Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Thời quá độ của một xã hội quá độXXXX

Thời quá độ
của một xã hội quá độ

Đọc bài “‘Văn học tự vấn’ và chức năng tự nhận thức, tự phê phán của văn học” của Trần Thanh Đạm đăng trên trang web talawas ngày 15 tháng 3 năm 2006 tôi đã đắn đo giữa chữ nên và không nên thử làm công việc tìm hiểu những vấn đề liên quan đến bài viết này. Bởi nếu bài viết là sự chỉ trích của một người với một người – Trần Thanh Đạm và Nguyên Ngọc, thì nên để cho hai người trong cuộc giải quyết với nhau. Nhưng bài viết của Trần Thanh Đạm tuy mục đích muốn đả kích Nguyên Ngọc, hoá ra lại liên quan đến những vấn đề lớn hơn dành cho dòng văn học Việt Nam với những hiện tượng gần đây, như Bóng đè chẳng hạn.
Có những hiện tượng văn học đến theo cái lẽ tất yếu của nó, nhưng cũng có những hiện tượng xảy ra phần lớn do bàn tay con người tạo dựng, điển hình là trường hợp Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Nhật ký Nguyễn Văn Thạc. Dĩ nhiên dầu vì bất cứ lý do nào, với sự tò mò cố hữu ta có khuynh hướng muốn biết tại sao xảy ra những hiện tượng đó bằng sự phân tích của chính mình và sự gạn lọc từ suy nghĩ của những người khác. Nên đối với những hiện tượng xảy ra gần đây như Bóng đè, hay Nhật ký Đặng Thùy Trâm, và xa hơn một chút là Nguyễn Huy Thiệp, một số trong chúng ta ít nhiều đã có sự suy nghĩ.
Với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi vừa đọc vừa say mê, nhưng vừa cảm thấy sợ hãi vì cái ác của những con người trong truyện. Dĩ nhiên tôi hiểu việc sử dụng chữ nghĩa là do tài năng của người viết, còn cốt chuyện có thể do hư cấu, nhưng vẫn không thể bỏ đi sự suy nghĩ, đó là những con người thật trong một xã hội thật. Bởi, người viết, theo tôi, ngoài khả năng sử dụng chữ nghĩa, nếu không ít nhiều nhìn thấy hay sống giữa những con người điển hình bởi nhân vật, chắc khó tạo dựng được những nhân vật có độ ác đến thế.
Tôi đã không thể rời ý nghĩ, tác giả Nguyễn Huy Thiệp đã sống trong thời kỳ quá độ của một xã hội quá độ, trong đó có những người hành xử độc ác một cách máy móc như việc ăn uống, vệ sinh hằng ngày. Những con người vì nỗi thúc ép thoả mãn những yếu tố cấp thiết căn bản nhất như được ăn no mặc ấm, được một chút hưởng thụ tối thiểu cho bản thân đã buộc phải xoay sở, phải mưu toan, và lắm khi phải phớt lờ lương tâm. Dĩ nhiên người đọc cố gắng tìm hiểu, thông cảm với những nhân vật trong truyện, nhưng khi đặt sách xuống vẫn không thoát khỏi bứt rứt với câu hỏi tại sao. Những suy nghĩ đến rồi đi, cuối cùng thì có câu trả lời là xã hội nào con người nấy. Xã hội ràng buộc con người vào hiện tại, mà cái hiện tại cần gì, chẳng phải là những nhu cầu căn bản nhất hay sao! Trong khi lương tâm thì ẩn sâu, và sự thúc bách của lương tâm không tạo ra nỗi đau cho thể xác và nhất là có thể che giấu, do đó, lương tâm có thể bị gác lại hay có thể chờ đợi, nên lương tâm là ngày mai, ngày mốt, là tương lai. Ai sống cũng phải qua được hiện tại trước khi có thể bước vào tương lai. Chung quanh ai cũng sống như thế, chẳng lẽ ta lại sống khác hơn. Cho nên dầu ta có muốn sống khác đi với người chung quanh, nhưng vì muốn tồn tại cũng ít nhiều bị méo mó. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã để lại trong tôi ‎ý nghĩ có một xã hội với những con người như thế.
Đến hiện tượng Đặng Thùy Trâm, tôi càng nghĩ nó phát sinh bởi sự quá độ của xã hội. Cá nhân cô đã sống và đã chết trong một xã hội liên tục có những thời kỳ quá độ. Lý tưởng không thực đã giết chết thời thanh xuân và giết chết cô cũng như bao thanh niên thiếu nữ sống giữa thời kỳ này. Đề cập đến thời kỳ, ta nghĩ đến chu kỳ với hy vọng thay đổi và chấm dứt. Tuy nhiên mấy chục năm qua đi, những quá độ mang tính tiêu cực tiếp tục tiếp nối và biến hoá. Bởi thế nhật ký của cô lại được mang ra thổi phồng, đánh bóng một cách quá đáng. Mục đích không phải để tạ tội đã mang đến cái chết cho cô và hằng triệu triệu cái chết khác, mà chính là vì quyền lợi riêng của một số tay đồ tể hay những kẻ a dua theo những tay đồ tể, để không ngừng tạo nên những tình trạng quá độ cho xã hội Việt Nam. Nhìn dòng lịch sử ta thấy những tay đồ tể này không ngừng tạo nên tình trạng quá độ cho xã hội để qua đó họ có thể lợi dụng nhằm kiểm soát những con người trong xã hội; nhưng đó là thời kỳ quá độ trong quá khứ đã nằm trong sự tiên liệu và kiểm soát của họ. Qua đến thời kỳ mở hé cảnh cửa của đất nước theo sau sự tan rã của khối cộng sản ở Nga và những quốc gia Đông Âu, những kẻ này cảm thấy bị đe doạ vì thấy tình trạng quá độ biến chuyển theo chiều hướng vuột khỏi bàn tay kiểm soát của họ, nên cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được tung ra như phương tiện nhắm vào việc đưa những con người trong xã hội đó trở lại tình trạng bị kềm chế như cũ.
Tuy nhiên hành động của họ có vẻ không mấy thành công, bằng chứng là hiện tượng Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã gần như xẹp và tình trạng quá độ càng ngày càng rời xa bàn tay kềm chế của họ chẳng khác gì con ngựa hoang đang lồng lộn chạy, lồng lộn nhảy.
Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu đã làm rõ thêm sự lồng lộn này. Cá nhân mình vẫn chưa thấy thuyết phục về phương diện văn chương của tác phẩm, nhưng về phương diện xã hội, lại cho cái nhìn rõ hơn về một thời kỳ quá độ mà nhóm người cầm quyền đã không thể kềm chế được.
Trước kia sự bao vây kinh tế cộng với sự đàn áp bằng vũ lực khống chế được con người. Đến thời không thể đóng mãi cửa nên bị buộc phải hé mở cửa của đất nước, mà dưới mắt nhìn chăm bẳm của thế giới bên ngoài, những chiến thuật như cô lập, bao vây, vũ lực… tuy vẫn còn được những tay đồ tể áp dụng để áp chế con người, cũng trở nên khó che giấu, nên nhờ đó sự sợ hãi nơi những con người từng bị áp chế cũng vì thế mà bớt đi. Về mặt tích cực thì đó là điều tốt cho con người trong xã hội. Về mặt tiêu cực lại đẻ ra những vấn nạn mới. Khi con người hết biết sợ - con người, lương tâm hay thần thánh, và thiếu đi lý tưởng thì khuynh hướng hưởng thụ gia tăng, vì đó là con đường dễ nhất, hấp dẫn nhất và dễ thoả mãn cho con người nhất.
Lúc trước mọi người trong xã hội quá độ không có sự lựa chọn nào ngoài sự bó buộc tin một cách mù quáng cái giá trị tinh thần đi ngược lại truyền thống do những kẻ khống chế đặt ra. Lâu dần lòng tin trở thành máy móc; cho đến một ngày chiếc máy trục trặc không thể tiếp thu giá trị tinh thần này, trong khi những kẻ khống chế chưa đào đâu ra cái giá trị tinh thần mới không tác hại đến quyền lực của họ để thay thế cái cũ (Nhật ký Đặng Thùy Trâm là điển hình của một nỗ lực xây dựng nhưng đã thất bại) nhằm giúp những chiếc máy tiếp tục chạy, họ bị lúng túng không biết phải điều khiển chiếc máy như thế nào, vì thế để mặc máy chạy. Khi chiếc máy vốn là những con người đã quen đợi lệnh, quen làm theo lời dạy bảo, bỗng dưng được buông thả để tự mình chạy, tự mình suy nghĩ, đã dễ bị mất phương hướng, dễ nghiêng theo hướng dễ dãi nhất. Với những người lớn tuổi còn đỡ, khi người trẻ tuổi bị mất phương hướng, l‎ý tưởng thường bị khủng hoảng. Một xã hội với đa phần con người bị khủng hoảng, xã hội đó tránh sao không rơi vào tình trạng quá độ.
Đây là xã hội không thể giữ lại được nhiều giá trị tinh thần, là chút vốn liếng giúp con người phân biệt giữa thiện và không thiện, giữa nên và không nên. Giữa thời kỳ đóng cửa trước đó, cái ác, cái xấu xảy ra nhưng vẫn còn giới hạn, bởi vì sự thoả mãn bản thân và gia đình vẫn còn quẩn quanh ở miếng ăn hay cái mặc, và lúc đó con người còn tương đối biết sợ vì chưa biết rõ đối tượng làm cho họ sợ hãi như thế nào. Đến thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đối tượng đáng sợ bỗng chốc lộ nguyên bộ mặt xấu xa của nó, thì sự sợ hãi không còn và cái lý tưởng được nhồi nhét trước kia bỗng dưng bị sụp đổ. Chưa tìm được những bám víu tinh thần khả tín, chưa tìm được hướng đi an toàn khả dĩ, con người dễ rơi vào tình trạng quá độ cho chính mình, nên những ích kỷ, những thoả mãn cá nhân tha hồ được tự do phát triển. Điều này rất dễ dàng nhìn thấy qua những hiện tượng nghiện ngập, các cô gái bất kể sĩ diện, bất kể phương tiện đua nhau lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, Singapore, kể cả việc cởi trần truồng để cho những người đàn ông chọn lựa như lựa một con vật, việc buôn bán trẻ nít vào những ổ động, những vụ đi Singapore cốt để vào các siêu thị ăn cắp, những karaoke ôm, bia ôm, trồng ma túy hàng loạt ở trong nhà nơi những nước tạm trú… Với những vụ việc xảy ra hàng loạt như thế, dầu có lạc quan cách mấy ta cũng không thể xem đó là tình trạng bình thường của một xã hội bình thường.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tôi vẫn cho rằng tình trạng quá độ hiện tại là hệ quả của tình trạng quá độ trước đó. Nếu điều suy nghĩ này là đúng, thì xảy ra hiện tượng Bóng đè không phải là điều đáng ngạc nhiên. Không có những hiện tượng này mới là chuyện bất thường.
Đương nhiên, một người viết như Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, làm văn chương phản ảnh đúng cái xã hội của mình đang sống, chẳng có gì đáng trách cả. Có điều, nếu chỉ phản ảnh đúng cái xã hội đang tuột dốc đó, thì việc tạo dựng nên những dòng văn chương đó có thể đã thiếu đi khía cạnh nhân văn của nó; mà thiếu đi khía cạnh này, tác phẩm có thể nào được xem là tác phẩm lớn chăng?
Dĩ nhiên những dòng chữ viết này không thật sự nhắm vào việc khen hay chê, đồng ý hay không đồng ý với hai tác giả Nguyễn Huy Thiệp và Đỗ Hoàng Diệu và ngay cả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Người đọc rất tinh và thời gian là thước đo dành cho mỗi tác phẩm. Với tôi, nhắc đến tác phẩm ngoài những gì đã viết ở phần trên, cũng muốn cám ơn các tác giả đã mở ra cho thấy cái xã hội quá độ này, vì biết đâu nhờ đó những con người trong xã hội sẽ nhận ra sự quá độ của xã hội mà tìm cách quân bằng.
Tôi đã hy vọng như thế khi đọc Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Hoàng Diệu và một số các tác giả ở trong nước, nhưng đến khi đọc bài viết của ông Trần Thanh Đạm lên án nhà văn Nguyên Ngọc và “văn học tự vấn” thì tôi biết niềm hy vọng đó của tôi có lẽ còn rất lâu mới thành tựu, vì sợ rằng trong xã hội vẫn còn đầy dẫy những người lúc nào cũng muốn bóp chặt sự suy nghĩ của người khác, và với bản chất yếu đuối và sự sợ hãi cố hữu nơi con người sẽ không có nhiều người dám đứng ra tạo sự thay đổi. Như thế tôi e rằng tình trạng quá độ của xã hội Việt Nam trong quá khứ, trong hiện tại sẽ còn tiếp tục kéo dài đến tương lai. Và đó là điều đáng sợ.
Vì sao tôi nói lên điều này? Bởi vì tình trạng quá độ của xã hội đến từ xã hội thì chính xã hội sẽ tự tìm ra lối thoát. Đằng này tình trạng quá độ của xã hội Việt Nam không đến từ bản thân của xã hội mà do chính trị uốn nắn nó, bắt nó rơi vào tình trạng quá độ. Phong trào cải cách ruộng đất là do chính trị tạo nên biến động, khiến xã hội trở nên bất thường. Cái điều không may cho xã hội lúc bấy giờ là xã hội đã chịu đựng quá nhiều biến động, nên lòng người phân tán, không đủ sức mạnh để tự điều khiển nên đã để cho bàn tay chính trị lèo lái, mà hậu quả không chỉ ngừng ở phong trào cải cách ruộng đất mà kéo theo vụ án Nhân văn- Giai phẩm với bao nhiêu nhà văn nhà thơ vì mong phục hồi sự cân bằng cho xã hội đã phải vào tù, bị đày ải, bị cướp đi quyền làm một công dân bình thường và nhất là mất đi quyền được viết được có tiếng nói... Tệ hơn nữa, cũng vì những bàn tay chính trị đó, nhiều hậu quả khác đã tiếp tục xảy ra như chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đã kéo dài trên hai mươi năm cho đến năm 1975 với hơn ba triệu người bị chết. Theo sau là cuộc chiến ở Căm Bốt và với Trung Hoa, để lại tang thương cho bao gia đình. Là vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế. Là hàng triệu người đổ xô ra biển với hàng trăm ngàn người chết trên biển cả. Là hàng trăm ngàn người bị vào trại cải tạo và có biết bao nhiêu người đã không trở về. Là một đất nước tan thương, nghèo khó. Là hàng triệu người lao động nước ngoài bị bóc lột đày ải đến mất cả danh dự của chính mình và của đất nước. Và tệ hơn hết là một xã hội đầy băng hoại và chia rẽ…
Phải nói rằng đọc bài viết của ông Trần Thanh Đạm tôi đã thêm bi quan. Bởi thấy rằng cái nguyên nhân đưa đến tình trạng quá độ cho xã hội Việt Nam còn tiếp tục hoành hành, những bàn tay nắm cán dao đồ tể vẫn tiếp tục lăm lăm. Từ đó thấy rõ thêm sự bất hạnh của đất nước và con người Việt Nam, vì đáng lý cần dành mọi nỗ lực cho việc bình thường hoá xã hội, lại phải dành thì giờ, dành năng lực để buộc những kẻ như Trần Thanh Đạm buông dao đồ tể. Cũng may, con người Việt Nam vốn kiên nhẫn, can đảm và chịu đựng, cho nên dầu biết việc buộc những kẻ cầm dao phải buông dao là công việc cực kỳ khó khăn bên cạnh việc bình thường hoá xã hội, ta vẫn thấy có những con người sẵn sàng làm việc này. Hằng nghìn công nhân đình công. Hằng trăm vụ khiếu kiện đất đai vẫn tiếp tục diễn ra hằng ngày. Những tiếng nói bất khuất từ trong nước vẫn tiếp tục ngân vang… Đó là những những hành động muốn đưa con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trở lại tình trạng quân bình.
Đúng ra tôi có thể dừng bài viết này ở đây. Tuy nhiên đã lỡ đề cập đến tên ông Trần Thanh Đạm và bài viết của ông, chẳng lẽ lại ngưng ngang, nên xin viết thêm vài đoạn về bài viết của ông. Ông viết, “Từ bao lâu nay các nhà lý luận văn học chân chính vẫn xác định chức năng nhận thức của văn học đối với thiên nhiên, xã hội, con người, tức là yêu cầu văn học phản ánh và biểu hiện sự thật, chân lý của cuộc sống, bên cạnh chức năng cổ vũ điều thiện và tuyên xưng cái đẹp (chân, thiện, mỹ). Chức năng này bao gồm cả tự nhận thức, tự hoàn thiện về đạo đức và thẩm mỹ của con người. Văn học là một loại hình nghệ thuật đồng thời là một loại hình văn hoá (nghệ thuật, văn hoá ngôn ngữ), một lĩnh vực của hệ ý thức hệ tư tưởng.” Giá ông Trần Thanh Đạm chỉ viết chừng ấy giùm cho nhà văn, có lẽ mọi người sẽ đồng ý và biết đâu chừng chẳng xem đó là khuôn vàng thước ngọc để noi theo. Nhưng nguyên bài viết của ông chỉ có đoạn đó thực sự giá trị, những đoạn khác lại không thế, tương tự như đoạn viết như thế này, “Thực ra, cái lý luận về ‘văn học tự vấn’ này cũng chưa hề được triển khai cho thật minh bạch, thẳng thắn; nó chỉ ‘thò lò hai mặt’ lấp lửng nửa nạc, nửa mỡ, nửa trắng, nửa đen cùng một dạng với các thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà bọn thù địch của chúng ta ở nước ngoài trước nay vốn vẫn sử dụng, bây giờ lại ‘chuyển giao kỹ thuật’ cho một số kẻ cơ hội và manh tâm ở trong nước.” Thì ta thấy ý định ông thực sự tối đen, nhắm vào sự vu khống hơn xây dựng và không với mục đích đưa nhà văn trở về với chức năng nhà văn, một chức năng tối cần thiết trong một xã hội quá độ, để vạch trần được những cái quá độ, mở con đường thoát cho xã hội để nó quay lại được trạng thái quân bình, mà chính thực là muốn giữ nhà văn ở tình trạng nô bộc, viết theo chỉ thị để tạo ra thứ văn học bồi bút, mà hệ quả là xã hội Việt Nam với những con người Việt Nam từng hãnh diện về một đất nước của mình bây giờ buộc phải cúi mặt xấu hổ mỗi lần đọc thấy tin vụ trồng cần sa ở chỗ này, vụ bán thuốc phiện ở chỗ kia, vụ phanh phui đường dây buôn người, vụ con nít bị bán vào động điếm, vụ lao động nước ngoài bị chủ bắt nạt… Thứ văn học “chính đáng” kiểu đó, theo tôi, chẳng một nhà văn chân chính nào muốn chấp nhận, ngoại trừ những người cầm bút do một mưu lợi nào đó.
Có điều tôi tiếc là những người như ông sao đằng sau lại có nguyên một tập đoàn sẵn sàng áp dụng phương pháp bá đạo để trấn áp, trong khi bàn tay nhà văn không có gì ngoài cây bút của mình, cho nên những người làm văn chương trong nước nhiều lúc vì sự an nguy của mình và người thân, bị buộc phải khuất phục. Tôi thương cho họ vì lúc nào viết cũng phải nghĩ đến chữ lách, nên những người như ông mới có thể viết ra được lời lẽ như thế này, “Ở Việt Nam ta, cái lý luận này không dám hoàn toàn trắng trợn, vẫn đang còn e dè, sợ hãi trước sự phản kháng của dân tộc, của cách mạng, của chính nghĩa nên cũng phải giảm „tông“ xuống thành ‘văn học tự vấn’ song trong thực chất, nó chỉ là một biến dạng, một dị bản, một sự copy của các thứ lý luận ‘văn học sám hối’ ngoại lai nói trên chứ không phải là sáng kiến, phát minh mới mẻ gì. Nó chỉ là cái ngọn, cái lá còn cái gốc của nó ở đâu thì tìm ra, vạch ra cũng không khó khăn gì.” Họ e dè sợ hãi là đúng, bởi làm sao dám thẳng thắn mở miệng phê bình kẻ mạnh trong khi cửa nhà tù lúc nào cũng sẵn sàng mở ra tiếp đón họ. Cho nên nếu nhà văn Nguyên Ngọc không lên tiếng, thì điều này cũng rất dễ hiểu.
Dầu sao, tôi vẫn tin rằng có những người viết khác, những người viết trấn áp được nỗi sợ để có thể viết nên những trang sách đầy ‎ý thức trách nhiệm phản ảnh thời kỳ quá độ. Tôi hy vọng đọc được những tác phẩm như thế, vì với tôi, cùng là những tác phẩm viết về thời kỳ quá độ của một xã hội, một tác phẩm lớn bao giờ cũng chứa đựng ý tưởng tạo ảnh hưởng xã hội, kéo xã hội trở về tình trạng quân bình. Tôi tin rằng đây không phải là niềm hy vọng của riêng cá nhân mà có lẽ của rất nhiều người Việt Nam còn nghĩ đến quê hương Việt Nam vậy.
28/3/2006
Ngọc Anh
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...