Trao đổi cùng Nguyễn Văn Hoàn
Phi lộ: Tôi hoàn thành bài viết dưới đây vào ngày
15-V-2005 và cũng trong ngày đó đã gửi đến hai nơi: 1. Tạp chí Nghiên cứu
văn học của Viện Văn học Hà Nội, nơi đã đăng bài ông
Nguyễn Văn Hoàn phê phán tôi; và 2. Mạng talawas, nơi tôi công bố đầy
đủ bài
viết về Trần Thanh Mại mà Nguyễn Văn Hoàn dùng làm căn cứ chủ yếu để
phê phán. Chờ đợi đến hai tuần không thấy hồi âm từ phía tờ tạp chí, tôi có gọi
điện trực tiếp cho ông Tổng biên tập kiêm Viện trưởng Phan Trọng Thưởng thì được
trả lời rất thân tình: bài nếu đăng cũng phải cắt nhiều, bởi có nhiều vấn đề
quá nhạy cảm. Tôi rất biết chỗ khó của một người làm nhiệm vụ quản lý cả một viện
nghiên cứu văn chương của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nên chỉ đề nghị
hai hướng xử lý: hoặc cắt bỏ một số đoạn xét thấy có thể gây phiền cho tờ báo với
điều kiện những chỗ cắt để lại bốn chấm trong ngoặc vuông [....]; hoặc nữa cứ
đăng nguyên nhưng có thêm một “Lời tòa soạn” nói rõ tòa soạn không tán thành
quan điểm của người trao đổi ý kiến song vì tôn trọng quyền trả lời của người
được góp ý nên vẫn cho đăng. Ông Tổng biên tập hứa sẽ xem xét ngay ý kiến của
tôi, tuy vậy, đến nay cũng chưa nhận được một cú điện thoại chính thức của ông.
Tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi, vì tin rằng sự thật vốn có một hấp lực mạnh
mẽ đối với mọi đầu óc tỉnh táo, nên dù “vòng cương tỏa” có ghê gớm đến đâu thì
sớm muộn bằng cách này cách khác người ta vẫn có cách tiếp cận và chuyển tải
nó. Nhưng trong thời gian chờ đợi, thiết nghĩ cũng cần để mạng talawas công
bố sớm ý kiến của mình, vì đây không phải là chuyện trả lời của một cá nhân đối
với một cá nhân, mà rộng hơn, tôi muốn hé lộ cho bạn đọc thấy một góc bức tranh
sinh hoạt tinh thần ở một thời cách xa ngày nay đã chẵn bốn thập kỷ, trên mảnh
đất miền Bắc những năm sau hiệp định Genève, vậy mà còn để ảnh hưởng nặng nề đến
tận hôm nay. Phơi bày bức tranh ấy cho trung thực, theo tôi chính là khởi đầu của
mọi sự đổi mới thật sự trong công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học mà
giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện đang rất bức xúc.
Trên số 4 Nghiên cứu văn học năm 2005, nhân đọc Trần Thanh Mại
toàn tập [1] , Nguyễn Văn Hoàn đã nêu lại một số ý kiến
trong bài viết của tôi về Trần Thanh Mại, in trên Tạp chí văn học số
1-1979, được in lại có bổ sung trên Văn nghệ số 3 ngày 15-I-2005, và
in hoàn chỉnh trên mạng talawas (talawas số 182, ra ngày 15-I-2005) mà Nguyễn tỏ
ý không tán thành. Đọc kỹ bài ông, lúc đầu tôi đã định không trả lời vì thầm
nghĩ, giữa thời buổi ngổn ngang bao nhiêu chuyện bất cập đang đặt ra
trước mắt ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Việt Nam như thời buổi
hôm nay - trong đó có việc xem xét lại chỗ đắc chỗ thất của giới nghiên cứu văn
học mác-xít 60 năm qua - sự khác nhau trong cách nhìn nhận một hiện tượng nào
đó cũng là dễ hiểu. Song nghĩ cho thấu đáo, trao đổi với nhau vẫn là hữu ích,
không những có dịp làm rõ hơn ý tưởng của mình mà còn qua đó nói thêm một đôi
điều về những năm tháng quá khứ của Viện Văn học mà chúng ta được sống, âu cũng
là cơ duyên chứ nào phải cứ muốn đã dễ dàng có ngay.
1.
Trước hết, phải cám ơn Nguyễn Văn Hoàn đã trích dẫn một đoạn trong bài tôi viết
trên talawas băn khoăn về tình trạng các bộ toàn tập được Nhà xuất bản Văn học
in ra trong khoảng mấy năm gần đây với sự tài trợ của Bộ Văn hóa Thông tin Việt
Nam. Nguyễn Văn Hoàn đã giúp chuyển tải ý kiến của tôi trên một tờ báo điện tử
nước ngoài về đăng lên Nghiên cứu văn học trong khi chính tôi đang muốn
làm việc ấy mà chưa có cách, còn gì hay bằng. Nhưng chỗ chưa sòng phẳng của người
chuyển tải là không nói rõ văn cảnh của đoạn trích. Nguyễn Văn Hoàn giới thiệu
đoạn trích như một “lời bình” của tôi trong bài viết, mà thực tế tôi chỉ để ở
chú thích 15 của bài, nghĩa là coi đó chỉ là một ý rất phụ, một lời nói thêm
nhân viết về Trần Thanh Mại mà thôi. Không rõ có dụng ý gì không nhưng một khi
đem “cái phụ” biến thành “cái chính” thì tức là đã nâng cấp ý kiến của
người khác lên một tầm khác với chính nó, điều đó không hay, nhất là trong ý phụ
này tôi đã viết với giọng “uy-mua” - một lời trữ tình ngoại đề vừa hàm ý bao biếm
lại cũng vừa là lời tự giải thích cho chính mình, chứ không phải lời lẽ nghiêm
chỉnh như trong chính văn.
Từ đoạn văn đã trích, Nguyễn Văn Hoàn nêu lên hai câu hỏi mà không thảo luận:
“1. Quan niệm về “toàn tập” của một tác gia. 2. Đánh giá những bài viết trong
cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm”. Xin thưa: tôi biết toàn tập của
một người có lúc không in trọn mọi tác phẩm của người ấy vì những khó khăn nào
đó, chẳng hạn có những tác phẩm đã bị mất mát chưa tìm lại được, hoặc có những
tác phẩm quá lạc hậu/quá tân tiến so với thời đại; nhưng đấy chung quy cũng là
tình thế cực chẳng đã. Còn theo nguyên tắc, đã gọi là toàn tập thì mọi tác phẩm
của một tác giả nhất thiết phải đưa vào. Toàn tập còn có tư cách gì nếu trên thực
tế đã bị cắt xén và chỉ là tuyển tập? Quan trọng hơn, nếu nó không giúp bạn đọc
tìm hiểu thật chính xác tiến trình tư tưởng và văn chương của một nhà văn? Huống
chi ở đây, tất cả những bộ toàn tập đã công bố của Nhà xuất bản Văn học lại nhất
loạt bỏ hết các bài viết trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, một
sự kiện cực kỳ quan trọng trong suốt 20 năm xây dựng miền Bắc nước ta, thì thử
hỏi có bình thường hay không? Xin nhớ lại thời kỳ ấy, từ thành thị đến nông thôn
có ai được phép bàng quan, đứng ra ngoài không khí sục sôi “đánh địch” trên mặt
trận văn hóa văn nghệ của cả một nửa nước, nhất là tầng lớp văn nghệ sĩ và trí
thức? Ngay trong một lá thư gửi cho Hồng Diệu đề ngày 29-IX-1960, chính Trần
Thanh Mại cũng đã nhắc đến những ngày “tất cả phải đổ dồn vào việc đấu tranh chống
tư tưởng Nhân văn-Giai phẩm” vào “nửa sau năm 1958”, đến mức nếu “mở những cuộc
tranh luận về lý luận văn học [trong thời gian này] thì không có lợi” - có
nghĩa là đi lạc ra ngoài những gì xã hội quan tâm (xem Toàn tập, Tập III,
trang731-732). Hai năm qua rồi mà một trí thức như ông còn đầy ắp ấn tượng về
những ngày “long trời lở đất”, chứng tỏ cuộc đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm
đã tác động đến mọi người sâu sắc tới chừng nào. Bài viết của mỗi tác giả viết
trong dịp đó, vì thế sẽ là nơi kiểm nghiệm chân xác cái đúng cái sai trong nhận
thức, tư tưởng, nói lên bản lĩnh, tầm nhìn, sự trung thực và tình người của mỗi
người trước những vấn đề nổi cộm, diễn ra cách chúng ta gần 50 năm nhưng đến nay
vẫn chưa phải đã hết ý nghĩa thời sự. Thế thì vì sao lại phải bỏ đi? Hãy cứ
thành thực mà nghĩ chứ đừng quanh co, chẳng phải là có một tâm lý chung chi phối
người biên soạn, và cả người đứng ra chủ trương làm các bộ toàn tập hôm nay - một
thứ tâm lý mặc cảm cho rằng những lời lẽ được nói ra vì động cơ chính trị nhất
thời trong một lúc, nay in lại cho bạn đọc rộng rãi hẳn chẳng hay gì. Thêm nữa,
nếu chịu khó tìm lại văn bản gốc để đọc tất ai cũng thấy ngay đấy là những lời
lẽ lên gân tột mức, mang tính chất mạt sát, sỉ nhục đối với người bị phê phán,
không thể nào có trong đời sống văn học bình thường. Phải ở vào một thời điểm hết
sức căng thẳng, dưới một áp lực vô hình hoặc một sự phấn khích tinh thần đặc biệt
thì người viết mới đủ “dũng khí” để nói ra những lời không mấy “văn chương” như
thế. Vì thế mà nay người làm toàn tập cân nhắc bỏ đi cũng chẳng phải là chuyện
khó hiểu. Nó là bằng chứng của một sự “phản tỉnh” mà hễ ai có chút lương tri
cũng cần có, nói cách khác, một thước đo giá trị mới trong lương tâm cộng đồng
thời buổi hiện tại không cho phép người làm sách giữ lại những lời lẽ khiến người
đọc thế hệ sau không thể thông cảm, thậm chí bất bình. Bản thân tôi, từ kinh
nghiệm của người thân, tôi đã chứng kiến người bố của tôi - Nguyễn Đổng Chi -
viết bài phê phán học giả Phan Khôi theo yêu cầu của người khác (khác hẳn với
tính cách của ông), rồi sau đó đã không ngớt ân hận. Cho đến tận lúc mất ông vẫn
lấy làm xấu hổ, coi việc làm của mình là một vết nhơ không gột nổi, và dặn con
tìm cơ hội gột rửa giúp mình [2] . Gần đây có nhiều người gợi ý nên làm
toàn tập cho bố, tôi chỉ cười mà không giải thích, nhưng trong thâm tâm tôi tự
thấy chưa thể nào làm được, vì không thể đặt vào toàn tập một bài viết không vẻ
vang gì cho tên tuổi của bố tôi, tiếc thay trên giấy trắng mực đen bài viết đã
được in ra [3] . Cũng chính với tâm trạng nói trên mà
khi đọc các bộ toàn tập do Nhà xuất bản Văn học xuất bản không thấy có các bài
viết của nhiều nhà văn đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm, tôi đã hơn một lần
băn khoăn nghi ngờ. Ở chú thích 15 trong bài hồi ức của tôi về Trần Thanh Mại
trên talawas, tôi nêu thắc mắc và cũng tạm tự giải đáp như sau: “Những bài viết
của Trần Thanh Mại phê phán Nhân văn-Giai phẩm đã không được đưa vào Trần
Thanh Mại toàn tập, Nxb. Văn học, 2004. Tôi để ý thì thấy hết thảy những bộ
toàn tập của các tác giả được Nxb. Văn học công bố mấy năm nay đều bỏ hẳn phần
viết này, và cả một số phần khác nữa. Như vậy thì định nghĩa thế nào là “toàn tập”?
Hay ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc, coi toàn tập chỉ là những gì còn “ăn khách”
được với hôm nay? Còn “những miếng xấu hổ” “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào”
thì thôi, đành theo ý ai đấy giấu nhẹm để người ta quên đi một thời người cầm
bút phải thóa mạ nhau túi bụi “cho vừa lòng bề trên”, đúng như cha ông ta nói
“tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”? Có lẽ cách xử sự như thế cũng là hữu lý chăng”
(nguyên văn chú thích này không hề có những cụm từ in đậm như trình bày của
Nguyễn Văn Hoàn).
Có điều, thử đặt vào một cự ly xa hơn mà nhìn cho khách quan, việc không đưa những
bài viết đã nói vào các bộ toàn tập sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn đọc? Nghĩ kỹ,
tôi thấy đó là việc làm hại nhiều lợi ít. Nếu cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân
văn-Giai phẩm trước sau là đúng, chúng ta đã vô tình xóa mất một dấu son của
nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cả một chặng đường tư tưởng.
Con cháu về sau sẽ không có điều kiện tìm hiểu nhằm vinh danh những dấu mốc
đáng nhớ của chặng đường này. Đó chẳng phải là một sai sót của công tác xuất bản
khó lòng chấp nhận được ư? Còn nếu thực chất việc làm năm 1958 của giới văn nghệ
sĩ, trí thức là sai, cứ giả định như vậy, thì lại càng cần phải đưa vào, để người
đọc - cả một dân tộc có văn hóa hiểu theo nghĩa rộng - qua đó rút kinh nghiệm,
nhằm bớt đi những vấp váp ấu trĩ, cho chặng đường đang tới. Chính vì ta không
chịu rút kinh nghiệm kịp thời nên không ít cái sai đã tái diễn. Chẳng hạn việc
đốt phá, tịch thu sách vở trong Cải cách ruộng đất là một tổn thất to lớn cho
di sản văn hóa đất nước, đã lặp lại ở miền Nam sau năm 1975 [4] . Lại chẳng hạn việc phá đình phá chùa
trong chủ trương “hợp tự” năm 1948 đã làm mất đi bao nhiêu di tích văn hóa quý
giá có từ lâu đời ở Nghệ Tĩnh, lại được lặp lại với quy mô rộng rãi hơn ở hầu
khắp miền Bắc trong những năm 60 thế kỷ XX [5] . Tôi nghĩ, có thể có ai đó coi việc “cắt
gọt” các bộ toàn tập như Nhà xuất bản Văn học đã làm là một cách “khép lại quá
khứ”. Nghĩ thế e không khỏi đơn giản và lầm. Bao nhiêu người từng bị xử lý
trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, bị treo bút, bị cải tạo, bị
tù đày... hàng chục, vài chục năm, cho đến nay đã người nào được lên tiếng “nói
lại” một lời cho thỏa đáng? “Khép lại” kiểu ấy thì công bằng ở đâu? [6] Cũng như hàng triệu người vì quẫn bức phải
bỏ nước ra đi đầu những năm 80, biết bao người thân của họ không may tử nạn
trên biển cả. Khép lại quá khứ chắc chắn không có nghĩa là bắt họ không được
chiêu tuyết cho cha mẹ vợ con họ.
2.
Trong bài viết của mình về Trần Thanh Mại, tôi có nói đến việc trước khi mất,
ông có để lại di chúc cho tôi - do Trần Tuấn Lộ viết - giữ hai tập tài liệu của
ông về Hồ Xuân Hương và về Miên Thẩm để kế tục ông nghiên cứu về hai nhà thơ tầm
cỡ này của thế kỷ XIX. Nhưng đến năm 1967 thì ông HTN, đại diện Chi bộ và đại
diện Phòng tư liệu của Viện đến đòi tôi trả lại cho Viện hai cặp tài liệu kể
trên. Tôi đã phải bần thần mất một lúc lâu rồi mới lấy chúng ra đặt vào tay
ông. Nguyễn Văn Hoàn không phủ nhận việc đó mà chỉ phiên rõ mấy chữ HTN tôi viết
tắt chính là Hồ Tuấn Niêm, Trưởng phòng Tư liệu thư viện lúc bấy giờ, đồng thời
cố gắng giải thích tính chất đúng đắn của việc ông Hồ Tuấn Niêm đã
làm. Khốn nỗi, trong bài của mình tôi có hề nói một dòng nào rằng đấy là hành động
không đúng đắn đâu. Thực ra, giờ đây nghĩ lại, nếu vào năm 1967 tôi có được ít
nhiều bản lĩnh chứ không non gan thì tôi đã không trao hai chiếc cặp cho ông Hồ
Tuấn Niêm, vì trong hai chiếc cặp tôi giữ đâu có gì là tài liệu của Viện. Đó chỉ
là tài liệu riêng của Trần Thanh Mại về Lưu hương ký đã được sao
thành 5 bản kèm theo bản dịch và phiên âm đầy đủ (cặp thứ nhất) và một tập
chuyên luận về Miên Thẩm đang viết dở gồm Chương I: Thời đại, Chương II: Thân
thế và hành trạng, đều đã viết xong, và Chương III: Sự nghiệp văn học, mới viết
được một phần (cặp thứ hai). Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh Mại viết một tiểu
luận về Miên Thẩm 34 trang và dịch được một tập thơ Miên Thẩm 47 trang là nói ở
đâu đấy chứ không phải nói về chiếc cặp mà ông không hề biết và tôi từng giữ
bên mình gần ba năm. Chính trong cái hôm tôi và một vài người khác ở Tổ văn học
Cổ cận đại đến nhà Trần Thanh Mại chừng mươi lăm ngày sau khi ông mất để nhận lại
tài liệu ông mượn của Viện, tự tay Trần Tuấn Lộ đã trao riêng cho tôi hai chiếc
cặp này. Theo di chúc của Trần Thanh Mại, tôi có thể giữ mà không giao cho Hồ
Tuấn Niêm, đấy là quyền của tôi. Nhưng tôi đã không làm thế (tuổi trẻ, lại
không đảng viên, sao khỏi chút tâm lý sợ hãi trước các bậc đàn anh). Và Hồ Tuấn
Niêm khi nhận cặp cũng không làm biên bản giao nhận. Song điều tôi muốn nhắc lại
trong bài viết của mình không phải chỉ bấy nhiêu chuyện đó. Điều từng đè nặng
lên tôi như một nỗi niềm canh cánh muốn đem ra chia sẻ với bạn đọc, là sau khi
nhận hai chiếc cặp của tôi một thời gian, những người có trách nhiệm giữ gìn
chúng làm tài sản chung cho cán bộ Viện tham khảo, đã để cho hai chiếc cặp... không
cánh mà bay mất tăm mất tích, từ đó đến nay không một ai được “tham khảo” chúng
nữa. Cho hay, chỉ một việc mà giữa tôi và Nguyễn Văn Hoàn hoàn toàn khác nhau
trong cách nghĩ. Nguyễn Văn Hoàn nghĩ đến mục đích cao đẹp trong việc thu hồi
hai chiếc cặp tư liệu (mục đích cao đẹp thể hiện ở những chủ trương hay, những
lời nói đẹp). Tôi, tôi chỉ nghĩ đến hậu quả cụ thể của việc thu hồi hai chiếc cặp
là làm chúng biến mất khỏi Viện, khiến cho không những di cảo chưa hoàn thành của
Trần Thanh Mại bị mất, mà ước mong của ông về việc tiếp tục hai công trình ông
ôm ấp cũng bị đứt đoạn giữa chừng. “Đừng xem lời nó nói, hãy xét việc nó làm” -
dẫu không “của đau con xót” đi nữa, chẳng biết Nguyễn Văn Hoàn có thấm thía cái
chân lý ẩn sau những lời khuyến dụ đầu miệng ấy của dân gian hay chăng.
3.
Một chuyện rất nhỏ: cuốn Giai thoại văn học Việt Nam. Nguyễn Văn Hoàn nói
rằng tôi đã đưa ra một ý kiến sai khi cho rằng Trần Thanh Mại là người Chủ biên
cuốn sách, từ đó dẫn đến chỗ một người yêu quý Trần Thanh Mại là Hồng Diệu (người
biên soạn Trần Thanh Mại toàn tập) phải “viết những lời phê phán nặng nề”
về việc tên Trần Thanh Mại chỉ còn được ghi như một người viết lời giới thiệu
trên bìa cuốn sách in ra sau ngày ông mất. Và đáng phàn nàn hơn là sau này khi
cuốn sách được tái bản, lời giới thiệu của Trần Thanh Mại cũng bị tước đi. Thực
tế có đúng như vậy không? Tôi không có gì xích mích với Kiều Thu Hoạch từ trước
tới nay. Chúng tôi bao giờ cũng là những người bạn tốt. Việc Kiều Thu Hoạch cộng
tác với Hoàng Ngọc Phách và Trần Thanh Mại soạn Giai thoại văn học Việt
Nam ra sao, tuy là một thành viên trong Tổ nhưng tôi cũng không để tâm cho
lắm, vì giai thoại vốn không thuộc chuyên môn của tôi, hơn nữa sách lại không nằm
trong kế hoạch chính thức của Tổ. Nhưng điều này thì tôi phải khẳng định: thuở ấy
chúng tôi đều đinh ninh Trần Thanh Mại là người đóng vai trò quyết định thành
công của cuốn sách (hẳn ai cũng biết có được một cán bộ đầu đàn có sức hút như
Trần Thanh Mại là chuyện hiếm, nên những cán bộ trẻ - rất trẻ - trong Tổ bấy giờ
hễ làm gì đều xin Tổ trưởng mách đường chỉ lối, đều lấy những gợi ý của Tổ trưởng
làm chỗ dựa; một cuốn sách do người trẻ làm dưới danh nghĩa Chủ biên của ông
chúng tôi coi là điều hợp lý; có khi sách còn không đứng tên ai mà chỉ ký tên
chung: Tổ văn học Cổ cận đại, như trường hợp cuốn Mấy vấn đề về sự nghiệp
và thơ văn Nguyễn Trãi của tôi [7] ). Mà bản thân Trần Thanh Mại trong các
cuộc gặp gỡ anh chị em trẻ, mỗi lần nói đến Giai thoại văn học cũng
thừa nhận vị trí đứng mũi chịu sào của mình. Chính vì cái ấn tượng đã in sâu
vào tâm trí nên năm 1979 (cách đây chẵn 26 năm), khi viết bài Trần Thanh Mại
trong những bước đi đầu tiên của Viện Văn học đăng trên Tạp chí văn học của
Viện, tôi đã nói ông là người Chủ biên Giai thoại văn học Việt Nam mà
không chút phân vân, cũng không hề xem lại mặt mũi cuốn sách. Có thể tôi đã nhầm,
hồn nhiên mà nhầm, nhưng nếu đối chiếu với bức thư Trần Thanh Mại gửi cho Hồng
Diệu ngày 1-VI-1964 thì tự tôi cũng phải lấy làm lạ: có một sự trùng khớp giữa ấn
tượng của tôi và lời khẳng định của chính Trần Thanh Mại: “Mặc dù ốm nhiều như
vậy tôi cũng đã tranh thủ làm việc và đã hoàn thành một cuốn sách nhan đề
là Giai thoại văn học Việt Nam dày chừng 400 trang. Viết chung với
hai người nữa. Hiện đang đánh máy để đưa nhà in” (Toàn tập, tập III, trang
759). Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh Mại là người trung thực. Tôi khẳng định điều
ấy, và các bức thư gửi Hồng Diệu cũng soi tỏ điều ấy. Vậy thì ở đây phải chăng
cả Trần Thanh Mại và tôi đều đã nhầm lẫn, do những gì in quá đậm vào trí óc khi
còn sinh hoạt chung trong Tổ? Rất mong bạn Kiều Thu Hoạch hiểu được chỗ vô tình
chứ không cố ý của tôi.
[1]Ba tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004.
[2]Trong khi biên tập Từ điển
văn học bộ mới, nhận lời ủy thác của người bạn quá cố Văn Tâm, tôi đã bổ
sung và chỉnh sửa lại mục từ Phan Khôi do Văn Tâm viết từ nhiều năm
trước mà chính anh về sau không hài lòng, nhưng bệnh tật khiến anh không tự tay
mình viết lại được nữa. Tuy giúp Văn Tâm, trong thâm tâm, tôi đã làm theo lời bố
dặn. Cũng trong Từ điển văn học bộ mới, tôi đã tự nguyện đảm nhiệm mục từ Hồ
Thích, để giải oan phần nào cho cái gọi là “chủ nghĩa thực dụng của Hồ Thích”
mà bố tôi từng cực lực phê phán.
[3]Bài Quan điểm phản động, phản khoa học của
Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích. Văn sử địa, số 41, tháng
VI-1958.
[4]Thời gian này bố tôi công tác ở miền Nam, vì
đã có kinh nghiệm về thời kỳ Cải cách ruộng đất, ông hết sức tìm cách giúp đỡ để
một số trí thức như nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Y... cứu được
kho sách của mình.
[5]Còn nhớ ngày 9-V-1963, tôi đến thăm cụ Lê Thước
ở chợ Hôm, gặp lúc nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản cũng đến, trình bày với cụ
việc một ngôi đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng ở Mai Động bị Đảng bộ địa
phương chỉ đạo đem hoành phi, câu đối và cỗ kiệu ra đóng xe phân cho hợp tác
xã. Ông Nguyễn Bá Khoản đã chụp trộm được mấy tấm ảnh và suýt bị dân quân tự vệ
bắt, tịch thu máy ảnh. Tối hôm đó, tôi ghi vào nhật ký: “Có thể có một chủ
nghĩa duy vật cuồng tín hoành hành trên đất nước ta như thế hay sao?”. Tôi chắc
rằng trong kho ảnh của gia đình cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản vẫn còn lưu những tấm
ảnh mà cụ Lê Thước và tôi được xem hôm đó.
[6]Xin dẫn chứng một sự kiện xảy ra ở nước Nga:
cuối những năm 30 thế kỷ XX, trong “khí thế cách mạng ngùn ngụt, rất nhiều
gương tốt được khái quát hóa, nhân điển hình, dấy lên các phong trào học tập”,
chú đội viên thiếu niên tiền phong Pavlik Morozov, 13 tuổi, ở làng Gerasimovka
thuộc thị trấn Tavda, Ural, viết thư tố cáo người bố của mình, Trofim là địa chủ
phản động khiến ông bị chính quyền làng bắt và xử bắn, một năm sau đó chú bị
ông nội đập chết, đã được nêu gương như một anh hùng, “một người hy sinh vì nghĩa
cả, một con ngoan trò giỏi, một chú bé tóc vàng đẹp trai”, được báo chí trong cả
nước nhắc đến suốt nhiều tháng của năm 1931 và được giới văn nghệ sĩ hết lời ca
ngợi, viết tiểu thuyết, dựng tượng, dựng phim. Mới đây một nhà điều tra xã hội
học, bà Catriona Kelly, đã về tận quê hương chú bé, lần tìm lại các tài liệu gốc,
kể cả lá đơn của chú, hỏi han kỹ những người cùng thời may mắn còn sống, rồi
cho công bố cuốn sách Đồng chí Pavlik, thăng trầm của một anh hùng thiếu
niên Liên Xô, chỉ rõ Pavlik thực tế chỉ là một đứa bé “mặt đầy tàn nhang, chẳng
thông minh và vô duyên, không phải là học sinh giỏi, cũng không phải là đội
viên, thậm chí bị tâm thần”, là một “trường hợp cá biệt, đầu óc bã đậu và hai
anh em từng vạch quần đái vào nhau”. Còn người bố thì có thể liên quan đến bệnh
nghiện rượu làm cho con oán ghét và là một nông dân vẫn quen giữ súng ở trong
nhà. Việc Pavlik tố cáo bố nằm trong bối cảnh của một thời kỳ hết sức phức tạp,
“tại các nông trang vùng sâu vùng xa, không chỉ có chính quyền chụp mũ “địa chủ
phản động” thậm chí “gián điệp nước ngoài” lên đầu nông dân mà còn nhiều mối bất
hòa giữa dân làng với nhau: những tranh chấp cá nhân, chuyện thù vặt... đều bị
chính trị hóa”. “Khí thế cách mạng bị lạm dụng vào những việc tư thù”, đến nỗi
“trẻ con ghét người lớn cũng có thể làm đơn tố cáo để mượn tay người khác xử
lý”. Cuốn sách của Catriona Kelly là một cách lấy lại sự công bằng cho lịch sử,
đưa đến những thanh lọc cần thiết trong lương tâm cộng đồng, bởi không một xã hội
nào “chấp nhận khuyến khích con đấu cha mẹ”, nhưng hẳn bà chỉ làm được với điều
kiện các tài liệu gốc chưa bị hủy bỏ. Xin xem thêm Diên Hy tổng thuật tài liệu
của Nga trong bài Khi khí thế bị lạm dụng... Thế giới, phụ san
báo Quốc tế, số 187 (22), Thứ Hai, 30-V-2005; trang 13.
[7]Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963. Trong bài viết của
mình, Nguyễn Văn Hoàn nói: “Trong số các cán bộ trẻ của Tổ Cổ cận đại Viện Văn
học những năm đầu thập kỷ 60, chỉ có Kiều Thu Hoạch là đã có thể sử dụng được
chữ Hán”. Không đúng. Trong Tổ bấy giờ còn có Trần Nghĩa, học 5 năm ở Đại học
Thanh Đảo (Trung Quốc) về, là người đã ghi được rất nhiều tư liệu của Trung Quốc
thời cổ có liên quan đến Việt Nam, như Sứ Giao Châu tập của Trần Cương
Trung, hay 6 bức thư đối đáp giữa các Thiền sư Việt Nam với quan lại Trung Quốc
ở Giao Chỉ vào thời Bắc thuộc mà sau này anh đã công bố trong công trình có giá
trị Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ
X; Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000. Ngay như tôi, tuy lúc ấy chưa học Lớp đại học
Hán học như mấy năm sau, nhưng đã học xong chương trình Trung văn liền ba năm ở
Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong công trình Mấy vấn đề về
sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi, một mình tôi đã lục tìm và sao chép bằng hết
những tài liệu chữ Hán có liên quan đến Nguyễn Trãi ở Thư viện Khoa học để mang
về cho cụ Nguyễn Văn Huyến dịch (thuở ấy đã làm gì có máy photocopy). Mặt khác,
tự tôi đã đối chiếu Đại Việt sử ký toàn thư (đầu những năm 60 chưa được
dịch ra tiếng Việt) với Việt sử thông giám cương mục để viết bài so
sánh tư liệu về Nguyễn Trãi giữa hai bộ sách ấy. Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh
Mại không đọc được chữ Hán, tôi không tin lắm, nhưng có phần chắc ở trong Tổ,
Nguyễn mới là người không biết chữ Hán.
[2]Trong khi biên tập Từ điển
văn học bộ mới, nhận lời ủy thác của người bạn quá cố Văn Tâm, tôi đã bổ
sung và chỉnh sửa lại mục từ Phan Khôi do Văn Tâm viết từ nhiều năm
trước mà chính anh về sau không hài lòng, nhưng bệnh tật khiến anh không tự tay
mình viết lại được nữa. Tuy giúp Văn Tâm, trong thâm tâm, tôi đã làm theo lời bố
dặn. Cũng trong Từ điển văn học bộ mới, tôi đã tự nguyện đảm nhiệm mục từ Hồ
Thích, để giải oan phần nào cho cái gọi là “chủ nghĩa thực dụng của Hồ Thích”
mà bố tôi từng cực lực phê phán.
[3]Bài Quan điểm phản động, phản khoa học của
Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích. Văn sử địa, số 41, tháng
VI-1958.
[4]Thời gian này bố tôi công tác ở miền Nam, vì
đã có kinh nghiệm về thời kỳ Cải cách ruộng đất, ông hết sức tìm cách giúp đỡ để
một số trí thức như nữ sĩ Mộng Tuyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Y... cứu được
kho sách của mình.
[5]Còn nhớ ngày 9-V-1963, tôi đến thăm cụ Lê Thước
ở chợ Hôm, gặp lúc nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản cũng đến, trình bày với cụ
việc một ngôi đền thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng ở Mai Động bị Đảng bộ địa
phương chỉ đạo đem hoành phi, câu đối và cỗ kiệu ra đóng xe phân cho hợp tác
xã. Ông Nguyễn Bá Khoản đã chụp trộm được mấy tấm ảnh và suýt bị dân quân tự vệ
bắt, tịch thu máy ảnh. Tối hôm đó, tôi ghi vào nhật ký: “Có thể có một chủ
nghĩa duy vật cuồng tín hoành hành trên đất nước ta như thế hay sao?”. Tôi chắc
rằng trong kho ảnh của gia đình cố nghệ sĩ Nguyễn Bá Khoản vẫn còn lưu những tấm
ảnh mà cụ Lê Thước và tôi được xem hôm đó.
[6]Xin dẫn chứng một sự kiện xảy ra ở nước Nga:
cuối những năm 30 thế kỷ XX, trong “khí thế cách mạng ngùn ngụt, rất nhiều
gương tốt được khái quát hóa, nhân điển hình, dấy lên các phong trào học tập”,
chú đội viên thiếu niên tiền phong Pavlik Morozov, 13 tuổi, ở làng Gerasimovka
thuộc thị trấn Tavda, Ural, viết thư tố cáo người bố của mình, Trofim là địa chủ
phản động khiến ông bị chính quyền làng bắt và xử bắn, một năm sau đó chú bị
ông nội đập chết, đã được nêu gương như một anh hùng, “một người hy sinh vì nghĩa
cả, một con ngoan trò giỏi, một chú bé tóc vàng đẹp trai”, được báo chí trong cả
nước nhắc đến suốt nhiều tháng của năm 1931 và được giới văn nghệ sĩ hết lời ca
ngợi, viết tiểu thuyết, dựng tượng, dựng phim. Mới đây một nhà điều tra xã hội
học, bà Catriona Kelly, đã về tận quê hương chú bé, lần tìm lại các tài liệu gốc,
kể cả lá đơn của chú, hỏi han kỹ những người cùng thời may mắn còn sống, rồi
cho công bố cuốn sách Đồng chí Pavlik, thăng trầm của một anh hùng thiếu
niên Liên Xô, chỉ rõ Pavlik thực tế chỉ là một đứa bé “mặt đầy tàn nhang, chẳng
thông minh và vô duyên, không phải là học sinh giỏi, cũng không phải là đội
viên, thậm chí bị tâm thần”, là một “trường hợp cá biệt, đầu óc bã đậu và hai
anh em từng vạch quần đái vào nhau”. Còn người bố thì có thể liên quan đến bệnh
nghiện rượu làm cho con oán ghét và là một nông dân vẫn quen giữ súng ở trong
nhà. Việc Pavlik tố cáo bố nằm trong bối cảnh của một thời kỳ hết sức phức tạp,
“tại các nông trang vùng sâu vùng xa, không chỉ có chính quyền chụp mũ “địa chủ
phản động” thậm chí “gián điệp nước ngoài” lên đầu nông dân mà còn nhiều mối bất
hòa giữa dân làng với nhau: những tranh chấp cá nhân, chuyện thù vặt... đều bị
chính trị hóa”. “Khí thế cách mạng bị lạm dụng vào những việc tư thù”, đến nỗi
“trẻ con ghét người lớn cũng có thể làm đơn tố cáo để mượn tay người khác xử
lý”. Cuốn sách của Catriona Kelly là một cách lấy lại sự công bằng cho lịch sử,
đưa đến những thanh lọc cần thiết trong lương tâm cộng đồng, bởi không một xã hội
nào “chấp nhận khuyến khích con đấu cha mẹ”, nhưng hẳn bà chỉ làm được với điều
kiện các tài liệu gốc chưa bị hủy bỏ. Xin xem thêm Diên Hy tổng thuật tài liệu
của Nga trong bài Khi khí thế bị lạm dụng... Thế giới, phụ san
báo Quốc tế, số 187 (22), Thứ Hai, 30-V-2005; trang 13.
[7]Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963. Trong bài viết của
mình, Nguyễn Văn Hoàn nói: “Trong số các cán bộ trẻ của Tổ Cổ cận đại Viện Văn
học những năm đầu thập kỷ 60, chỉ có Kiều Thu Hoạch là đã có thể sử dụng được
chữ Hán”. Không đúng. Trong Tổ bấy giờ còn có Trần Nghĩa, học 5 năm ở Đại học
Thanh Đảo (Trung Quốc) về, là người đã ghi được rất nhiều tư liệu của Trung Quốc
thời cổ có liên quan đến Việt Nam, như Sứ Giao Châu tập của Trần Cương
Trung, hay 6 bức thư đối đáp giữa các Thiền sư Việt Nam với quan lại Trung Quốc
ở Giao Chỉ vào thời Bắc thuộc mà sau này anh đã công bố trong công trình có giá
trị Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ
X; Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000. Ngay như tôi, tuy lúc ấy chưa học Lớp đại học
Hán học như mấy năm sau, nhưng đã học xong chương trình Trung văn liền ba năm ở
Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong công trình Mấy vấn đề về
sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi, một mình tôi đã lục tìm và sao chép bằng hết
những tài liệu chữ Hán có liên quan đến Nguyễn Trãi ở Thư viện Khoa học để mang
về cho cụ Nguyễn Văn Huyến dịch (thuở ấy đã làm gì có máy photocopy). Mặt khác,
tự tôi đã đối chiếu Đại Việt sử ký toàn thư (đầu những năm 60 chưa được
dịch ra tiếng Việt) với Việt sử thông giám cương mục để viết bài so
sánh tư liệu về Nguyễn Trãi giữa hai bộ sách ấy. Nguyễn Văn Hoàn nói Trần Thanh
Mại không đọc được chữ Hán, tôi không tin lắm, nhưng có phần chắc ở trong Tổ,
Nguyễn mới là người không biết chữ Hán.
4.
Về việc Trần Thanh Mại không công bố được những bài viết của mình về Miên Thẩm,
tôi đã giải thích là “bắt nguồn từ hòn đá tảng “quan điểm giai cấp” mà ai cũng
không được vi phạm”, một người như ông tất nhiên làm gì có thể “chuyển lay”. Để
dẫn chứng, tôi nói thêm: “Ngay như trong chiếc tủ tư liệu của Tổ tôi vào lúc đó
vẫn chất đầy những bài viết, do Viện đặt cho nhiều nhà nghiên cứu “tên tuổi”,
tuy không in ra nhưng là những bài được xếp vào hồ sơ nghiên cứu, có ý nghĩa
“điểm tựa” cho việc viết văn học sử cận đại, mà bài nào cũng mang dòng tít “sắt
đá”: Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh chỉ là những con số không trong lịch sử
văn học (ĐĐH); Bộ mặt phản động của Trương Tửu trong cuốn “Mấy vấn
đề văn học sử Việt Nam” (VT); Trương Vĩnh Ký, nhà bác học hay là kẻ đóng
vai đặc vụ, tình báo, làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp (MQ); Triều
Nguyễn, một thời đại phản động và thoái hóa trong lịch sử dân tộc (TC); Thơ
văn Phan Thanh Giản chỉ là tiếng thở dài của chủ nghĩa đầu hàng (TC)...”.
Nguyễn Văn Hoàn quả quyết: hoàn toàn không có những bài như Huệ Chi kể trong tủ
tư liệu của Tổ hồi đó. Vậy sự thực thế nào? Lời phản bác quả đặt tôi vào một
tình thế nan giải, vì sau bao cuộc biến thiên: mấy phen tách nhập từ Tổ văn học
Cổ cận dân (Cổ đại, Cận đại, Dân gian) sang Tổ văn học Cổ cận đại, rồi sang Ban
văn học Việt Nam, lại trở về Ban văn học Cổ cận đại; mấy phen chuyển đổi nơi
làm việc từ tầng hai nhà chính xuống tầng một, rồi lại lên tầng hai nhà phụ; ba
lần sơ tán hết Hà Bắc đến Hà Tây lại trở lại Hà Bắc; một lệnh quy tập mọi thứ Tổ
đang giữ về Phòng Tư liệu thư viện... cũng đủ cho mớ tài liệu mà Tổ sở hữu từ đầu
những năm 60 không còn nguyên vẹn mặt mũi thuở xưa. Nhưng tôi nhớ không sai khi
mình vừa về Tổ, được phép mở tủ tư liệu của Tổ ra thì trong tủ chứa đầy các bài
viết ở dạng bản thảo, trong đó có các bài mà tôi đã dẫn. Khi chị Lê Ngọc Chương
xin chuyển sang Tổ văn học Hiện đại (1962), và tôi được Tổ tin cậy, giao cho việc
thay chị phân loại lại các tài liệu này, tôi đã tìm thấy chúng xuất phát từ hai
nguồn: 1. Những di sản do Ban Văn thuộc Ban nghiên cứu Văn sử địa cũ chuyển
giao lại mà ông Vũ Ngọc Phan - nguyên Tổ trưởng tổ văn học Cổ cận dân của Viện
- mang về: một bài phê phán Trương Tửu của VT (Nguyễn Văn Hoàn đã nói rõ là Văn
Tân nên tôi cũng không cần giữ ý nữa, còn những tên viết tắt về sau, người nào
Nguyễn chưa công bố vẫn xin cứ giữ nguyên như cũ), một bài lên án Trương Vĩnh
Ký của MQ (Mẫn Quốc), một cụm sưu tập văn thơ Cần vương của Đinh Xuân Lâm, và một
số bài của những người khác; 2. Những bài vở do các cán bộ Ban Tu thư Bộ Giáo dục
cũ chuyển tới: hai bài về Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh của ĐĐH, hai bài về triều
Nguyễn và Phan Thanh Giản của TC, một bài về tuồng của Huỳnh Lý, một tập biên
khảo về Huỳnh Thúc Kháng của Lê Trí Viễn, một tập sưu tầm và giới thiệu thơ văn
Phan Châu Trinh của Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách, một xấp tư liệu về Đông Kinh
nghĩa thục của Hoàng Ngọc Phách. Vân vân. Bài Văn Tân đã in trên tập san Văn
sử địa cũng có lưu bản đánh máy trong tủ tư liệu của Tổ chính là từ Ban
nghiên cứu Văn sử địa chuyển sang, còn bài Mẫn Quốc mãi về sau mới in nhưng đã
có ngay từ dạo ấy [1] ,
và đây là một trong những bài gây “sốc” cho tôi rất mạnh - cũng như hai bài của
ĐĐH - khiến tôi nhớ lâu nhất, và đã phải đắn đo không dám mạnh dạn đề cao đúng
mức Trương Vĩnh Ký khi viết về ông trong Từ điển văn học (bộ cũ).
Mấy ký ức vừa viện dẫn có lẽ chưa đủ sức thuyết phục bạn đọc tin vào sự tồn tại
có thực của những bài viết mà tôi nhắc tới. May sao mới đây, khi kiên nhẫn bỏ
ra ngót một tuần lễ để lục tìm lại trong ba tủ tư liệu của Ban Văn học Cổ cận đại
Viện Văn học (tức là Tổ văn học Cổ cận đại cũ), tôi đã gặp đúng cái mình định
tìm. Trong một cặp tư liệu có ghi ở ngoài “Tài liệu văn học sử cận đại”, tuy
không còn đủ hết những bài đã nêu, song hai bài của ĐĐH - cái đinh của vấn đề -
cùng với các bài của Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Hoàng Ngọc Phách, Đinh Xuân Lâm...
thì còn đầy đủ. Chỉ thiếu hai bài của TC. Hai bài của ĐĐH nằm chung trong một
phong bì bằng giấy xi măng, ngoài bì đề: Ghi chép, sưu tầm, nhận định về
Nguyễn văn Vĩnh và Phạm Quỳnh: 1. Tối phản động về chính trị; 2. Số không về học
thuật; 3. Lỗi thời về dịch thuật - ĐĐH. Bên trong phong bì là hai tập bản
thảo liên hoàn, bài trước có tên Đông-dương tạp chí và Nguyễn văn Vĩnh, 22
trang, dưới ghi rõ Ghi chép của ĐĐH; bài sau có tên Tài liệu về Phạm
Quỳnh, 27 trang, dưới ghi ĐĐH sưu tầm. Cả hai đều được đánh máy trên giấy
pơ-luya, đã ố vàng, trên góc bên phải đầu mỗi bài đều có đánh chữ H, tên tắt của
Từ Quang Hàm, một cán bộ đánh máy lão luyện lâu năm của Viện đã quá cố. Tuy
chia thành hai song hai bài có nội dung liền mạch, vì ở một trang gần cuối bài
thứ hai, người viết nhắc lại luận điểm “phản tác dụng” mà ông nói “đã trình bày
bên trên” (trang 23), tuy vậy lần ngược trở lên thì phải đến trang 20 của bài
thứ nhất ta mới bắt gặp luận điểm ấy. Có lẽ cũng vì thế, cuối bài thứ hai tác
giả mới ghi thời gian biên soạn: 8-1960, là thời gian chung cho cả hai bài.
Nội dung hai bài viết của ĐĐH nói gì? Trong bài Đông-dương tạp chí và Nguyễn
văn Vĩnh, tác giả chia ra ba phần: “1. Mở đầu; 2. Đông-dương tạp chí; 3.
Nguyễn văn Vĩnh dịch thuật”. Phần nào cũng khảo sát tỷ mỷ có kèm theo trích dẫn.
Để khỏi làm bạn đọc vất vả, chỉ xin chọn ra dưới đây vài đoạn có tính chất đánh
giá, tổng kết của người viết:
“Từ hành vi làm mật thám cho thực dân, Vĩnh thoạt tiên dùng
con đường văn học, báo chí để leo lên thang giàu sang, danh vọng, bợ đỡ chính
sách của thực dân, tuyên truyền cho sự “bảo hộ” của Pháp. Năm 1907, Vĩnh làm Chủ
bút tờ Đại Nam đăng cổ tùng báo, là một thứ công báo, tuyên truyền chính
sách thuộc địa của Pháp tại Đông-dương. Những tờ báo tiếng Việt hoặc tiếng Pháp
do Vĩnh chủ trương đều là tiếng nói của tư tưởng thực dân, được thực dân đứng đầu
hoặc được trợ cấp của chúng: Đông-dương tạp chí (1913-1917), Annam
Nouveau (1931). Tủ sách Âu Tây tư tưởng, được thành lập dưới sự chỉ huy của
E. Vayrac, từ năm 1927, nhằm truyền bá tư tưởng phục tùng văn minh Tây Âu,
khinh miệt tư tưởng dân tộc. Từ 1930 trở đi, Vĩnh từ bỏ dần dần con đường tiến
thân bằng văn học để trực tiếp tham gia chính trị; y chủ trương thuyết “trực trị”
tức là muốn mời thực dân Pháp cai trị trực tiếp toàn Đông-dương như ở Nam-kỳ dạo
ấy. Y được thực dân cử vào Đại Hội đồng kinh tế lý tài Đông-dương. Sau đó ít
lâu, con đường “trực trị” không thực hiện được, Vĩnh bỏ cả nghề báo, nghề chính
trị đi sang Lào tìm mỏ vàng và chết ở đấy. Vết nhơ cuối cùng trong cuộc đời bợ
đỡ thực dân Pháp của Vĩnh là việc y phỉ báng nhà ái quốc Phan bội Châu đang bị
giam lỏng ở Huế” (trang 1).
“Nhận định chung cả cuộc đời và tất cả “sự nghiệp” văn học của Nguyễn văn Vĩnh,
ta thấy Vĩnh đại biểu cho từng lớp tư sản mại bản khoảng những năm 1910-30. Suốt
đời Vĩnh ca ngợi nền thống trị của thực dân Pháp, phản lại dân tộc, khinh miệt
dân tộc. Con đường tiến thân của Vĩnh không phải con đường quan lại như Quỳnh,
kẻ đại diện cho tư tưởng phong kiến bảo thủ. Cuộc tranh giành địa vị trong cuộc
cãi vã “trực trị” biểu hiện rõ điều ấy. Ta biết rằng thực dân Pháp lấy cơ sở thống
trị của chúng trong chế độ phong kiến, lấy bọn vua quan làm tay sai, để dìm
nhân dân ta trong ngu dốt, cho nên con đường của Vĩnh gặp nhiều khó khăn; chính
Phạm Quỳnh mới là kẻ tay sai đắc lực, hợp thời nhất của thực dân Pháp. Mâu thuẫn
giữa Quỳnh và Vĩnh phản ánh những cuộc tranh giành quyền lợi bỉ ổi giữa những bọn
tay sai khác nhau của chính sách thực dân. Ngay từ những năm đầu, trước Đại chiến
I, con đường “nghiên cứu”, “dịch thuật” văn học của hai người ấy cũng biểu lộ
rõ con đường [chính trị] của mình. Quỳnh dịch những tư tưởng bảo thủ, thần bí,
phong kiến trong văn học Pháp (Pascal, Bossuet), còn Vĩnh lại chuyên dịch những
loại văn khác, bề ngoài có vẻ tiến bộ, như Balzac, Molière, La Fontaine, nhưng
sự thực bị Vĩnh xuyên tạc, lấy nó làm lợi khí tuyên truyền cho tư tưởng đầu
hàng, cho chính sách thực dân của Pháp [...] Cuộc đời chính trị và “sự nghiệp”
văn học của Vĩnh không thể tách rời nhau. Nói chung, đó là tư tưởng đầu hàng,
phản dân tộc, bợ đỡ thực dân, biểu hiện dưới nhiều hình thức, khi trắng trợn,
khi tinh vi” (trang 2-3).
Còn về bài Tài liệu về Phạm Quỳnh, tác giả cũng chia ra làm 6 mục: “1. Con
người Phạm Quỳnh; 2. Chính trị; 3. Nghiên cứu văn học Việt-nam; 4. Nghiên cứu
văn học Pháp; 5. Dịch thuật; 6. Triết học”; và một lời kết luận. Giống như
trên, chỉ xin dẫn 2 đoạn:
“Nhận định chung về tiểu sử Phạm Quỳnh, ta thấy những hoạt động
văn học cũng như chính trị của hắn chỉ phục vụ cho một mục đích là cố hết sức
duy trì nền thống trị của thực dân ở Việt-nam, dưới nhiều hình thức, khi thì bằng
con đường văn hóa, khi thì “đấu tranh” chính trị, khi thì bằng thực tế hành động.
So sánh với những tay sai khác ta thấy Phạm Quỳnh có mấy đặc điểm sau đây: Phạm
Quỳnh là một tên tay sai phản động nhất về mặt tư tưởng; những năm 30
là những năm “gay go” nhất cho thực dân - vì nhân dân đứng lên đấu tranh rất
anh dũng ở khắp nơi - hắn vẫn tỏ ra một tên bảo thủ, hắn đối lập cả với bọn cải
cách nhỏ giọt chủ trương “trực trị”; và những năm 40, quay trở về với chế độ
quân chủ độc tài thối nát. Hắn cũng là một tay sai nguy hiểm nhất; dưới
chiêu bài “gây một nền văn hóa tiến bộ”, hắn một phần nào đã đạt mục đích ru ngủ
thanh niên, trí thức ta suốt gần 20 năm trời; hắn dùng vũ khí văn hóa để đè bẹp
ý chí dân ta, chống lại tinh thần dân tộc của ta, tuyên truyền cho nền “văn
minh” châu Âu, đặc biệt cho “văn minh” Pháp. Nói tóm lại, cả “sự nghiệp văn học”
của Quỳnh, ngày nay ta nghiên cứu lại, đã soi tỏ những chính sách thâm độc của
thực dân Pháp từ giữa cuộc Đại chiến thứ I đến Cách mạng tháng Tám” (trang 4).
“Qua một số tài liệu trên, ta có thể kết luận rằng sự nghiệp văn học của Phạm
Quỳnh, đến nay, về mặt tích cực, là một con số không (chúng tôi in đậm
- NHC), còn về mặt tác hại thì quả là lớn; phải công nhận rằng ảnh hưởng của Phạm
Quỳnh đối với thanh niên, trí thức từ 1917 đến 1930 không phải là nhỏ. Hắn dựa
vào uy thế của thực dân, chiếm được địa vị lớn trong làng báo lúc bấy giờ, có
cơ quan ngôn luận được thực dân nuôi dưỡng, nên đã hoành hành một thời, dù có bị
các nhà cách mạng công kích cũng chỉ bị sứt mẻ ít nhiều. Nhân dân ta đã xử tử
Phạm Quỳnh, tưởng cũng đã đến lúc kết án toàn bộ “sự nghiệp” văn học của hắn một
cách có hệ thống và xứng đáng với tội của hắn” (trang 27).
Rõ ràng, những gì tôi dẫn ra trong bài hồi ức về Trần Thanh Mại, tuy dựa vào
trí nhớ nên không thật chính xác về câu chữ, song tuyệt nhiên không phải là tùy
tiện. Nguyễn Văn Hoàn nói dứt khoát rằng “chưa bao giờ bắt gặp một ý kiến thô
thiển, giản đơn” đại loại như thế trong “các công trình nghiên cứu về văn học cận
đại” Nguyễn đã được đọc, và đặt câu hỏi: “Nguyễn Huệ Chi nói các bài trên đây
“có ý nghĩa “điểm tựa” cho việc viết văn học sử cận đại” vậy thì chương nào,
sách nào do Tổ Cổ cận đại biên soạn đã tỏ ra có chịu ảnh hưởng các tài liệu mà
Huệ Chi vừa kể?”. Muốn phân giải cho thật thứ lớp, câu chuyện tôi sẽ thuật chắc
có hơi dài. Đầu tiên là cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt-nam giai đoạn nửa
cuối thế kỷ XIX do Tổ biên soạn với sự cộng tác của một số người ngoài Viện.
Cuốn này được Nhà xuất bản Văn học in xong vào cuối tháng Năm năm 1964, nhưng
đã được chuẩn bị ròng rã trong hai năm 1962-1963, dưới sự chỉ đạo chung của Đặng
Thai Mai, mà phần trông nom và biên tập cụ thể thì phải nói do Trần Thanh Mại đảm
nhiệm. Giáo sư Đặng Thai Mai nhận viết Chương khái quát bao gồm hai mục:
“Bối cảnh lịch sử” và “Tình hình văn học”. Để giúp đỡ ông, Tổ cử tôi làm một tư
liệu viên, có nhiệm vụ vào thư viện đọc trong sách sử và các văn tập của thế kỷ
XIX, rút lấy những đoạn có thể gợi ý cho người chấp bút nắm được quang cảnh
chung về lịch sử và về văn học trong vòng gần năm thập kỷ. Sau nhiều tháng trời
khổ công lục lọi ở cả hai Thư viện Khoa học và Quốc gia, tôi biên soạn xong đâu
vào đấy, đem về đánh máy được ngót nghét 100 trang, nộp lên cho Tổ và Đặng Thai
Mai. Nhưng điều không ngờ - và bởi thế cũng đặt tôi vào một tình thế khó khăn -
là sau khi đọc xong, Đặng Thai Mai cho họp Tổ lại, đánh giá cao việc tôi làm, rồi
đi đến quyết định: phân công tôi viết luôn Chương khái quát. Trần Thanh Mại
cũng đồng ý. Tôi lại đành phải gò gẫm thêm mấy tháng nữa để hì hục viết, một
bài viết mà về tư tưởng chủ đạo chính mình không thực hiểu rõ, dù đã làm tư liệu
không kém công phu. Kết quả thế nào cũng đã đoán được: bài viết hoàn thành, đem
ra Tổ đọc, bị đánh giá là yếu về quan điểm và không chặt về lập luận, nên không
thể dùng. Giữa tình hình một bài viết then chốt bị đổ, lại rất bức bách về thời
gian, tất nhiên chỉ có một người là Trần Thanh Mại mới làm được việc “chữa
cháy”. Ông thoải mái nhận, và yêu cầu tôi cung cấp bài đã viết cho ông, đưa cho
ông cả 100 trang tư liệu mình làm, cùng với một số tài liệu khác mà Tổ có sẵn,
trong đó có hai bài của TC về nhà Nguyễn và về Phan Thanh Giản. Và ông chỉ viết
trong vòng một tháng rưỡi là xong [2] .
Gần đây, đọc lại Chương khái quát trong Sơ thảo lịch sử văn học
Việt-nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, tôi còn nhận ra dấu vết khá nhiều đoạn
trích từ tập tư liệu của tôi (tập tư liệu này vẫn còn lưu một bản trong cặp hồ
sơ văn học sử của Ban văn học Cổ cận đại ngày nay); một vài nhận định non nớt của
tôi trong bản thảo bài viết bị Tổ bác bỏ cũng được Trần Thanh Mại dùng lại sau
khi đã nâng cấp; và nhất là một số đoạn ông thâu tóm ý kiến cốt tủy từ hai bài
của TC:
“Nền kinh tế dưới chế độ nhà Nguyễn ở vào một tình trạng sút
kém thảm hại. Vẫn là nền kinh tế phong kiến già cỗi, dựa trên cơ sở bóc lột tô
tức, với hạn hán, sâu bọ, bão lụt, vỡ đê xảy ra thường xuyên. Nhà nước phong kiến
chỉ bó tay ngồi nhìn, hoàn toàn bất lực. Những năm gặp hạn thì phương pháp duy
nhất là từ vua đến đình thần ăn chay, lập đàn cầu mưa! Riêng một con đê
Văn-giang (Hưng-yên) bị vỡ mười tám năm liền trong đời Tự Đức. Nạn đói, dịch tả,
đậu trời hàng năm làm chết hàng vạn, có khi hàng chục vạn người. Theo Thực
lục chính biên, vào khoảng năm Tự Đức thứ 10-11, nghĩa là trong lúc giặc Pháp
đang hoành hành ở miền Nam (1858-1859), số người trong nước chết vì bệnh thiên
thời lên đến 60 vạn. Cảnh tượng dân lưu vong bỏ làng kéo đi từng đoàn dăm bảy
trăm người, có khi vài ba nghìn người, để rồi chết dần, chết mòn nơi ven đường
góc bụi là cảnh tượng thường thấy. Phong kiến thống trị nhà Nguyễn đề ra chính
sách trọng nông ức thương. Với chính sách ấy, không những thương nghiệp bị ức
chế, mà chính cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều không thể phát triển được, mà
hiệu quả của nó là đưa xã hội vào một tình trạng bần cùng hóa nặng nề. Người
dân ở đâu thường ở đấy, đa số suốt đời chưa ra khỏi làng mình. Đói, ít khi được
ăn no; ốm, ít khi được chữa thuốc. Luật pháp nghiêm cấm nhân dân không được làm
nhà cao rộng, mặc áo tơ lụa, nhiễu vóc. Làm nhà có gác, mặc áo sắc (trừ màu nâu
và màu đen) là bị tội “lộng hành”, bị tù đày, có khi bị xử tử. Những điều ấy
Minh Mạng cho ghi rõ trong một điều luật mà ông ta cho dịch ra vè quốc ngữ, bắt
nhân dân học tập” (trang 10-11).
“Đời sống văn hóa đã hết sức tệ lậu trong buổi đầu triều Nguyễn, càng về sau
càng có xu hướng suy sụp hơn. Những năm 30 của thế kỷ, Minh Mạng còn có ý định
cho người ra nước ngoài học, và xét lại lối học cử nghiệp, nhưng rồi cũng đánh
trống bỏ dùi, không vươn nổi ra khỏi tập tục bảo thủ. Từ đó về sau, trong nước
ngày càng đi sâu vào lối học nhồi sọ. Vua và triều đình mỗi khi bàn chính sự
thì chỉ biết có Tứ thư, Ngũ kinh, cho đó là thiên kinh địa nghĩa, tin
rằng bất luận vấn đề lớn nhỏ nào cũng được giải đáp trong ấy. Họ đem những châm
ngôn của Khổng Mạnh Chu Trình ngày xưa để làm phương sách giải quyết mọi vấn đề
đang đặt ra. Như ếch ngồi đáy giếng, giai tầng trí thức nho sĩ vẫn tự cao tự đại
với cái mà họ gọi là “thánh đạo nho phong” và coi các nước không “đồng chủng đồng
văn” với mình là chó dê, mọi rợ. Có ai đi ra ngoài về kể chuyện đời sống đó đây
thì cho là đi xa về khỏe bề nói khoác, hoặc vu khống là có ý mê hoặc lòng người,
hủy hoại kỷ cương. Rốt cục lại, trình độ hiểu biết về đời sống, về thiên nhiên
thuở bấy giờ thấp kém một cách khủng khiếp. Do đó, trong lề lối xử thế, trong
quan hệ giữa con người và con người, chúng ta thấy nhiều điều ngu xuẩn, u mê,
thậm chí vô nhân đạo” (trang 12-13).
“Loạt đại bác bắn vào cửa Hàn ngày 31-VIII-1858 quả đã gây một nỗi kinh khủng
khó tả cho bọn người cầm đầu chế độ phong kiến. Những người đứng đầu triều đình
như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Nguyễn Bá Nghi, Đoàn Thọ
đều chủ trương “nghị hòa” nghĩa là đầu hàng. Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản
dẫn sách cũ, phát biểu: “Nhược bằng cho rằng lũ chúng tôi (chủ trương hòa nghị)
là làm cho Đức vua phải lo lắng, thì thử hỏi từ xưa nhà Hán chẳng đã tự hòa với
Hung-nô đó hay sao? Nhà Tống chẳng đã tự hòa với Khiết-đan đó hay sao? Nhiều lập
luận lẩm cẩm ngớ ngẩn chứng tỏ những người đưa nó ra đã hốt hoảng đến mất hết
lý trí bình thường” (trang 17).
“Có những phần tử thất bại chủ nghĩa đứng hẳn về phía giặc, thúc giục Tự Đức xuống
chỉ dụ giải tán tất cả các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Phan Thanh Giản nhiều
lần viết thư cho Trương Định yêu cầu bãi binh. Năm 1860, Trịnh Quang Nghi, một
thủ lĩnh nghĩa quân, thấy một đoàn dân quê gồm 44 người bị tuyên truyền xuyên tạc
kéo nhau đi tìm đồn Pháp để đầu hàng. Trịnh Quang Nghi cho quân giữ lại, hết lời
thuyết phục nhưng họ nhất định không nghe. Biết thế giam họ thì không có cơm
nuôi, không có người canh giữ, Trịnh cho quân mang ra giết hết. Phan Thanh Giản
hay biết chuyện đó, gửi sớ về triều đòi trị tội Trịnh Quang Nghi, không phải vì
tội giết người hàng loạt không thỉnh mệnh vua, mà là vì tội làm mất lòng người
Pháp (!), nhưng Tự Đức đã phê vào sớ: “Đó là nghĩa cử, không nên bắt tội”
(trang 18-19).
Nếu nói quan điểm của TC đã làm “điểm tựa” cho Trần Thanh Mại thì hẳn là hơi
quá, song thực tế là như vậy đấy - hai ông đã “gặp nhau” bởi đều cùng bắt nguồn
từ “hòn đá tảng” quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin vốn thấm sâu trong
lòng họ .
Sau cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt-nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, cả
Tổ bắt tay vào cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1900-1930.
Bấy giờ Trần Thanh Mại đã mất rồi. Cơ quan cũng có những đổi thay, như việc
chuyển lên vùng sơ tán ở Hà Bắc, tránh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không
quân của Mỹ. Tổ chỉ định ba người: Nguyễn Văn Hoàn, Trần Nghĩa và tôi, đảm nhiệm
cuốn sách mới. Suốt trong hai năm 1965-1966, sau nhiều ngày trao đổi, thảo luận
về nội dung, phân công biên soạn và từng người một trình bày đề cương chi tiết,
ngày 1-XI-1966, chúng tôi đi đến thống nhất được một một bản đề cương tổng
quát, gồm Lời nói đầu, bốn chương và Kết luận, được Viện thông qua. Cụ
thể là: Chương I “Tình thế chính trị mới, xu hướng văn học mới” (Nguyễn
Văn Hoàn viết); Chương II “Văn học cách mạng” (Nguyễn Huệ Chi viết); Chương
III “Văn học hợp pháp”, có hai mục: Mục 1 “Văn học hợp pháp với hai khuynh
hướng nô dịch và cải lương” (Nguyễn Văn Hoàn viết phần nô dịch; Trần Nghĩa viết
phần cải lương); và Mục 2 “Cuộc đấu tranh chống chính sách nô dịch hóa của thực
dân Pháp” (Nguyễn Văn Hoàn viết); Chương IV “Văn học hợp pháp, tiếp
theo” (Trần Nghĩa viết).
Nhìn vào đề cương ta thấy ngay cách định danh “văn học nô dịch” là nói về Đông-dương
tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh và Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh.
Điều đáng buồn là mãi mấy năm sau bộ sách vẫn không dứt điểm được, không phải
vì Trần Nghĩa và tôi không viết xong (chúng tôi đã nộp đầy đủ bản thảo, và bản
thảo của tôi hiện còn lưu trong cặp hồ sơ của Ban văn học Cổ cận đại), mà vì những
phần của Nguyễn Văn Hoàn mãi vẫn... không thấy. Ngẫm lại câu hỏi có vẻ như
thách thức của Nguyễn, tôi cứ nghĩ bụng: giá như thuở ấy ai cũng viết kịp thời
hạn, cuốn sách hoàn thành và may mắn ra mắt bạn đọc, thì giờ đây sẽ đỡ vất vả
biết bao trong việc so sánh phần “Văn học nô dịch” với ý kiến của ĐĐH.
Nhưng cũng chẳng sao, bởi ngay khi Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam giai
đoạn 1900-1930 còn dang dở, Tổ và Viện đã lại phải bắt tay vào một công việc
quy mô hơn: biên soạn bộ Lịch sử văn học Việt Nam ở cấp quốc gia, dưới
sự chỉ đạo của Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn. Nhóm biên soạn là một tập thể đông đảo
gồm nhiều cán bộ ở hai Trường đại học Tổng hợp và Sư phạm Hà Nội, về phía Viện
có Cao Huy Đỉnh (văn học dân gian) Nguyễn Văn Hoàn (văn học cổ cận đại), Vũ Đức
Phúc (văn học hiện đại). Sách chia làm hai tập, Tập I từ khởi thủy đến giữa thế
kỷ XIX; Tập II từ nửa cuối thế kỷ XIX đến tận thập kỷ 70 thế kỷ XX. Công việc
chuẩn bị được tiến hành trong nhiều năm, với rất nhiều loại đề cương, rất nhiều
hội thảo, viết đi viết lại nhiều lần, cuối cùng in ra được Tập I [3] ,
còn Tập II thì không hiểu vì sao sau bao nhiêu rục rịch khởi động vẫn phải dừng.
Mặc dầu thế, qua mỗi chặng, mỗi lần góp ý, bản thảo đều được Nhóm biên soạn chỉnh
lý, viết lại khá công phu. Cũng trong một cặp hồ sơ khác của Ban văn học Cổ cận
đại hiện còn lưu giữ mấy tập in rô nê ô các đề cương và sơ thảo của Tập II,
trong đó có nguyên 58 trang hai chương đầu cuốn sách: Chương I “Văn học Việt-nam
nửa sau thế kỷ XIX” và Chương II “Văn học Việt-nam từ đầu thế kỷ XX đến trước
ngày thành lập Đảng” do Ủy ban Khoa học xã hội gửi xuống trưng cầu ý kiến (khoảng
trước năm 1975). Lại xin trích dẫn dưới đây một số đoạn trong tập bản thảo đó,
phần nói về Tự Đức, về Trương Vĩnh Ký, về Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh:
“Riêng Tự Đức trong đời làm vua, cũng viết không ít. Một số
bài biểu dương các lãnh tụ nghĩa quân hy sinh trong công cuộc chống Pháp ở
Nam-kỳ, một số bài phê phán bọn quan lại mải ăn chơi, quên việc nước... mới đọc,
tưởng như cũng gần với tinh thần dân tộc trong thơ văn của một số vua chúa thời
Lý, Trần, Lê sơ, nhưng té ra lại là tiếng nói của một con người quen độc quyền
xương máu nhân dân, nay chưa chịu nhả phần cho bọn cướp mới đang đến tranh ăn
trong buổi đầu mà thôi” (trang 11).
“Cuối cùng có thể kể đến những mầm mống văn học nô dịch mà thực dân Pháp đang cố
sức gieo rắc. Ai cũng biết, từ lâu thực dân Pháp đã dùng văn học Thiên chúa
giáo nô dịch nhiều người Việt-nam. Nay cướp được nước ta chỗ nào, thì chúng
càng ra sức thực hiện đường lối văn hóa của chúng ở chỗ đấy. Đào tạo thông ngôn
người Việt, khuyến khích người Pháp học tiếng Việt, ra báo chí quốc ngữ, dịch
văn thơ Việt-nam ra tiếng Pháp, dùng tiếng Pháp để viết về Việt-nam, đưa một số
người Việt-nam sang Pháp, sang La-mã học... tất cả là nằm trong âm mưu văn hóa
của chúng. Tư tưởng chủ đạo trong chính sách văn hóa của Pháp ngay từ đầu là nhằm
kéo Việt-nam ra khỏi ảnh hưởng văn hóa lâu đời của Trung-quốc để đi vào vòng ảnh
hưởng văn hóa Pháp. Quyết tâm của chúng là phải tạo ra trên đất nước Việt-nam một
nền văn hóa nô dịch. Pôn Be (Paul Bert) rất có vai trò trong việc vạch ra đường
lối văn hóa của Pháp ở Việt-nam. Nhưng không dễ gì chúng làm ngay được điều
chúng muốn. Kết quả bước đầu của chúng ở hồi này là đào tạo được một số người
phục vụ văn hóa cho chúng như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của... Nhưng khi mà cuộc
kháng chiến của dân tộc ta còn có uy thế, những người này cũng chưa thể trắng
trợn như bọn bồi bút về sau. Trương Vĩnh Ký, xét bề ngoài vẫn có vẻ là một “học
giả”. Kể ra, đã phục vụ cho kẻ thù thì chẳng cần phân biệt ai ít xấu xa hơn ai,
nhưng nói về văn chương nịnh Tây, hồi này, cái xấu xa dễ thấy nhất lại là giọng
lưỡi của những đứa như Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải. Các nhà văn đương thời
chĩa mũi nhọn vào bọn Tôn Thọ Tường, phải chăng là vì như thế. Văn học nô dịch
là hiện tượng quái thai trong lịch sử văn học nước nhà. Số phận của nó sẽ là số
phận của kẻ thù cướp nước, đã bị quét sạch, sẽ bị quét sạch” (trang 14).
“Giặc Pháp tỏ ra ân hận về sự sơ hở, chậm chạp của mình. Quyết tâm mới của
chúng là phá hoại cho kỳ được phong trào cách mạng, đồng thời cố gắng kéo Việt-nam
đi nhanh vào vòng ảnh hưởng của đường lối văn hóa thực dân bằng mọi cách: thành
lập Ban Tu thư của Phủ Thống sứ Bắc-kỳ, nắm chặt việc thi cử chữ Hán hơn, hạn
chế đến mức tối thiểu chương trình chữ Hán trong các trường Pháp Việt, đưa học
thuật Pháp Việt lên địa vị chính thống, đào tạo gấp số người biết chữ Pháp và
trọng tâm là đào tạo bồi bút. Nhưng ở một đất nước kiên cường như đất nước ta,
trên lãnh vực văn học, dễ gì chúng làm nên trò trống. Có một Trần Tán Bình lên
giọng “bình tán” sau ngày “Đại Pháp” cho sang tham quan “mẫu quốc” về (1906),
nhưng anh chàng này về sau lại mê chơi mà lười tán. Có một Hoàng Cao Khải cuối
thế kỷ XIX đã úng ắng trước ý chí đánh giặc của nhà lãnh tụ Cần vương Phan Đình
Phùng, vào khoảng 1910 lại cho ra Gương sử Nam để “sủa với phong trào
bài Pháp một cách ngao ngán”. Tiếp đó (1915-1916) ra thêm mấy thứ nữa cũng là
cho trọn đạo thờ Tây. Chứ quan thầy của hắn trước đó đã nghĩ đến một kiểu bồi
bút “hiện đại” hơn. Năm 1913, Đông-dương tạp chí ra đời với tên kép mới
là Nguyễn Văn Vĩnh, từng chui vào phá hoại Đông-kinh nghĩa thục, với vị cha đỡ
đầu là Rơ-nê Rô-bin (René Robin), Thống sứ Bắc- kỳ. Đông-dương tạp chí tập
hợp được một số nhà nho vừa mới “vứt bút lông... nắm bút chì” và một số tân học,
kẻ viết người dịch, cũng có chút rôm rả. Riêng Vĩnh thì chuyên nguyền rủa cách
mạng, tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và dịch tác phẩm văn học phương Tây, trước
hết là văn học Pháp. Có thể nói, sau mấy năm cố gắng, giờ đây có được tờ Đông-dương
tạp chí và kèm theo một vài món hàng khác nữa, thực dân Pháp đã khai
trương được quầy hàng sách báo nô dịch theo kiểu “quy mô”, “hiện đại” (trang
41).
“Trong khi đó, kẻ thù ngay khi chiến tranh thế giới chưa kết thúc đã ra sức củng
cố quyền lợi ở Đông-dương. Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, chúng sẽ có âm mưu
với nhiều biện pháp mới quy mô hơn, triệt để hơn và cũng xảo quyệt hơn. An-be
Xa-rô (Albert Sarraut) sang nhậm chức Toàn quyền lại ở Đông-dương cố gắng thực
hiện âm mưu đó. Một số trường đại học được thành lập thêm. Việc thi chữ Hán bị
chấm dứt hoàn toàn. Hội Khai trí tiến đức theo lệnh Pháp ra đời, tập hợp đủ mặt
bọn quan lại, tư sản hòng lũng đoạn đời sống tinh thần, văn hóa của xã hội. Quầy
hàng Đông-dương tạp chí sẽ được xếp lại để thay thế bằng quầy
hàng Nam phong tạp chí với tên chủ quán mới là Phạm Quỳnh và vị
cha đỡ đầu khác là Mac-ty (L. Marty) trùm mật thám Đông-dương. Quỳnh khoác lốt
“nhà học giả kính trắng”, là người tôn thờ chủ nghĩa quốc gia, bảo vệ quốc hoa,
quốc hồn, quốc túy (!). Quỳnh viết đủ các thứ: chính trị, triết học, sử học,
kinh tế, giáo dục, khoa học, văn học..., nói đủ chuyện cổ, kim, đông, tây, trên
tờ Nam phong. Nhất thời và bề ngoài, quầy hàng buôn bán có vẻ khấm khá.
Nhiều người lui tới. Có người choáng ngợp (chú thích: hiện nay, ở Sài-gòn tạm
chiếm vẫn có kẻ tôn Phạm Quỳnh lên địa vị “nhà khai sáng của thế kỷ XX”. Chẳng
cần nói nhiều mọi người đều thừa biết, bọn họ là thứ người gì mà tán tụng nhau
rồi). Nhưng không ổn cho chúng rồi. Cụ Phan Châu Trinh năm 1922 từ bên Pháp đã
cảnh cáo khẽ Quỳnh. Năm 1924, chí sĩ Ngô Đức Kế vừa mười ba năm Côn-đảo trở về,
đang sống ở Hà-nội, với tờ báo Hữu thanh, nhân lúc Quỳnh hương hoa khấn
vái Nguyễn Du nài mượn văn chương Truyện Kiều làm liều thuốc ru ngủ
thanh niên, đã căm giận dương cung “chánh học”. Quầy hàng Nam phong vẫn
mở cho tới sau ngày chủ quán Phạm Quỳnh bỏ nghiệp “văn chương” vào Huế, đội mũ
cánh chuồn làm Thượng thư Bộ Học (1933) ít lâu, nhưng thực thì từ sau khi phát
tên chánh học của cụ Nghè Ngô cắm trúng đầu vị chủ quán, nó trở thành lao đao.
Nhất là sau đó, phong trào yêu nước ngày một phát triển lại thì ảnh hưởng của Nam
phong bị giảm sút rõ rệt. Nhiều người còn nhớ năm 1926 sinh viên Cao đẳng
Hà-nội chặn đánh Phạm Quỳnh ở phố Hàng Gai về tội nói xấu phong trào truy điệu
Phan Châu Trinh. Dĩ nhiên, kẻ thù vẫn tiếp tục dùng bọn bồi bút để phá hoại
cách mạng Việt-nam, ngăn chặn ảnh hưởng cách mạng tháng Mười Nga, cách mạng
Trung-quốc, ngăn chặn học thuyết Mác Lê-nin lúc này đang truyền đến nước ta”
(trang 43-44).
Còn nhiều nữa nhưng thiết tưởng thế cũng đủ. Không phải vô cớ khi tôi nói những
bài lưu trong tủ hồ sơ của Tổ văn học Cổ cận đại Viện Văn học đầu những năm 60
là “điểm tựa” cho người viết văn học sử thuở ấy. Có thể tập thể soạn giả viết
những trang vừa dẫn trên đây chưa hề được đọc các tài liệu của ĐĐH, của Mẫn Quốc.
Vậy mà họ vẫn không khác ĐĐH, Mẫn Quốc bao nhiêu ở cách nhìn, cách suy nghĩ, ở
lời lẽ lên án có tính chất quy chụp nặng nề, ở giọng điệu thậm xưng, bêu riếu...
đối với bộ phận văn học mà một thời chúng ta đều nhất trí gọi là văn học nô dịch.
Chính chỗ thống nhất về “quan điểm giai cấp” bắt buộc phải dùng làm hành trang
tư tưởng đối với nhà nghiên cứu, và phương pháp nghiên cứu đồng nhất văn học với
chính trị một cách tuyệt đối, đã dẫn đến một sự gặp gỡ căn bản giữa mọi người cầm
bút: “Hễ thấy địch là đánh, đánh bao nhiêu cũng chưa đủ”. Nói đâu xa, ngay
trong cuốn Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX của nhà nghiên cứu
đáng kính Đặng Thai Mai, ta cũng bắt gặp những lời đánh giá chưa thỏa đáng lắm
về Phạm Quỳnh, khi ông gọi Phạm Quỳnh là “tên Việt gian đội lốt “học giả” nguy
hiểm”, hoặc “cái mà Phạm Quỳnh giới thiệu lên trên tờ báo Nam phong không
hề có một mặt nào có thể gọi là có hệ thống, và cũng chưa hề có một phần nào đã
đi sâu vào vấn đề mà phê phán, mà nghĩ đến việc áp dụng vào thực tế Việt-nam.
Ông Chủ bút Nam phong, nói cho cùng chỉ là một ông tham biện của tòa Liêm
phóng, đủ tư cách để chiếu theo mặt hàng mà quảng cáo cho chính sách thực dân”,
hoặc nữa “Phạm Quỳnh đã đọc khá nhiều sách, đã viết về rất nhiều vấn đề. Nhưng
y chưa hề nghiên cứu về một vấn đề gì. Và về mọi mặt, chỗ “độc đáo” của y là điểm
lạc hậu của bọn học giả phản động Pháp! Cảm tưởng cuối cùng của người đọc Nam
phong, nếu họ chịu khó suy nghĩ, thì Phạm Quỳnh là một người đã đọc khá nhiều
sách và đã đem học thức ra bán rẻ cho bọn thống trị; là một nhà “học giả” có đủ
chữ Hán và tiếng Việt để bịp người Tây; và cũng có đủ chữ Tây để lòe người
“An-nam” [4] .
Xin Nguyễn Văn Hoàn và bạn đọc rộng lượng thông cảm, tôi không có ý trưng ra
đây để châm chích gì Đặng Thai Mai. Tôi cũng không nghĩ những gì Phạm Quỳnh và
cả những người như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh từng nói, viết và làm đều
hay đều tốt. Từ bình diện lịch sử văn học mà xét, vốn là sản phẩm của
một giai đoạn giao thời, đầy éo le bất trắc: đất nước mất chủ quyền, chuyển đổi
không triệt để từ mô hình phong kiến sang mô hình thuộc địa tư bản, và trong tư
cách những nhân vật ngẫu nhiên được lịch sử lựa chọn để đóng vai trò tiêu biểu
trong giao thoa văn hóa Á-Âu - một nhu cầu tất yếu của mô hình xã hội ấy, những
giá trị tinh thần do họ tạo ra có phần được và phần không được, có mặt thật và
mặt ảo, có cái đẹp và cái chưa đẹp, có chỗ đáng ghi nhận và chỗ phải gạn lọc,
phê phán, chuyện đó rất bình thường. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng vào những năm
60-70 trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khi nhìn lại những hiện tượng văn hóa nói
trên, cách tư duy của rất nhiều người trong giới nghiên cứu chúng ta đều rốt
ráo theo hướng “căng”, “cương” như đã dẫn. Nó là phương pháp tư tưởng quen thuộc
của một thời, tưởng chừng trở thành máu thịt, là sự tự nguyện, và cũng là bắt
buộc. Giữa người này người khác mức độ đánh giá có thể có những cung bậc khác
nhau, nhưng ai mà nói khác, nói ngược lại được cơ chứ! Nói khác, nói ngược và
nghĩ ngược, dầu chỉ là một thủ pháp lật đi lật lại cho sâu sắc thêm vấn đề mình
nghĩ, như Nguyễn Ngọc Côn nói về tình yêu của cô Mỵ Nương trong Truyện
Trương Chi là “một yêu cầu tự nhiên” “gắn liền với bản chất con người” (hiểu
ngầm là phi giai cấp), trong cuốn Giảng văn của Trường đại học Sư phạm
Hà Nội [5] ,
lập tức đã bị coi là một nhận định “duy tâm”, “một biểu hiện của một nhận thức
ít nhiều còn mơ hồ về tư tưởng và còn bấp bênh về học thuật” [6] ,
một xu hướng muốn quay “trở lại con đường mòn của thuyết tính người chung chung
mà kẻ bảo dưỡng hiện nay là chủ nghĩa xét lại” [7] ,
bị “thổi còi” và chuyển sang một công việc khác “hợp với khả năng hơn”. Cho nên
trước việc Trần Thanh Mại không được in bài nghiên cứu Miên Thẩm mà Nguyễn Văn
Hoàn giải thích: lãnh đạo Viện Văn học đã trả lời ông “phải chờ lúc nào tình
hình chung thuận lợi hơn” và ông liền “tâm phục khẩu phục”, thì không hiểu có
đúng thế thật hay không nhưng theo tôi, lối nói đó (của Viện hoặc của Nguyễn
Văn Hoàn cũng vậy) chỉ là của người quen làm công tác quản lý - lối nói ngọt
ngào chính trị đấy thôi. Với tôi, một người làm khoa học không quen nói chính
trị kiểu ấy, tôi ngờ rằng, nếu không có sự sụp đổ của cả hệ thống xã hội chủ
nghĩa và những bức xúc trong đời sống xã hội đưa đến chủ trương đổi mới, dám chắc
đến nay vẫn chưa một người nào trên đất nước ta liều lĩnh bỏ hết tâm huyết vào
tìm tòi, nghiên cứu Miên Thẩm như Trần Thanh Mại thuở trước từng làm. Hãy gọi sự
vật bằng tên của nó, tôi vẫn mong Nguyễn Văn Hoàn nhớ lời người xưa từng dặn.
Chú thích:
[1] Có
thể tôi nhớ nhầm vì bên cạnh bài này còn có bài Võ Văn Nhung gửi đến Viện muộn
hơn.
[2] Sau
khi viết xong, Trần Thanh Mại đã quên không trả tôi bản viết tay Chương
khái quát do tôi thảo ban đầu. Hiện trong cặp hồ sơ “Văn học sử Cận đại”
không có bản thảo ấy. Hai bài của TC có thể thất lạc cùng một nguyên cớ. Còn tập
tư liệu 100 trang vì đánh máy nhiều bản nên vẫn còn một bản rõ nhất mà tôi dành
lại.
[3] Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980.
[4] Xin
xem Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1964;
trang 97-98.
[5] Xin
xem bài giảng Truyện Trương Chi của Nguyễn Ngọc Côn trong sách Giảng
văn. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1963.
[6] Xem
Trần Thanh Mại. Đọc hai cuốn “Giảng văn” của Tổ Văn học Việt Nam
Trường đại học Sư phạm, Tạp chí văn học, số 1-1965.
[7] Xem
Hoàng Tuấn Phổ. Bàn thêm về cuốn “Giảng văn” của Trường đại học
Sư phạm, Tạp chí văn học, số 4-1965. Xin tự bạch là bản thân tôi cũng đã
có bài góp ý với Nguyễn Ngọc Côn trên Tạp chí văn học số 5-1965, tuy
cách nói nhẹ nhàng nhưng cũng đã quy kết tác giả mơ hồ về quan niệm tính người.
Theo tôi biết, sau cuộc trao đổi ý kiến trên Tạp chí văn học trong gần
suốt năm 1965, Nguyễn Ngọc Côn đã phải làm kiểm điểm và chuyển sang dạy ở Khoa
Ngoại ngữ.
Hà Nội, 15/5/2005Nguyễn Huệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét