Nguyễn Công Hoan
và người bạn đọc ấy
1. Ngày 6 tháng ba năm nay [1], Nguyễn Công Hoan sáu mươi tuổi. Cũng tới
năm nay, tập truyện ngắn đầu tiên của anh, quyển Kiếp hồng nhan đã ra
đời được bốn mươi năm. Những con số ngày tháng đơn sơ mà xiết bao cảm động. Tuổi
của văn xuôi hiện đại chưa mấy. Tuổi văn Nguyễn Công Hoan, mới tính đến giờ, đã
có thể đọ được với tuổi đúng của nền văn xuôi hiện đại.
Nếu ta nhẩm từ cái hồi mà lời văn bổng trầm khóc đứng khóc ngồi, đến thời kỳ
văn chương sạch sẽ kiểu “Tự Lực”, thì, lực lưỡng như một tay đô vật không có địch
thủ, từ Kiếp hồng nhan tới nay, truyện ngắn truyện dài Nguyễn Công
Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo Ba Vì hùng vĩ vượt qua cả hai thời kỳ
tiến đến ngày nay.
Tôi ghi lại những ý trên khi nhớ tới hai ngày sinh của người bạn kính mến thân
yêu của tôi.
Tôi đương có công tác về thôn Vân ở Đan Phượng.
Từ cầu Phùng vào Vân, còn hơn mười cây số, mà bóng chiều đã ngả: Ông mặt trời
mùa xuân hiếm hoi lừ đừ màu đỏ ngọt ngào đã xế trên chỏm núi Ba Vì. Đê sông Đáy
kẻ sợi chỉ mờ thẳng tắp nhấp nhô những luỹ tre xanh nhạt, đôi chỗ chấm tròn một
lùm cây vải đen thẫm. Tất cả quen quen như đã gặp nhiều ở đâu.
Cách đây hai mươi năm trước, bước chân trôi giạt của một người làm công nhà
buôn đã đưa tôi đến Móng Cáy. Tôi đi tính sổ bán hàng cho đại lý hiệu giày
Ba-ta ngoài ấy. Trên bãi bể Trà Cổ, anh bạn nọ trỏ cho tôi một người và bảo:
“Ông Nguyễn Công Hoan đấy!”
Lần đầu tiên tôi trông thấy anh. Không phải như những kẻ phong lưu đi nghỉ mát
Trà Cổ mà là anh đương làm công chức “gõ đầu trẻ” ở ngay làng Trà Cổ. Một người
đàn ông đứng tuổi dắt tay một cô bé gày gò lững thững đi đôi guốc lê trên cát
còn hầm hập nóng. Bãi Trà Cổ đã vắng lại càng vắng. (Ngày ấy không phải ai cũng
háo hức nghỉ mát Trà Cổ như bây giờ). Chỉ có mấy cái nhà Tây của các quan binh
Móng Cáy. Đằng kia, nhà thờ Trà Lộ nhòm xuống bãi biển càng hiu hắt lạ lùng.
Tôi vẫn còn nhớ mãi cái đêm sáng trăng, trên tàu Tây Điếc từ Mũi Ngọc về Hải
Phòng, anh đứng trên boong nhìn vào Hà Cối. Tôi vừa đọc truyện ngắn “Nghĩ người
ăn gió nằm mưa” của anh ở báo Tiểu thuyết thứ bảy. Tôi không cố ý giữ một
hình ảnh tượng trưng, nhưng làm sao mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn lạc về bãi bể Trà
Cổ xa vắng và đêm trăng một mình qua Bái Tử Long ấy. Sự sáng tạo chân chính ở
thời kỳ đen tối này, sao mà lớn lao, cũng sao mà cô đơn.
Hai cha con cứ lùi lũi đi về cuối bãi. Vài chiếc vỏ sò, vỏ ngao, vỏ ngán, vỏ hà
và bọt biển giạt từ Bắc Hải bên kia tới. Những vật nhỏ bé phương xa đó làm tò
mò cô gái. Nhưng đôi mắt người cha đăm đăm theo những đàn chim gì không biết,
đương lặng lẽ bay xa, thật xa.
Có lẽ không thể tới Vân được. Trời muốn tối đến nơi. Những tiếng ban ngày rộn
rã trên cánh đồng giờ nghe mơ hồ vời vợi. Và người đi đường cảm thấy quạnh quẽ
hơn, âm thầm hơn. Nhưng đằng sau lưng bỗng trỗi lên một liếng xoang xoảng nhộn
nhịp. Như trâu bồn, như tiếng quăng lưới gõ cá trên mặt hồ chưa tan sương. Tôi
quay lại. Từ trong làn sương đục phủ mặt đê cao, một chiếc xe ngựa rong ruổi hiện
ra, nghe rõ tiếng cười nói xôn xao của những người ngồi trên xe. Xe càng gần tới.
Trước nhất, thấy hai vành bánh cao su đặc to thô lố. Ở giữa chất lù lù toàn những
mạ, lấp cả hai hàng người ngồi dưới. Đằng trước đánh xe, là một cô gái. Cô lừ lừ
nét mặt. Vành khăn nâu non ló sau mũi khăn vuông cao chót vót, lối chít khăn của
con gái Sơn Tây bờ sông Đáy.
Chiếc xe vừa lướt tới, tôi thấy cô đánh xe cười. Thì ra, có cái dáng mặt nghiêm
lừ lừ kia là vì con ngựa. Cô đương giơ ngọn roi tre lên dứ cho ngựa chạy nhanh
hơn.
Cô ngoái ra, nhanh nhảu hỏi: “Về đâu tối thế?”
Câu hỏi cộc lốc, nhưng giọng hồn nhiên và táo tợn.
Xung quanh tôi chỉ còn có cánh đồng và một mình, càng cảm thấy đường xa.
“Về Vân đây.”
Mấy cái đầu lấp ló nhìn ra.
“Về Vân à?’’
Tôi gạn: “Cho đi nhờ với.’’
Cô đánh xe nói: “Được thôi.’’
“Chứ đi bộ thì sang năm mới đến Vân?’’
“Ngồi nhích một tý nào, các vị ơi!’’
Anh Nguyễn Công Hoan à, anh có thể tưởng tượng như thế này không, khi tôi ngồi
trên cái xe ngựa lắc lư chạy, trong tôi cứ bập bồng rồi lại thiết tha theo đuổi
những ý nghĩ lúc nãy về anh. Điều đó không phải ngạc nhiên và không có lý. Những
tưởng tượng về anh, ngày sinh của tuổi đời và tuổi tác phẩm nhà văn, những bóng
xa xa, mờ mờ về Trà Cổ với đêm Bái Tử Long qua Hà Cối. Ý nghĩ tôi khấp khểnh
theo vòng bánh trong khi tôi trầm ngâm nhìn cô gái đánh xe.
Cái dáng quen, ừ rất quen. Cách đây nhiều năm rồi, gặp năm nước lớn, hương lý
làng Nghĩa Đô đốc thúc người đi đê. Trai tráng làng tôi suốt lượt phải hộ đê từ
Tứ Tổng lên tận vùng này. Chúng tôi cơm nắm cơm đùm kéo bộ cả đêm đến sáng mới
tới điếm canh đê hàng tổng. Nhớ làm sao buổi sáng hãi hùng ấy, cái cảnh tôi
trông thấy đoàn người chạy nước từ dưới bãi lên lấm vùi như đàn chuột trong
hang đang bị ộc nước. (Về sau, một trong những truyện ngắn đầu tiên tôi viết,
là truyện ngắn “Nước lên’’ in trên báo Hà Nội tân văn của anh Vũ Ngọc
Phan, trong đó đã chép lại nhiều hình ảnh đau thương hôm ấy).
Bao nhiêu năm, bây giờ tôi trở về đây. Trở về những làng Vân đất bãi điêu tàn
năm nào. Phải, tôi cố nhớ ra cái dáng. Vẫn dáng người con gái xốc vác của những
cô thợ đấu tỉnh Sơn, vai chắc lẳn, cổ cứng, đội đất rất khoẻ. Chỉ khác, không
phải người lam lũ từ nước lụt chạy lên. Đây là cô gái làng Vân, bảnh choẹ giong
chiếc xe ngựa.
Cái xe lắc lắc đều đều qua cánh đồng. Tay cô ấy dứ roi, mắt nghiêm, rất sắc, rất
tươi. Tôi nghĩ đến lớp nhóm trưởng nhóm cấy? Là tổ phó tổ kỹ thuật? Hay đội
phó, đội trưởng phụ trách sản xuất, tổ cô ấy vượt diện tích, hết mạ dự trữ, phải
đi mua mạ chợ xa?
Trong xe, đang râm ran chuyện. Những chuyện chống hạn, đào giếng chống hạn và
linh tinh... Người kẻ Cốc ăn khoẻ, con gái Hạ trêu anh cán bộ đến phải bỏ xe đạp
mà chạy; trên huyện vừa mở thêm hiệu bào chế đông y, lớp ngô sớm phải hạn khéo
đến hỏng ăn.
Nhưng chuyện ồn ào nhất là việc cấy phải xong giữa tháng...
“Xong thế cóc nào. Nước đâu kịp!’’
“Cũng chẳng cần. Năm nay nhuận tháng tư thì tháng hai cũng như tháng giêng, cấy
sớm cho nó cong cây à?’’
“Ấy, còn tính thời tiết trông giời thì không phải ‘nông dân cải tiến 63’ đâu
nhé!’’
Người ngồi cuối cùng hàng nghếch mặt lên khỏi đống mạ, gọi ra:
“Cô Ninh Bình ơi...’’
Cô đánh xe quay lại: “Gì thế?’’
“Đội cô nhất định cấy xong giữa tháng này a?’’
Cô đánh xe trả lời bằng miệng cười nhoẻn rồi lạl dứ chiếc roi lên cho ngựa chạy.
Sương lam đã vần vụ cả quanh xe rồi. Tôi chợt có cảm giác hồi hộp như trẻ con.
Một cái gì xa xôi mà thắm thiết. Không phải vì câu chuyện phong phú và miên man
trong xe. Cũng không phải vì làng Vân trước mặt kia đương phảng phất những kỷ
niệm thời thanh niên, khi tôi mới cầm bút tập viết văn. Không, chính vì cái tiếng
ai ngồi đằng kia vừa gọi “Cô Ninh Bình ơi! Cô Ninh Bình...”. Cô Ninh Bình. Cái
tên hiền hoà nghe mà như trông thấy hoa nở và yên lành, vừa lạ vừa quen làm
sao. Trong tiếng bánh xe, tiếng vó ngựa lọc cọc là lạ trên nền đất mỡ gà ấm đỏ,
giữa làn sương buông mỗi lúc một dầy, tôi vẳng nghe chen nhau những tiếng gọi,
tiếng đùa cợt, tiếng cười, cô Ninh Bình cô Ninh Bình ơi, tôi nghĩ đến anh.
*
Từ ngày anh kể cho tôi nghe chuyện ấy, mỗi khi qua Ninh Bình, hoặc chợt nghe ai
nói đến hai tiếng Ninh Bình, tôi không thể nào không chạnh nhớ.
Bấy giờ là mùa hè 1938, anh nhỉ? Hơn hai mươi năm trước, ở Nam Định.
Những truyện ngắn anh viết lúc ấy đăng trên các báo Hà Nội quả thực là những
con dao bầu mổ phanh cái bụng giới quan trường và bọn nhà giàu. Cái giàu sang kệch
cỡm và bất nhân của chúng, dưới ngòi bút vạch toạc sự thật giễu cợt đắng cay của
anh, thành những bỉ ổi thối tha mỉa mai trước mắt bạn đọc.
Thế nhưng cuộc đời kẻ cầm bút bấy giờ chỉ những mưa gió. Chẳng những bởi cái
nghề dạy học ăn gửi nằm nhờ lăn lóc từ Hải Dương, Nam Sách, Kinh Môn, Nam Định,
lên Lào Cai, ra Trà Cổ, đã cho anh trải anh thấy. Chẳng những chỉ vì khi tấm bé
anh đã ở cái cửa phủ, cửa huyện ở Thanh Oai ở Phù Ninh. Ở Thái Bình, cậu bé
Nguyễn Công Hoan đã chứng kiến và băn khoăn vì không thể cắt nghĩa được biết
bao nhiêu khốn khổ xám trời, xám đất cứ từ các làng, các xóm ngày đêm lũ lượt
kéo lên “công môn”.
Và thời ấy, ngay ở thị xã Nam Định này, những hồi còi tầm hút người và nhả người
ra chẳng kể gì đầu hôm gà gáy qua những bức tường cổng toà nhà máy sợi đen kịt
một góc thành phố. Những người nông dân ngày đêm đội rơm, đội gạo đội con cái
vượt cánh đồng chiêm trắng nước từ bốn phía cổng tỉnh vào ngồi chồng đống ở chợ
Rồng ngay dưới mắt anh, trong suy nghĩ của anh. Không thể một cái gì, một chỗ
nào phơi ra nhiều vẻ hơn, trái ngược hơn ở cái chợ thời trước, xã hội thế nào
nó bày thế ấy ở chợ. Thôi thì bát nháo kẻ cười người khóc, người đói, người chết
đói, nơi kia hằng hà của cải, nơi này núi rác núi ruồi, cái gác nhà ông giáo
Hoan thuê ở trông xuống những khổ ải nhất đời ấy. Cửa nhà anh ngó xuống nóc cái
địa ngục người và nắng. Hằng ngày, hằng năm anh đi qua, anh lặn lôi giữa cái chợ
chìm nổi quằn quại những người là người, lẽ nào anh không viết, anh không viết
không được, anh phải viết, anh đã viết. Có lần anh nói “để trả ơn những người cộng
sản” đã bồi đắp cho suy nghĩ của anh hồi Mặt trận Dân chủ Đông Dương, anh viết
tiểu thuyết Bước đường cùng. Tôi muốn nói rằng tiểu thuyết Bước đường
cùng của anh đã bắt đầu từ những khổ ải đời người và đời mình mà ra.
Vâng, thân phận anh, một nhà giáo khổ, khổ mọi cảnh. Người đứng bét cùng ở cái
hàng người có tên là tiểu tư sản trí thức ấy chưa bao giờ ngớt đi vay nợ. (Tôi
không hiểu sao, cho tới giờ, anh chưa viết về cái thảm cảnh âm thầm mà khốc liệt,
là nạn vay nợ lãi), anh nợ suốt đời. Anh lo suốt đời. Trong nhà, các em các con
lần lượt ra đi hoạt động. Không mấy khi Tết đến, đủ người về. Nhà lúc nào cũng
có người tù ở Hoả Lò, ở Côn Đảo, có người đi bí mật - kể cả cô gái út mảnh khảnh
năm nào anh dắt đi trên bãi Trà Cổ. Và anh, anh theo nghề nay đây mai đó, sống
đời lưu lạc bất đắc dĩ.
Lúc này, chính quyền thực dân lại sắp đổi anh ra Trà Cổ dù anh đã ở tỉnh đường
ngược Lào Cai về. (Theo luật lệ của Tây lúc ấy, công chức đã làm việc ba năm ở
miền núi, được về xuôi hẳn). Cái hiu hắt kéo lê bóng cha con trên bãi Trà Cổ
hoang vắng kia, tôi đã thấy rồi.
Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã cất tiếng. Tiếng nói nhà văn thống thiết
nêu lên những khổ ải quanh mình. Không hiu hắt, không tuyệt vọng. Bạn đọc đã thấm
thía với tiểu thuyết Bước đường cùng.
Trong cánh cửa nhìn xuống những mái lợp tôn chợ Rồng, ngòi bút viết ra những nỗi
đau đớn đời người.
Buổi trưa nắng hầm hập hơi nước đồng chiêm ngột ngạt tràn qua cái thành phố ủ
ê, lử lả. Cầu chợ Rồng dưới kia, những cái chảo hầm người.
Bỗng có tiếng đập cửa.
Khi mở cửa anh đã nghĩ sẵn điều để ngừa trước.
Bọn mật thám thường đến nhà người ta thình lình.
Nhưng không phải.
Người gõ cửa là một người “nhà quê” - anh không quen biết. Người ấy trạc bốn
mươi tuổi. Khuôn mặt to hơn hẳn so với khổ người thấp bé lại gồ ghề, khắc khổ,
vừa rám nắng, vừa vàng nghệ, thành màu đất thô xám, không thể đoán được người ốm
hay người khoẻ.
Người ấy chít khăn lượt, mặc áo the lửng, tay cầm cái ô vải trắng lơ, đi đất.
Khách nói: “Thưa ông, tôi ở huyện Yên Mô trong Ninh Bình ra.”
Anh chưa hiểu thế nào.
“Tôi muốn thưa với ông một việc.”
Anh càng lúng túng nhìn người lạ.
“Ông ơi, đời tôi rất khổ.”
Chỉ một câu ấy, nét mặt tần ngần đăm chiêu ấy, anh đã hiểu. Một câu nói, một
câu nói vào một cánh một tình, có thể mở ra cho nhà văn nhìn thấu suốt trước
sau. Thế rồi người ấy đều đều kể ra nỗi khổ chồng chất nghìn đời.
Người ấy nức lên. Khuôn mặt to lớn sầm lại, nhoà nước mắt. Rõ ràng là một người
không hề khóc bao giờ. Nhưng người ấy đã khóc, rồi nói: “Tôi đã thắt cổ mà
không chết được. Tôi mới biết thì ra số kiếp tôi còn phải chịu khổ lâu, muốn
‘đi’ cũng không ‘đi’ được. Đã thế, bọn lý dịch còn cho là thắt cổ vờ. Nó lại kiện
tôi thắt cổ để doạ quan trên.”
Người ấy thở dài:
“Tôi biết làm thế nào...”
Rồi im một lúc lâu. Nắng trưa càng nặng nề.
„Bây giờ tôi trông cậy vào ông.“
Anh nhìn người ấy. Không ngạc nhiên, con mắt và trái tim nhà văn hiểu ngay sự
tin cậy ấy. Nhưng chẳng hay người ấy tin cậy gì ở anh? Anh là thế nào? Những
câu tự hỏi và có thể tự trả lời ngay được, tuy nhiên, trong hoàn cảnh xã hội ba
đào như thế, anh đã viết một loạt truyện “xã hội ba đào ký” mà - cũng lắm khi
con người không biết mình là ai nữa. Số phận khủng khiếp của người nông dân kia
và của người cầm bút viết văn âu cũng đương là một. Hai con người cùng khổ ở đời.
Anh vẫn im lặng nhìn người bạn mới.
Người ấy nói:
“Không, tôi không đến nhờ ông làm hộ cái đơn để kêu oan cho tôi. Tôi chỉ thấy
khổ như cảnh tôi là khổ đến tuyệt trần đời rồi, cho nên tôi phải kể cho ông viết,
ông phải viết thành sách, nếu không thì chẳng ai biết được dân đen chúng tôi cực
nhục đến như thế nào, bọn hào lý quan trên độc ác đến như thế nào.’’
Người ấy tin cậy anh thế đấy. Bỗng nhiên, trong cơn nung nấu đến ngạt thở trên
cái chợ người giữa trưa, nhà văn cảm thấy được sức mạnh ngòi bút mình không
sóng gió nào vùi dập được, không thế lực nào địch được. Trước mắt, chỉ có anh
và người nông dân khốn khổ.
Tiểu thuyết Bước đường cùng anh viết mùa hè 1938, khi anh còn ở rốn lại
Nam Định. Song, từ ngày ấy tôi cũng chưa hỏi xem anh đã gặp người nông dân ở
Ninh Bình kia khi nào, có phải lúc anh viết Bước đường cùng không.
Nhưng tôi có một yên trí đặc biệt, tôi tin rằng Bước đường cùng có
anh ta. Bước đường cùng là người ấy.
Rồi khách không nói gì nữa. Khách đứng dậy. Đến lúc ấy, anh mới bàng hoàng, như
chợt tỉnh, anh hốt hoảng hỏi: “Ông đi à?’’
“Vâng, xin chào ông.’’
“Ông về Yên Mô bây giờ?’’
“Không.’’
“Thế ông đi đâu?’’
Người ấy cười nhạt:
“Tôi đi cùng trời cuối đất này, cái số tôi không chết được mà.’’
Rồi người ấy quay, đi.
Anh không hề biết tên, anh kể chuyện cho tôi nghe đến đấy, chúng tôi im lặng một
lúc thật lâu.
Vâng, đấy là người bạn đọc thân thiết, bạn đọc chân chính, nhà phê bình đúng nhất,
nguồn sáng tạo và sức mạnh cổ vũ to lớn, mạnh mẽ cho nhà văn.
*
Tôi chỉ nghe anh kể lại mà cũng không thể quên được. Cả mỗi khi qua Ninh Bình,
mỗi khi nghe ai nói hai tiếng Ninh Bình, tôi lại sực nhớ người bạn đọc thiết yếu
ấy của anh. Người viết văn trong lúc đen tối nhường này, đã gặp người bạn đọc
vĩ đại, người bạn đọc và sức mạnh cảm hứng chân chính, quả là một điều mà trước
nay trong văn chương không mấy ai đã được niềm ao ước ấy, chiếc xe ngựa về Vân
vẫn lóc cóc đi. Con đường đất đỏ trên đê cao mờ dân dưới làn sương.
Tôi ngồi đầu hàng ghế trong khoang xe: Những bó mạ lắc lư dần dần nghiêng xuống
muốn đè lên người.
Vì thế, mở một khoảng cách, nhìn sang cô Ninh Bình, một cảm tưởng man mác, tôi
trông cô đội trưởng đánh xe ngựa, và nhận ra người con gái ấy mỗi lúc một đẹp
hơn. Mặt cô đỏ lừ vì chiều muộn đã tắt nắng, mà chân trời Sơn Tây trong sương
sa trước xe còn phơn phớt ánh hồng lại. Cô Ninh Bình ơi!
Câu chuyện trong xe cứ càng hoàng hôn càng rôm rả. Mọi người đương chế giễu cô
đánh xe.
Một thanh niên nhìn ra cánh đồng rồi kêu lên:
“Không về kịp thôi. Tối mất rồi.’’
Câu nói bâng quơ, nhưng hình như cô đánh xe chạnh lòng, đối đáp ngay.
Cô quay lại, cười cười, bướng bỉnh.
“Tối thì ngủ lại?’’
Người ta lao xao:
“Hoan hô cô Ninh Bình! Hoan hô!’’
Một người khác nói to:
“Tối ở đâu mà chú rể không mò đi đón được, đừng có là ba chục ki-lô-mếch cũng
băng.’’
Mọi người lại cười rầm. Tôi cứ nghe, đoán, rồi cũng thủng câu chuyện. Câu chuyện
bình thường, chuyện trai lấy vợ gái lấy chồng bình thường. Đối với lớp tuổi ấy
thì như cơm ăn áo mặc tự nhiên, nhưng câu chuyện này đã xôn xao tuổi trẻ làng
Vân đấy.
Nguyên là tối thứ bảy tới thì “tiệc trà” cưới cô Ninh Bình, đội phó sản xuất
làng Vân. Cô đội phó lấy chồng. Nếu câu chuyện yêu nhau rồi lấy nhau của lứa
đôi ngày một tốt đẹp, cuộc sống tình cảm hai người cứ đằm thắm lên, thì vụ đông
xuân này lại đương qua bước thử thách nặng nề. Hơn hai tháng nay trời không
mưa. Những bãi ngô sớm úa rồi vàng quấn hết lá, châm cái lửa đốt cháy được. Đâu
đâu cũng khổ công chống hạn, đổ một lúc hàng nghìn người ra đồng.
Trên huyện cho ba máy bơm xuống. Thế là, nước về trắng đồng. Các đội đua nhau
cày trâu theo nước về, lên quá mức khoán. Tổ kỹ thuật cất công đi các làng, các
chợ lùng mua thêm mạ. Cô đội phó Ninh Bình phụ trách kỹ thuật phải tất bật vào
công việc ấy.
Nhưng cái khó không phải việc đi lùng mạ, mà điều “rắc rối” là “tiệc trà” đã định
ngày trước rồi, mà ngày nào cũng phải đi thế này.
Chúng ta đã thấy cô Ninh Bình rong ruổi chiếc xe mạ đó.
Tới làng Vân thì trời vừa tối. Chiếc xe vào tận cái sân phơi rộng đầu làng. Mạ
được xếp cả xuống đấy.
Cô Ninh Bình bảo tôi:
“Bây giờ sang xóm chủ tịch thì tối quá rồi, anh ạ. Mời anh về nhà tôi nghỉ, mai
sớm hãy sang.’’
May quá! Không phải vì chỉ cớ tôi đang tò mò cuộc gặp gỡ có thể, mà thật ra,
đêm hôm đèn đóm lại không có, lại còn lục đục tìm nhà. Vả chăng, việc tôi không
gấp.
Nhà cô Ninh Bình ở bên một bờ ao dài. Những cây chuối xoã lá toả bóng mặt nước
trăng suông im lặng. Lui vào trong một căn nhà nhỏ giữa nền sân đất phẳng. Ở
đây, có cái tĩnh mạc vẻ chùa chiền, tưởng bao đời nay vẫn thế.
Ông cụ - vâng, bố cô Ninh Bình, anh ạ. Ông cụ đã cơm chiều, uống rượu xong, vừa
đi ngủ. Cụ đắp chiếu tùm hụp nằm gian bên, ngáy khò khò - dễ chăng biết có người
lạ đến nhà - ít thấy cụ già ngủ khoẻ thế. Một lát sau mới trỗi dậy.
Ông cụ có ba người con, anh lớn đi bộ đội, người thứ hai làm du kích đã hy sinh
trong trận giặc càn làng. Cô Ninh Bình là út. Cụ vẫn khoẻ. Những buổi đội cần
cày gấp cho kịp thời vụ, cụ vẫn đi cày. Hàng ngày, cụ trông một chuồng trâu cho
đội.
Cuối xuân trời ấm, gió nồm giật mạnh. Nằm nghe tưởng như từng cơn gió dào dạt
giải trên cánh đồng nước chống hạn nhởn vào tận chân tre đáu xóm quanh đây Gần
sáng, tôi sực thức. Trông sang gian bên, le lói ánh đèn. Nghe viếng nõ điếu nổ
tanh tách. Bóng ông cụ gật gù lung lay in trên lườn nhà. Tôi trở dậy.
Ông cụ vồn vã:
“Anh dậy à? Có nước sớm, anh sang đây.’’
Nồi nước chè xanh vò đặc bốc khói thơm ngạt mũi đã đặt sẵn đấy. Vả lại, cứ
trông cung cách đóm điếu thong thả lúc gà gáy như thế, tôi hiểu: ông lão dậy sớm
đã thành lệ. Tôi đương ngồi trước mặt một cụ già quắc thước. Người vạm vỡ, mặt
to chân tay xương đầu gối chắc chắn, thố lố, nhưng những chuôi vồ, những lưỡi
cày 58, những cuốc bàn còn tốt. Chịu không đoán được tuổi. Bảo sáu bảy mươi hay
bảy, tám mươi cũng thế - thường khó đoán được tuổi các cụ già khoẻ mạnh.
Ông cụ nói:
“Tôi thì quanh năm, gà gáy tan canh, làm xong tuần nước, là đi lo trâu được no
sớm, ngày mùa không kịp cho trâu ăn trước buổi cày sáng. Tôi không ngủ được hết
đêm, anh ạ. Tôi không ngủ nổi hết cái đêm, có lẽ thành tật từ lúc còn trẻ
kia.’’
Tôi có cảm tưởng thật khác lạ, nhưng tôi lúng túng chưa biết hỏi thế nào.
“Cụ ở quê ta...’’
Ông cụ đáp ngay:
“Tôi gốc người trong Ninh Bình. Đấy, tên các em nó tôi cứ đặt lung tung, gọi là
nhớ quê cha đất tổ, con Ninh Bình, thằng Yên Mô...’’
Tôi thong thả thở một hơi dài. Như vừa suy nghĩ được một điều hệ trọng. Ông cụ
lại nói với theo câu vừa rồi:
“Từ ngày còn trẻ, tôi chẳng tài nào chợp mắt được đẫy đêm. Cái đời người ngắn lắm,
phải thức mà lo liệu chứ. Đời tôi xưa kia cùng cực quá, ông ạ. Thắt cổ mà cũng
không chết được...’’
Rồi ông cụ cười, trống hốc cả hai hàm móm.
*
Tôi nén xúc động, cúi uống bát nước chè vò đặc sánh. Ngoài trời còn đẫm sương.
Tiếng bánh xe lẫn tiếng vó ngựa lọc cọc qua. Xe ống bơm chống hạn, xe mạ ra đồng
cấy. Những tiếng ban ngày lại bắt đầu.
Anh Nguyễn Công Hoan, anh đoán cũng có thể biết sung sướng đến thế nào, tôi được
gặp người bạn đọc của anh. Người bạn đọc trong những bạn đọc cực kỳ đông đảo,
nguồn sáng tác suốt đời của chúng ta.
2.
Năm 1963, trong dịp anh Nguyễn Công Hoan lên lão sáu mươi, tôi có viết một bài
mừng thọ. Bài bút ký “Người bạn đọc ấy’’, anh Hoan nói vui:
“Tôi đọc bài anh mà rơm rớm nước mắt, khỉ thế!’’
Anh bảo tôi như vậy. Cách nói rất Nguyễn Công Hoan!
Tôi xiết bao bâng khuâng với nguồn cảm thông của anh trước tâm sự tôi đã giãi bầy
trong bài ký đó.
Anh đã cho in cả bài “Người bạn đọc ấy’’ vào tập hồi ký của anh: Đời viết
văn của tôi [2] . Và cảm động, tự hào khó tả bao nhiêu
cho tôi, bài “Người bạn đọc ấy’’ của tôi còn khơi gợi để anh viết thành tiểu
thuyết Con trai người bạn đọc ấy.
Bao nhiêu năm nay, những gì anh viết, tôi đều đọc, có thể nói, không sót một chữ.
Tưởng như từ tập truyện Kiếp hồng nhan đến giờ, anh viết bài nào ở
báo nào, sách nào, người học trò chăm chỉ của anh đều tìm đọc.
Tôi đã nghe anh kể, anh cũng chú ý đọc tôi từ những truyện ngắn đầu tay của tôi
đăng báo Hà Nội tân văn. Đến bây giờ anh vẫn đọc và thường cho tôi nhiều ý
kiến về mọi cái tôi viết ra.
Có lẽ từ hơn nửa thế kỷ làm nghề văn, tới nay, lúc nào anh cũng viết. Những
truyện ngắn trong Kiếp hồng nhan anh viết cái năm tôi mới được sinh
ra, năm 1920, thế mà tới nay, anh vẫn là người viết hăng hái, siêng năng như vẫn
siêng năng, cần mẫn từ bao lâu nay, anh bảy mươi lăm tuổi rồi mà bạn bè không
ai hề nghĩ tuổi anh đã cao. Người ta chỉ thấy anh cũng đương viết như chúng
tôi, và như chúng tôi. Một nhà văn lúc nào cũng đương viết thì không bao giờ biết
già và không bao giờ ai cho là già. Những người lớp tuổi sau kính trọng tuổi
anh, ao ước được thân thiết với lao động sáng tác của anh.
Tháng trước, anh phải nằm bệnh viện. Cũng tháng trước, báo Văn nghệ ngày
21 tháng năm 1977, in bài bàn về chữ “nhà” của anh. Bài anh đề viết tháng 5, viết
cả khi ốm nặng. Tôi đọc bài ấy, ghi mấy chữ vào sổ tay để nhớ và tôi nghĩ thêm
được những chữ: nhà bàn, nhà tàu... Vẫn định, rồi lúc nào gặp nói đùa “biếu anh
thêm mấy chữ này”.
Trong bài “Người bạn đọc ấy’’ tôi có kể lần đầu tôi gặp anh Nguyễn Công Hoan ở
bãi biển Trà Cổ, quãng một năm trước năm 1940.
Hồi ấy, anh dạy học ở làng Trà Cổ. Còn tôi đương làm phụ kế toán cho nhà giày
Ba-ta ở Hà Nội. Tôi ra Móng Cái tính sổ hàng của đại lý. Thấy anh ở Trà Cổ rồi
tình cờ cùng đáp chuyến tàu thuỷ chở khách của hãng Tây Điếc từ Mũi Ngọc về
Phòng. Tôi làm quen với anh. Tất nhiên, anh chẳng biết tôi là ai. Tôi chưa viết
văn. Cũng chưa có cái tên như tên tôi bây giờ.
Nhớ hôm ấy anh mặc quần soóc trắng, đội mũ cát đít vịt, hút tẩu thuốc lá, đứng
tựa lan can tầu trông ra biển. Tôi mon men đến. Tầu qua Hà Cối, anh trỏ hòn đảo
mà tàu vừa rời xa, nói Tây gọi đảo ấy là Chapeau Chinois. Tôi trông hình đảo nổi
trên mặt biển cũng giống núm cái mũ cói rộng vành của người lao động Trung Quốc
thường đội. Trên tàu có Trần Trọng Kim hồi ấy là đốc học Hà Nội ra nghỉ mát Trà
Cổ. Về đến Quảng Yên thì ông Trần xuống, anh bảo tôi là ông ta xuống chơi với
tuần phủ Quảng Yên. Trên tàu có đoàn chị em ái hữu tiểu thương chợ Đồng Xuân đi
chơi Móng Cái, sang cả Đông Hưng bên Trung Quốc. Tôi cũng có sang Đông Hưng.
Sau chuyến ấy, tôi viết một bài phóng sự về quang cảnh thị trấn Đông Hưng chuẩn
bị chống Nhật. Tôi gửi bài vào báo Mới, một cơ quan công khai, của phong
trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Sài Gòn. Chỉ thấy ở mục hộp thư báo đăng tin
có nhận được bài mà thôi.
Ngót bốn mươi năm rồi, mà vẫn nhớ nguyên chuyến tàu. Cái tàu thuỷ cũ kỹ chạy
ven biển - hai ngày, hai đêm mới từ Mũi Ngọc về tới bến Bính, guồng tàu quay ầm
ầm, sủi bọt trắng xoá ngày đêm đằng đuôi tàu. Nhưng phải nói là biết anh Nguyễn
Công Hoan, tôi biết từ khi học, lớp cấp ba tiểu học, khi bắt đầu biết đọc sách
và đọc truyện ngắn trong tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, số 1, in năm
1933...
Đến hồi đương tuổi thanh niên tôi lại “biết” anh vào dịp anh em ái hữu thợ dệt
quê tôi diễn vở kịch Tấm lòng vàng của anh. Kịch kể chuyện một nhà
giáo, từ tâm giúp một học trò nghèo. Sau anh học trò ấy làm nên, kín đáo đền ơn
tạ thày. Tôi đóng vai người học trò nghèo trong kịch Tấm lòng vàng. Thầy
là Thịnh, thầy giáo dạy tôi lớp 1 ngày trước, lại đóng vai thầy giáo. Con gái
thầy giáo là cô Mỹ Ảnh, một cô đào tuồng rạp Quảng Lạc. Chúng tôi đã xuống Hà Nội
thuê cô ấy về đóng, ngày ấy chơi kịch nghiệp dư, khó kiếm được vai nữ thật.
Hồi này, anh đã được đổi về dạy ở Nam Định.
Tôi viết thư xin phép tác giá. Thật ra, tôi ao ước được thấy mặt chữ một nhà
văn nổi tiếng hơn là việc xin phép. Tôi đã được như ý. Chữ ký trong thư anh
không chân phương như bây giờ, mà loằng ngoằng búi tròn lại thành một đám như
con nhện rồi buông một nét sa xuống dài thõng, anh Nguyễn Công Hoan vốn tinh
nghịch, hay làm ngược. Có phải vì ngày ấy các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Đoàn
Phú Tứ ký tên thường phất những nét cao ngất đài mây lên trời mà nhiều người đã
bắt chước, thì anh ký thành một cục chữ rồi cho chọc một nét xuống đất.
Tôi giữ cẩn thận cái thư ấy, tới sau tháng tám 1945, đã đưa anh xem.
*
Thật thì cũng chẳng mấy khi tôi có dịp gần hoặc làm việc lâu với anh, nhưng tôi
nhận thấy ở anh lúc nào cũng lạc quan hay nói đùa. Cái vui của một người có nhiều
nỗi buồn, không biết có phải thế không.
Trước những khó khăn, những đau khổ, trong mọi hoàn cảnh, anh vẫn tìm ra cách
nghĩ, và làm việc tạo niềm tin.
Xin kể đôi ba kỷ niệm nhỏ.
Năm ấy, cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu. Tôi làm phóng viên báo Cứu
quốc mặt trận Hà Nội, anh Nguyễn Công Hoan đã vào bộ đội, ở ban biên tập
báo Vệ quốc quân, anh Lê Tất Đắc phụ trách. Báo đóng trong một xóm trên đồi
Đồng Lư vùng Sở giữa chùa Thầy và chùa Trầm. Cùng làm tuần báo Vệ quốc
quân lúc ấy có Thôi Hữu và Thâm Tâm. Thấy tôi đến chơi, anh Nguyễn Công
Hoan giữ lại bảo “ở lại đây làm báo với chúng tớ cho vui”. Thế là thủ trưởng Lê
Tất Đắc ký giấy xuất kho cho tôi bộ quần áo bộ đội xanh lá cây, cái mũ cứng,
thêm chiếc mũ ca-lô. Tôi ở lại có đến mấy tháng, cho đến hôm cơ quan Vệ quốc
quân chạy Tây rời lên Lâm Thao.
Có một chuyện buồn cười, buồn cười khi anh nói lại chứ thật ra, đây là chuyện
gay go, suýt chết. Hôm ấy anh Nguyễn Công Hoan cùng Thôi Hữu lên Sơn Tây. Không
nhớ đi việc gì, tôi mang máng như cũng là các anh đi chơi thôi, anh Nguyễn Công
Hoan mặc quân phục, mũ ca-lô sĩ quan dạ tím có sao vành tròn.
Lưng anh dắt gồ gồ bao súng lục anh Lê Tất Đắc cho mượn - mà tôi chắc anh cũng
không biết bắn. Người anh cao lớn, mặt bộ đội, trông oai lắm. Chẳng may, đúng
hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công nống lên tận huyện Phúc Thọ. Một đằng thì Tây đã
lố nhố lên mặt đê, bắn loạn xạ vào trong làng. Một đằng thì người ta chạy giặc
đương gồng gánh xô xuống bãi.
Anh chạy với mọi người.
Anh bị dân quân hỏi, rồi giữ giấy. Người ta nghi anh là Việt gian, trói anh lại.
Ở ngay mặt trận, địch đang đuổi sau lưng mà bị dân quân bắt, nghi là Việt gian
thì chết đến nơi rồi. Nửa đêm, anh mới mò được về đến Đông Lư. Bùn lấm lên tận
mặt, mất cả mũ ca-lô, cả súng lục. Vết thừng còn lằn đỏ hai cổ tay.
Chúng tôi theo lệnh chuyển lên Lâm Thao, anh đi theo luôn. Dọc đường, lúc ngồi
nghỉ, anh Nguyễn Công Hoan thong thả vui vẻ kể lại chuyện “nguy hiểm chết người”
ấy. Rồi anh cười: “Từ giờ thì kệch không dám đeo súng!’’
Một chuyện mới đây. Cục địch vận của Quân đội tổ chức cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ
bàn việc sáng tác cho địch vận. Các vùng bị chiếm ở miền Nam đương ngập ngụa
sách vở, ta cần tìm cách thổi luồng gió mới vào.
Các anh ấy đề nghị chúng tôi viết những truyện - viết theo lối sách chưởng,
tình báo, lãng mạn đương thịnh hành nhưng nội dung lành mạnh, khơi gợi tình yêu
nước. Và ký tên khác. Để in công khai trong thành hoặc in ngoài chiến khu, đem
lồng bìa giả, bí mật đưa vào các đô thị.
Chưa ai làm được gì thì anh Nguyễn Công Hoan đã xong một tiểu thuyết trên một
trăm trang bản thảo. Hồi kháng chiến chống Pháp, anh đã viết một truyện như thế,
do quân đội in, quyển Sổng cũi, ký tên là Nguyễn Văn Lung (anh cắt nghĩa:
là lung tung thiên ấy mà).
Tôi đọc, rồi nói với anh: “Những đoạn tả tình yêu chưa được.’’
“Sao?’’
“Anh cho trai gái Sài Gòn bây giờ viết thư tình như thư tình trong truyện của
anh từ hồi “min-nớp-săng-cà-cộ”. Có cả sợi tơ lòng, đài gương, dấu
bèo, nhạn én thoi đưa, tháng ngày thấm thoắt...’’
Anh im. Rồi vỗ đùi, cười to: “Ờ nhỉ, lâu nay cái việc ấy mình không có thực tế.
Toàn viết theo xú-vơ-lia [3] . Hỏng!’’
Anh bằng lòng với nhận xét ấy của tôi và tự giải thích theo cách hài hước
riêng. Rồi anh bỏ cả cuốn tiểu thuyết Một kiếp người. Chịu nghe, Nguyễn
Công Hoan vẫn trẻ trung như thường.
Năm trước, anh khoe: “Mình mới nghĩ ra một truyện dài, cái truyện dài này thì
dài vô tận.’’
“Truyện gì ạ?’’
“Truyện Nhớ gì ghi nấy.”
Tôi vẫn chưa hiểu, anh cắt nghĩa: ở tuổi anh ấy bây giờ, những từng trải buổi
giao thời, những mắt thấy tai nghe qua mấy chế độ, biết bao chuyện, phải ghi lại
cho lớp người sau biết.
Thế là anh đóng từng tập giấy khoảng trăm trang mỗi khi nhớ một việc, anh suy
nghĩ thấy nên ghi lại, anh ghi. Hết tập giấy ấy, anh đóng tập khác.
Anh cười, giơ tay, vẻ đắc chí:
“Ơ hay, chẳng phải là chuyện dài vô cùng tận thì là cái gì. Từ nay đến ngày
mình chết, chết thì thôi chứ những điều đáng nhớ đáng ghi thì cái bộ đại trường
thiên tiểu thuyết này của Nguyễn Công Hoan cũng chưa xong cơ mà!’’
Những ghi chép ấy của Nguyễn Công Hoan đã có dịp ra mắt bạn đọc một vài đoạn
trên tạp chí Tác Phẩm mới. Có ý kiến cho là anh ghi nhiều điều quý. Có ý
kiến cho là có cái không hay, không nên ghi, không nên cứ nhớ gì ghi nấy.
Anh chỉ cười:
“Tất nhiên, phải nghĩ rồi mới ghi chứ, tay mình viết chứ có phải là cái máy viết
đâu, nhưng mà đợi người ta bàn xong xem mình ghi hay hay dở thì không còn thì
giờ, cứ phải làm việc thôi. Từ khi tôi nghĩ ra cái nhớ gì ghi nấy này, thấy lúc
nào cũng bận.’’
Luôn luôn anh tìm ra nguồn vui, cả trong lúc sáng tác khó nhọc, anh hay pha
trò, nhưng công việc anh làm thì không đùa. Lúc nào anh cũng tập trung trí tuệ
và nghị lực. Chúng tôi thường nghe anh kể và đã biết về cách anh làm việc, nơi
anh làm việc, trước kia cũng như bây giờ. Thật giản dị: một cái bàn, cái ghế, lọ
mực tím, lọ mực đỏ, cái kéo, lọ hồ, tập giấy. Mỗi tối thường anh viết xong một
chương truyện trên mười trang bản thảo giấy khổ nhỏ. Hôm sau, chữa lại chương ấy
bằng mực đỏ. Chỗ nào hỏng, hoặc xê xích câu văn trên dưới thì cắt dán. Đến bữa,
đứng dậy đi ăn cơm, ăn thật no. Anh bảo: “Mình ăn khoẻ, quà bánh chẳng thấm vào
đâu. Phở cứ hai bát mới lửng.’’ Có lần đi Hải Phòng, tôi thấy anh ăn một lúc
hai bát phở. Không bao giờ ăn quà vặt, thỉnh thoảng, dăm bữa nửa tháng, cao hứng
mới uống chén rượu chơi. Viết liền sáu hôm được sáu chương, chủ nhật nghỉ, viết
hai tuần lễ mười hai chương, cứ thế làm tiếp cả tháng, cho đến khi xong.
Sức mạnh tập trung và thói quen làm việc dữ đến thế là cùng, anh đã kể trong hồi
ký Đời viết văn của tôi, anh viết liên tiếp xong tiểu thuyết Bước đường
cùng thì bị đau bại một bên vai phải, anh làm liền một loạt truyện ngắn,
in báo rồi in thành tập Đào kép mới.
Viết xong, đứt kẽ mắt, bị sưng húp lên.
Đến khi có tuổi, cách thức làm việc của anh vân khoẻ tương tự, mặc dầu bệnh nghề
nghiệp của một người thực sự lao động nghề văn đã khiến những năm sau này, anh
đau bả vai bên phải như tê thấp, không ngồi cầm bút được lâu hơn một tiếng và
bên chân trái anh đi thường bị run.
Đời anh từ nhỏ, biết bao ngậm ngùi. Người đọc đã thấy trong Đời viết văn của
tôi những chuyện cười cợt về thầy ký rượu phố phủ, về anh nho khúm núm cửa huyện
hoặc về tác giả tự giễu mình là cậu bé nghịch tinh, nhưng người đọc đã thấy đằng
sau những truyện cười đến giàn giụa nước mắt ấy là nỗi buồn của cậu bé sớm phải
xa cha mẹ, là cái lo nhà mình cứ nghèo mãi, bố mẹ lại đông anh em, mà đi thi mấy
lần đều hỏng, lớn lên, đau nỗi đau mất nước, anh không thờ ơ với thời cuộc, anh
đã giác ngộ và đầu tiên anh hoạt động cách mạng với nhà yêu nước Nguyễn Thái Học,
bạn học của anh ở trường sư phạm Hà Nội.
Đời anh, đận nào cũng đầy những âu lo. Từ nhiều năm trước, đến những ngày Tổng
khởi nghĩa 1945, trong gia đình, các em anh rồi đến các con anh lần lượt thoát
li đi hoạt động, có người phải mang án chém, án tù đày chung thân. Sáng tác của
anh có quyển bị cấm lưu hành như tiểu thuyết Bước đường cùng, thời kỳ Mặt
trận Bình dân. Đến khi phát xít Nhật sắp làm đảo chính, anh bị mật thám Tây cấm
viết, anh phái viết ký tên khác, nhà xuất bản mới in. Những truyện viết cho thiếu
nhi hồi này anh viết ký tên Ngọc Oanh (chữ Nguyễn Công Hoan viết tắt và xếp ngược),
anh đi dạy học, nhưng thực dân Pháp không cho anh được ở đâu lâu. Ngót hai mươi
năm làm nghề gõ đầu trẻ - anh đã viết thành tập tự truyện trào lộng có cái tên
ngộ nghĩnh: Godautre, - chữ “gõ đầu trẻ”, viết liền và đọc theo kiểu chữ
Tây.
Cách mạng tháng Tám thành công. Gia đinh anh được niềm vui chung của đất nước.
Rồi, bước vào hai cuộc kháng chiến ngót ba mươi năm, trải bao nhiêu gian khổ,
nhà anh cũng trong những hy sinh gian khổ ấy. Mẹ anh và nhiều người trong.gia
đình đã bị bom giết hại. Em anh, con cả anh đã hy sinh trên đường công
tác. Con
trai anh vào chiến trường miền Nam.
Nhưng đầy nghị lực và tinh thần trách nhiệm trước cuộc sống, bao giờ anh cũng
vượt lên. Những đức tính ấy ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ sự nghiệp văn học
của anh về tư tưởng, về vốn sống và tài năng sáng tạo.
Tiểu thuyết Đống rác cũ tập I, có nhiều chương miêu tả gia đình một
nhà nho, một gia đình phong kiến điển hình với những thói tục hủ lậu, đã giam
hãm và hành hạ người phụ nữ đến tàn đời trong ngưỡng cửa gia đình. Thành công của
anh trong biểu hiện và mổ xẻ tâm trạng với khung cảnh những nhân vật phong kiến
ấy, tôi hiểu được, do bao nhiêu từng trải và cảm xúc, suy nghĩ của anh. Tôi có
được nghe anh kể về người phụ nữ đau khổ có thật ở Hải Dương đã trở thành hình ảnh
nhân vật phụ nữ xấu số trong truyện. Tâm sự và cuộc đời người trong truyện cũng
là những rối bời trong tâm sự và cuộc đời người viết và xã hội.
Đời viết văn của tôi có nói một chút về cái chết thê thảm của người thiếu
phụ đáng thương mà anh dựng thành nhân vật. Đối với nỗi lòng anh, tôi hiểu được
sâu hơn những thầm lặng, những xót xa, những nguyên nhân nào khiến anh yêu văn
Vũ Lang, văn Vũ Lang viết như thơ - một nhà văn lãng mạn mất rất trẻ hồi ấy.
Bạn đọc anh thường chú ý tính xã hội của nhân vật và tính trào lộng đặc biệt của
anh. Tôi thấy ở anh, không phải chỉ có hài hước mà còn có thơ. Chất thơ ấy làm
cho cái cười của anh buồn thăm thẳm hay bay bổng lên. Những truyện ngắn như
“Nghĩ người ăn gió nằm mưa, Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng’’, và những tiểu
thuyết Tấm lòng vàng, Tắt lửa lòng, Lá ngọc cành vàng, Tơ hồng, Cô
giáo Minh, Bước đường cùng và những bài thơ mà đôi khi anh làm, có
đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy và cả cuộc đời lúc nào cũng nén đau
thương - những điều tưởng không dính líu tới sáng tác, nhưng thật đã ảnh hưởng
lớn tới tâm hồn sáng tác của anh. Những cái đẹp, những nét thơ và u uẩn đó ánh
lên như hương thơm của chùm hoa mộc tinh khiết đưa thoang thoảng rất xa trong
đêm hè.
Không phải chỉ do tôi suy luận từ sáng tác tới cuộc đời anh, mà có những điều
tôi trực tiếp hiểu được như thế. Chỉ một bài “Người bạn đọc ấy’’ của tôi đã gây
ra giông bão trong sức mạnh sáng tạo của anh và anh đã tạo nên tiểu thuyết Con
trai người bạn đọc ấy. Phải có cảm xúc thơ, tâm hồn bao la mới chắp cánh được
cho ngòi bút mạnh mẽ được vậy.
Không, bao giờ anh trả lời cho tôi về những suy nghĩ của tôi, như thế, anh có
cho là tôi nói đúng không, anh chỉ im lặng. Có khi gõ tẩu thuốc. Có khi nhả
khói thuốc. Đấy là vẻ im lặng và thoáng buồn không bình thường ở một người vốn
hồn nhiên như anh, anh Nguyễn Công Hoan đã kể lại trong hồi ký Đời viết
văn của tôi: ngày trước anh đọc tuần báo Hà Nội tân văn, anh chú ý những
truyện ngắn đầu tay của tôi.
Khi nhà xuất bản Tân Dân ra loại sách Truyền Bá cho thiếu nhi, anh mách ông Vũ
Đình Long nên mời tôi cộng tác. Thế là tôi bắt đầu viết cho loại sách Truyền
Bá. Những truyện đầu tiên cho thiếu nhi: Con dế mèn, Dế mèn phiêu lưu
ký, Mực tàu giấy bản, Chuyện cái đầu tôi. Anh nói anh không
thích Con dế mèn như nhiều người trầm trồ. Mà anh khen truyện Mực
tàu giấy bản, trong đó có nhiều đoạn dí dỏm, ngộ nghĩnh.
Tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, anh viết từ những ngày tháng tám 1945 ở
Hà Nội, cùng loạt với tiểu thuyết Đồng chí Tơ của anh in trên
báo Sao vàng, cơ quan của Vệ quốc đoàn. Nhà xuất bản Sự Thật đương in tiểu
thuyết Tranh tối tranh sáng thì bùng nổ toàn quốc kháng chiến.
Anh Nguyễn Công Hoan không giữ được bản thảo viết tay, anh thường nhẹ nhàng,
không chằm bặp mấy với những cái đã viết ra. Vứt đi cái này, viết cái khác, có
gì đâu, anh bảo thế. Ở Việt Bắc, một lần tôi lên nhà in Tiến Bộ sửa bài ở bến
Chanh sông Lô trong vùng rừng Chiêm Hoá trên Tuyên Quang, thấy trong đám giấy lộn
của nhà in từ Hà Nội mang đi có một tập ngót trăm trang tiểu thuyết Tranh
tối tranh sáng đã dập bản in thử. Tôi đem về cho anh. Nhờ vậy, khi hoà
bình lập lại, anh có cơ sở viết tiếp tiểu thuyết này.
Kể lại mấy việc trên, chỉ vì tôi nhớ có lần anh bảo: “Tôi với anh có nhiều
duyên nợ và hợp nhau.’’
Rồi anh lại nói: “Tôi phải truyền nghề viết cho anh mới được.’’
Anh thường bảo nghề văn có những cách, những mẹo riêng mà ít người biết, anh
hay nói là tôi xem ra bây giờ chỉ có anh, anh Quang Dũng và cô Vũ Thị Thường là
có thể học được nghề, anh nói lý do là khi nói chuyện với chúng tôi - Quang
Dũng và tôi, bao giờ anh cũng thấy dí dủm lý thú, nghĩ thêm ra được nhiều cái bất
ngờ, thế thì anh giống tôi, anh có thể học tôi được. Không phải anh chỉ nói
vui, mà nói nghiêm chỉnh.
Anh viết truyện cười, nhưng anh sống mực thước, chu đáo, kể cả trong câu nói, lời
hứa và mọi sinh hoạt thường ngày.
Và anh Nguyễn Công Hoan đã làm việc truyền nghề cho tôi, anh không giảng như anh
thường đi giảng các lớp bồi dưỡng sáng tác. Mà anh dặn: nghề viết phải học lỏm,
học mót, học thế nhớ lâu, người ta nói một, mình hiểu mười, phải tinh mới được.
Này tôi bảo anh... phải láu mới được.
Lúc anh nói thế, hai bàn tay xoè thẳng, giơ ngang, khi mở rộng, khi thu hẹp,
anh đương giảng giải làm ví dụ, hệt như thầy đứng trước bảng đen. Nghề dạy học
lâu năm đã làm anh có thói quen và cử chỉ nghề nghiệp ấy. Năm trước, anh có
sáng kiến khiêm tốn và chịu khó đi phỏng vấn nhiều nhà văn, nhà thơ: ở mỗi người
anh hỏi một khía cạnh sở đắc nhất của cây bút ấy. Tôi cũng được anh hỏi riêng về
ngôn ngữ và kinh nghiệm kiến trúc câu văn.
Anh mở máy ghi âm và chúng tôi cứ việc rôm rả chuyện lung tung quanh những câu
văn và chữ nghĩa.
Ít hôm sau, anh đưa tôi xem bài anh viết theo máy ghi. Có nhiều đoạn anh đề là
tôi nói, mà lại thật là của anh viết. Nhiều chỗ ví dụ cho rõ nghĩa hơn, cả những
đoạn tôi tự nhận xét chất thơ trong câu văn của tôi như thế nào, cũng anh viết
cả.
Anh nhìn tôi đọc bài anh. Vẻ ung dung, bằng lòng.
Anh đương đoán ý của tôi. Rồi anh nói như đinh đóng: „Tôi chắc anh phải đồng
ý!“
“Anh sẽ bằng lòng, anh sẽ thích, vì nhưng điều tôi viết đều như ý anh”. Thầy
giáo tôi sao dễ tính và chủ quan thế, nhưng cũng đúng thế thật. Khi đăng bài ấy
trên tạp chí Tác Phẩm mới và rồi nhà xuất bản sửa soạn in thành
sách [4], anh có đưa tôi đọc lần nữa. Tôi nghĩ lại,
cũng không có ý gì thêm và khác anh.
Các bài báo, bài bút ký hay truyện ngắn, truyện dài tôi viết, anh đều đọc, khi
bản thảo, khi sách in, anh đọc kỹ và bao giờ cũng khen chê rõ ràng như thầy
giáo chấm bài. Phần nhiều anh chê, “yêu cho vọt mà”.., anh bắt bẻ rồi cắt
nghĩa, vẽ ra cách chữa. Nếu không định bảo ban tôi, “truyền nghề” cho tôi, chắc
chẳng bao giờ anh bỏ công thế.
Những nhận xét của anh về hai cuốn sách tôi mới xuất bản, tiểu thuyết Đảo
hoang và truyện ký Lăng Bác Hồ. Tất cả đều là những câu anh chê. Xin
trích vài đoạn ý kiến anh về tiểu thuyết Đảo hoang... Giấy anh viết chi
chít trên mặt trái trang bản in hàng ngày dính với nhau bằng hồ.
(1) Dưa đỏ mọc ở đâu mà chim đưa hạt ra đảo? Cho rằng nó mọc ở một đảo hoang
nào đó. Bố con An Tiên biết lấy hạt để trồng rồi thả cho quả trôi vào đất liền.
Vậy sao từng ấy năm ăn dưa mà nhân dân không lấy được hạt để trồng? Lĩnh
Nam chích quái có chỗ sơ hở, nhưng Đảo hoang phải lấp chỗ hở ấy.
(5) Giống chim trắng ở biển, các nhà thơ gọi là hải âu thì dân vùng biển gọi là
con chim mố. Chim mố chỉ ăn cướp cá của các thuyền đi khơi đánh cá. Nó rất bạo
người. Nó đậu ngay ở mạn thuyền để rình cướp cá. Người chỉ đuổi nó, chứ không
giết để ăn thịt, vì thịt nó dai hơn thịt trâu. Nó không phải là loài chim ăn
rau quả. Anh xem lại xem hải âu có biết ăn dưa đỏ không? (7) Ma-Li là người nước
ngoài được cứu sống cho đến hôm nó nói được thì cứ im lặng không nói câu nào cả.
(9) Chương 2, chương 3. Gấu được học như người có vẻ xiếc quá, không hợp.
Anh lại tìm ra những cái thiếu, cái sai từng câu từng dòng.
Trang 13 dòng 6 (dưới lên) - “tứ chiếng”: tác giả nói tiếng này thì được, An
Tiêm nói không được. Vì tiếng này mới có từ thời Lý. Bởi chữ „tứ trấn“ nói
kiêng. Tứ trấn là Thăng Long tứ trấn. Có bốn đền thờ bốn ông thần trấn thủ bốn
phương thành Thăng Long; đông, đền Bạch Mã (Hàng Buồm), tây: đền Voi Phục, bắc,
đền Trấn Võ; nam, đền Cao Sơn ở Kim Liên. „Tứ chiếng“ là dân các nơi đến ở
quanh kinh đô, ý nghĩa như khinh bỉ.
Trang 27 dòng 11 (dưới lên) - ở hội vật có cái cử chỉ mà tác giả gọi là “múa
lên đình” thì theo tôi đã biết là hai đô vật “lễ” thần trước khi vào keo.
Trang 42 dòng 2 (dưới lên) và những trang khác - con cá nghiêng người.., người
con gấu..., người con trăn phải viết “người” là “mình” mới chính xác.
*
Có lúc, anh bảo tôi: „Một năm trở lại đây, tôi tự nhiên thấy khác hẳn trước.
Lên gác thư viện, mới được một tầng, đã phải vịn tường. Đi xe đạp thấy tay lái
chập choạng, không dám đi nữa. Thường ngày tôi ghét nằm, bây giờ chỉ muốn nằm.“
Anh đã cao tuổi, nhưng anh vốn có sức, anh em chúng tôi chỉ nghĩ như chúng tôi
mong muốn: mong sao anh được mạnh khoẻ, mong sao sức anh chỉ kém đi bình thường
theo tuổi già mà thôi.
Có khi, dường như anh ngập ngừng: „Này tôi bảo anh (anh hay gọi tôi thân mật, bắt
đầu bằng: Này, tôi bảo anh...) tôi còn tồn kho một ít. Anh chữa cho tôi, thế
nào cũng được.“
Anh đương nghĩ xa. Rồi anh cười nhẹ nhàng: „Bấy giờ thì tôi còn cãi thế đếch
nào được anh.“
Nhưng mà thôi...
Anh vốn không ưa nói điều gì buồn.
Chú thích:
[1] Tháng giêng 1963
[2] Nhà xuất bản Văn Học 1971
[3] Xú-vơ-nia (tiếng Pháp) có nghĩa là kỷ niệm.
Nguyễn Công Hoan nhại đùa: Xú-vơ-lia.
[4] Hỏi chuyện các nhà văn, Nhà xuất bản Tác
Phẩm mới, 1977.
6/1/2006Tô HoàiNguồn: Tô Hoài, Những gương mặt chân dung văn học, in lần thứ 3, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1997
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét