Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

XXXXVăn học dân tộc thiểu số Việt Nam sau 1975 cần được nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường

Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam
sau 1975 cần được nghiên cứu
và giảng dạy trong nhà trường

Trước đây mỗi khi nói đến văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, người ta thường chỉ nghĩ đến như một sự chiếu cố. Việc đưa văn học các dân tộc thiểu số vào nhà trường cũng vậy, người ta cũng chỉ cố gắng đưa vào gọi là để mà có, chủ yếu là mấy tác phẩm văn học dân gian. Ðó là một số truyện cổ như Hươu và Rùa, trường ca Khảm hải (Vượt biển) của dân tộc Tày; trường ca Ðẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường; trường ca Ðam San của dân tộc Ê đê; truyện thơ Sóng chụ xon sao của dân tộc Thái... Còn việc nghiên cứu tìm hiểu thì ngày càng ít đi, việc đưa tác phẩm văn học vào giảng dạy trong nhà trường ngày lại càng ít nữa.

Cách ứng xử của các nhà nghiên cứu và soạn sách giáo khoa ở Việt Nam như vậy có vẻ như thiếu công bằng, có thể hiểu là do họ thiếu thái độ thiện chí văn hoá, hoặc là do trình độ nhận thức của họ bị hạn chế.
Tôi đọc khá nhiều bài viết về việc yêu cầu đưa văn học các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong nhà trường, hầu hết những người viết đều đề nghị nên quan tâm tới văn học sau 1975 nhiều hơn, bởi các tác phẩm văn học xuất hiện sau 1975 xứng đáng hơn so thời kỳ trước.
Tôi là người trong cuộc, vừa sáng tác văn học lại từng có hơn chục năm dạy văn học ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Ðại học Viết văn Nguyễn Du... do đó tôi hiểu được sự cần thiết của việc nghiên cứu và đưa văn học dân tộc thiểu số sau 1975 vào nhà trường. Ðã có vài lần, tôi đề xướng việc đó, thế nhưng kể từ khi đất nước đổi mới cho đến nay đã 20 năm, chương trình giảng dạy ở nhà trường đã ít nhiều thay đổi nhưng mảng văn học sau 1975 của các dân tộc thiểu số vẫn chưa được quan tâm.
Văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nhiều tác phẩm đặc sắc được đưa vào giảng dạy đã đành, nhưng mảng sáng tác sau năm 1975 của văn học các dân tộc thiểu số cũng rất cần được đưa vào nhà trường giảng dạy. Bởi nó hay hơn, phản ánh cuộc sống đa dạng hơn, hấp dẫn hơn so với văn học các thời kỳ trước. Các nhà văn dân tộc thiểu số giai đoạn sau 1975 đã có vị trí xứng đáng trên văn đàn nước Việt. Nhờ các nhà văn xuất hiện sau 1975 nên cái gọi là tâm lý chiếu cố đối với văn học dân tộc thiểu số vốn ngự trị trong tâm cảm của người miền xuôi đã bị tiêu tan, thay vào đó là thái độ trân trọng kính nể của xã hội.
Trước đây các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số được chọn giảng trong nhà trường chưa hay, thậm chí chỉ là thuần tuý minh hoạ chính trị khô khan, thiếu tính nghệ thuật, thiếu giá trị nhân văn cao. Do đó đã làm cho các thầy cô giáo và học trò trong nhà trường không muốn có những giờ giảng văn về văn học dân tộc thiểu số. Giờ giảng văn học dân tộc thiểu số đã trở nên qua loa, nhạt nhẽo. Một số bài thơ trong chương trình giảng văn thậm chí còn bị lũ học trò đọc nhại lại để làm trò đùa với thái độ mai mỉa. Không ai chịu đựng được mãi những bài thơ chỉ có một mô típ: xưa là phong kiến thực dân đêm trường, nay là cách mạng đem tới ánh sáng hạnh phúc... Chúng tôi không trách các thầy cô sợ dạy văn và cũng không trách các em học trò ghét học văn. Tôi chỉ muốn nói với những người soạn sách giáo khoa, tại sao họ không có một quan niệm thẩm mỹ xuyên suốt thời đại? Tại sao họ luôn luôn bị gò trong một quan niệm cũ, thói quen cũ, hết sức lỗi thời so với sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số hiện nay? Trong khi hiện tại ở trong nước và thế giới đã đánh giá và nhìn nhận văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam sau 1975 đã khác với trước kia, thế mà những người làm sách giáo khoa ở Việt Nam vẫn không chịu thay đổi, nếu có thay đổi cũng rất dè dặt. Họ bị nhà nước kiềm chế chăng? Ðâu phải thế, chính trong bản thân họ vẫn còn bị rơi rớt lại thái độ xem văn học dân tộc thiểu số như là sự chiếu cố giống với trước đây, họ đã bị thời đại bỏ qua mà họ chẳng hay biết. Thật đáng buồn cho các nhà soạn sách giáo khoa văn học ở Việt Nam không có những tri thức và tư tưởng kịp với thời đại.
Rõ ràng văn học dân tộc thiểu số Việt Nam sau 1975, tính đến nay ba mươi năm, đã có sự phát triển vượt bậc so với văn học các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau khi đất nước độc lập, thống nhất, thế hệ mới của nhà văn dân tộc thiểu số ngay từ đầu xuất hiện đã tỏ rõ là người đại diện cho dân tộc mình. Cảm hứng sáng tác của họ không còn liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, họ đã thành công trong việc giới thiệu dân tộc họ bằng văn học với các dân tộc khác đang cùng sinh sống ở trong nước và trên thế giới. Mỗi tác phẩm của họ đều mang đậm bản sắc của dân tộc, đồng thời mang yếu tố hiện đại của quốc tế. Họ đã thực sự hội nhập vào các dân tộc trong nước và nhân loại. Tác phẩm của họ được độc giả mọi nơi đón nhận với tư cách là đại diện của một nền văn hóa của một dân tộc.
Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam sau 1975 không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn sâu sắc, mà còn phát triển ở mức cao về thể loại, trình độ nghệ thuật. Nó đã đem lại tâm lý bình đẳng về sự trân trọng lẫn nhau về giá trị văn hoá của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc việt Nam. Ðó là điều văn học dân tộc thiểu số trước đây chưa từng làm được, đây một thành tựu rất đáng kính nể.
Ðiều nhiều người còn băn khoăn hiện nay là văn học sau 1975 của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu nghiêm túc và chưa được đưa vào giảng dạy trong nhà trường đúng với tầm vóc và thành tựu đạt được của nó.
Trong một quốc gia nhiều dân tộc, thì dân tộc ít người vẫn thường hay bị thua thiệt, nếu không muốn nói là sẽ bị nuốt chửng. Ðể khắc phục được thực trạng này, không thể khoanh tay ngồi chờ mà mỗi nhà văn phải tự hành động, may ra có thể thay đổi được nhận thức xã hội.
Tác giả: Nhà thơ Dương Thuấn là Trưởng Ban Văn học Dân tộc Miền núi, Hội nhà văn Việt Nam.
13/5/2005
Dương Thuấn
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo toàn quốc “Văn học Việt Nam 
sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” 
tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 26.4.2005
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...