Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

XXXXThiếu đọc - Dấu chỉ người Việt quay lại thời kỳ bái vật

Thiếu đọc - Dấu chỉ người Việt
quay lại thời kỳ bái vật

UNESCO lấy ngày 23 tháng Tư hằng năm làm ngày sách và bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day) để khuyến khích sự đọc sách. Qua sự kiện đó - nhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn của người Việt hiện nay, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn ở Hà Nội cho là lỗi của xã hội, một số khác gán tội cho người viết đã không thể sản sinh ra những đứa con tinh thần với đầy đủ chân tay, dáng vẻ xinh đẹp để được người đọc nâng niu trìu mến, để tạo được bầu không khí sôi sục khiến người đọc phải hăm hở đi tìm sách để đọc. Dĩ nhiên người ta hiểu thái độ bi quan và đổ lỗi đó không phải khi không mà có. Với 82 triệu dân trong nước, mỗi đầu sách chỉ in từ vài trăm, đến một hay hai ngàn cuốn. In đã nhỏ giọt, bán càng lẹt đẹt, nhiều năm trời, sách in chừng ấy vẫn bán không hết, không bi quan sao được? Ở hải ngoại, số người Việt khoảng ba triệu - tình hình sách vở tiếng Việt cũng không khá hơn bao nhiêu, ngày nay mỗi đầu sách in cũng từ 500 cho đến 1000, rất hiếm khi đến con số 2000 cuốn, bán đi bán lại sách vẫn chịu hứng bụi trên kệ. Nói rằng tại sách không hay, các tác giả không mấy nổi tiếng nên sách bán không chạy, e rằng có thể quá hồ đồ, vì ngay cả những cuốn sách tương đối viết được, hay những cuốn truyện dịch từng nổi tiếng ở nước ngoài, hoặc những tuyển tập có rất nhiều tác giả tên tuổi, sách vẫn bán ì xèo, thế thì đâu hẳn tại tác giả hay tại sách!
Nhìn số sách in và bán như thế, người có mối tương quan đến sách buộc phải đau lòng, không phải chỉ đau lòng cho những sáng tác đến từ tim óc của những tác giả mà cho toàn thể người Việt.
Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi đó đổ lỗi, hết trách người rồi đến trách mình mà không nêu ra được giải pháp nào khả dĩ, hóa ra thái độ bi quan đó sẽ chẳng giúp ích gì cho con người và đất nước, ngược lại còn làm nhụt chí người thật sự có lòng với chữ nghĩa, muốn nâng tâm hồn mình qua những trang chữ.
Như thế giữa hai thái độ tích cực và tiêu cực, ta bắt buộc phải chọn một. Than khóc hay bắt tay vào việc gây dựng nhu cầu đọc sách để nâng cao trình độ trí thức và ý thức của người Việt? Dĩ nhiên giữa niềm hy vọng, đa số chúng ta sẽ phải chọn thái độ tích cực. Tích cực như thế nào? Ðây là câu hỏi cần được trả lời, không phải bởi một người mà nhiều người. Tuy nhiên, trước khi tìm được giải pháp tích cực cho vấn đề, điểm đầu tiên cần làm là tìm hiểu nguyên nhân, điều này cũng tựa như sự chẩn bệnh của bác sĩ đối với con bệnh, việc chữa bệnh sẽ không thể nào thực hiện được nếu bác sĩ không tìm được căn bệnh. Vậy vấn đề thiếu đọc của người Việt đến từ đâu? Lỗi của người viết hay của người đọc?
Tác giả Hồ Quốc Ðăng trong bài “Tản mạn của một trong số không nhiều người đọc còn lại” trên trang Web talawas ngày 1-3-2005 đã có câu “Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ những gì mà các nhà văn, nhà thơ sáng tác có đáp ứng được nhu cầu của người đọc không”; tác giả phê bình văn học trong nước Vương Trí Nhàn cũng đặt câu hỏi, “Hiện nay, từng cuốn sách in ra với số lượng quá thấp, mà người mua cũng tản mạn, đến mức người ta phải nghi ngờ về lý do ra đời của nó: Phải chăng nay là lúc sách ra chỉ để thỏa mãn nhu cầu người viết, còn nó chả có tác động cụ thể tới ai, hoặc có tác động cũng chỉ là một thứ phủi bụi, không gây nổi tiếng và không có ai buồn lên tiếng, nên nó cứ vạ vật âm thầm như vậy? [1] ” Câu trả lời và câu hỏi mang vẻ tương đồng, quy trách nhiệm cho người viết đã không đáp ứng được nhu cầu của người đọc, mà nếu ta chịu khách quan suy nghĩ thì có vẻ như “trăm dâu đổ đầu tằm”. Bởi bất cứ quốc gia nào, ngay cả Hoa Kỳ cũng vậy, không phải cuốn sách nào được phát hành cũng gây nên tiếng vang - có chăng là chỉ vài đầu sách, nhưng người Mỹ vẫn đọc. Nếu chịu khó nhìn vào những con số ta sắp sửa đề cập bên dưới, thì rõ rằng đây chỉ là sự đổ thừa.
Dựa vào luật cung cầu và dữ kiện đọc sách tại Hoa Kỳ đã chứng minh cung cầu đi đôi với nhau. Hoa Kỳ là một quốc gia có số lượng sách xuất bản kỷ lục. Theo R. R. Bowker, nhà cung cấp thư mục lớn nhất vùng bắc Mỹ thì vào năm 2002 nước Mỹ đã phát hành khoảng 150000 tựa sách, trong đó tiểu thuyết dành cho người lớn chiếm khoảng 17000 tựa và truyện cho trẻ em chiếm trên 10000 tựa. Như vậy cứ khoảng 1666 người lại có một tựa sách được xuất bản và mỗi cuốn sách thường in vài chục ngàn đến vài trăm ngàn là chuyện rất thường. Dĩ nhiên trong hơn 150000 tựa sách đó, không thiếu những tựa sách ba xu như romance chẳng hạn, không có giá trị văn học nào, người viết viết theo đơn đặt hàng, theo một số công thức nhất định nên sản xuất nhanh chóng và dễ dàng; đương nhiên loại sách này sẽ phải chịu luật đào thải, nhưng sách vẫn được một số độc giả nào đó chiếu cố và sách vẫn đều đặn xuất hiện trên thị trường sách vở. Theo các nhà phát hành cho biết là trong khoảng 150000 tựa sách đó có khoảng 131611 tựa đã bán hết hay không còn bản in. Ðiều này cũng dễ hiểu, bởi trong tổng số trên 282 triệu đa sắc dân đang sinh sống tại Hoa Kỳ, độ chừng 11 triệu người có mức học dưới lớp 9, nghĩa là toàn nước Mỹ có khoảng 4% người mù chữ.
Nhìn lại sách xuất bản bằng tiếng Việt dành cho người Việt tại Việt Nam hay đang sống trên các quốc gia khác trên thế giới, với số phát hành đã èo uột thì chớ, người mua còn đáng chán hơn, thì nỗi đau càng thêm vời vợi. Người ta buộc phải hỏi, nguyên do từ đâu khiến người Việt ít đọc sách? Muốn tìm hiểu, ta cần mở rộng tầm mắt ra khỏi thế giới chữ nghĩa để nhìn thẳng vào nếp sinh hoạt của các gia đình người Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Nếu chịu khó để ý, vào nhà bất cứ người Việt từ nghèo cho đến giàu, có học hay ít học, hiếm khi ta bắt gặp tủ sách. Ðối với người nghèo, ít học ta có thể thông cảm vì không thể đọc và tiền không đủ ăn lấy tiền đâu mua sách. Tuy thế điều này cũng không hoàn toàn đúng, không thể đọc thì nhờ người khác đọc hay học chữ để đọc (chữ Việt rất dễ học), không mua nhiều cuốn sách để thành lập một tủ sách thì đôi khi trong cuộc đời cũng có lúc đủ tiền mua được một vài cuốn sách, thế những cuốn sách đó nằm đâu? Ðến những gia đình người Việt tương đối trí thức và có của ăn của để với nhà cửa to lớn, với xe hơi từ Lexus đến Mercedes bóng lưỡng, tủ sách cũng dường như vắng bóng; thay vào đó là một chiếc đàn dương cầm để chưng (ít khi được dùng đến), những đồ trang bị nội thất đắt tiền, tủ rượu đầy loại rượu tây đắt giá..., nghĩa là những thứ chỉ có thể nói lên được sự giàu sang. Qua chuyện ăn nhậu, để thù tiếp, người mình còn có thể bỏ ra bạc trăm đô hay cả triệu tiền Việt để ăn nhậu mà không tiếc, nhưng nếu bảo họ tự động bỏ ra chừng một hai chục đô hay chỉ vài chục ngàn tiền Việt để mua một cuốn sách thì họ lại tiếc xót. Bảo những người đó hoàn toàn không đọc ư? Không hẳn thế, thỉnh thoảng họ cũng đọc nhưng đọc sách chùa, nghĩa là nếu là sách chôm, sách mượn thì đọc, và nếu mượn thì không bao giờ trả, báo chợ không mất tiền cũng được họ đọc, và nếu may mắn gặp tác giả thì họ sẵn sàng đòi sách tặng mà không bao giờ ngượng miệng... Trường hợp có những chủ nhà chịu khó mua sách, nhưng vào nhà họ ta cũng hiếm khi được chiêm ngưỡng tủ sách. Lý do - họ phải giấu kỹ, nếu không muốn tủ sách ngày cứ vơi dần. Tại sao - chẳng là nếu có khách đến chơi, khách mà nhìn thấy tủ sách, khách sẽ mượn, không cho thì mích lòng, cho thì coi như mất toi cuốn sách. Thôi tốt hơn hết là giấu sách ở một căn phòng nào khuất mắt khách cho xong.
Qua đến các sinh hoạt khác của đa số người Việt cũng có những nét tương tự - nặng vật chất, nhẹ tinh thần. Nhìn mặt hồ êm đềm, tĩnh lặng giữa một công viên, thay vì ngắm nhìn để cho lòng được lắng xuống hay tìm được vẻ đẹp trong sự yên tĩnh, có lắm người sẽ nghĩ hồ êm như thế này không biết có tốt cho việc câu cá hay không? Nhìn những chú vịt nhởn nhơ trên mặt hồ, ý nghĩ sẽ là giá bắt được một vài con vịt này làm tiết canh hay nấu cháo vịt thì hết biết. Nhìn bãi đất trống với cỏ non và những hoa dại chen chúc, sẽ muốn hái những đóa hoa mang về nhà chưng hay nghĩ đến đàn dê, đàn bò thả cho ăn để mang lại lợi tức. Nhìn những chú chim sẻ hót tíu tít trên cành lá hay sà xuống ăn những hạt rơi rớt trên mặt đất, sẽ nghĩ đến xâu chim sẻ được nướng nhai vào giòn rụm... Những ý nghĩ đó có thể bắt nguồn từ tâm lý thực tiễn với những lo toan về đời sống, cái ăn cái mặc đi trước, cái tâm hồn, đạo lý đi sau được thể hiện qua câu nói “có thực mới vực được đạo”. Cái tâm lý đó dường như đã ăn sâu vào cốt lõi những suy nghĩ của người Việt. Vậy tâm lý đó bắt nguồn từ lúc nào?

Thời quân chủ
Trước khi bị người Pháp đô hộ, người Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm sống dưới chế độ quân chủ. Tất cả quyền hành đều tập trung vào tay nhà vua. Vì chính sách tập quyền được thi hành triệt để, nên nhà vua chỉ trao quyền thay vua cai trị dân chúng cho một số ít quan lại thân tín hay số người thi đậu ít ỏi qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình vốn là những kỳ thi năm khi mười họa hay vài ba năm mới xảy ra một lần. Dường như sự đọc sách thánh hiền thời đó không chú trọng việc mở mang trí tuệ, mà cốt để thi đậu làm quan bởi quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”. Tuy nhiên việc thi đậu làm quan vì quá khó khăn, vài ba năm mới có được một kỳ thi, giữa hàng ngàn sĩ tử chỉ vài ba người chiếm được bảng vàng, nên việc gửi con đến trường, mong có ngày con thi đậu làm quan trong lắm trường hợp đã trở nên thiếu thực tế giữa lúc nhu cầu ăn, mặc là những nhu cầu cấp bách hằng ngày, đòi hỏi sức lao động của hầu hết những người trong gia đình, để đủ tiền gạo đóng thuế cho vua, cho làng xã và nuôi sống thân mình. Vì thế, có một kẻ sĩ đọc sách trong nhà lắm khi không phải là một vinh dự mà là gánh nặng, và rất nhiều lần kẻ sĩ bị đánh giá là kẻ vô tích sự “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, hay bị mang ra giễu cợt: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.”

Thời Pháp thuộc
Muốn chế độ thực dân được bền vững trên đất nước bị trị, người Pháp cũng ra sức áp dụng chính sách ngu dân. Trường học chỉ dành cho một số nhỏ con cái Pháp kiều và những người trung thành với chế độ bảo hộ. Việt ngữ bị giới hạn. Pháp ngữ được dùng làm ngôn ngữ chính trong chương trình giảng dạy. Và người đi học vào thời này thường nhắm vào mục đích làm việc cho Pháp để vinh thân phì gia.
Ðề cập đến chương trình giáo dục của thực dân Pháp đối với người Việt, ta không có ý phủ nhận công lao tạo dựng chữ quốc ngữ của người Pháp, nhưng phải hiểu sự tạo dựng này không nhắm vào việc nâng cao dân trí mà với mục đích truyền đạo Thiên Chúa, cùng ý đồ thâm độc hơn là nâng cao chữ quốc ngữ để chữ nho bị mai một dần hầu giảm bớt việc chống đối của người Việt với chính quyền thực dân. Bởi sách chữ nho thường dạy con người biết trung, hiếu, tiết, nghĩa, trong đó chữ trung gợi lên lòng yêu nước và sự trung thành với vua chúa nhà Nguyễn. Vì lẽ đó vào năm 1900 người Pháp sửa chương trình thi cử, bên cạnh chữ Pháp, đã tăng chữ quốc ngữ, bỏ bớt chữ nho khiến nhà thơ Trần Tế Xương phải than trong bài “Than đạo học”:
“Ðạo học ngày nay đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khoá tư lương nhấp nhổm ngồi.
Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo,
Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ ?
Trình có ông tiên thứ chỉ tôi”.

1954-1975: Miền Bắc Việt Nam
Sau thời kỳ Pháp thuộc, dầu đất nước bị phân chia ra hai miền Bắc và Nam. Miền Bắc, từ vĩ tuyến 17 đến ải Nam Quan do Đảng Cộng sản cai trị. Miền Nam, từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau được cai trị bởi chính quyền dân cử. Nhưng dẫu ở thể chế nào, thì cả hai miền của đất nước Việt Nam đều được cai trị bởi người Việt Nam nên có thể xem Việt Nam vào thời kỳ này là một quốc gia đã được độc lập.
Tuy nhiên tại miền Bắc, thay vì phát triển và thúc đẩy việc giáo dục để nâng cao dân trí, giúp dân thêm giàu đất nước thêm mạnh, ngược lại, người cộng sản theo chân thực dân áp dụng chính sách đàn áp và ngu dân. Ngay những ngày đầu tiên nắm chính quyền, người cộng sản đã phát động hai phong trào: cách mạng văn hóa và cách mạng xã hội. Mới đầu nghe qua những chữ rất kêu như “cách mạng văn hóa” hay “cách mạng xã hội”, nhiều người lầm tưởng là người cộng sản thật lòng muốn thay đổi bộ mặt của xã hội, đâu ngờ nằm bên dưới những câu đó là những cái bẫy sập được sắp đặt lớp lang để trói chặt quyền tự do của dân chúng. Cái lớp lang đó là “phải hoàn thành cuộc cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”, nhưng “cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo”, và “cuộc cách mạng văn hóa có thể hoàn thành chỉ khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho các cuộc cách mạng triệt để mai sau [2] .
Bởi thế ta không ngạc nhiên khi thấy các thành phần xã hội từ nông dân cho đến trí thức đều trở thành nạn nhân của Đảng Cộng sản. Trong vụ án Cải cách Ruộng đất ước chừng 500000 địa chủ và nông dân đã bị hại, và đây là một trong những công cuộc cách mạng xã hội lớn nhất của Đảng Cộng sản. Ðến cách mạng văn hóa thì vụ Nhân văn-Giai phẩm là một điển hình với các nhà văn, nhà thơ như Trần Dần, Phan Khôi, Phùng Cung, Lê Ðạt, Ðào Duy Anh, Hoàng Cầm, Nguyễn Mạnh Tường... người thì bị cô lập, người bị nhốt tù và hầu hết bị cấm viết.
Sau hai trận đánh lớn như thế vào giới nông dân và trí thức, giới nông dân vốn không có nhiều tiếng nói nên im miệng đã đành; giới trí thức sau những đòn chí mạng, người nào nếu may mắn thoát khỏi tù ngục hay bị treo bút đều buộc phải im miệng, đóng cửa sổ của lương tâm và lắm khi phủ nhận những sáng tác cũ để tuân theo các giáo điều của chế độ. Thế là những sáng tác mới của họ vào thời kỳ này phải rập khuôn đường lối của Đảng Cộng sản.
Trong khi đó, người cộng sản luôn luôn dùng chiến tranh như công cụ để củng cố đảng trị. Tất cả nhân lực và tài lực đều được tập trung vào để hỗ trợ chiến tranh. Bởi thế dân đói khổ, trường học thiếu mở mang. Ðương nhiên với chính sách như thế, sự tuyên truyền trở nên cực kỳ cần thiết. Người viết được huy động để viết theo đơn đặt hàng. Ta có thể đọc thấy điều đó qua những tác giả lớn của miền Bắc trước và sau năm 1954 như trường hợp nhà thơ Xuân Diệu chẳng hạn qua một ít câu thơ của ông như sau:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt
Tưởng trăng tàn, hoa tạ, với hồn tiêu
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
Yêu là chết ở trong lòng một ít...”
(“Yêu” - Xuân Diệu trước 1954)
“...Bác Hồ nằm trong trái tim thế giới
Bác Hồ đi giữa trời đất bao la
Chúng cháu thương yêu Bác lắm, Bác à
Từ những cửa sổ của thế gian mở trên những trang báo lớn
Ðứng tựa thời gian, Bác nhìn chúng con tươi tắn
Tất cả Bác Hồ từ khi tuổi trẻ đến 79 mùa xuân...”
(“Xem triển lãm nhân dân thế giới thương tiếc bác Hồ” - Xuân Diệu sau 1954)
Như thế khi giới trí thức buộc phải phục tùng thì người dân không còn dịp mở mang trí tuệ qua sách vở, thay vào đó hằng ngày họ bị buộc phải nghe ra rả những lời tuyên truyền, bị buộc phải đi đúng đường lối mà Đảng đề ra. Ðầu óc của họ chỉ được quyền suy nghĩ một chiều. Chữ nghĩa không được trọng vọng bằng tính đảng. Cũng từ đó, sách vở là sách vở của Đảng và theo hệ thống tuyên truyền của Đảng, người đọc hết còn tìm thấy điều gì mới mẻ trong việc đọc, nên việc đọc chỉ còn thuần lý do chính trị và kinh tế hơn là lý do giải trí, tri thức và ý thức. Chính điều này tạo nên tầng lớp ngu dân kéo dài cho đến bây giờ. Ta hãy đọc một đoạn của tác giả Nguyên Ngọc trong bài “Mười vấn đề lớn của giáo dục” [3] tóm tắt lại buổi hội thảo do giáo sư Hoàng Tụy trong nước đề xướng và chủ trì với sự hưởng ứng của các ông Lê Văn Cường, Phan Ðình Diệu, Hồ Ngọc Ðại, Nguyễn Văn Ðạo, Phạm Duy Ðiển, Nguyễn Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Duy Hiển, Hà Huy Khoái, Phan Huy Lê, Bùi Trọng Liễu, Nguyên Ngọc, Hoàng Xuân Phú, Việt Phương, Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Trần Văn Thọ, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Dũng Tráng, Trương Nguyên Trân, Nguyễn Ðình Trí, Ngô Việt Trung, Hoàng Tu với những nhận xét như thế này:
“Cả ba phương diện chủ yếu của giáo dục: dân trí, nhân lực và nhân tài đều xuống cấp nghiêm trọng:
- Dân trí thấp, biểu hiện trong lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức... Ðạo đức bị xói mòn đến mức báo động, thói gian dối, thiếu trung thực phổ biến, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội.
- Nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Kiến thức yếu, khả năng thực hành kém, ít khả năng xoay xở, trí tưởng tượng không phát triển, thiếu năng lực sáng tạo, tức những đặc trưng của chất lượng lao động đều thấp, khiến sức cạnh tranh kém.
- Nhân tài không quá thiếu nhưng phát hiện và bồi dưỡng kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển. Chất xám bị lãng phí nghiêm trọng dưới nhiều hình thức.”
Những lời tóm tắt về tình trạng giáo dục trong xã hội như trên của chính quyền cộng sản miền Bắc có lẽ đã quá đủ để chúng ta tạm dừng để nhìn vào tình hình giáo dục và xã hội của miền Nam cũng cùng thời kỳ, đồng thời hiểu được tình trạng dân trí của người dân sống dưới hai chế độ vào thời kỳ này như thế nào.

1954-1975: Miền Nam Việt Nam
Trong khi đó, tại miền Nam thời Ðệ nhất Cộng Hòa, dưới chính thể của Tổng thống Ngô Ðình Diệm, sự học được nâng cao qua việc khuyến khích các thành phần dân chúng mù chữ tham gia vào những chương trình Bình dân Học vụ để giúp người dân có thể đọc và viết. Nhiều trường trung học và đại học được khai giảng. Các nhà văn, nhà thơ di cư từ miền Bắc vào miền Nam cộng vào những cây bút ở miền Nam thi đua nhau sáng tác. Nhiều cuốn sách được in. Nhiều tờ báo do tư
nhân chủ trương được cấp giấy phép ấn hành. Chế độ kiểm duyệt tuy có đấy, nhưng không đến nỗi quá nghẹt thở. Nhưng tiếc rằng chế độ đó không kéo dài được bao lâu. Sau vụ đảo chánh của các tướng lãnh với việc giết hai ông Diệm và Nhu và với sự bất ổn chính trị, các lớp Bình dân Học vụ không còn được nghe nhắc nhở đến; tuy nhiên nhờ bánh xe quay của chính quyền đi trước, việc học cũng không đến nỗi bị trì trệ, các trường đại học được tiếp tục giảng dạy, vài trường khác được mở ra, chế độ kiểm duyệt gần tương tự với chế độ trước nên cũng còn thở được. Qua một số thơ văn của các tác giả còn ở miền Bắc, từ các tác giả của Nhân văn- Giai phẩm như Trần Dần, Phan Khôi, Ðào Duy Anh... đến các tác giả đang phục vụ cho chế độ cộng sản miền Bắc như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... vẫn được nhắc nhở và văn thơ của họ vẫn được in lại tại miền Nam khiến ta có thể xác định được điều này. Ðây là thời kỳ sách báo được độc giả đón nhận, nhiều tác giả đã có thể sống được nhờ ngòi bút của mình như các nhà văn Mai Thảo, Nhã Ca v.v...
Phải nói rằng đây là thời đại hoàng kim của nền văn học Việt Nam đối với việc đọc sách. Tác giả Hồ Quốc Ðăng cũng đồng ý điều này trong cùng bài viết “Tản mạn của một trong số không nhiều người đọc còn lại” qua một đoạn như sau: “Sau này lớn lên, tiếp xúc với nhiều người khác nhau, tôi thấy hình như rất nhiều người ở miền Nam thế hệ trước tôi có một kiến thức tổng quát rất rộng, phát xuất từ sự yêu thích văn chương nghệ thuật. Ở trại tị nạn khoảng hai mươi năm trước đây, trong những nhà tranh vách nứa, bên cạnh bình trà, tôi đã nghe những anh thanh niên lớn tuổi hơn bàn luận về Camus, Sartre, Nietzsche, về Thượng Ðế, về Bùi Giáng, Phạm Công Thiện... một cách đầy mê hoặc. Mặc dù chỉ mười mấy tuổi, không hiểu biết gì về triết lý, về hiện sinh, về cuộc đời, tôi vẫn thấy cuốn hút bởi sự yêu thích văn chương chân thành của những người đang nói chuyện, cảm thấy thích thú vì những cuốn sách, những tác giả mà họ nhắc đến, tôi cũng đã bắt gặp đâu đó từ việc đọc ngấu nghiến bất kể trước đây của mình. Vì vậy, dù không hiểu lắm, tôi cảm thấy rất tâm đắc. Ở Mỹ, sau này tôi được quen biết nhiều người thế hệ này, rất thân. Cái thân thiết đôi khi bắt đầu từ những tương đắc về sách vở, văn thơ. Những người bạn tuổi đời chênh lệch này đã xong tú tài ở miền Nam trước 1975, học đại học, đi lính, cải tạo, rồi vượt biên, rồi học hành lại, cũng bằng cấp khoa bảng ở Mỹ. Họ sống một cuộc sống bình thản, không quan tâm, không tranh đấu. Những người bạn này ít khi nói về cuộc chiến ý thức hệ Nam-Bắc, ít nói về những trận đánh khốc liệt mà họ đã dự phần, dù tôi rất thích thú nghe. Nếu có, họ lại nói về một cuộc chiến với những mất mát vô nghĩa. Rồi trong vô thức, nghĩ về những ngày tháng cũ, họ có thể bất chợt nói: ‘Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’. Họ hỏi bâng quơ: ‘Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi’, ông biết không?”.
Tiếc rằng hai khoảng thời gian kéo dài 20 năm của nền văn học tại miền Nam đã bị bóp nghẹt sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 bởi chế độ cộng sản miền Bắc. Và vì không đủ chiều dài thời gian nên không đủ sức tạo nên cơn lốc xoáy vực dậy sự đọc sách của cả một dân tộc.

30 năm thống nhất đất nước 1975 -2005
Khi miền Nam bị nhuộm đỏ, Việt Nam được xem như thống nhất, chính quyền cộng sản thay vì dồn mọi nỗ lực để nền văn học Việt Nam được tiến về phía trước, ngược lại đã kéo giật lùi nền văn học miền Nam cho tương đương miền Bắc với chính sách ngu dân cố hữu. Sách ở miền Nam bị tịch thu, tiêu hủy. Ða phần sách đọc là loại tuyên truyền cho Đảng Cộng sản. Ðọc sách mất hẳn ý nghĩa học hỏi hay giải trí, nên tiếng Việt tuy dễ học, dễ đọc, nhiều người hết muốn đọc. Cạnh đó, chính sách cứu xét lý lịch khiến nhiều học sinh ưu tú bị buộc bỏ học ngang để ra đời kiếm sống càng làm cho việc đọc sách trở nên uể oải. Còn số người được may mắn tiếp tục đến trường thì sao? Trường học cũng không giúp nâng cao trí thức và ý thức khi trở thành chốn nhồi sọ những đầu óc non nớt theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ta hãy đọc một đoạn đăng trong bài viết “Nhà xuất bản Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh: 25 năm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục” [4] trích đăng từ báo Thanh Niên hiện diện trên trang web của Nhà xuất bản Giáo dục vào ngày 26 tháng Tư năm 2005 đã thừa nhận việc thay đổi chương trình giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa như sau: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở miền Bắc, Ðảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục tại miền Nam và giao cho Cục Xuất bản (Bộ Giáo dục) tổ chức biên soạn và in sách giáo khoa cho các vùng giải phóng, chuẩn bị sách giáo khoa cho các tỉnh phía Nam. Theo đó, Cục Xuất bản và NXB Giáo dục đã khẩn trương thực hiện việc xây dựng chương trình, tổ chức các trại sách và tập hợp tác giả để biên soạn bộ sách giáo khoa riêng cho các tỉnh phía Nam. Chính vì vậy, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Cục Xuất bản và NXB Giáo dục đã có ngay một lượng rất lớn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục cách mạng kịp thời chuyển vào miền Nam phục vụ cho năm học 1975-1976.” Ông Lê Khắc Hân là một trong những người được chọn thực hiện lượng sách giáo khoa này, vì muốn khoe khoang thành tích, đã vô tình thú nhận sự tắc trách trong chương trình giáo dục dành cho miền Nam sau ngày chiếm lĩnh được miền Nam, trên tờ Thanh Niên Online trong bài viết “Bộ sách giáo khoa giải phóng ra đời như thế nào” ông Hân cho biết: “Mặc dù tốt nghiệp đại học hệ 4 năm, mới dạy toán cấp 3 được ít năm, vậy mà tôi đã được chọn đi làm cái việc ‘tày trời’ là soạn chương trình và SGK (sách giáo khoa) để dạy học ở những vùng đất hoàn toàn khác lạ.” Ông nói tiếp: “Ðã 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giờ đây chúng ta đều thấy rõ những khiếm khuyết của Bộ SGK giải phóng, song chẳng ai có thể phủ nhận được thành quả lớn lao của nó: Chỉ trong hơn 2 năm, chúng ta đã làm được một bộ chương trình và SGK hệ 12 năm đầu tiên với hàng triệu bản in trên giấy trắng, bìa cứng và kỹ thuật in tiên tiến. Bộ sách ấy đã phục vụ tốt và kịp thời cho vùng giải phóng ở miền Nam từ năm 1973 và cho toàn miền Nam giải phóng năm học đầu tiên (1975-1976), cho mãi đến ngày có sách cải cách giáo dục dùng chung cho cả nước”.

Ðể biết bộ sách “cải cách giáo dục dùng chung cho cả nước” mà ông Hân đề cập tốt đẹp hơn bộ sách giáo khoa đầu tiên cho miền Nam do nhóm ông Hân thực hiện như thế nào, thì những lời “gay gắt” chỉ trích sự “lạc điệu” với thế giới “từ hệ thống chương trình, cách gọi tên các bậc học cho đến phương thức giảng dạy” [5] của đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng trong buổi thảo luận giữa các đại biểu quốc hội của chánh phủ Hà Nội chuyên trách về luật giáo dục đã có thể phơi bày rõ ràng: bộ sách giáo dục dùng chung cho cả nước cũng chẳng khá hơn bộ sách cũ, ngoại trừ có thể chi tiết hơn, tinh vi hơn trong việc đầu độc những bộ óc thơ ngây vô tội của lớp người trẻ cả nước.
Sự nhồi nhét vào đầu các học sinh không chỉ có thế. Lên đến bậc đại học các sinh viên còn tiếp tục bị nhồi nhét những bài học vô bổ, chẳng những không làm lợi cho vấn đề tri thức và ý thức, còn khiến tri thức và ý thức của các sinh viên bị xói mòn, tụt hậu một cách tồi tệ. Các sinh viên thay vì để hết tâm huyết cho những môn học quan trọng nhằm mở mang trí tuệ thì phải vùi đầu vào học các môn học về “chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước” vốn là những lý thuyết đã hoàn toàn lỗi thời. Hành động bó buộc này có thể bắt nguồn từ nỗi lo sợ những người trẻ - là rường cột của nước nhà, nhìn thấy những tư tưởng mới mẻ của thế giới tự do bên ngoài, nên cần nhuộm đen khối óc của giới trẻ này, để họ không còn nhìn thấy những gì khác hơn những điều mà Đảng Cộng sản đã vạch ra. Ta hãy đọc mấy lời sau đây để thấy sự o ép lớp trẻ trí thức như thế nào: “Hiện nay, các môn học: Chính trị Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam là những môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của bậc đại học và cao đẳng. Thời lượng của các môn học này đã hợp lý, song điều quan trọng là phương pháp giảng dạy các môn học đó sao cho có hiệu quả. Theo chúng tôi, cần giảng ngắn gọn, súc tích về lý luận, tăng cường thời lượng thảo luận, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trao đổi để nhận thức tri thức khoa học cả về lý luận và thực tiễn.” [6]
Ngoài hệ thống giáo dục như thế, việc dùng chiếc bao tử để kiểm soát tư tưởng của chính phủ miền Bắc đối với dân chúng ở trong Nam khoảng thời gian từ 1975 đến 1985, khiến cho dân miền Nam đêm ngày chỉ biết lo đến sự đói no của chiếc bao tử, không còn thì giờ nghĩ đến những cuốn sách lại càng làm cho nhu cầu đọc sách thêm giảm thiểu. Chưa hết, khi đã tập quen dần với nề nếp của chính phủ mới, thì họ đã trở nên già nua, nếu có thể tự túc về tài chánh thì cũng phải giúp đỡ những đứa con, đứa cháu học xong ra trường không có công ăn việc làm, hay cần giữ cháu cho con đi làm, mà tuổi tác với những lo lắng, bận rộn như thế cộng với thời gian dài thiếu đọc sách nên họ như quen dần với việc không đọc - nhu cầu sách vở của họ đã trở thành thứ yếu.
Còn con cháu họ, các đứa trẻ của thời kỳ sau chiến tranh lớn lên đã được Bác và Ðảng nhồi sọ kỹ lưỡng, không quen với sự suy nghĩ độc lập vì đã quen tinh thần không dám nghĩ gì khác hơn điều đã được mớm cho nghĩ, lớp này không thể thay thế lớp người đọc ở miền Nam trước đó. Sách vở đến thời kỳ ế ẩm đến độ mọi người phải kêu rêu cũng đâu có gì lạ.
Dầu sao, nếu so sánh giữa miền Nam và miền Bắc, nhu cầu đọc của người miền Nam tương đối còn khá hơn ở miền Bắc nếu đếm con số những sạp báo đây đó trên những con đường. Ở miền Nam, tại thành phố Sài Gòn, việc tìm sạp báo tương đối dễ dàng, cứ đi vài chặng đường là ta có thể tìm được một sạp báo bán lẻ, khiến ta có ý nghĩ có lẽ những sạp báo sống được nhờ vào lớp người đọc cũ của miền Nam vẫn còn rơi rớt lại; trong khi đó tại miền Bắc, thành phố Hà Nội vốn là thủ đô của Việt Nam, cần tờ báo, hỏi những người bán hàng hay người ở chung quanh, hầu như hiếm người biết có sạp báo gần đó, nên lắm khi muốn đọc thì phải đi đến những khu phố chính hay đi bộ qua rất nhiều con đường may ra mới kiếm được một sạp báo. Dầu sao, báo chí còn được người dân chiếu cố một cách tương đối, nhưng cái khá đó chỉ dừng lại ở những tờ báo, còn sách vở thì vẫn làm cho nhiều người khó thoát khỏi nỗi bi quan.
Ðọc đến đây có người sẽ không đồng ý, cho rằng dầu dưới chế độ nào khi nhu cầu tri thức của con người còn thì nhu cầu đọc sách vẫn còn đó. Nhưng nói lên điều này đồng lúc ta phải hiểu là sự giới hạn kiến văn trong sách vở qua việc các tác giả phải tự kiểm duyệt, vừa viết vừa lách cũng làm cho độc giả mất hết hưng phấn tìm sách để đọc. Chưa kể khi đọc xong tác phẩm, nếu muốn chia sẻ với người khác, cũng khó tìm được người để chia sẻ, hay phải lựa lời rồi nhìn trước nhìn sau vì sợ, thôi thà không đọc còn hơn.
Vậy khi xã hội trong nước tiếp xúc với nền kinh tế thị trường, tình hình sách vở có thêm được niềm hy vọng nào không? Làm con người ta luôn luôn hy vọng, nhất là niềm hy vọng dành cho một đất nước có ta là một phần tử trong đó, cho nên khi thấy đất nước hướng về nền kinh tế thị trường, ta cũng muốn nhìn thấy sự đổi thay theo chiều hướng lành mạnh và tốt đẹp. Tuy nhiên, sự đổi mới này đã làm ta có phần thất vọng. Bởi đây là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chân bước tới mà đầu quay lui ngó chừng vì sợ, như thế liệu mắt có còn trông rõ điều gì mới lạ và tốt đẹp để mà thay đổi. Chưa kể thị trường sách vở tùy thuộc vào nền giáo dục lâu dài, trồng người phải mất trăm năm. Ngay bây giờ phải có ngay những thay đổi đáng kể để những bộ óc hết rụt rè khi cần đưa ra những suy nghĩ độc lập, nếu không thì trăm năm này cũng qua nhanh như những trăm năm trước. Khổ nỗi, dường như cái nền kinh tế thị trường hiện nay trong nước chưa có dấu hiệu gì cho thấy sự thay đổi này. Nhìn quanh thì từ sách vở cho đến giải trí đều tiếp tục theo đường mòn cũ, vừa ru ngủ vừa vô bổ. Cứ nhìn vào sự giải trí của dân chúng thì đủ rõ. Những phim bộ Hồng Kông, Ðại Hàn đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Nếu không là phim đấm đá thì cũng là phim khóc kể sướt mướt kéo dài từ tập này đến tập kia - chẳng những chánh phủ không ngăn chận bớt mà còn giúp đỡ qua việc chiếu các phim bộ của Ðại Hàn trên nhiều chương trình truyền hình Việt Nam. Người chiếu phim cứ chiếu, người xem phim cứ xem, cho thấy rõ tình trạng thiếu ý thức của đa số dân chúng và ngay cả chính phủ đã lên đến cao độ, và đó mới là điều đáng sợ. Ðương nhiên sự mê say phim bộ tạo nên tâm lý là những gì đến từ Ðại Hàn, Hồng Kông đều tốt, bởi thế ta không ngạc nhiên khi thấy lớp trẻ ở Việt Nam đuổi bắt theo các tài tử phim bộ, từ tóc tai, quần áo, đến cách đi đứng. Cái tâm lý phỏng theo các tài tử Hồng Kông, Ðại Hàn có thể lý giải dễ dàng là khi những bộ phim đó được tiếp xúc với những bộ óc vốn đã bị mệt mỏi vì bị nhồi nhét những giáo điều vô bổ, thì những giải trí dễ dãi như vậy dễ ru ngủ đầu óc của người thưởng ngoạn. Bởi thế chả trách nền văn hóa phim bộ nhất là phim bộ Ðại Hàn hiện nay đang mọc cánh bay xa, bỏ rơi sách vở Việt Nam là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Ðó là nói đến tình trạng đọc. Còn tình trạng viết có góp phần vào tình hình ít đọc của người Việt không? Khi cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị, thì viết lách trở thành công cụ cho chế độ, từ đó nảy sinh chế độ bao cấp. Người viết không có được một môi trường tự do để viết, tài năng sẽ khó phát triển làm cho việc sáng tác tụt hậu. Ðiển hình là Hội Nhà văn hiện nay, với số hội viên tuy đông nhưng vắng bóng những sáng tạo thật sự có giá trị. Hãy đọc vài câu hỏi và trả lời của Khánh Bình và nhà thơ Bùi Chí Vinh về lý do tại sao nhà thơ này không vào Hội Nhà văn Việt Nam được đăng trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22 tháng Tư năm 2005 với đoạn được ghi lại bên dưới, từ đó ta có thể thấy rằng Hội Nhà văn không thật sự đóng góp vào việc nâng cao lãnh vực sáng tác, ngược lại còn làm cho lãnh vực này thêm trì trệ bởi nạn bè phái.
Khánh Bình: Thế anh không nghĩ rằng sự có mặt của mình (Hội Nhà Văn) - một gương mặt thơ khỏe khoắn - sẽ làm giảm bớt sự trì trệ - như anh nói?
Bùi Chí Vinh: “Con cá quẫy đuôi trong hồ nước mới là con cá tự do, còn một khi đã chui vào rọ rồi thì càng vùng vẫy càng mắc kẹt. Ðiều đáng nói là, nếu Hội phát hiện những tài năng thơ văn thì hãy gởi đến một lời mời trân trọng, đằng này, lại phải viết đơn xin được vào Hội, còn phải nương nhờ hai vị nhà thơ, nhà văn lão làng giới thiệu. Sự tự trọng của một kẻ sĩ không cho phép tôi đi làm cái công việc kỳ dị ấy! Trước hai nấm mồ nhà vua và kẻ sĩ, theo truyền thống tôn trọng chữ nghĩa, người ta luôn luôn chào nấm mồ kẻ sĩ trước khi chào vua. Làm ngược lại là phỉ báng chính nghề nghiệp của mình.”
Khánh Bình: Cụm từ “xã hội hóa” đang được sử dụng nhiều trong mọi lĩnh vực của xã hội, và cũng không loại trừ giới văn sĩ. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Bùi Chí Vinh: Tôi ủng hộ sự bớt gây lãng phí tiền của dân của nước. Nếu nhà nước tài trợ mà mang lại hiệu quả tốt, như kích thích nền văn học nước nhà, nâng cao đời sống tinh thần của người dân... thì đó là điều nên làm. Ví dụ, thay vì trút tiền tỉ vào những ngân sách không rõ ràng thì nên thành lập giải thưởng lớn. Ở đó, hội đồng giám khảo phải thật sự công bằng, công tâm, được trưng cầu rộng rãi, trung thực trong toàn xã hội và đặc biệt, không giữ dàn giám khảo cố định. Bởi dàn giám khảo cố định thường là nguyên nhân tạo ra tệ nạn kẻ cả, ban ơn, bề trên... Từ đó sinh ra cường quyền, bất công, và thậm chí tham nhũng. Làm sao để tôn vinh một giải thưởng và vinh thăng người được giải thưởng - đó là điều mà hầu hết các giải thưởng hiện nay chúng ta chưa làm được.

Tại hải ngoại
Ða số người đọc ở hải ngoại là lớp người đi từ miền Nam. Ra đi, gia tài họ mang theo ngoài nền văn hóa của miền Nam còn cộng thêm nỗi đau thương như mất tài sản, mất người thân trong trận chiến, mất bạn bè, để người thân ở lại và còn thêm cảm giác mất cả quê hương... Những năm đầu họ loay hoay với những nỗi mất mát đó bên cạnh việc phải lao đầu vào cuộc sống mới nơi xứ người. Với khó khăn về ngôn ngữ, với việc tìm kiếm một công việc, một nghề để nuôi sống gia đình, những năm đầu này nhu cầu đọc sách tuy có nhưng không cao. Tuy nhiên thời gian này không kéo dài lâu, vì với nỗi khắc khoải xa quê, cộng thêm bao nỗi nhọc nhằn mất mát khác khiến họ chẳng những cần nhu cầu đọc mà còn cần nhu cầu viết. Ðiều này tạo nên những cây viết mới bên cạnh những cây viết cũ may mắn chạy thoát ra hải ngoại. Duy đây là thời gian không dễ gì tìm được sách để đọc - tiệm sách không có, báo chí hiếm hoi...
Vài năm trôi qua, cuộc sống của người Việt tại hải ngoại đã tương đối ổn định, người học nghề đã có nghề, người học chữ đã có bằng, tiếng Mỹ, tiếng Pháp nói và đọc cũng được, nhưng sách báo tiếng Pháp, tiếng Mỹ đọc vẫn không “phê” bằng sách báo tiếng Việt, nên tạo ra nhu cầu đọc tiếng Việt. Nhiều tờ báo tiếng Việt từ quảng cáo cho đến văn học đã được tung vào thị trường chữ nghĩa của người tị nạn và được đón nhận. Một số người viết đã có thể sống nhờ nghề viết hay những nghề liên quan đến ngòi bút. Dần dần số người viết mới gia tăng nhiều lên nhờ vào chất liệu của những mất mát, đau khổ và niềm hy vọng trên mảnh đất tạm dung. Lúc này lượng sách xuất bản cũng gia tăng nhưng không quá ồ ạt và tương đối có chất lượng nhờ số sách của miền Nam được in lại và số người viết tương đối chọn lọc. Ðiều đó cũng tạo nên nhu cầu mở tiệm sách nơi có nhiều người Việt cư ngụ. Ðây cũng là thời kỳ lượng người vượt biên gia tăng, rồi đến lớp người được thả ra từ trại cải tạo cũng lên đường vượt biên. Sau đó bắt đầu đợt tị nạn qua chương trình ODP. Tất cả góp thêm chất liệu mới để viết. Phải nói rằng chưa có thời kỳ nào thị trường sách vở ở hải ngoại lại nhộn nhịp như thế, nhưng còn tương đối duy trì được sự quân bằng.
Ðến thời điểm quá hai chục năm, đa số người Việt định cư tại nước ngoài đã yên ổn với công ăn việc làm, nhiều người ăn nên làm ra trở nên giàu có, nhiều cơ sở kinh doanh ra đời để đáp ứng với nhu cầu đòi hỏi của những người Việt trên đất tạm dung, nhiều người viết đã tạo dựng được tên tuổi. Nhưng cũng từ đó phát sinh ra tệ nạn tranh hơn tranh thua. Không thể hơn thua nhau qua tài nghệ vì cần phải có thời gian để chứng minh, người ta tranh hơn tranh thua qua vật chất, bè phái và danh vị hão. Công việc viết lách nhiều khi không còn là công trình của trí tuệ. Có lắm người mang danh người viết nhờ giỏi lấy quảng cáo. Có lắm người viết có tiếng tăm nhờ dám viết những điều người khác không dám viết. Có lắm người viết tạo hư danh nhờ nhậu nhẹt hay biết điếu đóm những người viết đã thành danh. Nạn viết lời tựa một cách vô tội vạ cũng không giúp gì cho việc chọn lựa sách để đọc. Nạn chiếu trên chiếu dưới cũng làm cho người viết có lòng cảm thấy nhụt chí... Dĩ nhiên những tệ nạn đó ở đâu cũng có và trong xã hội nào cũng có, nhưng giữa một cộng đồng không lớn như cộng đồng người Việt, những tệ nạn như vậy hiện rõ lên khung hình của những người tị nạn cộng sản.
Người ta bắt đầu than phiền nạn in sách bừa bãi, nạn ra mắt sách vô tội vạ, nạn chữ nghĩa bị lắp ráp như bộ máy của một chiếc xe, nạn cò kè báo này báo chợ báo kia báo văn học, nạn bè phái trong chữ nghĩa... Kẻ sĩ thật sự bị đặt ngang hàng với hạng... vô liêm sỉ... Người đọc bị rối, mất hết niềm tin nơi người viết. Bớt đi người đọc cũng là điều hết sức tự nhiên.
Nhìn qua lớp người khác đứng ngoài giới viết lách ở hải ngoại, thì sự thành công vật chất giữa cuộc đời tị nạn nơi xứ tạm dung đáng lý là một ưu điểm, ngược lại vun đắp thêm vào tinh thần thực tiễn đã ăn sâu từ trong gốc rễ của người Việt kiểu “ăn cỗ đi trước lội nước đi sau”. Với họ, khoảng thời gian hai chục năm trí óc được tẩy rửa do việc đọc và sự học hỏi tại miền Nam (1954-1975) không đủ sức trì kéo lại nỗi ám ảnh bởi kinh tế mới, bởi cái đói, việc mất tài sản... giữa khoảng thời gian bị kẹt lại dưới chế độ cộng sản sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Do đó, nhiều người sau khi được rời khỏi nước và có cơ hội kiếm sống đã chúi đầu vào công việc kiếm tiền trong nhiều năm trời, với ý tưởng tạo dựng được sự an toàn vật chất cho bản thân và gia đình, vừa gửi về trong nước cho người thân còn ở lại, khi đã dư dả thì mua nhà lớn, xe đẹp; nhưng cũng vì thế, cũng tạo cho họ có thói quen nhìn sự việc qua đồng tiền. Ðến lúc này, vật chất gần như trùm lấp cuộc đời họ nên khỏa lấp luôn ý thức về giá trị tinh thần - đồng tiền đối với họ trở thành ông thầy thay vì đầy tớ tốt.
Từ đó có nhiều người đã đánh giá con người qua bằng cấp nào có thể hái ra tiền, qua sự thành công tài chánh, qua những chức vụ trong quá khứ cộng với tiền bạc trải ra trong hiện tại... Những đánh giá đó làm cho những người Việt tị nạn thay vì chạy đua với trí tuệ, họ chạy đua với tiền tài và danh vọng hão vốn là những thứ hoàn toàn đối nghịch với tri thức và ý thức. Con cái phải theo học những ngành kiếm ra nhiều tiền như bác sĩ, luật sư, dược sĩ... còn ý thức về lương tâm và đạo đức không được đặt nặng. Chính vì thế nhiều vụ tai tiếng đã xảy ra trong cộng đồng người Việt với những vụ bắt bớ hàng loạt việc gian lận thẻ tín dụng, đường dây buôn bán ma túy, vụ các bác sĩ, tiệm thuốc tây ăn gian Medicare, bảo hiểm...

Tiền tài thành công còn tạo nên giai cấp “trọc phú” mới, xem nhà cửa, xe cộ, hột xoàn... là thước đo sự thành công... Người ta tranh nhau, nhà người này lớn thì người khác phải mua lớn hơn, rồi vật trang bị nội thất đẹp, rồi áo quần giày ví hiệu nọ hiệu kia... cũng trở thành những đồ vật được mang ra để ganh đua. Bạn bè gặp nhau thay vì hỏi thăm nhau, khoe nhau cuốn sách hay vừa được đọc... vào nhà chưa kịp ngồi uống miếng nước, chủ nhà đã vội dắt đi vòng quanh khoe nhà khoe cửa, khoe bàn khoe ghế... Ðến dự một buổi tiệc bà này nhìn bà kia đánh giá chiếc áo St. Jones của bà nọ mắc rẻ thế nào, mua sale hay mua giá chính thức, ví Channel, Fendy... của bà này thật, bà kia giả, giá bao nhiêu. Nhu cầu tri thức của họ trở thành thứ yếu vì đâu ai có thể mang kho tàng tri thức để tạo sự chú ý hay nể trọng. Rồi thêm tệ nạn “áo gấm về làng” vừa làm cho người ngoài nước phải đầu tắt mặt tối kiếm tiền, làm người trong nước thấy sự huy hoàng của người có tiền, con gái chạy theo Việt kiều, Ðài Loan... Với tất cả những yếu tố đó góp lại, chả trách từ đó người ta quay lại thời kỳ bái vật.
Ðã thế, lớp trẻ lớn lên với tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Ðức là ngôn ngữ lớp trẻ có thể hiểu và đọc. Sách tiếng Việt trở thành loại sách xa lạ. Rồi những nhu cầu giải trí xuất sắc khác như phim ảnh, TV cũng góp phần không nhỏ vào nạn ít đọc. Những trang sách điện tử Việt Nam vì một nhu cầu nào đó muốn có nhiều người vào thăm, đã không ngần ngại đăng tải miễn phí thơ văn của nhiều tác giả. Tất cả đã đưa đến tình trạng thê thảm của các chợ sách trong và ngoài nước.
Viết đến đây có một điều cần nói thêm là khi con người trở nên quá thực tiễn, không có nghĩa là người ta hoàn toàn hết mua sách, nhưng vì nhu cầu thực tế cần thành công trong giao tiếp, trong công việc vốn là yếu tố mang lại sự thành công tiền bạc, người Việt vẫn tiếp tục mua sách nhưng là những sách kỹ thuật, sách dạy giao tiếp, đối xử... vốn là những cuốn sách mang đến những cái lợi có thể nhìn được, nắm bắt được... còn sách văn học dường như đã trở thành loại sách... vô bổ.
Nhìn chung, chưa bao giờ tình trạng sách vở nhất là sách vở văn học trong nước và hải ngoại lại đi đến chỗ gần như phá sản như thế này. Giới chịu thiệt hại nhiều nhất là ai? Ðầu tiên là người viết. Thiệt hại từ tinh thần đến vật chất. Thiếu người đọc, người viết thiếu đối tượng để trao gửi tác phẩm của mình. Ðiều này lại tạo thêm những tình trạng tồi tệ khác. Nếu lạc quan thì tiếp tục viết nhưng tìm cách thay đổi tình thế bằng những sáng kiến và sáng tạo với hy vọng thu hút người đọc. Có điều trong việc tìm kiếm đường lối sáng tác, lắm khi, người viết vì thiếu ý thức nên chỉ nhìn vào thực trạng của xã hội, mặc cho thực trạng đó xấu hay tốt, nếu tốt thì đó là một may mắn, chẳng may xấu như thực trạng xã hội vị vật chất, nhẹ tinh thần như tình trạng xã hội hiện nay ở trong nước và hải ngoại thì những sáng tác đó cũng theo đà của xã hội mà đi xuống. Trong nước thì nạn bán thân sang Ðài Loan của nhiều phụ nữ Việt, nạn trẻ em bị ép vào vòng mại dâm ở Căm Bốt, nạn mồi chài khách ngoại quốc và khách Việt kiều của các cô gái Việt... còn ngoài nước thì với đồng tiền có sẵn người ta cũng hăng hái nghĩ đến sự hưởng thụ, nhiều ông Việt kiều đã về nước dùng đồng tiền để hưởng thụ trên thân xác của các cô gái trẻ... Xã hội băng hoại đã ảnh hưởng lây sang các ngòi viết cả trong nước và ngoài nước, điều đó đã được chứng minh trong lãnh vực sáng tác của người Việt hiện tại với cái gọi là Hậu Hiện Ðại Tính Dục. Phong trào này khá rầm rộ với bên bênh bên chống, nhưng cũng chỉ là người bênh người chống nằm trong giới viết lách, còn người đọc thì vẫn im ỉm và sách vở tiếp tục đóng bụi trên những kệ của nhà sách. Còn giới bi quan không ý thức thì thay vì vùi đầu tìm ra đường hướng sáng tác vị nhân sinh, vị nghệ thuật, ngược lại người viết đọc lẫn nhau rồi kèn cựa lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau, hay chỉ lên tiếng than van mà không đưa ra được bất cứ giải pháp nào. Cả hai nhóm người lạc quan và bi quan thiếu ý thức như vậy, chẳng những không kéo nổi tình trạng sách vở bị ế ẩm, ngược lại chỉ làm cho tình trạng sách vở thêm èo uột, chưa kể đã không giúp gì cho một xã hội băng hoại và nhiều vấn nạn, ngược lại làm cho những người viết có lòng còn lại cảm thấy hoang mang trong những ray rứt tìm kiếm phương cách vực dậy xã hội qua ngòi viết của mình.
Sự thiệt hại dành cho người viết rõ ràng là to lớn và người viết phải gánh chịu đã đành, nhưng so sánh với sự thiệt hại của cả một dân tộc, thì sự thiệt hại đó chẳng thấm vào đâu nếu tất cả chúng ta cùng ý thức rằng, tình trạng thiếu đọc chính là tình trạng ngu dốt sẽ kéo nguyên một dân tộc đi xuống, mất dần phương hướng và lôi tuột một quốc gia vào tình trạng vô đạo đức. Còn đường diệt vong của một quốc gia thường bắt nguồn từ đó.
Vậy cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình trạng chợ sách về chiều, thiếu sự phát triển tri thức và ý thức của người Việt, không gì bằng thái độ tích cực tìm ra những giải pháp khả dĩ có thể cứu vãn. Trông chờ ở những người lãnh đạo trong nước chăng? Chính họ đang thuộc thành phần bái vật với hành động ăn cắp công quỹ, với nạn bè phái, tham nhũng, hưởng thụ... thì còn mong gì ở họ! Tốt nhất là người viết nên trông chờ vào chính người viết. Dĩ nhiên một con én không thể làm nổi một mùa xuân, nhưng nếu tất cả những người viết có lòng cùng bắt tay vào việc thúc đẩy việc học và việc đọc vốn là một trong những yếu tố chính giúp nâng cao trí tuệ của những người Việt, để tạo được một dân tộc Việt hùng mạnh với ý thức giá trị tinh thần cao, thì những người viết đó cũng có thể ví được như một bầy én. Tuy nhiên việc tạo nên một bầy én không phải là một công việc dễ dàng đối với một dân tộc có những ngòi bút đã bị in đậm bằng những vết chàm, đã quen xem nhẹ giá trị tinh thần và đạo đức, chính vì thế nó trở thành mục tiêu rất lớn, nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện.
Nếu người viết nào biết tự vấn lương tâm để duy trì thái độ khách quan, biết cầu tiến bằng sự học hỏi, biết nhường nhịn hầu gạt bỏ được tinh thần tự tôn bệnh hoạn, người viết nào làm được chuyện đó, có thể liên kết với nhau để dấy lên những phong trào. Ví dụ dựa vào khuyết điểm của người Việt là thích được người khác để ý đến mình để tạo nên phong trào đọc sách bằng những buổi đọc văn, ngâm thơ kèm hát... (phong trào hát xướng này đang lớn mạnh tại hải ngoại vì chừng như nhà nào cũng có ít nhất là một ca sĩ). Phong trào tập đọc hay mở những lớp học chữ Việt dành cho người lớn ở trong nước. Phong trào mỗi nhà một tủ sách ở nơi nhiều người có thể nhìn thấy, mà tủ sách đầu tiên người viết nên thực hiện chính là trong nhà người viết. Viết ca tụng sự đọc sách. Viết những bài vạch trần sự thiếu vắng tri thức hay ý thức của người Việt thay vì viết những điều nhảm nhí chẳng những không thể lôi kéo người đọc, ngược lại còn làm người đọc xa lánh sách vở hay khuyên con cái xa lánh sách vở như trường hợp những bài thơ văn “tính dục hậu hiện đại”. Viết như vậy tuy chạm vào tự ái của cả dân tộc nhưng sẽ là liều thuốc đắng may ra đả tật. Tất cả người viết trong nước và ngoài nước hãy thử đề nghị những phương cách, mỗi người một cách, từ đó đúc kết để tìm thêm những phương pháp nào thật sự hữu hiệu.
Người viết bài này chỉ là một cá nhân tự nghĩ chưa đủ những suy nghĩ sâu sắc hầu tìm ra những phương pháp khả thi hơn để thúc giục sự đọc sách. Mục đích của bài viết này lại càng không phải là một bài nghiên cứu mà chỉ là một bài viết gần như nghĩ sao viết vậy, nên không hy vọng nhiều trong việc khuấy động được một phong trào. Dầu sao với thiện ý và với nỗi lo cho sự thiếu vắng người đọc, phần mình, người viết bài này chỉ muốn gióng lên những tiếng leng keng dầu không lớn đủ nhưng biết đâu chừng sẽ cùng với nhiều tiếng leng keng khác trở thành những tiếng chuông dõng dạc vang lên giữa sự lặng lẽ trong một buổi sáng sớm mờ sương. Niềm hy vọng đó tuy rất bé nhưng vẫn là việc đốt lên một que diêm soi sáng một khoảnh nhỏ giữa vùng đêm đen tăm tối rộng lớn của môi trường sách vở hiện nay vậy.
Chú thích:
[1] http://hanoi.vnn.vn/
[2] Theo bản in trong Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, trang 7, 316 -321
[3] www.fetp.edu.vn/Events/.
[4] “Nhà xuất bản Giáo Dục tại TP Hồ Chí Minh: 25 năm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục”
[5] “Giáo dục Việt Nam đang lạc điệu với thế giới” đăng trên VnExpress ngày 23/2/02005
[6] Theo PGS. TS Lê Bá Dũng, Tạp chí Nghệ Thuật Quân Sự Việt Nam, tháng 1,2/2005.
1/8/2005
Ngọc Anh
Nguồn: Tạp chí Văn Học, số 226, 
tháng 7-8, 2005, tr. 3-20
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...