Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Từ một bài phỏng vấnXXXX

Từ một bài phỏng vấn

Một bài phỏng vấn khi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khác với một cuộc trò chuyện thông thường bởi vì nó được đưa ra cho công chúng đọc và phán xét chứ không phải dành cho một hoặc một vài nhóm nhỏ quanh bàn cà phê, trà, rượu… Khi tiếp nhận nó, tất nhiên người đọc mong muốn nó mang lại cho mình ít ra là một hoặc nhiều hơn một trong những yếu tố sau: lượng thông tin cần biết, yếu tố mới về học thuật, tính chất giải trí. Nếu không, sẽ mang lại một cảm giác thất vọng thậm chí bực bội.

Vừa rồi, đọc bài phỏng vấn Nguyễn Vĩnh Nguyên do ông Trịnh Cung thực hiện, tôi không thể không hối tiếc thời gian mình đã nhẹ dạ dành cho nó, và hi vọng, qua đây có thể chia sẻ cảm giác này với những người đọc cùng tâm trạng, nhưng điều quan trọng là trong tương lai chúng ta có được cảm giác thú vị khi đọc thể loại này.
Vào đề, ông Trịnh Cung đã chứng minh phương pháp làm việc của mình là rất cẩn thận, tránh cảm tính, có thăm dò những người có uy tín về văn chương, nhằm, thực hiện một cuộc phỏng với một người trẻ làm văn chương. Đây là điều tích cực, đáng lưu ý trong một nền văn hoá mà những mảnh ngẫu hứng, vụn vặt đều có thể ném vào người đọc bất cứ lúc nào. Tại sao lại như vậy? Vấn đề sẽ bàn trong một dịp khác chứ không thuộc mục đích bài này.
Xin được phép vào thẳng vấn đề, giữa người hỏi và người trả lời, một cách cụ thể, và trò chơi tung hứng văn nghệ bắt đầu. Nguyễn Vĩnh Nguyên khá khiêm tốn khi nói rằng: Tôi chẳng bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong. Vậy ai đánh giá cao ở đây? Người đọc hay người phỏng vấn? Sự khiêm tốn này còn mang một hiệu ứng khác: hãy chờ đợi ở tôi. Nền văn học Vịêt Nam rất thích từ hứa hẹn, triển vọng. Tất nhiên, cũng tốt thôi, ai quan tâm tới văn học Việt Nam đều gia nhập phong trào chờ đợi và hy vọng. Chúng ta có dễ dãi khi trông chờ một thành tựu văn hoá, văn học đỉnh cao trên một vùng trũng văn hoá, văn học mà vấn đề chính là san lấp vùng trũng đó trước đã. Ít ra, khi tạo được một nền tảng văn hoá, văn học tốt, với sự giao thoa của nhiều thành tựu văn hoá, văn học khác thì sự chờ đợi của chúng ta còn có cơ sở chứ không giống như xin xăm, xổ số bây giờ. Trở lại cuộc phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng những quán nhậu, cà phê vỉa hè Sài Gòn có nhiều chiến hữu văn chương đang phát pháo, choảng nhau bằng những chuyện rất mắc dịch. Còn ở những quán hiện đại như Highland thì những câu chuyện doanh nhân, du lịch, nhạc Jazz… lại cao cấp, đủ sức lấn át những lảm nhảm văn chương? Tôi không phủ nhận sức mạnh dịch vụ, tài chính lên ngôi trong thời đại toàn cầu hoá này, nhưng phát ngôn bừa bãi như thế thì có phần xuẩn động. Được mời phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên có toàn quyền để thoả thuận địa điểm với người phỏng vấn, cà phê Highland hay bất kì nơi nào, chắc chắn không ai có phản ứng. Đằng này, phép so sánh kệch cỡm của anh mang tính phiến diện. Người đọc bình thường chẳng bao giờ muốn trở thành người chứng kiến những màn kịch một cách bất đắc dĩ. Quán nhậu, cà phê vỉa hè Sài Gòn tồn tại, không vì, những chuyện mắc dịch. Mỗi cá nhân, có tâm thế của riêng mình. Ở những người làm văn chương, càng không phải, đẳng cấp quán xá tạo nên đẳng cấp văn chương.
Về vấn đề “Văn học tuổi 20” năm 2005 của báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Vĩnh Nguyên cho rằng khi quyết định dự thi vì chỉ muốn cuộc thi ấy biết rằng tuổi trẻ Việt Nam đang nghĩ khác thậm chí nghĩ ngược những gì họ bị áp đặt qua giáo dục hay “quà tặng cuộc sống” từ một thiết chế, tâm thế cộng đồng có vẻ bình lặng, yên ả hằng ngày. Có những chủ quan mông muội ở chỗ này: thứ nhất, anh dùng từ tuổi trẻ Việt Nam. Trong một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ thể hiện những suy nghĩ của mình và nó được đám đông đồng thuận hay không, chứ không thể ngông cuồng tự nhận mình đại diện cho đám đông. Nguyễn Vĩnh Nguyên trẻ, anh thể hiện những suy nghĩ về thế hệ của mình trong tác phẩm của anh, và có thể được những người cùng thế hệ chấp nhận, hoặc không, chứ không thể mặc nhiên tuyên ngôn: tuổi trẻ Việt Nam đang… Thứ hai, mục đích của Nguyễn Vĩnh Nguyên chỉ muốn cuộc thi ấy biết tác phẩm của mình, không cần giải hạng. Rồi lại cho rằng tác phẩm của mình là nạn nhân may mắn của cái lô-gíc quy phạm giải thưởng. Ban đầu anh phủ nhận giải thưởng, sau đó lại bảo giải thưởng mang lại hiệu ứng cho tác phẩm của mình. Mâu thuẫn đã quá rõ ràng. Đúng là một mục đích tầm thường của một tay láu cá trong một cách thức tổ chức giải thưởng văn học nghiệp dư. Ở bất kì một cuộc thi nào đều có những điều lệ bắt buộc, khi vi phạm điều lệ thì bị loại. Nhưng trong trường hợp này, thành phần ban giám khảo lại là những người đầu tiên không nắm rõ điều đó, hoặc là, như đã nêu trên, ban tổ chức thiếu tính chuyên nghiệp. Khi giải thưởng chưa đến thời hạn công bố, đã có thông tin không chính thức về người trúng giải từ thành phần ban giám khảo, sau đó lại công bố một kết quả khác, và dư luận, lại có chuyện để nói, và người hụt giải, tất nhiên, có lí do để tự trào và công kích giải. Việt Nam ta, những trường hợp như vậy không thiếu. Sự thiên vị của ban giám khảo trong cuộc thi “Tiếng hát truyền hình Tp HCM 2005”, tiêu cực trong bóng đá ở V-League, SEA Games 23…, là những minh hoạ nhàu nát cho một nền văn hoá tầm thấp, trong đó, những kẻ cơ hội, trục lợi, hám danh lúc nào cũng sẵn sàng. Về tài năng, trong một môi trường văn hoá như vậy, nếu có, e rằng cũng chỉ ở dạng tiềm năng, khó có điều kiện phát huy mặt tích cực. Và vì thế, nếu có phát hiện mới từ dư luận trong nước, có thể xem như tài năng đó lưu hành nội bộ.
Tiếp tục câu chuyện của ông Trịnh Cung và Nguyễn Vĩnh Nguyên, kẻ thì mơn trớn, người thì huênh hoang. Khi thực hiện phỏng vấn, ông Trịnh Cung “mồi” rất giỏi bằng những câu như: “…nhiều bạn trẻ đã coi Nguyên như nhà thơ trong nước đầu tiên đưa nhịp sống số vào thơ và cũng là nhà thơ trẻ được nhìn nhận có sự triệt để làm mới thơ,…”. Vì nhận định trên chỉ giới hạn trong một cuộc phỏng vấn, và nhận định đó được đá qua một chủ thể không cụ thể là nhiều bạn trẻ nên những người làm thơ khác muốn chứng minh mình mới thuộc nhận định đó thì không có cách nào khả dĩ. Vấn đề này xin nhường cho người phỏng vấn và những người triệt để đổi mới thơ. Và nhân đây, dù hơi tham lam, nhưng xin hỏi: thế nào là đổi mới thơ triệt để? Ai có thể triệt để đổi mới thơ? Có câu trả lời triệt để là có hi vọng cho thơ Việt, dù từ hi vọng, trong trường hợp này, không gì hơn ngoài nghĩa an ủi!
Với Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi bất tín vào kinh nghiệm và bội thực bởi những triết thuyết dạy bảo. Đây thật sự là một tuyên ngôn vớ vẩn và lố bịch. Kinh nghiệm, tự thân nó không bắt ai phải tin theo, ai có thể sử dụng nó vào mục đích nào thì tuỳ và không hẳn rập khuôn, máy móc, nhưng điều chắc chắn là đã qua nhiều lần sử dụng và đã được kiểm chứng. Bội thực, có hai nguyên nhân: do lượng tiếp nhận và do tiêu hoá. Triết thuyết có thể hay không thể dạy bảo, phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng tiếp nhận. Nhưng chắc chắn rằng, nó không có quyền năng ép một ai đó phải tiếp nhận, tiêu hoá. Nếu tiêu hoá được thì Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải bị bội thực như vậy. Còn nữa, khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã công kích ông Đông Dương (Nguyễn Hữu Hồng Minh) với lí do đã khệnh khạng phê bình trên tờ Thanh Niên và nhận định ông Đông Dương là người chuyên đọc và ám ảnh bởi “văn chương ô mai”. Dù biết rằng cơ chế phản hồi trên mặt bằng báo chí ở Việt Nam là bất khả, nhưng không vì thế mà nhân dịp được phỏng vấn lại tranh thủ ra đòn một cách võ biền và phi chính thức như vậy. Trước đây, ông Đông Dương đã từng mượn báo Phụ Nữ công kích cô Lynh Bacardi bằng văn bản (nhận định chủ quan mà không chứng minh) và cô đã mượn diễn đàn talawas để phản hồi một cách sòng phẳng, văn hoá. Từ đó, phần nào làm rõ thêm tình hình văn nghệ đầy tính quan quyền ở Việt Nam. Có lẽ điều này Nguyễn Vĩnh Nguyên nên học hỏi cô Lynh Bacardi.
Cũng theo lời của Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi cũng không thể cứ kêu gào phản kháng để rồi thoả hiệp với những thứ phản tiến bộ. Trí thức chúng ta ở quán nhậu, vỉa hè nhiều hơn trên diễn đàn đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Tại anh ta luôn nghĩ xã hội đang tấn công mình. Lắm kẻ mắc bệnh tưởng. Xin thề, đếch có thằng nào tấn công anh cả. Anh đang ảo tưởng để nghĩ rằng bị tấn công thì mới vĩ đại. Sách bị cấm mới là sách hay. Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng điều đó làm cho những kẻ bất tài có cơ hội trở thành hiện tượng. Anh có làm gì cho đáng để mà bị tấn công? Và giả như anh có làm điều gì vì thái độ lẽ phải, tiến bộ cho cộng đồng mà bị tấn công thì sự hy sinh của anh là một giá trị!. Rõ ràng anh vừa thề rằng đếch có thằng nào tấn công, rồi lại múa mép nếu vì lẽ phải mà bị tấn công thì đó là giá trị. Lời thề, luôn là sự xác tín tuyệt đối với cá nhân đã thề, họ chịu trách nhiệm mọi mặt bằng chính bản thân mình, nếu là, một người đứng đắn, chính trực. Trong nhịp sống hiện nay, ngày càng có những giá trị thay đổi chóng vánh, nhưng luôn có một vài giá trị bất biến, trong đó không thể không bao gồm sự tôn trọng lời nói của mình, cũng là tôn trọng người đọc.
Quá nhiều những mâu thuẫn trong những câu trả lời của Nguyễn Vĩnh Nguyên, anh không kêu gào phản kháng cũng không thoả hiệp, và còn cào bằng mọi giá trị: Và bên cạnh bọn trẻ xu nịnh, uốn éo làm duyên, hay gào thét bế tắc, cạo mặt ăn vạ tôi đã thấy những kẻ dám phá bĩnh một cách văn minh và hiểu biết! Khi những kêu gào phản kháng không được ghi nhận, tức không có tự do ngôn luận, một quyền cơ bản của con người thì có hành động nào tốt hơn là tiếp tục kêu gào phản kháng, cạo mặt ăn vạ? Một xã hội có văn hoá còn có những kẻ dám cạo mặt để ăn vạ ư? Cạo mặt ăn vạ là hành động phản kháng hết sức dữ dội, nó phơi bày bộ mặt rách nát của một xã hội mất nhân tính. Mà ở riêng những người làm văn hoá, văn học, hoạt động với thái độ đó thì quả là kinh khủng. Không nên và không thể đổ đồng xếp cạo mặt ăn vạ vào chung một vế với những xu nịnh, uốn éo làm duyên, gào thét bế tắc mang ra so sánh với văn minh và hiểu biết. Lấy ví dụ cụ thể, tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên được in và phát hành tại Việt Nam, theo lời của anh là do may mắn, mặc dù đã bị qui chụp là khiêu khích chính trị. Còn những tác phẩm của các cá nhân khác cũng bị quy chụp tương tự, nhưng không được các cơ quan văn hoá, kiểm duyệt, nhà xuất bản đối xử tương tự là bởi họ không may mắn, hay do họ không văn minh và hiểu biết? Trong một nền văn hoá, văn học mà khi xuất bản và phát hành tác phẩm phải trông đợi sự may mắn thì có khác nào những kẻ chơi đề, tự mình lựa chọn con số rồi chờ kết quả cuối ngày. Bởi vậy để đăng đàn đóng góp cho cộng đồng thì điều kiện cần là phải có một diễn đàn tri thức thực sự, chấp nhận đối thoại và đi đến cùng mọi vấn đề. Nếu không, người đăng đàn chẳng khác nào tham gia một hoạt cảnh sân khấu, và vấn đề tốt đẹp ở đây chỉ là làm tròn vai diễn, vui vẻ nhận vài lời khen tặng, rồi lại trở về với vài gợn trăn trở lăn tăn nếu còn chút lương tâm và phản tỉnh. Vậy là diễn đàn tưởng chừng như bình thường đó ở đâu trên đất nước Việt Nam?! Thế nên không lạ gì khi vỉa hè, quán nhậu trở thành nơi bài tiết trí thức của rất nhiều tri thức, và hình như những loại hình quán xá trên ngày một phát đạt ở Việt Nam.
Trở lại cuộc phỏng vấn, Nguyễn Vĩnh Nguyên nhận định về tiểu thuyết sắp ra mắt của mình như sau: Đó là một tiểu thuyết phi cấu trúc, vừa đáp ứng với khả năng đọc ham mê tâm huyết của bạn đọc văn học vừa có thể làm hài lòng những người lười hay không có thời gian đọc. Có nghĩa là anh có thể tiếp cận bất kì ở đâu có tác phẩm, còn tôi muốn nói gì xin để dành cho khi sách được in. Còn gì để nói nữa ở đây, chỉ bằng một lời nói thì những gì tốt đẹp nhất đã nằm trọn trong tác phẩm của anh. Những chiêu thức quảng cáo rẻ tiền kiểu như trên đang trở thành mốt của ao làng văn nghệ Việt Nam. Riêng với văn học đó quả là một tin buồn. Văn hoá nghe nhìn với những ưu thế rõ rệt về tính đại chúng, tỷ lệ người tìm đến văn hoá đọc ngày một ít hơn, không nên và không thể sử dụng những cách thức quảng cáo như văn hoá nghe nhìn. Nó có thể lôi kéo công chúng một cách cơ học và tức thời, nhưng khi bước vào chẳng thấy gì giống như quảng cáo đã mồi chài họ lại vội vã quay ra, và điều chắc chắn xác suất họ quay trở lại hầu như không còn nữa, và như thế văn học lại thêm chuyện để buồn.
Dù việc tìm câu bắt chữ trong một bài phỏng vấn không nhiều người làm ở Việt Nam (vì cảm thấy không đáng để làm chăng?), nhưng thiết nghĩ, những bài phỏng vấn theo kiểu tung hứng văn nghệ, chuyện đố kị cá nhân, ghen ăn ghét ở, tuyên ngôn vụn vặt… liên tục ném thẳng vào người đọc thì thấy cần thiết phải lên tiếng. Những cuộc phỏng vấn như trên chẳng khác nào những câu chuyện đấu láo trong quán cà phê hiện đại Highland, quán cóc, vỉa hè, quán nhậu, hớt tóc, mát xa…, và vô số những loại hình quán xá khác tại Việt Nam. Ở đó vai trò người đọc như một con rối phải chứng kiến những trò phô diễn văn nghệ dã chiến chóng quên và chóng chán. Văn học Việt Nam, muốn có thành tựu, thì những người làm văn chương cần phải có thái độ ứng xử văn hoá đối với văn chương, nếu không thì cũng như mọi tâm thế khác của văn hoá cư xử người Việt, đó là bè lũ, phe cánh và câu cửa miệng là “anh em trong ngành trong giới, bảo bọc nhau mà sống”. Sống trong cái ao nhà rác rưởi và sủi bọt!.
Bốn Xã, 10/1/2006
Võ Việt Luân
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...