Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Tuyên (án/ truyền) bố (láo) của nhà (biệt thự/ lều/ quán/ điếm) văn

Tuyên (án/ truyền) bố (láo) của nhà
(biệt thự/ lều/ quán/ điếm) văn

Cảm hứng hậu hiện đại từ một bài phỏng vấn trên talawas

Trả lời phỏng vấn, nếu bày tỏ một thái độ, đưa ra một nhận định, đó là tuyên bố (cha/tía/ba/cậu). Nó có giá trị không kém gì một bài viết do anh ký tên hay một bài nói khi đăng đàn trước công chúng.
Ðọc bài phỏng vấn - trả lời phỏng vấn của Trịnh Cung - Nguyễn Vĩnh Nguyên "Tôi bất tín vào kinh nghiệm và bội thực bởi những triết thuyết dạy bảo", tôi {ngứa (tiết/...)} muốn bàn về sự tuyên bố (láo) của nhà văn.
1. Tuyên bố về giải thưởng văn học/phân/rác
Sau câu hỏi của Trịnh Cung: Bị tuột mất giải nhất “Văn học Tuổi 20” năm 2005 của báo Tuổi Trẻ, bạn có thấy đây là một may mắn không, vì nếu không may mà được chiếu cố cho xuống giải khuyến khích thì còn tệ hơn? (những câu của Trịnh Cung và Nguyễn Vĩnh Nguyên đều trích dẫn từ bài phỏng vấn nêu trên), Nguyễn Vĩnh Nguyên tuyên bố: Với tôi, giải hạng nào cũng như nhau, không có gì to tát. Ở cái xứ mà đôi khi giải thấp hơn, không được giải lại có vấn đề đáng đọc hơn giải nhất. Việc chấm giải văn học lâu nay vẫn theo cái lô-gíc quy phạm rất riêng của Việt Nam: đảm bảo tính đúng, tốt chứ không phải là chọn lọc cái hay. Vô hình chung, giải thưởng là một thứ gì đó rất dung dưỡng những thứ lẽ ra phải... thải!...
Tuyên (án) bố trên rút ngắn lại là:
Các giải thưởng văn học ở Việt Nam (không chỉ giải “Văn học Tuổi 20”) tôn vinh các tác phẩm vốn chỉ là rác/phân.
Tác phẩm của mình, dĩ (ngẫu/tất) nhiên, thoát được kiếp rác/phân, và "đáng đọc".
Vậy ai bắt Nguyễn Vĩnh Nguyên phải đưa tác phẩm của mình vào cái lò chuyên nghiền ra chất thải ấy để rồi hú (3/5/7/8) vía thốt lên: Tác phẩm của tôi là nạn nhân may mắn của cái lô-gíc quy phạm giải thưởng ấy (bật riêng ra, may quá không rơi vào đống phân/rác kia!)?
Nguyễn Vĩnh Nguyên có tuyên bố (nói miệng/bằng văn bản/ra hiệu) với Ban tổ chức cuộc thi khi anh quyết định dự thi hay không? Trước? Với tôi, Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả có chủ kiến và thái độ tử tế. Sau? Ngược lại!
Nhiều nhà văn, khi được những giải uy tín thế giới (Nobel văn học chẳng hạn), đã từ chối. Như J. P. Sartre, và ông (lão/gã/y/hắn) ấy có tuyên bố (cáo) lý do hẳn hoi. Cũng nên (cần/phải) lưu ý, rất nhiều giải thưởng văn học uy tín trên thế giới, không cần tác giả gửi/không gửi tác phẩm đến. Do đó, việc từ chối giải ở đây mang ý nghĩa khác hẳn.
2. Tuyên bố về (và rất) hậu hiện đại
Hóa ra, một phần cuộc trò chuyện cởi mở và rất thú vị của hai người nói trên thế này:
Trịnh Cung: Việc từ kết quả chấm giải hạng nhất, tuột mất vào giờ chót vì lý do không đạt tiêu chí của giải, điều này hội đồng giám khảo đã vô tình làm PR cho tác phẩm của bạn trở nên hấp dẫn gấp bội đối với người đọc, và như thế cũng đã vô tình giúp cho việc phổ biến (...) tác phẩm...
Nguyễn Vĩnh Nguyên: Trong trường hợp tôi, rất may là nó đã được in ra và nhận được “hiệu ứng tò mò”. Ðộc giả sẽ đọc và biết tôi “làm gì ra nông nỗi ấy”!
Một tư (duy/tưởng/túi) văn nghệ phát lộ. Một kiểu sáng tác dựa vào quần chúng theo nghĩa thấp nhất (gọi sang ra thì là "độc giả") bởi nó dựa vào scandale/hiệu ứng tò mò. Cái mà ta dễ dàng có được nếu vào tiệc ngoại giao với khoá quần mở, đặc biệt hiệu quả với quần lót có màu sắc phù hợp với cà vạt.
Cái mới/ dị dạng/khác thường... bao giờ cũng gây scandale (ít hay nhiều tùy duyên). Nhưng cái hay, cái đẹp (mỹ) thì bao trùm hơn mới/dị dạng/ khác thường. Và dứt khoát không đi cùng đường với cái may/tò mò.
Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết anh bị chụp mũ "khiêu khích chính trị", rồi điềm nhiên (tĩnh/đạm/trưởng ban) nhận xét: Trí thức chúng ta (...) luôn nghĩ xã hội đang tấn công mình. Lắm kẻ mắc bệnh tưởng. Xin thề, đếch có thằng nào tấn công anh cả. Anh đang ảo tưởng để nghĩ rằng bị tấn công thì mới vĩ đại. Sách bị cấm thì mới là sách hay.
(May quá, sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ suýt bị cấm, mà khiêu khích chính trị hẳn hoi.)
Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng điều đó làm cho những kẻ bất tài có cơ hội trở thành hiện tượng. Anh có làm gì cho đáng để mà bị tấn công?
Anh làm gì/ Nó làm gì/Tôi làm gì...???
Nàng tấn công/Hắn tấn công/Chúng mình tấn công...!!!
Sau khi trích dẫn vài đoạn và đặt nó vào trật tự mới, đã tạo ra một đoạn văn rất hậu (môn) hiện đại, đặc biệt là khi ghép thêm đoạn sau:
(Nguyễn Vĩnh Nguyên) Hậu hiện đại còn mang trong nó một yếu tố đặc biệt là tính giễu nhại. Tôi nghĩ, lúc này, nền văn hóa chúng ta quen kính cẩn thờ phượng lẫn tự sướng rất cần một tinh thần giễu nhại, tự trào để thanh lọc và tiến bộ hơn!
3. Những tuyên bố (láo) chẳng biết ghép vào đâu
(dựa theo tên truyện ngắn "Hai truyện nhỏ không biết gắn vào đâu" của Nguyễn Vĩnh Nguyên)
Bệnh sợ làm cho nhà văn mình thiếu thái độ trí thức.
Phần lớn trí thức xưa và nay đã không tìm thấy giá trị của mình trong đời sống hoặc chính họ tự thủ tiêu những giá trị ấy. Họ chỉ đi tìm những cái bình rỗng để nói vào đó những bức xúc mà lẽ ra họ phải nói một cách danh chính ngôn thuận và được đời sống tiếp nhận một cách công khai. Trí thức cũng chính là những người mất bóng. Họ sống trơ trọi và mất sự hình dung tồn tại chính mình trong đời sống.
Mọi thứ, mọi lĩnh vực xã hội của đất nước chúng ta đều đang đứng trước then cửa của câu hỏi: Mới hay là chết?
Câu hỏi {nghiêm túc (cẩn, chỉnh, trọng,ngắn)}: Nguyễn Vĩnh Nguyên phát biểu như một trí thức hay không? Như Hamlet hay không-Hamlet?
- Tôi luôn thấy hổ thẹn khi mình sống chung thời với S. Rushdie, P. Coelho hay F. Kafka...
F. Kafka (1883-1924). Không hiểu chung thời đây là thế nào? Nên nhớ năm 1924 đất nước ta còn tù mù tăm tối lắm. Khoảng thời gian này, các ông Tản Ðà, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử đang say sưa cần mẫn viết, những lúc không viết thì đi hát (cô đầu, tiền thân karaoke), đi hút (thuốc phiện, tiền thân heroin), đi húp (rượu, tiền thân của những chai rượu quý lâu năm), những lúc không làm tất cả những việc kể trên cũng không biết đến để rỏ một giọt nước mắt cho F. Kafka.
Hay phải hiểu theo kiểu {văn học (chương, hoa, nghệ, vẻ)}(?).
F. Kafka nếu sống lại chắc cũng phải hổ thẹn.
- Việc của tôi là viết, tôi đã làm xong với cuốn sách, trò chơi ấy. Tinh thần của nghệ thuật đương đại tôn vinh tính phù du của nó. Vậy tôi viết chỉ để khám phá hay khai thác mình ở những biên độ cảm quan khác nhau chứ mọi kinh nghiệm, niềm tin hay khát vọng, mục đích như kiếm tiền, vào Hội Nhà văn hoặc lưu danh chỉ là chuyện cực kỳ bi hài kịch cổ điển đáng thương hại!
Vậy tại sao không viết theo kiểu đại tự rồi dán lên vỉa hè cột điện như khoan cắt bê tông, (hạ sách là đưa cho NXB Giấy vụn) mà lại phải đưa tận đến NXB Hội Nhà văn (phối hợp với DONGA DC) làm bìa hoành tráng chân dung trang trọng ấn tượng?
(Trích dẫn)
Nguồn 1: Truyện 2
Nói đi, thực ra anh là ai? Trong truyện ngắn "Hai truyện nhỏ không biết gắn vào đâu" của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Câu chuyện ngắn lắm, chỉ vài trăm chữ. Phía trước, có mô tả một cái tủ kính tự dưng đổ xuống... “Tôi” đi qua cửa. Và đi qua mái nhà. Bước chân nhẹ nhàng. “Tôi” đi cầu cứu một người bạn đang ngủ, hãy giải thoát cho tao, cái gương đè tao đau quá...
