Ðọc Bóng gẫy của thần tích
của Lê Thị Thấm Vân, do Anh Thư
xuất bản, 2005; 230 trang
Bóng gẫy của thần tích là một tập hợp của những hình ảnh
vừa táo bạo, vừa thơ mộng, chứa đựng nhiều ẩn dụ về cuộc sống, con người, chính
trị, và xã hội. Qua việc miêu tả cuộc sống khó khăn của thân phận người Việt,
cũng như những sự kỳ thị, định kiến trong thời cả thời chiến và thời bình, nhà
văn đã bộc lộ những suy nghĩ, chỉ trích, và phẫn nộ về chính trị, tôn giáo, thời
cuộc, cũng như về con người trong xã hội.
Truyện kể về hai chị em song sinh Bí Vàng và Bí Xanh. Mẹ của hai cô, Võ Thị
Gái, bị một lính Mỹ da đen đang đóng quân tại làng cưỡng hiếp. Không chịu nổi sự
nhục nhã và khó khăn, cô Gái đã bỏ con ở trước cửa cô nhi viện và sau đó tự tử
(hoặc trở thành điên loạn?). Mẹ (nuôi) của cô đã đến cô nhi viện và nhận lại một
trong hai cháu ngoại, Bí Vàng. Kể từ giây phút ấy, Bí Xanh và Bí Vàng bị chia
cách. Mặc dù ở cùng trong một làng, cả hai không thể gặp được nhau.
Có sự khác biệt rõ rệt trong tính cách của hai chị em. Bí Vàng và Bí Xanh được
nuôi dưỡng ở hai môi trường khác nhau: Bí Xanh thường bị đay nghiến, xiên xỏ bởi
những tu nữ xa lạ, không tình thân; Bí Vàng ít nhất còn được có tình thương của
bà ngoại. Từ những môi trường này, Bí Xanh trở nên bất chấp, nóng nảy, và thiếu
tôn trọng; còn Bí Vàng thì chịu đựng và kiên nhẫn, yên lặng.
Tác giả cũng đã dùng hình ảnh và sự kiện của chiến tranh để miêu tả cuộc sống,
con người, và xã hội thời chiến: lính Mỹ đóng trại, người trong làng vồ vập,
sùng bái Mỹ và những gì của Mỹ, phụ nữ trẻ bị cưỡng hiếp, những đứa con lai vô
tội bị bỏ bê, kỳ thị… Qua những mảnh đời khó khăn, tủi nhục, chúng ta thấy thêm
một góc cạnh của chiến tranh và ảnh hưởng của nó đối với con người.
Bằng những từ ngữ và hình ảnh táo bạo, tác giả đã miêu tả sự phẫn nộ của Bí
Xanh về những giả dối, gò bó chung quanh cô. Cô đã sớm nhận ra được sự mâu thuẫn
giữa những gì cô được dạy và những gì cô chứng kiến. Cô nhận thấy rằng từ khi
sinh ra, cô chưa hề nhận được tình thương và sự che chở của Chúa, nên cô đã từ
chối Chúa và những người tin vào Chúa.
Tóm lại, trong phần đầu của truyện, tác giả trình bày với chúng ta một xã hội
trong chiến tranh, cuộc sống của người dân toàn chia ly, đau đớn và tủi nhục.
Cô cũng cho chúng ta thấy được sự kỳ thị của xã hội đối với những con lai và những
người nạn nhân trẻ của những lính Mỹ đóng quân. Quan trọng hơn, chúng ta thấy
được sự thiếu thốn và đánh mất của tuổi trẻ hồn nhiên trong thời chiến.
Phần hai của truyện bắt đầu bằng một sự kiện lịch sử: Operation Babylift. Trước
khi Sài Gòn sụp đổ, quân đội Mỹ đã cố gắng vơ vét những trẻ em lai, phần lớn từ
những cô nhi viện do Mỹ bảo trợ, và đưa sang Mỹ bằng máy bay. Một trong số những
trẻ em này là Bí Xanh. Hai chị em đã cách xa từ nhỏ, giờ đây lại càng xa thêm:
Bí Xanh được đem qua Mỹ quốc, còn Bí Vàng (bị) ở lại.
Rời xa quê hương, Bí Xanh được một cặp vợ chồng người Mỹ da trắng nhận nuôi. Cô
được ban cho một cuộc sống sung sướng về vật chất có mơ cũng không được tại quê
nhà: những món ăn ê hề, quần áo, giày dép, búp bê… Khi đi học cô có người đưa
đón; ở nhà cô được săn sóc tận tình. Tuy nhiên, những đầy đủ, xa hoa trong cuộc
sống xa nhà đã không cho cô cảm giác thoải mái và hạnh phúc. Như từ trước đến
nay, cô luôn bị đeo đuổi bởi một cảm giác thiếu thốn, cô độc, như là một nửa của
cô vẫn chưa được khám phá, ai đó thân thiết nhưng chưa hề nhận mặt. Hình ảnh những
đôi giày không vừa chân, những quần áo không làm cho cô thích thú, cùng với những
người Mỹ da trắng tẻ nhạt, khách sáo cho chúng ta thấy được nước Mỹ, nơi bao
người ao ước được đặt chân đến, đã không mang lại hạnh phúc cho Bí Xanh. Cuối
cùng, Bí Xanh bị ông John quấy nhiễu tình dục và được chuyển đến một gia đình mới.
Một trong những điều nổi bật trong phần này là việc đặt tên của tác giả cho những
nhân vật phụ. Những người chung quanh Bí Xanh đều mang tên bắt đầu bằng chữ J.
Phải chăng chữ J tượng trưng cho một điều gì đó mang tính chất lịch sử, chính
trị, hay được dùng để ám chỉ những người chung quanh Bí Xanh đều tẻ nhạt như
nhau-khách sáo và xa lạ? Ông John, bà Jan, ông Jack, bà Joanne đều là những
hippies thời 70’s, chống đối chính trị bằng cách ngày đêm đả đảo và sống buông
thả. Để được gì? Ðể bây giờ họ lại trở về với đời sống bảo thủ, chán chường,
làm những công việc họ không hề yêu thích. Chi tiết này như muốn chê trách và mỉa
mai một cách chua xót những người muốn chiến đấu để thay đổi cuộc sống và chính
trị để rồi cuối cùng vẫn bị cuộc sống và chính trị đè nát. Vùng dậy để làm gì?
Cuối cùng vẫn chỉ làm nô lệ. Đây là một sự thật chính trị, và cũng là một trong
những điều đáng nhớ trong câu truyện này.
Operation Babylift đã bỏ rất nhiều trẻ em lai ở lại trên một miền Nam hực lửa
căm thù, đầy uất hận, và lo âu. Một trong những em nhỏ này là Bí Vàng. Cô vẫn ở
lại cái làng nghèo khổ với Bà ngoại. Cuộc sống của cô không thay đổi gì nhiều
ngoài sự thiếu ăn lan tràn và sự xâm nhập cực nhanh của hình ảnh và lý tưởng
“Bác Hồ”. Những người lớn trong làng khinh bỉ và chê trách Bí Vàng vì cô lai Mỹ.
Trong phần này xuất hiện một nhân vật mới, đáng ghi nhớ, là “cậu,” một người bộ
đội miền Bắc bị kẹt lại miền Nam sau chiến tranh vì vết thương nặng ở chân. Anh
bị cưa mất một chân để bảo toàn mạng sống. Hình ảnh một thương binh dù tàn tật
bởi chiến tranh nhưng vẫn hết lòng tin vào lý tưởng dùng để tẩy não người dân
ngoan ngoãn là một hình ảnh lịch sử đầy chua xót. Những con người trẻ tuổi, đầy
tương lai, nay trở thành những nạn nhân đau khổ và đáng thương nhất của chiến
tranh (cả về thể xác lẫn tinh thần). “Cậu” cũng có tình cảm và những suy nghĩ
bình thường như mọi người. Có lẽ nhận ra được điều này, Bà ngoại đã dành cho “cậu”
một tình thương yêu, thương xót đặc biệt. Phải chăng nhân vật “cậu” được đưa
vào truyện để nhắn nhủ chúng ta rằng những người ngây thơ đi theo chế độ là
đáng thương và chỉ có chế độ tẩy não người là đáng trách? Ngày “cậu” trở về miền
Bắc là ngày anh trở về với chế độ sai lầm: anh đã ngây thơ chọn một con đường
đáng tránh. Nhưng anh không thể quay lại, vì con đường dù sai nhưng vẫn là đường
về lại nhà, về lại quê hương của anh. Sự ra đi của anh đem lại sự cô đơn bất tận
cho Bí Vàng và Bà Ngoại. Có lẽ vì tuổi già, hay vì thương người trai trẻ lầm đường
lỡ bước, hoặc vì quá mệt mỏi với xã hội đang suy sụp và những mơ ước bị đập
nát, hoặc có lẽ vì tất cả, bà đã ra đi. Bí Vàng bây giờ hoàn toàn cô đơn.
Nếu phần một của truyện mang nặng phần trách cứ một cách táo bạo về những sự bất
công và kỳ thị trong xã hội, thì phần hai là một sự dịu lại, một sự trưởng
thành đúng thời điểm của hai nhân vật chính. Họ trưởng thành đủ để cân nhắc những
sai lầm và những điều ngang trái của cuộc đời. Phần này cũng cho thấy những ảnh
hưởng của chính trị đối với người dân.
Trong phần III, hai chị em Bí Vàng và Bí Xanh nhận lại nhau tại quê hương. Cũng
trong phần này, chúng ta nhận thấy được sự trưởng thành và những suy nghĩ sâu sắc
hơn của các nhân vật chính.
Bí Xanh đến Bangkok để chia tay người yêu. Ở Bangkok cô thấy một tấm biển quảng
cáo đi Việt Nam trong ngày và đã quyết định trở về quê hương. Tại nơi đây, cô
đã gặp lại người chị/em song sinh thất lạc từ lâu của mình (tác giả đã không đề
cập rõ làm thế nào họ gặp lại nhau). Bí Vàng sống cùng với người bạn đồng tính
là m, một người Việt gốc Hoa, và mở một cô nhi viện. Cô nhi viện được N bảo trợ.
N là một người con lai Pháp, làm việc nửa năm ở Pháp và sống nửa năm sau ở Việt
Nam. Cô nhi viện cũng là nơi chứa chấp những người bệnh tật, thiếu thốn, và những
thành phần bị xã hội hắt hủi. Bí Xanh và N trở thành người tình. Qua những nhân
vật đa dạng này, tác giả đã cho chúng ta thấy được những quan điểm sống khác
nhau cũng như những suy nghĩ độc lập của họ.
Có lẽ không phải vì trùng hợp mà tác giả đã cho các nhân vật trên những xuất
thân rất đặc biệt: họ đều là con lai của Việt Nam và các quốc gia đã đô hộ và
có liên hệ chính trị với Việt Nam: Trung Quốc, Pháp, và Mỹ. Qua tính cách của họ,
chúng ta có thể nhận ra được những đặc thù dân tộc của các quốc gia nói trên: M
thẳng thắn, tai to miệng lớn, và “đầy tham vọng;” N thì dịu dàng, đa tình, và
thích hưởng thụ; Bí Xanh thì có phần phóng khoáng và tự lập về suy nghĩ cũng
như tình dục. Trong bốn nhân vật này, có lẽ chỉ có Bí Vàng là còn lại đức tính
truyền thống của Việt Nam ngày xưa: mộc mạc, chịu đựng, và giàu tình thương.
Phần cuối của câu truyện cũng đề cập đến những vấn đề xã hội hiện đang nóng bỏng:
sự trọng nam khinh nữ trong xã hội Việt Nam, quyền bình đẳng nữ giới và quan hệ
đồng tính. Truyện cất tiếng kêu gọi cho quyền bình đẳng và tự lập của nữ giới
trong xã hội đương thời. Ngoài ra, một đề tài mới mẻ và táo bạo hơn là vấn đề đồng
tính luyến ái cũng được đặt ra. Trong truyện, Bí Vàng và m là tình nhân đồng tính.
Bí Vàng là người “Việt Nam” nhất trong các nhân vật, nhưng cô lại có một mối
tình mà xã hội (Việt Nam) dòm ngó và phê phán. Phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh
về một sự đổi mới, hiện đại hóa, Tây phương hóa của xã hội Việt Nam đương thời?
Ðồng thời với việc đề cập đến sự đổi mới của xã hội trong nước, Bóng gẫy của
thần tích cũng miêu tả một cách xúc tích tâm trạng lưu vong của người Việt:
cô đơn, trống vắng và thiếu thốn tình cảm. Qua những hình ảnh và chi tiết lịch
sử, tác giả ngụ ý phê phán nhược điểm của người Việt là sự chấp nhận không suy
nghĩ và cân nhắc những ảnh hưởng đến với chúng ta, để rồi từ “người Việt” không
có được một định nghĩa chính xác ngoài định nghĩa về địa lý. Ngoài ra, tác giả
còn phê phán những quan điểm và hành động chính trị của Mỹ.
Cuộc sống lưu vong đối với tác giả là lầm đường lỡ bước, là hẩm hiu một mình,
là vô bờ bến. Đúng là nó đã từng như vậy những năm sau cuộc chiến, nhưng nó vẫn
còn như vậy hay không, hay là tác giả đã quá bi quan? Mỗi hoàn cảnh đều khác
nhau. Tuy nhiên, có lẽ nhìn cuộc sống một cách lạc quan và với nhiều hi vọng
thì tốt hơn. Người Việt ở hải ngoại hiện nay vẫn sống lưu vong, nhưng trên những
mảnh đất lưu vong của chúng ta, nhiều thành tích đã đạt được, nhiều tên tuổi đã
gầy dựng, và những quê hương thứ hai đã trở thành những nơi chúng ta không thể
xa được. Quá khứ có lẽ chỉ nên để rút kinh nghiệm lịch sử cho đất mẹ. Người Việt
tỵ nạn đã từng chua xót, nhưng khi đã qua thì chúng ta nên hướng đến tương lai.
13/3/2006
Nguyễn Quang Vũ
Theo http://www.talawas.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét