Ðọc sách Hạ đỏ có
chàng tới hỏi
Hơn một nửa dân số Việt Nam và hơn một triệu người Việt đang
sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỷ 20 diễn ra
trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến
tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Ðỗ Quyên, một thanh niên Mĩ gốc Việt,
sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện: Hạ đỏ có chàng tới hỏi
Tên tác giả: Viên Linh
Nhà xuất bản: Khai Hóa
Năm xuất bản: 1973
Địa điểm: Sài Gòn, Nha Trang
Thời gian: khoảng mùa hè 1973
Các nhân vật chính:
Nam Đàn – sinh viên đại học Sài Gòn (Văn Khoa; ban Triết học), mới tốt nghiệp,
quê ở Nha Trang, yêu Dự Thư
Dự Thư (Ý Hoa) – sinh viên đại học Sài Gòn (Văn Khoa; ban Hán văn), học năm dự
bị, yêu Nam Đàn
Các nhân vật phụ:
Bà Trương (Nhược Lan) - mẹ Dự Thư
Ông Trương – cha Dự Thư
Hạ Liên – bạn Dự Thư, yêu Nam Đàn
Phùng – Phụ Giảng ở Văn Khoa, tình địch của Nam Đàn, yêu Dự Thư
Ông Thành – cha Nam Đàn, xếp ga Ngọc Hội
Bà Thành - mẹ Nam Đàn, cô giáo trường nữ sinh tại Nha Trang
Phong, Thu Đà – anh em Nam Đàn
Hà Trường - bạn Nam Đàn
Phương Ý - bạn Nam Đàn, sau lấy Bính
Bính (Bính còm) - bạn Nam Đàn, sau lấy Phương Ý
Bạch Lan – em gái Nhược Lan, dì của Dự Thư, vợ cũ của ông Trương, nay sống bên
cạnh chùa Báo Thiên
Thạch Bích - chồng cũ của Nhược Lan, cha ruột của Dự Thư, xếp ga Lương Sơn, bạn
thân của ông Thành
Ông Giám Đốc Hỏa Xa - bạn ông Trương, muốn lấy Dự Thư làm vợ
Mở đầu:
Nam Đàn đến nhà Dự Thư, xin ông bà Trương cho phép cô đi Nha Trang với các bạn
của anh nhân dịp nghỉ hè. Anh nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Dự Thư đầu niên
học.
Nội dung truyện:
Cha mẹ Dự Thư cho phép cô đi. Cô ra Nha Trang chung với bạn cô là Hạ Liên và
các bạn của Nam Đàn. Ở Nha Trang, cô gặp dì Bạch Lan, thăm ông Bích ở Lương
Sơn, nơi cô sanh ra. Nam Đàn và Dự Thư tỏ tình với nhau, nhưng cô lại nhận được
điện tín của bà Trương kêu cô về nhà ngay vì cha cô không bằng lòng cô ở đó. Thấy
điện tín ký tên “Nhược Lan,” ông Thành mới kể lại cho Nam Đàn biết về quá khứ của
bà. Năm 1957, bà vẫn còn là vợ ông Bích, bỏ chồng theo ông Trương, đem theo đứa
con gái duy nhất là Dự Thư. Vì vậy, ông bà Thành ngại rằng con mình sẽ có một
người mẹ vợ tương lai có quá khứ đáng hổ thẹn. Nam Đàn viết thư thuật lại câu
chuyện cho Dự Thư, hẹn về Sài Gòn sẽ đến thăm cô. Về Sài Gòn, bà Trương cho cô
hay rằng cha cô không bằng lòng cho cô lấy Nam Đàn, rồi sau một thời gian mới kể
lại quá khứ của bà cho con. Mãi đến bữa đám cưới Bính và Phương Ý, cô mới gặp lại
Nam Đàn. Tối đó, anh đưa Dự Thư về, bị ông Trương bắt gặp. Ông Trương giận dữ
đe dọa Nam Đàn rằng nếu anh còn liên lạc với con ông thì ông sẽ nhờ bạn ông là
Giám Đốc Hỏa Xa cho cha anh bị mất việc. Nam Đàn hứa sẽ không trở lại nhà Dự
Thư, rồi xuống Vĩnh Long ở chung với vợ chồng Bính và Phương Ý.
Kết thúc truyện:
Ông Bích nghe ông Thành kể lại chuyện tình duyên giữa Nam Đàn và Dự Thư, lập tức
vô Sài Gòn để giải quyết cho hai người lấy nhau. Lúc đó ông mới biết rằng Dự
Thư là con ruột của mình, muốn con mình được hạnh phúc chung với người yêu. Đến
Sài Gòn, ông gặp bà Trương và Dự Thư, cho hai mẹ con biết rằng chức Giám Đốc Hỏa
Xa sắp có người mới thay thế, mà người này chính là bạn thân của ông Bích và
ông Thành. Vì vậy, lời đe dọa của ông Trương trở thành vô hiệu. Ngược lại, hai
ông Bích và Thành đã có chỗ nhờ cậy, bắt buộc ông Trương bằng lòng cuộc hôn
nhân của Nam Đàn và Dự Thư. Rời Sài Gòn, ông Bích đi Vĩnh Long đón Nam Đàn về.
Nay Dự Thư đã biết rằng ông Bích mới chính là cha của mình, rồi mẹ cô lại tiết
lộ rằng bà vợ cũ của ông Trương lại là dì Bạch Lan, nay đang ở cô độc ở Nha
Trang. Cuối truyện, Nam Đàn đến nhà Dự Thư đưa cô đi chơi, bàn chuyện hôn nhân.
Lúc đó, ông Trương hết còn dám phản đối.
*
Tên truyện lấy từ bài thơ “Tình sầu” của Huyền Kiêu. Bài thơ là đối thoại giữa
một anh chàng đến hỏi một cô gái, nhưng chỉ có em cô trả lời. Câu trả lời của đứa
bé thay đổi theo mỗi mùa xuân hạ thu đông. Mùa xuân cô thiếu nữ còn ngây thơ,
còn đi bắt bướm:
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu ?
Chị tôi hoa thắm cài đầu
Đi bắt bướm vàng bên nội.
Đến mùa hè, thì cô đã không còn bắt bướm hay cài hoa trên tóc mà đã vấn khăn.
Có lẽ là cô đã đến tuổi lấy chồng. Cái nên thơ của mùa xuân hồng đã đổi qua mùa
hè đỏ rực rỡ.
Hạ đỏ có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn thắm quàng đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối.
Đến mùa “thu biếc” thì cô đã biết đau khổ mà “Ði hái tình sầu trong núi.” Qua
“đông xám,” cô thiếu nữ qua đời, “Đã ngủ trong lòng mộ tối.” “Hạ đỏ” tức là thời
điểm trong cuộc đời cô thiếu nữ mà vẻ đẹp của cô rực rỡ nhất, tình cảm của cô nồng
nàn nhất, không còn thơ dại như xưa nhưng lại chưa mất tính hồn nhiên, biết mơ
mộng nhưng chưa bị thất vọng. Tựa sách muốn nói đến cao điểm của đời người con
gái về mặt tình cảm lẫn sắc đẹp. “Chị đẹp” trong trường hợp này tất nhiên ám chỉ
Dự Thư, cô nữ sinh viên nhỏ bé.
Màu đỏ rực rỡ của mùa hè trong tựa truyện cũng được nhắc đến qua những cành hoa
phượng ở nhà Dư Thư. Tiểu thuyết lấy bối cảnh là mùa nghỉ hè của các cô các cậu
sinh viên. Đầu truyện, Nam Đàn đến nhà Dự Thư là hoa phượng vỹ mới nở: “Phượng
Vỹ rực rỡ trên đầu. Hoa Phượng đỏ ối, nở bừng trong nắng ban mai. Tuần lễ trước
chàng tới đây, Phượng Vỹ chưa nở một cánh nào” (tr.9). Suốt truyện, mỗi chương
thường mở đầu hoặc kết thúc bằng vài dòng về những cây phượng nhà Dự Thư. Lúc
Nam Đàn gặp bà Trương lần đầu, nghe bà kể rằng hồi đó mình cũng ở Nha Trang, “mặt
bà phản ánh màu hoa Phượng Vỹ, đỏ hồng” (tr.20). Đêm trước khi đi Nha Trang, Dự
Thư ngắm hoa phượng nhà mình. Màu hoa xám dưới ánh đèn néon xanh làm cô rùng
mình, như tiên đoán rằng sẽ có chuyện không may xảy ra trong chuyến du lịch của
cô. Suốt thời gian chờ đợi Nam Đàn đến thăm mình trước bữa đám cưới của Bính và
Phương Ý, độ nở của hoa phượng vỹ như đánh dấu sự di chuyển của thời gian. Hai
người xa nhau, nhưng hoa phượng vẫn tiếp tục nở. Lúc Nam Đàn hứa không liên lạc
với Dự Thư, hoa phượng cũng buồn theo: “vài cánh Phượng Vỹ lả tả rơi xuống đầu
chàng” (tr.250). Cuối truyện, hai người biết rằng chuyện hôn nhân của mình sẽ
thành. Một giai đoạn mới trong cuộc đời họ sắp bắt đầu. Hoa phượng cũng phản ảnh
cái phút giao thời ấy: “Ngoài sân, hoa Phượng Vỹ đỏ tươi rung rinh trong gió từ
những tàng của cây Phượng già lẫn những tàng của cây Phượng trồng sau, ở hai đầu
sân” (tr.299).
Dù bối cảnh của câu truyện là thời chiến tranh, những thảm cảnh của chiến tranh
đều vắng mặt trong truyện. Cuộc chiến không đem lại các nhân vật những mối đau
khổ cay đắng mà chỉ tạo cho họ những trở ngại nho nhỏ. Vì vậy, họ đề cập đến nó
không quá hai lần. Khi các bạn của Nam Đàn và Dự Thư bàn về tương lai thanh
bình, Bính nói rằng anh sung sướng vì cuộc du hí nầy là lần đầu từ mười năm trở
lại mà anh được đi xe hơi trên con đường Xuyên Việt. Câu này cho độc giả biết rằng
câu truyện xảy ra sau đình chiến năm 1972 (tr.99). Qua câu nói của Bính, chiến
tranh chỉ là một trở ngại giao thông. Tiếp theo, Hà Trường và Bính đùa với nhau
rằng sau khi đất nước thanh bình, hai người sẽ về quê làm ruộng, chăn nuôi
(tr.100). Họ đùa như vậy được vì chiến tranh ảnh hưởng việc làm ruộng ở nông
thôn, nhưng lại không ngăn cản cản việc học hành, nghề nghiệp của những người
như họ, những người thuộc về thành phần trí thức ở thành thị. Lần thứ nhì nhắc
đến chiến tranh là khi đến thăm ông Bích. Từ ngày chiến tranh bùng nổ, xe lửa
không còn chạy đến vùng ấy vì mất an ninh, ông Bích tự nhiên lại rảnh rang. Ông
kể cho các bạn của Nam Đàn rằng gần đây ông nghe tin đường xe lửa đã sắp chạy
trở lại Lương Sơn (tr.124-125). Đối với ông Bính, cuộc chiến chỉ là một trở ngại
nhỏ, khiến ông không có việc làm, nhưng cũng không hệ trọng cho lắm. Cái thảm kịch
trong đời ông Bích, sự đau đớn trong hoàn cảnh Nam Đàn và Dự Thư không phải do
chiến tranh gây nên, mà do những rắc rối về tình cảm của mọi thời đại: bị vợ, bị
chồng phản bội, bị cha mẹ cấm đoán tình duyên.
Qua cuốn tiểu thuyết này, ta có thể hiểu rằng đối với tầng lớp trung lưu và thượng
lưu, đối với thành phần trí thức sống trong thành phố, những nơi không bị mất
an ninh, cuộc chiến đối với họ rất xa xôi. Mạng sống, nghề nghiệp của họ không
bị đe dọa như đối với dân ở thôn quê. Họ vẫn có thể sống một cách thản nhiên
như trước, vẫn yêu đương, vẫn tiếp tục đi nghỉ hè như lúc thanh bình. Dù những
nhân vật trong tiểu thuyết có đau khổ thật, nhưng đó là cái khổ của riêng từng
cá nhân chứ không phải nỗi buồn chung của đất nước.
Nói rằng đời sống thành thị không bị ảnh hưởng trực tiếp như đời sống nông thôn
không có nghĩa rằng mọi người định cư tại thành phố thời ấy đều sống an bình
như gia đình Dự Thư và Nam Đàn. Ta cũng có thể đọc tiểu thuyết theo một quan điểm
khác, hiểu câu truyện như một giấc mơ của thời đó. Những độc giả miền Nam mong
muốn được một đời sống không bị chiến tranh lấn át, chỉ phải chịu đựng những nỗi
đau đời thường trong hoàn cảnh một đất nước thanh bình. Vì vậy, họ cần những tiểu
thuyết giải trí viết về tình yêu trai gái, tình cảm thật lãng mạn để làm dịu đi
cái căng thẳng của thời chiến. Lời tình tứ giữa Nam Đàn và Dự Thư, cái quá khứ
“giựt gân” của bà Trương đều giúp họ quên đi những tranh chấp chính trị, quên
đi một xã hội bị thời thế đảo ngược. Cũng theo phong trào này mà thời ấy có nhiều
nhà văn viết truyện tình một cách vô tư, không hề nhắc đến chính trị, nhứt là
sau 1963 (Võ Phiến, tr.217-218). Hơn nữa, vì bối cảnh là sau đình chiến năm
1972, câu truyện có thể nói lên cái hy vọng về một đời sống tương lai hòa bình.
Tiểu thuyết Hạ đỏ có chàng tới hỏi là một biểu tượng của một thời đầy
lòng mong muốn một cuộc sống dân sự thời bình.
Tài liệu tham khảo:
- Viên Linh. Hạ đỏ có chàng tới hỏi. Los Alamitos,
Ca.: Xuân Thu, 1989.
- Võ Phiến, Hai mươi năm văn học Miền Nam, 1954-1975. Westminster,
Ca.: Văn Nghệ, 1986.
28/5/2005Ðỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét