Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

XXXCon người có quyền lực gì trong một xã hội phi dân sự

Con người có quyền lực gì
trong một xã hội phi dân sự?

Talawas ngày 18-6-2005 và ngày 21-6-2005 có đăng bài của ông Đỗ Minh Tuấn nhan đề “Quyền lực con người trong xã hội dân sự” nhằm phản bác bài “Hết thuốc cho Đỗ Minh Tuấn” của tôi trên talawas ngày 8-6-2005.
Tôi viết bài báo ngắn này không nhằm trao đổi, tranh luận lại với bài viết tràng giang đại hải trên của ông Tuấn. Nếu tôi tiếp tục “đôi co” với ông Tuấn để làm phiền quý độc giả (phải kéo dài tới 2 kỳ talawas mới gọi là “có đi có lại”) thì chẳng “muối mặt” lắm hay sao? Nay, tôi chỉ xin phép thưa lại một điều hết sức kỳ cục trong tiêu đề bài viết của ông Tuấn, rằng: Xã hội Việt Nam từ xưa đến nay có phải là “xã hội dân sự” hay không, và xã hội này có “quyền lực con người” từ bao giờ vậy?
Trước khi vào vấn đề chính, xin tóm tắt mấy điều quan trọng trong bài “Quyền lực con người trong xã hội dân sự” của ông Đỗ Minh Tuấn, để quý độc giả phán xét:
Ông Tuấn tiếp tục dẫn chứng miệng, trích dẫn mồm, rằng ông được ông này bà kia ca ngợi, khen thế này thế nọ…
Tự giới thiệu mình như nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nghệ sĩ lớn…, tự ca ngợi phim mình làm là tuyệt vời, dù Ký ức Điện Biên phải đưa ra chiếu “chùa” trên ti-vi thì cũng có nhiều triệu người xem…
Thuật lại gần 15 năm “quan hệ” với ông Lê Đức Thọ và các ông Bộ Chính trị Đảng Cộng sản khác để hiến kế, giới thiệu nhân sự, tác động vào các vị chóp bu này nhiều yếu tố tích cực.
Tiết lộ rằng từng khuyên ông Lê Đức Thọ giải tán Đảng Cộng sản.
Thuật lại việc ông Nông Đức Mạnh, lúc là Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội và mấy Ủy viên BCT “có lần” xuống hãng phim tư nhân của hai ông (ĐMT & Vĩnh Quang Lê) xem phim.
Tiết lộ rằng được ăn cơm với thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khẳng định ông Lê Đức Thọ là con người có tâm, có tài, con người tốt: “Những cuộc tiếp xúc (với ông Lê Đức Thọ - chú TMH) cho tôi cảm giác không như lời đồn đại (lời đồn ông Thọ rất ác - chú TMH)”
Chê nhóm Nhân văn-Giai phẩm là hèn kém thua xa Đỗ Minh Tuấn; rằng Nhân văn-Giai phẩm “không tấn công, lười biếng trong lao động chính trị, không liên minh với nhau và không nắm lấy tổ chức”.
Tiết lộ rằng mình từng là “cò chính trị”: từng giới thiệu nhiều nhân sĩ, trí thức văn nghệ sĩ để họ được gặp ông Lê Đức Thọ và Bộ Chính trị.
Tiết lộ rằng mình đã viết hàng mấy trăm trang hiến kế cho các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng giúp các ông siêu lớn này cai trị tốt hơn.
Tiết lộ rằng mình vừa quan hệ với các ông chóp bu Đảng Cộng sản, vừa viết và bắt tay với một số báo chống cộng hải ngoại…
Khẳng định “cái bục gỗ quốc gia” trong Hội trường Ba Đình là cái bục “dân chủ”…
Tiết lộ rằng nếu mình là đảng viên thì đã được ông Lê Đức Thọ cho làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa.
Đỗ Minh Tuấn còn tiết lộ nhiều điều khác, kể ra dài dòng khôn xiết.
*

Vấn đề cốt lõi chúng tôi thưa cùng quý độc giả talawas rằng, cái nhan đề của bài viết trên của ông Đỗ Minh Tuấn: “Quyền lực con người trong xã hội dân sự” còn có 2 điều sai như sau:
Một, ông Tuấn cho rằng xã hội Việt Nam từ lúc ông “tham chính” (làm cố vấn “ngầm”, thư ký riêng, “chìm”, không chính thức cho ông Lê Đức Thọ và các ông chóp bu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản khác gần 15 năm) là một “xã hội dân sự” (!) Nước Việt Nam trong thời gian ông Tuấn “tham chính chìm” (nghĩa là ông có vai trò chính trị cực lớn), thực ra là một đất nước theo chế độ độc đảng, độc tài chứ không phải một xã hội dân chủ, dân sự. Việc Đỗ Minh Tuấn hô lên rằng xã hội Việt Nam thời ông vừa sống và bí mật “tham chính” là một “xã hội dân sự” là đánh tráo khái niệm. Xã hội Việt Nam từ xưa đến nay chưa hề là một xã hội dân sự, mà chỉ chuyển từ quân chủ sang thuộc địa rồi đảng trị: người dân chẳng hề có quyền hành gì để quyết định bất cứ sự nào. Chỉ có một dịp duy nhất Việt Nam manh nha có xã hội dân sự là việc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946; nhưng rất tiếc, ngay sau đó, Đảng Cộng sản diệt các đảng khác và trở thành đảng độc quyền lãnh đạo cho đến ngày nay. Hiện nay, trên thế giới hầu hết các nước đều theo chế độ xã hội dân sự = dân làm chủ mọi sự. Chỉ còn 5 nước là Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào còn theo chế độ xã hội đảng trị = Đảng làm chủ mọi sự. Do đó việc ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng xã hội mà ông từng sống, từng “tham chính”, tức xã hội Việt Nam hiện nay là xã hội dân sự là một lừa dối lớn.
Hai, ông Đỗ Minh Tuấn đặt vấn đề “quyền lực con người” trong xã hội kia là “quyền” nào vậy? Trong một xã hội chuyên chế độc tài đảng trị, con người nói chung không có một quyền lực gì. Trong xã hội này, người dân không có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, không có quyền tự do làm chính trị, không có quyền ra báo, không có quyền lập nhà xuất bản, không có quyền mít-tinh, không có quyền lập nhóm, lập phe = đảng, không có quyền phê phán đảng cầm quyền, phê phán đảng là phạm luật, vì đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật… Khi cái quyền lựa chọn = lựa chọn thể chế chính trị, lựa chọn người có đức có tài ra lãnh đạo đất nước bằng lá phiếu của nhân dân bị tước đoạt, thì người dân phỏng còn có thứ quyền lực gì đây thưa ông Tuấn? Trong xã hội phi dân chủ, phi dân sự như Việt Nam hiện nay, chỉ có một nhúm người trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản là có quyền lực thực sự. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt gần đây còn than trong các bài viết của ông phổ biến trên mạng internet rằng trong Đảng Cộng sản không có dân chủ, rằng cỡ như ông mà còn bị ông Nguyễn Khoa Điềm bịt miệng, thì người dân làm sao có nổi một tí ti quyền lực? Cứ theo những gì ông Tuấn tiết lộ ở trên, ta thấy, tuy ông chưa phải đảng viên cộng sản, nhưng chức ông Tuấn còn to hơn một ông bộ trưởng, nên ông có quyền lực để gây sức ép với ngay cả ông Lê Đức Thọ, gây sức ép với cả Bộ Chính trị, thì anh em văn nghệ sĩ trong nước chả sợ ông một phép là gì, vì ông suốt gần 15 năm đã như “một Ủy viên Bộ Chính trị ngầm” đó sao? Quyền lực con người trong xã hội kia là để dành riêng cho một nhóm chóp bu cầm quyền và dành riêng cho Đỗ Minh Tuấn chứ đâu phải dành cho nhân dân. Đưa ra khái niệm “quyền lực con người” trong xã hội phi dân sự, phi dân chủ như Việt Nam hiện nay, phải chăng là một trò bịp đánh lận con đen của Đỗ Minh Tuấn?
Sài Gòn, 25/6/2005
Trần Mạnh Hảo
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...