Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Sau khi Bóng đèXXX

Sau khi Bóng đè

Nhiều người hỏi, trách, thậm chí bực mình về chuyện tôi không một lời trước những phê bình ác ý, chửi bới, hay thóa mạ bấy lâu về Bóng đè và thậm chí về cả tác giả Bóng đè. Đầu tiên tôi cười trừ, sau đấy mỉm cười, sau nữa thì nhìn thẳng người đối diện, rồi trả lời: ‘‘Sau khi bị bóng đè, Diệu đã quên Bóng đè!’’ Quả thật, tôi tập quên những chiếc bóng đè, tôi đang quên nó và hy vọng ngày mai, tôi đã quên Bóng đè.
‘‘Đã’’ trong ‘‘ngày mai’’ có phải xem là một chi tiết phản động với quá khứ? Một phát súng lục bắn vào tương lai? Nhường câu trả lời cho hội đồng lý luận phê bình.
‘‘Đã’’, như trót mang tiếng, thì đội mũ gai một lần cho thoả lòng. Nếu kẻ đi điếu hay “bàng quan” thấy dài dòng, cũng xin niệm tình cho thiếu nữ đã bị bóng đè, cái đứa vắt mũi chưa sạch, miệng còn ngậm sữa mà dám báng bổ, hỗn hào không ai bì kịp này, như thiên hạ đã viết khá nhiều về tôi. Nhưng của đáng tội, văn chương chỉ toàn tu từ với suy nghĩ ọp ẹp leo trên cái thang lơ lửng mà đòi tới trời, lại chỉ huyễn hoặc ích kỷ của một cái tôi thiếu chiều sâu cả về văn hoá lẫn tình cảm, như thiên hạ đã “tung hô” như vậy, thì tôi còn biết làm gì nữa ngoài khấu đầu làm lễ “Bàng Quan” trước khi Mở Miệng. Nếu đọc xong mà vị nào muốn tát bốp vào mặt thì cũng xin hạ hoả, rằng con oắt đã khấu đầu làm lễ, như một cháu dâu trưởng sắp kế thừa di sản, đã biết thân biết phận sinh sau 75 nên chẳng hiểu gì về lịch sử, chiến tranh, quá khứ, và rằng nó đã thỏ thẻ xin chỉ thầm thì một lần duy nhất này nữa sau khi đã trân mình chịu đè. Có tát bốp chứ đè một trăm lần nữa nó cũng chẳng la làng. Mà ếch không kêu thì còn gì là giếng làng trời mưa!
“Bóng đè là cái gì? Nó từ đâu ra? Tại sao viết về nó? Làm sao dám viết về nó? Và viết như thế?” Đó là những câu hỏi của các bậc “tiền thối” và của các bậc huấn nghiệp, cháu dâu trưởng phải trả lời!
Tôi từng bị bóng đè nhiều lần. Và cái cảm giác nặng nề bị trói buộc, tứ chi bất động trong khi trí óc vẫn tỉnh táo đã hằn in vào tiềm thức. Nhiều năm nay, không còn bị bóng đè, cảm giác ấy vẫn hiện rõ mồn một. Chắc chắn nhiều người trên thế gian này cũng từng bị bóng đè như tôi. Chúng ta gọi hiện tượng ấy là bóng đè, chúng ta nói bị bóng đè, không ai nói được bóng đè. Như vậy có thể suy diễn bóng đè là việc không tốt cho con người. Chính vì thế, tôi mượn hiện tượng có thật này để viết truyện ngắn. Chính vì thế, tôi đặt tên truyện là “Bóng đè’’. Bao giờ cũng vậy, trong cái xấu có cái tốt, bị bóng đè sau “hoá giá” cũng có nghĩa được bóng đè!
Nhiều người bảo lão già Tàu trong “Bóng đè’’ là chủ tịch nhà nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, già Thượng trong “Dòng sông hủi’’ là vấn đề sắc tộc thiểu số hiện nay, và “Vu quy’’ thể hiện sự chối bỏ, ruồng rẫy chủ nghĩa Marx ở Việt Nam bây giờ. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều là tiềm thức của tôi linh cảm đời sống và tôi viết ra những linh cảm của mình về đời sống, còn ý đồ thuộc về các nhà phê bình. Nếu những truyện ngắn của tôi có trùng hợp với thời sự Việt Nam lúc này thì giản dị vì chúng chuyển tải những linh cảm hàng ngày của tôi với xã hội. Tôi bị rất nhiều bài báo kết tội, và mỗi lần như thế, tôi không tức, không buồn. Tôi chỉ tự hỏi tại sao đến cả những linh cảm cá nhân của một công dân sống trong xã hội cũng bị xem là một trọng tội khi chúng được viết thành lời? Linh cảm có phải là tội ác? Khi các triết gia tuyên bố “không có gì về con người mà xa lạ đối với tôi”... Tôi đâu có viết điều gì xa lạ với con người? Tôi đang sống ở thời đại nào? Xã hội Việt Nam có đang ở đầu thế kỷ 21 hay không? Hay đang là thời Hán thuộc Mã Viện? Tôi tiếp tục linh cảm vì không ngăn được và vì tôi biết đấy là cách thức duy nhất giúp tôi tồn tại, vì không ai có thể ngăn được một con người linh cảm về đồng loại và xã hội mình đang sống. Ước mơ có thể bị bóng đè nát, nhưng linh cảm thì xảy đến trước lúc bị đè. Tôi sống bằng linh cảm, yêu bằng linh cảm và viết văn cũng bằng sự linh cảm của mình. Khi viết truyện tôi chỉ làm công việc xếp tất cả những linh cảm ấy thành một câu chuyện.
Đông La có lý ở một điểm. Tôi chưa đầy 30 khi viết “Bóng đè’’, “Dòng sông hủi’’, “Vu quy’’ hay “Tình chuột’’. Chính xác là giữa 27, 28 tuổi. Tôi thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự từng trải và cả kiến thức. Nhưng Đông La cũng thừa nhận có hai kiểu viết văn. Một kiểu tả chân, viết bằng vốn sống, bằng hiện thực đang hiện hữu. Một kiểu viết bằng trực giác, bằng trí tuệ mà hiện thực chỉ là cái cớ như kiểu Trăm năm cô đơn hay Tội ác và trừng phạt. Và Đông La xếp tôi vào dạng thứ hai. Nhưng rồi cũng chính Đông La lại cởi trói cho tôi: Khi nào sống lâu 50 tuổi, vốn sống và trải nghiệm nhiều hơn, tôi nên viết khác, sẽ viết khác. Tôi nghĩ linh cảm, trực giác nhiều khi không liên quan đến tuổi tác và cũng không có tuổi. Nó bắt nguốn từ sự nhạy cảm liên kết cùng trí tưởng tượng. Tôi biết Trần Vũ viết “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu’’ năm 26 tuổi và chưa một lần đặt chân đến Hà Nội.
Vậy, xin khấu đầu làm lễ bác Đông La trước tiên. Bác cộc đầu tôi mà dạy rằng: thiếu hiểu biết, nhìn nhận sai lệch thì làm sao đủ sức giải bài toán lớn của văn chương, của xã hội, của dân tộc mà lại hỗn hào báng bổ thần tượng của dân tộc (Tôi đính chính lại là của Đảng), “Các Mác - Một tình yêu bao la’’? Bác Đông La học rộng, biết nhiều “khoa học kỹ thuật tiền tiến”, trước thềm huân chương Lenin, chắc không xa lạ lời Chekhov: “Nhà văn chỉ là người bắt mạch, chẩn đoán, không phải người kê đơn, bốc thuốc.” Tôi viết dựa vào linh cảm, mà linh cảm ấy xuất phát từ sự nhạy cảm, rồi sự nhạy cảm liên kết cùng trí tưởng tượng để trí tưởng tượng hoá thành giấc mơ từ hiện thực. Tuy là hư cấu hoàn toàn, nhưng có gì sai trái khi phần ảo của con người rồi cũng sẽ thành phần thật của đời sống, khi đời sống được chỉ đạo bởi chính quyền mà chính quyền đeo đuổi phần ảo của một lý thuyết nào đó? Tôi không làm một chính trị gia ra tranh chức Tổng thống nên phải tìm kế sách giúp đất nước thoát khỏi kiên định lạc hậu, tiến lên (…) Tôi chỉ đang lùng nhùng trong mớ linh cảm từ hiện thực vây quanh mình. Trong “Vu quy’’, tôi đâu để cô gái kết hôn cùng anh chàng Mỹ trắng hay anh chàng Mỹ gốc Việt hay làm tỳ thiếp cho lão Tàu xảo quyệt? Thiếu nữ đã kiên định con đường truyền thống. Trong “Dòng sông hủi’’, tôi không nỡ để già Thượng đánh chết tay giày đen người Kinh mang chứng hủi vô hình đến từ Hà Nội, để già Thượng bảo toàn cánh rừng già, giữ thiếu phụ bên mình? Thiếu nữ đã quỳ xuống bên cạnh chồng sau khi phát hủi. Viết “Vu quy’’ tình cờ va chạm đến “Các Mác, tình yêu bao la’’ của Đông La, tôi chỉ cho thiếu nữ vén rèm để nắng chan hòa tẩy xoá âm u. Còn sau đó, chuyện gì sẽ xảy ra, tôi đâu dám hỗn hào, báng bổ. Tôi vẫn tôn trọng tình yêu bao la của những người không đến được thiên đàng.
Tôi tự hào vì đất nước tôi trải qua ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thuộc địa nhưng vẫn là một quốc gia độc lập, và thậm chí còn biết giải phóng xứ Chiêm Thành mở mang bờ cõi. Tôi để họ, những nhân vật, độc giả và chính tôi “tự vấn”. Cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc vô vàn đã định danh một khái niệm văn học khá chính xác.
Tôi cũng chưa bao giờ nhận thấy mình “cách tân”, “hậu hiện đại” thưa nhà kê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn và đồng sự của anh. Dĩ nhiên, tôi rất cũ, vì phải bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc như tất cả mọi phụ nữ mà mọi đàn ông Việt Nam sau khi lập gia đình đều ước muốn. Tôi không thiện ý với phụ nữ uống rượu mạnh và hút thuốc lá, huống gì chơi thuốc lắc, hít hêrôin rồi làm tình trong toa-lét Thượng Hải như Cục cưng Vệ Tuệ điên cuồng của Nguyễn Thanh Sơn! Gần đây, tiếp xúc với nhiều phụ nữ uống rượu hút thuốc nhưng rất nữ tính, đáng yêu, tôi đã bớt trì trệ, đã khuyến mãi bảo thủ, đã giảm giá cổ hủ đi một chút. Mà có thấy ai viết cái gì, ở đâu, khi nào, đem so sánh tôi với Vệ Tuệ đâu nhỉ? Hay là hội chứng Hán-Việt tự kỷ ám thị của nhà kê bình trẻ đã đặt tiền đề rồi tự phân tích, tự chứng minh rồi tự đạp đổ luôn chính cái tiền đề do mình cung cấp và tạo dựng. Chỉ xin hỏi nhà kê bình trẻ một câu đơn giản (đơn giản bởi vì tôi không thích trích dẫn này nọ rườm rà rối rắm trong bài viết của mình vì đã tiếp thu ý kiến phê bình nghiêm túc của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng là hành văn quá rườm rà): Nhà kê bình trẻ cho rằng nhân vật của Vệ Tuệ sống trong thế giới xa hoa, lái ô tô, xức nước hoa, hút thuốc lá, uống rượu mạnh, lấy tên Tây Coco, nghe nhạc Âu Mỹ... là thành thị, văn hoá, đổi mới? Còn nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu nhà quê cổ lỗ sĩ, chẳng thấy nghe nhạc Tây lúc nào, chẳng thấy đi nhảy đầm bao giờ, chẳng biết công ty là gì, chẳng có ô tô phải lụi hụi đi tàu hoả là không có phông văn hoá, là cũ mèm? Và khi nhân vật của Vệ Tuệ nữ sĩ làm tình trên bồn xí của tiệm nhảy mà còn nghĩ tới bố mẹ là nhân văn hơn nhân vật của Đỗ Hoàng Diệu nhà quê làm tình mà chỉ biết sung sướng, thoả mãn pha lẫn mặc cảm bị đè, bị cưỡng hiếp (“Bóng đè’’) hay căm giận, vô hồn với người chồng gian ác (“Dòng sông hủi’’), rồi nhơ nhớp, ghê tởm, chịu đựng (“Tình chuột’’)? Chết chưa! Tôi lại đang lạm dụng phép tu từ thân ốc Nguyễn Chí Hoan. Tệ thật! Chẳng biết rút kinh nghiệm gì cả. Mà nhà kê bình trẻ thừa biết tôi sinh ra, lớn lên ở nhà quê Thanh Hoá, không du học Nga, chẳng đi Mỹ một ngày, cũng không vung tiền tân trang văn hoá tư sản đỏ, nhân vật toàn nhà quê, đâu có gì lạ!
Khấu đầu làm lễ nhà kê bình trẻ một cái nữa trước khi nói điều này. Nhân vật của tôi ít khi có tên, ít khi cụ thể cao bao nhiêu, nặng mấy, da đen hay trắng, học hành ra sao… (ấy là tôi nói trong những truyện thiên hạ đang bàn cãi). Tôi xây dựng họ như vậy theo ý đồ của mình. Tôi chuyên tâm miêu tả, gợi mở cái tôi muốn trong từng chi tiết, hình ảnh. Tôi không thừa hơi mà lạc đề sang nước hoa, ma tuý, công ty, hộp đêm, rượu ngoại. Khi nào chẳng may tôi viết truyện khác mà ma tuý, công ty, nước hoa liên quan đến tính cách nhân vật tôi muốn tạo dựng, chắc chắn sẽ học hỏi Cục cưng Thượng Hải của Vệ Tuệ mà nhà kê bình trẻ đã trân trọng xem là văn hoá.
Bây giờ xin được nói về súng lục, đại bác, quá khứ và bắn ai ai bắn bây giờ bắn ai! Quá khứ tôi biết (cái quá khứ mà quý vị bàn luận), hoàn toàn thông qua những cuốn sách giáo khoa lịch sử và sau này là dăm ba cuốn khảo cứu, biên soạn cùng một mớ thông tin báo chí. Sôi nổi nhất, ấn tượng nhất có lẽ là hàng trăm lễ kỷ niệm 30 tháng 4, 22 tháng 12, 27 tháng 7, 2 tháng 9... mà tôi đã tham dự hoặc được hưởng không khí quá độ dưới cờ sao phấp phới rộn ràng. Tôi không hề có mặt vào thời điểm cái quá khứ quý vị luận bàn. Quá khứ của tôi là mấy chú bộ đội miền Nam tập kết không hiểu sao vẫn còn ở lại Thanh Hoá vào thời gian tôi một vài tuổi, thường bế tôi đặt lên chiếc xe đạp Thống Nhất rất oách, chở một vòng quanh làng, cấu véo bầu má phính sữa và xoắn những lọn tóc xoăn chẳng giống ai của tôi vào tay, đôi mắt thấy như nhớ mẹ, nhớ vợ, và có thể là nhớ con (sau này tôi mới biết ánh mắt như vậy là mất mát, là buồn). Quá khứ của tôi nằm trong những ngày cấp 1 trường làng không hiểu sao bị bầu làm quản ca. Của đáng tội, tôi chỉ thuộc mỗi bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’’, thành ra ngày nào cũng Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng… Quá khứ của tôi là những bữa cơm độn khoai, độn sắn với gạo mốc, là những lạng thịt phân chia hiếm hoi hàng tháng được mẹ tôi băm nát kho chung với muối. Quả thực, tôi không được huấn luyện, tôi không hành quân, tôi không được phân súng, tôi không đánh trận, làm sao tôi biết bắn súng lục, nói gì đến bắn đại bác như báo Công an Nhân dân vinh danh! Quý vị nhìn đâu cũng thấy chiến tranh và quá đề cao khả năng bắn nhau của dân tộc mà tôi chỉ là một thành viên còm nhom. Ngày học đại học, học quân sự, phải bắn súng, tôi sợ quá ướt mái quần, trượt oành oạch hết lần này sang lần khác, cuối cùng mưu mẹo, lươn lẹo, mò đến bệnh viện quen xin giấy chứng nhận mắt kém nộp cho nhà trường nên được tha bổng.
Nói dài về kỷ niệm một tý cũng là muốn biện hộ cho mình, muốn tranh tụng cho ra trắng đen cái tội bắn súng lục, bắn đại bác (sao không nói luôn ném bom nguyên tử vào quá khứ cho oách hơn một tý nữa nhỉ?) mà ai đó viết trong bản cáo trạng Công an Nhân dân, An ninh Thủ đô, An ninh Thế giới, Công an Thành phố HCM, Sài Gòn Giải phóng, v.v… Lý lẽ thì đuối lắm, quanh đi quẩn lại cũng quay về: tội viết bằng linh cảm, trực giác của mình đối với con người, xã hội, thế giới xung quanh thông qua những gì còn lắng đọng trong tiềm thức. Suy cho cùng, văn học trước tiên thể hiện cái Tôi của tác giả, rồi sau đó hãy suy luận chuyện lớn. Mà cái Tôi muôn hình vạn trạng, Đỗ Hoàng Diệu làm sao giống Bùi Việt Thắng, làm sao giống Nguyễn Hoà, làm sao giống Trịnh Thanh Sơn, Phúc Linh, Nguyễn Chí Hoan... Mới đây, thầy giáo tôi chê Thanh Lam thể hiện cái Tôi khi hát quá nhiều, vì thế không hay, không thể nào thích. Học trò tôi điềm nhiên trả lời: Em thích Thanh Lam là vì cái điều thầy vừa chê.
Nhưng mà tôi cứ loành quành đâu đâu, chẳng đưa ra được luận cứ nào thuyết phục để hòng giảm nhẹ tội bắn súng lục, đại bác vào quá khứ. Ôi, dưng mà quá khứ cũng là thứ lan man, tôi không nhìn thấy, tôi không được sờ nắn, ngửi hít, làm sao bắn? Nếu tôi sinh ra trong những năm chiến tranh, ai bảo tôi sẽ không vào chiến tuyến như bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm? Ai bảo tôi sẽ không vượt Trường Sơn như Dương Thu Hương, Lê Minh Khuê? Ai bảo tôi sẽ không bắn súng lục đoành đoạch? Ai bảo tôi sẽ không hy sinh như Nguyễn Văn Thạc? Và nếu ông Trịnh Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở miền Nam, biết đâu ông ấy lại không phải Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Khoa Nam, Lưu Kim Cương? Tội danh mà quý vị đưa ra, tôi mỏi tay cả buổi tối mà không tìm thấy trong Từ điển Pháp luật, lại cũng không thấy miêu tả trong Từ điển Lương tâm. Thôi thì đành lấy cái lan man đáp trả sự mang lang vậy.
Nếu cho tôi nói lời sau cùng trước Toà án Nhân dân (riêng về tội danh bắn súng lục, nã đại bác vào quá khứ), tôi xin kể lại suy nghĩ của một nhà phê bình đã góp ý với tôi (bằng miệng) thế này: “Em quá đề cao quá khứ trong truyện ngắn của mình. Bây giờ người ta đâu thèm nhớ quá khứ, mà quá khứ cũng còn tác động gì đến hiện tại đâu. Quá khứ đã chết trong đời sống bây giờ rồi em ạ.” Tôi mất ngủ cả đêm rồi kết luận, ông ấy nói trúng phóc. Quá khứ thật sự đã chết. Nếu nó còn sống thì làm sao những chiến sĩ anh dũng trong chiến tranh giờ đây lại trở thành tham nhũng viên, quan liêu viên, cá cược viên, ám hại viên nhiều như vậy? Và làm sao cột mốc biên giới cứ dịch chuyển lung tung mà chỉ dịch lùi về phía nam? Và làm sao, làm sao, trăm thứ làm sao... Đêm sau tôi lại mất ngủ. Nếu người ta đã quên quá khứ, sao năm nào cũng kỷ niệm chiến thắng rầm rầm, sao vẫn ta-địch ra rả, sao vẫn hải ngoại, lưu vong, vẫn cấm nhập cảnh, vẫn quê nhà đau thương? Sao vẫn một bên giương trống giong cờ ăn mừng (sao ăn mừng mãi thế), còn một bên biểu tình ném cà chua trứng thối. Ôi, sao vẫn, sao vẫn.. vẫn sao!
Khấu đầu làm lễ hội kế hoạch hoá gia đình Việt Nam để chuyển đề tài. Bóng đè là dâm ô, là trần trụi, là thô bỉ, là sex. Từ “đè” đã nói lên điều ấy rồi còn gì, đã chứng minh ngay điều ấy rồi còn gì. Không biết ai nghĩ ra cái từ “bóng đè” trong tiếng Việt mà giỏi thế, nan giải cho nhiều bậc dịch giả cao niên không thể nào dịch nổi sang tiếng Anh, tiếng Pháp cái tựa Bóng đè cho đúng nghĩa. Bóng đè là sex, cứ cho như vậy đi đã chết ai nào. Sex ở trong người quý vị khi quý vị đọc truyện thì ai mà ngăn nổi. “Sự khác nhau giữa dục tình và khiêu dâm thật đơn giản. Dục tình là cái tôi thích; khiêu dâm là cái anh thích, anh xuyên tạc” (xuất xứ câu nói này xin hỏi Phạm Xuân Nguyên). Văn học trước hết là của con người viết về con người, mà con người có sex, rất nhiều sex. Xã hội đâu đâu cũng ôm, cũng ấp, cũng “hấp diêm”, cũng tươi mát, cũng mát xa, cũng tắm biển chung, cũng cà phê mồi, cũng chân dài, chân lắc, cũng làm tình cũng chửa cũng nạo cũng hút giống như người ta vẫn đang nạo thai văn học (hỏi Nguyễn Văn Lục thế nào là nạo thai văn học)! Không viết về nó, các bậc tiền bối hiện thực phê phán như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan sống dậy quở trách có phải tủi thân không? Mà đã ai thấy tôi miêu tả trọn vẹn một cuộc làm tình nào từ đầu đến cuối chi li, tỉ mỉ như trong Khát vọng thời con gái của Thiết Ngưng chưa mà bảo là dâm thư. Đừng đánh đĩ quá như vậy chứ. Quý vị lại bảo (mà tiêu biểu là quý vị Bùi Công Thuấn trên Gio-o), sex của người ta cao đẹp, trong sáng, lung linh còn sex Bóng đè là của con vật. Ôi giời ơi, quý vị có biết đọc biết nghĩ không? Sex không phải của hai người yêu nhau thì có cao đẹp, có tinh thần hoà quyện thể xác được không? Sex trong bị đè hiếp, bị cưỡng bức bởi chính người chồng bị bệnh hủi lương tri thì có thanh cao tràn ngập tình yêu được không? Gớm, ai chẳng biết quý vị bảo tình dục là thăng hoa của tình yêu, là sự hoà quyện giữa tâm hồn và thể xác, là trăm ngàn từ hoa mỹ. Nhưng nhân vật của tôi không có cái may mắn hoà quyện ấy, nhân vật của tôi bất hạnh không được làm tình với người mình yêu. Chẳng lẽ tôi miêu tả sex của một cô gái điếm thực thụ cũng phải thăng hoa hoà quyện hết ngày này sang ngày khác bởi tình yêu à? Nói thì lại bảo là chống chế, nhưng mà quý vị quen cách lấy bóng đè người. Nhân vật của tôi sex trong giấc mơ (“Bóng đè’’), trong hồi tưởng (“Vu quy’’), bạn đọc tò mò chuyện “ấy” chẳng phê chút nào, tốn tiền mua sách! Người thật việc thật còn chẳng ăn ai nữa là mơ với mộng. Chưa kể là bị phê phán cứ cài cắm những thứ cao siêu vào chuyện. Nào là tấm thân cong lên hình chữ S, nào là tấm thân thơm hắc mùi đền đài lăng tẩm không chịu nằm dưới cứ rướn cao lên mãi... Đọc thấy sốt ruột. Chẳng thế mà nhà văn Dạ Ngân phải khẳng định với báo chí khi được hỏi về Bóng đè: “Bóng đè không phải là sex, nó có ý đồ chính trị lộ liễu”. Nói thì lại bảo lắm lời, nhưng cái bác Bùi Công Thuấn nào đó còn viết trên Gio-o là khi viết văn thì đầu óc phải tỉnh táo, phải thanh sạch chứ sao lại viết trong vô thức để cho nhục cảm tràn lấp mà không biết! Ô hay, tôi viết văn chứ có ngồi thiền, tụng kinh niệm Phật đâu. Vả lại, thói quen chẳng mấy tốt đẹp của tôi là vừa viết vừa nghe nhạc lại vừa xem tivi, thậm chí có thể quay người tán phét với bạn bè đủ thứ chuyện trên đời. Chưa kể tôi còn biết khối nhà văn ngồi trong căn phòng chật hẹp nóng bức, lợn đòi ăn kêu inh ỉnh, con nhỏ đòi bú khóc eo ẻo, bà vợ quần xắn móng lợn đang chí choé kêu mất nước. Mỗi người viết một kiểu, sao bác Thuấn cứ khuyên viết văn thì phải ngồi thiền. Tôi mà nghe lời khuyên của bác có khi lại thành bản “Tuyên ngôn Độc lập’’, thành Kinh thánh chứ chẳng thành “Bóng đè’’. Nhân tiện, tôi đang dự định viết một cái gì đấy mà sex là sex, chỉ là chuyện con người, không cài cắm gì cả (bác Thuấn đừng vội mừng nhé, tôi chỉ trả lời phỏng vấn là tôi chưa bao giờ có ý định viết về sex trong thời điểm ấy, còn bây giờ thì muốn rồi). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chân thành khuyên tôi thử sức, và tôi thấy hoàn toàn có lý. Truyện trước tiên phải hấp dẫn cái đã, hấp dẫn mới có người đọc. Và văn học không hẳn - phải - hoặc chỉ là những triết lý cao siêu, đạo đức, khuyên giảng hay nghị quyết. Đời thường, mới là đời thực. Mà đời thực có cái hấp dẫn của nó. Tôi đánh giá cao nhà văn Hồ Anh Thái ở tính hấp dẫn trong các tác phẩm của ông. Hầu hết truyện của Hồ Anh Thái dù là truyện ngắn hay truyện dài đều rất hấp dẫn, đã đọc là không dứt ra nổi, không phải nhà văn nào cũng có tài kể chuyện như vậy. Mà thôi, sex, hấp dẫn, đã tốn quá nhiều giấy mực của quý vị trong thời gian qua, nói nữa lại bảo ăn đòn như thế, bị bóng đè như thế mà không chừa, vẫn ngày càng dâm ô!
Đã mỏi đầu, mỏi tay, vẫn cố trân trọng khấu đầu làm lễ các đồng nghiệp văn chương trong thời gian qua đã phê bình, phát biểu, a dua, nói dối, nói tốt trước mặt, nói xấu sau lưng làm thành vụ án Bóng đè xôm tụ. Kể cả nhiều quý vị chỉ dám khen ngoài bàn trà quán rượu, ra trước thanh thiên bạch nhật thủ thế “im lặng là vàng”. Và tất nhiên cả vài ba quý vị giả vờ ngây thơ: “Nói với nó là tôi không đánh nó, tôi đánh ông Nguyên Ngọc” hay “Vì công việc nên tôi bắt buộc phải viết”. Xin lỗi, tôi có bệnh thấy người sang là bắt quàng làm họ, nên tự nhận mình là đồng nghiệp với quý vị trong cái nghề cao quý này, cái nghề mà khi hành nó phải thanh sạch, chay tịnh! Chúng ta mỗi người thích ăn một món trên bàn tiệc (cũng có khi nhiều người cùng thích một món dẫn đến kết cục vỡ đầu mẻ trán), và chúng ta bài tiết cũng cá nhân, không tập thể như cái thời đóng cửa, tập trung bao cấp. Chỉ xin hầu quý vị một ý kiến thân tình của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi may mắn được nghe: “Bản thân viết văn đã khó nhọc hơn những việc khác nên tôi không bao giờ chê bai một nhà văn, tác phẩm nào. Có thể rất thích, thích hoặc không thích nhưng đừng chê bai, dè bỉu.” Tài danh như thế, suy nghĩ nhân hậu như thế, tôi học tập cũng không có gì lạ. Hơi đâu tôi để ý việc thi thoảng người ta vu oan giá hoạ cho mình một tý. Như việc tôi nhận xét truyện của Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh thực sự hiền lành (gặp các chị tôi càng cảm được sự hiền lành ấy) là đánh giá của một độc giả khi đọc tác phẩm của nhà văn. Viết được hiền lành đâu có dễ. Cứ hiền lành là không hay ư? Thế mà có người vội vàng nắm lấy cơ hội chụp mũ ngay rằng tôi chê bai Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh. Hết biết! Rồi ông Nguyễn Hoà thì bảo tôi sớm nói to. Gớm, Nguyễn Hoà đại ca thông thái đọc một hiểu mười chứ ai mà vội vàng kết luận thế? Số là trả lời phỏng vấn Hợp Lưu tôi phàn nàn đọc báo Văn nghệ bây giờ thấy chán quá, chẳng bù cho cái thời gọi là Đổi mới lần 1. Nên tôi mới than thở rằng “đã xa rồi ơi Huy Thiệp, ơi Bảo Ninh, ơi Vàng Anh...’’ Vì tôi khao khát hãy có thêm thần tượng như tôi đã thần tượng Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài hay Phan Thị Vàng Anh. Tôi luyến tiếc. Nếu chưa đọc, tôi mời Nguyễn Hoà đọc phỏng vấn Thu Phương trên eVăn rồi dành nhận xét của phê bình đại ca Nguyễn Hoà nói to lên cho chị ấy sẽ thoả đáng hơn nhiều. Khi mà chị ấy khoe đã xuất bản rất nhiều sách và rằng chị ấy Đổi mới, và có nhiều người bắt chước Thu Phương... Ôi trời, cỡ như Nguyễn Huy Hiệp, cỡ như Phạm Thị Hoài mà còn chẳng dám khẳng định ai đó bắt chước mình nữa là. Thú thực tôi chưa bao giờ biết Thu Phương là nhà văn với những tác phẩm nào, nghe tên lại cứ nghĩ ca sĩ, đọc phỏng vấn mới biết chị còn viết kịch. Bấm phone cho một đạo diễn danh tiếng ở Sài Gòn thì được nghe ông đanh đá: “Thu Phương hả? Kịch vứt đi!” Tôi mắng ông đạo diễn cái tội đanh đá một trận rồi quên, nhưng chắc chắn không bao giờ tôi bắt chước chị. Có thể rồi chị sẽ cười vào cái sự ít đọc của tôi, sách của chị mà lại chưa đọc! Nhưng bộ nhớ tôi có hạn, chẳng được thông minh, mà lại toàn nhớ những của độc. Ví như cái thời xa lắc xa lơ, chị Dương Phương Vinh xuất hiện có một lần với truyện ngắn “Ngày thường’’ nhưng tôi nhớ mãi, hay chị Nguyễn Thị Ấm tôi đọc 3 truyện nhưng nhớ đến bây giờ.
Còn biết bao nhiêu người mà đáng ra tôi phải khấu đầu làm lễ. Nhưng thôi, lần này tôi không khấu đầu, tôi không làm lễ. Tôi ngồi trong xó chiêm ngưỡng họ, lắng nghe họ và cảm phục họ. Họ nói tôi dũng cảm khi viết Bóng đè và cho công bố trước bàn dân thiên hạ. Họ nhầm. Dũng cảm không phải là tôi, dũng cảm là những người dù bị rất nhiều sức ép, cảnh cáo nhưng vẫn phát biểu rõ ràng chính kiến của mình trước công chúng về Bóng đè. Đó là bác Nguyên Ngọc, là anh Phạm Xuân Nguyên, là bác Phạm Toàn, là thần tượng Nguyễn Huy Thiệp, là nhà thơ Dư Thị Hoàn, là nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, là tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Bình, là người ẩn danh mà tôi không hề biết mặt lấy bút hiệu Cố Nhân... là không ít nhà báo và toà soạn bất chấp chỉ thị của ai đó vẫn bênh vực Bóng đè, là hàng ngàn độc giả yêu mến gửi thư, email, gọi điện. Ai đó viết rằng tôi trở thành hiện tượng nhờ công nghệ lăng xê. Nếu vậy, tôi phải trả cho công nghệ ấy bao nhiêu tiền nhỉ? Sao cái công nghệ gì siêu việt thế, bị chỉ thị cấm đoán thế mà vẫn thành công. Ai đó lại khờ dại đến mức nghĩ rằng tôi được lăng xê vì tôi là con của nhà văn Đỗ Văn Phác. Nhờ trời, họ biết chính xác tên bố tôi, nhưng bố tôi là ai nhỉ? Ông có danh tiếng như Trần Dần hay Nguyễn Quang Sáng không? Ơn trời, trong gia đình mình tôi không may bị nổi đình nổi đám thế này cũng đã quá khổ. Nhân đây, tôi xin thành thật xin lỗi rất nhiều độc giả mà tôi đã không thể hồi âm email hay tin nhắn trên điện thoại và các nhà báo tôi đã từ chối trả lời phỏng vấn trong thời gian qua. Mong các bạn đừng giận. Sau này, nếu tôi được xuất bản tác phẩm nào nữa, tôi hy vọng thế, gặp các bạn cũng chưa muộn. Dưng mà tôi nói ‘‘nếu’’ thôi nhé, vì viết văn là niềm đam mê nhưng không phải cơm áo gạo tiền, không phải đời sống, tham vọng của cuộc đời tôi. Nhiều người dị ứng với tôi vì suy nghĩ này, nhưng xin đừng ép tôi phải nói khác điều tôi nghĩ.
Một người nữa tôi không thể không cảm ơn. Đấy là nhà văn Trần Vũ, nguyên chủ biên tạp chí Hợp Lưu. Truyện ngắn “Tình chuột’’ được gửi thẳng đến ban biên tập Hợp Lưu khi mà tôi không biết một ai trong số họ. May mắn cho tôi, chính Trần Vũ là người đọc và trả lời. Từ đấy, anh động viên, khuyến khích, hối thúc tôi viết truyện. Một loạt truyện ngắn của tôi ra đời nhanh chóng. Và anh tự tay cắt ngắn cho tôi 2 truyện “Bóng đè’’, “Dòng sông hủi’’. Chính anh đã yêu cầu tôi khi viết phải cầu toàn, phải xem mỗi tác phẩm là một viên ngọc chứ đừng vội vàng rồi được chăng hay chớ. Tôi cũng biết, không phải anh nhiệt tình với riêng mình. Trách nhiệm chủ biên trao đổi, xin bài, góp ý, biên tập, anh làm công việc này với nhiều tác giả cả trong lẫn ngoài nước. Dù bây giờ nhiều tin đồn ác ý đang được lưu hành, chính thức được ông Mai Quốc Liên phát biểu trong Hội nghị Lý luận phê bình toàn quốc mới diễn ra hồi đầu tháng 3 năm nay, rằng có sự cấu kết giữa tôi và Trần Vũ để viết “Bóng đè’’, để đánh từ tung thâm đánh ra. Nhưng tôi, Trần Vũ, những người yêu mến chúng tôi đều hiểu bầy kền kền sẽ bay đi khi không tìm ra xác chết.
Không ít quý vị tò mò về thái độ người thân của tôi khi đọc Bóng đè. Và người ta mong chờ sẽ nhận được câu trả lời rằng họ nổi giận, họ mắng chửi, họ cấm cửa tôi. Nhưng người ta phải chưng hửng khi biết rằng bố mẹ tôi luôn tự hào về đứa con út bướng bỉnh của mình. Anh trai tôi gọi phone kể chuyện được trẻ em bán báo mời mua bản photocopy Bóng đè giá 49 ngàn trong khi giá bìa ghi 25 ngàn rồi cười hề hề: “Cô giàu to nhé”. Người yêu tôi thích ngay từ truyện đầu tiên tôi viết và ủng hộ tôi hết lòng. Tôi đùa: Em sẽ không viết nữa, anh giận tôi cả tuần. Người thân của tôi quá ưu ái chứ tôi tự biết tôi là một thiếu nữ Việt rất bình thường. Con người ta được Nhà nước, Chính phủ, Ban này ngành nọ, hay chí ít thì cũng Trung ương Đoàn, Trung ương Đội tặng thưởng huy chương, giấy khen, bằng khen… sướng hoan sướng hỉ. Tôi chẳng có gì, lại búa rìu ngập môi!
Người ta cứ kháo ầm lên sau vụ Bóng đè, Đỗ Hoàng Diệu tậu ô tô, giàu lắm. Thậm chí trên tờ An ninh Thủ đô, phóng viên gì đó còn đưa tin số tiền nhuận bút mà Đỗ Hoàng Diệu nhận được làm khối người phải giật mình nếu được tiết lộ, là ước mơ của tất cả nhà văn Việt Nam bây giờ! Nghe rùng rợn! Ông đầu nậu thì khăng khăng ở ngoài hiệu sách đã trả cho Đỗ Hoàng Diệu đủ 50 triệu đồng Việt Nam (phải ghi rõ không thì lại nhầm 50 triệu gì gì). Trong khi tổng kết, cuối cùng về vật chất Bóng đè mang lại cho tôi 35 triệu được ông đầu nậu đưa làm ba đợt. Nhiều người bảo tôi giấu, tôi dối, tôi sợ phải khao, tôi sợ bị cướp nên ỉm đi. Sách bán chạy thế cơ mà, bán rầm rầm ầm ầm (một phần nhờ hệ thống báo ngành Công an quảng cáo giùm). Chị tôi ở Sài Gòn đi 3 lần đến hiệu sách Fahasa trên đường Nguyễn Huệ vẫn không mua được Bóng đè. Lần thì thấy sách trên kệ nhưng cô bán hàng thông báo sách đã có người đặt mua trước, lần thì sách đã hết cả tuần nay, lần thì chúng em đang trên đường ra ga nhận sách. Rồi tổng kết của Fahasa thì Bóng đè bán chạy thứ 4 trong năm, tính chung tất cả các loại sách không riêng gì văn học. Hấp dẫn chưa, mùi tiền thơm chưa! Nhưng 35 triệu vẫn là 35 triệu! Bây giờ thì sách lậu tràn lan, đâu đâu cũng Bóng đè lậu, còn bán trên cả mạng web nhà sách Tự Lực tại Mỹ giá 10 $. Bản in chính đã nhoè nhoẹt với bìa sách trình bày vừa sến vừa quê, bản in lậu trông chẳng khác gì tập da chó ghẻ! Nể độc giả mua sách mang đến thì phải ký tặng, nhưng cứ thấy ghê ghê. Dưng mà đối với tác giả Bóng đè bây giờ sách lậu cũng chẳng có gì khác sách thật. Vẫn là 35 triệu. Chính ông đầu nậu Bóng đè tuyên bố ở hiệu sách khi được thông báo về tình hình sách lậu thế này: ‘‘Quyển này anh ăn đủ rồi, sách lậu cũng thế thôi!’’ Tôi còn nói gì được nữa? Thôi thì thế thôi. Đâu có nghĩ viết văn để làm giàu! Thực sự tôi cũng đâu mặn mà, nhiệt tình cái vụ in ấn Bóng đè này. Gọi năm lần bảy lượt, chẳng biết đến lần thứ mấy tôi mới đến gặp đầu nậu. Nghe tin 3 truyện bị kiểm duyệt bỏ đi, tôi đã cương quyết stop, nhưng mà đúng là đàn bà, nghe bùi tai một tý lại chặc lưỡi in thì in!
Gặp tôi, nhiều quý vị tò mò về đôi bàn tay. Thì bàn tay tôi đây, cũng may chưa bị nhăn nheo, cũng không bị chuối mắn. Nhưng cũng không biết đó thật sự có phải đôi bàn tay của tôi hay không. Tôi vẫn không thể nào nhận ra được bản thể bên trong của chính mình. Tôi còn phải sống, phải học nhiều. Ngày nào đó, ngày tôi sẵn sàng, bàn tay hãy còn muốn nắm níu tự do, mà thực sự là bàn tay của chính tôi, sẽ lại hiện diện như người hướng dẫn để giúp tôi. Bàn tay đó là bàn tay của người khác khi nào tôi còn chưa biết.
Tôi rất thích một câu chuyện của người Sufi. Một con chó lạc lối trong toà lâu đài bằng gương. Khi nó nhìn quanh thì thấy đâu đâu cũng toàn chó là chó. Nó rất phân vân: nhiều chó xung quanh thế. Nó bắt đầu sủa, những con chó khác cũng sủa theo. Và khi tiếng sủa của nó tràn ngập căn phòng thì nó sợ hãi vô cùng, nó thấy cuộc sống của nó đang bị nguy hiểm. Nó sủa to hơn, chạy khắp đây đó để đánh nhau với những con chó trong gương đến khi kiệt sức. Sáng sớm, người ta tìm thấy xác nó bên trong lâu đài, và xung quanh nó có vô vàn xác chó. Con chó chết vì chạy, sủa và đánh nhau với hình ảnh phản chiếu của chính mình. Xin quý vị đừng vội mừng rằng tôi kể câu chuyện này sẽ gậy ông đập lưng ông. Tôi thấy thương con chó quá mà thôi. Tôi nghĩ, khi chúng ta thấy người khác, khi chúng ta chê bai người khác thì chỉ là sự phản chiếu của chính chúng ta mà thôi. Cho nên ý tưởng về người khác là do cái dốt nát của chúng ta. Chỉ có đơn độc bản thân mình dưới vô số dạng, chỉ có bản thân mình trên vô số cuộc hành trình, chỉ có bản thân mình trong vô hạn tấm gương, mặc dù điều người ta thấy là khác với bản thân mình (tôi mượn ý của Osho). Vì thế, tôi không sợ tiếng sủa của những con chó ảo, tôi chỉ sợ chính mình mà thôi. Còn ai đó cứ chạy rong trong lâu đài ngoắt nghéo làm bằng gương, cứ đánh nhau với chính suy nghĩ của mình rồi vỡ đầu vì nó, xin hãy tiếp tục. Tôi luôn quan niệm, nhà phê bình phải là một người thông tuệ và bản lĩnh, sáng suốt hơn nhà văn rất nhiều. Nhưng hỡi ôi, Việt Nam ta đếm có bao người như vậy?
Đến lúc này, dường như tôi đã quên Bóng đè để bắt đầu nhiều thứ khác. Cho dù tiếng chó sủa to đến mấy, cho dù bị những chiếc bóng đè thế nào, sau Bóng đè tôi vẫn là Tôi.
16/3/2006
Đỗ Hoàng Diệu
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...