Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Cái cũ trong một truyện ngắn mới đoạt giải

Cái cũ trong một
truyện ngắn mới đoạt giải

Phải nói ngay: "Người giữ cồn", truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng (Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long 2005, đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 19-2-2006) là một truyện viết theo lối hiện thực đến quá cụ thể, và có thể thuật lại được dễ dàng.
Tôi xin không nhiều lời thuật lại truyện nói trên. Câu chuyện kể về một mối tình hình thành trong quá trình chiến đấu chống thực dân (có thể gọi là mối tình trong quá khứ), nhân vật nữ về sau hy sinh, nhân vật nam - người du kích/ biệt động năm xưa ở lại trên cồn để giữ ngôi mộ người yêu. Ðan xen vào đó là một mối tình diễn ra gần đây (có thể gọi là mối tình đương đại). Có thêm hình ảnh một cây cầu sắp được xây dựng, một mố cầu sẽ nằm trên cồn (mang tên Thương) này. Tác giả dựa vào cốt truyện trên để đưa thông điệp của mình.
Truyện đưa ra một số [thông điệp/đại tự sự] như sau:
Những người đã chiến đấu, hy sinh đánh đuổi xâm lăng cần được mãi mãi ghi nhớ (ông già giữ cồn và "tôi" là hai nhân vật đã và đang làm điều này).
Có những người (Thy - người yêu của "tôi" - đại diện một bộ phận lớp trẻ hôm nay) bàng quan trước truyền thống ấy và đáng khinh.
Truyền thống lịch sử ấy nay được hiện thực đắp bù bởi sự phát triển, giàu đẹp của quê hương (biểu hiện qua hình ảnh cây cầu hiện đại nối hai bờ sông).
Tất cả lồ lộ như thế, dụng công của người viết truyện này có chăng là mô tả thêm cảnh trời trăng sông nước, dáng vẻ nhân vật, v.v..., nhưng thủ pháp không hơn gì một bài báo được viết dưới dạng ký sự, phóng sự - xuất hiện khá nhiều trên các báo trong nước. Để cảm nhận thêm về điều này, xin đọc những trích dẫn ở đoạn sau (phần in nghiêng).
Theo tôi, truyện "Người giữ cồn" là một tác phẩm minh họa điển hình. Nghệ thuật văn chương ở đây hết sức nghèo nàn.
Truyện minh họa cho những ý [tưởng/niệm] rất to lớn. Những ý này có thể được tải đi trọn vẹn bằng (chỉ tính những loại hình sử dụng chữ viết):
Bài báo
Bài giảng đạo đức
Tài liệu tuyên truyền
Khẩu hiệu
Nhân nói về khẩu hiệu, đoạn cuối truyện tác giả dùng ngay "thể tài" này:
Tôi mở tờ giấy già Tám đưa, trong đó chỉ có duy nhất một dòng chữ viết nắn nót: “Nhắn những ai đi trên cây cầu này hãy nhớ, dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống!”. (...) Già muốn khi cây cầu khánh thành, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, tôi xin các cơ quan chức năng cho in hàng chữ này lên thành cầu...
Trong truyện, tác giả sử dụng những hình ảnh, điển cố, bị ảnh hưởng của những điển phạm cũ kỹ; thậm chí sử dụng từ ngữ sáo/mòn.
Dưới mộ là người vợ chưa cưới của ông. Bà trẻ mãi tuổi đôi mươi: Cố cũng không thể bứt ra nổi sự liên hệ đến tên cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi được in vô cùng nhiều gần đây.
Xin bớt chút thời giờ đọc đoạn đối thoại sau đây (giữa "tôi" và Thy - người yêu "tôi"):
“Em không biết à? Ðất nước mình hàng ngàn năm giặc giã nên đã mọc lên bao đá vọng phu, chẳng lẽ sự chung tình của những nàng Tô Thị cũng đáng trách sao?!’’
"Anh không được so sánh khập khiễng như vậy. Ðá vọng phu chỉ là huyền thoại, là truyền thuyết, em không tin có một nàng Tô Thị giữa đời thường... Còn ông già Tám biết chắc cô Thương đã chết, chính tay ông già Tám chôn cất vậy mà ngày đêm vẫn thắp đèn... Không khùng là gì... "
"Thật lòng em nghĩ vậy sao Thy? Vẫn biết đó là huyền thoại nhưng chẳng lẽ em nghi ngờ nốt những nàng Tô Thị giữa đời thường? Chẳng lẽ việc ông già Tám ngày đêm thắp đèn giữa cồn cho mọi người nhìn thấy mà nhớ về một thời oanh liệt, một thời máu trộn phù sa sông Hậu, em cũng nghi ngờ sao...? "
"Chiến công đã có tượng đài, liệt sĩ đã có những nghĩa trang..."
"Im! Im ngay! Cô... cô... tôi... tôi..."
Tôi thật sự kinh ngạc và đã vung tay lên nhưng kịp kiềm chế. Không lẽ tôi lại hạ một cái tát vào chính cái miệng mới lúc nãy đây thôi đã thề thốt yêu thương, vung cái tát vào cặp má bầu bầu có hai lúm đồng tiền làm bao đêm tôi mất ngủ, vung cái tát làm rối mái tóc dài đen tôi thường trốn mặt vào trong đó. Tôi kinh ngạc nhìn Thy sao thấy lạ hoắc huơ. (...) Chẳng lẽ đây là người không lâu nữa tôi và em sẽ thành chồng vợ, sẽ chung sức chung lòng, sẽ nhìn về một hướng và đi tới một đích?
Không thể không liên tưởng tới cuộc chia tay của đôi tình nhân mang nặng tính (phân biệt/đấu tranh) giai cấp được phản ánh trong Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky, 1904-1936), chỉ khác là mức độ tinh tế của Ostrovsky vẫn còn hơn Nguyễn Thế Hùng. Trong khi, một tác phẩm ra đời đã hơn 70 năm nay, còn một tác phẩm ra đời ngày 27-7-2005.
Một trong những bài bản của lối viết hiện thực cũ mòn tồn tại trên nửa thế kỷ nay ở Việt Nam là: truyện phải có thắt nút, mở nút, cao trào (xung đột, giải quyết xung đột). Bài bản này đã được áp dụng (nhưng kém thuần thục) trong truyện trên.
Nhận xét ngoại đề: Nhân vật "tôi" của Nguyễn Thế Hùng độc quyền chân lý đến mức không thèm chấp nhận một ly một lai lý luận của người yêu mình. Trong khi lý luận này có điểm khả chấp đấy chứ. Nhân vật khá hung hãn, nhưng may chưa động thủ. Có lẽ không cần động thủ vì đã kết án: (...) em không tin trên cuộc đời này có tình yêu, sự hi sinh, lòng thủy chung và cả những tấm lòng cao cả. Em không tin có một người đàn ông duy nhất để yêu, em không tin vào cuộc sống.
Ðoạn sau, số phận nhân vật Thy được định đoạt, được làm cho tầm thường đi theo tinh thần "yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng": (...) Thy chuẩn bị xuất ngoại theo chồng, người chồng chỉ quen biết qua mối mai.
Ðể tăng thêm phần bi thảm của cuộc hành hình thực dân tiến hành trên cồn, tác giả sắp đặt tới 3 người phụ nữ mang bầu: buổi sáng hôm đó, mười lăm người, trong đó có hai chị đang mang bầu, bị Tây trói quặt cánh khuỷu... Và (...) không nghe được cả tiếng rú của người mẹ trẻ trong cơn đau sinh nở, cơn đau mất chồng. Tiếng khóc oa oa chào đời cũng là tiếng khóc cha của một sinh linh mới chào đời. (...) trong phút cuối liệu chú (tên Mười - LAH chú thích) có kịp nghe tiếng con khóc...?
Chỉ cần một người bị hành hình, với sự chứng kiến của người vợ mang thai, nếu được tả thật sống động, với những chi tiết đặc thù [hoàn cảnh/nhân vật] cũng có thể trở thành tuyệt tác. Còn ở đây, chỉ là sự lạm phát và sơ lược gây phản cảm.
Ba ngày dưới nước vậy mà cổ vẫn đẹp, vẫn trắng, môi mọng như thoa son... Qua không nỡ chôn cổ xuống đất: Chi tiết này làm ai đã đọc truyện ngắn "Người chết trôi đẹp nhất trần gian" của G. García Marquez được dịch ra tiếng Việt không khỏi mỉm cười (còn những người chết trôi e rằng phải ngậm cười).
Có đồng nghiệp nói với tôi, truyện kiểu "Người giữ cồn" nhiều lắm, phê phán làm gì. Nhưng nhiều năm sau khi nhà văn Nguyễn Minh Châu - trước khi mất ít lâu - kêu gọi "Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa“ mà năm nay (2006), cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long 2005 vẫn trao cho "Người giữ cồn" giải nhất - theo tôi - là điều đáng nói.
1/3/2006
Lê Anh Hoài
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...