Cũng là một
kiểu so sánh văn học
[6]Đổng Văn Thành, sđd, tr. 111.
[7Xưa nay, hễ nhắc tới Truyện Kiều, người ta thường liên hệ với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng dễ hiểu, bởi lẽ chính Kim Vân Kiều truyện đã tạo nguồn cảm hứng để Nguyễn Du sáng tạo nên thi phẩm ưu tú nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam. Nghiên cứu Truyện Kiều theo phương pháp so sánh văn học hiển nhiên là cần thiết và có hiệu quả thiết thực. Ở Việt Nam, hơn 50 năm trước, Đào Duy Anh có lẽ là học giả sớm nhất vận dụng phương pháp đối chiếu, so sánh một cách có hệ thống trong khi “khảo luận về Truyện Kiều” để khẳng định những thành công của tác phẩm [1] . Ở Trung Quốc, gần đây có học giả đã để công nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện, so sánh nó với Truyện Kiều của Việt Nam và văn học hậu kỳ Giang Hộ của Nhật Bản [2] . Tôi chưa muốn làm chuyện “so sánh văn học” giữa sự “so sánh” của cụ Đào Duy Anh cách đây 50 năm với sự “so sánh” của ông Đổng gần đây đối với Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện. Ở đây tôi muốn chỉ rõ ông Đổng đã dựa vào đâu để so sánh, dẫn tới hiểu sai lệch Nguyễn Du.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Đổng Văn Thành đặt câu hỏi “có phải tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân, “một kẻ dung tục”, “hết cách cứu chữa” đã chà đạp lên đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi chẳng còn chút giá trị nào, mà phải hoàn toàn dựa vào sự gia công của vị “thiên tài” Nguyễn Du mới biến được cục sắt cứng thành vàng ròng lấp lánh” [3] .
Sau khi tiến hành so sánh nhân vật, cốt truyện, chủ đề tư tưởng của hai tác phẩm, tác giả rút ra kết luận rằng: “Trên tổng thể… Truyện Kiều của Nguyễn Du bất kể về nội dung hay nghệ thuật đều không vượt qua được mức độ của bản nền mà nó mô phỏng, tức Truyện Kiều của Trung Quốc”, rằng: “Hiện tượng lạ lùng của Truyện Kiều Trung Quốc bị mai một lâu dài, thậm chí bị dè bỉu, nói lên nhận thức chưa đầy đủ của chúng ta (người Trung Quốc) đối với kho tàng văn học nghệ thuật phong phú do tổ tiên để lại…”.
Ông Đổng còn viết tiếp phần hạ, “xét sự khác nhau từ chi tiết” rồi rút ra “nguyên nhân của sự dị đồng”. Ở phần này, từ những “chi tiết” cụ thể, tác giả phê phán Nguyễn Du. Cũng chính từ những chi tiết ấy, chúng ta thấy rõ tác giả đã căn cứ vào đâu để phê phán Truyện Kiều, để “so sánh” hai tác phẩm.
Việc so sánh, phân tích tác phẩm văn học đi đến những đánh giá, kết luận khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau cũng là điều thường thấy. Nhưng muốn có sự đánh giá, kết luận có giá trị thì phải có những điều kiện kiên quyết. Đó là phải nắm vững đối tượng so sánh, phân tích. Khi so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc với Truyện Kiều của Việt Nam, theo tôi, cần có hiểu biết nhất định về văn hóa văn học Trung Quốc, đặc biệt về tiếng Hán, về tiểu thuyết Trung Quốc, về thị hiếu văn chương của người Trung Quốc… Đồng thời, cũng phải có hiểu biết về văn hóa Việt Nam, về văn học Việt Nam, đặc biệt về tiếng Việt, về thể truyện thơ Nôm Việt Nam cùng thị hiếu văn chương của người Việt Nam.
Tác giả của Thanh đại văn học luận cảo, ông Đổng Văn Thành, có một thuận lợi khi phân tích, lý giải Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vì ông là người Trung Quốc [4] , nhưng ông lại chưa có những hiểu biết cần thiết về văn hóa, văn học Việt Nam, về thể truyện thơ Nôm Việt Nam, nhất là chưa biết tiếng Việt. Khi so sánh phân tích Truyện Kiều, ông hoàn toàn dựa vào bản dịch của nhà nghiên cứu Hoàng Dật Cầu.
Chúng tôi không có ý định tranh luận với Đổng Văn Thành về từng luận điểm. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một vài “dẫn chứng” mà ông dùng để phê phán Truyện Kiều, những dẫn chứng này, như dưới đây chúng tôi phân tích, hoàn toàn không phải từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà là từ một bản dịch của người Trung Quốc. Cũng xin nói thêm, khi “dẫn chứng” bản dịch, tác giả cũng không ghi rõ xuất xứ, số trang, số câu. Chúng tôi phải tự đi tìm. Nhiều khi tác giả đưa ra một chữ, một câu mà không thấy chữ ấy ở nguyên tác Truyện Kiều.
Khi “so sánh” việc Thúc Sinh chuộc Kiều về làm thiếp, tác giả cho rằng trong Kim Vân Kiều truyện, Thúc Sinh chủ yếu dựa vào người bạn có thế lực phi phàm là Vệ Hoa Dương giúp đỡ, còn Nguyễn Du lại miêu tả Thúc Sinh tự mình lo liệu. Rồi ông dẫn bản dịch:
“Ông ta (Thúc Sinh) thác lời là nghỉ mát ở trúc viện, đem Thúy Kiều đi giấu một nơi. Ông ta chuẩn bị kiện kỹ viện, sai người đi do thám đối phương. Cuối cùng đã thuyết phục được Tú Bà, cờ thua một nước, (Tú Bà) cũng đành để nàng hoàn lương” [5] để đi đến “kết luận”: “Như vậy chẳng những mâu thuẫn với tính cách của Thúc Sinh, cũng mâu thuẫn với sự phát triển của cả cốt truyện”. Đoạn này nguyên văn Truyện Kiều là:
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Chiến hòa sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ, mượn người dò la.
Bắn tin đến mụ Tú Bà,
Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.
Đâu phải Thúc Sinh “tự mình lo liệu”, Thúc Sinh đã phải “cậy tay thầy thợ, mượn người dò la”, nghĩa là nhờ cả người bày mưu tính kế (thầy) đến người thực hiện (thợ). Ở đây, ông Đổng đáng lẽ nên phê bản dịch chứ không nên phê Truyện Kiều.
Tác giả phê phán Nguyễn Du “vẽ rắn thêm chân” làm cho nhiều chỗ “mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết” của toàn bộ tác phẩm, dẫn chứng đoạn Thúy Kiều, Kim Trọng quen biết nhau và yêu nhau từ tiết Thanh minh. Quá trình ấy không quá nửa năm, thế mà xuất hiện cảnh mùa đông “Tường đầu sương nồng tuyết hậu” (“Đầu tường sương nặng tuyết dày”), lại còn các câu “tơ liễu phất phơ trước mành”, “hoa rụng đầy sân”, “thưa hồng rậm lục” rõ ràng là mâu thuẫn nhau, phá hoại tính thống nhất và cảm giác chân thực của việc tả cảnh [6] . Câu “Tường đầu sương nồng tuyết hậu” là dịch từ câu:
Một tường tuyết trở sương che
Câu nguyên văn ở Truyện Kiều nói sự ngăn cách, “tuyết trở”, “sương che” không được mấy người yêu, chứ đâu phải cảnh, càng không phải là cảnh mùa đông. Cả đoạn yêu đương này Nguyễn Du miêu tả rất ý nhị, cảm giác thời gian cũng được nhận rõ từ tiết Thanh minh đến mùa hè “thưa hồng rậm lục”, chứ đâu có cảnh mùa đông, đâu có mâu thuẫn?
Khi phân tích nguyên nhân có sự dị đồng giữa Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều, tác giả cho rằng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của chữ nghĩa, nệ cổ, chủ nghĩa hình thức trong thơ hồi đó. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du luôn luôn “khoe khoang tri thức của mình về thơ từ, văn hóa Trung Quốc”, “sử dụng hàng loạt các câu chữ có sẵn trong thơ Đường, trong từ Tống và điển cố Trung Quốc”… “dẫn tới sự chồng chất, sống sượng, thậm chí gây nên sai lầm trong khi dẫn, tổn hại đến nội dung. Những sai lầm này chỗ nào cũng thấy” [7] . Rồi tác giả dẫn chứng câu: “Tần lâu vân tỏa tú liêm thùy” (Lầu Tần mây khóa, rèm thêu buông), xưng xưng rằng Nguyễn Du lầm lẫn khi dùng “lầu Tần” vốn để chỉ nhà thổ, để thay cho khuê phòng của Thúy Kiều. Nguyên văn câu ấy trong Truyện Kiều là:
Mây Tần khóa kín song the [8]
“Mây Tần” chứ đâu phải “lầu Tần” (Tần lâu). Theo Nguyễn Quảng Tuân, “mây Tần” là lấy ý từ câu “Tần vân như mỹ nhân” (Mây Tần như người đẹp) của Tấn thư [9] . Câu này có nghĩa là “người đẹp ở sâu trong buồng the”, đâu phải là “nhà thổ” (Tần lâu) của ông Đổng Văn Thành!
Ông Đổng phê phán cụ Nguyễn Du dùng những khuôn sáo quen thuộc để tả ngoại hình con người làm cho “ngàn người một khuôn mặt”, nói Nguyễn Du “mượn bộ lông mày như con tằm nằm ngang (ngọa tàm mi) của Quan Vũ ở Quan Tây đầy uy dũng đặt lên khuôn mặt người thiếu nữ “rất xinh đẹp, rất diễm lệ”… “lại mượn sáo ngữ miêu tả khuôn mặt tròn béo núc của cậu ấm quý tộc trong tiểu thuyết thông tục của Trung Quốc để miêu tả thiếu nữ Vương Thúy Kiều là “mãn nguyệt kiểm” (khuôn mặt như trăng trong) [10] . Ở đây, ông Đổng vừa lầm lẫn (Nguyễn Du khi tả Kiều, chỉ tả con mắt (“làn thu thủy”) và lông mày (“nét xuân sơn”), lại vừa không hiểu ý nghĩa của mấy từ Việt, chỉ nói lấy được. Nguyên văn câu thơ tả Thúy Vân (chứ không phải tả Thúy Kiều như lời ông Đổng) là “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. “Khuôn trăng” là khuôn mặt, là “kiểm”, “diện bàng” chứ không phải là “mãn nguyệt kiểm”. “Nét ngài”, có sách phiên là “nét người”, là chỉ vẻ đẹp đầy đặn, chứ không phải là “ngọa tàm mi”. “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” là miêu tả vẻ đẹp thùy mị, phúc hậu của Thúy Vân.
Ông Đổng cho rằng những khiếm khuyết về mặt tri thức (của Nguyễn Du) tạo nên những sai lầm về ngôn ngữ và chi tiết. Ông nêu 3 dẫn chứng:
Lầm lẫn dùng “lầu Tần” để thay khuê phòng. Kỳ thực “lầu Tần” là của bản dịch chứ không phải là của Truyện Kiều như tôi đã phân tích ở trên.
Lầm lẫn đem chữ “đồng môn” để thay cho chữ “đồng song” ở trong nguyên tác [11] .
Nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du không có chữ “đồng môn”, chỉ có chữ “đồng thân” trong câu “Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân”, “đồng môn” là bản dịch “Dã Thị Vương Quan cựu nhật đích đồng môn”, “huynh đệ”. Đâu phải của Truyện Kiều.
Lầm lẫn đem “Mã tú mạ” để chỉ trùm lầu xanh sửa thành “Tú Bà”.
Ở đây, Nguyễn Du đã chuyển một từ 3 âm tiết (“Mã tú mạ”) hàm sắc thái châm biếm, thành một từ trung tính 2 âm tiết, cho thuận với luật câu thơ lục bát. Có một điều rất lý thú là “Tú Bà” của Truyện Kiều, ngày nay trở thành một đại từ trong tiếng Việt, dùng để chỉ bọn trùm nhà thổ, đây là điều khác với “Tú Bà” trong tiếng Hán của bản dịch.
Ông Đổng còn nhận xét là Nguyễn Du rất lạ lẫm với đề tài tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, có khoảng cách với hoàn cảnh địa lý và tập quán sinh hoạt được miêu tả trong Kim Vân Kiều truyện, nên luôn luôn xảy ra sai lầm, thậm chí thành trò cười. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Lâm Truy của Sơn Đông và Vô Tích của Giang Tô cách đến 150 dặm Tầu, đều bị xê dịch đến cạnh biển [12] .
Có thực tế không? Lâm Truy là nơi Mã Giám Sinh mua Kiều về cho Tú Bà. Trước khi lập mưu bắt Thúy Kiều tiếp khách, Tú Bà cho Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Bị giam hãm lẻ loi trên lầu, Thúy Kiều buồn ngắm cảnh chung quanh:
Buồn trông cửa bể chiều hôm…
Chân mây mặt nước một màu xanh…
Hai câu này, ở bản dịch là:
Thê nhiên vọng hoàng hôn hải cảng…
Liên thiên bích vân hải mang mang….
“Cửa biển” đã chuyển thành “hải cảng”. “Cửa biển” của Truyện Kiều là một từ ước lệ, chỉ “cửa sông” nói chung. Đến câu “Chân mây mặt nước một màu xanh xanh” mà dịch là “Liên thiên bích vân hải mang mang” thì rõ là tả cảnh biển. Mây biếc liền trời, biển mênh mông, trái hẳn với câu thơ trong Truyện Kiều chỉ nói mây nước. Ông Đổng nắm ngay lấy hai chữ “hải cảng” và nhóm từ “hải mang mang” của bản dịch để phê phán Nguyễn Du là không công bằng. Người không hiểu địa lý Trung Quốc ở đây không phải là Nguyễn Du mà chính là người dịch.
Vô Tích là nơi Thúy Kiều bị mẹ con Hoạn Thư bắt về. Hoạn Thư ở Vô Tích, định bắt Thúy Kiều lúc ấy đang ở Lâm Truy, mới tính toán:
Lâm Truy đường bộ tháng chầy,
Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.
“Đường hải đạo” trong vế 8 chữ là đối lập với “đường bộ” của vế 6, chỉ “đường thủy” nói chung. Nhưng bản dịch đã chuyển thành: “Tối khoái tiệp thị hải vận nhất đồ” (Nhanh nhất là con đường đi biển). Từ ý cân nhắc xem đi đường bộ, đường thủy, đường nào gần hơn ở Truyện Kiều, bản dịch đã chuyển thành sự khẳng định: đi “đem huyện Vô Tích xê dịch ra sát biển” là không đúng.
Ông Đổng đặc biệt chú ý một chi tiết: Thúy Kiều nhảy sông tự tử, cho rằng đó là “điển hình” của việc vi phạm thường thức địa lí [13] vì Nguyễn Du bên trên đã tả:
Triều đâu nổi sóng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường.
Rồi:
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang.
Như thế là đem sông Tiền Đường với dòng Trường Giang hổ lốn làm một.
Mấy câu thơ trên, bản dịch là “Hốt thính triều thanh hung dũng, Dĩ tri thân đáo Tiền Đường… Viễn vọng hải thiên vô tế, Túng thân dược nhập trường giang”.
Trong tiếng Việt, “trường giang” (hay tràng giang), có khi chỉ sông Trường Giang của Trung Quốc. Nhưng trong nhiều trường hợp từ này lại là một tổ hợp từ chỉ chung “dòng sông lớn”. Thí dụ: thơ Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” là đúng theo nghĩa này. Tất cả các bản Truyện Kiều tiếng Việt xưa nay khi phiên âm “trường giang” đều không viết hoa (để chứng tỏ đó không phải là danh từ riêng). Từ sự không hiểu biết tiếng Việt, ông Đổng đã vội vã quy kết Nguyễn Du “vi phạm thường thức địa lý” là sai, lại còn “khái quát” xa hơn: “Hàng loạt những mâu thuẫn như thế đã phá hỏng gần như toàn bộ tính chân thực của chi tiết, làm sao còn nói được tới sức hấp dẫn nghệ thuật” [14] .
Cũng như nhiều thi nhân nổi tiếng khác, Nguyễn Du không phải là hoàn thiện, hoàn mỹ. Trong Truyện Kiều, vẫn có những hạt sạn mà xưa nay nhiều người đã nhắc tới. Điều rất lạ là tất cả các dẫn chứng được ông Đổng dùng làm căn cứ để phê phán Nguyễn Du, phê phán Truyện Kiều, nếu không phải là do bản dịch đưa vào, trong Truyện Kiều vốn không có, như kiều “lầu Tần”, “đồng môn”, “tường đầu sương nồng tuyết hậu”, thì dùng do ông Đổng hiểu sai lạc ý tức của nguyên tác Truyện Kiều, như kiểu “trường giang”, “nét ngài nở nang”, “khuôn trăng đầy đặn”…
Vì thế, những nhận định của ông không thuyết phục. Nên chăng, khi tiến hành “so sánh văn học” giữa tác phẩm Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, phải có chút vốn liếng nhất định về cả tiếng Việt, cả văn hóa, văn học Hán và văn hóa, văn học Việt.
Chú thích:
[1] Đào Duy Anh, Khảo luận về Truyện Kiều, in lần thứ 2, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1958. Xem “Lời tái bản”.
[2] Đổng Văn Thành, Thanh đại văn học luận cảo, Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, Thẩm Dương, 1994. Phần I: Kim Vân Kiều truyện dữ Trung Quốc
[3] Đổng Văn Thành, sđd, tr.76.
[4] Đổng Văn Thành, sđd, tr.96.
[5] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 112.
[6] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 111.
[7] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 116.
[8] Truyện Kiều, Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải, NXB Khoa học Xã hội, 1995, tr.73.
[9] Truyện Kiều, sđd, tr. 73, chú thích 2.
[10] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 117.
[11] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 118.
[12] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 119.
[13] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 120.
[14] Đổng Văn Thành, sđd, tr. 120.
17/12/2005Hoàng Văn LâuNguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1998, in lại trong: Hai trăm năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2005, tr. 1594 - 1599
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét