Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Sự nhập nhèm trong cuốn sách TrạngXXX

Sự nhập nhèm
trong cuốn sách Trạng

Nghe đồn cuốn sách Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh, truyện Trạng Quỳnh [1] là “công trình nghiên cứu công phu có giá trị” nên tôi tìm đọc. Nhưng đọc rồi thì thấy bị lừa, vì nhiều chỗ lập lờ đánh lận con đen.
“Cái đinh” của cuốn sách là bài viết của Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Sử học. Còn “cái đinh” của bài viết này là câu: “Cống Quỳnh hoàn toàn có đủ tư cách để trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh dân gian.” Vị giáo sư già đã đưa ra một nguyên lý khoa học nghiêm túc, khách quan. Nguyên lý ấy xác nhận rằng, nhiều lắm thì Cống Quỳnh cũng chỉ có tư cách trở thành khởi hình lịch sử của Trạng Quỳnh. Nói nôm na thì cùng lắm, Cống Quỳnh chỉ là một gợi ý lịch sử để dân gian sáng tạo ra Trạng Quỳnh. Kết luận như vậy có thể chấp nhận được. Nhưng đáng tiếc là không hiểu vì sao giáo sư lại đặt tên bài viết một cách mập mờ: “Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn ở Thanh Hóa”(!) Tại sao lại “Trạng Quỳnh qua gia phả họ Nguyễn”? Cách đặt vấn đề như vậy phải chăng hàm ý nói có mối liên hệ huyết thống giữa Trạng Quỳnh và họ Nguyễn Thanh Hóa? Sự mâu thuẫn thiếu rành mạch của vị giáo sư đầu ngành tất sẽ dẫn đến chuyện hiểu lầm, và cố nhiên người ta sẽ lợi dụng điều này với mục đích không trong sáng.
Ý kiến của ông Vũ Ngọc Khánh: “Trạng Quỳnh, Cống Quỳnh, hay Nguyễn Quỳnh chỉ là một người” (tr. 133) là kết luận vũ đoán, vi phạm nguyên tắc sơ đẳng nhất của mỹ học, là không bao giờ được đồng nhất nhân vật hư cấu với nguyên mẫu – nếu như coi Cống Quỳnh là nguyên mẫu của Trạng Quỳnh. Nhưng thực tế, chưa hề có nghiên cứu nào cho thấy Trạng Quỳnh có nguyên mẫu là Cống Quỳnh! Như vậy kết luận của Vũ Ngọc Khánh không hề nghiêm túc, chỉ nói lấy được, hoàn toàn không có giá trị khoa học!
Nhưng sự nhập nhèm trắng trợn hơn thuộc về ông Nguyễn Ðức Hiền, người viết cuốn sách.
Ðọc gia phả Nguyễn Quỳnh, thấy ông đậu hương cống, làm giáo thụ, tri phủ, rồi về hưu. Ông sống một cuộc sống thường, về hành trạng không hề có chút gì liên quan đến Trạng Quỳnh. Không hiểu sao ông Hiền mặc nhiên coi Trạng Quỳnh là Nguyễn Quỳnh? Tôi ghê người vì lối biểu lộ tình cảm mùi mẫn kiểu phường tuồng: “Ôi, Tổ Trạng Quỳnh, vị tổ đại của con, của dòng họ Nguyễn! Rồi quỳ mọp xuống lạy!” Nhận họ hàng tiên tổ vốn là việc thiêng liêng đáng trân trọng. Nhưng ở đời không ít chuyện khôi hài, khi mồ cha không khóc lại khóc đống mối! Tổ tám đời của mình hai trăm năm đã mồ yên mả đẹp, có bài vị trong đền thờ. Nay bỗng dưng đưa một nhân vật hư cấu không có thực của dân gian về thờ cúng khấn lạy, quả là chuyện nhận vơ khôi hài! Không những thế, xét đến cùng thì đó là hành động bất kính vô đạo: đưa một kẻ cha căng chú kiết về chiếm chỗ của cụ tổ trên bàn thờ! Dường như cũng biết chuyện nhận vơ của mình là dơ dáng nên ông Hiền phải “chơi quả tù mù”: Trong phần ảnh minh họa, ảnh số 12 ghi “Nhà thờ Nguyễn Quỳnh” thì ngay cạnh đó, ảnh 13 là “Rước đèn tại nhà thờ Trạng Quỳnh”(!), rồi ảnh 14: “Ban trực tế Lễ hội Trạng Quỳnh”(!) Tôi xin được hỏi ông Hiền: ở đây có 1 hay 2 ngôi đền? Có cái gọi là lễ hội Trạng Quỳnh thật sao? Ðược mở từ bao giờ? Sao lại lập lờ vậy? Ngay ở mục lục cuốn sách cũng có một động tác ăn gian: nguyên văn chữ Hán trang 387 ghi Lịch triều danh phú thì ở trang 419 lại biến thành tiếng Việt Lịch triều danh phú đặc tuyển?! Còn lạ hơn nữa: Ðể chứng thực cho gia phả mình có dính dáng tới Trạng Quỳnh, ông Hiền thường dựa vào nhân chứng: “Bà nội tôi kể...” Dân Nam Bộ nói rằng đó là logic của bác Ba Phi. Ông (nói) trạng này mỗi khi cần chứng thực điều gì thường nói xanh rờn: “Không tin hỏi bả coi!” Vẫn chưa hết, cái nhập nhèm to ở đây là ông Hiền nghiễm nhiên đứng tên tác giả Truyện Trạng Quỳnh. [2] Phải chăng vì tự nhận là bát đại tôn của trạng nên ông Hiền giữ luôn quyền thừa kế, không sợ ai kiện? Nhưng dù có là cháu trạng thật đi nữa thì trạng cũng không phải tác giả truyện trạng. Ðã không phải tác giả thì làm gì có tác quyền để truyền đời cho con cháu? Ngay cả trong trường hợp Nguyễn Quỳnh có là nguyên mẫu của Trạng Quỳnh thật (điều này chưa hề được chứng minh với những dẫn chứng thuyết phục) thì tác quyền truyện Trạng vẫn là của dân gian! Xưa nay chưa ai dám cả gan cướp công đó của dân gian cả! Sự lộn sòng lớn hơn nữa là ông đã bất chấp mọi phép tắc khoa học, sửa chữa văn bản, làm cho truyện trở nên hiện đại, mất đi sắc thái của truyện cười dân gian, nhưng lại gần hơn với bát đại tổ của “trạng” Hiền!
Sự nhập nhèm là một căn bệnh dễ lây, đã nhiễm sang một vài bài báo. Trên báo Tiền phong, ra ngày 17 tháng 12 năm 2001, hai ông Vũ Tuấn Sán và Phạm Quang Cận cung cấp tư liệu gia phả dòng họ Phạm Ðông Ngạc, ghi Cống Quỳnh từng học cụ bảng Phạm. Không hiểu vô tình hay hữu ý, tư liệu gia phả có một vài chi tiết truyện trạng nên dễ khiến người nhẹ dạ tin Cống Quỳnh là Trạng Quỳnh! Nhưng gia phả Nguyễn Quỳnh chỉ ghi ông học ông nội, rồi học cậu, không có chỗ nào ghi ông học cụ Phạm! Phải chăng Cống Quỳnh bất nghĩa quên thầy dạy? Tư cách Nguyễn Quỳnh không phải người như thế. Vậy thì chuyện học ở nhà cụ Phạm phải chăng cũng là một chuyện trạng?
Bài “‘Hiện tượng Trạng Quỳnh’ và những chuyện ngoại đề” của ông Vũ Ngọc Khánh trên báo Văn nghệ, ra ngày 22/12/2001, là một bài viết ngụy biện, thiếu tính trung thực khoa học đến mức khó hiểu. Ông viết: “Ðừng giảng giải đừng cãi cọ gì với nhân dân cả, bởi lẽ không nên xâm phạm vào lòng tin, vào tình cảm của nhân dân” rồi “trong câu chuyện Trạng Quỳnh như ta biết lâu nay, không thể dùng phương pháp giám định lịch sử để khẳng định điều gì cả.” Thưa ông, nếu không thể dùng phương pháp khoa học để giám định thì tại sao 16 năm trước, trên báo Nhân dân chủ nhật ông công bố: “Trạng Quỳnh, Cống Quỳnh hay Nguyễn Quỳnh chỉ là một người”(?) [3] Vâng thưa ông Khánh, đúng là quan phủ tự do phóng hỏa, còn dân đen không được đỏ đèn! Không cho người ta dùng khoa học lịch sử giám định xuôi, còn ông thì chẳng cần chứng cứ gì mà chỉ nương theo “ý chí nhân dân” để làm một việc phản khoa học! Cứ theo logic của ông Khánh, rồi có ngày “nhân dân” sẽ cơm nắm muối vừng lội bộ sang tận trụ sở Liên hợp quốc ở Nữu Ước, kiện với thế giới đòi bản quyền người Việt Nam... lên Mặt Trăng đầu tiên! Chứng cứ ư? Bát đại tổ chúng tôi đang quét lá đa trên đó!
Vậy Trạng Quỳnh là ai? Y là con đẻ của dân gian nên chỉ có thể trả lời theo kiểu dân gian: Hỏi rằng thằng bé giống ai? Cái mồm thì giống ông cai, cái mắt ông xã, cái tai ông tuần! Là sản phẩm của sáng tác dân gian, Trạng Quỳnh thu hút vào mình những đặc sản của nhiều vùng quê Bắc Bộ, trong đó xứ Thanh góp tên Quỳnh. Vì vậy nhận quê Trạng Quỳnh là Thanh Hóa không ổn, nó mang tư tưởng cục bộ địa phương. Cho Nguyễn Quỳnh là Trạng Quỳnh không đúng, mà coi Nguyễn Quỳnh là nguyên mẫu của Trạng Quỳnh cũng không có cơ sở. Sáng tạo ra Trạng Quỳnh là dân gian, nhưng là dân gian có học, là những ông đồ nho không tiến thân bằng khoa hoạn, bất mãn chế độ nên muốn chống tất cả, từ vua quan đến thánh thần. Mỹ học của lớp nhà nho này là mỹ học bình dân, trái ngược đến đối chọi với mỹ học của lớp nhà nho chính thống thành đạt trên hoạn lộ trong đó có Nguyễn Quỳnh. Vì vậy, tìm gốc gác Trạng Quỳnh trong Nguyễn Quỳnh là không có cơ sở. Hãy trả Trạng Quỳnh cho dân gian. Với Trạng Quỳnh dân gian, ta có thể thích trạng, khoái trạng, chứ chẳng việc gì phải kính trọng, coi trạng là anh hùng anh hiếc. Bên cạnh tính tốt, trạng ta cũng không thiếu tính xấu tiêu cực, mang chất bụi bặm, lưu manh. Ngay cả việc đối đáp sứ thần của trạng nghe thì khoái, nhưng cũng chỉ là chuyện khôi hài, sặc mùi chủ nghĩa A.Q! Vậy đối xử với trạng thế nào? Chỉ có thể mời Quỳnh cùng với Cuội, Trạng Lợn, Ba Giai, Tú Xuất và các chú Tiễu, hề gậy hề mồi, bác Ba Phi... vào chung chiếu, nhậu xị đế với cóc ổi rồi thi kể chuyện trạng thì vui cha chả!
Trở lại cuốn sách trạng: cuốn sách mang nhiều thông tin không chuẩn, lại có những tình tiết mập mờ đánh lận con đen như vậy, không đáng lưu truyền trong trường học. Truyện Trạng Quỳnh do ông Hiền viết cần phải biên soạn lại theo văn bản truyền thống để trả về cho nó bản sắc dân gian vốn có.
Chú thích:
[1] Nguyễn Ðức Hiền khảo luận và biên soạn. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
[2] Từ trang 169 đến trang 268 của cuốn sách này in 40 truyện Trạng Quỳnh do ông Nguyễn Ðức Hiền biên soạn. Trong “Lời giới thiệu” cuốn sách, nhà văn Tô Hoài viết, “Những truyện Trạng Quỳnh của Nguyễn Ðức Hiền...” (trang 161). Ông Vũ Ngọc Khánh viết, “Gần đây nhất, anh Nguyễn Ðức Hiền, nhà văn thuộc dòng họ của Nguyễn Quỳnh ở Hoàng Hóa đã biên soạn lại thành tập Trạng Quỳnh, có phần kê cứu gia phả của Hà Văn Tấn...” (trang 164).
[3] Báo Nhân dân Chủ nhật, ngày 23 tháng 6, 1985.

30/6/2005
Hà Văn Thùy
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...