Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Khi đến cái "ba phải" cũng bị phản bộiXXX

Khi đến cái "ba phải"
cũng bị phản bội

Xin lỗi anh Đông La vì mấy hôm bận quá, không kịp hồi âm bài "Văn chương trước những bài toán lớn cần phải giải" của anh. Cái sự chậm trễ ấy đáng lý ra là sẽ kéo dài tới... mãi mãi, bởi tôi thấy trong giãi bày lần này của anh thực ra chưa mấy đụng đến những luận điểm mà tôi nêu ra. Ví dụ:
Câu hỏi "Trường hợp của cá nhân anh (và kể cả nhiều bạn bè anh) thuộc vào bao nhiêu phần trăm của 80 triệu dân Việt Nam? Đã thực sự trong sạch, lương thiện đến độ điển hình, đại diện được cho thân phận của đa số người lao động Việt Nam chưa?". Anh chưa hề trả lời.
Câu hỏi "...anh thử giải thích cho tôi nghe xem ai đáng mặt hơn Đỗ Hoàng Diệu để được ông Hoan hạ cố cho phép đi xa hơn mức độ có tham vọng luận bàn? Ai không phô bày cái tham vọng nhận thức cái thực tại? Và ai hiểu cái thực tại đến nơi đến chốn?". Anh nói vòng vo để đánh lạc hướng độc giả.
Những câu hỏi: "Đỗ Hoàng Diệu xuyên tạc hay không xuyên tạc? Phản động hay không phản động? Và kết luận của anh đã dựa trên phân tích, chứng minh, logic nào đích thực chưa?". Anh không hề đả động đến.
Câu hỏi "Tất nhiên khi bị đè ép (không riêng gì bị Trung Quốc đè ép - CN) thì nó cũng có cái nhục cảm hấp dẫn khó từ chối, nhưng nói cho rốt ráo thì đó có phải là cái cứu cánh bản lai diện mục mà con người được tự do nhận thức và lựa chọn không?". Anh cũng không hề đả động đến.
Vấn đề "Nếu nữ sĩ không đủ độ sắc để mở mắt cho các quý vị ngày hôm nay thì một là do vai trò và vị thế của văn chương thời nay đã bị người ta lờ đi hay dùng những "Sao mai", "SEA Games", "Thi hoa hậu", "Chuyện lạ Việt Nam"... át đi, hai là các vị cố tình tự lấy nhà cao cửa rộng vợ đẹp con khôn của bản thân mà tự bưng tai bịt mắt mình, hoặc ba là do mắt các vị, tai các vị có vấn đề gì đó về mặt thị lực, nhãn hạn, tôi chả dám nói nữa. Chứ bảo Đỗ Hoàng Diệu là chưa đủ 50 nên không được nói, hay bảo cô ấy bôi bẩn, nổi loạn... thì tôi đồ rằng các vị đang làm cái nhiệm vụ khác, chứ không phải thưởng thức nghệ thuật đích thực nữa". Anh cũng bỏ qua...
Tất nhiên việc nhận thức những vấn đề dường như "không phải của ai", như thể "vác tù và hàng tổng" như thế, hơn nữa những vấn đề ấy lại không được các quý vị giữ trật tự văn hóa, các quý vị cầm trịch mảng văn hóa tư tưởng (vốn theo dõi diễn đàn rất sát) thích đưa ra luận bàn, thì sẽ không bao giờ là dễ, không chỉ với đông đảo người dân đang mải miết kiếm sống, mà còn cả với những người đôi lúc muốn ngước nhìn lên. Nhưng tôi tưởng nếu chúng ta đã tự nhận là những trí thức, "những cái rốn vũ trụ, những ông Giời con", thì đáng lẽ chúng ta không được lảng tránh, không được "thiếu thông tin", hay giả vờ giả vịt "tôi chỉ biết", "tôi chỉ thấy", "tôi chỉ dừng ở mức..." một cách rất chi là trách nhiệm nửa vời, mới phải chứ? Chính những chữ "chỉ" đó đã kéo lùi các quý vị lại, không cho các quý vị đủ thẩm quyền để chê bai dè bỉu Đỗ Hoàng Diệu, nếu không muốn nói các quý vị còn lâu mới có tư cách ngang bằng với cô gái trẻ này. Vậy thì việc tôi chưa "có nhời" lại với anh, xin được hiểu thêm là tôi cũng muốn anh gắng một chút nữa cái sự tự nhìn lại mình, chứ không đơn thuần chỉ là do Cố Nhân bận quá, anh Đông La nhé.
Còn hôm nay, ở đây, tôi lại muốn anh tự chú ý thêm những câu, những vấn đề chính anh vừa đưa ra thêm, như sau:
Anh bảo anh ba phải, vì đó là bản chất từ trong các hạt cơ bản, các nguyên tử, phân tử, tế bào... của anh và cũng của tự nhiên và loài người. Cho nên anh có quyền không cần truy tận đích những bất công sai trái hiện nay là do đâu. Dẫn đến anh vừa "rất đồng ý với Phúc Linh, Nguyễn Chí Hoan", vừa "thương" và "thiên vị" Đỗ Hoàng Diệu.
Tại sao anh không làm ngược lại, vừa rất đồng ý với Đỗ Hoàng Diệu, vừa thương và thiên vị Phúc Linh và Nguyễn Chí Hoan? Chả lẽ như thế sẽ không còn nằm trong khái niệm "ba phải" của anh nữa?
Anh viết: "Đỗ Hoàng Diệu đã nhìn những vấn đề lớn thuộc về lịch sử cũng như hiện tại của đất nước chưa phải bằng con mắt của một nhà tư tưởng có trang bị tri thức hiện đại, mà mới chỉ bằng con mắt của người trần mắt thịt một cách vừa non nớt về trình độ, vừa giản đơn, một chiều, cứng nhắc theo tư duy quyết định luận xưa cũ lạc hậu".
Câu khẳng định này của anh liệu có già dặn, phức hợp, đa chiều, mềm dẻo, và liệu có không nằm trong cái "tư duy quyết định luận xưa cũ lạc hậu" mà anh muốn gán cho Đỗ Hoàng Diệu, một cô bé "người trần mắt thịt"?
Anh bảo: "truyện Đỗ Hoàng Diệu không hề có những phân tích chứng minh gì cả mà đơn giản chỉ là những kết luận đầy tính võ đoán", rồi: "một tác giả trẻ như cô liệu có bao nhiêu vốn sống để dựng lên các hình tượng mà phân tích, rồi cô có bao nhiêu tri thức để chứng minh để đưa ra những kết luận như cô đã viết".
Vậy theo anh, Đỗ Hoàng Diệu phải viết một bản luận văn (tốt hơn nữa thì một "công trình cấp nhà nước"?), thống kê đầy đủ những phân tích, chứng minh, bảng biểu, điều tra...? Nàng phải không trẻ, phải khai báo hết mọi vốn sống, mọi thành tích, mọi tri thức, với cả một "quá trình tham gia công tác"... thì mới thuyết phục được các quý vị độc giả, trong đó có (giám khảo) Đông La? Có nghĩa là các nhà văn đừng có hy vọng gì vào những cảm nhận trực giác, những lý lẽ của con tim, những liên tưởng, hóa thân, phục sinh, "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu"... nữa, vì tất cả những cái đó đều không phải vốn sống và tri thức?
Anh lập luận: "Nội dung “Bóng đè” là chuyện loạn luân giữa hồn ma ông bố chồng với cô con dâu", tác giả không dụng công xây dựng theo tinh thần “hiện thực phê phán" mà Cố Nhân tặng cho”.
Vậy chứ cái cảm nhận "Đỗ Hoàng Diệu thể hiện tâm trạng nhân vật khi bị cưỡng hiếp rất ít đau đớn, nhục nhã; có đau là đau về cơ học do “bị đâm” chứ không phải đau tinh thần, có nhục nhã là do bị bà mẹ chồng bắt gặp lúc “cởi truồng” chứ không phải do cảm thấy phẩm tiết bị hoen ố. Nhân vật bà mẹ cũng chỉ thể hiện sự ghen tuông giữa hai tình địch chứ không phải “nhân danh chân lý quyền lực để đè ép con người”. Nhân vật chính tuy lúc đầu bị hiếp có kinh ngạc sợ hãi, mà do sợ ma là chính chứ không phải sợ một hành động phi luân, nhưng toàn bộ truyện, Đỗ Hoàng Diệu viết rất nhiều, rất kỹ, rất phong phú về sự đồng lõa, đồng thuận" của anh Đông La là dựa theo tinh thần gì? Hay đó là tinh thần "phê phán thô thiển" mà Cố Nhân tôi chưa từng có hân hạnh được biết?
Anh "bám sát văn bản" kiểu này: "... thật khó tìm ra những thực tại tương đồng với những điều Đỗ Hoàng Diệu viết ra", "...trên tivi, Tây có rock thì ta có rock, có jazz thì ta có jazz, M. Carey, W. Houston ư ử thì diva Thanh Lam ta cũng ư ử, giờ mấy bạn nhỏ còn hip hop nữa; ngoài phố, khi diễn viên Hàn trên phim mắt nâu môi trầm, thì thiếu nữ ta cũng mắt nâu môi trầm...", để bảo "truyện “Bóng đè” không vững", và để bảo rằng "Cố Nhân hơi bị tán".
Vậy thì chả lẽ tác phẩm văn chương cứ phải nhiều "thực tại tương đồng" mới "vững"? Và Cố Nhân tôi cứ phải thấy những "ta có rock", "ta có jazz", "Thanh Lam ta cũng ư ử", "mấy bạn trẻ hip hop", "thiếu nữ ta cũng mắt nâu môi trầm"... thì mới được coi là hiểu tác phẩm sâu sắc, và mới không bị mang tiếng là "hơi bị tán"?
Anh viết: "...cái nghèo khó của một người một phần do chính người đó chứ không nên đổ lỗi tất cả cho đất nước".
Điều này thì, xin lỗi, ai mà chẳng biết, hở anh Đông La? Nhưng cái nghèo khó của đa phần dân chúng (trong khi một thiểu số ăn trên ngồi trốc thì cứ độc quyền giàu, độc quyền tham nhũng, chỉ tay năm ngón, và cứ độc quyền ăn trên ngồi trốc, chỉ tay năm ngón mãi) thì có phải cũng do chính cái đa phần dân chúng ấy? Mà anh Đông La bảo chúng tôi là thiên kiến cá nhân hạn hẹp, từ vị trí, cảnh ngộ, số phận đơn lẻ của bản thân mình mà đổ lỗi cho đất nước ư? Sao anh điêu thế? Cái đơn lẻ như anh nói của chúng tôi là số đông đấy, có đơn lẻ đâu? Hơn nữa, vị trí cảnh ngộ số phận đơn lẻ của rất nhiều người chúng tôi anh Đông La không thể bằng được, nhưng chúng tôi không vì thế mà dám quên những gì đang diễn ra trước mắt. Đất nước đối với chúng tôi là máu thịt, dân tộc đối với chúng tôi là thiêng liêng, làm sao chúng tôi lại nhầm lẫn trách cứ dân tộc đất nước? Riêng điều này tôi đề nghị anh Đông La phải xin lỗi độc giả gần xa. Anh có đủ tri thức và nhân cách để làm điều đó không?
Sau khi kể rằng anh cũng rất nỗ lực, có nhiều thành tích, mà vẫn bị coi thường, không ai chơi với, anh Đông La bảo: "chả có chế độ nào chủ trương sự bất công như thế".
Trời ơi anh Đông La ơi!
"Chế độ" là gì mà anh "quán triệt" ghê thế? Khái niệm đó có phải từ trên giời rơi xuống không mà anh tuyệt đối hóa nó còn hơn cả Chúa Phật Thánh Thần? Chế độ nào chả do một hay một số người điều hành? Vậy thì những người đó dù có chủ trương hay không, nhưng do tham lam dốt nát mà mỗi ngày một làm xơ xác dân đen, khánh kiệt môi trường, gây họa dài lâu cho xứ sở, lại không cho ai chê bai bình phẩm gì về mình, thì có đáng oán, có đáng bị người ta đặt vấn đề nghi vấn về tài năng và hạnh kiểm không?
Với cái tên bài "Văn chương trước những bài toán lớn cần phải giải", anh Đông La rõ ràng đã công nhận cái trách nhiệm của nhà văn và tác phẩm trước thực tiễn cuộc sống và tương lai đất nước. Đặt trong bối cảnh một Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước (tôi chưa biết có bao nhiêu người đã đọc Bóng đè dưới sự "day tay mím miệng" của các quý vị bề trên, nhưng có lẽ cũng không dưới con số hàng triệu, là niềm mơ của hầu hết các "tài năng" và "nhân cách" đương thời), đến mức các Phúc Linh, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Hòa..., rồi thậm chí đến cả Đông La nữa, cũng phải lên tiếng, thì rõ ràng quý vị cũng thừa nhận cái cô nàng "non nớt" này đã đến gần "những bài toán lớn cần phải giải" lắm rồi. Vậy mà đến đây thì anh Đông La chặn đứng cô gái lại, bảo: "truyện của Đỗ Hoàng Diệu, nếu giới hạn về mặt tình dục là truyện đầy đặn, nhưng nếu cõng thêm tham vọng chuyên chở những tư tưởng lớn thì chưa phải là truyện mà mới chỉ là những nét vẽ phác sơ sài cho những công trình lớn hơn quy mô của truyện ngắn".
Vậy ra theo anh Đông La, văn chương nói chung và truyện ngắn nói riêng, đừng nên có tham vọng chuyên chở những tư tưởng lớn, mà chỉ nên bằng lòng ở những tầm mức đại loại như tình dục mà thôi? Anh Đông La có thấy tự mình mâu thuẫn chăng? Hay anh cũng chỉ giống như bao vương công bạo chúa cổ kim, coi văn học nghệ thuật đơn thuần chỉ là những "thằng múa con hát", còn những việc hệ trọng phải là của những ngành nghề khác, lĩnh vực khác "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" hay "già đòn non nhẽ"?
Còn nhiều nữa đấy anh Đông La ạ, nhưng quả thực là tôi mỏi lắm, viết đến đâu xa xót đến đấy, nên chỉ muốn lẩy ra có bấy nhiêu thôi.
Thực ra, tôi biết là anh cũng giống khá nhiều các "nhân hào trí thức" khi nói cứ phải trông trước trông sau. Cái hoàn cảnh ấy tuy khó, nhưng bản thân nó cũng không biện minh được cho sự ti tiện trí trá đâu anh ạ. Trước kia tôi từng biết đến một Đông La dám "phang" Trần Mạnh Hảo, "chê" Trần Đăng Khoa, "đồng cảm" với Nguyễn Huy Thiệp..., toàn là những việc phải khó khăn lắm mới nói ra được tại những thời điểm ấu trĩ, nên tôi mến yêu và trân trọng anh biết bao. Đấy có lẽ mới là cái tinh thần "ba phải" (mà thực ra, đúng hơn, là "trung dung", "tôn trọng sự thật") mà ngay từ đầu anh đã tâm đắc và cổ vũ. Vậy mà giờ đây anh chưa chi đã sợ mắc tội "nói xấu chế độ", rồi đổ cho bạn bè em ún toàn những tội lỗi mà anh tưởng tượng ra và ướt hết cả quần vì nó đó. Như thế chả lẽ cái phẩm chất "dám đứng giữa làm trọng tài" nơi anh mà tôi rất quý, đã có sự suy giảm? Hay Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè là "con bệnh" phức tạp gấp nhiều lần những "ca" trước? Thà anh cứ bảo thôi, chuyện này mỗi người nghĩ một cách, hoặc anh phẩy tay: Cố Nhân "tận ngôn" lắm, "bức sát" lắm... gì đó, thì tôi còn có lý do để giật mình run sợ, đặng "ấm ách" rút vào im lặng theo lối "vuốt mặt phải nể mũi", hay kiểu "thà như cơn gió cuốn bên cành lá", hay kiểu "đi ẩn lánh đời"... Đằng này anh hết ủng hộ Phúc Linh, Nguyễn Chí Hoan, bảo Đỗ Hoàng Diệu trẻ con, chỉ giỏi nhục dục, chứ mù tịt thế sự..., lại chê Cố Nhân nói quá lên, là bốc, là tán, là ngang với trò quảng cáo tiếp thị..., thì thú thực với Đông La, tôi... không biết phải nói với anh thế nào nữa. Nghĩa là cái vị trí "trọng tài", "ba phải" bây giờ cũng đã bị phản bội rồi. Người phản bội cái vai trò tí xíu, hèn kém đó chính là Đông La, nói gì đến bao "công cụ", "chiến sĩ", "cánh tay đắc lực"... của mấy quý vị bám trụ bằng mọi giá. Cho nên, Cố Nhân tôi chỉ mới nghĩ đến cái hình ảnh "ca-pốt" lành rách của Đỗ Minh Tuấn hôm trước đã thấy não cả ruột, chứ chưa cần phải đến tiếng khóc bi thương mà lồng lộng của cụ Trần Dần xưa cho "những người bay không có chân trời" đâu, anh Đông La ạ.
Nhưng thôi, căn vặn, hờn dỗi đã nhiều, trách móc, bẻ bai cũng không ít, giờ có lẽ tôi lại phải mạnh dạn dám tự cho phép mình bênh anh một chút (người cũ mà), rằng tự Đông La đã "thể hiện lòng mình", thì dù có thật thà hay không cũng còn muôn ức triệu độc giả soi xét, việc gì Cố Nhân phải rậm lời. Hơn nữa, chính tôi chẳng đã từng cổ vũ cho cái sự "nhận thức là tự nguyện tự giác" đấy thôi?
Vậy thì nhân được nghe "thánh ca", xin cảm ơn những ai đã chiếu cố mà đọc bài "như tiếng dế tiếng giun" này cho đến hết.
Hà Nội, 25/12/2005
Cố Nhân
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...