Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

XXXXCó nên quá khiên cưỡng khi đọc một tác phẩm văn chương

Có nên quá khiên cưỡng khi
đọc một tác phẩm văn chương?

Ðọc “Bóng đè” của Ðỗ Hoàng Diệu
Từ trước tới nay chúng ta đọc tác phẩm trên câu chữ. Ðây là một hiển nhiên không phải bàn cãi. Nó quan trọng như cái cổng vào của ngôi nhà. Thông thường người ta không mấy chú ý tới cái cổng đó, vì theo họ, nó không ăn nhập gì với ngôi nhà. Cái mà người ta quan tâm tới đầu tiên là vẻ ngoài hay kiến trúc tương quan của ngôi nhà. Vẻ ngoài sang trọng có nghĩa gia chủ của nó là một người hiểu biết và hẳn ít nhiều cũng phải sang trọng. Cái cổng thì chưa là gì cả. Song, muốn vào nhà không thể không qua cổng bất kể gia chủ thuộc tầng lớp người nào. Ðọc tác phẩm là bước qua cổng. Câu chữ là khung cổng. Câu chữ của Ðỗ Hoàng Diệu trong “Bóng đè” là một khung cổng không tường minh song lại rất tiện nghi liên hoàn.
Nghĩa là…?
Nghĩa là câu chữ chỉ là những ẩn dụ. Đỗ Hoàng Diệu không gọi tên trần tục của sự việc. Vì ngại ngùng? Vì tránh né? Vì cái duyên “Ngôn” bắt buộc của phụ nữ? Tôi nghĩ đơn giản hơn vì đó chỉ là ngôn ngữ thuần tuý cảm giác. Giữa cảm giác và trải nghiệm có khoảng cách. Giống như giữa việc đi ngoài trời nắng 39 độ và bị sốt cảm 39 độ vậy. Sự khác nhau nằm ở chỗ cái này nằm ở bên ngoài vào còn cái kia nằm ở bên trong phát ra. Vậy cái gì là thật? Cả hai đều là thật nhưng cảm giác thì là tưởng tượng và không nhất thiết phải được kiểm chứng. Mỗi người sẽ có cách trải nghiệm riêng. Ðọc “Bóng đè’’ người có nội tâm dữ dội không chịu được cảm giác hình như trong đó có mình, những câu chữ kia hình như cũng mang cảm giác của mình. Còn người rụt rè hơn thì nghĩ rằng đó là cuộc nổi loạn ngoài sức tưởng tượng của bản thân. Người thứ nhất sẵn sàng chấp nhận, người thứ hai thì có lẽ chẳng đọc thêm lần nào nữa hay có đọc lại thì cũng là để xem mình có sai lầm nhiều trong việc phủ nhận hay không mà thôi. Ðiều này có nghĩa là hai người đã giải mã tác phẩm theo hai cách khác nhau. Và cả hai đều đúng. Nói như vậy, tôi muốn nói là các nhà bình luận hay những người đọc khi đưa ra ý kiến của mình về tác phẩm đều có cách giải mã riêng, nên không nhất thiết chúng ta phải tranh cãi xem ai đúng ai sai và cách hiểu của ai là khả quan nhất. Tranh cãi như vậy, chúng ta chỉ làm cho tác phẩm giống như một thứ hàng hoá đang được đấu giá chứ không phải là một sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn. Ðọc tác phẩm trước nhất không phải để tìm xem nó mới ở chỗ nào, kỹ thuật ra sao mà trước nhất hãy xem nó có phù hợp với những tiêu chí của bản thân ta hay không, ta có chấp nhận nó hay không, sau đó hãy xem cái gì khiến bản thân ta chấp nhận nó. Việc thứ nhất tức là việc ghép các thông tin chúng ta nhận được trong tác phẩm vào các mã mà chúng ta đặt ra sẵn. Phù hợp có nghĩa là ta đã chấp nhận. Không - có nghĩa chúng ta không chấp nhận. Sức sống của tác phẩm nằm ở chỗ nó được nhiều độc giả chấp nhận chứ không nằm ở việc chúng ta bầu bán nó thế nào? Ðơn cử là cuốn Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm chẳng hạn. Nếu người đọc (tôi không gọi là độc giả để muốn phân biệt những người đọc thường xuyên, chuyên nghiệp với những người chỉ đơn giản là đọc) không cảm thấy trong tâm hồn của người chiến sĩ ấy cũng có những điểm giống tâm hồn mình thì cuốn sách liệu có khơi lên được những tình cảm của không chỉ một thế hệ đang qua đi trong quá khứ hay không, và có thể trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều người, kể cả những người trẻ hiện đại hay không? “Bóng đè’’ của Ðỗ Hoàng Diệu cũng thế. Nếu người ta đọc xong và quẳng ngay cuốn truyện vào một góc thì sẽ không nổ ra những tranh luận rầm rộ trên khắp báo chí như thế. Nhân đây cũng nói luôn rằng, không mấy khi trong nền văn học hiện đại của chúng ta lại có tác phẩm được bàn cãi nhiều như cuốn truyện này. Lời khen rất nhiều nhưng lời chê cũng không phải ít. Nguyên nhân có lẽ chính là nằm ở những ẩn dụ vốn dĩ đã gây ra nhiều ý tưởng không mấy tường minh kia. Diệu gom quá nhiều cảm giác vào các chi tiết, lại chuyển tải nó trong một khuôn chữ hẹp của loại thể truyện ngắn nên tự dưng nó hoá mập mờ với người đọc và gây ra nhiều cách hiểu không giống nhau. (Nếu chuyển vào một khung tiểu thuyết thì chắc mọi điều sẽ tường minh hơn chăng?) Ðiều đó lại chứng tỏ, độc giả của chúng ta đang giải mã các tác phẩm của chúng ta theo nhiều hướng khác nhau. Tốc độ sàng lọc các chân giá trị lý luận cũng theo xu hướng đó mà nhanh hơn chăng? Dù sao thì đó cũng là một tín hiệu phản hồi rất đáng mừng đối với các nhà văn.
Quay lại với Ðỗ Hoàng Diệu. Cái mà Diệu viết ra là những gì Diệu cảm thấy trong cuộc sống. Có tình cảm của cô ấy, có sự nỗ lực vươn lên của cô ấy từ sâu thẳm trong tâm hồn chứ không chỉ dừng lại ở mỗi sự nỗ lực vượt lên về kỹ thuật. Vậy nên muốn viết được, có thể, người viết phải viết cho bản thân mình trước khi nghĩ tới việc viết cho người khác. Vì là mình thì mới thật và có thật với mình thì mới thật với người khác. Kỹ thuật quan trọng nhưng không là cái để người ta bắt đầu khi đặt bút viết.
Ta hãy dừng lại ở việc Diệu đã viết những gì.
Diệu viết về đời sống nội tâm của một phụ nữ trẻ là vợ, là con dâu, và là một người đàn bà. Trong vai con dâu, cô gái gánh trên vai tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai của gia tộc nhà chồng. Trọng trách này quá lớn. Song tiếc là phải chấp nhận. Chấp nhận ít nhất là 11 lần về giỗ mỗi năm, chiếc phản kiên cố giữa nhà, khung cửa gian chính mở toang, ánh mắt cay nghiệt của mẹ chồng, thái độ khinh khỉnh của em chồng và nhất là bắt buộc phải chấp nhận tấm lưng trắng phau đầy ngăn cấm của chồng. Người con dâu ấy đã hoàn toàn là khách theo nghĩa là một người xa lạ trong nhà và là một sinh thể hiến thân theo nghĩa là gánh hộ trọng trách sinh tử cho tất cả những người khác. Diệu đã làm được việc là diễn tả khá sâu sắc tình cảm này bằng những chi tiết thuộc về cảm giác. Nó khiến ta như đang trải nghiệm cùng với nhân vật vậy. Tôi thích cách sử dụng chi tiết của Diệu. Tôi nghĩ, mỗi chi tiết Diệu đều lựa chọn rất kỹ lưỡng và nhất thiết mỗi chi tiết Diệu đều cho nó một ý nghĩa nào đó. Ngay như bông hoa vải cầu kỳ trên ngực áo mà Diệu miêu tả trong đoạn nhân vật “tôi” chạy ra khu mộ cũng gợi cảm giác đơn độc lạc lõng, giống như “tôi” trong chính gia tộc nhà chồng vậy. Càng cô độc cô gái càng bị ám ảnh về bổn phận. Nếu ta xâu chuỗi các chi tiết theo thứ tự về hình ảnh cái bóng xuất hiện từ lúc cô gái có cảm giác về nó trong một buổi trưa hè oi bức thời còn con gái, rồi cái bóng của người chồng chưa cưới và sau là bóng đen của những người đàn ông trong gia tộc, bóng của ông bố chồng… ta sẽ nhận ra cái gì đó như một thứ tiền định, như một cuộc lựa chọn áp đặt của số phận. Các nàng dâu trong cuộc đời thực sẽ hiểu cảm giác này hơn các ông chồng. Với Diệu, trong vai một nàng dâu hiện đại, tôi hiểu đó có thể là một mối trăn trở chưa được giải đáp nên nó cứ ám ảnh, cứ băn khoăn mãi, mà cũng có thể đó là một thứ mà Diệu chưa làm thế nào để hiểu được, rằng tại sao người phụ nữ lại là người gánh vác những trọng trách ấy chứ không phải là ai khác. Vì đây là người con dâu của thế hệ phụ nữ hiện tại chứ không phải là thế hệ con dâu của quá khứ, cả đời chỉ giam mình trong hạnh phúc được thực hiện bổn phận và trách nhiệm, nên cô ấy có quyền được nói tiếng nói của mình, được nói ra cảm xúc thật của mình như là một đòi hỏi đủ đầy. Nữ quyền, theo tôi, chính là ở chỗ đòi hỏi được chia sẻ tình cảm. Ðây là điểm khác biệt quan trọng giữa cô gái và bà mẹ chồng cũng như người em chồng. Nhưng như thế, khoảng cách giữa “tôi” và những người phụ nữ khác trong gia đình ngày càng xa. Ðiều này lý giải một phần lý do tại sao “tôi”, về sau, lại chấp nhận và dần ham thích những dịp giỗ tết đến thế. Tôi nghĩ, việc xảy ra giữa cô con dâu và bóng ma nhà chồng chỉ là một thứ ám ảnh tượng trưng cho bổn phận và trách nhiệm chứ không phải là một thứ “tội tông tổ”. Trong Kinh Thánh, việc gọi là “tội tông tổ” là tội mà Eva và Adam đã vi phạm quy định của Thượng đế về trái cấm trong vườn địa đàng do nghe lời xúi giục của con rắn và bị Thượng đế đuổi xuống trần gian, bắt sống cuộc sống kham khổ, chứ không liên quan tới “bản thể luận” hay “những biểu hiện của dục tính”. Nếu hiểu một cách trần trụi thì có thể hiểu cuộc cưỡng bức của bóng đen ấy giống như là tội loạn luân giữa bố chồng và con dâu (trong đời sống không thiếu những sự kiện kiểu như vậy), nhưng ở “Bóng đè’’ thì nó không hẳn như thế. Bóng đen chỉ là một thứ ám ảnh tượng trưng. Và như thế thì, tôi nghĩ, không thể đặt ra cái gọi là “tội” ở đây được vì thực chất thì nhân vật “tôi” trong tư cách là người con dâu kia không có “tội”.
Với chồng, “tôi” lại càng cô đơn thật sự. (“Tôi” chủ yếu được miêu tả trong quan hệ với chồng ở khía cạnh đời sống riêng). Ở 2 điểm. Thứ nhất là đòi hỏi bản năng ở “tôi” quá mạnh. Nhiều khi nó đẩy “tôi” vào những khao khát dồn nén mà không được đáp ứng. Sự lạnh nhạt của người chồng chính là một tác nhân quan trọng khiến “tôi” càng lúc càng quẫn bách, càng lúc càng tơ tưởng tới những cảm xúc mà bóng ma mang tới. Ðiểm thứ hai là đòi hỏi hoà hợp tâm hồn. Anh ta là một con người khác khi trở về nhà mẹ. Ðiều này thật ra có thể tha thứ được vì đó là trách nhiệm và bổn phận con trưởng trong gia tộc. Nhưng khi trở lại với cuộc sống vợ chồng, anh ta cũng không hiểu được những thay đổi của vợ chứ không nói là những đòi hỏi bên trong. Anh ta dần cách xa vợ về thể xác và tâm hồn. Tất nhiên, người vợ - “tôi” - bỗng như người cô quả, một mình phải đấu tranh chống lại bóng đen của quá khứ và đối mặt với chính những đòi hỏi của bản thân mình. Tôi nghĩ Diệu thông minh trong cách biểu hiện mối quan hệ này bằng các chi tiết “bên trong” (cảm giác). Các chi tiết cho ta cảm nhận thấy ngay cảm xúc mà nhân vật đang có. Không biết đây có phải là ưu điểm của “dòng văn học tự vấn” (theo các nhà phê bình) hay không nhưng quả thật những cảm xúc được “tả” ra, ở “Bóng đè’’, cho ta cảm giác như đang trải qua nó vậy. Ðiều này có nghĩa là người đọc đã được sống cùng với nhân vật. Ở “Bóng đè’’, trong tất cả các câu chữ có tính miêu tả sự kiện (ví dụ như những hành động gợi tính dục hay các cuộc làm tình), phần nhiều Diệu không gọi tên chính xác sự kiện mà chỉ làm những ẩn dụ. Nó cho ta thấy rằng Diệu đang nói tới chuyện gì chứ không phải đang sa vào miêu tả chi tiết, cặn kẽ chuyện đó. Có lẽ đấy mới là cái mà Diệu gọi là “vỏ bọc”. Tôi sẽ không đề cao quá chuyện này nhưng chỉ muốn nói rằng không phải việc nói về “chuyện đó” có nghĩa là “sex” như nhiều người trong chúng ta đã từng coi là thế. Cái chúng ta nói ra lời và chúng ta muốn thể hiện đôi khi không trùng khớp nhau. Phải xem chúng ta đang nói về việc gì thì mới biết cái chúng ta muốn biểu hiện là cái gì. Ðiều này cũng lý giải tại sao cái mà chúng ta (người Việt) coi là “sex” khác với người nước ngoài coi là “sex”. Cái sex kiểu như trong Phế đô của Giả Bình Ao hay Báu vật của đời của Mạc Ngôn (Trung Quốc) hoặc gần với cây bút nữ trẻ của chúng ta hơn là Ðiên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ (Trung Quốc) lại dễ được chúng ta chấp nhận hơn là cái sex của Ðỗ Hoàng Diệu. Tại sao vậy? Phải chăng chúng ta chưa đủ dũng cảm thừa nhận trong bản thân chúng ta có yếu tố đó và đơn giản yếu tố đó cũng chỉ là một nhu cầu của đời sống cần được thể hiện? Ðấy là chưa nói, chúng ta nhiều khi đã hiểu sai nó và diễn đạt sai yếu tố đó, thành ra nó lại được hiểu như một yếu tố để “gây sự hấp dẫn”, “lôi cuốn trí tò mò của độc giả”. Do vậy chúng ta còn rụt rè khi tiếp nhận một Vi Thuỳ Linh trong thơ hay đang nóng hổi nhất là Ðỗ Hoàng Diệu trong truyện ngắn.
Quay trở lại với “Bóng đè”. Hình ảnh đôi bàn tay của nhân vật “tôi” cho tôi nhiều suy nghĩ hơn cả và có lẽ chính nó lại nói nhiều hơn cả trong câu chuyện này. Ðôi bàn tay rất đặc biệt. Nó “không thay đổi theo thời gian”, nó được ví với cọng cỏ với đầy đủ tính chất của cỏ (mềm đấy nhưng phải là liềm sắc mới cắt nổi). Diệu nhắc tới đôi bàn tay không chỉ một lần. Tôi nghĩ nó cho ta một thông điệp ẩn dụ về tâm hồn “tôi” chứ không thể trượt ra ngoài một cách “thô”, mặc dù có thể nhiều lúc nó cho người đọc một cảm giác bị lạc khỏi mạch cảm xúc. Ðôi bàn tay giống như một thứ bản lề nối hai mặt tâm hồn của “tôi” lại để cho nó cùng nằm trong một bản thể “tôi”, tuy đối chọi, tuy trái nghịch nhưng vẫn là một bản thể không thể tách rời. Nó bắt buộc tâm hồn “tôi” phải dung hoà. Sản phẩm của sự dung hoà ấy là cái thai trong bụng cô gái. Ðứa trẻ thoả mãn yêu cầu gia tộc, tức là cô gái đã làm tròn bổn phận. Ðiều đó đồng nghĩa với việc “cuộc tình” với bóng ma chấm dứt. Cô gái được trả về hiện tại và thuộc về tương lai. Bản năng dục tính nằm yên nhường chỗ cho bản năng nữ tính. Ta có cảm giác cô gái yên ổn. Bàn tay đã thành một phần của con người này theo nghĩa gắn bó tâm hồn chứ không chỉ là một phần của thể xác. Mỗi khi tạo ra một chi tiết, chắc chắn người viết không muốn nó thừa ra khỏi hệ thống các chi tiết của mình. Bao giờ nó cũng mang một nghĩa nào đó và để nói hộ nhân vật hay nhà văn một điều gì đó, nếu không chi tiết đó “chết” ngay khi nó được đặt ra lần đầu tiên. Vì thế mới có cách tìm hiểu tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài thông qua số lần và mỗi lần xuất hiện tiếng sáo. Ðây là một cách tiếp cận văn bản, thông thường ít người nghĩ tới. Với người chỉ đọc tác phẩm thì càng không vì hầu hết họ nhìn văn bản theo cách mà người xem tranh nhìn một bức tranh, chỉ cần biết bức tranh vẽ gì là đủ. Còn nếu chúng ta nhìn văn bản như một bài toán thì mọi dữ kiện bài toán đó đưa ra không thể là thừa. Tôi chỉ muốn nói rằng, đối với tác phẩm văn học chúng ta không nên khiên cưỡng ghép nó vào một nhận định cơ chế nào đó, bắt nó nhất thiết phải mang một thông điệp có tính nhân loại học nào đó. Vì thực chất, không phải tác phẩm nào cũng chứa đựng thông điệp nhân loại và không phải nhà văn nào cũng nói được tư tưởng của thời đại. Họ chỉ nói ra và viết ra quan điểm cũng như suy nghĩ của họ về cuộc sống ở thời hiện tại. Có thành thông điệp hay không còn tuỳ thuộc vào việc nó thích nghi với thực tế bạn đọc như thế nào. Thực chất thì cô gái của Diệu trong “Bóng đè” là cô gái của hiện tại cũng như Diệu là một người phụ nữ của hiện tại vậy. Cô gái ấy chỉ sống với cảm giác về quá khứ chứ không thuộc về quá khứ. Cho nên tốt nhất đừng bắt cô gái ấy gánh những “tội” của quá khứ và nhất là đừng bắt cô gái mang bóng hình quá lớn của dân tộc chúng ta, dân tộc vốn đã có không ít những đau thương.
Ðến đây, tóm lại, cái hiện ra và cái ẩn đi trong phép ẩn dụ của Diệu là gì nếu tôi, ngay từ đầu, đã khẳng định câu chữ của Diệu là ẩn dụ? Cái hiện ra là những gì ta thấy trên câu chữ, là chuyện của cô gái bao gồm cái bóng, bàn thờ, 11 ngôi mộ, chồng, mẹ chồng, em chồng, các đám giỗ… Còn cái ẩn đi, tôi hiểu, là những đòi hỏi được chia sẻ và đền đáp tâm hồn, là mối băn khoăn trăn trở của cô gái hiện đại về trách nhiệm và bổn phận cũng như cuộc đời mình. Cái hiện ra ở “Bóng đè” tuy không mấy tường minh nhưng có lẽ vì thế mà cái ẩn đi lại có nhiều đáp số khác nhau. Song không nên quá khiên cưỡng khi đọc một tác phẩm theo nghĩa là phải khoác cho nó một tấm áo quá lớn không mấy thích ứng với thể tạng của nó. Những gì mà Diệu viết ra đã nói được nhiều về những gì cô không viết. Ít nhất thì cũng là những gì mà ta đã đọc được trên trang viết.
Ðỗ Hoàng Diệu là một người viết, theo tôi, khá bạo dạn. Tất nhiên không thể không có những thiếu sót nhưng Diệu viết khá hiện đại và cá tính. Con đường văn chương của cô, đúng như một nhà phê bình đã nói trên vietnamnet, là đang ở phía trước chứ không phải những gì đã có ở quá khứ. Ai cũng trưởng thành dần lên khi được thử thách và với nhà văn thì là khi có được những sản phẩm của riêng mình. Diệu trẻ đồng nghĩa với việc Diệu có khả năng thử thách bản thân mình. Hãy để cô ấy trải nghiệm như một nhu cầu của người trẻ.

29/11/2005
Trần Thị Thanh Thủy
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...