Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Sự nghiệt ngã của nghề nghiệpXXXX

Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp

Tạp chí Người làm báo - cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam số 2-1988 có nêu việc số báo Kiên Giang trước đây bị đình chỉ phát hành. Tạp chí đăng lại nguyên văn hai bài báo khiến báo Kiên Giang bị phê phán để dư luận tiếp tục trao đổi. Gần đây, đồng chí Hồng Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo có chuyển cho báo chúng tôi bài viết của đồng chí Hà Văn Thùy liên quan đến vụ việc trên và đề nghị chúng tôi đăng trên báo Văn nghệ. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc (Lời toà soạn báo Văn nghệ số 35-36 ngày 20-8-1988).
 
*

Mùa xuân không có Tết
Người ta thường vấp ngã ở những nơi ít ngờ nhất. Hai tờ báo bị thu hồi một lúc là cú đòn choáng váng giáng xuống đầu anh em báo chí, văn nghệ Kiên Giang. Ðại hội VI mới họp đó. Không khí đổi mới đang như tiếng sấm tháng Ba vang động tới từng xóm ngõ. Ai học được chữ ngờ.
Thấy không thể để tờ báo ngủ gà ngủ gật mãi, chúng tôi bàn nhau: Phải làm cái gì đó cho tờ báo sống lại và bản thân mình cũng xứng đáng hơn với bát cơm manh áo của dân! Công sức và tấm lòng không uổng. Lâu lắm rồi chúng tôi mới có được tờ báo ưng ý như vậy. Báo đẹp, dày dặn, bài vở phong phú và đầy sức sống. Mặt báo hội gần đủ những người viết chủ lực của phong trào: Lão tướng trẻ trung Năm Thạnh, rồi Anh Ðộng, Khoa Ðăng, anh bạn giáo viên Nguyễn Thiện Cân tận ngoài Phú Quốc, nhà đại kinh doanh Hà Văn Nam cống hiến truyện vui, cười ra nước mắt...
Báo ra được một ngày, sáng 27 Tết điện thoại từ Văn phòng Tỉnh ủy gọi tới, kêu Chín Sỹ chủ tịch Hội lên. Lúc này có tin báo Kiên Giang bị thu hồi. Chúng tôi đưa Chín Sỹ đi mà lòng dạ bồn chồn, nét mặt anh cũng không giấu nổi vẻ lo lắng. Cuối giờ làm việc anh về. Nhìn anh, chúng tôi biết là có chuyện. "Mấy anh không chịu một số điểm”, Chín Sỹ nói. “Nhưng anh Năm Trì đồng ý cho bôi đi rồi phát hành". Khỏi cần biết trúng trật, bọn tôi ngoan ngoãn lao vào bôi xóa những dòng báo từ Tỉnh ủy đưa về, có gạch chân. Phải nói thật là trong bụng cũng mừng thầm vì tờ báo không đến nỗi nào. Bọn tôi còn may mắn hơn cha con Tư Châu. Có thể khẳng định thế này: có sai sót về cách trình bày, những sơ hở về câu chữ, nhưng cả hai tờ báo hoàn toàn không có sai sót về chính trị! Yên tâm về nội dung báo, nhưng tôi lo lắng ở mặt khác: tình hình xấu có thể xảy ra, trước hết là uy tín của cấp ủy bị đe dọa, và sau đó, hoạt động báo chí sẽ rất khó khăn! Ðiều mấu chốt phải biết là cái cơ chế nào đã tạo ra tình trạng trông gà hóa quốc này? Và phải tác động vào nó thế nào để gỡ rối? Sáng hôm sau lại có điện thoại triệu Chín Sỹ vô nhà đỏ. Trở về cơ quan, mặt anh xạm lại. Anh im lặng nặng nề. Lúc lâu anh bước vào văn phòng, nơi anh em đang bày đồ nghề dập xóa báo: "Thôi, dẹp bỏ luôn!" Rồi anh quay sang nói với chúng tôi: "Ý anh Năm Trì vậy nhưng anh Ba Hương không chịu. Ảnh nói tội báo mình còn nặng hơn cả báo Tư Châu. Nhưng không lẽ thu hồi cả hai tờ một lúc. Phải bỏ tờ này, làm gấp tờ khác thế vô."
