Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

XXXXTự do sáng tác hay là cãi nhau vì miếng da gà

Tự do sáng tác hay là
cãi nhau vì miếng da gà?

Tôi hoàn toàn đồng ý với Trần Tâm Y [1] khi ông cho rằng cuộc tranh cãi giữa Trần Mạnh Hảo và Đỗ Minh Tuấn đã mang lại cho độc giả “hai giá trị lớn: 1) giá trị tư liệu (20 năm sau, các nhà nghiên cứu trẻ sẽ tìm thấy trong đó câu trả lời, vì sao “cái nước mình nó thế”, vì sao cái văn học nước mình nó thế!), 2) giá trị giải trí”. Nhờ có cuộc tranh cãi này mà chúng ta biết được rằng, lúc mới 26 tuổi, Đỗ Minh Tuấn đã liên hệ với ông Lê Đức Thọ, một nhân vật khét tiếng trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Đỗ Minh Tuấn viết như sau:“Tôi có quan hệ với ông Lê Đức Thọ từ năm 1978, trong tình thế buộc phải tự vệ trong cuộc đánh nhau với con trai ông Trường Chinh lúc ấy là bí thư chi bộ Viện triết học, người đã kỷ luật khai trừ Đoàn tôi vì tội tôi đã viết tập chuyên luận “Phúc thẩm án Juda” (cho rằng tôi ám chỉ Đảng là Chúa) và muốn đưa tôi đi cải tạo”. Để tự vệ chúng tôi đã gõ cửa các Ủy viên Bộ Chính trị trong đó có ông Lê Đức Thọ để kiện lại con trai ông Trường Chinh, sau đó có quan hệ với họ, đóng góp nhiều ý tưởng mới và giới thiệu nhân sự cho các vị này…”. Đấy là “trích ngang lí lịch tự khai” của ông Đỗ Minh Tuấn, ông Lê Đức Thọ nay đã không còn, ai tin thì tin, ai không tin thì thôi. Nhưng chỉ vì nghe lời mẹ:
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Dù ai nịnh bợ yêu chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
mà một người đầy tinh thần nghĩa hiệp như Phùng Quán phải thành ra thân tàn ma dại thì “Phúc thẩm án Juda” có thể là vật chứng để đưa chàng trai trẻ Đỗ Minh Tuấn vào nhà đá như chơi. Con ông Trường Chinh doạ đưa vào tù nên phải tìm đến cửa sau nhà ông Lê Đức Thọ, chuyện ấy chẳng có gì đáng nói. Đáng nói là cái quyền lực vẫn được những chiếc loa công cộng ngoài đầu ngõ ra rả suốt ngày là: “Của dân, do dân và vì dân” hoá ra lại là quyền lực của hai người: Trường Chinh và Lê Đức Thọ, một người có thể đưa đi tù chỉ vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, còn người kia có thể cứu. Khi cái bộ máy toàn trị, chuyên quyền, “vô pháp, vô luân” ấy lại nắm trong tay toàn bộ tài nguyên, tài sản của đất nước thì sự thể sẽ như thế nào?
Sự thể là cả nước có một nồi cháo chung (quốc hữu hoá, tập thể hoá) và phải có một Anh Cả, công minh chính trực không chê vào đâu được, sáng suốt không chê vào đâu được, kim cương cũng không lấp lánh bằng, đứng ra múc cho từng người vài bát mỗi bữa. Người ta trở thành những kẻ khốn nạn, những kẻ tráo trở chính là vì thế. Người xưa nói: “Vua lấy dân làm trời. Dân lấy ăn làm trời”. Khi tất cả mọi người đều phải ngửa tay nhận từng bát cháo mỗi ngày (tem phiếu, lương tháng chỉ đủ sống trong mười ngày cũng là “giấy hoá” cái sự chia cháo mà thôi) thì sự bon chen, giả dối, nịnh bợ, giẫm đạp lên nhau, thậm chí bước qua xác đồng đội để tiến lên phải trở thành lẽ đương nhiên. Ai cũng cần cháo, ai cũng muốn được leo lên nấc thang bên trên, thậm chí được phụ giúp trong việc chia cháo để được nhiều cháo hơn.
Ấy, nếu người cầm bút chỉ đói ăn, chỉ tham ăn thôi thì còn đỡ, người ấy có thể không thành công nhưng cũng thành nhân được. Khốn nỗi, có người, bên cạnh cái sự tham ăn còn tham cả danh nữa. Tham quá như thế nhưng mà lại yếu, lại hèn thì làm thế nào? Thì đành làm nho sĩ [2] , đành phò chính thống [3] , đành làm quan văn hay tự “ám” vào mình tâm lí quan văn với một cái mũi thật thính để đánh hơi xem ở đâu có mùi “dị giáo” là phát giác ngay. Thế cho nên Phạm Thị Hoài [4] mới viết: “Kinh nghiệm của bản thân tôi, với tư cách là một nhà văn hiện nay không được phép công bố tác phẩm ở trong nước, là: Chưa có một ông Ðảng hay một ông công an nào có cơ hội đọc duyệt tác phẩm của tôi cả. Bởi vì trước khi các vị đó sờ được đến bản thảo của tôi thì các đồng nghiệp của tôi ngồi ở những vị trí rất nhiều quyền lực đã kiểm duyệt hộ chính quyền từ khuya rồi!”. Trong cái hoàn cảnh như thế, không có ông Trần Mạnh Hảo này thì sẽ có ông Trần Mạnh Hảo khác; không có ông Đỗ Minh Tuấn này thì sẽ có ông Đỗ Minh Tuấn Khác. Thời đã thế thế thời phải thế! Tranh cãi về cái sự ai đã từng là tay sai cao cấp hơn, được tin dùng hơn thì có ích chi? Một độc giả của talawas đã ngờ rằng chính vì cuộc tranh cãi của các ông mà ông Hà Sĩ Phu [5] mới viết: “Văn hoá chửi” đấy. Có thể như thế lắm, nhưng nếu so sánh cuộc tranh cãi của các ông với cái sự chửi vì mất gà thì phải nói nhân dân, tám mươi triệu con dân Việt Nam mới là người mất, nhưng nhân dân chưa lên tiếng vì họ không biết chửi ai, họ chưa nhận thức được ai là người đã ăn cắp con gà mồ hôi nước mắt của mình. Nhiều lắm trong vụ này các ông cũng chỉ tranh cướp nhau có một miếng xương hay một tí da của con gà mà chủ của các ông đã ăn cắp được của nhân dân mà thôi; hai ông đều là những người thuộc loại “phương diện quốc gia”, to tiếng quá e rằng “quan trên trông xuống, người ta trông vào”.
Kể ra bộ máy cũng không đến nỗi “phí cơm toi” khi nuôi được những nhà văn nhà thơ như thế. Đã đói ăn vàng mắt lại bị bạn văn rình mò nhăm nhăm tìm cơ hội tố giác thì lấy đâu ra văn hay, lấy đâu ra văn “ngang tầm thời đại”? Đấy là lí do vì sao một số người cầm bút cho rằng quyền tự do sáng tạo của họ đã bị nhà nước, vì lí do khách quan, trưng thu; nay hoàn cảnh đã khác, nhà nước nên trả lại cái quyền đó cho họ. Lại một lần ngửa tay ăn xin nữa. Nhưng tự do không phải là cháo, không thể “sớt” một ít cho người này mà lại lờ người kia đi được, tự do phải là toàn bộ mà trước hết là tự do tư tưởng. Ta có thể xin chế độ toàn trị cho mình một ít tự do tư tưởng không?
Xin thưa ngay rằng không. Bộ máy toàn trị căm ghét nhất, đàn áp dữ dội nhất đòi hỏi tự do bởi vì nếu được tự do tư tưởng, tự do thảo luận thì trước sau gì người ta cũng phát hiện ra rằng cái quyền lực mà cha anh mình, hay chính mình đã đổ mồ hôi, thậm chí xương máu để giành lấy, nay đã nằm trong tay chỉ một nhóm người. Nhóm người ấy thông qua độc quyền chính trị mà chiếm luôn độc quyền quản lí, sử dụng và phân phối toàn bộ tài sản quốc gia. Họ không chỉ có đặc quyền mà có cả đặc lợi nữa, qua việc chia cháo như đã nói ở trên. Họ đã trở thành giai cấp hữu sản, giai cấp bóc lột, đã buộc cả một dân tộc làm nô lệ cho mình, ngang nhiên chiếm đoạt thành quả lao động của biết bao người khác. Xin nhớ sự chiếm đoạt không phải chỉ là chiếm đoạt trực tiếp, mà chiếm đoạt gián tiếp - nghĩa là lãng phí, là đầu tư thiếu tính toán, thiếu chuẩn bị, là mang cả tỉ Dollar rót cho những dự án biết chắc là sẽ lỗ chỉ vì dự án ấy nắm ở tỉnh mình, nhà máy lọc dầu Dung Quất là một thí dụ - còn gây ra hậu quả khủng khiếp hơn nhiều. Nếu nhân dân nhận thức được ai là kẻ đã ăn cắp con gà mồ hôi nước mắt của mình như thế thì nhất định họ sẽ lên tiếng, họ sẽ chửi. Ai mà không sợ tiếng chửi đó, ý dân là ý trời mà. Chỉ xin mở một cái ngoặc để nói rằng trước đây tôi đã từng được nghe một bà ca “bài ca mất gà” đó, nhưng dường như bà này còn cẩn thận hơn bà cô của ông Hà Sĩ Phu, bà ấy chửi như thế này: “tao chẻ làm tư, tao khảm xà cừ”, rồi bà ấy mới trói. Cái bộ máy đó đã nhập nội một học thuyết mà ông Hà Sĩ Phu [6] gọi đại ý là “Khổng giáo mới” và lập ra một triều đình phong kiến mới, cũng có vua, có quan, có đủ tước hiệu: công, hầu, bá, tử, nam, chẳng khác gì cách đây một hai thế kỉ. Trong cái triều đình đó có một ông Đại Công tước phụ trách “món” văn hoá – tư tưởng, văn học - nghệ thuật và kiêm luôn Tổng biên tập của tất cả các tờ báo in, báo nói, báo hình của quốc gia. Nếu chỉ xin khơi khơi như thế mà ông Đại Công tước - Tổng biên tập kia tháo dây xích ra ngay, ban phát ngay tự do cho các nhà văn, nhà thơ thì chẳng hoá ra ông ấy tự hất cái mâm cơm đầy sơn hào hải vị, kèm thêm vài chai Johnnie Walker hay Mao Đài của mình cũng như của tầng lớp mình đi à? Xin hỏi các ông bà nhà văn, các ông các bà có tự hất mâm cơm, dù khiêm tốn hơn, chỉ có cá kho và rau muống luộc của mình đi không? Không ai ban phát cho ai tự do, tự do cũng không thể xin mà được. Người ta chỉ có thể tranh lấy, giành lấy, thậm chí chết cho tự do mà thôi. Ở đây đang bàn đến tự do sáng tác nên xin không nói đến sự chết, vì chết thì chẳng thể sáng tác gì được nữa, chỉ xin nói đến sự tranh đoạt tự do. Trong tình hình chỉ có một ông Đại Công tước - Tổng biên tập như thế, người cầm bút có thể đoạt được tự do sáng tác bằng cách nào?
Nhà văn Nam Cao từng viết: “Trước khi đặt cái hôn lên miệng hoa của người yêu hãy nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã”. Trước khi nghĩ đến tự do sáng tác vào buổi tối hôm nay xin hãy nghĩ đến bát cháo vào buổi sáng hay buổi trưa ngày mai cho mình và cho cả vợ con nữa! Nhưng thật may là hiện nay một số người cầm bút, trong đó có thể có cả ông Trần Mạnh Hảo và ông Đỗ Minh Tuấn, đã không còn phải chăm chăm nhìn vào bát cháo trên tay ông Đại Công tước - Tổng biên tập kia nữa. Họ đã có nhiều cách kiếm cháo rồi, mà không chỉ cháo, nhiều người không những được ăn cơm, cơm thịt cơm cá đàng hoàng, mà còn có cả xe hơi nhà lầu nữa. Thế là xong một việc. Không cần cháo thì cũng chẳng cần đăng bài, chẳng cần đưa tác phẩm cho ông Đại Công tước - Tổng biên tập kia duyệt. Tác phẩm viết ra có thể để vào ngăn kéo, năm mười năm nữa công bố cũng đâu có muộn (các nhà văn Liên Xô trước đây đã từng làm như thế), hoặc xuất bản theo lối samizdat, hay công bố trên Tiền Vệ, talawas…, độc giả còn đông hơn những quyển sách xuất bản có một ngàn cuốn mỗi lần như hiện nay. Tiền nhuận bút để mua cháo, theo đúng nghĩa đen của từ này, dĩ nhiên là không có, nhưng như trên đã nói, muốn có tự do thì phải thôi cháo, muốn cả hai thì lại hoá ra “có voi đòi tiên” à. Đấy là tôi mới dùng cái “logic của dịch vị dạ dày” mà phân tích thôi. Dĩ nhiên là nhà văn nhà thơ cũng cần ăn và vì miếng ăn mà thường bị xỏ mũi, chuyện đó thông cảm được. Nhưng người ta còn bị kẻ khác xỏ mũi, kẻ khác tước đoạt hết tự do vì có cái Ngã, vì có cái Tôi quá lớn nữa. Mà cái Ngã thì lắt léo lắm, đành rằng là miếng ăn, nhưng miếng ăn kiếm được do buôn bán, do làm lụng, do đánh quả, mánh mung mà có và ăn trong xó bếp nhà mình thì không sang. Phải là ăn giữa chợ, ăn trước bàn dân thiên hạ thì mới oai, mới sang, mới sướng. Phải là ngồi ăn cùng với anh A., anh B. rồi về khoe với bạn bè, rồi về lên mặt với vợ con thì mới “thoả được cái chí tang bồng”. Tinh vi hơn một lớp nữa, ấy là những người không cần bổng lộc hữu hình, không cần ăn với ai hết. Họ chỉ cần những cái vỗ vai, những cái bắt tay, những tấm ảnh hay một dòng lưu bút, của người sang, dĩ nhiên rồi! Hẳn bạn đọc đã từng trông thấy những sĩ phu mặt mày rạng rỡ vì được một Nữ-Tử-tước-cả-năm-không-đọc-một-cuốn-sách-nào trao cho giấy khen hay phần thưởng nhân một cuộc thi nào đó. Hẳn bạn đọc đã thấy những nhà văn, nhà thơ hội viên Hội nhà văn Việt Nam không tác phẩm, hay có tác phẩm mà không có độc giả; họ chỉ có một cái thẻ và cái danh thiếp để đi đâu thì trưng ra cho oai; hẳn bạn đọc cũng đã thấy có người lấy làm tự hào mà khoe (đôi khi chỉ làm như vô tình nhắc đến) những chuyện mà một người có học, một người có lòng tự trọng cao phải lấy làm xấu hổ, phải giấu đi. Cái Ngã của những người này đã nhỏ nhiệm hơn, tinh vi hơn, nó chỉ cần những cái vuốt ve thật nhẹ, nó có thể mỉm cười một mình và lẩm bẩm: “Ta đã được…”. Những người như thế sẽ không bao giờ đạt được tự do, đấy là nói thứ tự do thuần khiết, tự do của tâm hồn chứ không phải thứ tự do “thô” có thể xin được, không phải thứ tự do là không còn dây xích dành cho đám đông; khi kêu gào không được tự do sáng tác có thể họ chỉ muốn người ta kéo dài sợi dây xích ra hay thay sợi dây xích sắt bằng sợi dây xích vàng mà thôi. Hỡi ôi, nói tự do với những người như thế khác nào “đem đàn mà gảy tai trâu”, không chừng còn bị nó húc cho lòi ruột ra ấy chứ! Phạm Việt Vinh [7] đã viết rất đúng rằng: “Người ta chỉ có thể giải thoát những nô lệ thể xác, chứ không thể giải phóng những tâm thức nô lệ một cách tự tin. Dân chủ không thể lọt vào những ai nô lệ mà vẫn tự hào tưởng mình là chủ!”.
Tự do đối với một công dân bình thường thì dĩ nhiên là: Được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nhưng với người cầm bút thì TỰ DO phải là quá trình khai sáng, quá trình thành nhân, quá trình tự giải thoát khỏi tất cả mọi sự ràng buộc, mọi sự lệ thuộc, cả hữu hình và vô hình, chứ không phải là việc cầu xin, đòi hỏi như một số người vẫn tưởng và đang làm lâu nay. Immanuel Kant [8] đã viết: “Khai sáng là sự vùng thoát của con người khỏi tình trạng lệ thuộc mà anh ta đã tự cột mình vào. Tình trạng lệ thuộc là khi người ta không có khả năng sử dụng được trí tuệ của mình nếu không có sự giám hộ của kẻ khác. Tình trạng lệ thuộc tự cột là khi người ta có trí tuệ nhưng không đủ quyết tâm và dũng khí để sử dụng nó nếu không có sự giám hộ của kẻ khác”. Như vậy, muốn có tự do trước hết phải có trí tuệ, có tư tưởng, phải suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình, phải là không a dua theo đám đông dù đám đông có vác theo bất cứ lá cờ nào, không “ăn theo nói leo” các thứ nghị quyết, các thứ trào lưu vừa học mót được, còn chưa tiêu hoá kịp. Muốn được tự do thì phải coi sáng tác như là một cuộc chơi, sáng tác phải không vụ kết quả, không cần reo rắc ảnh hưởng cho bất kì đám đông nào. Ảnh hưởng có thể xảy ra, nhưng tác giả phải là tuyệt đối “vô vi”, tác giả phải đứng trên và độc lập với mọi đám đông. Người cầm bút phải là người sống trong trong xã hội nhưng không để cho xã hội sống trong mình, không để cho các thứ đám đông, các tên hoạt đầu, các lãnh tụ tự phong đủ mọi loại lôi kéo thì mới mong giành được tự do trong sáng tác. Trước mặt người nghệ sĩ, trước mặt nhà văn, nhà thơ chỉ:
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng
(Thơ Nguyễn Duy)
Tự do phải là cái gì đó rất cao quí, nó phải là núi Chúa Tu Di, trùm lên tất cả mọi nhu cầu khác trên đời, không có nó mọi thứ khác đều trở thành vô nghĩa. Nhà thơ Petofi đã viết:
Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hiến dâng tình ái.
(Bản dịch của Xuân Diệu)
Nếu tự do đã “ngấm sâu” đến như thế, đã trở thành máu thịt của chính mình như thế thì cần gì phải ngửa tay xin ai nữa?
Nhưng biết đến bao giờ người cầm bút xứ ta mới đạt đến trạng thái tâm thức ấy? Hiện thời, đáng tiếc thay, người ta mới chỉ thấy những nhà văn nhà thơ lớn giọng đòi, lớn giọng trách cứ vì bị ai đó trói buộc, vì bị ai đó tước đoạt mất tự do và cho rằng chính vì thế mà văn mình mới thành chẳng ra gì. Kể ra đấy cũng là đòi hỏi hợp lí, rất đáng được thông cảm, nhưng chỉ sợ rằng khi cái thế lực đang giam hãm họ bỗng nhiên biến đi thì những người lớn tiếng đòi kia sẽ lại rơi vào vòng nô lệ của những thế lực khác, thế lực của đồng tiền chẳng hạn. Khi đó không biết họ sẽ kêu ai và kêu như thế nào? Nhưng tệ hơn hết là những lời rủa xả nhau, bêu riếu nhau, lăng nhục nhau, đang đầy rẫy cả trên báo viết và báo mạng. Một bạn đọc [9] đã gọi đó là văn hoá “ngựa”, tôi hiểu là cách ứng xử của những kẻ sẵn sàng cho người ta cưỡi lên đầu lên cổ. Than ôi, nếu làng văn, làng báo của chúng ta chỉ rặt một lũ “ngựa” hay một lũ người chỉ biết kêu, chỉ biết ngửa tay xin như thế, thì thử hỏi họ đã vượt qua giai đoạn vị thành niên chưa? Hay tất cả vẫn còn là trẻ con như Tản Đà đã viết:
Dân hai mươi triệu ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con
Nếu chỉ vì tranh nhau một miếng xương hay một miếng da gà mà hai ông văn sĩ, thi sĩ “vua biết mặt, chúa biết tên” lớn tiếng mạt sát nhau, sẵn sàng thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau như một bọn mục đồng như thế thì đến bao giờ, hỏi đến bao giờ người Việt Nam mình mới có thể ngẩng mặt lên với thiên hạ được?
Chú thích:
[1] Trần Tâm Y. Ý kiến ngắn, talawas. 9.6.2005
[2] Phạm Minh Ngọc. “Nhà văn và Hội nhà văn”, talawas, 22.4.2005
[3] Phạm Thị Hoài. Tư cách của trí thức Việt Nam (Bài nói chuyện tại Berlin tháng Mười 2000)
[4] Phạm Thị Hoài. Bài đã dẫn
[5] Hà Sĩ Phu. “Văn hóa chửi”, talawas 3.6.2005
[6] Hà Sĩ Phu. “Chia tay ý thức hệ”
[7] Phạm Việt Vinh. “Ánh mắt Praha”, talawas. 9.0\6.2005
[8] Immanuel Kant. “Trả lời câu hỏi: Khai Sáng là gì?” Phạm Minh Ngọc dịch, talawas 2.3.2004
[9] Ý kiến ngắn, talawas 28.5.2005.

17/6/2005
Phạm Minh Ngọc
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...