Sau đây là đoạn cuối:
... tối qua tao với mày nhậu với nhau khuya quá. Mày thì ngủ sớm. Còn tao thì đi đái. Tao đi ngang cái gương và thấy có một thằng hỏi tao: Mày là ai? Vậy là trong nhà trọ xưa nay có đến ba thằng. Tao bảo, tao là bạn ở chung phòng trọ với mày? Thằng ấy lại bảo: "Sao lạ quá, ở chung phòng trọ sao tao với mày không biết mặt nhau? Mày đùa hả? Tao với mày ngủ chung giường cơ mà. À, ra vậy, hay cứ cho là vậy? Vậy mày biết tao tên gì không? Tao hỏi nó. Nó bảo, mày là Bóng".
Nguồn 2: "Gương soi" của Haruki Murakami
http://www.evan.com.vn/Functions/WorkContent/?CatID=2&TypeID=3&WorkID=886&MaxSub=886, Hoàng Long dịch theo bản tiếng Anh Mirror của Christopher Allison,
http://www.geocities.com/osakabe_yoshio/Haruki/Books/Mirror-E.html
Khi băng qua cổng chợt tôi có cảm giác hình như có một cái gì. Hình như tôi phát hiện một dáng hình nào đó trong bóng tối. Ngay trong khóe mắt tôi. Nắm chặt thanh kiếm, tôi rẽ sang hướng đó. Tim đập thình thình, tôi hướng ánh đèn pin vào bóng đêm. Có một bóng đen trên bức tường kế bên kệ để giày. 
Ðó là chính tôi. Ðiều tôi muốn nói là có một tấm gương. Không có ai khác ngoài tôi phản chiếu bóng mình trên tường. Tấm gương chắc là mới được gắn vào đây bởi vì tôi chưa thấy nó trong lần kiểm tra đêm trước. (...) Tôi phà một hơi khói dài và nhìn vào hình bóng mình trong gương. Một chút ánh sáng đèn đường xuyên qua cửa sổ, chiếu vào tấm gương. (...) Sau khi rít ba hơi thuốc lá, tôi chợt nhận ra có điều gì khác lạ. Bóng hình ở trong gương không phải là tôi. Diện mạo bên ngoài thì đúng là tôi. Không cần phải nghi hoặc về điều ấy. Nhưng nó tuyệt đối không phải là tôi.
(...) Chúng tôi cùng nhìn nhau. Thân hình tôi chết lặng như thể bị trói buộc vào nơi này.  
Cuối cùng, thằng tôi kia cũng cử động. Hắn đưa những ngón tay của bàn tay trái từ từ chạm vào má và xoa khắp mặt. Tôi nhận ra mình cũng làm y chang như vậy. Như thể tôi chính là hình ảnh trong gương. Ðiều tôi muốn nói là, dường như hắn điều khiển được tôi.
(...) Tôi đoán chắc chắn là quý vị đã biết kết thúc của câu chuyện rồi. Dĩ nhiên là chẳng có tấm gương nào ở đó cả.
Trong truyện ngắn "Cuộc gọi lúc chuyển mưa", ý tưởng đổi một con số trong dãy số điện thoại có trước để gọi làm quen với người chưa quen biết, đã xuất hiện trong một bài tiểu phẩm đăng trên báo Thể thao và Văn hóa, và lại còn có trước tập sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên (Trường hợp này thì tôi không trích dẫn được, vì không có thói quen lưu báo chí).
- (Nguyễn Vĩnh Nguyên) Tôi thích tạo ra và làm chủ không khí viết của tôi.
- (Nguyễn Vĩnh Nguyên) nhà văn phải độc lập trong tư duy viết và đẩy cao hàm lượng tri thức, thái độ của người trí thức thông qua tác phẩm.
4. Kinh nghiệm của một người đi trước (hay cùng? hay sau?)
Milan Kundera, trong Nghệ thuật tiểu thuyết, phần thứ sáu "Bảy mươi hai từ", mục "phỏng vấn" (Tiểu luận Kundera - Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Ðông Tây, 2001, Nguyên Ngọc dịch, trang 149):
"Ðối thoại là một hình thức văn học lớn và tôi không chối cãi rằng tôi vui lòng với nhiều cuộc trò chuyện có suy nghĩ, được tổ chức và soạn thảo có sự phối hợp của tôi. Buồn thay, phỏng vấn như người ta vẫn làm phổ biến lại là chuyện khác (...) bắt chước báo chí Mỹ, thậm chí anh ta chẳng thèm đưa cho anh duyệt lại những gì anh ta đã buộc anh nói ra. (...) Tháng sáu năm 1985, tôi đã dứt khoát quyết định: Không bao giờ trả lời phỏng vấn nữa. Trừ những cuộc đối thoại, do tôi cùng tham gia soạn thảo, có kèm theo xác nhận về quyền sở hữu tác phẩm của tôi, tất cả những lời của tôi, được người khác kể lại, kể từ ngày ấy, phải coi là giả".
9/2/2006
Lê Anh Hoài
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...