Có cách nào cứu vãn được tình hình? Tôi lo lắng thực sự. Không phải lo cho mình. Tuy có dính ở cả hai tờ báo những tôi tin chắc bài của tôi hoàn toàn vô tội. Về mặt văn bản học, tôi có thể tự bảo vệ được trong bất cứ tình huống nào. Tôi cũng đọc rất kỹ những bài bị coi là có vấn đề. Tôi nhớ lại kinh nghiệm báo Xuân 1982. Tờ báo có sai sót tuy không lớn, nhưng nếu bị lợi dụng suy diễn sẽ vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi báo với anh Hai Huỳnh, tỉnh ủy viên, Trưởng ban Khoa giáo và Chủ tịch Hội Văn nghệ. Anh Hai gặp đồng chí Tám Quýt Bí thư Tỉnh ủy và cùng thống nhất: để tờ báo phát hành không bàn tán gì thêm cho rối chuyện, sau đó sẽ kiểm điểm nội bộ. Chính quyết định tỉnh táo này đã cứu nguy một bàn thua trông thấy.
Tôi tìm tới anh Hai. Tuy khóa này rút khỏi Tỉnh ủy và cũng không còn phụ trách Hội Văn nghệ, nhưng anh vẫn lo lắng cho chúng tôi. Anh đã đọc kỹ hai tờ báo rồi bàn với đồng chí Tám Quýt (đồng chí Tám Quýt khóa này là thường vụ phụ trách dân vận) và hai người cùng vào gặp thường trực Tỉnh ủy để bày tỏ ý kiến. Nhưng khi gặp thì đồng chí phó bí thư Năm Trì đưa cho coi quyết định thu hồi báo do đồng chí ký. "Còn nói gì được nữa, chú”, anh bảo. “Tôi ra hiệu cho anh Tám. Chúng tôi ăn Tết qua loa vài miếng rồi về." Ðoạn anh trách tôi: "Mấy chú dốt quá, viết mà không biết lách!"
Những ngày tết nặng nề qua đi. Anh em chúng tôi có người mất ăn mất ngủ. Không có báo Xuân đọc, dân chúng càng xôn xao. Có người mua trước được báo đem bán lại giá cao gấp chục lần. Biết rằng ngoài Tết có cuộc họp giải quyết tờ báo, chúng tôi chờ đợi trong tâm trạng lo âu thấp thỏm.
Ngày 5 Tết, cuộc họp để xét xử hai tờ báo được triệu tập. Không thể xài chữ nào đúng hơn chữ xét xử. Một số người ngỡ ngàng với tâm trạng rờn rợn. Nói là để kiểm điểm nội bộ báo chí mà không có mặt anh em viết. Trong khi đó, xuất hiện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban kiểm tra đảng, Ðảng ủy các cơ quan cấp tỉnh và công an bảo vệ nội bộ. Anh Tư Châu, Tổng biên tập báo Kiên Giang, trơ trọi giữa cuộc họp, bị chất vấn bị quy kết mà không có quyền bào chữa, không được tranh luận. Những điều anh trình bày đều bị coi là ngoan cố, là không thành khẩn, thậm chí chống đối. Khoảng 9 giờ, một chàng trai trẻ bước vào phòng họp. Ðặt cặp lên bàn, anh ta nói: "Tôi được giao trách nhiệm truyền đạt ý kiến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tới cuộc họp của các đồng chí." Nói rồi anh ta đưa tờ giấy lên đọc. Tất nhiên không thể nhớ hết nguyên văn nhưng sau này Tư Châu kể với bọn tôi:
Trước hết, bài “Xuân trên cảng Hòn Chông”. Nói "đến bây giờ và chỉ bây giờ Ðảng ta mới biết lấy dân làm gốc" là xuyên tạc lịch sử lãnh đạo của Ðảng. Còn nói: "dựa trên cảm hứng để xây cảng Hòn Chông" là xuyên tạc sự lãnh đạo của cấp ủy. Chúng ta làm công trình kinh tế có giá trị lớn của tỉnh mà lại là việc làm dựa trên cảm hứng sao?
Bài “Phía sau người lính” khuyến khích độc canh, trái với chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện của Tỉnh ủy. Nói năng suất lúa cao thế trên bắt nộp thêm thì sao?
Bài “Gặp gỡ cuối năm” nói Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị là vật cản. Lại nói nhà máy đay, tới Công ty thủy sản. Như vậy là xúc phạm Bộ Chính trị và đả kích sự lãnh đạo của cấp ủy. Bài “Mùa xuân đổi mới” nói móc Tỉnh ủy xây dựng công trình thế kỷ, báo cáo màu hường, quan liêu.
Truyền đạt xong những lời có gang có thép ấy, anh ta cắp cặp chào mọi người ra đi.
Trước khi có cuộc họp này, Chín Sỹ và Anh Ðộng có hội ý kỹ với chúng tôi những điều cần nói. Nhưng rồi nhìn cử tọa hội nghị, sao nó giống với cuộc họp để bắt người? Tới khi nghe bản luận tội do người thư ký của bí thư đọc, hai trụ cột Hội Văn nghệ ngoéo nhau im lặng. Nhà văn Anh Ðộng đứng lên nói mấy câu vuốt ve cho phải đạo!
Một mùa xuân chúng tôi không có tết!

Thất nhân tâm, điệp khúc
 
Ngay sau cuộc họp mồng 5, Tư Châu bị đình chỉ công tác. Cũng lúc này đơn tố cáo Tư Châu gây mất đoàn kết nội bộ, bê bối về tài chánh được thu thập chữ ký gởi lên Tỉnh ủy. Một đoàn kiểm tra tài chánh báo Kiên Giang được thành lập cùng với quyết định ngưng công tác Ba Yến trưởng phòng trị sự. Công an về tận Thái Bình sờ lý lịch Khoa Ðăng. Bản điệp khúc thất nhân tâm được dạo lại!
Không thể quên năm 1983.
Sau khi đài Kiên Giang phát hai bài điều tra về phong trào thi đua dỏm của Trường PTCS 3 Vĩnh Thanh Vân và Trường Mẫu giáo thực hành thị xã Rạch Giá, phó giám đốc Tổng biên tập đài, anh Ba Sáng bị đình chỉ công tác, bị gọi lên Ban Tổ chức tỉnh ủy. Không được ra ngoài, không ai được vào thăm, quần áo lót phải nhờ người tới nhà lấy giúp. Ban đêm có người mang súng gác cho ngủ. Từ cơ quan kiểm tra Ðảng, một cái tin như sét đánh loan ra: Ba Sáng làm tình báo cho Nhật, khi vô Đảng không báo cáo cho tổ chức! Lập tức căn nhà 12 Nguyễn Ðình Chiểu của anh bị cô lập hoàn toàn. Người ta tránh xa anh như tránh ôn hoàng dịch lệ. Tiếp đó là quyết định khai trừ Ðảng với những tội:
Chống đường lối của Đảng bộ địa phương một cách có hệ thống.
Dùng đài đả kích sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương.
Gây khó khăn cho phong trào xây dựng của địa phương.
Nói không đúng sự thật.

Còn một tội rất nghiêm trọng không được ghi vào quyết định là "Nghe theo luận điệu chiến tranh tâm lý nói xấu Bí thơ Tỉnh ủy". Nguyên do như sau: Vốn là con nhà nòi tuyên huấn, đồng chí phó bí thư tỉnh ủy Võ Quang Trinh giao cho anh Ba Sáng nhiệm vụ: tập hợp dư luận xã hội hàng tháng báo cho Tỉnh ủy. Trong một bản báo cáo loại đó, Ba Sáng thực thà ghi: "Có dư luận nói đồng chí bí thư Lâm Văn Thê trên đường về Kiên Giang có ghé Hậu Giang uống rượu Tây, mấy ngàn đồng một chai." Chính việc này khiến Bí thư nổi xung và Ba Sáng chịu trận.
Với một cán bộ gần 30 tuổi Ðảng, lâu năm trong ngành truyền thông đại chúng, quen biết nhiều cơ quan và nhân vật có cỡ, thanh tra Trung ương xuống nhiều lần làm việc căng thẳng và xác định rõ sự vô tội của anh, cũng phải tới tháng 10 năm 1987, sau khi Bí thư Ba Hương rời khỏi tỉnh, Ba Sáng mới được phục hồi Đảng tịch.
Thân phận của Dương Tôn Hưng, người viết những bài báo trên thì cay đắng hơn. Học xong tú tài, như nhiều thanh niên khác, Hưng không thể thoát khỏi quân dịch, phải lo lót để được làm lính kiểng. Tới năm 1974, theo lời kêu gọi của Mặt trận, Hưng vào vùng giải phóng, làm việc ở ngành Quân y. Sau giải phóng, cách mạng cho đi học. Học xong Hưng về công tác bên đài. Thời gian làm lính Hưng không ghi vào lý lịch. Sau sự cố mấy bài báo, anh bị đình chỉ công tác. Ít lâu sau bị bắt vì tội khai man lý lịch, trước đây là sĩ quan ác ôn, từng là cai ngục. Hơn năm trời nuôi muỗi ở Cầu Ván, Hưng có dịp ngẫm sự đời.
Và bây giờ, chuyện cũ diễn lại. Dường như buộc tội Tư Châu về tờ báo có gì đó chưa thật sự yên tâm, những biện pháp tổ chức được khẩn cấp thi hành. Ban kiểm tra tài chính hoạt động căng thẳng hơn 2 tháng. Trong lúc đó nhiều người làm báo bạn bè hỏi thăm về vụ báo bị thu hồi, về Lê Hồng Châu bị cách chức, những người có quyền có chức giải thích: Chuyện tờ báo có đó nhưng là chuyện nhỏ. Tư Châu bị kỷ luật về tài chánh! Nghe thế, mọi người tránh xa Tư Châu. Anh bị tụt hố. Bạn bè muốn kéo anh lên nhưng người ta bôi cho anh khuôn mặt nhọ. Có khác gì tội làm tình báo cho địch của anh Ba Sáng hồi trước? Mãi hơn năm sau, trong cuộc họp bàn lại về việc thu hồi báo, tội trạng của Tư Châu mới được công bố: "Có trách nhiệm để tờ báo bị thu hồi và để nội bộ mất đoàn kết." Như vậy, Tư Châu không có chuyện gì về tài chánh!
Còn với Ngô Văn Tước, người ta cũng có cách. Biết chẳng thể xoay xở được gì ở lý lịch anh chàng cựu chiến binh xuất thân từ gia đình cách mạng đất Quảng Trị nên biện pháp khác được áp dụng. Tước bị cơ quan, bị đoàn thanh niên kiểm điểm kỷ luật vì vạ báo. Tước cũng bị tuyên huấn gọi lên kết những tội tầy đình: chống lại chủ trương của Ðảng! Nếu là người khác, giàu kinh nghiệm hơn, Tước chỉ việc khoanh tay, cúi đầu: "Thưa các chủ, tui còn dại dột, suy nghị chưa chỉn chẳn nên cỏ sai sót. Ðược các chủ dạy bảo, tui tỉnh ngộ, cảm ơn các chủ, xin các chủ tha thứ"! Chỉ cần vậy, và tốt hơn nữa, vơ ở đâu đó nắm bùn, ném vào mặt Tư Châu. Chắc chắn Tước sẽ được ân xá trở thành người phục thiện, biết tiếp thu phê bình. Nhưng trái lại, Tước cứ bướng bỉnh giữ ý khăng khăng: "Có thể tui việt chưa đát, chưa chuẩn xạc, nhưng dựt khoạt tui không sai. Tui cũng không chống Đãng." "Không sai à? Ngoan cố. Ðồng chí bí thư nói sai, mọi người nói sai mà anh không chịu nhận! Vậy hóa ra cả Đảng bộ này sai à?" Rồi từ bài báo, tội trạng của Tước cũng chuyển hướng: "Sai lầm về bài báo là rõ ràng nhưng chúng tôi không đánh giá chuyện đó nặng lắm. Ai mà chả có sai lầm. Cái quan trọng là cậu ta ngoan cố, không chịu nhận sai lầm, lại còn tỏ ra kiêu căng, coi thường lãnh đạo, coi thường tập thể. Nhân sự như thế không thể để làm báo được!" Con ruồi đã thành con voi. Lúc đầu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy định bắt. Sau đó giảm xuống mức thải hồi cho về quê sản xuất. Biện pháp cuối cùng là không cho viết báo, không được công tác trong khối tư tưởng. Bắt đầu hơn một năm trời thất nghiệp chạy ăn chạy việc của nhà báo… hại này!
 
Về những vị thày dùi và những ngài sọc dưa
Nghe nói người có công phát hiện ra "sai lầm" của báo Kiên Giang là chàng thơ ký rất trẻ của Bí thơ Tỉnh ủy. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi: không biết động cơ nào đã dẫn chàng trai có vẻ dễ thương này làm chuyện đó? Vì nhiệt tâm hoàn thành công vụ? Hay vì cần chứng tỏ ta đây giỏi giang, vững vàng, nhạy bén? Nếu chẳng có sự kiện này thì tiền đồ của anh ta cũng rạng rỡ chán. Dù sao mặc lòng, việc làm của anh ta cũng ghi một điểm đen cho thành tích của tất cả những gì bảo thủ trì trệ, những gì đang cản trở công việc đổi mới. Ðây cũng là sản phẩm của cơ chế tổ chức lỗi thời: chúng ta bồi dưỡng lực lượng trẻ, nhưng hại thay, lại được những thứ trẻ - tầm gửi, trẻ không xương sống mang mầm thối rữa từ trong lòng. Và càng chứng tỏ hơn sự khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Nhà trường phổ thông đáng lẽ phải dạy anh ta nhiều hơn về kiến thức văn học, nhất là bộ môn Tiếng Việt để ít ra anh ta có thể đọc chạy được tiếng mẹ đẻ, để anh ta hiểu được ngữ pháp tối thiểu của tiếng ta, để anh ta hiểu được rằng từ “bây giờ” Ngô Văn Tước dùng là để chỉ một giai đoạn dài, bởi vì trước đó đã có trạng ngữ chỉ thời gian lùi lại quá khứ, trong thời thuộc Pháp. Vì thế, bây giờ không chỉ là hôm nay. Nhà trường cũng cần giảng giải cho anh ta hiểu thế nào là cảm hứng. Cảm hứng (tiếng Pháp inspiration) là một từ tốt đẹp, mới du nhập nước ta đầu thế kỷ. Cái chữ Tây này vào ta theo con đường Tàu nên các cụ ta xưa gọi là yên-sĩ-phi-lý-thuần. Ðó là trạng thái hứng khởi cao cả thiêng liêng khi nàng thơ chắp cánh cho ta bay bổng trên bầu trời sáng tạo. Lẽ nào người cộng sản không có cảm hứng? Cảm hứng đâu phải là xấu, đâu phải tùy hứng? Có lẽ mọi sự bắt đầu bằng chữ nghĩa bị hiểu sai oan uổng vậy!
Chàng trai trẻ có công tìm ra châu Mỹ đã mở đường cho lũ lĩ những vị đánh hôi. Trong những người đánh hôi, tôi buồn rầu phải nhắc tới người bạn tôi. Mười lăm năm trước, tôi từng sửa những câu ca dao của anh để in. Tiếp đó anh viết mấy bài bình luận văn học với kiến thức của một thầy giáo làng. Thủ trưởng cũ của tôi, một người sợ tuyên huấn như sợ cọp, đã tìm mọi cách đẽo đi gọt lại để dùng, bởi vì anh ở ban tuyên huấn. Những tác phẩm được nhuận sắc ấy đảm bảo cho báo chí bọn tôi được nhiều tính Đảng hơn và cũng đem lại cho anh những thuận lợi. Vào Nam, đường công danh của anh được rộng mở. Sự đời trớ trêu đặt anh vào vị trí người xét thơ duyệt văn bọn tôi. Ðược cái, anh còn coi tôi là bạn nên những lần có gì vương vướng, anh thường hỏi ý kiến. Lần này không thế! Trong khi chúng tôi gặp đại họa, anh chẳng ra tay cứu, lại lửa đổ thêm dầu. Anh có công phát hiện ra sai lầm mới của tờ Văn nghệ Kiên Giang số Xuân vốn đã tội cùng mình! Truyện ngắn “Những lớp sóng" nào có lỗi gì? Nó chỉ kể chuyện một ông trưởng phòng giáo dục huyện không làm được việc phải chuyển sang làm phó ban tuyên huấn. Thật không ngờ, anh la lên: "Như vậy là tác giả coi thường sự lãnh đạo của Ðảng, coi phó ban tuyên huấn thấp hơn trưởng phòng giáo dục!" Ngọn lửa to rồi, thêm bình dầu của anh nữa, tờ báo cháy luôn! Anh nghĩ gì? Phải chăng nếu không thế thì anh không bộc lộ được mình? Trong bữa thịt báo chí này, nhất thiết tay anh phải nhúng mực sao? Phải chăng chỉ có thế anh mới được coi là nhạy bén, mới vững vàng mới kiên quyết, mới trung thành?!
Vào Kiên Giang tôi nghe hai tiếng “sọc dưa”, thấy lạ. Vì giấu dốt không chịu hỏi ai nên cứ dốt hoài. Mới đây được thủng nghĩa. Và khi hiểu ra được thì khoái... tận cung mây! Tôi đoan chắc rằng cái từ Nam Bộ này phải được cắt rốn ở Rạch Giá vì Rạch Giá đẻ ra cái trò đá cá lia thia. Khi con cá vào cuộc mà da nó sậm lại là con cá có gan, đá chí tử. Sẫm hay đen ở đây được gọi là “mung”. Mung lắm là từ chỉ cá, sau đó chuyển sang chỉ người. Còn những chú lia thia khi lâm trận bỗng trên mình nổi những sọc màu như sọc dưa là khi võ sĩ ta sắp bỏ của. Từ “sọc dưa” được dân Rạch Giá dùng cho kẻ chạy xịt.
Trong cuộc thịt báo chí này, có một nhà văn tự biến mình thành thợ đan thúng và sọc dưa như thế. Khi sự cố báo chí nổ ra, trong cơn đánh phá tùm lum ban đầu, anh cũng dính. Anh nổi giận, anh bất bình, anh chứng minh với tất cả lòng hăng hái rằng báo chí không sai. Chúng tôi hy vọng ở anh. Trước cuộc họp ngày 5 tết năm 87, chúng tôi trông vào anh như trông vào Triệu Tử Long cứu nguy. Nhưng khi không khí hội nghị quá căng thẳng, và nhất là thấy bài luận tội của Bí thư Tỉnh ủy không đả động tới mình, anh thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng, anh đứng dậy: "Thưa mấy chú mấy anh, tụi tôi là em cháu mấy anh mấy chú, chúng tôi còn non dại, trót có lỡ lầm, xin mấy chú mấy anh dạy dỗ thêm." Anh cảm động cúi đầu nhìn xuống, thổn thức như sắp khóc! Sau này anh nói với bọn tôi: "Tôi làm vậy là vì mấy anh đó. Manh động là chết! Chọi con chuột đừng để bể chén kiểu!" Nghe cũng dễ xiêu lòng đấy chứ, mình được là chén kiểu cơ mà!
Một năm sau, trong cuộc họp bàn lại về vụ thu hồi báo. Lúc này những việc cần làm ngay của NVL có rồi. Chỉ thị 15 có rồi. Nghị quyết 05 có rồi. "Phen này ngon rồi, tôi sẽ hết sức bảo vệ anh em!" nhà văn bạn tôi nói. Tôi lại một lần nữa hy vọng Triệu Tử Long tái thế. Nhưng khi Bí thư Tỉnh ủy Lâm Kiên Trì chủ trì cuộc họp nổi thầu lậu - danh từ anh em thường gọi khi ông đỏ mặt tía tai vì tức giận - phán lời đanh thép cuối cùng: "Việc thu hồi báo là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, sự vững vàng, sự kiên quyết của cấp ủy. Không thể để tờ báo có nội dung xấu xa như vậy đi ra nước ngoài hay lưu lại trong lịch sử. Tỉnh ủy nghiêm cấm việc bàn tán thêm về tờ báo này. Tuyên huấn có nhiệm vụ ghi tên rồi báo cáo." Hội trường lặng đi rồi tiếng ai đó cất lên: "Chúng ta là những người đan thúng. Thúng có lớp được có lớp hư. Cái thúng này hư nên theo tôi cũng đồng ý với đồng chí Bí thơ là phải bỏ!" Nhà văn bạn tôi thổn thức.
Tôi lặng người, cúi xuống không dám nhìn ai. Dù không nhìn anh, tôi cũng dư biết, khắp mình anh những tia máu đỏ máu đen đang nổi lên vằn vện. Nếu lúc này có phép gì lột trần anh thả vào bể cá, chắc hẳn những lằn sọc dưa sẽ hiện hình!
Nghề nghiệp nghiệt ngã
Ðầu năm 1986, trong cơn sốt đấu tố Cù lao Tràm, chúng tôi ngồi uống trà và tán chuyện. Anh Tư Bưởi, một nông dân huyện Hòn Ðất tất tưởi dắt chiếc xe đạp cà khổ bước vào. Uống chưa xong ly nước bạn tôi trao, anh nói:
“Mấy chú có theo dõi Cù lao Tràm không? Tui thấy Nguyễn Mạnh Tuấn viết đúng quá đi chớ! Mà viết thế đã ăn nhằm gì! Chú nào chịu chơi về tôi đi, tôi chỉ cho người thực việc thực mà viết. Còn dữ hơn Cù lao Tràm gấp bội. Mấy chú có biết thế nào là lúa hè thu AK kè, lúa thần nông đình không?”
Tôi về thăm anh mới vỡ lẽ ra là trên bắt nhổ lúa mùa làm hè thu. Lúa thất, nông dân bị du kích mang súng kè lên đình giam. Ðình chật, bị ví mê bồ phơi nắng. Trâu bò, heo gà, máy móc bị tịch thu. Tôi cũng được đọc lá thư đau lòng của một nông dân uất quá không chịu nổi, phải trốn ra nước ngoài.
“Chú có dám viết không?”
Người lính năm xưa của Tiểu đoàn 307 kiêu hùng nhìn tôi vẻ thách thức. Thấy tôi im lặng hồi lâu, anh nói: “Ðúng, chú chưa viết được đâu!” Nói rồi anh ngồi lặng đi mắt ngó trân về hướng khác.
Một buổi trưa giữa năm 1987, anh đến nhà dựng tôi dậy:
“Bây giờ chú đã dám viết chưa? Những việc cần làm ngay của NVL có rồi. Ðảng cho viết rồi đó, chú có dám viết không? Ngưng một lúc trong khi mắt vẫn nhìn tôi không chớp, anh tiếp: ‘Chú không viết bây giờ là có tội!’"
Tôi về nhà anh. Anh phân công một lão nông đưa tôi tới địa điểm thứ hai. Tôi chưa bước ra khỏi cửa thì vợ anh giữ lại chiếc mũ trên đầu tôi: "Chú để cái này lại đây. Ðội nón cối họ để ý đấy!" Chị nói nhỏ. Tôi bước rướn mấy bước để đuổi kịp ông già dẫn đường. Ông vừa đi chậm rãi vừa vấn thuốc hút. Tôi tới bên ông, vừa mở miệng nói thì ông cắt luôn: "Ông đi trước đi và đừng có nói chuyện với tui!" Hiểu ý, tôi bước vội lên trước. Chúng tôi thành hai người không quen biết. Tới ngôi nhà lá kín đáo, một bà má bước ra: "Chú là nhà báo sao? Tụi tui trông chú hơn trông má tui về chợ. Bây giờ chúng nó làng bênh làng, xã bênh xã, huyện bênh huyện, mà chúng tôi thì thấp cổ bé họng. Chỉ có mấy chú mới cứu nổi chúng tôi!" Nhìn dáng gầy còm của má, nghe những lời tin yêu mà đặt vào mình, tôi muốn ứa nước mắt. Tôi hỏi han, ghi chép rồi viết. Bài viết bị tuyên huấn duyệt lên duyệt xuống bầm dập rồi mất hút. Tôi biết nói thế nào với má? Chả lẽ tôi trở về nói với má rằng con muốn cứu má nhưng miệng con bị bịt chặt rồi sao?
Chúng tôi muốn gì? Thật nhỏ nhoi: Ngày nào đó các anh kêu chúng tôi đến, nói: "Làm việc có trúng có trật. Trước đây lãnh đạo lỡ có quá tay, anh em thông cảm, bỏ qua chuyện cũ." Chỉ cần thế thôi, chúng tôi sẽ quên tất cả và ủng hộ các anh hết lòng hết sức mình. Nhưng! Ðáng buồn thay vì chữ nhưng đó. Trong khi khăng khăng cho mình đúng, các anh còn trông cậy vào quyền lực nào đó bịt miệng báo chí trung ương. Linh hồn của đổi mới là dân chủ. Mũi nhọn dẫn đường cho dân chủ là công khai. Ðiều gì sẽ đến khi công luận bị nghẹn lời?
Trong khi viết những dòng này, tôi vẫn như còn nhìn thấy nhỡn tiền một Tư Châu như người chết rồi sau cú đòn báo chí. Anh dường như không nói, thỉnh thoảng chỉ mỉm cười cay đắng. Một Ngô Văn Tước lang thang trên những nẻo đường Rạch Giá. Chiếc xe đạp duy nhất không còn, tay ẵm con, tay xách giỏ rau kéo lê đôi dép mòn vẹt gót, đi xin việc năm lần bảy lượt đều bị bật ra bởi có lệnh không thành văn từ Trời ban xuống: không cho viết báo! Tôi như nhìn thấy cái đầu bạc của anh Ba Sáng bạc thêm trong những ngày bị truy bức bị vu khống. Tôi cũng như thấy Dương Tôn Hưng trên nền xi măng lạnh của trại giam. Người ta đã giữ lại những bài chưa in của tôi để tính! Có thể chúng tôi sẽ gặp chuyện này chuyện khác. Nhưng làm sao có thể không nói lên sự thật? Và dù có thế nào đi nữa, thì nỗi khổ của chúng tôi đâu có bằng nỗi khổ chồng chất mà bà con đang phải chịu đựng? Có thể từ chối nhiều điều, nhưng không thể nào không viết và càng không thể nào bẻ cong ngòi bút. Ôi, cái nghề nghiệt ngã!.
Rạch Giá, 15/7/1988
Hà Văn Thùy
Nguồn: Báo Văn nghệ ngày 20.8.1988
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...