Mấy ý kiến nhân đọc
Trần Thanh Mại toàn tập
Lần giở Trần Thanh Mại toàn tập [1] do Hồng Diệu sưu tập (Nxb. Văn học, H,
2005), tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui sướng. Vui sướng vì lần đầu tiên được đọc một
sưu tập khá đầy đủ, in đẹp, của một đồng nghiệp đàn anh đáng kính, đã quá cố,
mà tôi đã may mắn được cộng tác gần gũi trong bốn năm cuối cùng của cuộc đời
Anh [2]. Ngạc nhiên vì thú thực tôi đã nghĩ rằng
Hồng Diệu là một nhà phê bình văn học hiện đại nên sẽ không thuận tay lắm
trong việc làm toàn tập của một nhà nghiên cứu, chủ yếu về Văn học Cổ,
Cận đại như Trần Thanh Mại. Nhưng đọc Toàn tập tôi lại thấy, nhìn từ
một góc độ khác thì Hồng Diệu là người có thể đảm nhận công việc này một cách hợp
tình hợp lý nhất. Hồng Diệu gọi đó là cái duyên văn tự. Ở tập III, Phụ
lục I (tr.729-761) có đăng 14 bức thư của Trần Thanh Mại, viết rải rác từ 1960
đến 1964, gửi cho một bạn đọc trẻ tuổi, tên là Thuận, năm 1960 mới 17 tuổi, học
sinh lớp 9 phổ thông. Với "tư cách một người bạn lớn tuổi" Trần
Thanh Mại đã viết cho "người bạn trẻ thân yêu", "chưa biết mặt", những
chuyện tâm tình, những lời khuyên bảo chân thành, từ chuyện văn sang chuyện đời.
Về sau tình cảm càng nồng thắm, Trần Thanh Mại sẽ gọi là "người bạn tri kỷ
trẻ tuổi", "mối tình bạn vong niên và rất chân thành". Qua
14 bức thư người đọc cảm nhận được một Trần Thanh Mại có tấm lòng nhân hậu, ưu
ái đối với thế hệ trẻ. Người bạn trẻ của Trần Thanh Mại ở thập kỷ 60 đó là nhà
phê bình văn học Hồng Diệu, người làm Trần Thanh Mại toàn tập mà
chúng ta đang đọc. Chúng tôi xin phép được đưa ra một vài nhận xét về việc
làm Toàn tập này, bắt đầu từ bài giới thiệu Trần Thanh Mại của Hồng
Diệu, kết hợp với phần sưu tập, biên soạn.
Độc đáo Trần Thanh Mại! Bài giới thiệu của Hồng Diệu mở đầu bằng một "cái
tít" nặng tính giật gân báo chí như vậy, chúng tôi đồng tình với phần lớn
ý kiến của anh, nhưng chúng tôi muốn nói một cách giản dị hơn, đến những đặc điểm
rất dễ nhận thấy trong hoạt động nghiên cứu của Trần Thanh Mại. Trước Hồng Diệu,
Vũ Ngọc Phan, người đã theo dõi những công trình đầu tay của Trần Thanh Mại và
về cuối đời cũng là một đồng nghiệp của Trần Thanh Mại ở Viện Văn học, đã nhận
xét: "Về một đề tài, người ta thường thấy anh trở lại nhiều lần, để sửa chữa,
bổ sung cho được hoàn chỉnh hơn" [3]. Có thể nói Trần Thanh Mại là một nhà
nghiên cứu đã giải quyết được tương đối ổn thỏa mối quan hệ giữa diện và điểm nghiên
cứu. Diện quan tâm về học thuật của anh rất rộng, mở sang cả lĩnh vực
sáng tác và phê bình văn học, nhưng các điểm mà anh thích thú, tập
trung trí lực, trở đi trở lại nhiều lần, cũng rất nổi bật. Đó là thơ Tú
Xương, truyện cổ tích, Hồ Xuân Hương, Miên Thẩm và vấn đề đặc điểm của phương
pháp nghệ thuật văn học cổ điển Việt Nam...
Anh đã ba lần đề cập đến vấn đề Tú Xương nhưng cuốn thứ ba - Tú Xương, con
người và nhà thơ - làm chung với con trai là Trần Tuấn Lộ, lại gây phản ứng
mạnh mẽ trong dư luận. Nhà văn Nguyễn Công Hoan, người bạn cố tri của Trần
Thanh Mại, đã đăng trên tạp chí Văn nghệ số 67, tháng 12-1962 một bài
tra cứu công phu, phản bác lại luận điểm chính của Trần Thanh Mại, khẳng định
và trình bày một cách cụ thể, xác thực mối quan hệ giữa nhà thơ Tú Xương và các
chí sĩ yêu nước trong phong trào Đông du như Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ, Đặng
Tử Kính và nhất là Phan Bội Châu [4]. Viện Văn học đã tổ chức vài cuộc tọa
đàm để xác minh lại vấn đề này, đồng thời để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 100 năm
ngày sinh Tú Xương vào năm 1970, chẳng hạn cuộc tọa đàm tại Viện (Hà Nội) ngày
24 tháng 12 năm 1969 và tại thành phố Nam Định ngày 5 tháng 8 năm 1969, với sự
hiện diện của nhà văn Chu Văn, Trưởng ty Văn Hoá Nam Hà và cụ Trần Tất Đạt, năm
đó 78 tuổi, người con trai thứ ba của Tú Xương và là người cung cấp tư liệu
chính cho Trần Thanh Mại về mối quan hệ Phan Bội Châu - Tú Xương.
Tại cuộc tọa đàm về Tú Xương tại Viện Văn học nhà thơ trào phúng Xích Điểu (tức
nhà báo Trần Minh Tước) cho biết: Năm 1932 ông đã vào Huế phỏng vấn Phan Bội
Châu về một vài vấn đề thời sự và văn chương. Bài phỏng vấn đã được đăng trên
báo Nông công thương, bị kiểm duyệt của thực dân Pháp bỏ mất nhiều đoạn,
nhưng đoạn nói về quan hệ với Tú Xương thì vẫn còn. Cụ Phan đã trả lời: "Choa
không có quan hệ gì với Tú Xương!" [5] .
Sự thực Trần Thanh Mại không phải là người đầu tiên nêu lên vấn đề quan hệ Tú
Xương - Phan Bội Châu. Theo Đặng Thai Mai [6] , trong khoảng 1924-1925 trong không khí
vụ án Phan Bội Châu sôi nổi ở Hà Nội, tại giảng đường trường Cao đẳng Sư phạm
Hà Nội, cụ Bùi Kỷ đã nói bài thơ Ta nhớ người xa cách núi sông là gửi
cho Phan Bội Châu. Sinh viên đã thắc mắc và cho là không đúng. Trong Diễn văn
chính đọc lại lễ kỷ niệm Tú Xương ở hội quán Hội Trí tri (Nam Định) ngày 12
tháng 1 năm 1936, với sự có mặt của tác giả cuốn Trông giòng sông Vị và
nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà giáo Nguyễn Văn Luận cũng dẫn bài thơ trên và đặt
đầu đề là Nhớ Phan Sào Nam [7] . Sau đó Văn đàn bảo giám và
nhiều sách khác đã truyền đi tài liệu này. Dù sao trước dư luận Trần Thanh Mại
vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính về việc này, vì như trên đã nói, trong
cuốn Tú Xương, con người và nhà thơ, anh là người đầu tiên đã khẳng định
và trình bày mối quan hệ này một cách cặn kẽ, chi tiết, như những tài liệu lịch
sử xác thực, ví dụ nói "Phan Bội Châu đi thuyền mành từ Nghệ An ra Nam Định,
đặt "trụ sở liên lạc" của mình tại nhà Tú Xương (280, phố hàng Nâu,
Nam Định), nằm ở đấy tháng này qua tháng khác. Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ,
Đặng Tử Kính cũng đến đây bàn bạc kế hoạch vận động cách mạng; và các nhà hoạt
động chính trị ấy vừa tuyên truyền Tú Xương, vừa giao cho nhà thơ nhiệm vụ đi
quyên tiền ủng hộ phong trào Đông Du... Nhà thơ đã từng lên Bắc Giang với Hoàng
Hoa Thám và ở lại Yên Thế khá lâu ngày..." [8] . Vì vậy nói đến nhà nghiên cứu văn học
Trần Thanh Mại, trước tiên người ta nghĩ đến đề tài Tú Xương. Bài giới thiệu và
phần sưu tập của Hồng Diệu đã cung cấp tư liệu phong phú về vụ án Hàn Mạc Tử,
nhưng về đề tài Tú Xương thì đề cập đến quá sơ sài, ngay trong phần phản ánh dư
luận về các công trình nghiên cứu Tú Xương của Trần Thanh Mại (Tập III, Phụ lục
II), các dư luận phản hồi quan trọng như của Lê Tràng Kiều, Nguyễn Công Hoan...
cũng bị bỏ qua!
Mấy bài thơ "ưu thời mẫn thế " của Tú Xương chỉ là một tứ thơ cảm
khái ai hoài "non non nước nước", hay phản ánh một sự việc gì cụ thể,
còn cần được khảo sát thêm, nhưng tôi cũng tin như nhà thơ Nam Trân, người bạn
xứ Huế của Trần Thanh Mại, nếu nhận ra "một vài suy nghĩ chưa thật chín chắn"
của mình [9] Trần Thanh Mại sẽ mạnh dạn đính chính.
Tôi nghĩ đến thái độ tự phê bình của anh khi nhận ra đã lầm một bài thơ cổ
Trung Quốc là thơ của Hồ Xuân Hương: "Tôi vẫn bị cái lập luận chủ quan của
mình lôi cuốn và đánh lừa mà không kịp kiểm tra lại tài liệu một cách thận trọng
hơn" [10] .
*
Tôi cũng muốn đề cập đến một sai sót nhỏ về tư liệu nhưng đã dẫn Hồng Diệu đến
một hiểu lầm lớn. Dựa vào một chi tiết không đúng do Nguyễn Huệ Chi cung cấp,
nói Trần Thanh Mại là chủ biên cuốn Giai thoại văn học Việt
Nam (Tạp chí Văn học, số 1-1979), Hồng Diệu đã viết những lời
phê phán nặng nề: "Thế mà khi quyển sách in ra, Trần Thanh Mại chỉ còn đứng
tên người viết bài giới thiệu. Đáng phàn nàn hơn là khi tái bản Giai thoại
văn học Việt Nam bài giới thiệu của Trần Thanh Mại cũng biến mất... Chúng
tôi nghĩ, nếu trong thời gian làm các công đoạn để in Giai thoại văn học
Việt Nam, Trần Thanh Mại không ốm đau, bệnh tật rồi qua đời, chắc người ta
không qua mặt ông để xử sự một cách bất cận nhân tình như vậy!" [11] .
Sự thực không phải như thế. Cuốn Giai thoại văn học là một cuốn sách
do cán bộ trong tổ làm thêm ngoài kế hoạch của Tổ nhưng tôi cũng biết rõ lịch sử
hình thành của nó. Trong số các cán bộ trẻ của Tổ Cổ, Cận đại Viện Văn học những
năm đầu thập kỷ 60, chỉ có Kiều Thu Hoạch là đã có thể sử dụng được chữ Hán.
Không phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 1973, khi một số cán bộ của Viện Văn học
được tách ra để thành lập Ban Hán - Nôm (tiền thân của Viện Hán - Nôm hiện nay)
thì Kiều Thu Hoạch là cán bộ trẻ duy nhất được cử vào Hội đồng khoa học Ban Hán
- Nôm, bên cạnh các thầy học của mình như Phạm Thiều, Cao Xuân Huy [12] và gần đây được Trung Quốc mời vào Ban cố
vấn khoa học của công trình Tổng tập Folklore Trung Hoa, gồm 35 quyển [13] . Kiều Thu Hoạch đã học chữ Hán từ nhỏ
và trong thời gian học ở Khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc (1955-1956) anh đã học
Trung Văn và tiếp tục học thêm chữ Hán với cụ Trần Văn Giáp. Vì có trình độ
Hán-Nôm nên từ cuối năm 1959 chuyển về công tác ở Viện Văn học, anh được cử phụ
trách công tác tư liệu cho Tổ Văn học Cổ, Cận đại và làm thư ký riêng cho Viện
trưởng Đặng Thai Mai. Hàng ngày mầy mò, đọc sách Hán - Nôm ở Thư viện Khoa học
xã hội anh mới nẩy ra ý định biên soạn một cuốn giai thoại văn học. Khi bản thảo
hoàn thành anh đã nhờ một thành viên lão thành trong tổ là cụ Hoàng Ngọc Phách
đọc duyệt; cụ Phách cũng góp thêm một số giai thoại. Kiều Thu Hoạch lại mời anh
Trần Thanh Mại viết lời giới thiệu. Để làm việc này anh Mại cũng đọc lại bản thảo
và có ghi một số ý kiến, hoặc là để chỉnh lại câu văn, hoặc bổ sung một vài chi
tiết. Phải nói rằng anh Mại đã không viết một lời giới thiệu chiếu lệ mà viết hẳn
một tiểu luận nghiên cứu công phu về giai thoại văn học. Có lẽ vì thế mà anh đã
viết cho Hồng Diệu là đã hoàn thành cuốn Giai thoại văn học (Thư
ngày 1-6-1964). Còn khi sách được in lại năm 1988 và năm 2000, bài giới thiệu của
Trần Thanh Mại đã bị lược bỏ, đó là trách nhiệm của Nhà xuất bản: "Chúng
tôi chủ trương không in lại phần giới thiệu đầu sách và phần sách báo tham khảo" [14] . Đây là một giải quyết tùy tiện và rất
đáng tiếc của Nxb. Văn học!
Trong cuốn Tổng tập Văn học dân gian người Việt, Tập 11, Giai
thoại văn học Việt Nam, Kiều Thu Hoạch đã nhắc lại lịch sử cuốn Giai
thoại văn học Việt Nam như sau: "Đây là cuốn sách do chúng tôi khởi
thảo, xong từ 1963, chủ yếu lấy tài liệu từ kho sách Hán Nôm, khi bản thảo hoàn
thành, chúng tôi có mời cố nhà văn lão thành Hoàng Ngọc Phách đọc duyệt và cố
nhà văn Trần Thanh Mại viết Giới thiệu" [15] . Sự thực đúng như vậy! Tôi muốn nói
thêm rằng bên cạnh quan hệ công tác, giúp đỡ lẫn nhau trong học thuật, tình bạn
giữa Trần Thanh Mại và Kiều Thu Hoạch cũng rất thân thiết.
*
Trong hoạt động nghiên cứu của Trần Thanh Mại có một đề tài chưa được công bố rộng
rãi nhưng lại thành một điểm để một vài người suy diễn theo cách hiểu riêng. Đó
là đề tài Miên Thẩm. Hồng Diệu cho rằng: tiểu luận về Miên Thẩm của Trần Thanh
Mại không được xuất bản, một phần là "do quan niệm còn có phần chật hẹp của
chúng ta" [16] .
Năm 1979, trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Văn học (1959-1979), Nguyễn
Huệ Chi đã viết bài Trần Thanh Mại trong những bước đi đầu tiên của Viện
Văn học, đăng Tạp chí Văn học số 1-1979. Bài này được in lại
vào Trần Thanh Mại toàn tập, Tập III, tr. 835-850.
Gần đây, đầu năm 2005, Nguyễn Huệ Chi "đã bổ sung, sửa chữa lại" bài
viết cũ và đưa đăng trên Văn nghệ số 3, ngày 15-1-2005 và trên báo điện
tử talawas. Theo ghi chú của Ban biên tập talawas thì "bản đăng
trên talawas là toàn văn bài viết". Tóm lại chúng tôi có tất
cả ba dị bản bài báo của Nguyễn Huệ Chi. Các điểm bổ sung trong
hai bản sau đều cần được trao đổi lại. Khi trích dẫn dị bản nào chúng
tôi sẽ ghi chú rõ. Chúng tôi thấy không cần thiết nhắc đến một vài tờ báo chữ
và báo điện tử khác cũng có đăng tải bài này.
Huệ Chi đã viết trên báo điện tử talawas:
"Miên Thẩm là một đề tài ông (tức Trần Thanh Mại) tự
nguyện làm thêm... Ông muốn qua Miên Thẩm góp chút tình cảm cho quê hương yêu dấu...
Khổ nỗi, Miên Thẩm là một nhà thơ hoàng phái. Nguồn gốc xuất thân đó có làm e
ngại một số người. Trần Thanh Mại không phải không biết sự e ngại kia là có cái
lý của nó, bắt nguồn từ hòn đá tảng "quan điểm giai cấp” mà ai cũng
không được vi phạm, một cá nhân như mình đâu có thể dễ "chuyển lay".
Ngay như trong chiếc tủ tư liệu của Tổ tôi vào lúc đó vẫn chất đầy những bài viết,
do Viện đặt cho nhiều nhà nghiên cứu "tên tuổi", tuy không in ra
nhưng là những bài được xếp vào hồ sơ nghiên cứu, có ý nghĩa "điểm tựa"
cho việc viết văn học sử cận đại, mà bài nào cũng mang dòng tít "sắt
đá": Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh chỉ là những con số không trong lịch
sử văn học (ĐĐH); Bộ mặt phản động của Trương Tửu trong cuốn "Mấy
vấn đề văn học sử Việt Nam" (VT); Trương Vĩnh Ký, nhà bác học
hay là kẻ đóng vai đặc vụ, tình báo, làm tay sai đắc lực cho thực dân
Pháp (MQ); Triều Nguyễn, một thời đại phản động và thoái hoá trong lịch
sử dân tộc (TC); Thơ văn Phan Thanh Giản chỉ là tiếng thở dài của chủ
nghĩa đầu hàng (TC)...
Chúng tôi buộc phải nói ngay rằng những ý kiến này của Nguyễn Huệ Chi hoàn toàn
không có cơ sở. Trong tủ tư liệu của Tổ Văn học Việt Nam Cổ, Cận đại Viện Văn học
hồi đó hoàn toàn không có những tài liệu mang các "tít" sắt
đá như Huệ Chi vừa kể. Tôi cũng thường chú ý theo dõi các công trình
nghiên cứu về Văn học Cận đại Việt Nam nhưng cũng chưa bao giờ gặp một ý kiến
giản đơn, thô thiển như Huệ Chi vừa dẫn: "Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh chỉ
là những con số không...". Còn bài Bộ mặt phản động của Trương Tửu
trong quyển "Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam" là đầu đề một bài
báo của Văn Tân, đăng trên Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa số 45, tháng
10-1958, mười năm trước khi Viện Văn học thành lập. Bài về Trương Vĩnh Ký của Mẫn
Quốc cũng đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 60, tháng 3-1964
trong cuộc thảo luận đánh giá Trương Vĩnh Ký. Đầu đề chính xác của bài đó
là Trương Vĩnh Ký, một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên đóng vai đặc vụ,
tình báo, làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp.
Nguyễn Huệ Chi nói các bài trên đây "có ý nghĩa "điểm tựa" cho
việc viết văn học sử cận đại vậy thì chương nào, sách nào do Tổ Cổ, Cận đại
biên soạn đã tỏ ra có chịu ảnh hưởng các tài liệu mà Huệ Chi vừa kể?
Sự thực để chuẩn bị cho việc biên soạn văn học sử, công tác tư liệu đã được đặt
ra và thực hiện một cách nghiêm túc, hoàn toàn không đúng như tinh thần Huệ Chi
nói. Chẳng hạn về Trương Vĩnh Ký, trong tủ tư liệu của Tổ còn có các tài liệu
nhân bản các tài liệu quý hiếm như cuốn Pétrus Trương Vĩnh Ký, érudit
cochinchinois của J.Bouchot (1925). Tổ còn phân công cụ Hoàng Ngọc Phách
và tôi làm một tập tư liệu về Trương Vĩnh Ký. Gần đây, năm 1997, tôi đã đem các
bản ghi của cụ Phách và tôi thu thập được trong hai năm 1962-1963, làm thành
văn bản vi tính (43 trang) để nộp vào Hồ sơ điều tra Văn học thế kỷ
XX của Viện Văn học.
Tập tư liệu này gồm các mục:
Các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký hiện có tại các thư viện ở Hà
Nội.
Thư mục sách và bài báo nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký.
Phỏng vấn ý kiến đánh giá Trương Vĩnh Ký của Đặng Thai Mai,
Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Trần Văn Giầu, Nguyễn Minh Trứ, Bảo Định Giang.
Chúng tôi xin trích dẫn lại ở đây trả lời của Đặng Thai Mai,
để bạn đọc thấy cách đặt vấn đề khách quan, cẩn trọng của Viện Văn học đối với
một nhân vật lịch sử như Trương Vĩnh Ký:
"Về vấn đề này nên hỏi ý kiến anh Thỉnh, anh Thiều, một người quê ở miền
Nam, đã công tác lâu ở miền Bắc; một người quê ở miền Bắc, đã vào công tác lâu ở
miền Nam. Ý kiến của hai anh ấy chắc chắn sẽ gợi mở nhiều cho công việc nghiên
cứu về Trương Vĩnh Ký nói riêng, về văn học miền Nam nói chung.
Theo tôi nên tìm hiểu Trương Vĩnh Ký trong quá trình hình thành miền Nam nói
chung, trong liên quan với thời đại của ông, trong sự so sánh với các nhân vật
khác, đồng thời với ông.
... Miền Nam là đất mới. Đất mới nhưng lại có vai trò tiên phong: chữ Quốc ngữ
đi từ Nam ra. Đầu thế kỷ này, trong lúc ở Bắc còn đâm đầu học chữ Hán thì trong
Nam đã bắt đầu đánh vần chữ Quốc ngữ. Dù sao chủ nghĩa thực dân cũng đã đưa chữ
Quốc ngữ lên một địa vị vững chắc hơn trước nhiều. Đừng quá trách nhóm Trương
Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký là người công giáo, phục vụ chữ Quốc ngữ dưới sự bảo trợ
của các cha cố, với sự hỗ trợ của chính quyền thuộc địa nhưng Trương Vĩnh Ký và
những người chung quanh Trương Vĩnh Ký vẫn còn muốn giữ cho được cốt cách Việt
Nam, văn hoá Việt Nam. Hình như Trương Vĩnh Ký cũng có tự nói đến công và tội. Công là
chữ Quốc ngữ, là sưu tập, lưu giữ văn học của ông cha ta".
Tại Hội nghị khoa học về vấn đề Văn xuôi quốc ngữ ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX do Viện Văn học Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học
xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (Nguyễn Huệ Chi có tham dự)
chúng tôi đã thông báo lại công việc làm tư liệu này về Trương Vĩnh Ký [17] .
Xin trở lại vấn đề Miên Thẩm. Đây là một đề tài anh Mại làm thêm ngoài kế hoạch
nhưng anh đã đề nghị Viện giúp đỡ. Lãnh đạo Viện đã trả lời chính thức sẽ hỗ trợ
các phương tiện đánh máy, thuê dịch chữ Hán... còn việc xuất bản sách, hay in
tiểu luận lên Tạp chí của Viện thì phải chờ lúc nào tình hình chung thuận lợi
hơn. Ngay người đứng đầu ngành tuyên huấn hồi đó là một người xứ Huế, rất ưu ái
"Văn hoá Huế" cũng hoàn toàn nhất trí với giải quyết này của Viện. Cả
anh Mại cũng "tâm phục" với cách giải quyết đó nhưng điều này không hề
làm giảm sút nhiệt tình nghiên cứu về Miên Thẩm của anh.
Miên Thẩm, với Thương sơn thi tập, là một trong số những tác giả viết
bằng chữ Hán lớn nhất trong lịch sử Văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Nhưng vì ông
chỉ viết bằng chữ Hán nên tác phẩm không được phổ cập rộng rãi. Ngay Nguyễn Đổng
Chi, tác gia Việt Nam cổ văn học sử khi viết chương Văn học chữ
Hán trong Sơ thảo Lịch sử văn học Việt Nam, Quyển V, đã nghiên cứu
ở quy mô tác gia các trường hợp Hà Tôn Quyền, Cao Bá Quát, Đinh Nhật
Thận, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Văn Siêu, nhưng về Miên Thẩm thì cũng chỉ mới đưa
ra một nhận xét ngắn gọn, tuy rằng đó là một nhận xét quan trọng: "Tình trạng
tiêu điều của xã hội đã khách quan bắt buộc các nhà văn không cưỡng lại được sự
thật. Đến nỗi có những nhà văn xuất thân từ cành vàng lá ngọc cũng thốt ra những
tiếng bất bình như bài hát Bán tre, bài hành Tiền "phù
lưu"... của Tùng Thiện Vương" [18] . Có lẽ những người đầu tiên đưa ra những
lời đánh giá có tính khám phá về thơ Miên Thẩm lại là các danh sĩ Trung Quốc
trong đoàn ngoại giao của nhà Thanh đến Hà Nội và gặp gỡ Miên Thẩm năm 1842.
Đáng chú ý là ý kiến của Phùng Tán Huân: "Nước Nam sinh ra được một người
kiệt xuất là Bạch Hào Tử (Biệt hiệu của Miên Thẩm), vốn từ gia đình vương giả
mà lại không giống. Đường đường là một vị thi nhân mà như các quan Tam công,
thân thì ở nơi triều đình mà lòng thì ở nơi rừng núi, vinh hoa tận mắt mà coi
như nước chảy" [19] .
Anh Mại không trực tiếp sử dụng được nguyên tác chữ Hán nên để phục vụ việc
nghiên cứu của anh, Viện đã cho sao chép và phiên dịch các thi tập của Miên Thẩm.
Theo cụ Nguyễn Văn Huyến, chuyên viên chữ Hán của Nhà xuất bản Văn học và là
người phụ trách chính công việc này thì Thương sơn thi tập, gồm 54
quyển, phân thành 8 mục, ước chừng 5.000 bài thơ. Viện đã cho dịch phần lớn thi
tập, trong đó Kiều Thu Hoạch dịch khoảng 10 bài, cụ Phạm Đề (15, Lý Thường Kiệt)
dịch khoảng 50 bài, ngoài ra cụ Hoàng Tạo (118, Nguyễn Thái Học) và nhất là cụ
Nguyễn Văn Huyến dịch phần chính [20] . Đó là chưa kể phần dịch từ các
sách Thương sơn văn di, Thương sơn ngoại tập (Nạp bị tập), Thương
sơn thi thoại... Đến một thời điểm nào đó, anh Mại đã kiểm kê lại và ghi
chú: "Thương sơn thi tập, gồm tất cả 12 tập lớn, nhỏ, chữ Hán và dịch
nghĩa". Tập lớn là một thếp giấy Đáp Cầu, 20 tờ; tập nhỏ là một tập vở học
trò 30 tờ.
Trên cơ sở tư liệu dịch, anh Mại đã viết một tiểu luận nghiên cứu về Miên Thẩm,
34 trang đánh máy và một tập tuyển dịch thành thơ, 47 trang đánh máy.
Cũng cần nói thêm rằng, cả Kiều Thu Hoạch trong quá trình làm tư liệu về Miên
Thẩm cũng đã mạnh dạn viết một tiểu luận, nhan đề là" Tùng Thiện
Vương" dài 29 trang viết tay, khổ giấy Đáp Cầu. Anh Mại có đọc duyệt
tài liệu đó. Đoạn Kiều Thu Hoạch viết về những hạn chế, bế tắc của Miên Thẩm
"Thơ ông có nhiều bài thường bàng bạc một không khí u uất, hoài cổ, hoặc
toát lên tâm lý điền viên, ẩn dật", anh Mại đã ghi bằng bút đỏ ở bên
cạnh "cần thấy rõ phần tích cực nhiều hơn, để đánh giá cho đúng hơn".
Tôi còn nhớ trước khi vào bệnh viện lần cuối, anh có gặp tôi để "bàn
giao" công tác. Nói là "bàn giao" cho đúng với tính chất cuộc gặp,
còn tình hình của tổ thì cả anh và tôi đều hiểu rõ như nhau. Trong lần gặp đó
anh đưa tặng tôi một quyển vở bìa xanh, ghi chép về những đặc điểm của phương
pháp nghệ thuật văn học cổ điển Việt Nam, một đề tài mà anh rất tâm huyết và
quan tâm từ trước khi về Viện Văn học và trăn trở trong suốt thời gian công tác
ở Viện Văn học, không kém gì đề tài Miên Thẩm. Anh bảo tôi giữ lấy làm kỷ niệm.
Thú thực lúc đó tôi chưa hiểu hết ý anh. Đây chính là vấn đề mà anh đã
"trăng trối" với Trần Tuấn Lộ và Trần Thị Linh Chi, con gái anh, đã
nhắc lại trong bài Tìm cha (Toàn tập, Tập III, tr. 774).
Trong lần gặp đó anh còn nhờ tôi theo dõi việc đánh máy và làm thủ tục xin xuất
bản một tập sách nhỏ gồm 14 bài báo cuối cùng của anh, được đặt một cái tên rất
giản dị Mấy bài nghiên cứu và phê bình.
Bài thứ nhất Quan điểm và lập trường tư tưởng của một người tự xưng là
mác-xít lê-ni-nít. Một bài báo nguy hại đăng trong "Giai phẩm mùa đông", đã
in báo Nhân dân ngày 12, 13, 14 tháng 1-1957. Bài thứ 14 là Nhân
tố hiện thực trong thơ Miên Thẩm, mới viết, chưa in ở báo nào.
Bản thảo đánh máy xong thì anh Mại đã qua đời, tiếp đó cuộc chiến tranh phá hoại
của đế quốc Mỹ ngày một diễn ra ác liệt, Viện Văn học sơ tán về nông thôn, nêu
khẩu hiệu Toàn Viện làm Tạp chí. Điều này có nghĩa là Viện hạ quyết tâm khắc
phục mọi khó khăn, đảm bảo cho tờ Tạp chí của Viện vẫn phát hành đúng hạn và có
chất lượng, còn việc in sách, in công trình thì tạm thời gác lại. Trước tình
hình đó, tôi đã nộp bản thảo của anh cho Viện và Viện đã giao lại cho đại diện
gia đình anh là Trấn Tuấn Lộ cất giữ. Trong 14 bài báo trên đây tôi chỉ giữ lại
một bản đánh máy bài Nhân tố hiện thực trong thơ Miên Thẩm; sau này trong
thời gian hướng dẫn anh Ngô Thời Đôn, giảng viên Khoa Văn trường Đại học Sư phạm
Huế, làm luận án Tiến sĩ về đề tài Giá trị nhân văn trong Thương sơn thi tập
của Miên Thẩm, nhà tôi (Đặng Thanh Lê) đã đề nghị với Viện Văn học đăng
bài đó trên Tạp chí Văn học (số 10, tháng 10-1999).
Bài Quan điểm và lập trường tư tưởng của một người tự xưng là mác-xít
lê-ni-nít không hiểu tại sao lại không được đưa vào Trần Thanh Mại
toàn tập. Đó là căn cứ để Nguyễn Huệ Chi bình luận như sau trên báo điện tử
talawas:
"Những bài viết của Trần Thanh Mại phê phán Nhân
văn-Giai phẩm đã không được đưa vào Trần Thanh Mại toàn tập (Nhà xuất
bản Văn học, 2004). Tôi để ý thì thấy hết thảy những bộ toàn tập của các tác giả
được Nhà xuất bản Văn học công bố mấy năm nay đều bỏ hẳn phần viết này, và cả một
số phần khác nữa. Như vậy thì định nghĩa thế nào là "toàn tập", hay
ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc, coi toàn tập chỉ là những gì còn "ăn
khách" được với hôm nay? Còn những "miếng xấu hổ" "khạc chẳng
ra cho nuốt chẳng vào "thì thôi, đành theo ý ai đấy giấu nhẹm để người
ta quên đi một thời người cầm bút phải thoá mạ nhau túi bụi "cho vừa lòng
bề trên" đúng như cha ông ta nói "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại".
Có lẽ như thế cũng là cách xử sự hữu lý chăng?
Đoạn trích dẫn trên đây ít nhất có hai điểm cụ thể cần trao đổi:
Quan niệm về "toàn tập" một tác gia?
Đánh giá những bài viết trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân
văn-Giai phẩm.
Nhưng đề cập đến hai điểm này - dù sao cũng hơi tách xa vấn đề
Trần Thanh Mại - bài báo của chúng tôi sẽ quá dài. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại ở
đây một ý kiến nữa của Nguyễn Huệ Chi cũng công bố trên talawas:
"Trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm ông
cũng từng là người xông xáo như ai, nhờ đấy mà có tấm "bằng son" để
được mời về làm một trụ cột ở Viện Văn học kể từ khi Viện bắt đầu thành lập”
(1959).
Không hiểu Huệ Chi căn cứ vào đâu mà khẳng định như vậy? Điều này không đúng với
tính chất trí thức ở con người Trần Thanh Mại và cũng không đúng với những điều
“tâm sự” mà anh đã thổ lộ với tôi mấy hôm trước khi từ giã cõi đời!
*
Trong bài viết về anh Mại đăng trên báo Văn nghệ số 3, ngày
15-1-2005, Nguyễn Huệ Chi có kể lại câu chuyện sau đây:
"Trong buổi chiều, một ngày trước ngày mất, ông phải chống
tay ngồi dậy trên giường bệnh, vừa thở đứt quãng, vừa nói cho Tuấn Lộ - con
trai ông - ghi lại, để lại những dòng di chúc cho tôi, những dòng tâm huyết. Đó
là lời trăng trối của Trần Thanh Mại vào phút lâm chung: Trao cho Huệ Chi tất cả
tư liệu về Hồ Xuân Hương và Miên Thẩm". Nhưng "đến năm 1967 thì ông
H.T.N. đại diện Chi bộ Viện Văn học và Phòng Tư liệu Viện Văn học, yêu cầu trao
lại tất cả cho cơ quan, theo một nghị quyết của Chi bộ mới đưa ra. Tôi nghe ông
tuyên bố, hơi chưng hửng, đứng bần thần một lúc lâu, rồi lôi hai chiếc cặp trao
lại cho ông".
Câu chuyện Nguyễn Huệ Chi kể có thể liên quan đến chủ trương sau đây của lãnh đạo
Viện Văn học. Hồi đầu, các tài liệu sao chép, phiên dịch sách Hán Nôm, các tài
liệu đánh máy, nhân bản các tài liệu hiếm... đều do các cán bộ chuyên trách nghiên
cứu đề tài đó, hoặc do Tổ nghiên cứu cất giữ. Việc này gây ra tình trạng bất hợp
lý sau đây: Các cán bộ nghiên cứu của tổ khác không được tự do tham khảo các
tài liệu do tổ bạn giữ và nhất là khi một cán bộ chuyển cơ quan thì một số lớn
tư liệu của Viện cũng đi theo người đó và biến thành tài sản cá nhân. Đó là
chưa nói đến việc khi một cán bộ nghiên cứu qua đời thì có gia đình không chịu
hoàn trả lại số sách mà cán bộ đó đã mượn, mà đem bán cho các hiệu sách cũ. Thế
là Viện phải chi tiền ra một lần nữa để mua lại các cuốn sách đã đóng dấu và
ghi ký hiệu Thư viện Viện Văn học! Đáng buồn là tình trạng này đến gần đây, thỉnh
thoảng vẫn còn xảy ra! Để chấm dứt tình trạng bất hợp lý này, từ năm 1964 lãnh
đạo Viện đã quyết định không cho phép các cá nhân, hay tổ nghiên cứu giữ riêng
các tư liệu do tiền ngân sách của Viện mà có, hoặc được các nơi biếu, tặng,
trao đổi với Viện. Tất cả đều phải tập trung vào một chỗ duy nhất là Thư viện của
Viện. Anh Hồ Tuấn Niêm, Trưởng phòng Tư liệu-Thư viện là người được giao thực
hiện nghị quyết này. Chính tổ tôi đã yêu cầu anh Kiều Thu Hoạch, thay mặt Tổ,
bàn giao cho anh Hồ Tuấn Niêm hàng trăm đơn vị tư liệu Hán-Nôm, có làm biên bản
giao nhận rõ ràng.
*
Điểm cuối cùng tôi muốn góp với người làm Trần Thanh Mại toàn tập là
việc cước chú xuất xứ tài liệu quá sơ sài. Chẳng hạn như bài báo quan trọng Trả
lời ông Huỳnh Thúc Kháng (về quyển "An Nam chí lược") chỉ ghi vẻn
vẹn năm 1939 (Tập I, tr. 656), đáng lẽ ra cần ghi rõ là bài này in báo nào? năm
nào? Bài Giảng văn về ca dao cổ của nông dân đấu tranh chỉ ghi năm
1954. Đáng lẽ phải ghi rõ Tập san Văn Sử Địa số 1 tháng 8-1954, tại
đây Trần Thanh Mại đã phân tích ba bài ca dao:
1. Con mèo mày trèo cây cau.
2. Thằng Bờm.
3. Mười cái trứng.
Người sưu tập chỉ in lại vào Toàn tập đoạn về Thằng Bờm mà
bỏ qua hai bài kia, nhưng không ghi rõ lý do tại sao, có lẽ vì ngại dấu ấn quan
niệm "nông dân - địa chủ" của Cải cách ruộng đất quá rõ nét ở đây
chăng; bài Nhân tố hiện thực trong thơ Miên Thẩm chỉ ghi 1-1965 (Tập
III, tr.518), nhưng đây là năm viết, nên ghi thêm năm công bố trên Tạp chí:
tháng 10-1999. Người đọc nghiên cứu luôn có yêu cầu muốn biết rõ ràng, chính
xác tài liệu này được in lần đầu ở đâu, tái bản mấy lần,
có sửa chữa, bổ sung gì không và văn bản được in vào Toàn tập là
văn bản nào? Ngay cả những "di cảo" mà lúc sinh thời của tác giả, vì
một lý do nào đó chưa in được, nhưng nếu đã hoàn chỉnh như trường hợp tiểu luận
về Miên Thẩm và tập Trần Thanh Mại tuyển dịch thơ Thương Sơn thi tập thì
cũng có thể đưa vào Toàn tập.
Trên đây tôi đã góp ý kiến về công việc giới thiệu và sưu tập Trần Thanh Mại
toàn tập, chỉ mong nếu có ý kiến nào đúng thì sẽ góp phần làm cho lần tái
bản được hoàn chỉnh hơn. Trước lúc kết thúc tôi muốn nói rằng Trần Thanh Mại
toàn tập là một thành tựu của Hồng Diệu và của Nxb. Văn học. Bộ sách sẽ là
một kỷ niệm quý, một gia bảo của gia đình anh Trần Thanh Mại.
Một sự việc ngẫu nhiên: Tôi được đọc Toàn tập này vào dịp Tết Ất Dậu
(2005), bốn mươi năm trước, cũng vào dịp Tết, anh Mại đã vĩnh biệt chúng ta. Bao
kỷ niệm vui buồn hiện lên trong ký ức tôi. Một câu châm ngôn La Mã nói: Đối
với người đã khuất, nếu nói đến thì chỉ nên ca ngợi. Anh Mại là một người
trung thực, ca ngợi anh, chưa chắc anh đã vui lòng, còn nếu như tôi lại cố tô vẽ
cho anh, để - như đồng bào miền Nam thường nói - "vẽ bùa mình đeo"
thì thật là lố bịch. Tôi chỉ mong nói được đôi điều sự thật về con người và
thành quả nghiên cứu của Anh.
Tác giả: Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giáo sư, Viện Văn học Việt Nam.
Chú thích:
[1] Trần Thanh Mại toàn tập, Ba tập
(Tập I: 687 tr; Tập II: 935 tr.; Tập III: 850 tr) do Hồng Diệu sưu tập, biên soạn,
giới thiệu. Nxb. Văn học, H, 2004. Trong bài này có chỗ xin được gọi tắt
là Toàn tập.
[2] Tôi về công tác ở Viện Văn học từ đầu năm
1962. Trần Thanh Mại từ trần ngày 3-2-1965. Trong thời gian này anh là Tổ trưởng,
tôi là Tổ phó Tổ Nghiên cứu Văn học Việt Nam Cổ, Cận đại.
[3] Vũ Ngọc Phan: Nhớ tiếc anh Trần Thanh Mại,
Toàn tập, Tập III, Sđd; tr.829.
[4] Nguyễn Công Hoan: Con người Tú
Xương, Tạp chí Văn nghệ, số 67, tháng 12-1962.
[5] Tiên Sơn: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà
thơ Trần Tế Xương (1870-1970), Tạp chí Văn học, số 1-1970.
[6] Đặng Thai Mai cho biết như trên trong khi duyệt
bài thuyết trình về Yên Đổ và Tú Xương mà tôi được phân công trình bày tại lớp
Nghiên cứu sinh của Viện Văn học tháng 3-1963. Tại lớp này, Trần Thanh Mại được
phân công trình bày về Nguyễn Trãi và Nguyễn Đình Chiểu.
[7] Nguyễn Văn Luận: Lễ truy niệm ông Tú
Xương, đăng báo Khuyến học số 12, 15-2-1936 và các số tiếp theo.
[8] Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ: Tú Xương,
con người và nhà thơ, Nxb. văn hoá, Viện Văn học, H, 1961, tr. 61,
66; Toàn tập, Tập II, Sđd; tr.227, 232.
[9] Nam Trân: Một vài ký ức về nhà văn Trần
Thanh Mại, Toàn tập, Tập III, Sđd; tr.826.
[10] Trần Thanh Mại: Đính chính một điểm sai
lầm trong tư liệu về thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, Tạp chí Văn học, số
5-1964; Toàn tập, Tập III, Sđd; tr.576.
[11] Hồng Diệu: Độc đáo Trần Thanh Mại (Thay
lời giới thiệu), Toàn tập, Tập I, Sđd; tr.28.
[12] Quyết định số 135 ngày 12 tháng 12 năm 1973
do Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Khánh Toàn ký.
[13] Theo Nhật Mai: Báo điện tử Vietnamnet,
10-3-2004.
[14] Lời nhà xuất bản, trong sách Giai thoại
văn học Việt Nam, bản in lại năm 1988.
[15] Tổng tập Văn học dân gian người Việt, Tập
11, Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004,
bài Khải luận, tr. 24, chú thích 1.
[16] Hồng Diệu: Độc đáo Trần Thanh Mại, Bđd;
tr.21.
[17] Có thể tìm đọc tập tư liệu này ở Thư viện Viện
Văn học, Thư viện Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội, Thư viện Viện khoa học
xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
[18] Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo Lịch sử
Văn học Việt Nam, Quyển V, Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Sử học, H,
1960; tr.122.
[19] Dẫn theo lời dịch và tư liệu của Ngô Thời
Đôn, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Giá trị nhân văn trong Thương Sơn thi tập của
Miên Thẩm, H, 2000; tr.9.
[20] Trong Trần Thanh Mại toàn tập có chỗ
in sai là Nguyễn Văn Huyên (Tập III, Sđd; tr.499, Chú thích 1).
7/6/2005Nguyễn Văn HoànNguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 4/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét