Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Văn chương miệt dướiXXX

Văn chương miệt dưới

Lóng ni loại văn chương 3X được mùa nha. Y hình đang dấy lên một phong trào «văn chương miệt dưới» của các cây viết nữ thì phải!
Dà, xin phép phụ đề như dzầy: Cơ thể người ta chia ra làm hai phần, giới hạn bằng lỗ rún. Trên rún là miệt trên, dưới rún là miệt dưới. Cũng hổng hiểu vì sao cái rún lại được chọn làm trung điểm, có vẻ như vì hồi trong bụng mẹ, máu từ lá nhau của sản phụ đã truyền sang nuôi sống thai nhi ở khúc này chăng?
Tùy góc nhìn (tiếng thời thượng bây giờ kêu bằng «cách tiếp cận») mà miệt trên và miệt dưới có tầm quan trọng khác nhau. Ðể phân loại những cơn đau bụng, trong service cấp cứu 911, có một câu hỏi kỳ cục: Ðau trên rún hay dưới rún? Trên rún thường quan trọng và nguy hiểm hơn vì có ruột gan tim phổi lá lách bao tử v.v..., dưới rún hầu như chỉ có bộ... đồ lòng. Ðồ lòng đau ta thủng thẳng cũng được, vì đồ lòng thường khi biết chờ đợi. Theo cách ấy, văn chương miệt dưới là văn chương chú trọng, xoay quanh hay có liên hệ xa gần tới miệt dưới. Vì văn chương khác với 911 nên từ góc nhìn này, miệt dưới phải ồn ào rổn rảng nóng bỏng ướt át hơn. Ðọc văn chương miệt dưới người ta có thể hết hồn, lắm khi còn phải đi xối nước cho... tỉnh.
Hổng biết vì sao lóng ni chuyện miệt dưới được đề cập ngon lành và thong thả quá cỡ thợ nề thợ mộc? Ủa, văn chương loại này có lạ chi đâu nà, hà rằm ra đó thôi? Dà, quả là có vậy, nhưng kỳ này lạ là vì văn chương ấy do đờn bà con gái viết ra, cái đám trước kia vẫn khép nép thẹn thùa, lỡ có nghe chi hổng thanh tao chút xíu là lủi mất, không thôi thì chói lói la làng, hoặc mặt mũi đỏ lòm y chang trái cà tô-mát đang xanh lè bỗng chín tới cái rột. Rồi sao? Ờ, thì cũng đám đờn bà con gái đó bây giờ hồ hởi lôi miệt dưới vào văn chương, ồn ào tả cảnh tả tình rất mực trung thực chớ sao nữa. Và văn chương miệt dưới này đã làm bàng hoàng... nhơn loại! Nhơn loại đây là những nhà đạo đức, giả thiệt chưa rõ, đọc văn chương miệt dưới của phụ nữ và viết bởi phụ nữ xong, họ bỗng xuất mồ hôi hạt rồi la làng: Ðực rựa mần văn chương miệt dưới thì còn xính xái chớ phụ nữ cũng nhảy xổ vào lãnh vực ni thì thiệt... khó coi, đạo đức đã suy đồi dần, cần chấn hưng lại mới đặng. Má ơi!
Kỳ ha! Tại sao đờn ông thì được mà đờn bà thì không? Thì tại vì kỳ thị phái tánh chớ sao nữa! Mèn, thế kỷ 21 rồi, bình đẳng là chuyện căn bản của xã hội loài người, có ghi trong Hiến chương Nhơn quyền của Liên hiệp quốc đàng hoàng nha. Kỳ thị vậy dám bị lôi ra toà phải bồi thường thiệt hại tinh thần, tốn kém thì giờ công sức và tiền của vật chất hổng chừng, khổ lắm lận!
Nói có sách mách có chứng, tuy hổng phải chuyện kỳ thị phái tánh nhưng cũng có dính líu xa gần. Mới đây tên đực rựa phụ trách một talk-show buổi sáng trong radio, thinh không ăn mắm ăn muối nổi hứng phê bình, rằng cô khí tượng của TV nội địa (chuyên loan báo và tiên đoán thời tiết) tuy trẻ đẹp duyên dáng nhưng cái vòng số một y hình có hơi quá khổ chút xíu. Thính giả phôn về đài phát thanh làm màn ý kiến, tán thành bất đồng quan điểm rất sôi nổi. Số lượng thính giả nghe đài bỗng tăng vọt, talk-show thinh không ăn khách quá trời. Rồi có lẽ say men chiến thắng, tên cà chớn sa đà hào hứng tán lang bang. Xui cái kỳ ni hắn xổ ra một kết quả nghiên cứu thiếu hẳn tánh khoa học của ai đó, rằng kích thước vòng số một luôn luôn tỷ lệ nghịch với IQ tức thương số thông minh! Cô khí tượng “trẻ đẹp duyên dáng có vòng số một hơi lớn và IQ hơi nhỏ” bèn bình tĩnh lôi hắn và đài phát thanh của hắn ra toà. Ðài điều đình xin bồi thường ngoài toà nhưng nàng nhứt định lắc. Kết quả là tiền phạt vạ tăng gấp đôi con số điều đình, tên tội đồ phải chánh thức xin lỗi nàng trong... show cuối. Bị chủ sa thải chưa đủ hắn lại còn bị toà cải huấn bằng mấy chục giờ công tác xã hội nữa chớ trời (cho đáng kiếp, ai biểu!).
Trở lợi với chuyện văn chương. Phụ nữ bây giờ nhảy xổ vô văn chương miệt dưới là vì sao? Muốn biết rõ, làm ơn đi hỏi các nhà trí thức khảo cứu văn học hay tâm lý xã hội học, họ sẽ nói cho nghe nha, chớ còn hỏi tui thì bù trất!
Mang miệt dưới vào văn chương là quyền tự do của người cầm bút, tại sao đờn ông làm thì cho mà đờn bà thì không? Phái tánh của câu chuyện văn chương miệt dưới do đó thực sự hổng tạo nên vấn đề, nếu có cũng chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề chánh là đưa miệt dưới vào văn chương có thực sự cần thiết không, rồi đưa thế nào, bao nhiêu để đừng tạo tình trạng bão hoà nơi độc giả? Bão hoà đồng nghĩa với ớn. Ớn đồng nghĩa với nuốt hết dzô. Hàng họ của văn chương sẽ sanh ế ẩm vì nặng mùi, mùi của miệt dưới đã để lâu mà lại thiếu... tắm gội!
Tại sao lại rộ lên phong trào văn chương miệt dưới vậy cà? Có thắc mắc thế là có bàn tán sôi nổi, ý kiến ý cò xôm tụ hết biết. Tui xin phép nhắc lợi ở đây vài ý chánh, sai đúng hổng rõ, phải thành khẩn khai báo dzậy:
Văn chương miệt dưới là một dòng văn chương tuy ấn tượng nhưng bạo phát (nên sẽ) bạo tàn.
Văn chương miệt dưới nặng mùi, mùi của... miệt dưới.
Văn chương miệt dưới được viết để chứng tỏ chuyện thời thượng của tác giả, đã theo kịp trào lưu tư tưởng xã hội Tây phương, là giải phóng con người khỏi mọi gò bó kiềm chế bề ngoài (Tây nó tả chân thì mình cũng phải... tả cẳng).
Văn chương miệt dưới là một hình thức đốt giai đoạn, muốn tiến nhanh tiến mạnh (và tiến quờ quạng) của những cây bút chờ thời, chờ mờ mịt rồi nản quá bèn nắm lấy dịp may hổng thèm chờ nữa (và hồi hộp hy vọng mình sẽ khấm khá... lẹ).
Văn chương miệt dưới là dòng văn chương bí đề tài nên sanh chuyện biến chủng của những cây viết (tuy) đã thành danh (nhưng vẫn chưa... nên nết).
Văn chương miệt dưới của vài tác giả lại còn mang tánh cầu kỳ lập dị, nổi hứng làm màn sáng tạo ngôn ngữ, do đó chữ nghĩa thành lạ lùng hổng giống ai (ngay cả mười hai con giáp).
Văn chương miệt dưới là một hình thức để giải tỏa ẩn ức nội tâm (má ơi!).
Y hình một nhà văn lão thành đã bàn chuyện ăn chay ngả mặn của văn chương. Mèn ơi, ông nói hay lắm lận. Ý của ông tóm tắt như vầy: Văn chương gọi là chay khi đọc nó độc giả không hề (hay không thể) động lòng trần, cho dù súng đạn và gươm giáo có đứng chình ình ở trỏng đi chăng nữa. Văn chương gọi là mặn khi nó làm người ta động não, tưởng tượng quá xá quà xa, lùng bùng những chuyện hổng dính líu ăn nhậu chi với sự việc đang kể.
Văn chương ngả mặn và văn chương miệt dưới là anh em ruột thịt chăng? Dà, hổng có đâu, xin đừng nói thế mà chuyện ngả mặn của văn chương sẽ mất đẹp. Văn chương ngả mặn và văn chương miệt dưới hổng hề có họ với nhau, dám chúng còn hoàn toàn xa lạ hổng quen biết nữa lận. Theo cách bàn đề của nhà văn lão thành ở trên, văn chương miệt dưới dám có tác dụng ngược và trở thành văn chay hổng chừng, cho dù người ta đã cố ý và cố gắng nấu nướng nó với tùm lum thịt cá.
Một món ăn đầy thịt cá mà lại tạo ảo tưởng món chay thì kể như... xong! Là thất bại và thất vọng! Là bảo hoà và ớn ợn! Nhà hàng sẽ mất khách, đầu bếp sẽ mất việc! Văn chương kiểu đó là văn chương lãnh cảm, dùi đục chấm xì dầu, ế chảy ế thiu là cái cẳng!
Nếu được phỏng vấn thì tui xin thành thực khai báo, rằng đọc văn chương ngả mặn tui khoái hơn là đọc văn chương miệt dưới. Khổ cái ranh giới giữa hai dòng văn học ni coi vậy khó phân. Nó tùy thuộc vào cảm nhận của người đọc. Chữ cảm thế mà rắc rối dữ vì dính líu tới con tim, và con tim lại có những lý lẽ riêng của nó. Thành ra rồi y hình các nhà văn nữ khi được hỏi về khuynh hướng tình dục trong văn chương của họ, 100 bà hết 99 nhứt định lia lịa lắc (có ai nhận chưa vậy hè?).
Vậy rồi độc giả của văn chương miệt dưới là ai? Dà, độc giả ái mộ dòng văn chương miệt dưới có thể là những người ấm ức do... khí tồn tại não chăng? Vì bí quá kẹt quá, do đã hỗn loạn hoang mang với miệt dưới nên bằng bản năng sanh tồn, họ níu đại bất cứ thứ chi níu được đặng cứu vãn thời cơ, mục đích cho khỏi... chết đứng giữa dòng. Chi chớ đang đổ xăng nhớt mà nhớ tới văn chương miệt dưới thì ngó chừng vẫn hào hứng và an toàn trên xa lộ nhiều lần hơn là nhớ tới văn chương gối-mền cùng cơ chế của hệ thống bơm nước và thoát nước. Hẳn là dzậy. 
19/12/2005
Ngô Sắc
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...