Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Nhàn đàm nhân đọc "Vàng lửa" của Nguyễn Huy Thiệp

Nhàn đàm nhân đọc "Vàng lửa"
của Nguyễn Huy Thiệp

Văn học Việt Nam trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 có một nhà văn mà tên tuổi ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn đã gây xôn xao dư luận cả khen lẫn chê: Nguyễn Huy Thiệp. Người ta đặc biệt chú ý đến bộ ba truyện ngắn lịch sử của anh: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” và “Phẩm tiết”. Trong bài viết này, tôi chỉ xin có đôi dòng lời bình về truyện thứ hai.
Truyện ngắn “Vàng Lửa” của Nguyễn Huy Thiệp có ba mảng, chính xác hơn là cuộc đời của ba nhân vật: Gia Long, Nguyễn Du và Phăng.
Nguyễn Huy Thiệp không hề viết tiểu sử của ba nhân vật ấy, nhưng thông qua họ, Thiệp muốn đi sâu vào các chủ đề sau.
1. Quyền lực:
Con người bao giờ cũng khao khát quyền lực. Nói theo “phân tâm học” của Freud thì đó là “thị dục huyễn ngã.”
Ðể đạt được đỉnh cao của quyền lực thì điều kiện tiên quyết là “phi độc bất trượng phu”.
Gia Long hay bất kỳ một nhà lãnh đạo nào khác cũng không bao giờ thoát ra khỏi quy luật ấy!
Lê Thánh Tông dù cởi áo bào đắp cho người ăn mày, có thể xúc cảm nhất thời, nhưng chủ yếu vẫn là động tác giả, có tính toán.
Ở đỉnh cao của quyền lực, họ có cái nhìn “vĩ mô” và ít thèm để ý đến “vi mô”. Nhờ vậy, họ thành công nhưng độc ác.
Trong lịch sử, ít người dám dời bỏ quyền lực, bởi vì quyền lực là một thứ ma lực vô cùng hấp dẫn.
Trương Lương đi ở ẩn sau khi giúp Hán Cao tổ đánh thắng Hạng Vũ, thống nhất giang san; Phạm Lãi phò Câu Tiễn thuở hàn vi và sau khi thắng được Phù Sai, chối bỏ công danh để cùng Tây Thi (nếu truyền thuyết đó có thật) ngao du trên Tây hồ, hai trường hợp là những ngoại lệ của lịch sử.
Những nhân vật đạt đến đỉnh cao của quyền lực bao giờ cũng sống trong tâm trạng cô đơn. Số phận của họ vừa bi, vừa hài.
Chất “bi” của họ là khi đã leo lên lưng hổ, không thể xuống được. Họ như một Robinson trơ trọi trên “ốc đảo”, cận thần thực chất là lũ gian manh.
Quần chúng tung hô lãnh tụ, nhưng hãy coi chừng, nếu ra khỏi qui luật, họ sẽ bị hạ bệ, thậm chí có khi phải trả giá bằng sinh mệnh!
Chính vì vậy, họ hứa hẹn rất nhiều với đám quần chúng đáng thương, nhưng họ không dám cải tiến gì cả. Bi kịch của họ là vừa khinh nhưng cũng vừa sợ đám đông.
Stalin ở điện Kremlin, đầy tự tin, tàn nhẫn, quyết đoán, nhưng khi tiếp xúc với quần chúng, ông ta cực kỳ lúng túng. Hitler có một biệt thự nghỉ cuối tuần trên đỉnh núi cao; có lẽ chỉ ở nơi đó, xa hết mọi người (kể cả các chiến hữu Himmler, Goebbels, Göring), ông ta mới thấy yên ổn. Napoleon bách chiến bách thắng, chinh phục cả châu Âu, vinh quang đến tột đỉnh, mà suốt đời cô đơn, đến nỗi khi bị đày ra đảo St. Hélène, trong hồi ký còn phải than thở, “Thà ăn một đĩa rau vui vẻ còn hơn ăn một con bò mang đầy hương vị của oán cừu”.
Ðạt đến đỉnh cao của quyền lực, được tô điểm biết bao nhiêu huyền thoại vàng son, trở thành thần tượng, quả là hết ý. Nhưng mặt trái của tấm huân chương là sự cô độc, và cô độc thường kéo theo tàn nhẫn. Tàn nhẫn để thực hiện được ý đồ của mình mà theo họ là “thiên chức”; tàn nhẫn để củng cố uy quyền.
Chất “hài” của họ là dù có vẻ thần thánh, trước hết họ cũng là Con Người. Có thể giả dối với tất cả, nhưng không ai giả dối mãi được với chính mình. Họ cũng thèm yêu đương, khoái làm tình, thích một cuộc sống thật cho bản thân. Nhưng ước mơ ấy khó thực hiện nổi, bởi vì họ đã đi quá xa cuộc đời của một con người bình thường.
Nhân vật Phăng kể về một chuyến tháp tùng vua Gia Long đi săn như sau:
“Nhà vua cưỡi ngựa, lưng rất thẳng. Ở giữa thiên nhiên, trông ông rạng rỡ, mất đi vẻ đăm chiêu cau có hàng ngày. Ông vui vẻ, vào cuộc săn hào hứng. Buổi tối, ngồi với tôi, ông bảo: ‘Khanh biết không, cái lũ chó ấy, chúng nó chuẩn bị cả rồi. Chỗ nào trẫm đi qua thì chúng thả thú ra’. Tôi ngạc nhiên, hỏi vì sao nhà vua (vốn xuất thân là một võ tướng) lại chịu được sự nhục mạ ấy. Ông cười: ‘Khanh chẳng hiểu gì. Vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục?”
Chỉ một đoạn ấy thôi, Nguyễn Huy Thiệp đã diễn tả trọn vẹn được chất của Gia Long nói riêng, và của lãnh tụ nói chung.
Mao Trạch Ðông, “người cầm lái vĩ đại”, phát động cách mạng văn hóa, đi duyệt hàng triệu hồng vệ binh trên quảng trường Thiên An Môn, thừa đòn phép và thủ đoạn để hạ bệ Lưu Thiếu Kỳ, Bành Ðức Hoài, Hạ Long, và bắt Ðặng Tiểu Bình, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, xuống làm bồi bàn ở câu lạc bộ quân đội..., mà vẫn cảm thấy mình cô đơn, thậm chí là một con rối trong lịch sử.
Ðáng khóc, đáng cười, đáng ghét và cũng đáng thương hại biết bao nhiêu các vĩ nhân trong lịch sử. Tiếng Hán: vĩ vừa là vĩ đại, nhưng cũng là cái đuôi.
2. Vai trò của trí thức nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng trong lịch sử nhân loại
Thông qua một vài nét chấm phá về Nguyễn Du trong “Vàng lửa”, Nguyễn Huy Thiệp muốn nêu rõ vai trò của trí thức nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng ở xã hội xưa, cũng như nay.
Tả Nguyễn Du, Phăng kể:
“Trước mặt tôi là một người bé nhỏ, mặt nhàu nát vì đau khổ. Ông nổi tiếng là một nhà thơ có tài. Tôi thấy ông hoàn toàn không hiểu gì về chính trị... Ông hơn những người khác ở nhân cách, nhưng nhân cách ấy có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó, túng kiết?... Ông ta (tức Nguyễn Du) có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất, nhưng cũng đáng thương nhất. Vua Gia Long không đại diện cho ai, ông chỉ chịu trách nhiệm với mình. Ðấy là điều vĩ đại nhưng cũng đê tiện khủng khiếp... Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc... Vua Gia Long thì khác. Ông khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình...”
Từ xưa đến nay, trí thức dưới mắt lãnh đạo vừa đáng trọng, vừa đáng khinh, nhưng trí thức thực chất chỉ là con tốt đen trong ván cờ chiến lược chính trị. Không sử dụng trí thức, xã hội không thể tiến lên được. nhưng đối với lãnh đạo, trí thức không là cái “đinh” gì (nếu theo Mao, có thể không bằng sọt phân). Xét đến cùng, trí thức có bộ óc, nhưng không có quyền lực. Mà có quyền lực là có tất cả. Thậm chí dốt nát, bạo tàn mới đẻ ra quyền lực.
Nguyễn Du nói riêng, trí thức nói chung, chỉ có nỗi đau chiến thuật, chứ không phải nỗi đau chiến lược. Thương một cô bé “cầm ca” chốn kinh thành, sót cho “thập loại chúng sinh” thì ăn cái giải gì, trong khi người lãnh đạo dám hy sinh hàng triệu người cho một thử nghiệm chính trị.
Einstein thông minh đến thế, hàng chục thế kỷ mới có một bộ óc như vậy, nhưng dù lý luận, dù van nài, cũng không ngăn nổi Truman ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nagazaki.
Thật ra, nhận xét này của Nguyễn Huy Thiệp về trí thức không phải là mới lạ.
Tổng kết cuộc đời mình bên bến Ngự, sông Hương, chính Phan Bội Châu đã phải cay đắng thốt lên: “Lập thân tối hạ thị văn chương.” Và Lỗ Tấn, thời “Quốc-Cộng hợp tác”, khi nói chuyện với các sĩ quan ở trường Hoàng Phố, cũng phải cay đắng thú nhận: “Nếu trong tay tôi có một quân đoàn, có đại bác, có xe tăng, lời nói của tôi rất trọng lượng. Còn giờ đây tôi chỉ cầm chiếc bút thì lý luận gì cũng vô ích”.
Trí thức và quyền lực là như vậy. Quyền lực với trí thức là quan hệ cha con hoặc chủ tớ: “Ông (tức Gia Long) không coi Nguyễn Du ra gì, hoặc có thể ông coi Nguyễn Du là một con ngựa giống tốt trong cả đàn ngựa, lợn, bò, gà mà ông chăn dắt. Ông bảo: ‘Trẫm có biết người ấy. Cha nó là Nguyễn Nghiễm. Anh nó là Nguyễn Khảm...” Gọi Nguyễn Du là nó, Gia Long nghiễm nhiên ở cương vị cha, cương vị chủ rồi.
Tuy nhiên, khi nêu hình tượng Nguyễn Du, Nguyễn Huy Thiệp còn gửi gắm một suy nghĩ độc đáo khác:
Ðại Cồ Việt của chúng ta, những “con rồng cháu tiên” có thể tự hào về 4000 năm dựng nước và giữ nước, với “Nam quốc sơn hà Nam đế cư,” nhưng đừng ngộ nhận về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Hàng nghìn năm, hết Bắc thuộc, Pháp thuộc rồi Nhật thuộc..., văn hóa Việt Nam là đứa con hoang của cô gái Việt với chú Ba Tàu, hoặc chú Tây mũi lõ, thậm chí còn có thể là chú Nhật lùn. Ðó là kết quả của một cuộc tình “lang chạ”, ác độc hơn, là sản phẩm của một cuộc “hiếp dâm”, mà nói như Sô Lô Khốp, “ngủ với nhau vội vàng, chỉ đẻ được những đứa con mù lòa...”
Có thể Nguyễn Huy Thiệp nhận xét đúng, vì ai đã từng đi qua Huế mộng mơ, nhìn Ngọ Môn, thăm các lăng tẩm triều Nguyễn, nếu tinh ý một chút, đều thấy đó là một bản đồng dạng phối cảnh với tỷ số khiêm nhường so với Thiên An Môn và các lăng tẩm ở Bắc Kinh. Và mấy chùa ở Hội An, kể cả chùa Cầu mà các nhà văn hóa xúm vào ca tụng, nếu đánh giá đúng mức, cũng made-in Japan ít nhất tới 70%.
3. Quyền lợi:
Nếu Gia Long đại diện cho quyền lực, thì Phăng đại diện cho quyền lợi. Hơn ai hết, Phăng hiểu Gia Long và ngược lại, Gia Long hiểu Phăng. Họ thấy hết ưu điểm và sự đểu cáng của nhau.
Tất nhiên họ khác nhau, bởi vì Gia Long là vua, còn Phăng là tôi. Nhưng xã hội Phăng đang sống thời đó đã trải qua cuộc cách mạng long trời lở đất 1789. Phăng đã biết thế nào là nhân quyền, công quyền với Rousseau, Diderot, Voltaire... Và nếu có sự thỏa hiệp giữa phong kiến và tư sản, thì ít nhất cũng như ở Anh, sau Cromwell, với nền quân chủ lập hiến.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Ðại trượng phu một ngày không thể không có quyền. Tiểu trượng phu một ngày không thể không có tiền”. Phăng là tiểu trượng phu, không mơ mộng như Nguyễn Du mà rất thực dụng, thấy rõ giá trị của vàng.
Việc tìm vàng của Phăng là logic tất yếu, bởi con người ấy được sinh ra và dạy dỗ ở một xã hội tiến vào kinh tế thị trường, khác hẳn xã hội sản xuất manh mún của Việt Nam thời đó.
Gia Long và Phăng rất giống nhau trong suy nghĩ: “Cứu cánh biện hộ cho phương tiện”. Họ tàn bạo như nhau, một người ở cấp vĩ mô và một người ở cấp vi mô, nhưng đều coi sinh mạng của đồng loại như con sâu, cái kiến.
Kết cục, kẻ có quyền bao giờ cũng thắng, bởi vì xét đến cùng, bảo vệ quyền lực là để bảo vệ quyền lợi. Kẻ sĩ ngu mới ra vẻ coi thường danh lợi.
Nguyễn Huy Thiệp tôn trọng độc giả, đưa ra 3 cách xử lý: Ðoạn kết 1, đoạn kết 2, đoạn kết 3.
Ðoạn kết 2 có thể quên đi, vì Thiệp giả vờ theo truyền thống văn học thời xưa, bao giờ cũng happy ending, như Nhị Ðộ Mai, Lục Vân Tiên, hay Kim Kiều tái hợp, cho dù cuộc đoàn viên ấy đầy nước mắt, ê chề. Ðoạn kết này rất thích hợp với các cô bán hàng xén ở chợ phố huyện.
Ðoạn kết 1, đoạn kết 3 đều hợp lý, đặc biệt đoạn kết 3 hợp lý nhất. Bởi vì, bắt chước Chu Du: “Ký sinh Phăng - hà sinh Gia Long”.
Luật đời của kẻ thống trị là thế, “hết thú rừng, giết chó săn”.
Hàn Tín bị Hán Cao tổ xẻ thịt phanh thây.
Bạn chiến hữu của Stalin sau 1924 còn lại những ai?
Những đồng chí của Mao, dù qua cả Vạn lý Trường chinh, sau Cách mạng Văn hóa, còn ai?
Trên đây là vài ý nghĩ tản mạn sau khi đọc “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể những người đương chức đương quyền không chịu nổi Nguyễn Huy Thiệp vì sự thật trần trụi mà nhà văn này đã nêu ra, dù chỉ là ẩn ý.
Hà Nội, 1/5/1995
Khuê Các
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...