Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Nghe Andrew Lâm kể và đọc truyện

Nghe Andrew Lâm
kể và đọc truyện
Andrew Lâm tại Ðại Học Berkeley, 
ngày 5.10.2005
Ảnh: Bùi Văn Phú

Chiều ngày 5.10.2005 tại phòng hội của Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á, Ðại học Berkeley, đã có buổi đọc sách và gặp gỡ với Andrew Lâm, một nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Việt, tác giả tập tự truyện, ký và bình luận Perfume Dreams [1].
Sau lời giới thiệu ngắn gọn của Giáo sư Peter Zinoman, trưởng Trung tâm, Andrew Lâm đăng đàn, trước hết nói về bước ngoặt của đời mình, rồi anh đọc hai bài trong tuyển tập và sau cùng là những trao đổi với người đến nghe - khoảng chừng 80, một nửa là sinh viên.
1. “Con muốn trở thành nhà văn”
Andrew kể chuyện bằng Anh ngữ, thỉnh thoảng pha vào những từ ngữ đặc thù Việt Nam.
Tôi rời quê hương trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam và đến Mỹ khi 11 tuổi. Những năm ở trung học, tôi như đã quên tiếng mẹ đẻ. Cho đến khi vào đại học, qua những sinh hoạt với hội sinh viên Việt Nam ở đại học này, tôi đã tìm lại được ngôn ngữ đầu đời của mình và sử dụng nó nhiều hơn.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh hóa, tôi có một mối tình và bắt đầu ghi lại rung cảm lòng mình, bằng Anh ngữ, trong lúc đang phải học luyện thi MCAT - bài thi tuyển vào trường y khoa ở Hoa Kỳ - theo như mộng ước của ba mẹ. Trong thời gian học thi vào trường thuốc, sống ở Berkeley, bên cạnh đại học mở rộng U.C. Extension tôi đã đăng ký vào những lớp viết văn và chứng tỏ là một sinh viên có nhiều bài viết hấp dẫn được các giáo sư tán tụng, khuyến khích.
Một hôm về nhà, tôi nói với ba mẹ: “Con muốn trở thành nhà văn”, khiến ba mẹ tôi vô cùng kinh ngạc. Mẹ nói: “Mẹ muốn con đi học trường thuốc để trở thành bác sĩ. Có phải Berkeley đã làm con thay đổi như thế không?”
Mẹ tôi nghĩ Berkeley, nơi sinh ra những chàng hippie tóc dài, đã làm hỏng tương lai đời tôi. Mẹ năn nỉ: “Không học y khoa được thì con học nha khoa được không?”
Còn ba tôi có bằng MBA và chút máu thi sĩ trong người, hỏi rằng: “Con có thể cho ba biết tên một người Việt Nam nào kiếm sống được bằng nghề viết văn hay không?”
Tôi thấy những lời khuyên như thế của ba mẹ và chọn lựa của chính mình là nét tương phản trong nếp văn hoá gia đình người Việt. Một bên là những quyết định mang tính tập thể, một bên là những lựa chọn độc lập mang tính cá nhân, những việc mà con cái trong gia đình Việt Nam thường bị giằng co.
Tôi đã đi theo tiếng gọi tri thức của mình và tốt nghiệp cao học sáng tác văn chương từ San Francisco State University.
Bây giờ ở nhà ba mẹ tôi, vào phòng khách là phải đi qua một tủ kiếng với những cúp, những bằng khen thưởng về văn chương và báo chí mà tôi đã đạt được.
Mỗi lần được giải, tôi đều đưa về cho ba mẹ. Nhưng chẳng bao giờ tôi được nghe ba hay mẹ nói lời khen ngợi, dù trong tâm và qua bạn bè tôi biết được là ba mẹ rất hãnh diện với những gì tôi đã đạt được. Chỉ có một lần ba tôi nói: “Ba rất hãnh diện về con,” nhưng bằng tiếng Anh. Mẹ tôi thì tỏ tình thương yêu con không qua lời nói mà bằng việc làm. Về nhà mẹ nấu canh chua, cá kho tộ cho tôi ăn, chứ chẳng nói: “Mẹ thương con”. Còn phần tôi, tôi hiểu rằng nếu thương mẹ thì phải vâng lời ăn hết tô canh, dĩa cá đó mà không cần phải nói điều gì.
Trong thời đại này những trải nghiệm của một di dân có nghĩa là sự toàn cầu hoá. Với làn sóng người ào ạt đổ từ nơi này đến nơi khác sinh sống, nhiều người cũng kinh qua những khó khăn và thành đạt như người Việt.
Tôi có khả năng tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên kinh nghiệm của mình được những người tị nạn khác và ngay cả như người Serb, người Croatia cũng chia sẻ vì họ cũng trải qua hoàn cảnh tị nạn.
Thật là một điều vui sướng được đi khắp đó đây.
2. Phần đọc sách
Sau đó Andrew Lâm đọc hai bài trong tuyển tập của anh.
“Accent” viết về người bác ruột tên Thơ, đến Hoa Kỳ vào tuổi ngoài 40, cố gắng học để được bằng tiến sĩ luật. Nhưng vì nói tiếng Anh lớ giọng nên bác chẳng tìm được công việc thích hợp với ngành học, đành quay về giúp vợ trông coi một cửa tiệm bán thực phẩm. Qua chuyện của người bác, tác giả viết lên những khó khăn trong việc hội nhập của người tị nạn, người di dân khi đến Mỹ mà chính tác giả đôi khi vẫn còn gặp phải, dù từ lúc đến Mỹ đã cố gắng tập luyện nhấn giọng.
“Trash” kể lại câu chuyện một người thân của tác giả, mới đến Mỹ, và được đưa đi thăm Ðại học Berkeley. Ở đó người nhà thấy một thùng rác có những thứ vất đi, mà nếu ở Việt Nam, người ta sẽ thu lượm, tái sinh và là nguồn thu nhập nuôi sống được nhiều ngày. Ðây là một cái nhìn của một người đến từ một quốc gia nghèo đói về sự phí phạm tài nguyên ở Hoa Kỳ.
3. Trao đổi giữa tác giả và bạn đọc
Sao anh chọn tựa sách như thế?
Bố tôi là sĩ quan chỉ huy cao cấp. Ông hay kể cho tôi nghe những câu chuyện về nước Mỹ, là những chuyện thần tiên, đẹp như trong Disneyland. Tên sách thì do nhà xuất bản đặt.
Có những nhận xét cho rằng anh là một nhà văn tư sản.
Tôi là một người tư sản, dù tôi có viết văn hay không. Tôi theo đạo Phật và có những quan niệm khác về tội lỗi. Tôi nhìn đời và sự việc qua lăng kính là có nghệ thuật hay không nghệ thuật. Quan niệm sống của người Việt là khoe của cải như biểu tượng của giai cấp xã hội. Người trong nước hay ở nước ngoài đều có quan niệm như thế. Nào là khoe điện thoại cầm tay, nhưng phải là loại xịn nhất, phải hàng chất lượng tốt, giá cao. Có lúc tôi làm thông dịch viên cho một can phạm, chạy xe Jaguar. Không tiền mà anh ta cứ mua xe loại sang nhất, rồi phạm pháp để có tiền trả nợ.
Tôi đọc sách của anh và rất cảm kích là anh đọc nhiều tác giả, nhiều nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ. Ai là người có ảnh hưởng nhất với anh?
Thật là khó cho tôi trả lời câu hỏi này. Tôi là một con mọt sách. Tôi được đọc giấc mơ, tư tưởng của những nhà văn, nhà thơ đó. Nhưng không có ai ảnh hưởng mạnh trong tôi. Tôi chỉ chép nhặt và những gì tôi viết ra là tổng hợp của những hiểu biết, suy nghĩ vượt qua mọi biên giới. Những tiểu thuyết Trung Hoa như Tam Quốc chí, những truyện Việt cho tôi nhiều tư tưởng. Phương Tây có Socrates, thì phương Đông có Khổng Tử. Những tư tưởng đó ngày nay tự một mình nó thì không còn bền vững được. Triết học phương Đông dạy con cái phải nghe lời cha mẹ, nhưng con cái có được quyền có ý kiến khác cha mẹ không? Cần phải có khoảng trống để khám phá ra những tư tưởng mới.
Ðến Mỹ từ năm 1975, nhìn lại cộng đồng người Việt, anh thấy có những thay đổi gì trong các mặt xã hội, văn hóa, chính trị?
Tôi còn nhớ lần kỷ niệm ngày 30-4 đầu tiên tại San Francisco vào năm 1976. Nhiều người Việt lúc đó còn mặc những bộ quần áo do hội từ thiện phát cho khi đến Mỹ định cư. Những người lớn tuổi vung tay hô to đòi lấy lại Nam Việt Nam. Những kêu gào đó hét vào tai một ông thị trưởng thành phố. Ðiều họ làm có thể là đúng vì chúng tôi đã mất tất cả.
Bây giờ đã có nhiều thay đổi. Madison Nguyễn mới đắc cử vào hội đồng thành phố San Jose nhờ cô tranh đấu chống kỳ thị qua vụ việc cảnh sát bắn chết một phụ nữ Việt, cô Trần Thị Bích Câu. Cộng đồng người Việt cũng có giáo sư luật hiến pháp Việt Ðinh, từng giữ chức phụ tá tổng trưởng tư pháp Hoa Kỳ và là tác giả đạo luật chống khủng bố Patriot Act. Có Trâm Nguyễn với tác phẩm mới phát hành We Are All Suspects Now đưa ra quan điểm phản bác lại đạo luật trên. Còn có nữ khoa học gia Dương Ánh Nguyệt chế tạo bom áp nhiệt tinh khôn cực mạnh dùng để tiêu diệt al-Qaeda ở A Phú Hãn. Bố mẹ của cô cũng muốn cô trở thành bác sĩ. Cô có kể với tôi là vì sợ máu, nên cô không làm bác sĩ được. Ðó là những đóng góp đầy tinh thần yêu nước cho xứ sở này.
Giờ còn có một lớp người Việt mới, giúp đỡ lẫn nhau, trong những sinh hoạt, tần số riêng. Thí dụ như trong trận bão lụt Katrina vừa qua. Hàng trăm nghìn người di tản qua Houston, trong đó có nhiều người Việt. Người Việt không nghe đài Mỹ mà nghe đài Saigon Houston 900 AM, họ không vào Superdome mà đến Hongkong Center (ở Houston, Texas), nơi đó phẩm vật cứu trợ được phân phát còn nhanh hơn cả FEMA (cơ quan liên bang phụ trách cứu trợ khẩn trương của Hoa Kỳ). Bây giờ người Việt có hãng xe đò riêng chạy từ San Francisco xuống đến San Diego. Một chiều đi tốn 55 đô la, lên xe được cung cấp bánh mì Ba Lẹ, xem ca nhạc Paris By Night, thoải mái hơn là Greyhound (một hãng xe đò Mỹ có từ lâu đời).
Anh hay kể về hộ chiếu của mình. Có những người ở Việt Nam nhòm vào đó và thèm muốn có được. Từ ngày Việt Nam mở cửa, vị trí của Việt kiều thay đổi ra sao?
Từ “Việt kiều” đại diện một lớp người có giá ở Việt Nam. Vì thế mà đã có nhiều trường hợp người ta giả dạng Việt kiều để lường gạt tình, tiền. Trong một xã hội nông nghiệp, hai chữ “Việt kiều” mang một ấn tượng tốt đẹp, giầu có. Kể từ khi có hai chữ “vượt biên” trong ngôn ngữ Việt, người Việt ra đi rồi gửi rất nhiều tiền về đã tạo ra ấn tượng đẹp về Việt kiều. Năm 1991 tôi về Việt Nam lần đầu tiên, lúc đó chưa có thay đổi gì nhiều. Việt kiều trở về như mang một thông điệp của sự giầu có đạt được chỉ sau ít năm ở Mỹ. Người trong nước ngày nay cũng thích được du lịch. Ði du lịch là mốt thời thượng ở Việt Nam. Nhiều người cũng muốn như Việt kiều, được đi du lịch các nơi vì họ cảm thấy đã thua kém trong nhiều năm. Tôi đi Mã Lai và có gặp một người hướng dẫn du lịch biết tiếng Việt. Ông ta nói rằng ông học tiếng Việt để hướng dẫn những đoàn du lịch từ Việt Nam qua tham quan.
Những điều anh viết có thể làm sử liệu được không? Tiếng Việt của anh là trước hay sau 1975?
Tôi không phải là người viết sử. Nhiều chuyện mà những người không biết tiếng Việt không thể khám phá ra. Chuyện về thuyền nhân, về trại học tập cải tạo bằng tiếng Việt thì rất nhiều. Phải nói là những chuyện xảy ra cho cả miền Nam gần như không có trong văn chương tiếng Anh.
Văn chương của người Mỹ gốc Việt không có cùng sắc thái với văn chương Việt từ 1954-75 và sau 1975, anh đọc loại văn chương nào?
Tôi đọc nhiều sách sử từ 1954 đến 1975 và bây giờ tôi vẫn đọc sách báo tiếng Việt. Nhiều người ở lớp tuổi tôi không có khả năng đọc tiếng Việt. Bạn cần phải đọc bản gốc để hiểu được những ý nghĩa. Thí dụ ngày nay có 200 nghìn phụ nữ Việt bị bán ra nước ngoài, qua Ðài Loan, Trung Quốc, Kampuchia thì đó như là những nàng Kiều trong một tuyệt phẩm của văn chương Việt, Truyện Kiều, của thời đại này. Nếu bạn không biết quá khứ thì không thể nói về tương lai.
Miền Nam đã bị gạt ra ngoài. Nếu muốn tái giới thiệu Nam Việt Nam thì câu chuyện đó sẽ mang đề tài gì?
Cuộc chiến tranh Việt Nam có ba thành phần chính là Bắc Việt, Nam Việt và Hoa Kỳ. Tôi lớn lên ở miền Nam. Số người miền Nam chết trong cuộc chiến cao hơn con số lính Mỹ. Nhiều người khác đã bị hành hạ, ngược đãi, giết chết bởi người miền Bắc sau cuộc chiến. Có những người miền Nam thực sự tin tưởng vào một nền dân chủ, nhưng lại bị bêu xấu bởi một đất nước dân chủ là Hoa Kỳ. [Tổng thống] Bush đã có lần nói là vì người dân miền Nam không chịu chiến đấu nên họ không có được tự do, dân chủ. Ông nói thế, nhưng nhiều người gốc Việt vẫn ủng hộ vì tin Ðảng Cộng hoà là chống cộng. Ba tôi biết có sáu vị tướng đã tuẫn tiết khi Sài Gòn sụp đổ. Người miền Nam và miền Bắc đã chiến đấu với tất cả nhiệt tình của họ. Gia đình tôi có thân nhân ở cả hai miền nên tôi hiểu chuyện này.
Một người phát biểu: Con số người Việt theo Đảng Cộng hoà đã giảm. Theo một thống kê thì trước đây là 75%, giờ chỉ khoảng 50% ủng hộ Đảng Cộng hoà.
Khi nói đến miền Nam, thì thường hay nhắc đến người lính hèn nhát và cấp lãnh đạo thì thối nát, tham nhũng. Anh nghĩ thế nào?
Miền Bắc cũng có tham nhũng, nhưng không có nhà báo nào ở đó phanh phui ra. Chúng ta thường có những giả định sai lầm về miền Bắc. Tham nhũng là một trong những đặc tính của người Việt.
4. Về tác phẩm Perfume Dreams
Tác phẩm gồm 17 bài viết thuộc nhiều thể loại, tự truyện, ký xen lẫn với những bài bình luận được viết trong vòng 15 năm qua và hầu hết đã xuất hiện trên báo in hay báo điện tử. Có bài chừng đôi trang, có bài rất dài. Bài mới nhất, viết tháng 2.2005 cũng là bài dài nhất, 28 trang, tựa là “Notes of a Warrior’s Son,” ghi lại cuộc đời tác giả từ ngày đến Hoa Kỳ với những khoảnh khắc xung đột trong gia đình, tại trường học mà tác giả đã trải qua. Câu chuyện đan xen quan điểm chính trị, xã hội giữa con người chịu ảnh hưởng của những nền văn hoá khác nhau. Ðiển hình như ba của tác giả, một trung tướng của quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã không tuẫn tiết theo tinh thần trung quân, ái quốc của Khổng Tử mà lại bỏ quân, bỏ nước ra đi, sống tha hương với nỗi nhục mất nước và nguyện sẽ không trở về khi còn bóng dáng cộng sản trên quê hương.
Trong cộng đồng thì những quan điểm chính trị khác biệt không được tôn trọng và bạo lực đã được sử dụng thay cho lời nói. Trường hợp Ðoàn Văn Toại bị bắn trọng thương vì thúc đẩy bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được dẫn chứng, nhưng tác giả lầm lẫn về nơi bạo lực xảy ra, không phải ở San Francisco mà tại Fresno, cách nơi tác giả sinh sống hơn 300 cây số.
Khác biệt với quan điểm của cha mình, của nhiều người lớn tuổi, Andrew đã trở về Việt Nam nhiều lần. Quan hệ giữa Việt kiều và quê hương nguồn cội được bàn đến trong nhiều bài viết, không hẳn là những tình cảm gắn bó mà là những cơ hội làm ăn, thăng tiến, được tự do chọn nơi cư trú mà chỉ những người sống ở ngoài nước Việt Nam, cụ thể là ở Hoa Kỳ, mới có thể thực hiện được như chính tác giả hay cô bạn Phương Anh, trong bài “Việt Kiều”.
Nhưng mơ ước của người tị nạn, của kẻ di dân không phải đều là những giấc mộng trầm hương - Perfume Dreams - mà còn là ác mộng đau thương, là cay đắng tủi nhục như số phận của những thuyền nhân đến được Hong Kong, trong “The Stories They Carried.” Là nỗi khổ của một gia đình Việt có con trai trong tuổi đôi mươi ôm súng vào tiệm cướp của, nổi loạn tại thủ phủ bang California được mô tả trong “Love, Money, Prison, Sin, Revenge”.
Perfume Dreams khởi đầu bằng một quá khứ với những hình ảnh gia đình tác giả đã muốn chôn vùi và kết thúc là hình ảnh của chính tác giả trên hộ chiếu. Khi nhìn vào chính mình để biết bao nơi đã đi qua, để thấy bao thăng trầm đã xảy ra, cho chính tác giả, cho cả một cộng đồng và cả thế giới.
Nếu Ðại học Berkeley đã không đào tạo được một bác sĩ giỏi, thì ở môi trường đó, một ngòi bút bén nhạy đã có những giao tình bằng ngôn ngữ với cội nguồn của mình qua những sinh hoạt với hội sinh viên Việt Nam đã biến sinh viên Lâm Quang Dũng ngày nào, con của cựu trung tướng Lâm Quang Thi, thành Andrew Lâm với những bài viết xuất hiện trên những trang báo lớn của Mỹ như New York Times, Los Angeles Times, San Francisco Chronicle và có lẽ là một người viết gốc Việt được đọc nhiều nhất. Ngoài ra, giọng của Andrew cũng được nghe đến nhiều qua những lời bình luận trong chương trình “All Things Considered” của hệ thống truyền thanh đại chúng National Public Radio.
Với lối kể chuyện hấp dẫn của Anrew Lâm, người đọc nhìn thấy và cảm nhận được những thành công cùng những phức tạp, trái nghịch của cộng đồng người Mỹ gốc Việt vừa tròn 30 tuổi.
Chú thích:
[1] Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora, nxb Heyday Books, Berkeley, California 2005, 143 trang.
24/10/2005
Bùi Văn Phú
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...