vào thành giường: chàng cảm thấy tim mình sắp vỡ. Những tiếng kêu ghê rợn nổi lên không dứt, mỗi lúc một kinh khủng hơn, rồi, như đạt tới mức tột cùng khủng khiếp, thốt nhiên ngừng lại. Levin không tin vào tai mình nhưng rõ ràng thế: tiếng kêu đã im bặt. Có tiếng đi lại thận trọng, tiếng sột soạt khe khẽ, một hơi thở gấp, rồi Kitty, giọng hổn hển, sinh động, trìu mến và vui sướng, bỗng thì thào: "Xong rồi!".
Chàng ngẩng đầu lên. Hai cánh tay kiệt lực duỗi dài trên chăn, trông nàng đẹp và thư thái lạ thường; nàng lặng lẽ nhìn chàng, cố mỉm cười mà không nổi.
Và thốt nhiên, từ cái thế giới hư ảo, ghê sợ và bí ẩn chàng đã sống suốt hai mươi hai tiếng đồng hồ, thoắt cái Levin đã quay về với thế giới cũ quen thuộc, nhưng giờ đây sáng chói một hào quang hạnh phúc rực rỡ đến nỗi chàng không chịu nổi. Sợi dây căng quá đã đến lúc đứt. Những tiếng nức nở và những giọt nước mắt vui sướng bất ngờ trào lên dữ dội khiến toàn thân chàng rung lên, hồi lâu không nói nên lời.
Chàng quỳ xuống cạnh giường, hôn khắp lên tay vợ; nàng đáp lại bằng cách khẽ bóp ngón tay. Cùng lúc ấy, ở chân giường, trong đôi tay lão luyện của Elizaveta Petrovna, khác nào một ngọn nến, đang chập chờn cuộc sống của một sinh thể trước đó chưa hề tồn tại ở bất cứ đâu, nhưng chẳng bao lâu sẽ đòi hỏi quyền lợi và lại sinh sôi nảy nở ra những sinh thể khác giống như nó.
- Sống! Sống rồi! Con trai! Ông cứ yên tâm, - Levin nghe thấy tiếng Elizaveta Petrovna trong khi bà xoa bóp lưng đứa bé mới đẻ.
- Thật ư mẹ, - tiếng Kitty nói.
Phu nhân chỉ còn biết nức nở thay cho câu trả lời.
Và giữa im lặng, một thứ tiếng cất lên hoàn toàn khác những tiếng nhỏ nhẹ của mọi người ngồi quanh, như để đánh tan dứt khoát nỗi ngờ vực của bà mẹ. Đó là tiếng thét táo bạo, ngỗ ngược của một con người mới không biết kiêng nể gì hết và vừa xuất hiện không biết từ chỗ nào.
Nếu một lúc trước đây, người ta bảo Levin rằng Kitty đã chết, rằng chàng cũng chết cùng một lúc với vợ, rằng con cái họ đều là thiên thần và họ đang đứng trước mặt Chúa, hẳn chàng cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên; nhưng giờ đây, khi trở về thế giới thực tại, chàng phải cố lắm mới hiểu nàng đã bình yên khoẻ mạnh và sinh vật đang cất tiếng thét chối tai kia là con trai chàng. Kitty còn sống, những đau đớn đã chấm dứt. Chàng lấy thế làm sung sướng khôn xiết tả. Điều ấy, chàng đã hiểu và chàng hả hê hết sức. Nhưng còn đứa bé? Nó ở đâu ra, tại sao, nó là ai?… Rõ ràng chàng không thể làm quen ngay với ý nghĩ đó. Đứa bé này là thừa, chàng không cần đến nó và một thời gian dài sau đó, chàng vẫn chưa quen đi được.
Quyển 7  
Chương 16
Khoảng mười một giờ, lão quận công Xergei Ivanovich và Stepan Ackađich đến tề tựu ở nhà Levin. Sau khi hỏi thăm tin tức người đẻ, họ quay sang chuyện khác. Levin vừa nghe họ nói, vừa bất giác nhớ lại những sự việc xảy ra trước sáng nay, nghĩ tới con người mới hôm qua còn là bản thân chàng. Hình như cả một thế kỉ đã trôi qua. Chàng cảm thấy mình đang ở tít tắp trên cao và phải cố hạ mình để khỏi làm mếch lòng người tiếp chuyện. Chàng nói không ngừng nghĩ đến vợ, đến tình trạng mới mẻ của mình, đến con trai, đến sự tồn tại của nó mà chàng phải gắng làm quen dần. Thế giới đàn bà, mà từ khi lấy vợ, chàng mới bắt đầu coi trọng nhưng trước đó vẫn xem thường, giờ đây sao mà cao vút lên trong trí chàng đến mức không thể tưởng tượng nổi. Chàng lắng nghe mọi người nhắc đến bữa ăn tối hôm trước ở câu lạc bộ và nghĩ: "Giờ đây nàng đang làm gì? Nàng có ngủ không? Có khoẻ không?". Và, giữa lúc trò chuyện, giữa một câu nói dở chừng, chàng thốt nhiên đứng dậy và rời khỏi phòng.
- Con cho người báo cho ba biết xem thử ba có vào thăm nó được không nhé, - lão quận công nói.
- Vâng, con xin báo ngay ạ, - Levin đáp và không dừng bước, đi về phòng vợ.
Nàng không ngủ và đang bình thản bàn tính với mẹ về lễ rửa tội sắp tới.
Nàng nằm ngửa, quần áo đã thay, đầu chải mượt đội một chiếc mũ xinh xắn màu xanh da trời, cánh tay duỗi dài trên tấm mền đắp chân. Mắt nàng bắt gặp mắt chồng và cái nhìn như muốn gọi chàng lại gần. Đôi mắt ấy vốn đã sáng ngời lại càng lấp lánh rực rỡ theo mỗi bước chân chàng đến gần. Mặt nàng lộ vẻ như từ trần thế trở về nơi tiên giới, cái vẻ thường thấy trên mặt người chết: nhưng ở đây không phải là dấu hiệu vĩnh biệt mà là dấu hiệu chào mừng. Một lần nữa, nỗi xúc động cảm thấy lúc vợ đang đẻ, bỗng lại bóp chặt trái tim Levin. Nàng nắm lấy tay chồng và hỏi chàng có ngủ được không. Chàng không đủ sức trả lời quay mặt đi, nhận rõ cái yếu đuối của mình.
- Còn em thì ngủ được, Koxtia ạ! - nàng nói.
- Bây giờ em thấy rất dễ chịu. Nàng nhìn chồng nhưng đột nhiên vẻ mặt thay đổi.
- Đưa cháu đây cho tôi, - nàng nói khi nghe tiếng oe oe của đứa nhỏ. - Đưa cháu đây cho tôi, bà Êlizvêta Petrovna, để ba cháu nhìn mặt cháu một tí.
- Ba đến thăm mình đấy, - bà Êlizvêta Petrovna vừa nựng vừa bế trong nôi ra và mang đến một cái bọc đỏ kì dị đang giẫy giụa. - Nhưng hãy đợi mình tắm rửa xong đã nào. - Bà đỡ đặt cái bọc đỏ xuống giường, cởi tã rồi quấn lại cho đứa bé, chỉ cần dùng một ngón tay nâng lên và xoay người nó để xoa phấn.
Trong khi ngắm nhìn cái sinh vật nhỏ xíu và thiểu não, Levin đã cố công vô ích để tìm kiếm trong tâm hồn những dấu hiệu nhỏ nhất của tình phụ tử. Đối với đứa bé, chàng chỉ thấy ghê ghê. Nhưng khi người ta cởi áo cho nó và đôi cánh tay gầy nhỏ hiện ra cùng hai chân nhỏ màu nghệ mà ngón cái đã phân biệt được với ngón khác, khi thấy bà Elizveta Petrovna nắm lấy hai bàn tay nhỏ xíu co quắp như lò xo mềm để bọc vào tã lót, chàng chợt thấy thương và sợ đến nỗi đã giữ tay bà ta lại, chỉ e làm nó đau.
Bà Elizaveta Petrovna bật cười:
- Đừng sợ, đừng sợ!
Mặc xong áo cho thằng bé, lúc này nom như một cái kén, bà đỡ bèn truyền nó từ tay nọ sang tay kia, hết sức hãnh diện vì việc làm của mình, và đứng né ra để Levin nhìn thấy hết vẻ đẹp của con trai. Kitty vẫn không ngừng liếc mắt về phía ấy.
- Đưa cháu đây cho tôi! - nàng nói và định nhỏm dậy.
- Thôi nào, Ecaterina Alecxandrovna, cấm chỉ những cử động như vậy đó! Bà đợi đấy, tôi sẽ đưa cháu cho bà. Để mình còn khoe cho ba biết là mình xinh đẹp chừng nào đã chứ.
Rồi bằng một bàn tay, bà Êlizavêta, nâng cái thân hình bé nhỏ, đỏ hỏn và kì dị, với cái đầu đang lắc lư và cố thụt vào trong tã, đưa nó về phía Levin (tay kia chỉ dùng mấy ngón đỡ lấy cái gáy ngật ngưỡng của đứa bé).
- Thằng bé mới kháu làm sao! - bà đỡ nói.
Levin thở dài buồn bã. Đứa bé kháu khỉnh đó chỉ gợi cho chàng một cảm giác ghê ghê và thương hại. Nó hoàn toàn không phải như chàng chờ đợi.
Chàng quay mặt đi khi bà Elizaveta Petrovna nói, nhưng Kitty không muốn rời con. Nó đã ngủ trong tay mẹ.
Thốt nhiên, một tiếng cười làm chàng ngẩng đầu lên. Đó là tiếng Kitty cười. Thằng bé đã ngậm lấy vú mẹ.
- Thôi đủ rồi! - bà Elizaveta Petrovna nói, nhưng Kitty không muốn rời con. Nó đã ngủ trong tay mẹ.
- Bây giờ anh hãy nhìn con xem, - Kitty nói và quay đứa bé về phía Levin để chàng nhìn được rõ. Khuôn mặt nhỏ già nua càng dúm lại và thằng bé hắt hơi.
Levin mỉm cười cố nén những giọt nước mắt xúc động. Chàng hôn vợ và rời khỏi căn phòng tối.
Điều chàng cảm thấy đối với cái sinh linh bé nhỏ kia hoàn toàn khác với điều chàng chờ đợi. Cảm giác này không có gì thích thú, vui vẻ. Ngược lại, đó là một nỗi lo lắng mới. Giờ đây chàng thấy cả một vùng con người chàng có thể dễ dàng bị thương tổn. Và cái ý thức này lúc đầu đã giày vò chàng ghê gớm cũng như nỗi khiếp sợ phải nhìn thấy cái sinh linh cô nhược kia chịu đau đớn, hai cái đó mãnh liệt đến nỗi choán hết mọi thứ, khiến chàng không nhận ra cả niềm vui phi lí lẫn niềm kiêu hãnh đã xâm chiếm lòng chàng khi thằng bé hắt hơi.
Quyển 7 
Chương 17
Stepan Ackađich đang ở trong tình thế quẫn bách. Hai phần ba tiền bán rừng đã tiêu hết và ông đã vay trước của gã lái buôn gần hết số phần ba cuối cùng bằng cách bớt cho y mười phần trăm. Gã lái buôn không muốn đưa tiền nữa, vả chăng Đarya Alecxandrovna, lần đầu tiên khẳng định quyền hạn đối với tài sản của mình, cũng từ chối không chịu kí cho y trả nốt số phần ba còn lại. Bao nhiêu lương của Oblonxki đổ cả vào các khoản chi tiêu trong nhà và trả nợ vặt. Họ không còn tài sản nào khác.
Thật khó chịu, phiền toái và Stepan Ackađich nghĩ tình hình không thể kéo dài như thế được. Ông cho cơ sự này là do lương lậu ít ỏi mà ra. Địa vị hiện nay của ông, trước đây năm năm có vẻ rất tốt, nhưng giờ đã khác đi rồi. Pêtrôp - giám đốc ngân hàng lương tháng mười hai nghìn rúp; Xventitxki, ủy viên một công ty, lĩnh mười bảy nghìn một tháng; Mitin, người đã lập một ngân hàng, mỗi tháng kiếm năn vạn rúp. "Dứt khoát là mình đang ngủ say và bị bỏ quên rồi", Stepan Ackađich nghĩ thầm. Ông bèn để ý xem xét và đến cuối mùa đông mò ra được một chỗ làm lương rất cao, ông liền mở cuộc tấn công, mới đầu từ Moskva, dựa vào các bà cô, ông bác và bạn hữu; rồi khi chín muồi, ông thân hành đến Petersburg vào mùa xuân. Đó là một chân hàng năm thu lợi từ một nghìn đến năm vạn rúp và hiện nay lại có nhiều hơn những chỗ làm nho nhỏ ăn đút lót năm xưa. Tức là chân uỷ viên uỷ ban đại lí liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hoả xa miền Nam. Chức trách này, cũng như tất cả các chức trách thuộc loại ấy, đòi hỏi một kiến thức rộng, một năng lực hoạt động lớn đến nỗi khó lòng tìm ra người nào đáp ứng được cả hai điều kiện ấy. Vì không có ai gồm đủ các đức tính đó, âu là giao địa vị nọ cho một người lương thiện còn hơn cho một tên đầu trộm đuôi cướp. Lương thiện thì Stepan Ackađich quả có lương thiện, theo cái nghĩa đặc biệt của tiếng ấy ở Moskva, khi áp dụng nó với một chính khách, một nhà văn, một tờ nhật báo, một tổ chức hoặc một trào lưu tư tưởng, nó không chỉ có nghĩa là người đó hay tổ chức đó không bất lương, mà còn có nghĩa khi gặp cơ hội, họ có thể đả kích vào chính phủ nữa. Ở Moskva, Stepan Ackađich thường lui tới những nhóm người đã đặt ra cái từ ấy, những nhóm này coi ông như một người lương thiện: vậy ông có quyền hưởng địa vị nọ hơn bất kì ai khác.
Việc làm đó mỗi năm thu được từ bảy đến mười ngàn rúp và Oblonxki có thể kiêm nhiệm nó cùng với những chức trách khác của ông. Công việc tuỳ thuộc vào hai Bộ, một phu nhân và hai người Do Thái, và mặc dầu tất cả những người đó đều được báo trước để nâng đỡ Stepan Ackađich, ông vẫn cần đến Petersburg gặp họ. Hơn nữa, Stepan Ackađich đã hứa với cô em Anna là sẽ vận động được Karenin trả lời dứt khoát về vấn đề ly dị. Vì vậy, sau khi moi của Đôly năm mươi rúp, ông bèn đi Petersburg.
Ngồi trong buồng giấy của Karenin, nghe ông em rể trình bày kế hoạch cải lương nền tài chính nước Nga, Stepan Ackađich cứ rình lúc ông này dứt lời để lái câu chuyện sang công việc của bản thân mình và của Anna.
- Vâng, rất đúng, - ông nói, lúc Alecxei Alecxandrovich đưa mắt ướm hỏi anh vợ, sau khi tháo chiếc kính kẹp mũi giờ trở thành vật không thể thiếu được khi ông cần đọc, - về chi tiết thì rất đúng, nhưng nguyên lý thời đại chúng ta là tự do.
- Cho nên, nguyên lý mới tôi đề xướng bao gồm cả nguyên lí tự do, - Alecxei Alecxandrovich nói, nhấn mạnh vào hai tiếng "bao gồm" và lại đeo kính kẹp mũi lên để đọc lại cái quãng có trình bày rành rọt quan điểm ấy.
Ông giở tập bản thảo chữ viết trang nhã, mép giấy trừa rộng và đọc lại đoạn văn đầy sức thuyết phục.
- Sở dĩ tôi cổ súy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đó không phải vì quyền lợi những tư nhân mà vì lợi ích chung cho cả tầng lớp dưới cũng như tầng lớp trên, - ông nói tiếp, đưa mắt qua gờ trên kính kẹp mũi, nhìn Oblonxki. Nhưng họ không hiểu điều đó, họ chỉ bận tâm đến lợi ích cá nhân và chỉ biết nói mồm.
Stepan Ackađich biết là khi Karenin bắt đầu nói đến những ý nghĩ và việc làm của bọn đối lập với kế hoạch của ông, gây ra tất cả tai họa ở nước Nga, là đã gần đến kết luận, cho nên, lúc này ông tạm từ bỏ cái nguyên lý tự do và tuyên bố hoàn toàn đồng ý với em rể. Alecxei Alecxandrovich im lặng và giở tập bản thảo, vẻ tư lự.
- À, tiện đây tôi muốn nhờ chú, - Stepan Ackađich nói, - nếu chú có dịp gặp Pomorxki, thì nói giùm tôi với ông ta một câu thôi: tôi muốn làm uỷ viên uỷ ban đại lý liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hoả xa miền Nam. - Chức vị ấy luôn ấp ủ trong lòng Stepan Ackađich đến mức trở thành quen thuộc nên ông đọc trơn tru không chút sai sót.
Alecxei Alecxandrovich hỏi anh vợ là hoạt động của uỷ ban mới này nhằm mục đích gì và triền miên suy nghĩ. Ông tự hỏi cơ quan đó rồi đây có ngáng trở kế hoạch của ông không. Nhưng hoạt động của tổ chức mới này rất phức tạp và kế hoạch của Karenin bao quát một phạm vi rất rộng, nên ông không thể giải đáp câu hỏi này ngay lập tức. Ông bỏ kính kẹp mũi và nói:
- Tất nhiên tôi có thể nói với ông ta được thôi, nhưng tại sao anh lại nhăm nhe đúng vào cái chân ấy?
- Công việc này lương khoảng chín nghìn rúp, mà sinh kế của tôi thì…
- Chín nghìn rúp, - Alecxei Alecxandrovich nhắc lại và cau mày.
Con số lớn đó cho ông thấy rõ, về mặt này, hoạt động sắp tới của Stepan Ackađich va chạm với tư tưởng chủ đạo kế hoạch của ông: phục hồi chính sách tiết kiệm.
- Tôi thấy ở thời đại chúng ta, những khoản lương to lớn đó là dấu hiệu về sự thiếu sót của chính sách (1) kinh tế chúng ta, (vả chăng, tôi đã viết một bài về điểm này).
- Biết làm thế nào? - Stepan Ackađich nói. - Ngày nay, lương chủ nhà băng làm một vạn rúp mà đâu phải hắn ăn cắp. Một kỹ sư cũng kiếm hai vạn rúp. Họ đâu phải là những kẻ ngồi mát ăn bát vàng.
- Tôi cho rằng tiền lương là giá một món hàng và do đó phải tuân theo luật cung cầu. Nếu việc trả lương tách rời khỏi quy luật đó, chẳng hạn khi hai kỹ sư tốt nghiệp cùng một trường, với kiến thức và khả năng y như nhau mà một người lĩnh bốn vạn rúp, trong khi người kia chỉ có hai vạn; hoặc giả khi một nhà luật học hay một anh lính phiêu kỵ không có kiến thức chuyên môn gì được bổ nhiệm đứng đầu một ngân hàng, hưởng những khoản tiền lương kếch xù, thì tôi sẽ kết luận lương anh ta không được đánh giá theo cung cầu mà chỉ đơn thuần do thiên vị thôi. Và bản thân cái đó đã là một sự lạm dụng nghiêm trọng, có hại cho công việc nhà nước. Tôi cho rằng…
Stepan Ackađich vội ngắt lời em rể.
- Phải, nhưng đây là một tổ chức tân lập và rõ ràng hữu ích. Người ta cần nhất công việc được tiến hành một cách "lương thiện", - Stepan Ackađich nói.
Nhưng Alecxei Alecxandrovich không hiểu cái nghĩa mang màu sắc Moskva của từ ấy.
- Sự lương thiện ấy chỉ là một đức tính tiêu cực, - ông nói.
- Dù sao tôi cũng đội ơn chú rất nhiều, nếu chú rỉ tai với Pomorxki một tiếng, - Stepan Ackađich nói. - Nhân chuyện nào đó, nói qua một tiếng thôi mà.
- Tôi thấy hình như việc đó chủ yếu tuỳ thuộc ở Bongarinov, Alecxei Alecxandrovich nói.
- Bongarinov hoàn toàn đồng ý rồi, - Stepan Ackađich đỏ mặt nói.
Stepan Ackađich đã đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Bongarinov vì ngay sáng hôm đó, ông đã đến tìm cái lão Do Thái này và cuộc đến thăm để lại ấn tượng nặng nề trong ký ức ông.
Stepan Ackađich đinh ninh cơ quan ông mong muốn cộng tác là một tổ chức lương thiện và hữu ích; nhưng sáng nay, khi Bongarinov rõ ràng cố ý để ông phải ngồi hai tiếng đồng hồ ở phòng đợi cùng những người đến cầu cạnh khác, ông đột nhiên cảm thấy khó chịu.
Phải chăng cảm giác khó chịu ấy là do ông, công tước Oblonxki, người nối dõi Rurich, đã phải ngồi hai tiếng đồng hồ trong phòng đợi một tên Do Thái hay do lần đầu tiên trong đời, ông đã vi phạm truyền thống tổ tiên xưa nay vẫn phụng sự nhà nước, khi ông chọn một nghề khác? Muốn thế nào mặc lòng, ông vẫn thấy không thoải mái. Suốt trong hai tiếng đồng hồ chờ đợi ở nhà Bongarinov, Stepan Ackađich vừa ra vẻ ung dung đi đi lại lại trong phòng đợi, vuốt râu má, nói chuyện với những người cầu cạnh khác, vừa nghĩ những câu chơi chữ về chặng dừng chân này tại nhà tên Do Thái, cố tự giấu mình và giấu cả người khác cái cảm giác xâm chiếm lòng ông.
Nhưng suốt thời gian đó, ông cảm thấy bực bội và khó chịu mà không rõ nguyên nhân vì đâu: phải chăng vì ông không soạn được câu chơi chữ đến nơi đến chốn hay vì cớ nào khác? Cuối cùng, khi Bongarinov tiếp ông hết sức lịch sự với vẻ đắc thắng ra mặt, và gần như cự tuyệt yêu cầu của ông, Stepan Ackađich vội quên ngay nỗi sỉ nhục đó càng nhanh càng tốt. Giờ đây, chính vì nhớ lại điều đó mà ông đã đỏ mặt.
Quyển 7  
Chương 18 
- Tôi còn chuyện khác muốn nói với chú và chắc chú cũng biết là chuyện gì… Chuyện Anna, - Stepan Ackađich nói, sau một lúc im lặng, khi đã xua đuổi được cái ấn tượng khó chịu kia.
Oblonxki vừa nói đến tên Anna, vẻ mặt Alecxei Alecxandrovich đã thay đổi hoàn toàn: đang hoạt bát chuyển sang mệt mỏi và đờ đẫn.
- Nói cho đúng, các người muốn gì tôi nào? - ông vừa nói vừa xoay người trong ghế bành và gập kính kẹp mũi lại.
- Một quyết định nào đó, chú Alecxei Alecxandrovich ạ. Lúc này, tôi nói với chú ("không phải như nói với một người chồng bị xúc phạm", Stepan Ackađich định nói thế, nhưng sợ hỏng việc, bèn thay đổi từ ngữ) không phải như nói với một chính khách (từ này tỏ ra không đắt), mà chỉ đơn giản như nói với một con người, một con người có tâm hồn và một con chiên ngoan đạo. Chú nên thương cô ấy.
- Cụ thể là thế nào? - Karenin nói, giọng nhỏ hẳn đi.
- Phải, chú nên thương cô ấy. Nếu chú trông thấy cô ấy như tôi (tôi đã ở suốt mùa đông với cô ấy), hẳn chú sẽ thương cô ấy. Hoàn cảnh cô ấy kinh khủng lắm, thực sự là kinh khủng.
- Tôi thấy hình như, - Alecxei Alecxandrovich trả lời, giọng càng nhỏ nhẻ, gần như the thé, - hình như Anna Arcadievna đã có tất cả những gì cô ta ao ước.
- Chào, Alecxei Alecxandrovich, vì lòng kính Chúa, chúng ta đừng có lao vào cãi vã với nhau! Cái gì qua đi là qua đi rồi và chú cũng biết cô ấy đang mong muốn và chờ đợi cái gì: ly dị.
- Nhưng tôi tin Anna Arcadievna sẽ từ chối không chịu ly dị trong trường hợp tôi đòi giữ con trai tôi. Tôi đã viết thư trả lời cô ta theo tinh thần ấy và tôi nghĩ vấn đề đã giải quyết xong. Tôi cho rằng vấn đề đã giải quyết xong rồi, - Alecxei Alecxandrovich rít lên.
- Tôi xin chú, chú đừng nổi nóng, - Stepan Ackađich nói, đặt tay vào đầu gối em rể. - Vấn đề chưa giải quyết là thế này đây: khi cô chú chia tay nhau, chú đã cao thượng hết sức: chú đồng ý cho cô ấy tất cả: tự do và ly hôn nữa. Cô ấy kính phục thái độ đó. Chú không thể biết cô ấy đã cảm kích đến thế nào đâu. Đến nỗi, thoạt đầu, vì cảm thấy có lỗi với chú và không kịp suy nghĩ sâu xa hơn, cô ấy đã từ chối tất cả. Nhưng thực tế và thời gian đã vạch cho cô ấy thấy hoàn cảnh thật đau khổ và không chịu nổi.
- Cuộc đời Anna Arcadievna không thể khiến tôi quan tâm, - Alecxei Alecxandrovich ngắt lời, lông mày nhướn lên.
- Chú cho phép tôi không tin điều đó, - Stepan Ackađich dịu dàng đáp lại. Hoàn cảnh Anna thật đau khổ cho bản thân cô ấy và chẳng có lợi cho ai. Chú sẽ nói đáng kiếp cho cô ấy chứ gì. Cô ấy cũng biết vậy và không đòi hỏi chú gì cả: chính miệng cô ấy bảo thế. Nhưng tôi, tất cả họ hàng, tất cả những kẻ yêu mến cô ấy, chúng tôi xin chú và van chú hãy rủ lòng thương. Tại sao cô ấy đau khổ? Điều đó có lợi cho ai?
- Nhưng, quả thực các người đặt tôi vào địa vị kẻ bị cáo, - Alecxei Alecxandrovich nói.
- Không, không, tuyệt nhiên là không, xin chú hiểu cho tôi, Stepan Ackađich nói tiếp, lần này sờ vào tay em rể như tin chắc sự tiếp xúc đó sẽ làm ông này nguôi đi. - Tôi chỉ xin nói điều này thôi: hoàn cảnh cô ấy thật đau xót, chú có thể làm cho nó dịu bớt mà chú chẳng mất gì. Chú hãy để tôi thu xếp chuyện đó, chú không phải dính vào. Chú đã hứa…
- Tôi hứa thế từ lâu rồi. Và tôi cho là chuyện đứa bé đã giải quyết xong vấn đề. Vả lại, tôi hy vọng Anna Arcadievna đủ cao thượng để… - Alecxei Alecxandrovich khó nhọc nói, môi run run, mặt tái nhợt.
- Cô ấy hoàn toàn trông cậy vào tấm lòng cao thượng của chú. Cô ấy xin chú, van chú kéo cô ấy ra khỏi tình thế cùng quẫn này. Thậm chí, cô ấy cũng không xin cả con trai nữa. Alecxei Alecxandrovich, chú là người phúc hậu. Chú hãy đặt mình vào địa vị cô ấy một chút xem: đó là một vấn đề sinh tử. Nếu lúc đầu, chú không hứa như thế, cô ấy ắt đã thích nghi với hoàn cảnh và ở hẳn nông thôn. Chính vì dựa vào lời hứa mà cô ấy viết thư cho chú và đến ở Moskva. Thế là đã sáu tháng cô ấy ở thành phố đó, mỗi lần gặp ai là như bị nhát dao đâm và ngày lại ngày chờ đợi một quyết định. Thật y như tròng dây thòng lọng vào cổ kẻ bị kết án mà không cho biết phải chuẩn bị chờ chết hay sẽ được ân xá. Chú hãy thương cô ấy và tôi xin chịu trách nhiệm thu xếp mọi chuyện… Chú quá thận trọng…
- Vấn đề không phải là thế, - Alecxei Alecxandrovich ngắt lời, vẻ ghê tởm. - Nhưng có lẽ tôi đã hứa điều không có quyền hứa.
- Thế là chú phủ nhận điều đã nói?
- Tôi không bao giờ từ chối những gì có thể làm được, nhưng tôi muốn có thời giờ suy nghĩ xem lời hứa đó có thể thực hiện được đến đâu.
- Không, Alecxei Alecxandrovich ạ, - Stepan Ackađich thình lình đứng phắt dậy nói tiếp, - tôi không tin là thế! Cô ấy khổ sở đến mức chỉ một người đàn bà mới có thể khổ sở như vậy và chú không thể từ chối điều mà…
- Trong chừng mực có thể thực hiện được. Anh vẫn tự xưng là một người tự do tư tưởng. Nhưng tôi, với tư cách là tín đồ, tôi không thể vi phạm luật Chúa về một vấn đề quan trọng đến thế.
- Trong tất cả các xã hội Cơ đốc giáo và ngay cả trong xã hội ta cũng vậy, theo tôi biết, việc li hôn đều được thừa nhận, - Stepan Ackađich nói. - Chính Giáo hội ta cũng cho phép. Và ta thấy…
- Có thể được phép làm thế đấy, nhưng không phải trong trường hợp này.
- Alecxei Alecxandrovich, tôi không nhận ra chú nữa đấy, Oblonxki nói, sau một lúc im lặng.
- Phải chăng chính chú đã tha thứ tất cả (chúng tôi từng khâm phục thái độ đó) và phải chăng chính do tình cảm ngoan đạo thúc đẩy mà chú sẵn sàng hy sinh tất thẩy? Chính miệng chú đã nói: hãy cho nốt áo khoác khi người ta lấy sơ mi của mình, và bây giờ…
- Tôi xin ông ngừng lại, ngừng… câu chuyện lại ở đó, - Alecxei Alecxandrovich nói, giọng the thé và đột nhiên đứng dậy. Quai hàm ông run run và mặt tái đi.
- Thôi vậy! Chú tha lỗi nếu tôi đã làm chú phiền lòng,- Stepan Ackađich vừa nói, vừa chìa tay với một nụ cười ngượng ngập; - với tư cách sứ giả, tôi chỉ truyền đạt tới chú cái sứ mệnh được giao phó.
Alecxei Alecxandrovich bắt tay anh vợ, ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Tôi cần suy nghĩ, cần được góp ý kiến. Ngày kia tôi sẽ trả lời anh dứt khoát.
Quyển 7  
Chương 19
Stepan Ackađich sắp bước ra thì Kornây báo:
- Xergei Alecxeiêvich!
"Xergei Alecxeiêvich là ai vậy?", Stepan Ackađich toan hỏi, nhưng lập tức nhớ ra.
- À! Xerioja! - ông nói. "Xergei Alecxeiêvich (1), mình đã tưởng là ông chánh văn phòng nào. Anna cũng yêu cầu mình gặp cháu", ông nghĩ thầm.
Và ông nhớ lại vẻ rụt rè, buồn bã của Anna khi dặn mình: "Thể nào anh cũng gặp cháu đấy. Anh thử xem cháu nó đang làm gì, ai chăm nom nó. Và anh Xtiva ạ… nếu có thể! Theo anh, liệu có thể được không?… Stepan Ackađich hiểu câu đó nghĩa là thế nào: nếu vừa ly hôn, vừa giữ được đứa bé… Bây giờ, Stepan Ackađich thấy thậm chí đừng nên nghĩ đến điều đó nữa, nhưng dù sao ông cũng hài lòng được gặp cháu.
Alecxei Alecxandrovich nhắc anh vợ là mọi người không bao giờ nói với con ông về Anna và yêu cầu đừng đả động gì về người thiếu phụ nọ.
- Sau lần gặp mẹ, mà chúng tôi không ngừa trước, cháu ốm rất nặng, - Alecxei Alecxandrovich nói. - Thậm chí, đã tưởng cháu không qua khỏi. Nhưng nhờ chạy chữa tốt và mùa hè này đi tắm biển, nên sức khỏe cháu đã bình phục. Bây giờ, theo lời thầy thuốc khuyên, tôi đã cho cháu đi học. Quả nhiên, có bạn có bè, ảnh hưởng rất tốt: cháu khỏe hẳn và học khá lắm!
- Cháu đúng là người lớn rồi! Tôi đã hiểu tại sao không gọi cháu là Xerioja nữa! - Stepan Ackađich mỉm cười nói khi thấy một chú bé khôi ngôi, cứng cáp mặc áo vét xanh và quần ống chùng, đĩnh đạc bước vào. Nom chú vui tươi và khoẻ mạnh. Chú cúi chào bác như chào khách lạ nhưng khi nhận ra, chú đỏ mặt và vội quay đi, vẻ phật ý và tức tối. Rồi chú lại gần bố, đưa cho xem điểm bài vở ở trường.
- Được, khá đấy, - bố bảo chú. - Con có thể đi chơi được.
- Nó gầy đi và lớn hẳn. Không phải con nít nữa mà là thiếu niên rồi. Bác rất mừng, - Stepan Ackađich nói. - Cháu còn nhớ bác không? Chú bé quay phắt lại nhìn bố.
- Thưa bác có ạ, - chú nhìn Oblonxki trả lời và lại cúi mặt xuống.
Stepan Ackađich gọi cháu lại cạnh mình và cầm lấy tay nó.
- Thế nào, cháu ra sao rồi? - ông hỏi, muốn gợi chuyện nhưng không biết nói gì.
Đứa bé đỏ mặt và không trả lời. Nó tìm cách gỡ tay ra. Ông bác vừa buông ra, nó liền đưa mắt dò hỏi bố và chạy đi, như con chim được thả tự do.
Một năm đã trôi qua từ khi Xerioja gặp mẹ lần cuối. Từ đó, nó không bao giờ nghe nói đến mẹ nữa. Rồi nó đi học, làm quen với những đứa bé cùng lứa tuổi, thân với chúng. Những mơ ước và kỷ niệm khiến nó lâm bệnh sau lần mẹ đến thăm, không còn ám ảnh nó nữa. Khi những mơ ước và kỷ niệm đó trở lại, nó thận trọng xua đi, coi là đáng xấu hổ, chỉ xứng với bọn con gái chứ không hợp với một thiếu sinh. Nó biết một sự xung đột đã chia rẽ bố mẹ, nó phải ở lại với bố và cố làm quen với ý nghĩ đó.
Nó thấy khổ tâm phải gặp lại ông bác rất giống mẹ, vì việc đó lại đánh thức dậy trong lòng nó những kỷ niệm mà nó cho là đáng xấu hổ. Càng khổ tâm hơn vì, qua vài câu lọt vào tai khi đứng chờ ở cửa buồng giấy và nhất là qua vẻ mặt bố và bác, nó chắc hai người đã nói đến mẹ nó. Và để khỏi phải chê trách ông bố mà nó phải chung sống và chịu phụ thuộc, và nhất là khỏi nhượng bộ thói đa cảm mà nó cho là mất thể diện, Xerioja cố tránh nhìn cái ông bác đã đến phá rối sự yên tĩnh của mình, tránh nghĩ đến những cái ông gợi lại trong trí nhớ.
Nhưng khi Stepan Ackađich từ biệt ông em rể, gặp nó ở cầu thang và hỏi nó thường chơi gì trong giờ nghỉ, bấy giờ, ở xa bố, Xerioja tỏ ra lém lỉnh hơn.
- Lúc ấy, chúng cháu chơi tàu hỏa, - nó nói với bác. - Như thế này, bác hiểu không: hai đứa ngồi trên chiếc ghế dài. Đó là hành khách. Một đứa đứng lên đó và tất cả bám vào. Chúng cháu kéo qua các phòng bằng tay hoặc bằng thắt lưng. Chúng cháu mở tất cả cửa từ trước, nhưng làm lái tàu khó lắm!
- Người đứng ấy à? - Stepan Ackađich mỉm cười hỏi.
- Vâng, phải can đảm và khéo léo, nhất là khi có đứa khác bất thình lình dừng lại hay có đứa ngã.
- Ừ, không phải chuyện bỡn, - Stepan Ackađich vừa nói vừa buồn bã nhìn đôi mắt linh lợi giống hệt mắt mẹ và đã mất một phần vẻ ngây thơ con trẻ. Và mặc dầu đã hứa với Alecxei Alecxandrovich là không nhắc đến Anna, ông vẫn không nén được.
- Cháu có nhớ mẹ cháu không? - ông đột nhiên hỏi.
- Không, - Xerioja vội trả lời. Mặt nó đỏ tía lên và mắt cụp xuống. Và lần này, ông bác không moi được điều gì nữa. Nửa giờ sau, khi ông gia sư người Xerbi gặp cậu học trò ở cầu thang, ông không hiểu nó khóc hay dỗi.
- Chắc chú ngã đau phải không? - ông hỏi. - Tôi đã bảo đó là một trò chơi nguy hiểm mà. Tôi phải nói với ông hiệu trưởng mới được.
- Nếu em tự làm mình đau thì đừng hòng ai nhận thấy được, thật đấy.
- Vậy chú làm sao thế?
- Để mặc em… Mình nhớ hay không nhớ thì việc gì đến bác ấy? Tại sao mình lại phải nhớ? Mặc xác tôi! - nó nhắc lại, lần này như nói với tất cả thế gian.
Chú thích:
(1) Tức là Xergei, con ông Alecxei. Cách gọi cả tên bố này thường chỉ dùng với người lớn để tỏ lòng kính trọng.
Quyển 7
Chương 20 
Như thường lệ, Stepan Ackađich đã phân bố thời gian ở Petersburg rất khéo. Ngoài công việc: chuyện ly dị của cô em và chỗ làm đang ngấp nghé, ông còn cần giải nồng - như lời ông nói - sau thời gian nằm mốc meo ở Moskva.
Moskva tuy có những tiệm cà phê ca nhạc và ô tô chở khách trong thành phố, nhưng dù sao vẫn chỉ là nơi đầm lầy nước đọng. Stepan Ackađich bao giờ cũng cảm thấy thế. Cứ ở đó một thời gian, nhất là gần gia đình là ông đâm mất hết nhuệ khí. Sau một thời gian dài ở Moskva, ông đi đến chỗ lo lắng về tính tình cáu kỉnh và những lời trách móc của vợ, về sức khỏe và việc học hành của con cái, về những điểm vặt vãnh trong công việc; thậm chí ông lo đến cả nợ nần nữa. Nhưng chỉ cần đến Petersburg và ở vài ngày trong cái giới ông thường lui tới, nơi người ta sống thật sự chứ không phải sống mòn mỏi như ở Moskva, là lập tức những suy tư của ông biến mất và tan đi như sáp để cạnh lửa vậy.
Vợ ư?… Hôm nay nữa, ông lại nói chuyện với hoàng thân Tsetxenxki. Ông này, ngoài vợ con, còn có một gia đình khác, không chính thức, cũng có con cái hẳn hoi. Và mặc dầu gia đình chính thức rất dễ chịu, hoàng thân Tsetxenxki vẫn cảm thấy sung sướng hơn khi ở với gia đình thứ hai. Ông đã đưa con trai lớn nhập tịch gia đình thứ hai và nói với Stepan Ackađich là, theo ông, điều đó rất có lợi cho sự phát triển của đứa bé. Chuyện ấy mà ở Moskva, liệu còn thiếu điều gì người ta không nói nữa?
Con ư?… Ở đây, con cái không ngăn trở người ta sống. Người ta nuôi dạy chúng trong trường học và tại Petersburg, không hề thấy cái ý nghĩ kì quặc rất phổ biến ở Moskva(ở gia đình Lvov chẳng hạn) cho rằng con cái có quyền hưởng xa hoa, còn cha mẹ phải chịu phần làm lụng và lo lắng. Ở đây, người ta hiểu là người đàn ông, với tư cách người văn minh, phải có bổn phận sống cho mình.
Công vụ ư?… Ở đây, công vụ chẳng phải là cái gánh nặng tuyệt vọng mà ở Moskva, bao giờ người ta cũng phải đeo đẳng sau lưng; nơi đây, làm việc thật thú vị. Một cuộc gặp mặt, một việc giúp kẻ khác, một câu nói đùa, có tài ra điệu bộ, thế là nên cơ đồ rực rỡ, như Brianxev mà Stepan Ackađich vừa gặp hôm qua, hiện đang giữ một địa vị hành chính cao cấp. Công việc đó xem ra thích thú thật.
Và đặc biệt quan niệm của người Petersburg về chuyện tiền nong, khiến Stepan Ackađich an tâm hơn cả. Barnianxki, thường phung phí ít ra năm vạn rúp với cái đà sinh hoạt của y, khiến ông suy nghĩ sáng mắt ra vấn đề này.
Ngay trước bữa ăn, trong khi trò chuyện, Stepan Ackađich đã nói với Barnianxki:
- Tôi chắc anh thân với Mordvinxki lắm thì phải, anh có thể giúp tôi một việc quan trọng bằng cách nói hộ tôi một câu với ông ta. Tôi muốn kiếm chân uỷ viên của hãng…
- Tôi chẳng nhớ được cái tên ấy đâu… Nhưng anh nghĩ thế nào mà lại dính vào chuyện hoả xa với tụi Do Thái ấy!… Anh muốn nói gì thì nói, chứ cái đó tởm lắm.
Stepan Ackađich không nói đó là một công việc thú vị: Barnianxki sẽ không hiểu.
- Tôi cần tiền, tôi chẳng còn gì để sống.
- Tuy nhiên anh vẫn sống đấy thôi?
- Phải, nhưng tôi phải vay nợ.
- Thế à! Nhiều không? - Barnianxki hỏi, ra vẻ thương hại.
- Nhiều, khoảng hai vạn rúp.
Barnianxki phá lên cười vui vẻ.
- Ôi! Con người sung sướng! - y kêu lên.
- Tôi đây, tôi nợ triệu rưỡi rúp mà tôi chẳng có xu nào; như anh thấy đó, tôi vẫn không vì thế mà khốn khổ hơn!
Và Stepan Ackađich đã có dịp nhận thấy lời nói đó là đúng. Jivakhov nợ ba vạn rúp, không có một đồng một chữ mà vẫn sống rất hoang tàng! Bá tước Crivxov đã khánh kiệt từ lâu, vẫn bao hai cô nhân tình. Petrovxki sau khi ném qua cửa sổ năm triệu rúp, vẫn giữ nếp sống cũ và còn quản lý một cơ sở tài chính, mỗi năm thu hai vạn rúp. Ngoài tất cả những thứ đó, Petersburg còn tác động tốt đến sức khoẻ Stepan Ackađich. Ở đó ông trẻ ra. Ở Moskva, thỉnh thoảng ông lại nhìn mái tóc hoa râm của mình, sau bữa chiều là đi ngủ, lên gác thì kéo lê chân và thở hổn hển, đã bắt đầu không thích gần gũi các thiếu phụ trẻ và không nhảy trong các cuộc khiêu vũ nữa. Trái lại ở Petersburg, bao giờ ông cũng thấy trẻ ra đến mười tuổi.
Ông có cảm giác hệt như lời ông hoàng sáu mươi tuổi Petr Oblonxki, vừa ở nước ngoài về, đã tâm sự với ông hôm qua.
- Ở đây, chúng ta không biết sống, Petr Oblonxki bảo ông. - Anh muốn tin hay không thì tùy, chú nghỉ hè ở Bađen mà cảm thấy như mình là thanh niên vậy. Trông thấy đàn bà đẹp là chú phát sinh tư tưởng… Một bữa ăn có tí rượu khiến chú lanh trai thêm. Về tới Nga, chú phải đến thăm thím, hơn nữa lại ở nhà quê… Được mười lăm hôm, chú lại mặc áo ngủ, thôi không đóng bộ khi ăn chiều nữa. Thế là hết, những ý nghĩ trẻ trung! Chú lại trở thành lão già. Chú chỉ còn việc nghĩ đến chuyện siêu thoát linh hồn nữa thôi. Chú vừa đi Pari, thế là lại hồi xuân một lần nữa.
Stepan Ackađich cũng cảm thấy đổi khác như thế. Ở Moskva, ông suy sụp đến nỗi nếu quả thực phải sống lâu dài ở đó, có lẽ cả ông nữa (mọi sự đều có thể xảy ra) cũng đi đến chỗ lo lắng chuyện siêu thoát linh hồn thôi; trái lại, ở Petersburg, ông lại trở nên một con người hợp thời.
Giữa quận chúa Betxy Tverxcaia và Stepan Ackađich từ lâu vẫn có những quan hệ rất kỳ dị.
Stepan Ackađich xưa nay vẫn ve vãn mụ để mua vui và tán tỉnh hết sức sỗ sàng - cũng để mua vui thôi - vì ông biết đó chính là điều mụ thích nhất. Đến chơi mụ sau hôm nói chuyện với Alecxei Alecxandrovich, Stepan Ackađich cảm thấy mình quá trẻ trung và dấn quá sâu vào trò đùa tục tĩu ấy đến nỗi không còn biết thoái lui ra sao, vì khốn thay, chẳng những ông không thích mà còn thấy ghê tởm mụ nữa. Cái giọng điệu ấy sở dĩ hình thành giữa hai người là vì, ngược lại, Betxy thấy Oblonxki rất hợp "gu" mình. Ông rất mừng thấy quận chúa Miagcaia đến chấm dứt cảnh đầu kề đầu của họ.
- À, cả ông cũng ở đây à? - bà ta nói khi thấy ông. - Cô em gái đáng thương của ông ra sao rồi! Đừng nhìn tôi như thế, - bà nói thêm. - Từ khi những phụ nữ tồi tệ gấp nghìn lần đổ xô vào công kích chị ấy, tôi thấy thái độ chị ấy xử sự thật đáng phục. Tôi vẫn giận Vronxki đã không báo trước cho tôi biết chị ấy qua Petersburg. Nếu không, tôi đã đến gặp và đưa chị ấy đi khắp nơi rồi. Nhờ ông chuyển tới chị ấy lời chào thân mến của tôi. Ông hãy kể chuyện chị ấy cho tôi nghe đi.
- Hoàn cảnh cô ấy thật khổ tâm, cô ấy… - Stepan Ackađich mở đầu, thật thà tin ngay lời quận chúa Miagcaia: "Hãy kể cho tôi nghe về em gái ông đi". Nhưng quận chúa, theo thói quen, lập tức ngắt lời và tự mình kể lể:
- Chị ấy đã làm cái điều mà mọi phụ nữ, trừ tôi ra, đều làm vụng trộm; còn chị ấy, chị ấy không muốn gian dối, thế là tốt. Và chị ấy càng hành động đúng hơn khi bỏ ông em rể ngu xuẩn của ông. Xin ông thứ lỗi. Ai cũng bảo ông ấy thông minh, riêng có mình tôi, bao giờ cũng khẳng định ông ta là đồ ngốc. Giờ đây, khi ông ta kết thân với Lidia Ivanovna và Lăngđô, mọi người đều bảo ông ta dở người; tôi sẽ rất sung sướng nếu không phải đồng ý với dư luận chung, nhưng lần này thì không thể được.
- Xin bà cắt nghĩa cho tôi điều này là thế nào, - Stepan Ackađich nói. - Hôm qua, tôi đến gặp ông ta bàn chuyện cô em tôi, yêu cầu trả lời dứt khoát. Ông ta chưa trả lời và bảo sẽ suy nghĩ; vậy mà, sáng nay, thay vào câu trả lời, tôi nhận được thiếp mời tối nay đến nhà nữ bá tước Lidia Ivanovna.
- Phải, đúng rồi! - quận chúa Miagcaia reo lên, mừng rỡ.
- Họ hay thỉnh thị Lăngđô đấy.
- Lăngđô à? Tại sao? Đó là ai vậy?
- Sao kia, ông không biết Jules Lăngđô ư? Juyles Lăngđô trứ danh, con người sáng suốt. Cả hắn ta cũng dở người, nhưng số phận em gái ông chính là tuỳ thuộc ở hắn ta đấy. ấy, sống ở tỉnh lẻ là thế đó, ông chẳng hay biết tình hình gì cả. Ông biết không, Lăngđô trước kia là người chào hàng tại một cửa hiệu ở Pari. Một hôm, hắn đến thầy thuốc khám bệnh. Trong phòng đợi, hắn thiếp đi và giữa lúc ngủ mê mệt, hắn bắt đầu mách thuốc những bệnh nhân khác. Những lời mách bảo kì dị. Sau đó, vợ Yuiri Meledinxki (ông biết chứ, cái ông ốm ấy mà?) nghe nói có tên Lăngđô ấy và cho mời hắn đến chỗ chồng mình. Hắn chữa bệnh cho ông ta. Theo tôi, hắn chẳng giúp ích gì vì ông ta vẫn ốm yếu như cũ, nhưng họ tin hắn và mang hắn đi khắp nơi. Họ đưa hắn về Nga. Ở đây, ai nấy đều vồ lấy hắn nhờ chữa bệnh. Nữ bá tước Betzubova được hắn chữa khỏi, đâm mến đến nỗi đã nhận đỡ đầu hắn.
- Đỡ đầu à?
- Hoàn toàn đúng thế. Hắn không còn là Lăngđô nữa, mà là bá tước Betzubov. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Tất nhiên Lidia cũng vồ vập tên Lăngđô ấy (tôi rất mến chị ta nhưng chị ta không biết suy xét phải trái gì cả); không có việc gì ở nhà chị ta cũng như ở nhà Alecxei Alecxandrovich được quyết định mà không qua ý kiến hắn, và chính vì thế hiện nay số phận em gái ông đang nằm trong tay tên Lăngđô, gọi cách khác là bá tước Betzubov.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lời tạ lỗi muộn màng

Lời tạ lỗi muộn màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ lỗi m...