Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Thử khảo sát hai thái độ với truyện ngắn của Ðỗ Hoàng Diệu

Thử khảo sát hai thái độ với 
truyện ngắn của Ðỗ Hoàng Diệu

Tập truyện ngắn của Ðỗ Hoàng Diệu (Bóng đè - NXB Ðà nẵng, 2005) và một số truyện khác đăng rải rác ngoài tập đang được dư luận chú ý khen chê. Ở đây chúng tôi tiếp cận, tìm hiểu, bước đầu lý giải về các thái độ hiện thời với văn bản (truyện ngắn) của Diệu.
Văn học Việt Nam, nhất là tiểu thuyết, truyện ngắn, trong một thời kỳ dài cho tới gần đây chưa thoát hẳn khỏi lối viết tô vẽ cho một ý tưởng nào đó. Cái mà có người đã phải nặng lời: "Văn học minh họa”. Gần đây, đã xuất hiện một số tác giả cố bứt ra khỏi lối mòn này, nhưng số này còn ít lắm.
Theo lối viết đó, về kỹ thuật, người ta cho rằng phải có trước một “ý đồ tư tưởng” nào đó, rồi được thể hiện ra, đầu tiên bằng một cái cốt truyện – sau đó triển khai thành các chương đoạn trong đó nhân vật hoạt động trong một bối cảnh sắp đặt khéo léo, ăn nói, làm mọi việc sao cho cuối cùng, đọc tác phẩm ấy, hy vọng người đọc sẽ bật ra: Có thế chứ, quả là cao thượng/ nhân ái/ công tâm/ hy sinh/ trách nhiệm… Và: đúng rồi, biết ngay mà, nó (hắn, y, gã, thị) là đồ thấp hèn/ đểu cáng/ vô đạo/ trơ trẽn/ dâm ô/ lười nhác… Cái mà xưa kia đã được tổng kết thành: ta (và những gì được coi là tốt) thắng, địch (và những gì được coi là xấu) thua, cả nước được mùa, quốc tế ủng hộ!
Trong một thời kỳ văn học – nghệ thuật Việt khá dài, do rất nhiều nguyên nhân, tình dục và những gì liên quan ít (gần như không) được nói đến. Từ "tình dục" và "làm tình" và những từ gần nghĩa hầu như không xuất hiện trong các tác phẩm.
Ðến cái hôn trong văn học cũng xuất hiện cực kỳ hiếm hoi (chỉ xuất hiện trong văn dịch), còn cái hôn trong phim ảnh thì chỉ xuất hiện dưới dạng tán lá (thông thì tốt) quay quay để lộ những mảnh trời xanh thẳm!
Thật dễ hiểu trong bối cảnh đó, xuất hiện một nhóm độc giả - nhà văn - nhà phê bình thích tác phẩm của Ðỗ Hoàng Diệu. Họ bị chi phối cùng lúc của 2 tác động mà nhìn bề ngoài có vẻ trái chiều, mâu thuẫn nhưng thật ra gắn với nhau rất hữu cơ, trong một quá trình đơn giản.
Ðó là,
(Truyện của) Diệu dễ tiếp thu – vì kiểu lập truyện, kiểu chứng minh ý tưởng của Ðỗ Hoàng Diệu, vốn rất giống/ đồng nhất với cái đã được đề cập ở (1), mang lại một sự yên tâm cho người đọc (bị ảnh hưởng của cái) "truyền thống". Hãy xem tất cả các truyện trong tập Bóng đè, nhất là "Bóng đè" và "Vu quy" - đều cùng một kỹ thuật, phong cách, với những "ý tưởng" lồ lộ; và quá trình viết là sự chứng minh cho "ý tưởng" ấy. Xin lưu ý, ở đây chúng tôi không bàn đến ý tưởng ấy tốt - xấu, cao - thấp, mới - cũ... ra sao, không bàn đến đạo đức hay chính trị.
Vốn khát khao tình dục (theo nghĩa bị thiếu thốn), cả trong đời sống lẫn trong văn chương (đọc và sáng tác), họ tìm thấy ở Diệu một sự thỏa mãn (trời ơi, đúng cái mình đang muốn đọc, thậm chí đã có lúc mình định viết nhưng thời ấy không cho viết, mà viết ra nhỡ vợ/ chồng/ bồ / bố mẹ/ cơ quan/ đoàn thể… đánh giá thì sao?). Cao hơn, sẽ có nhận định có vẻ rất học thuật: Ðây là sự mạnh dạn, cởi trói, đổi mới, cách mạng, cái cần có trong văn học Việt. Xin tham chiếu (2).
Tuy nhiên, theo cảm nhận của chúng tôi, lối kể chuyện của Diệu cũng có cái hoạt, với khá nhiều chi tiết bất thần xuất hiện, với lối hành ngôn trùng điệp, với kiểu xử lý thời gian khá tự do... Ðây là cái một số nhà văn đi trước như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà... đã làm và họ làm tốt hơn Diệu. Ở đây, đang bàn đến chuyện này, chúng tôi cũng xin bày tỏ thêm: xin đừng gắn vào văn bản của Diệu những khái niệm rất xa lạ với chính những văn bản này như "ấn tượng", "phi lý", "siêu thực"...
Nhưng với đa số đối tượng đang khảo sát, thế là kinh rồi (ôi mới quá, tài quá, mới đến không thể xếp loại được, tài đến mức bằng "trực cảm", bằng những "ăng ten riêng", dường như Ðỗ Hoàng Diệu đã phát hiện được những vấn đề của cả một dân tộc (và hàng loạt những vấn đề khác, có lẽ nhỏ hơn vấn đề dân tộc). Về tác nhân (3), cũng cần nói thêm, tác dụng của nó không nhiều, rất không nhiều. Chủ yếu vẫn là (1) và (2). Nhưng cái (3) ấy, đi với sự mô tả hành vi tình dục vốn rất sống sượng trong các truyện của Diệu, với đầy rẫy những "chiếm đoạt từ đằng sau", “cắt trọn trong một cú thọc sâu”, “cương cứng thúc lên”, “cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào”, “bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man”, “nhồi vào"… lại có tác dụng tạo ra một hình thức dễ tiếp nhận. Về hiệu ứng này, chúng tôi thấy nó giống hiệu ứng do những thức uống "hiện đại" đang xuất hiện nhan nhản ở Việt Nam đem lại (đa số chúng từ nước ngoài đổ vào hoặc dùng công nghệ nước ngoài như Coca Cola, Pepsi, Trà Lipton, Trà Dilmah…). Chúng là một dung dịch hỗn hợp nhiều thành phần hóa học, được kết hợp những mùi vị lạ lẫm một cách khéo léo. Ban đầu lạ miệng, nhưng do sự tràn ngập, cuối cùng đã thuyết phục được quần chúng, dù chẳng ai nói được những thức uống trên thực chất nó là cái gì.
Trở lại với văn bản của Diệu, sự kết hợp này làm tính chất dâm thư mang một màu sắc bí ẩn tâm lý (như một cuốn sex-video có dáng vẻ như một phim tâm lý, thậm chí trữ tình), làm văn bản, dù có đầy những chi tiết vô lý (chứ không phải phi lý) nhưng dường như có một chiều sâu, ẩn chứa một cái gì cần giải mã (?!).
Trong khi, với ghi nhận của tác giả bài này, đa số bạn đọc, người viết, nhà phê bình trẻ lại thất vọng vì truyện ngắn của Diệu. Với họ, truyện của Diệu không mới mẻ, vì:
Ðọc thấy ngay bóng dáng của cả một nền văn học cũ kỹ, mối mọt, xin xem (1).
Tình dục ư, với họ chẳng hề thiếu, cả trong hành vi sống của họ lẫn trong văn học - nghệ thuật mà họ được tiếp nhận từ rất nhiều kênh, kể cả những sản phẩm thứ cấp, thậm chí được coi là bệnh hoạn lan truyền trên Internet. Bởi vậy, lợi thế của (2) chẳng “ép-phê” gì mấy với họ.
Với (3), rất ít người thán phục. Do tự nó đã yếu, lại mất hẳn hào quang từ (1) và (2).
Họ ngạc nhiên vì một thứ như thế lại được tung hô thành một hiện tượng với những nét tích cực của từ này. Và, họ sẽ nghĩ ngay đến những đồ uống đã đề cập trên với những chiến dịch quảng cáo vĩ đại.
Tất cả luận điểm của người viết bài này đều dựa trên những suy luận chủ quan, những cứ liệu và cách phân loại được đưa ra trong bài này cũng vậy. Chưa có một cuộc điều tra, trắc nghiệm nghiêm chỉnh, người viết cũng lười không tham chiếu các công trình nghiên cứu, để từ đó “ăn theo” vài câu trích dẫn của người đi trước.
Do đó, rất mong được chỉ bảo thêm.
Hà Nội, 23/11/2005
Lê Anh Hoài
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...