Vài suy nghĩ về
nghệ thuật dịch "Kiều"
Tuyệt tác Truyện Kiều đã đến với đông đảo bạn đọc
thế giới từ lâu nhờ các bản dịch; tiếng Pháp có lẽ là ngôn ngữ có nhiều dịch giả
nhất, trong đó bản dịch của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được nhiều người đánh giá
là thành công nhất. Bản dịch đã được tái bản nhiều lần và từ bản dịch này, dịch
giả một số nước đã chuyển tiếp sang các ngôn ngữ khác. Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận
xét: “Bản dịch Kiều sang tiếng Pháp của Anh (Viện) đề ra một quan niệm
dịch thuật khá độc đáo.” Nhà nghiên cứu và dịch giả Đỗ Lai Thúy: “Bản dịch Truyện
Kiều của ông đã vượt bóng những người đi trước như Paulus Của, Nguyễn Văn
Vĩnh, Xuân Phúc và Xuân Việt… để tỏa sáng. Không nệ vào điển cố, đi tìm một sự
“tương ứng” sâu xa, Ông đã làm cho nàng Kiều Việt Nam gần gũi với tâm hồn Pháp.
Một nhà văn hóa Việt Nam nói với tôi: “Mình hiểu Kiều hơn nhờ bản dịch
của anh Viện. Hình như ngoài tín nhã ra còn có một cái gì đấy!”…”
Về sự ra đời của bản dịch này, Nguyễn Khắc Viện đã kể lại trong hồi ký của mình
như sau:
“Năm 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Trong những tài liệu về Nguyễn
Du cần cung cấp cho các nước để họ tổ chức kỷ niệm, cần có bản dịch quyển Kiều…
Việc này đã được chuẩn bị từ năm 1963. Hồi tôi còn ở Pháp, trong nước đã giao
cho tôi tìm người dịch truyện Kiều. Tôi đã nhờ anh Phan Nhuận là một luật sư ở
Paris. Anh đã vào Đảng Tân Việt, sau bị Pháp truy nã, chạy sang Pháp… Anh dịch
quyển Kiều được khoảng 100 câu thì bị bệnh qua đời… Tôi tham khảo những bản dịch
trước đây đều thấy chưa thỏa mãn. Có người dịch ra văn xuôi, thành ra mất chất
thơ của quyển Kiều. Có người dịch ra thơ Pháp kiểu cổ điển, một câu Kiều phải dịch
ra hai ba câu dài cho câu thơ đủ từ, có vần… Có người bám sát điển tích thành
ra những câu rất lạ lùng. Việc dịch rất khó do hai ngôn ngữ có nhiều điểm khác
nhau… Ví dụ như câu: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tiếng Việt thì “tài” với
“tai” là một vần, nhưng tiếng Pháp thì “tài” là “talent”, “tai” là “travers”;
Hoặc những câu ví như "Sớm đào tối mận lân la / Trước là trăng gió sau ra
đá vàng”. Câu thơ của ta nhẹ nhàng như vậy, nếu dịch ra đủ lệ bộ thì nặng nề chẳng
thành câu thơ gì nưã…
Ngoài khó khăn về dịch thuật, còn khó khăn nữa là ở nước ta, có nhiều người vừa
sính Kiều vưà sính tiếng Pháp. Vì vậy, đối với các bản dịch, không có một câu
nào mà người ta không có ý kiến… Tôi nói là nếu giao cho tôi dịch trong một thời
gian ngắn, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Anh em góp ý kiến tôi sẽ lắng
nghe, nhưng xin cho tôi được quyết định, không buộc phải theo ý kiến áp đặt, vì
chữa một chữ là phải chữa cả câu, mà chữa một câu là phải chữa cả đoạn. Nếu buộc
phải theo ý kiến mọi người thì mấy năm cũng không xong. Đề nghị được chấp thuận,
tôi về cố gắng hết sức, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ, sau 3 tháng nộp bản thảo.
Thực ra, nếu dịch một tập thơ chưa bao giờ đọc, thì không thể nào làm trong 3
tháng. Nhưng truyện Kiều tôi đã thấm từ bé, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu
lần…” (Nguyễn Khắc Viện, Ước mơ và hoài niệm, hồi ký, Nhà xuất bản Đà
Nẵng 2003).
Có lẽ phải “bổ sung”: một người còn chưa đầy một lá phổi, vừa trở về nước sau gần
ba chục năm ở Pháp (ông về nước năm 1963), lại vào lúc Mỹ bắt đầu đánh phá miền
Bắc, có thể hoàn thành được bản dịch Kiều nhanh chóng như thế là còn
nhờ dịch giả và Nguyễn Du cùng quê hương – dòng sông Phố quê ông hợp lưu với
sông Lam trước khi chảy qua làng Tiên Điền, và thân phụ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
cũng là nhà khoa bảng (cụ đỗ Hoàng giáp thời vua Thành Thái), không xa lạ gì
khung cảnh triều đình phong kiến; bản thân ông còn tự học chữ Hán ngay trên giường
bệnh ở Pháp, học cẩn thận đến mức nhà giáo lão thành Trần Văn Quý phải thốt
lên: “Tôi kinh ngạc đến sững sờ thấy ông tập viết cả chữ thảo, mà lại tập viết
theo đúng thể Vương Hy Chi…” Còn một động lực nữa, chính Nguyễn Khắc Viện đã bộc
lộ: “…Chính giữa lúc đang đánh nhau với Mỹ như vậy, chúng ta vẫn kỷ niệm
nhà thơ lớn của mình, để tỏ cho thế giới biết mình vẫn vững tâm, và cũng để bảo
vệ vốn văn hóa quý báu của dân tộc.”
Nguyễn Khắc Phê
Trong bài giới thiệu, chúng tôi đã cố gắng khoanh lại một vài
vấn đề về mặt nội dung của truyện Kiều. Nay xin nói đến những vấn đề đặt
ra trong việc dịch thuật.
Kiều là một thi phẩm, nó đòi hỏi phải được chuyển dịch bằng thơ; một thi
phẩm lớn càng cần có một bản dịch nên thơ. Nếu thơ không nhất thiết đồng nghĩa
với những dòng văn vần, thì ngôn ngữ thơ trước hết phải dùng đến hình ảnh, nhịp
điệu, nhạc tính sao cho đánh thức được trong lòng người đọc, đúng hơn trong
lòng người ngâm, cả một chuỗi ấn tượng, cảm xúc dù khi chưa hiểu rõ ý thơ. Một
bản dịch ra văn xuôi sẽ biến bài thơ thành một câu chuyện kể và dù dịch giả
khéo léo cũng sẽ làm biến chất tác phẩm. Ví dụ câu thơ:
Trải qua một cuộc bể dâu
mà Xuân Việt và Xuân Phúc dịch [1] thành:
Trải qua bao nhiêu là biến động, biển cả trở thành nương dâu
Dịch như thế quả là có ưu điểm theo sát ý gốc. Nhưng câu thơ tiếng Việt trước hết
gợi ra một hình ảnh, khuấy động lên một nỗi kinh hoàng xen lẫn mối thương tâm
thầm kín, con người cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những xáo động của thiên
nhiên. Cho nên tôi muốn dịch câu thơ ấy như sau:
Nơi mà xưa kia ngàn dâu xanh mướt, nay biển cả thét gào
Tự buộc mình phải dùng ngôn từ có chất thơ, đó là nghĩa vụ trước hết của người
dịch thơ. Quy tắc này sẽ giúp các dịch giả kể trên tránh được nhược điểm kiểu
sau đây:
Nhưng phải biết điều này: Trong bản chất, việc hôn nhân phải hàm chứa hoa
nguyên phấn, trăng tròn vành.
Câu thơ đầy ý vị:
Xưa nay trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong nhị, trăng vành tròn gương
đã được dịch ra như thế đó!
Thiết nghĩ rằng không cần trau chuốt từ ngữ hay ngữ điệu, chỉ cần chút ít sắp đặt
các từ, cũng có thể đem lại cho bản dịch một dáng thơ:
Nhưng muốn chắp nối sợi dây thiêng hôn phối
Hoa phải còn nguyên mật, trăng phải hiện tròn gương.
Ngay cả lúc hai bản dịch rất gần nhau – một bằng văn xuôi, một bằng thơ – thậm
chí gần giống hệt nhau về mặt từ ngữ được sử dụng, chỉ cần thay đổi cách sắp đặt
từ ngữ là có thể đạt được những hiệu quả mà văn xuôi không thể có được. Hãy
trích trọn một đoạn trong bản dịch của Xuân Việt và Xuân Phúc:
Bắt chước những thiếu nữ hiến thân trong nương dâu trên bờ sông Bộc, thì sẽ là
bất chính đáng cho chàng khinh rẻ. Chúng ta phải chăng là những kẻ ăn thóc khi
lúa còn con gái. Sự tinh khiết trong suốt cả cuộc đời vợ chồng, sao lại nỡ làm
hỏng đi trong một phút giây. Trong các cuộc tình duyên lừng lẫy, qua mọi thời đại,
có cặp nào xứng đôi vừa lứa cho bằng cặp Thôi Trương. Thế mà bão táp mưa sa đã
đánh đổ đá vàng, và chim yến chim oanh rồi cũng đến chỗ chán chường vì đã quá mức
cưng chiều. Trong lúc chắp cánh, liền cành thường nỗi khinh rẻ đã chớm nở trong
lòng họ. Dưới mái hiên Tây, họ đã để cho ngọn lửa hương thiêng của lời thề nguyện
rụi tắt; thế là mối tình trong sáng biến thành một mối tình ô nhục. Nếu bây giờ
em không ném thoi để giữ mình, mai sau em phải xấu hổ trước mặt chàng, thì hỡi
bạn tình của em, phần lỗi thuộc về ai? Tại sao lại vội vàng ép nài nhành liễu,
quấy rối cành hoa đến thế! Bao giờ em còn sống, một ngày kia, chàng sẽ được đáp
đền.
Kiều đã nói với người yêu như vậy để cho chàng cảnh giác, nhưng dịch ra văn
xuôi, “bài thuyết trình” ấy hơi lạc điệu so với một vài hình ảnh, ngữ điệu được
diễn đạt rất tự nhiên trong bản dịch ra thơ [2] như sau đây:
Em đâu phải tuồng trong nương dâu dâm dật
Như những cô nàng mất nết chỉ đáng khinh khi
Lẽ nào chúng ta, vì một buổi hái hoa
Mà huỷ hoại cuộc tình duyên trọn kiếp
Thôi Trương, có cặp uyên ương nào sánh kịp
Than ôi, thế mà, không mấy chốc, mây mưa đã làm cho lấm ngọc phai vàng
Quá dễ buông mình, hoa kia đã làm cho chim Xuân mau chán ngấy
Đang cùng nhau chắp cánh liền cành
Mà ái ân đã ưa, khinh dễ đã ngấm ngầm
Hương nguyền đã tắt. Dưới mái chùa
Mối tình trong sáng đẹp đẽ nhường kia, đã chìm sâu trong tủi hổ
Hỡi nàng Thôi kiều diễm! Lẽ ra nàng đã phải ném thoi,
để tránh khỏi ngày mai vì mối tình mà xấu hổ
Sao chàng lại vội bẻ cành hái hoa như thế
Rồi sẽ có ngày tình em sẽ đáp lại tình chàng.
Toàn bộ truyện Kiều được viết theo thể thơ lục bát, là thể thơ thông
dụng nhất trong thi ca Việt Nam (cứ từng cặp 2 câu, trên 6, dưới 8 âm - hoặc âm
tiết; âm thứ 6 câu dưới vần với âm cuối câu trên). Đừng hiểu lầm về sự nhất
quán ấy. Luật ấy có đặc tính uyển chuyển vô cùng. Mỗi câu mỗi đoạn thực ra linh
động với nhịp điệu riêng. Một câu thơ diễn tả sự thất vọng của một người đang
yêu, vẻ u buồn của một cảnh trí, không rung động cùng một nhịp với những cách
ngôn đạo mạo thốt ra từ miệng của một vị ni cô. Ví dụ, hãy lấy đoạn nàng Kiều
trước khi rời bỏ gia đình, cầu xin em gái thay mình chắp nối lại mối tình đứt
đoạn (từ câu thứ 723: “Cậy em em có chịu lời” đến câu 756: “Thôi thôi thiếp đã
phụ chàng từ đây”). Lúc đầu, Kiều cố gắng giải thích, thuyết phục: nàng tường
thuật các sự việc, trình bày lý lẽ, nhịp thơ vì vậy chậm và điềm đạm. Thế rồi,
từ từ, một cách như vô thức, nàng buông mình như trong một cơn mơ. Ta cảm thấy
rõ nàng không còn trao đổi với người em nữa mà chỉ đeo đuổi một cuộc độc thoại
nội tâm mà nhịp điệu ban đầu còn lê thê, về sau, càng về sau càng trở nên hối hả
và cuối cùng vỡ oà ra trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Kiều ngã ra bất tỉnh
khi dứt lời, đó là điều đương nhiên dễ hiểu. Một bản dịch theo thể văn xuôi, rất
có thể có cơ nguy bỏ qua, đánh mất đi nhịp điệu mỗi lúc một trào dâng trong đoạn
thơ. Phẩm chất đầu tiên của văn xuôi là tính sáng tỏ dễ hiểu, người dịch, vì
cái đặc tính ấy của văn xuôi, thường đi đến chỗ hy sinh, bỏ mất đi những nhịp
điệu vốn là những gì tạo thành vẻ đẹp cơ bản của thi ca.
*
Người dịch có thể tìm được những nhịp điệu phù hợp, nhưng một mặt khác, một trở
ngại khó lòng khắc phục lại xuất hiện khi chuyển dịch tiếng Việt sang những
ngôn ngữ phi “âm bậc” như tiếng Pháp. Tiếng Việt rất thuận lợi cho việc tạo nên
vô số những cấu trúc âm thanh hài hoà vì mỗi âm có thể đọc theo 6 thanh (dấu) để
chỉ những sự việc khác nhau. Chỉ cần phối hợp các thanh đó, thay đổi thanh của
một vài từ nào đó, để biến câu văn thành thơ, và lời nói thành khúc hát. Làm thế
nào chuyển vào một ngôn ngữ phi “âm bậc” cái chất nhạc của từng “âm bậc” có khả
năng gợi lên những đồng vọng trong lòng người đọc? Trở ngại quả là không thể
nào vượt qua được, khi những phối hợp âm thanh không chỉ nhằm tạo nên một hiệu
quả âm nhạc, tiết điệu, mà còn để diễn tả cảnh sắc thật “đắt”. Tiếng Việt có cả
một loạt từ tạo nên bằng cách láy lại một âm vận nào đó. Và thường trong vần
láy ấy, người ta lại thay “âm bậc”, hoặc phụ âm, thậm chí nguyên âm đơn hoặc
kép. Điều ấy đủ để đem lại cho ý nghĩa của từ một sắc thái thường không dễ xác
định. Nếu trong các ngôn ngữ khác, việc tìm những từ tượng thanh tương đương là
việc dễ dàng, thì đối với những từ gợi màu sắc, động tác, thái độ, tâm trạng, dịch
giả hầu như hoàn toàn bất lực.
Gió “hiu hiu” là một làn gió chỉ đủ làm cho mặt nước hồ gợn nhẹ, nhưng
gió hiu hắt là một luồng gió trong đó đã có một chút gì giá lạnh.
Cánh buồm hiện ra “thấp thoáng”, là lúc ẩn, lúc hiện dưới ánh mặt trời rọi xuống
với nhiều góc độ khác nhau, ta thấy nó khi thì rực rỡ sáng ngời, khi thì mờ nhạt.
Khi một người tình cảm thấy “bâng khuâng”, là lúc anh ta cảm thấy như loãng ra
trong sự vật; còn khi hình ảnh người yêu ám ảnh anh ta và khi mỗi nhịp đập của
con tim lại gợi nhớ đến nàng, nhà thơ lại dùng từ “canh cánh” và người dịch
đành phải dùng cả một đoạn văn rườm rà. Thế là, hầu như tất cả chất nhạc, chỗ tế
nhị nhẹ nhàng lướt qua như làn gió thoảng, nơi tuôn đổ xuống những cung bậc dồn
dập, trầm bổng chen nhau, lúc dí dỏm hoặc kiêu hùng, khi ngậm ngùi xót xa; tất
cả những điều ấy đều biến mất trong các bản dịch dầu là tốt nhất. Mong sao độc
giả gắng sức bổ khuyết cho sự bất lực của dịch giả, để tưởng tượng, để tự hình
dung lấy cho mình những âm thanh nhịp điệu đã không tránh khỏi bị đánh mất, chẳng
khác gì khi múc một gàu trong cái bể nước có ánh trăng soi, người ta đã xoá đi
những ngấn bạc long lanh từ chị Hằng tuôn xuống.
Vấn đề trung thành với bản gốc
Khi chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, người ta cũng thay đổi xứ
sở và thường là cả thời đại nữa. Người ta lấy những hình thức khác mà khoác lên
những cách cảm nghĩ đặc thù của một dân tộc, của một nền văn hoá. Ở đâu thì con
người cũng yêu, ghét, thất vọng, reo cười lúc vui, la hét lúc hờn giận, thở
than trong cơn khốn khổ, hát mừng khi tràn trề hy vọng. Nhưng những nền văn hoá
khác nhau, trải qua bao thế kỷ, đã phủ lên trên những thái độ, những tình cảm,
những tư tưởng, dầu là phổ cập về mặt nội dung, một nước sơn với muôn vàn màu sắc,
và lớp sơn ấy, cuối cùng đã thấm đượm sâu xa vào ngay chính bản thân tấm vải, đến
nỗi không thể nào tách ra được nữa! Sau khi đọc một tác phẩm nước ngoài, người
ta được hưởng nếm một niềm vui nhân đôi: niềm vui của sự phát hiện những điều lạ
lùng, sự ngỡ ngàng của một kẻ lạc bước quê người, nhưng đồng thời cũng là niềm
vui gặp lại chính mình trên một mảnh đất quen thuộc, với những cơ sở nền móng
chung cho tất cả mọi người. Tác phẩm lớn nào cũng vừa có tính phổ quát vừa mang
bản sắc dân tộc, gốc rễ bám sâu vào mảnh đất nơi nó sinh ra, nhưng bỏ qua những
gì không thiết yếu. Mọi việc dịch thuật đều hàm chứa cái mâu thuẫn ấy, và cứ mỗi
bước nó lại tái hiện, khác nào như phải thực hiện một vũ điệu rất phí sức giữa
hai yêu sách: một đàng thì phải cất rèm che cho thấy những góc biển chân trời
xa lạ, một đàng lại phải giữ làm sao cho đừng sẩy chân, đừng nhận chìm người đọc
dưới những điều kỳ quặc, như dưới ngọn cường triều.
Người ta phải làm sao tái tạo được những vẻ lấp lánh của một công trình điểm tô
trau chuốt tài tình, tinh tế, phức tạp đã trở nên nhất thể với tấm lụa mịn màng
mà lại dùng những màu sắc khác hẳn, với những sợi chỉ cũng không phải là những
sợi chỉ ban đầu. Người dịch phải thao tác theo kiểu nhà hoá học. Trước hết phải
phân chất những thành tố của tác phẩm, vừa bớt đi một ít, lại vừa thêm vào
thành tố khác rồi mới thực hiện sự kết hợp mới. Từ bình này sang bình nọ, từ lò
này sang lò khác, một sản phẩm mới ra đời, vừa giống lại vừa khác với nguyên mẫu.
Thế là có kẻ thì khâm phục sự tài giỏi của nhà “chế biến”, người thì lên tiếng
chê bai là không trung thành.
Trung thành, đương nhiên phải là phẩm chất đầu tiên của tất cả tác phẩm dịch.
Nhưng một khi quy tắc ấy được công nhận, thì vấn đề tức khắc sẽ được đặt ra là:
Trung thành, nhưng với điều gì? Trước khi cầm bút dịch, điều quan trọng là phải
thiết lập thang bậc cho các loại trung thành để lựa chọn. Có những loại trung thành
còn tệ hại hơn là sự phản bội; đặc biệt là khi dịch giả muốn tỏ ra vẻ “Đông
phương”, đã như bị dính chặt với những trang sức, những tô vẽ, những đặc thù,
những kỹ xảo của một ngôn ngữ đã tích tụ bao nhiêu trầm tích trải mấy ngàn năm.
Cái tật cố hữu của thói ham thanh chuộng lạ là chỉ muốn khơi động lên một ấn tượng
“viễn xứ” lạ lẫm, không thể nào truyền đạt được những tình ý sâu đậm là cái hồn
của tác phẩm.
Ngôn ngữ truyện Kiều đầy rẫy những thành ngữ, những kiểu viết riêng
biệt, những điển tích lấy từ những truyền thuyết, những thi ca và truyện cổ; và
có những dịch giả nghĩ rằng cần phải đưa toàn bộ những thứ ấy vào bản tiếng
Pháp. Và như thế, đưa chúng ta đến những kết quả như sau:
Giao cho em cái việc nối lại sợi tơ đã dứt bằng chất keo chim phượng.
“Chất keo chim phượng” là dịch sát nghĩa từng chữ của tiếng Việt. Nhưng cần phải
thử hỏi khi Nguyễn Du dùng thành ngữ ấy, hoặc khi người Việt Nam đọc câu thơ ấy
có liên tưởng đến hình ảnh một loại keo làm bằng chất bài tiết do loài chim huyền
thoại ấy hay không? Phải chăng đó chỉ là một cách tao nhã, thậm chí cầu kỳ để
nói lên rằng: “nối lại mối tình duyên dang dở”?
Không phải việc tranh cãi về chữ nghĩa, nhưng làm cho người đọc bị vướng vào
“chất keo của chim phượng” thì sẽ không bắt nắm được diễn tiến của tấn bi kịch.
Bị ngừng lại vì một chi tiết lạ lẫm, độc giả sẽ mất đi sự xúc động sâu xa đang
ngầm chảy trong mạch của ngôn từ.
Từ một tác phẩm sống động, dào dạt tình người: yêu đương, đau khổ, thất vọng, lại
xuất hiện một truyện kể “viễn xứ” mà tính cách kỳ quặc, lạ lẫm át hẳn tình người,
những rồng, những phượng che khuất con người. Vì quá cố sức đem lại một dấu ấn
“Đông phương”, người ta đã làm biến dạng một tác phẩm lớn có giá trị phổ quát,
có tính nhân bản sâu sắc. Muốn giữ vẹn sự trung thành, trước hết là tìm cách
tái tạo cái giá trị nhân bản, cái tính phổ quát ấy của tác phẩm.
Như thế thì làm sao dịch được hết những hình ảnh, những điển tích, những biểu
trưng, những ẩn dụ thường xuất hiện trong ngôn ngữ của tất cả những nhà thơ lớn?
Chúng tôi tự đặt cho mình một số quy tắc như sau:
Trước hết tìm cách bám sát nội dung, truyền đạt xúc cảm đầu
tiên toát ra từ nguyên bản.
Giữ những điển tích, biểu trưng, ẩn dụ nhằm đưa đến cho độc
giả thuộc nền văn hoá Pháp những hình ảnh mới, những cách nhìn độc đáo về cuộc
đời và sự vật.
Dứt khoát loại bỏ những kỹ xảo ngôn ngữ vốn chỉ là trang sức
hoa mĩ.
Trung thành với nội dung, đó là tiêu chuẩn tối thượng, và khi
cần lựa chọn thì phải hy sinh mọi suy tính khác cho tiêu chuẩn ấy. Phải làm sao
cho độc giả rung động cùng nhịp với các nhân vật đang dạt dào tình cảm, cảm thấy
trào dâng những niềm vui, những cơn giận, quặn thắt gan dạ, thay vì ngừng lại ở
những từ hoa mĩ. Điều hiển nhiên là trong một bản dịch, tất nhiên cái khía cạnh
phổ quát của một tác phẩm lớn sẽ phải là điều cốt yếu cần phải chuyển đạt,
nhưng cũng đừng đối lập một cách quá máy móc tính phổ quát với bản sắc dân tộc.
Vì cái bản sắc dân tộc ấy trong một tác phẩm như truyện Kiều là phải
tìm chính ở nội dung chứ không phải ở cách dùng ngôn ngữ kỳ tài.
Ví dụ câu thơ:
Trải bao thỏ lặn ác tà
đã được Xuân Việt và Xuân Phúc dịch như sau:
Kể từ thuở ấy, con thỏ mặt trăng đã đi ngủ, con quạ mặt trời đã xế bóng
Lập tức, những từ con thỏ, con quạ đập vào trí tưởng tượng của độc giả,
khiến họ rất thích thú được bước vào một thế giới huyền thoại. Nhưng điều đó phải
chăng là chủ ý của tác giả? Và phải chăng đó là cảm xúc mà độc giả Việt Nam đã
nhận được? Thỏ lặn ác tà chỉ gợi cho độc giả Việt hình ảnh mặt trăng
lặn, mặt trời xế bóng và câu thơ cốt nhằm nói lên sự hờ hững của những chuỗi
tháng ngày trôi qua trên nấm mồ Đạm Tiên hoang phế. Chính sự quạnh quẽ ấy là điều
phải được diễn tả trước hết, chứ không phải đưa người đọc lạc lối vào một thế
giới hoang đường, hoàn toàn xa lạ với truyện Kiều và với câu thơ đã dẫn. Con
thỏ và con quạ chắc chắn sẽ làm độc giả lầm đường. Những từ ấy
đơn thuần chỉ là những kỹ xảo ngôn từ, cần phải thẳng tay gạt bỏ chúng để dành
chỗ cho những từ thông dụng là mặt trăng, mặt trời.
Một ví dụ khác:
Nào người phượng chạ loan chung
được dịch thành
Nay họ ở đâu, những người bạn qua đường trong những cuộc phối hợp loan phượng
nhất thời
Trong câu thơ có hai từ phượng-loan và chung-chạ, chúng gợi
lên sự lang chạ, chung đụng xác thịt giữa nam nữ. Tác giả oán trách sự vô tình
bạc bẽo của những người tình cũ đối với người kỹ nữ, lúc còn sống thì luôn ve
vãn nịnh hót, nhưng lãng quên ngay sau khi cô nàng chết. Từ chung-chạ mới
nói được chủ ý của câu thơ, còn từ phượng-loan chỉ là một kiểu nói mà
thôi. Khi đọc câu thơ ấy, không một người Việt Nam nào liên tưởng đến loài chim
huyền thoại, cứ mỗi ban mai lại tái sinh từ đống tro hoả thiêu của thân xác
mình. Chúng tôi đã gạt bỏ con chim phượng để chọn lối diễn đạt ít “Đông phương
tính” hơn nhiều:
Giờ đây họ ở đâu rồi, những ai ngày xưa đã cùng nàng chung cuộc truy hoan
Những rồng và phượng, những dòng châu lệ và nhiều từ hoa mỹ khác trong thực tế
đã được đưa vào ngôn ngữ Việt Nam thông dụng, không còn tính huyền thoại nữa,
không gợi lên chút nào tính cách hoang đường như chúng vẫn còn giữ lại trong
các ngôn ngữ khác. Dịch những từ ấy theo nghĩa đen từng chữ một là phản nguyên
bản một cách độc hại. Sai lầm tệ hại nhất là ở chỗ - xin được nhắc lại - đem phủ
lên những tác phẩm đầy tính nhân văn sâu sắc một lớp quang dầu “viễn xứ”, làm
cho độc giả bị ngộp dưới những từ kỳ dị, những cách nói lạ lẫm mà lầm đường lạc
lối. Có thể có những người quá “sính mốt” Đông phương tính sẽ thất vọng
vì không tìm thấy trong bản dịch của chúng tôi cái ngây ngất của mùi thuốc phiện
mà họ muốn tìm kiếm trong các tác phẩm Á Đông. Nhưng chúng tôi đành chịu vậy! Truyện
Kiều được nhân dân Việt Nam yêu chuộng chính vì đó là một thi phẩm đầy
tính nhân văn, hiện thực, chứ không phải là một huyền thoại hay truyện các tiên
nữ.
Chú thích:
[1] Kim Vân Kiều, bản dịch của Xuân Việt
và Xuân Phúc, NXB Gallimard Paris 1961. Chúng tôi lấy những ví dụ trong bản dịch
này, một bản dịch ra tiếng Pháp có thể xem là hay nhất; nhưng nó cũng không thiếu
những khiếm khuyết không nhỏ. Điều ấy không phải là do dịch giả thiếu khả năng
nhưng vì phát xuất từ một quan niệm - mà theo tôi là không đúng - về mục đích
yêu cầu của việc dịch thuật. (N.K.V.)
[2] Xin được nhắc lại: chúng tôi buộc phải làm một
việc có thể gọi là vô duyên: “dịch ngược” từ bản dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt
để phục vụ độc giả không thông thạo tiếng Pháp có thể so sánh với cách dịch ra
văn xuôi ở trên; những bạn đọc biết tiếng Pháp, xin xem nguyên bản tiếng Pháp dịch
thơ đoạn này cũng như những chỗ trích dẫn khác in tiếp ngay sau bài này.
Hà Nội, 1/12/1965Nguyễn Khắc ViệnNguyễn Khắc Dương dịchNguồn: Nguyên tác tiếng Pháp đã in trong các ấn bản tiếng Pháp của Truyện Kiều do Nguyễn Khắc Viện chuyển ngữ. Bản dịch của Nguyễn Khắc Dương sẽ đăng trong tập 4, bộ Nguyễn Khắc ViệnTác phẩm, Nhà xuất bản Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét