Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Chuyện văn chương Việt Nam năm 2005XXX

Chuyện văn chương
Việt Nam năm 2005

Trần Tiến Dũng: Thưa ông Nguyễn Viện, là một nhà văn luôn để tâm theo dõi các chuyển động của văn học Việt Nam đương đại, xin ông đưa ra những chủ kiến cá nhân về những tác phẩm chính xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, thuộc cả 3 dòng: nhà nước, hải ngoại và ngoài luồng đã tạo dư luận trong năm 2005? Ông có tin rằng những tác phẩm đó có đủ chất lượng văn chương để gây ồn ào không? Đâu là giá trị chính của những tác phẩm đó? Nếu không thì theo ông, bản chất của sự gây sốc đó là gì?
Nguyễn Viện: “Chủ kiến cá nhân” ở Việt Nam trong tất cả mọi vấn đề hình như đều rất gay go. Chúng ta vốn không quen với các hành vi dân chủ, bởi thế thái độ của chúng ta về sự tiếp nhận dân chủ thường khó khăn, đôi khi trở nên đối nghịch, sân hận. Tôi không phải là nhà phê bình văn học, nhưng với tư cách một người đọc, tôi muốn phát biểu những cảm nhận của mình về những gì tôi đã đọc. Trước hết, tôi cho rằng sự khu biệt của ông về văn học Việt Nam gồm 3 dòng: nhà nước, hải ngoại và ngoài luồng là một thực tế không thể phủ nhận, cho dù có những thế lực muốn phủ nhận loại văn học ngoài phạm vi kiểm soát của nhà nước. Ở đây tôi muốn nói thêm về cái gọi là “ngoài luồng” của văn học Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến tác phẩm của những nhà văn trong nước được in ấn bằng các phương tiện không do nhà nước quản lý, như các ấn bản photocopy được khởi đầu với Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng, Của căn cước ẩn dụ của Nguyễn Quốc Chánh…; các website văn học có xuất xứ ngoài biên giới Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay còn có thể kể thêm các tác phẩm của các tác giả hải ngoại không in được trong nước. Chính vì những điều này mà cũng có ba bảy đường dư luận.
Trong các tổng kết cuối năm về văn học, báo chí trong nước chỉ tính đến những tác phẩm được in trong nước. Văn học hải ngoại và văn học ngoài luồng là một thực tế nhưng không được coi là một thực thể, mặc dù theo đánh giá chủ quan của tôi, bởi ý thức tự do của người sáng tạo, những tác phẩm ngoài luồng đã tác động không nhỏ và thậm chí quan trọng vào quá trình sáng tạo của các tác giả chính thống nói riêng, nền văn học Việt nói chung.
Nếu chỉ kể đến những tác phẩm đã gây dư luận, tôi thấy theo cấp độ ồn ào: Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, Dự báo phi thời tiết của 5 cô gái Sài Gòn (Lynh Bacardi, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân), rất tiếc tập thơ này đã bị nhà nước cho thu hồi, sau cùng là Khoan cắt bê tông của nhiều tác giả ngoài luồng trong và ngoài nước được NXB Giấy Vụn phổ biến dưới dạng photocopy.
Về Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu: Hiệu ứng chung quanh tác phẩm có thể gọi là tốt, bởi vì nó đã gây được dư luận khen chê trái ngược nhau. Tôi cho rằng đó là một hiện tượng tích cực, nhưng đồng thời nó cũng thật sự thiếu lành mạnh khi sự khen chê ấy không nhắm vào bản thân tác phẩm bằng yếu tính văn chương mà chỉ vì nó dám đụng tới “bàn thờ”, tiêu biểu như phát biểu của Nguyễn Vĩnh Nguyên “tôi thích thái độ của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu” [1] , hoặc thậm chí tệ hại hơn: “Tôi chọn Bóng đè vì đó là cuốn sách gây được dư luận, và vì tác giả của nó còn trẻ cần được cổ vũ” như phát biểu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp [2] . Người ta đã đánh đồng giá trị xã hội với giá trị nghệ thuật và các yếu tố về nhân thân tác giả. Cũng tương tự như vậy, Khoan cắt bê tông là một bày tỏ thái độ chính trị xã hội, trước hết bằng cách thế xuất hiện của nó, hơn là một tác phẩm có thể làm người đọc ngưỡng mộ về văn chương. Lẽ ra cuốn Dự báo phi thời tiết có thể được đón nhận một cách công bằng hơn, nhưng rất tiếc nó đã bị thu hồi bởi sự thiển cận của nhà quản lý khi chưa kịp ra mắt. Riêng với “Cánh đồng bất tận”, nó được đón nhận với chút bất ngờ và ít thiên kiến nhất.
Nếu chúng ta nhìn sâu vào cái mà anh gọi là “bản chất của sự gây sốc” thì tôi cho rằng, cái sôi động mà chúng ta có được mang tính tiếp thị và bè phái nhiều hơn bản thân các tác phẩm ấy tác động vào người đọc cũng như tạo ra các giá trị sáng tạo đích thực. Thái độ của một nhà văn mới chỉ là tiền đề. Chỉ có thái độ thôi thì chưa đủ, tác phẩm cần tài năng. Tôi kính trọng thái độ can đảm của những tác giả có ý thức tự do, nhưng không phải vì thế mà tác phẩm của họ mặc nhiên có giá trị văn học.
Rất “chủ kiến”, tôi tin rằng với những tác phẩm của Trần Vũ, Thuận, Nguyễn Danh Bằng, Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Thận Nhiên, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Nguyễn Thúy Hằng… đang góp phần vào việc làm thay đổi bộ dạng một chiều của văn học Việt.
Trần Tiến Dũng:Từ cảm tính của ông, phải chăng giá trị những tác phẩm “gây dư luận” là ngổn ngang? Có người cho rằng nguyên nhân những nhận định ngổn ngang - bừa bộn trên các phương tiện thông tin là do sự thiếu lành mạnh của những người được mời phát biểu. Quan điểm cá nhân ông về việc này ra sao? Chọn hai tác phẩm gây sôi động văn đàn trong năm là Bóng đè và “Cánh đồng bất tận”. Xin ông đưa ra những nhận định về nghệ thuật làm văn của tác giả? Đâu là yếu tính làm hài lòng thị hiếu đọc truyền thống? Đâu là yếu tính phá vỡ sự ổn định, khai phá thị hiếu mới?
Nguyễn Viện: Cảm nhận văn học luôn luôn là một cảm nhận chủ quan. Bởi thế, người ta phải chấp nhận tính đa nguyên trong sáng tác lẫn cảm thụ văn học. Cái dư luận ngổn ngang, cũng vì thế, là tất yếu. Tuy nhiên, như anh thấy, đã có sự thiếu lành mạnh trong các phát biểu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi cho rằng, không ít những người được mời phát biểu, hoặc viết bài nhận định thường rơi vào các trường hợp: Bày tỏ quan điểm lập trường theo tính Đảng, phục vụ nhu cầu chính trị nhất thời (1); dĩ hòa vi quí, vuốt ve nhau, vỗ đầu con cháu (2); bị mua chuộc, làm tiếp thị (3), kỳ thị, cục bộ địa phương và băng đảng (4).
Nếu chỉ nói về “nghệ thuật làm văn” của hai tác phẩm Bóng đè và “Cánh đồng bất tận”, theo tôi, chưa có gì đáng kể. Tác giả của Bóng đè thậm chí còn tỏ ra hơi thiếu vốn từ. Cái thành công và gây bất ngờ ở “Cánh đồng bất tận” chính là vì tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã làm một cuộc bứt phá vượt lên chính mình. Nhưng vượt lên chính mình không có nghĩa là vượt qua người khác.
Để làm hài lòng thị hiếu truyền thống, nhất thiết cần tuân thủ Nghị quyết 5 của Đảng: “Đậm đà bản sắc dân tộc”. Mỗi khi vào dịp lễ lạt, quần chúng nhân dân trong nước và khách quốc tế đều có dịp nhìn ngắm “bản sắc dân tộc” ở Công viên 30.4 đường Lê Duẩn, thành phố Hồ Chí Minh với các chòi lá, ụ rơm… chỉ thiếu có cái cầu tõm. Bản sắc dân tộc được hiểu và trình bày chỉ là cái mô thức của đời sống nông nghiệp lạc hậu.
Yếu tính của sáng tạo đích thật bao giờ cũng nhằm phá vỡ sự ổn định của những tập quán thẩm mỹ cũ. Mà điều này thì dễ bị qui kết là “phản động”, thậm chí là chống Đảng chống chính quyền. Hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục. Vô hình trung, những tác phẩm có tính phản kháng sẽ được coi là đáng kể, và nghệ thuật làm văn bị mất vai trò hàng đầu của nó. Đây chính là bi kịch của văn học Việt Nam.
Các vấn đề chính trị trong nước và sự đối phó lẫn nhau đang bào mòn các năng lực sáng tạo. Để khai phá một thị hiếu mới, người ta trước hết cần phải đi ra khỏi lũy tre làng, không nên tắm ao dù trong dù đục (dễ mắc bệnh phụ khoa lắm), và làm một công dân thế giới. Tôi cho là vậy.
Trần Tiến Dũng: Những tác phẩm do nhà nước xuất bản - phát hành, các ấn phẩm tự xuất photocopy, các tác phẩm xuất bản trên các trang web văn chương ở cả trong nước và nước ngoài, giữa chúng có gì khác biệt về giá trị thông tin đối với người trong giới văn chương và cộng đồng độc giả, thưa ông? Vì sao tổng kết trong năm, các phương tiện thông tin truyền thống không tính tới các tác phẩm xuất bản đó? Theo ông do động cơ - nguyên nhân nào: Sợ đối thoại với thực thể các giá trị ngoài tầm kiểm soát? Hay là các tác phẩm xuất bản bằng phương tiện mới không đủ chất lượng? Riêng ông, trong toàn thời gian dành cho việc đọc, phương tiện xuất bản nào có ảnh hưởng nhất với ông? Theo khả năng tiên tri - dự doán của ông thì đế chế thông tin chuyên chế - truyền thống sẽ chấm dứt sự cai trị và độc quyền định đoạt các giá trị văn chương Việt Nam ở Việt Nam vào năm nào? Tự thoái vị hay bị thoái vị?
Nguyễn Viện: Khác biệt về giá trị thông tin trong các ấn phẩm trong hệ thống phát hành của nhà nước, các ấn phẩm photocopy ngoài luồng, trên mạng… chính yếu là ở chỗ nó cho người ta thấy đã có những cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề, cũng như những cách bày tỏ khác nhau về các vấn đề đó. Sự tồn tại song song của các ấn phẩm khác nhau như thế, nói một cách công bằng, cũng đã cho người ta thấy một chút tiến bộ trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Nhưng cũng đúng như anh nói, trong các tổng kết cuối năm trên các phương tiện thông tin, các tác phẩm - tác giả ngoài luồng không bao giờ được nhắc tới, có lẽ chỉ vì người ta muốn hư vô hoá sự có mặt ngoài tầm kiểm soát đó, và người ta không muốn cho công chúng đọc nó. Ngay cả những phát biểu như của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại một hội thảo ở Hải Phòng gần đây, khi kêu gọi các nhà văn đừng sợ, các nhà xuất bản đừng nhát cũng dường như cố ý không thấy một thực thể khác ngoài cái hệ thống quản lý nhà nước. Nhưng dù muốn hay không, thì cái thực thể khác - những tác phẩm văn học ngoài luồng - vẫn có mặt và nó mang một giá trị mới, giá trị của tự do. Và điều quan trọng hơn, nó thúc đẩy tự do sáng tạo.
Với tôi, việc đọc một tác phẩm bất kỳ từ một xuất xứ nào không quan trọng. Thật ra, cũng đã có những tác phẩm trong luồng không phải là vô bổ. Tuy nhiên tôi vẫn dành sự quan tâm của mình cho các tác phẩm ngoài luồng, vì ở đó tôi tìm được những ý nghĩ ngay thẳng, những cảm xúc không cần phải che đậy, và những nỗ lực cách tân đáng trân trọng.
Tôi không phải là nhà tiên tri hay thày bói, nên không thể có những khả quyết về tương lai. Những người theo chủ nghĩa xã hội hay thích nói về tính qui luật, vâng thì cứ theo qui luật biện chứng hay tiến hóa, cái bất hợp lý, cái không phải nhân tâm như độc tài, độc đoán, độc chiếm, độc quyền, độc tôn, độc địa… nếu không tự đào thải cũng sẽ bị đào thải. Cái “đế chế thông tin chuyên chế - truyền thống… độc quyền định đọat các giá trị văn chương Việt Nam” thật ra nó đã mất quyền thống trị độc đoán khi các website văn học tự do xuất hiện. Công chúng văn học rộng lớn đã có thể tự mình tìm đến những gì mình thích. Tiếng nói chính thống trong thực tế chỉ còn là một phần của toàn bộ nền thông tin đa chiều hiện nay mà công chúng có cơ hội để so sánh đối chiếu. Chúng ta có cơ sở để nói rằng số lượng độc giả của tienve.org, talawas.org, gio-o.com, hopluu.net, tapchitho.org… không hề thua kém eVăn của Vnexpress.net hay các báo giấy trong nước. Tất nhiên là chỉ có những giá trị thật mới tồn tại.
Chú thích:
[1] Báo Thể Thao và Văn Hóa ngày 6.1.2006
[2] Bài đã dẫn.

17/1/2006
Nguyễn Viện
Trần Tiến Dũng thực hiện
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...