Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Ðối thoại với ẩn dụ của Trần Thị Thanh ThủyXXX

Ðối thoại với ẩn dụ của
Trần Thị Thanh Thủy

Chữ “ẩn dụ”, trong bài "Có nên quá khiên cưỡng khi đọc một tác phẩm văn chương" của Trần Thị Thanh Thủy (TTTT) được in đậm. Và tôi muốn đối thoại với TTTT qua chữ này. Nó dường như được TTTT xác định là trung tâm của bài viết và các sự diễn giải của TTTT nhằm củng cố nội hàm của từ này, theo cách hiểu của TTTT.
TTTT viết: "Từ trước tới nay chúng ta đọc tác phẩm trên câu chữ. Ðây là một hiển nhiên không phải bàn cãi. Nó quan trọng như cái cổng vào của ngôi nhà. Thông thường người ta không mấy chú ý tới cái cổng đó, vì theo họ, nó không ăn nhập gì với ngôi nhà. (...) Cái cổng thì chưa là gì cả. Song, muốn vào nhà không thể không qua cổng (...). Ðọc tác phẩm là bước qua cổng. Câu chữ là khung cổng. Câu chữ của Ðỗ Hoàng Diệu trong “Bóng đè” là một khung cổng không tường minh song lại rất tiện nghi liên hoàn. Nghĩa là câu chữ chỉ là những ẩn dụ".
"Câu chữ là khung cổng" - Tôi cho TTTT cũng đang dùng cái cổng/ khung cổng như một ẩn dụ. Cổng - được so sánh như là cái vỏ ngôn ngữ của tác phẩm. Và nó được TTTT nhận định: "Thông thường người ta không mấy chú ý tới cái cổng đó, vì theo họ, nó không ăn nhập gì với ngôi nhà. (...) Cái cổng thì chưa là gì cả".
Người ta là ai? Chắc là một số đông. Trong đó có TTTT không? Nhưng trong đó, tôi biết không có tôi.
Ðối với tôi, câu chữ là những viên gạch (và bao gồm cả những vật liệu xây dựng như vôi, xi măng, gỗ, sắt thép và những kim lọai khác, kính, sơn,...) xây dựng nên ngôi nhà tác phẩm. Vật liệu xây dựng có chắc chắn, đẹp đẽ mới có thể dựng ngôi nhà mỹ thuật, tiện nghi. Vật liệu như rơm trộn bùn thì chỉ làm được mấy chái bếp lụp xụp. Vật liệu tranh, tre, nứa, lá thì chỉ làm được mấy gian nhà nhỏ đủ che nắng che mưa... Có thể xây dựng lâu đài bằng vật liệu rẻ tiền được không? Ẩn dụ/ phép so sánh này (nếu có thể gọi như thế) hơi thô thiển và khập khiễng nhưng tôi chưa tìm được ẩn dụ bay bướm mà lại gần với sự vật định diễn tả hơn. (Nếu quý vị nào cho tôi biết một ẩn dụ/ phép so sánh tốt hơn, tôi rất cảm ơn).
Ẩn dụ/ phép so sánh của TTTT khác tôi một chút, dựa trên cái cổng và ngôi nhà. Tôi rất băn khoăn về tính tương xứng của cặp phạm trù này. Bởi tôi chưa được biết những ngôi nhà đẹp, sang trọng với cái cổng xấu xí, xập xệ. Có thể tách rời cái cổng ra khỏi ngôi nhà không?
Và tôi cũng chưa được biết những kiệt tác văn chương có ngôn ngữ và cách diễn đạt tồi (rối rắm, khó hiểu, lộ cộ hoặc giản đơn ngô nghê...).
Qua TTTT, tôi còn được biết thêm một khái niệm, đó là "ngôn ngữ thuần tuý cảm giác" (chữ cảm giác cũng được in đậm). Khái niệm này được TTTT diễn giải bằng một số câu, nhưng với tôi, nó không làm sáng tỏ thêm: "Ðỗ Hoàng Diệu không gọi tên trần tục của sự việc. Vì ngại ngùng? Vì tránh né? Vì cái duyên “Ngôn” bắt buộc của phụ nữ?". Ơ, thế tức là Ðỗ Hoàng Diệu gọi tên thanh cao/ hoa mỹ/thoát tục... (đối lập với "trần tục") của sự việc chăng? Hay Ðỗ Hoàng Diệu đã không cần gọi tên sự việc mà chỉ cảm giác nó, rồi qua "ngôn ngữ thuần tuý cảm giác" truyền tới TTTT? Với tôi, kiểu cảm nhận văn bản này quá siêu hình.
TTTT viết tiếp: "Giữa cảm giác và trải nghiệm có khoảng cách. (...) Sự khác nhau nằm ở chỗ cái này nằm ở bên ngoài vào còn cái kia nằm ở bên trong phát ra. Vậy cái gì là thật? Cả hai đều là thật nhưng cảm giác thì là tưởng tượng và không nhất thiết phải được kiểm chứng".
Cảm giác và trải nghiệm, có khoảng cách? Hẳn rồi. Nhưng có phải cảm giác thì "nằm ở bên ngoài vào"? Khi tôi ăn ớt, cơ quan cảm nhận vị giác của/trong tôi báo cho não tôi biết: cay; hay cái cảm giác cay tôi nhận được đã có sẵn từ bên ngoài, sau đó truyền vào tôi?
Và có phải trải nghiệm thì nằm ở bên trong phát ra? Tôi hiểu trải nghiệm là một quá trình nhận thức, thoạt đầu là cảm giác, tri giác, tưởng tượng từ/ về hiện thực, rồi, với sự hỗ trợ của trí nhớ, thông qua quá trình tư duy hình thành các tri thức và kinh nghiệm. Như thế, chỉ tri thức và kinh nghiệm mới có thể "nằm bên trong" chứ cả quá trình trải nghiệm sao "nằm bên trong" được?
Lại còn "cảm giác thì là tưởng tượng và không nhất thiết phải được kiểm chứng"? Xin thưa, như chỗ tôi biết, cảm giác và tưởng tượng là 2 thao tác tâm thần/ tâm lý hoàn toàn khác nhau. TTTT có thể giải thích thêm cho tôi, quý vị định nói gì? Hay đây cũng là lối diễn đạt với ngôn ngữ thuần tuý cảm giác?
TTTT nhận định: " (...) Ðiều này có nghĩa là hai người đã giải mã tác phẩm theo hai cách khác nhau. Và cả hai đều đúng. Nói như vậy, tôi muốn nói là các nhà bình luận hay những người đọc khi đưa ra ý kiến của mình về tác phẩm đều có cách giải mã riêng, nên không nhất thiết chúng ta phải tranh cãi xem ai đúng ai sai và cách hiểu của ai là khả quan nhất".
Về nhận định này, tôi có mấy ý kiến như sau:
Một tác phẩm văn học - nghệ thuật không thể chỉ có một cách hiểu. Ðiều này tôi đồng ý với TTTT. Nhưng "về tác phẩm đều có cách giải mã riêng, nên không nhất thiết chúng ta phải tranh cãi xem ai đúng ai sai và cách hiểu của ai là khả quan nhất" thì tôi ngờ sự bao la của quan điểm này. Nó có thể dẫn tới tình trạng "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", tất cả đều có quyền viết báo chữ to, cao hơn nữa là sinh viên được quyền phê phán giáo sư, nông dân giáo dục trí thức... Có thể duy cảm với một tác giả/ tác phẩm, nhưng trong việc này, vẫn cần một cái nhìn duy lý, của giới chuyên môn.
Nếu không thì Hội đồng xét giải Nobel và nhiều giải thưởng uy tín khác trên thế giới nên bị giải tán? Một hoạt động rất bình dân đại chúng là thi hoa hậu vẫn cần một ban giám khảo với các chuyên gia tâm lý, nhân trắc học..., hay nên bãi bỏ?
Ðúng như tôi lo ngại, TTTT đã phát triển quan điểm của mình: "Sức sống của tác phẩm nằm ở chỗ nó được nhiều độc giả chấp nhận chứ không nằm ở việc chúng ta bầu bán nó thế nào?".
Vâng, hiện ở Việt Nam, phim truyền hình Hàn Quốc với những cốt truyện rẻ tiền nhàm chán và sặc mùi quảng cáo vẫn là niềm đam mê của đại chúng. Giới học trò, sinh viên rất thích thú, tò mò với trước đây là Cô giáo Thảo (được photocoppy), nay là địa chỉ các trang web sex (được rỉ tai, được gửi qua e-mail).
Ðó là "sức sống của tác phẩm" ư?
Vài lời trao đổi với TTTT, xin quý vị lượng thứ, nếu như tôi chưa hiểu hết được tư tưởng của quý vị. Bài "Có nên quá khiên cưỡng khi đọc một tác phẩm văn chương" của quý vị lấy cảm hứng từ tác phẩm của Ðỗ Hoàng Diệu. Tôi cũng xin nói ngay, tôi cực kỳ tôn trọng ý thích riêng của quý vị cũng như của mọi quý vị độc giả, nhà phê bình khác. Cái trao đổi, đối thoại ở đây là phương pháp tiếp cận, mổ xẻ vấn đề, mang tính học thuật mà thôi.
1/12/2005
Lê Anh Hoài
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...