Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Anna Karenina 21

Anna Karenina 21
Quyển 8
Chương 1
Hai tháng trôi qua. Lúc đó vào giữa mùa hạ, thời tiết rất nóng; tuy vậy, mãi tới bây giờ, Xergei Ivanovich mới sửa soạn rời Moskva.
Thời gian gần đây, nhiều biến cố đã xảy ra trong đời Xergei Ivanovich. Khoảng một năm trước, ông viết xong cuốn sách, kết quả của sáu năm trời lao động, nhan đề: "Luận về những nguyên lí và hình thức cai trị ở châu Âu và ở Nga". Đoạn nhập đề và một số chương của tác phẩm đã đăng trong các tạp chí và ông cũng đã đọc vài đoạn cho bạn bè chung quanh nghe, nên những ý kiến nêu lên trong đó đối với công chúng không còn mới mẻ lắm; tuy nhiên, Xergei Ivanovich vẫn hi vọng việc xuất bản tác phẩm sẽ làm xôn xao dư luận và nếu nó không dấy lên một cuộc cách mạng trong khoa học thì ít nhất cũng gây xúc động mạnh mẽ trong giới bác học.
Cuốn sách sau khi chỉnh lý cẩn thận, đã phát hành năm ngoái và đưa bán ở các hiệu sách.
Tuy không nói chuyện với ai về cuốn sách, giả tảng thờ ơ khi bạn bè hỏi tác phẩm có được hoan nghênh không, cũng không hỏi các cửa hiệu xem sách bán có chạy không. Xergei Ivanovich vẫn ngong ngóng xem công trình nghiên cứu đó gây ấn tượng thế nào trong xã hội và giới văn học.
Nhưng một tuần, rồi hai tuần, ba tuần trôi qua mà xem ra vẫn không có làn sóng nào làm chấn động xã hội; vài người bạn thân là chuyên gia hoặc học giả hoạ hoằn có nhắc tới, rõ ràng vì lịch sự. Những người quen khác vốn chẳng quan tâm tới học thuật, không hề bàn đến một câu. Nhất là quần chúng lúc đó đang bận tâm vì những chuyện khác nên hoàn toàn dửng dưng. Còn báo chí thì chẳng buồn đả động tới.
Xergei Ivanovich tính toán tỉ mỉ thời gian cần thiết để những bài giới thiệu có thể ra mắt, nhưng hai tháng sau vẫn cứ im lìm như cũ.
Chỉ có độc tờ "Bọ dừa phương Bắc", trong một bài châm biếm ca sĩ Đrabanti bị hỏng giọng, nhân tiện có chêm vài câu miệt thị về cuốn sách của Koznưsev, ngụ ý rằng ai nấy đều xác định ý kiến về cuốn sách đó, vốn từ lâu đã là trò cười cho thiên hạ.
Cuối cùng, đến tháng thứ ba mới có một bài phê bình đăng trên một tạp chí đứng đắn. Xergei Ivanovich biết tác giả bài báo, ông đã gặp anh ta một lần tại nhà Gôlupxôp. Đó là một nhà phê bình rất trẻ, ốm yếu, bút pháp rắn rỏi, nhưng rất ít học và nhút nhát trong quan hệ với mọi người.
Mặc dầu hoàn toàn coi thường tác giả, Xergei Ivanovich vẫn đọc bài báo với niềm trân trọng lớn. Bài báo thật khủng khiếp.
Rõ ràng tác giả tiểu phẩm hiểu cuốn sách ngược hẳn với lương tri. Nhưng hắn đã khéo chọn trích dẫn đến nỗi, với những ai không đọc (và hầu như chẳng ai đọc cả), thì rõ ràng toàn bộ tác phẩm chỉ là một mớ câu kệ rườm rà, hơn nữa lại dùng không đắt (như nhà phê bình đã vạch ra bằng những dấu chấm hỏi) và tác giả cuốn sách quả thực dốt như lừa. Và tất cả những điều đó được nói một cách rất thông minh đến nỗi chính Xergei Ivanovich cũng không thể phủ nhận sự sắc sảo đó; nhưng chính cái đó lại đáng sợ nhất.
Xergei Ivanovich đã hết sức thận trọng kiểm tra sự chính xác của những lập luận nhà phê bình đưa ra, nhưng không phút nào, ông chịu dừng lại suy nghĩ về những khuyết điểm hoặc sai lầm bị chế giễu: bất giác, ông lập tức nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa ông với tác giả bài báo.
"Hay là ta làm hắn phật lòng gì chăng?". Xergei Ivanovich tự hỏi.
Và, sực nhớ trong buổi nói chuyện, ông có nêu lên một chữ chứng tỏ sự dốt nát của người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, Xergei Ivanovich bèn cho rằng chính đó là căn nguyên giọng văn của bài báo.
Sau đó là im lặng hoàn toàn và Xergei Ivanovich nhận thấy cái tác phẩm viết trong sáu năm ròng với bao công phu và tâm huyết, đã qua đi không để lại dấu vết gì.
Sự nhàn rỗi càng khiến cho hoàn cảnh của Xergei Ivanovich thêm nặng nề: trước đây, công việc viết sách còn chiếm phần lớn thời giờ của ông.
Xergei Ivanovich là người thông minh, có học thức, khoẻ mạnh, ưa hoạt động, và giờ đây, ông không biết dùng năng lực hoạt động vào việc gì. Những buổi nói chuyện ở phòng khách, ở hội nghị, uỷ ban, ở tất cả những nơi có thể nói chuyện được chiếm một phần thời giờ của ông; nhưng vốn là người sống ở thành thị lâu, ông rất chú ý dè giữ, không dốc hết tâm lực vào những buổi nói chuyện đó, như chú em cục mịch của ông thường làm trong những ngày đến ở Moskva. Ông còn thừa rất nhiều thời giờ nhàn hạ và trí lực. Vừa may vào thời kì đặc biệt khổ tâm này vì sự thất bại của tác phẩm, những vấn đề thời sự như: các tông phái dị giáo, tình hữu nghị Mỹ quốc, nạn đói ở Xamara, những triển lãm và trò đồng cốt chiêu hồn đều nhường chỗ cho vấn đề Xlav từ trước đến nay vẫn âm ỉ, và Xergei Ivanovich từ lâu vốn là một trong những người khởi xướng, liền dốc toàn bộ tâm lực vào vấn đề đó.
Trong giới giao du của Xergei Ivanovich, giờ đây người ta chỉ bàn đến cuộc chiến tranh Xerbi. Tất cả những việc đám đông nhàn rỗi thường làm để giết thời giờ, hiện nay đều hướng vào cứu giúp những "người Xlav anh em". Khiêu vũ, hoà nhạc, yến tiệc, diễn thuyết, nữ trang, rượu bia, tiệm nước, tất cả đều để biểu lộ mối thiện cảm của mọi người đối với dân Xerbi.
Xergei Ivanovich bất đồng ý kiến với phần lớn những điều được nói hoặc viết ra trong dịp này. Ông thấy vấn đề Xlav đã trở thành một trong những thứ say mê thời thượng vẫn nối tiếp nhau ở chốn thượng lưu, nhờ đó những người trong giới này mới có việc mà làm, ông cũng thấy rất nhiều người quan tâm đến vấn đề chỉ vì một mục đích phù phiếm hoặc vụ lợi. Ông thừa nhận báo chí đã in ra những chuyện tầm bậy hoặc khuếch đại với mục đích duy nhất là thu hút sự chú ý của mọi người và to mồm hò hét át giọng những kẻ khác. Ông nhận thấy trong sự xô đẩy ào ạt chung này, chính những kẻ thất thế và mất quyền lại đi đầu và to tiếng át giọng người khác: những vị tướng không có quân, những bộ trưởng không có bộ, những nhà báo không có báo, những lãnh tụ đảng phái không có đảng viên. Ông thấy tất cả những khía cạnh phù phiếm và lố bịch của phong trào dư luận này; nhưng ông cũng nhìn thấy một luồng phấn khởi rõ rệt đang đoàn kết tất cả các giai cấp xã hội, đang phát triển từng giờ từng phút, khiến ta không thể không đồng tình. Sự tàn sát những người anh em đồng chủng và đồng tín ngưỡng làm nổi dậy lòng thương xót đối với kẻ bị áp bức, lòng phẫn đối với kẻ đi áp bức. Sự dũng cảm của người Xerbi và người Mongtenegro, chiến đấu cho một mục đích vĩ đại, làm nẩy sinh trong toàn thể nhân dân ý muốn giúp đỡ họ không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm.
Cuối cùng, một hiện tượng khác làm cho Xergei Ivanovich rất vui sướng. Đó là sự biểu thị của dư luận quần chúng. Xã hội đã bày tỏ rõ ràng nguyện vọng của mình. Theo lối nói của Xergei Ivanovich thì tâm hồn dân chúng đã tìm ra cách biểu đạt. Và càng bắt tay vào làm, ông càng thấy chắc chắn công cuộc đó sẽ có quy mô rộng lớn, sẽ đánh dấu một thời đại. Ông cống hiến toàn tâm toànlực nhằm phục vụ mục đích vĩ đại ấy và do đó, quên không nghĩ tới cuốn sách nữa.
Hiện nay, tất cả thời giờ của ông đều bận rộn: thậm chí ông cũng không còn rảnh rỗi để trả lời hết mọi thư từ và yêu cầu đã gửi đến. Sau khi làm việc suốt mùa xuân và một phần mùa hạ, đến tháng bảy, ông chuẩn bị về nông thôn với em trai.
Ông về đó để nghỉ ngơi chừng mươi mười lăm ngày và để hưởng thụ, giữa thánh thất thâm nghiêm của dân chúng, mãi tận cuối vùng nông thôn hẻo lánh, cảnh tượng thức tỉnh của tinh thần dân tộc mà tất cả cư dân hai thủ đô và những thành phố lớn đang tin tưởng vững chắc. Katavaxov, từ lâu vẫn muốn thực hiện lời hứa đến thăm Levin, cũng đi theo ông.
Quyển 8
Chương 2
Xergei Ivanovich và Katavaxov vừa đến ga Kursk, hôm đó đặc biệt náo nhiệt, và bước xuống xe để xem lại hành lí thì có bốn xe ngựa thuê chở quân tình nguyện chạy tới. Các bà ôm hoa ra đón họ và tất cả bước vào ga, đằng sau là một đám đông chạy ùa theo.
Một bà tới hoan nghênh quân tình nguyện ra khỏi phòng đợi tàu và nói với Xecgây Ivanovich:
- Ông cũng tới tiễn họ đấy à? - bà hỏi ông bằng tiếng Pháp.
- Thưa quận chúa không ạ, tôi về nghỉ nhà chú em. Bà vẫn luôn trung thành với nhiệm vụ đấy chứ? - Xergei Ivanovich thoáng mỉm cười nói.
- Nhất định phải thế chứ, - quận chúa trả lời. - Có thực chúng ta gửi đi tám trăm rồi phải không? Manvinxki không chịu tin lời tôi nói.
- Hơn tám trăm kia. Tính cả những người không trực tiếp đi từ Moskva thì nay đã có tới hơn một nghìn rồi, - Xergei Ivanovich đáp.
- Thì đúng tôi đã bảo thế mà! - bà vui sướng nói. - Và có thực đến nay đã quyên góp được ngót một triệu đồng rồi phải không?
- Hơn nữa kia, thưa quận chúa!
- Ông đọc bản tin hôm nay chưa? Lại một lần nữa quân Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại.
- Vâng, tôi đọc rồi, - Xergei Ivanovich trả lời.
Trong bản tin, người ta thông báo quân Thổ ba ngày liền đều bị đánh bại trên khắp các mặt trận, phải bỏ chạy trốn: mọi người chờ đợi một trận quyết định trong ngày mai.
- À, tôi muốn nói với ông việc này, có một thanh niên rất khá cũng muốn xin đi. Tôi không hiểu tại sao người ta lại gây khó khăn với anh ta. Tôi muốn nhờ ông viết vài chữ giới thiệu. Tôi có quen anh ta, do nữ bá tước Lidia Ivanovna giới thiệu.
Sau khi hỏi những điều cần biết mà quận chúa nắm được về chàng thanh niên đó, Xergei Ivanovich sang phòng chờ tàu hạng nhất, viết một bức thư gửi người có thẩm quyền giải quyết việc đó và trao cho bà ta.
- Ông biết chứ, bá tước Vronxki, nhân vật trứ danh… hôm nay cũng đi đấy, - quận chúa nói với nụ cười đắc thắng và đầy ý nghĩa, khi ông tới cạnh bà.
- Tôi cũng nghe nói ông ta ra đi, nhưng không biết bao giờ. Ông ta đi chuyến tàu này à?
- Vâng, tôi có trông thấy. Ông ta đang ở đây. Chỉ có mỗi bà mẹ đi tiễn. Ông ta… chỉ còn biết cách làm thế là hơn cả.
- Tất nhiên.
Trong khi họ nói chuyện, đám đông ùa tới quầy hàng ăn. Hai người bị xô đẩy theo và nghe thấy giọng nói sang sảng của một vị tay cầm ly rượu đang diễn thuyết với quân tình nguyện. "Phụng sự tín ngưỡng, phụng sự nhân loại, phụng sự những người anh em của chúng ta! Ông nói, mỗi lúc một cất cao giọng hơn. Moskva, mẹ của chúng ta sẽ ban phước lành cho các bạn vì sự nghiệp vĩ đại này, Jivio" (1), ông ta hô to, giọng nghẹn ngào nước mắt.
Tất cả cùng hô: "Jivio" và người ta lại ùa sang phòng đợi tàu, suýt xô ngã cà bà quận chúa.
- Quận chúa thấy thế nào? - Stepan Ackađich nói, đột nhiên xuất hiện giữa đám đông, mặt ngời lên một nụ cười rạng rỡ.
- Ông ta nói hay lắm, những lời xuất phát tự đáy lòng! Hoan hô! A! Xergei Ivanovich, ông đấy à! Ông cũng nên nói với họ vài câu khích lệ, ông giỏi hùng biện lắm mà, - ông ta nói thêm với một nụ cười vừa dịu dàng, kính cẩn lại vừa thận trọng. Và ông cố khoác tay Xergei Ivanovich lôi đi.
- Không, tôi phải đi ngay bây giờ.
- Đi đâu?
- Về nhà chú em, - Xergei Ivanovich trả lời.
- Ồ, thế thì ông sẽ gặp nhà tôi ở đấy. Tôi vừa viết thư nhưng chắc ông sẽ gặp trước khi nhà tôi nhận được; nhờ ông làm ơn nói giúp là đã gặp tôi và mọi sự đều tốt đẹp cả. Nhà tôi sẽ hiểu. à phải, và cũng nhờ ông vui lòng nói giúp là tôi đã được bổ nhiệm làm uỷ viên uỷ ban các đại lí liên hợp… Tóm lại, rồi vợ tôi sẽ hiểu. Đó là những nỗi khốn khổ nho nhỏ trong đời sống con người, - ông quay lại phân bua với bà quận chúa. - Tôi đã nói với ông là quận chúa Miagcaia, - không phải là Liza đâu mà là bà Bibitsơ ấy - có gửi đi một nghìn khẩu súng và mười hai nữ y tá chưa nhỉ?
- Vâng tôi có nghe nói, - Koznưsev miễn cưỡng trả lời.
- Thật đáng tiếc là ông phải đi, - Stepan Ackađich nói. - Ngày mai, chúng tôi thết tiệc chiêu đãi hai người ra đi: Đime Barnianxki ở Petersburg tới và anh chàng Vexlovxki của chúng ta. Grisa ấy mà. Cả hai đều đi sang đó. Vexlovxki mới kết hôn được ít lâu. Đó là một gã trung thực, phải không, thưa quận chúa? - ông quay lại nói với bà ta.
Quận chúa không trả lời, nhìn Coznưsev. Nhưng dù Xergei Ivanovich hay bà quận chúa có khó chịu vì sự có mặt của ông ta, Stepan Ackađich vẫn không bối rối chút nào. Khi ông mỉm cười chăm chú nhìn cái lông vũ trên mũ bà quận chúa, lúc lại đảo mắt nhìn quanh, như cố nhớ lại điều gì. Thấy một bà cầm hộp quyên góp tiền đi qua, ông gọi lại và bỏ vào một tờ giấy bạc năm rúp.
- Tôi không thể dửng dưng nhìn những hộp quyên tiền đó chừng nào trong người còn có tiền, - ông nói. - Về bản tin hôm nay, các ông bà thấy thế nào? Những người Mongtenegro đó, thật là cừ! Không có lẽ! - ông kêu lên, khi được bà quận chúa cho biết Vronxki sẽ đi chuyến tàu sau. Trong một giây, nét mặt Stepan Ackađich lộ vẻ buồn rầu, nhưng chỉ ngay lát sau, khi ông vừa vuốt râu má vừa nhún nhẩy bước vào căn phòng có Vronxki ở đấy, Stepan Ackađich đã hoàn toàn quên bẵng những tiếng nức nở tuyệt vọng của mình trên thi hài em gái và chỉ còn thấy ở Vrônxki một vị anh hùng và một người bạn cũ.
- Tuy ông ấy có nhiều tật, ta vẫn phải công bằng mà đánh giá cho đúng, - bà quận chúa nói với Xergei Ivanovich khi Oblonxki rời họ đi. Đó là một tính cách rất Nga, điển hình Xlav! Tôi chỉ e Vronxki gặp ông ta sẽ chẳng hứng thú gì. Ông muốn nói sao thì nói, số phận con người đó vẫn làm tôi xúc động. Ông hãy cố tranh thủ nói chuyện với ông ta trong khi đi đường, - bà nói.
- Vâng, nếu có dịp.
- Xưa nay tôi vốn không ưa ông ta. Nhưng hành động của ông ta sẽ chuộc lại rất nhiều lầm lỗi. Ông ta không chỉ bằng lòng tự nguyện ra đi mà còn bỏ tiền túi ra dẫn theo cả một phân đội.
- Vâng, tôi cũng nghe nói như vậy. Tiếng chuông réo lên. Tất cả kéo đến tụ tập trước cửa ra vào.
- Ông ta đây rồi! - quận chúa nói và chỉ Vronxki. Chàng mặc áo choàng dài, đội mũ đen rộng vành và đưa tay cho mẹ khoác. Oblonxki đi bên cạnh, và đang sôi nổi nói chuyện với chàng.
Vronxki cau mày, nhìn thẳng về đằng trước, như không buồn nghe Stepan Ackađich nói.
Hẳn là được Oblonxki cho biết, chàng quay nhìn về phía bà quận chúa và Xergei Ivanovich, và lặng lẽ nhấc mũ chào. Mặt chàng già đi và võ vàng vì đau khổ, đanh lại.
Lúc tới sân ga, sau khi né người nhường mẹ đi trước, chàng bước lên tàu và ở lì trong buồng toa xe.
Trên sân ga vang lên điệu quốc ca "Thượng đế che chở cho Nga hoàng" lẫn tiếng "hoan hô!" và tiếng Xerbi "jivio!". Một tình nguyện quân, người trẻ măng cao lớn, lưng hơi gù, vẫy mũ dạ và bó hoa trên đầu, vênh vang đáp lại những lời chào. Sau anh ta là hai sĩ quan và một người đứng tuổi râu rậm rì, đầu đội mũ lưỡi trai bẩn thỉu, đang đứng trước cửa sổ và cũng ra hiệu chào mọi người.
Chú thích:
(1) Tiếng Xerbi: muôn năm.
Quyển 8
Chương 3
Sau khi chào tạm biệt bà quận chúa, Xergei Ivanovich trèo lên tàu chật ních cùng với Katavaxov đã theo kịp ông và đoàn tàu chuyển bánh.
Ở Xaritxưn, một đội hợp xướng gồm toàn thanh niên nhịp nhàng hát bài: "Vinh quang thay Nga hoàng của chúng ta!" để chào đón đoàn tàu. Tình nguyện quân lại thò đầu ra ngoài cửa toa xe để vẫy chào: nhưng Xergei Ivanovich không chú ý tới họ: ông tiếp xúc với tình nguyện quân thường xuyên quá rồi nên giờ đã thuộc làu cái điển hình thông thường của lớp người đó và không quan tâm tới họ nữa. Trái lại, Katavaxov, vì bận nghiên cứu khoa học, không có dịp quan sát tình nguyện quân, nên bị hấp dẫn lớn và cứ hỏi Xergei Ivanovich dồn dập.
Coznưsev khuyên ông sang toa hàng hải và trực tiếp nói chuyện với những bạn đồng hành ở đó.
Tới ga sau, Katavaxov làm theo như vậy. Tới chỗ tàu đỗ đầu tiên, ông sang toa hạng hai và bắt chuyện với các tình nguyện quân. Họ ngồi trong góc toa xe và nói chuyện oang oang, rõ ràng biết hành khách cùng Katavaxov vừa bước vào, đều đang chú mục vào họ. Anh thanh niên cao lớn có đôi vai hơi gù càng to mồm hơn mọi người. Anh ta chắc say rượu và đang kể chuyện gì đó. Trước mặt anh ta là một sĩ quan đứng tuổi mặc binh phục cận vệ áo. Ông mỉm cười nghe anh ta kể chuyện và thỉnh thoảng lại ngắt lời. Người thứ ba, mặc binh phục pháo thủ, ngồi cạnh, trên một cái rương quân dụng. Người thứ tư đang ngủ.
Katavaxov nói chuyện với gã trẻ nhất và được biết anh ta là một thương nhân giàu có ở Moskva. Chưa đầy hăm hai tuổi đầu, anh ta đã phung phí hết một tài sản kếch xù. Katavaxov không ưa anh ta vì vẻ người thướt tha, ẻo lả và ốm yếu; rõ ràng anh ta đinh ninh mình đang làm một hành động anh hùng, nhất là sau khi đã nốc cạn vài ly rượu, và huênh hoang một cách hết sức khó chịu.
Người thứ hai, một sĩ quan giải ngũ, cũng gây ấn tượng xấu với Katavaxov. Anh ta hình như đã trải đủ mọi nghề rồi. Anh ta đã làm việc ở ngành hoả xa, rồi làm quản gia, rồi làm giám đốc công xưởng. Anh ta nói đủ mọi chuyện vô bổ và dùng danh từ khoa học không đúng chỗ.
Trái lại, người thứ ba, là pháo thủ, khiến Katavaxov rất có thiện cảm. Đó là một người trầm tĩnh và kín đáo; ông tỏ vẻ nhún nhường trước sự thông thái của vị sĩ quan cùng gương hi sinh anh hùng của gã thương nhân và không nói gì về mình cả. Khi Katavaxov hỏi cái gì thúc đẩy ông ta đi Xerbi, ông chỉ khiêm tốn trả lời:
- Tôi chỉ làm như mọi người khác thôi. Cũng cần giúp đỡ người Xerbi một tay. Tội nghiệp họ!
- Họ thiếu nhất là những pháo thủ như ông, - Katavaxov nói.
- Ồ, tôi trước phục vụ trong pháp binh cũng không lâu đâu, có lẽ họ sẽ điều động tôi sang bộ binh hoặc kị binh.
- Tại sao lại thế, khi mà họ đang cần trước hết là pháo thủ? Katavaxov nói, ngỡ là với tuổi tác đó, ông ta hẳn ở cấp quân hàm cao.
- Vì tôi trước không ở pháo binh lâu, mới chỉ là chuẩn uý, - ông ta nói và cắt nghĩa tại sao mình thi trượt.
Tất cả những cái đó họp lại thành một ấn tượng xấu đối với Katavaxov và khi những tình nguyện quân xuống uống nước ở ga sau, ông cảm thấy cần trao đổi tâm sự với một người nào đó. Một ông già bé nhỏ mặc áo bành tô nhà binh cùng ngồi toa đó: ông ta cũng đã nghe chuyện. Khi chỉ còn lại hai người, Katavaxov quay lại phía ông già:
- Hoàn cảnh những người ra đi này thật nhiều màu nhiều vẻ, ông nói bâng quơ ý kiến mình để khêu gợi ông già bé nhỏ phát biểu.
Ông già là sĩ quan, ông đã từng tham dự hai chiến dịch. Ông đã hiểu thế nào là người lính và căn cứ vào dáng điệu cùng lời nói của những người kia, vào cách họ tìm nguồn dũng cảm trong hũ rượu đi đường, ông coi họ là bọn lính tồi. Hơn nữa, ông sống ở tỉnh lẻ; ông đã toan kể chuyện trong cái thành phố nhỏ của ông, có một người lính nghỉ dài hạn, nghiện rượu và ăn cắp, không ai muốn thuê mướn, đã ra đi làm tình nguyện quân. Nhưng, vốn từng trải, ông biết trong tình hình tâm lí hiện nay, phát biểu ngược lại ý kiến chung, nhất là lại chỉ trích tình nguyện quân, là điều nguy hiểm, nên ông cũng chờ Katavaxov bộc lộ rõ thâm ý ra.
- Ông bảo biết làm thế nào, bên đó đang cần người, - ông già nói, nheo mắt cười.
Họ bàn tới bản thông báo cuối cùng và hai bên đều giấu nhau sự ngạc nhiên của mình: theo tin giờ chót, nếu quân Thổ bị bánh bại trên khắp các mặt trận, thì ngày mai còn giao tranh với ai nữa? Họ chia tay mà không ai chịu bộc lộ ý nghĩ sâu kín của mình ra.
Trở về toa xe của mình, Katavaxov bất giác tự dối mình, kể cho Xergei Ivanovich nghe kết quả cuộc thẩm tra: theo ông, tình nguyện quân đều là những chàng trai ưu tú.
Tới thành phố lớn đầu tiên, vẫn lại ca hát và hoan hô: những bà, những cô đi quyên tiền lại xuất hiện với hòm quyên, những bà mệnh phụ của thị trấn mang hoa tới cho tình nguyện quân và theo họ ra quầy hàng ăn: nhưng sự tiếp đón đã lạnh nhạt hơn ở Moskva nhiều.
Quyển 8
Chương 4
Khi tàu dừng ở tỉnh lỵ, Xergei Ivanovich không vào quầy hàng ăn mà chỉ dạo bước quanh sân ga.
Lần thứ nhất đi qua toa xe, ông thấy rèm cửa đều hạ xuống. Nhưng đến lần thứ hai, ông thấy bà bá tước già ở cửa sổ. Bà vẫy Koznưsev lại gần.
- Ông ạ, - bà nói, tôi đưa tiễn em nó tới Kursk.
- Vâng, tôi cũng đã nghe nói, - Xergei Ivanovich trả lời, dừng lại trước cửa sổ và đưa mắt nhìn vào trong toa xe. - Ông ấy hành động như thế thật là đẹp đẽ! - ông nói thêm khi thấy Vronxki không ở đó.
- Thì sau nỗi bất hạnh ấy, nó còn biết làm gì hơn nữa?
- Thật là một sự việc khủng khiếp! - Xergei Ivanovich nói.
- Chao ôi! Tôi thật đến là khổ nhục! Nhưng mời ông lên đây đã… Chao ôi! Tôi thật đến là khổ nhục! - bà nhắc lại, khi Xergei Ivanovich đã lên ngồi cạnh trên chiếc ghế đệm dài. - Thật không thể tưởng tượng được! Sáu tuần liền, nó không nói năng với ai và chỉ khi nào tôi ép mới chịu ăn. Và không thể để nó một mình một phút nào cả. Chúng tôi cất đi tất cả những gì có thể dùng để tự sát; chúng tôi ở tầng dưới, nhưng vẫn phải đề phòng mọi bất trắc. Ông cũng biết nó đã có lần vì cô ta mà tự bắn vào người rồi, - bà nói, và lông mày bà nhíu lại khi nhớ lại chuyện đó. - Phải, đúng là cái kết thúc tất yếu của hạng đàn bà như vậy. Cô ta đã chọn một cái chết đê tiện, xấu xa.
- Thưa bá tước phu nhân, chuyện phán xét đâu phải việc chúng ta, - Xergei Ivanovich thở dài nói, - nhưng tôi rất hiểu chuyện đó đã làm phu nhân vô cùng khổ tâm.
- Thôi, ông đừng nhắc tới chuyện đó nữa. Tôi đang ở trang trại thì nó đến thăm. Có người mang tới một lá thư và nó lập tức trả lời ngay. Chúng tôi không ngờ cô ta lại ở ngoài ga. Buổi tối, tôi vừa về buồng riêng thì mụ hầu phòng Maria cho biết có một phu nhân nhảy xuống gầm tàu. Tin đó làm tôi choáng váng cả người! Tôi biết ngay là cô ta. Câu đầu tiên của tôi là bảo họ đừng cho con tôi hay. Nhưng nó đã biết rồi. Gã xà ích lúc bấy giờ ở ngoài đó và trông thấy tất cả. Khi tôi chạy tới buồng nó, nó như phát điên, trông thật đáng sợ. Không nói nửa lời, nó chạy vụt đi. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra ngoài đó nhưng khi đưa về thì nó như người chết rồi. Tôi không nhận ra nó nữa. Hoàn toàn quỵ hẳn, bác sĩ bảo như vậy. Sau đấy, nó như cuồng dại! Nhưng thôi, nhắc đến chuyện đó làm gì! - bà bá tước khoát tay nói. - Thật là thời kì kinh khủng! Không, ông muốn nói gì tuỳ ông, nhưng cô ta quả là người xấu xa. Những chuyện đam mê, tuyệt vọng như vậy nghĩa là thế nào kia chứ? Tất cả những cái đó, chỉ cốt làm ra khác người. Cô ta quả là rất thành công! Cô ta tự giết đời mình và còn làm hại cả cuộc đời hai người đàn ông ưu tú: chồng cô ta và đứa con trai khốn khổ của tôi.
- Thế chồng bà ta thì sao ạ? - Xergei Ivanovich hỏi.
- Ông ta đã đón đứa con gái về nhà. Lúc đó, Alecxei thoả thuận tất cả. Nhưng bây giờ nó rất tiếc đã bỏ con gái mình cho người dưng. Nhưng nó không thể nuốt lời. Karenin có đi đưa ma. Chúng tôi đã thu xếp để ông ta khỏi gặp mặt Alecxei. Đối với nó cũng như với ông chồng, dứt đi như vậy còn hơn. Đó là một sự giải thoát. Nhưng đứa con tội nghiệp của tôi nữa, nó cũng bỏ tất. ấy thế mà cô ta không thèm thương hại nó, cô ta làm nó gục hẳn hay cũng gần như vậy! Không, muốn nói thế nào thì nói, đó là cái chết của một phụ nữ đê tiện, vô đạo. Cầu Chúa xá tội nhưng tôi không khỏi căm ghét khi nhớ tới cô ta, khi thấy cái tai hoạ cô ta gây ra cho con tôi.
- Ông ấy bây giờ thế nào ạ?
- Chúa đã cứu vớt chúng ta bằng cuộc chiến tranh Xerbi này. Tôi già rồi, không hiểu gì về mọi cái đó, nhưng tôi thấy chính thượng đế đã ra tay phù hộ nó. Tất nhiên, đối với người mẹ, chuyện này thật ghê sợ; và nhất là người ta nói ở Petersburg, việc này không được coi trọng lắm đâu. Nhưng biết làm thế nào? Đó là điều duy nhất có thể làm nó phấn chấn lại tinh thần. Chả là Yasvin, bạn thân của nó, đánh bạc thua sạch, bèn chuẩn bị đi Xerbi. Anh ta đến thăm và thuyết phục nó đi theo. Giờ đây, nó đang bận tâm vì chuyện đó. Xin ông hãy nói chuyện với nó, tôi rất mong có người đến làm nó khuây khoả. Nó đang buồn lắm. Nó sẽ sung sướng được tiếp ông. Xin ông hãy đi gặp nó, nó đang đi dạo đằng kia.
Xergei Ivanovich vui vẻ nhận lời và sang bên kia sân ga.
Quyển 8
Chương 5
Trong chiều tà, giữa đống ba lô hắt bóng chênh chếch trên sân ga, Vronxki, mình mặc áo khoác dài, mũ kéo sụp tận mắt và hai tay đút túi, đang đi đi lại lại như con thú dữ trong chuồng, cứ khoảng hai mươi bước lại quay ngoắt trở lại. Xergei Ivanovich nhận thấy Vronxki hình như đã trông thấy ông nhưng giả tảng không nhận ra. Koznưsev hoàn toàn không để bụng việc đó. Đối với Vronxki, ông dẹp bỏ mọi suy xét cá nhân.
Lúc này, trước con mắt Xergei Ivanovich, Vronxki đóng một vai trò hợp tác quan trọng trong một sự nghiệp vĩ đại và Koznưsev thấy bổn phận của ông là phải cổ vũ, khuyến khích. Ông đến gần chàng.
Vronxki dừng bước, nhìn vào mặt Xergei Ivanovich và khi nhận ra, liền tiến lên mấy bước xiết chặt tay ông.
- Có lẽ ông không muốn gặp tôi, - Xergei Ivanovich nói. - Tôi có thể giúp ông được việc gì không?
- Lúc này, tôi thấy gặp ông là đỡ khó chịu nhất. Xin ông tha lỗi. Đối với tôi, cuộc sống giờ đây không còn gì vui thú nữa.
- Tôi hiểu và muốn được giúp đỡ ông, - Xergei Ivanovich nói, đôi mắt đăm đăm nhìn vào khuôn mặt đau khổ của Vronxki.
- Ông có cần thư giới thiệu với Rixtic, với Milang(1) không?
- Ồ, không! - Vronxki nói, như phải khá vất vả mới hiểu nổi câu nói trên. - Nếu ông không thấy phiền thì ta đi dạo một chút. Trong toa xe ngột ngạt quá! Thư giới thiệu ư? Không, xin cảm ơn; đi vào chỗ chết thì cần gì giới thiệu. Trừ phi gửi thư cho quân Thổ… - chàng nói, chỉ hơi nhếch mép mỉm cười. Đôi mắt chàng vẫn đượm vẻ đau buồn và bực bội.
- Phải, nhưng nó sẽ tạo thuận lợi cho ông trong quan hệ với một người sẵn sàng giúp ông, dù sao, sự giao thiệp này cũng cần thiết. Nhưng thôi, cái đó tuỳ ông. Tôi rất sung sướng khi được biết quyết định của ông. Người ta dèm pha tình nguyện quân rất nhiều: một người như ông sẽ nâng giá trị họ lên trước dư luận quần chúng.
- Ưu điểm duy nhất của tôi là không thiết sống nữa, - Vronxki nói. - Tôi biết mình còn đủ thể lực để chọc thủng một thế trận hoặc bị giết tại trận. Và tôi sung sướng tìm được một lí do để từ bỏ cuộc sống, chẳng những không chút cần thiết mà còn nặng nề đối với tôi. Cái đó cũng có thể giúp ích cho người nào đó.
Gò má chàng giật thon thót. Một cơn đau răng nhức nhối không lúc nào dịu đi ngăn không cho chàng nói năng với giọng điệu mong muốn.
- Ông sẽ hồi sinh, tôi xin nói trước như vậy, - Xergei Ivanovich xúc động nói. - Giải phóng anh em ta khỏi ách áp bức là một mục đích xứng đáng cho ta sống và chết vì nó. Cầu Chúa ban phước lành cho ông thắng lợi trong sự nghiệp và yên tĩnh trong tâm hồn, - ông nói và chìa tay cho chàng.
Vronxki bắt tay Xergei Ivanovich thật chặt.
- Với tư cách là công cụ, tôi vẫn còn đôi chút ích lợi. Nhưng xét về mặt con người, tôi chỉ còn là dư tàn, - chàng chậm rãi nói.
Cơn đau nhói buốt làm miệng chàng đầy ứ nước dãi và không nói được. Chàng nín lặng; mắt chàng dừng lại ở những bánh xe một toa than đang từ từ lướt tới. Đột nhiên, một nỗi bồn chồn mơ hồ và nặng trĩu làm chàng quên cơn đau răng trong chốc lát. Do nhìn toa than và đường ray, dưới tác động của cuộc trò chuyện với một người bạn chưa có dịp gặp lại từ khi xảy ra tai hoạ, chàng đột nhiên nhớ tới nàng hoặc đúng hơn nhớ tới những gì còn lại của thi thể nàng khi chàng bước vào căn nhà lán trong ga như một thằng điên; tấm thân đẫm máu vừa lìa cuộc sống nằm phơi ra trơ trẽn trước mắt những người xa lạ; cái đầu còn nguyên vẹn ngật ra đằng sau với bím tóc dày nặng cùng những búp loăn xoăn hai bên thái dương: trên khuôn mặt xinh đẹp hiện lên đờ đẫn một vẻ kì lạ, thiểu não với đôi môi tươi tắn hé mở, dễ sợ, với cặp mắt mở to như muốn nhắc lại lời đe doạ thốt ra trong cuộc cãi lộn: "Rồi anh sẽ phải hối hận về việc này!".
Chàng cố gợi lên hình ảnh nàng đúng như lần đầu gặp ở ga: bí ẩn, quyến rũ, đa tình, cùng một lúc vừa tìm kiếm vừa ban phát hạnh phúc, chứ không phải như chàng trông thấy vào giây phút cuối cùng: dữ tợn và khao khát trả thù. Chàng cố nhớ lại những giờ phút đẹp đẽ nhất trong đoạn đời đã qua của họ; những giờ phút đó vĩnh viễn bị thẩm độc rồi. Sắc diện duy nhất giờ đây chàng thấy ở nàng là vẻ đắc thắng, sau khi thực hiện được lời đe doạ: và sự hối hận từ nay sẽ giày vò chàng mà chẳng ích lợi gì cho ai. Chàng không thấy đau răng nữa và những tiếng nức nở làm cho khuôn mặt chàng dúm lại.
Chàng dạo mấy bước dọc theo những ba lô chất đống và sau khi đã trấn tĩnh lại, chàng bình thản quay về phía Xergei Ivanovich.
- Ông có xem những tin điện sau bản hôm qua không? Bọn chúng bị đánh bại lần thứ ba, người ta đang chờ đợi một trận quyết chiến trong ngày mai.
Và sau khi bàn bạc thêm về lời tuyên ngôn của Milang vừa xưng vương cùng những hậu quả to lớn mà việc đó có thể đưa lại, họ chia tay và mỗi người bước lên toa xe của mình sau tiếng chuông thứ hai.
Chú thích:
(1) Tên Thủ tướng và Quốc vương Xecbi
Quyển 8
Chương 6
Vì không biết lúc nào có thể rời Moskva nên Xergei Ivanovich không đánh điện báo cho em trai đi đón khi ông tới nơi. Lúc Katavaxov và Xergei Ivanovich, đen nhẻm vì bụi đường, từ chiếc xe ngựa tối tân thuê ở ga bước xuống trước căn nhà tại Pokhrovxcoie vào khoảng giữa trưa, Levin lại đi vắng. Kitty đang ngồi trên bao lơn với bố và chị, nhận ra anh chồng, liền chạy vội xuống đón.
- Anh tệ thế, về mà chẳng báo trước cho chúng em biết gì cả, - nàng vừa nói vừa chìa tay cho Xergei Ivanovich bắt và giơ trán để ông hôn.
- Chúng tôi đã đi đến nơi đến chốn không cần phiền nhiễu chú thím, - Xergei Ivanovich trả lời. Người tôi bụi bặm đến nỗi không dám chạm vào thím nữa. Tôi bận quá không biết lúc nào dứt ra được. Thế còn thím, - ông mỉm cười nói, - thím vẫn tiếp tục hưởng hạnh phúc bình yên trong nơi ẩn dật, tách ngoài dòng đời đấy chứ. Và đây, ông bạn Fedor Vaxilievich của chúng ta, rốt cuộc, cũng đã quyết định về chơi đấy.
- Tôi không phải là mọi đâu; tắm rửa xong, tôi cũng sẽ giống mọi người, -Katavaxov nói với vẻ châm biếm quen thuộc, bắt tay Kitty và mỉm cười: bộ mặt đen nhẻm của ông càng làm nổi hàm răng trắng bóng.
- Kôtxtya sẽ rất vui sướng. Anh ấy đang ở ngoài trại. Chắc cũng sắp về bây giờ đấy.
- Lúc nào cũng bận bịu việc canh tác. Ông bà ở đây thực là kín. Ngoài thành phố giờ đây, chỉ toàn bàn chuyện chiến tranh Xerbi. Ông bạn chúng tôi nghĩ thế nào về vấn đề đó? Chắc ông ấy không đồng ý với mọi người?
- Có chứ, tôi chắc vậy, - Kitty trả lời, hơi lúng túng và đưa mắt nhìn Xergei Ivanovich. - Để tôi cho đi tìm anh ấy về. Ba tôi hiện cũng đang ở đây. Ông cụ vừa ở nước ngoài về chưa được bao lâu.
Sau khi sai đi tìm Levin và dẫn khách đi rửa ráy, người ở buồng giấy, người ở căn phòng cũ của Đôly, Kitty sai dọn ăn sáng cho khách và chạy trở về bao lơn, sung sướng vì được vận động thoải mái, điều không được phép làm trong thời gian có mang.
- Đó là Xergei Ivanovich và giáo sư Katavaxov, - nàng nói.
- Ồ, đến vào lúc nóng nực thế này, quả là cái tội cái nợ, - lão quận công nói.
- Không đâu, ba ạ, anh ấy rất tốt và Koxtia quý anh ấy lắm, - Kitty nói với một nụ cười cầu khẩn vì thấy cha tỏ vẻ giễu cợt.
- Thì ba có bảo sao đâu.
- Chị thân yêu, chị ra gặp và tiếp họ nhé.- Kitty quay lại nói với chị. Họ có gặp Xtiva ở ngoài ga: anh ấy khoẻ lắm. Em đi bế Mitia đây. thật hỏng quá, từ sau bữa trà đến giờ, em vẫn chưa cho nó bú. Nó dậy rồi và chắc đang khóc đấy, và thấy sữa đã ứ lên bầu vú, nàng vội chạy sang buồng trẻ.
Đây không phải chỉ là ước đoán đơn thuần mà là biết chắc (mối dây nối liền nàng với đứa trẻ chưa dứt): thấy sữa ứ lên bầu vú, nàng biết ngay con đang đói.
Nàng biết nó sẽ khóc thét trước khi nàng kịp đến gần phòng trẻ. Và quả thực, nó đang khóc. Nghe tiếng khóc, nàng rảo bước. Nàng càng vội, nó càng khóc to hơn. Giọng nó tốt, khoẻ nhưng có vẻ đang đói và giục giã.
- Em khóc lâu chưa? - nàng hỏi vú nuôi, ngồi xuống ghế tựa và cởi nịt vú ra. - Đưa em đây cho tôi, nhanh lên. ồ, chị đến là nhiễu sự! Chị buộc dải mũ cho nó sau cũng được.
Đứa bé khóc nhiều khản cả cổ.
- Cứ nhẩn nha mợ ạ, - Agafia Mikhailovna nói, bà ta gần như không lúc nào rời phòng trẻ.
- Phải mặc cho tươm tất chứ. Âu! âu! - Bà ta ầm ừ dỗ đứa trẻ, không để ý tới người mẹ.
Chị vú nuôi ẵm đứa bé lại cho Kitty. Agafia Mikhailovna theo sau, mặt hớn hở, âu yếm.
- Nó quen tôi, nó quen tôi đấy. Nó nhận ra tôi, thật đấy, thật như Chúa trời có thật vậy, Ecaterina Alecxandrovna ạ, - bà ta nói, tiếng còn to hơn cả tiếng khóc thét của thằng bé.
Nhưng Kitty không nghe bà ta nói. Sự sốt ruột của nàng tăng lên cùng lúc với sự sốt ruột của đứa trẻ.
Sự nôn nóng đó làm cả hai hồi lâu không đạt tới mục đích. Đứa trẻ không bú trúng nụ hoa và càng gắt tợn.
Rốt cuộc, sau khi đứa bé sặc sụa lồng lộn bú trượt lần cuối vào khoảng không, mọi sự đi đến chỗ ổn thoả. Hai mẹ con tự nhiên nguôi dịu, cùng nín lặng.
- Tội nghiệp thằng bé, mồ hôi mồ kê đầm đìa, - Kitty khẽ nói và sờ nắn đứa trẻ.
- Tại sao u cho là em nhận ra u? - nàng nói và ghé nhìn đôi mắt đứa bé như đang ranh mãnh - nàng cho là thế - liếc mẹ dưới chiếc mũ sụp xuống tận rán, nhìn đôi má xinh xắn đang phập phồng đều đặn và bàn tay bé tí tẹo đỏ hồng đang quơ tròn.
- Không có lẽ! Nếu nó nhận ra ai thì chỉ là tôi thôi! - Kitty nói và mỉm cười.
Nàng mỉm cười vì tuy phủ nhận điều đó, trong thâm tâm nàng vẫn biết không những nó nhận ra Agafya Mihailôpna mà còn hiểu biết và nhận ra tất cả, kể cả những cái không ai biết và chính nàng, mẹ nó, cũng phải nhờ nó mới biết và hiểu ra. Đối với Agafia Mikhailovna, với vú nuôi, với ông nó, ngay với cả bố nó, Mitia là một sinh thể mới chỉ đỏi hỏi những chăm chút vật chất thôi, nhưng riêng mẹ nó từ lâu đã xem nó như một nhân cách tinh thần có những liên hệ trí tuệ phức tạp với nàng.
- Khi nào em dậy rồi mợ sẽ thấy. Tôi chỉ cần ra hiệu thế này là mặt nó sáng ngời lên, cái chú bé kháu khỉnh này. Thật y như mặt trời mọc ấy!
- Thôi được, thôi được, rồi sau sẽ hay, - Kitty khẽ nói. - Bây giờ u hãy đi ra, em ngủ đấy.
Quyển 8
Chương 7
Agafia Mikhailovna rón rén đi ra; chị vú nuôi hạ rèm cửa, đuổi mấy con ruồi đã chui vào màn nôi và cả con ong bầu vẽ húc đầu vào cửa kính, rồi ngồi xuống và phe phẩy trên đầu hai mẹ con một nhành bạch dương chớm héo.
- Nóng quá! Giá ông trời mưa xuống một tí nhỉ, - chị ta nói.
- Ừ, ừ, suỵt…- Kitty nói, khẽ lắc lư người và âu yếm ghì lấy cánh tay nhỏ bé, mũm mĩm như có sợi chỉ buộc ngấn cổ tay vẫn đang ngọ nguậy của Mitia, thằng bé khi thì nhắm mắt, lúc lại hé mở. Cánh tay bé nhỏ đó làm Kitty bối rối: nàng thèm hôn nhưng lại sợ con thức giấc. Cuối cùng, cánh tay bé nhỏ thôi ngọ ngậy và đôi mắt nhắm lại. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, chú bé lại tiếp tục bú và dướn đôi hàng mi dài cong lên nhìn mẹ: đôi mắt ươn ướt của nó đen láy trong khoảng tranh tối tranh sáng. Chị vú nuôi thôi phe phẩy cành bạch dương và gà gà ngủ. Từ gác trên vang xuống giọng nói của lão quận công và tiếng cười của Katavaxov.
"Vắng mình chuyện vẫn rôm rả, Kitty thầm nghĩ, nhưng kể cũng tiếc là Koxtia không có nhà. Chắc chàng còn đến vườn nuôi ong. Chàng cứ đi luôn, kể cũng buồn, nhưng mình vẫn bằng lòng. Như thế chàng mới khuây khoả. Độ này, chàng vui và khoẻ hơn dạo mùa xuân. Dạo ấy, chàng lầm lì, buồn phiền đến nỗi mình đâm lo. Chàng đến là ngộ nghĩnh! Nàng mỉm cười thì thầm.
Nàng hiểu cái gì đã giày vò chồng. Đó là sự vô tín ngưỡng. Nếu ai hỏi ở thế giới bên kia, kẻ vô tín ngưỡng có được cứu vớt linh hồn không, nàng ắt trả lời là không, ấy thế mà sự vô tín ngưỡng của chồng không hề làm nàng đau khổ: một mặt thừa nhận rằng kẻ vô đạo không được cứu vớt linh hồn, mặt khác lại yêu quý linh hồn chồng hơn mọi thứ trên đời, nàng mỉm cười thầm nghĩ tới sự vô tín ngưỡng của chồng và tự nhủ chàng thật là ngộ nghĩnh.
"Vì sao chàng đọc triết học hoài, hết năm này sang năm khác? Nàng thầm nghĩ. Nếu mọi chuyện đều có trong sách, làm gì chàng chẳng hiểu. Nhưng nếu sách chỉ nói những điều dối trá thì đọc làm gì? Chính chàng cũng nói là muốn tin đạo. Thế thì tại sao chàng lại không tín ngưỡng? Chắc chàng suy nghĩ nhiều quá chăng? Và nếu chàng suy nghĩ nhiều quá, đó là vì chàng cô độc. Chàng bao giờ cũng cô độc. Có những chuyện chàng không thể nói với bọn mình được. Mình chắc hai ông khách này sẽ làm chàng vui thích, nhất là Katavaxov. Chàng vốn thích tranh luận với ông ta", nàng thầm nghĩ và lập tức nhớ tới việc xếp đặt chỗ ở cho Katavaxov: nên sắp xếp cho ông ấy ngủ riêng hay ngủ cùng buồng với Xergei Ivanovich đây? Ngay lúc đó, một ý nghĩ khiến nàng giật mình, đụng vào Mitia khiến nó gườm gườm nhìn nàng. "Hình như Pratxca vẫn chưa mang đồ giặt về. Thế là thiếu vải trải giường cho khách. Nếu mình không mó tay vào, khéo Agafia Mikhailovna đưa cho Xergei Ivanovich vải trải giường dùng dở mất thôi…" Chỉ nghĩ tới việc đó, máu đã dồn lên mặt. "Mình phải đi thu xếp mới được", nàng quyết định và trở lại những ý nghĩ lúc đầu, nàng sực nhớ mình đang suy nghĩ dở chừng về một vấn đề tâm tình quan trọng và cố moi trong đầu xem đó là chuyện gì. "À phải, Koxtia là người vô tín ngưỡng", nàng mỉm cười nhớ lại.
"Mặc kệ! Mình thích chàng cứ mãi mãi như thế, còn hơn như bà Stan hoặc như mình đã làm hồi ở nước ngoài. ít nhất, chàng cũng không bao giờ đạo đức giả".
Và một hành động nhân từ mới đây của chồng trở lại rõ ràng trong đầu nàng. Hai tuần trước, Stepan Ackađich viết cho vợ một bức thư sám hối. Ông van xin bà cứu vớt danh dự bằng cách bán trại ấp để trang trải công nợ cho ông. Đôly đã đến nước tuyệt vọng: bà căm ghét, khinh bỉ chồng, rồi lại thương hại; sau đó, bà quyết định li hôn và cự tuyệt yêu cầu đó nhưng rồi cuối cùng, cũng bằng lòng bán đi một phần ruộng đất. Kitty bất giác nở một nụ cười xúc động khi nhớ lại thái độ lúng túng của chồng, tất cả những cung cách vụng về rào đón để cuối cùng để nghị với nàng một biện pháp duy nhất, bất ngờ đối với Kitty, nhằm giúp đỡ Đôly mà không làm bà mếch lòng: nhường lại phần tài sản của họ cho bà.
"Vô đạo ư? Với tấm lòng như vậy, chỉ sợ xúc phạm đến bất cứ ai, kể cả đứa trẻ con, thế mà là vô đạo à? Tất cả vì người khác, không dành lại chút gì cho mình cả.
Xergei Ivanovich coi chàng như quản gia của anh ấy. Cả bà chị cũng vậy. Giờ đây, Đôly và các cháu lại nhờ vả chàng. Chàng tự đặt cho mình nhiệm vụ giúp đỡ tất cả những nông dân hàng ngày đến gặp chàng… Phải, chỉ cần con giống được như bố, mẹ chỉ mong có thế thôi", nàng kết luận, đôi môi hôn nhẹ lên má con và đưa Mitia cho vú nuôi.
Quyển 8
Chương 8
Kể từ lần đầu tiên, bên người anh hấp hối, Levin chuyển sang nhìn vấn đề sống và chết theo cái quan điểm mới (chàng gọi như vậy), mà, vào khoảng từ hai mươi đến ba mươi tư tuổi, đã dần dà thay thế cho tín ngưỡng hồi thơ ấu và thanh niên, chàng thấy cái chết không làm cho chàng hoang mang bằng sự sống. Chàng hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc, mục đích và bản chất sự sống. Cơ thể, sự huỷ diệt của cơ thể, sự bất diệt của vật chất, luật bảo tồn năng lượng, sự tiến hoá: đó là những danh từ đã thay thế cho tín ngưỡng cũ của chàng. Những danh từ đó cùng những khái niệm liên quan đều rất tốt về phương diện tri thức; nhưng trong cuộc sống, những danh từ đó thật vô ích và Levin cảm thấy như đột nhiên rơi vào cảnh huống một người vừa đem đổi cái áo choàng lót lông ấm áp lấy một cái áo the và lần đầu tiên, trong không khí giá buốt, đành phải thừa nhận, không phải qua suy luận mà bằng cảm giác toàn thân, rằng mình gần như trần truồng và không thể tránh khỏi cái chết đau đớn.
Kể từ đó, mặc dầu không tự giác và vẫn tiếp tục sống như trước, Levin luôn luôn hiếp sợ vì sự ngu dốt của mình.
Hơn nữa, chàng mơ hồ cảm thấy cái mà chàng gọi là quan điểm mới, ngoài sự bất tri, còn thể hiện một chiều hướng tư duy khiến chàng không hiểu nổi những điều cần hiểu.
Lúc đầu, việc hôn nhân cùng những niềm vui và bổn phận mới mẻ đã lấn át những ý nghĩ đó; nhưng thời gian gần đây sống nhàn rỗi ở Moskva, sau lần sinh đứa con, Levin cảm thấy một nhu cầu ngày càng thường xuyên và cấp bách là phải giải quyết vấn đề kia.
Vấn đề đặt ra như sau: "Nếu ta không thừa nhận sự giải đáp của đạo Cơ đốc đối với các vấn đề của cuộc sống thì ta sẽ thừa nhận cách giải đáp nào?". Và trong cả cái kho tín niệm của mình, không những chàng không thể tìm được câu giải đáp nào mà ngay cả một cái gì từa tựa như thế cũng chẳng có nốt.
Chàng giống như người đi tìm thức ăn ở một cửa hàng đồ chơi hoặc một kho vũ khí.
Giờ đây, một cách không tự giác và vô ý thức, chàng đi tìm trong mỗi cuốn sách, mỗi lần trò chuyện, mỗi con người, những mối liên quan và cách giải đáp những vấn đề kia.
Điều làm chàng ngạc nhiên và thất vọng hơn cả, là đa số những người cùng môi trường và cùng lứa tuổi với chàng, sau khi đánh đổi tín ngưỡng cũ lấy quan điểm mới như chàng, vẫn không hề vì thế mà khổ hơn, vẫn hoàn toàn an tâm và mãn nguyện. Cho nên, bên cạnh vấn đề trung tâm đó, Levin còn băn khoăn với những câu hỏi khác: những người đó có thành thực không? Họ có đóng kịch không hoặc giả, khác với chàng, họ đã hiểu rành rọt hơn những câu giải đáp do khoa học mang lại cho những vấn đề chàng đang quan tâm chưa? Và chàng lao vào chuyên tâm nghiên cứu cả những ý kiến của họ lẫn những sách báo nêu lên các câu giải đáp.
Từ khi lăn vào tìm tòi, chàng chỉ phát hiện ra một điều duy nhất: chàng đã lầm khi cùng các bạn đồng môn ở Đại học võ đoán là tôn giáo hết thời rồi. Tất cả những người thân thuộc mà đời sống khiến chàng khâm phục đều có tín ngưỡng. Cả lão quận công, cả Lvov, cả Xergei Ivanovich và tất cả phụ nữ đều tín ngưỡng; vợ chàng cũng tín ngưỡng như bản thân chàng lúc thiếu thời đã từng tín ngưỡng; chín mươi chín phần trăm nhân dân Nga, toàn thể dân tộc mà cuộc sống gợi cho chàng niềm tôn kính chân thành, đều tín ngưỡng.
Sau khi đọc rất nhiều sách, chàng có thể yên trí là những người đồng ý với mình đều không coi quan điểm đó có ý nghĩa gì đặc biệt cả: họ chỉ cần phủ nhận những vấn đề đó là đủ, trong khi chàng cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không tìm ra cách giải đáp, và họ ra sức giải quyết những vấn đề khác mà chàng không hơi đâu quan tâm tới, thí dụ sự tiến hoá của cơ thể, cách giải thích cơ học về linh hồn, v.v…
Hơn nữa, trong thời gian vợ đẻ, một điều kì lạ đã xảy ra. Chàng, con người vô tín ngưỡng, chàng đã cầu nguyện và trong lúc cầu nguyện, chàng đã tín ngưỡng. Nhưng giây phút đó vụt qua đi và chàng không thể gán cho cái tâm trạng thoáng qua đó một vị trí nào trong cuộc sống hiện nay của mình.
Chàng không thể thừa nhận là hồi đó mình đã nắm được chân lí rồi trở lại sai lầm, vì mỗi lần bình tĩnh nghĩ lại thì tất cả đều vụn ra như cám; chàng cũng không thể thừa nhận là lúc đó mình lầm lẫn vì chàng luôn quý trọng những giờ phút quá khứ đó: nếu coi đó là yếu đuối, chẳng hóa ra bôi nhọ giây phút đó sao. Chàng đau đớn thấy mình tự mâu thuẫn với mình, và vươn hết sức lực tâm hồn để thoát khỏi tình trạng đó.
Quyển 8
Chương 9
Những tư tưởng đó dằn vặt chàng lúc dữ dội, lúc dịu đi, nhưng không bao giờ buông tha hẳn. Chàng đọc sách và suy nghĩ, nhưng càng đọc sách và suy nghĩ, càng thấy xa cái mục đích hằng theo đuổi. Thời gian gần đây, ở Moskva và ở nông thôn, đinh ninh là không thể tìm thấy lời giải đáp ở những nhà duy vật, chàng đọc lại Platon, Xpinôza, Kăng, Selinh, Heghen và Xcôpenhao, những triết gia tìm cách giải thích cuộc sống ở cái khác ngoài vật chất. Chàng thấy những tư tưởng đó chỉ phong phú khi dùng để bác bỏ học thuyết khác, đặc biệt những học thuyết duy vật; nhưng mỗi khi dùng để giải đáp vấn đề, chàng bao giờ cũng thấy mình đứng nguyên chỗ cũ. Sau phần định nghĩa dài dặc những danh từ mơ hồ như: tinh thần, ý chí, tự do, thực chất, cố ý tự gieo mình vào cái cạm-bẫy-danhtừ do các triết gia dăng ra hoặc tự mình dăng ra, chàng thấy hình như bắt đầu hiểu ra ít nhiều. Nhưng chỉ cần quên quá trình giả tạo đó của tư tưởng và quay lại tiếp xúc với cuộc sống, quay lại những cái làm chàng mãn nguyện khi suy nghĩ theo một đường dây định sẵn, là đột nhiên tất cả cái dàn dáo giả tạo đó sụp đổ như toà lâu đài bằng quân bài giấy và chàng thấy rõ toà dinh thự đó chỉ xây bằng những danh từ được di chuyển vị trí, thiếu sự trợ lực của một cái gì trong cuộc sống còn quan trọng hơn lí tính.
Một hôm, nhân đọc Xcôpenhao, chàng đã thử thay thế cái ông ta gọi là ý chí bằng tình yêu và triết học mới này làm chàng yên tâm được vài ngày trước khi từ bỏ nó; nhưng khi trở về tiếp xúc với cuộc sống, chàng quay lại nhìn thì nó cũng sụp đổ như mọi triết học khác: chàng thấy nó cũng giống bộ quần áo the, không sao chống nổi cái rét.
Ông anh Xergei Ivanovich khuyên chàng đọc những trước tác thần học của Khomiacov, Levin liền đọc tập hai của tác phẩm đó và mặc dầu cái giọng luận chiến cùng bút pháp kiểu cách lúc đầu làm chàng chán ghét, chàng vẫn xúc động vì học thuyết của ông ta về giáo hội. Thoạt đầu, chàng ngạc nhiên chú ý tới ý kiến cho rằng sự giác ngộ chân lí thần thánh không phải dành cho một người, mà cho khối cộng đồng những người gắn bó với nhau bằng tình yêu, tức là giáo hội. Sau đó, chàng vui sướng với ý kiến cho rằng cứ tin ở một giáo hội sống, liên kết mọi tín ngưỡng của tín đồ, có Chúa đứng đầu, do đó, là một giáo hội thần thánh, không thể lầm lỗi, rồi sau mới tiếp thu lời răn dạy của giáo hội về Chúa, sự sáng thế, sự sa ngã và sự chuộc tội, làm thế dễ dàng hơn là bắt đầu bằng tín Chúa, một đức Chúa Trời thần bí và xa xôi, sự sáng thế v.v… Nhưng ít lâu sau, đọc xong hai quyển lịch sử giáo hội, quyển thứ nhất do một nhà văn Cơ đốc giáo viết và quyển kia do một nhà văn Chính giáo viết, chàng nhận thấy hai cái giáo hội căn bản không thể lầm lỗi đó đã phủ định lẫn nhau: trước mắt chàng, cả học thuyết của Khomiacov cũng mất nốt vẻ lí thú và toà kiến trúc đó tan thành tro bụi như những kiến trúc khác của mọi triết gia.
Suốt mùa xuân, chàng không còn là chàng nữa và phải trải qua những giây phút khủng khiếp.
"Nếu không biết mình là cái gì và tại sao mình tồn tại, thì quả là không thể sống được. Và mình không biết điều đó, vậy mình không thể sống được", Levin tự bảo.
"Trong khoảng vô tận của thời gian, vật chất và không gian, một bong bóng hữu cơ đã hình thành, tồn tại ít lâu, rồi nổ vỡ. Và cái bong bóng đó… chính là ta".
Lời nguỵ biện đau đớn đó là kết quả duy nhất và cuối cùng của những suy tưởng hàng trăm năm nay của con người trên bước đường đó.
Đó là niềm tin tối hậu nâng đỡ toàn bộ những tìm tòi của trí tuệ con người trong hầu khắp các ngành. Đó là niềm xác tín bao trùm và giữa tất cả những cách giải thích khác, Levin tự mình cũng không hiểu vô hình chung, chàng đã thấm nhuần cách giải thích đó từ lúc nào và như thế nào, chắc hẳn vì đó là cách giải thích rõ ràng nhất.
Song, đó không chỉ là một lời nguỵ biện mà còn là sự nhạo báng bỉ ổi của một thế lực yêu quái và thù địch mà ta không có quyền khuất phục. Phải tự giải thoát khỏi thế lực đó. Và sự giải thoát đó vừa tầm khả năng mỗi người. Phải chấm dứt sự chế ngự của thế lực xấu xa đó. Chỉ còn một phương tiện duy nhất: cái chết.
Và người bố của gia đình hạnh phúc đó, con người khỏe mạnh đó nhiều lần đã suýt tự tử, đến nỗi phải cất giấu từ sợi dây nhỏ nhất e có lúc nảy ra ý định thắt cổ và mỗi lần cắp súng đi săn, lại sợ sẽ tự bắn vào sọ mình.
Nhưng Levin không tự tử và tiếp tục sống.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...