Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Về những bộ toàn tập thiếuXXX

Về những bộ toàn tập thiếu

Ấy, nếu ông Nguyễn Huệ Chi [1] không tiết lộ thì một người ngoại đạo như tôi cũng như nhiều độc giả khác hẳn không thể nào biết được rằng Nhà xuất bản Văn học và ông giám đốc của nó đã làm một việc không mấy hay ho: họ đã đánh tráo khái niệm, những bộ sách mà họ gọi là toàn tập của một số tác gia được in ở nhà xuất bản này trong khoảng mấy năm gần đây dưới sự tài trợ của Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam thực chất chỉ là các tuyển tập mà thôi. Ông Nguyễn Huệ Chi viết cụ thể như sau: “… tất cả những bộ toàn tập đã công bố của Nhà xuất bản Văn học lại nhất loạt bỏ hết các bài viết trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, một sự kiện cực kỳ quan trọng trong suốt 20 năm xây dựng miền Bắc nước ta…” Rồi ông đặt câu hỏi: “Có điều, thử đặt vào một cự ly xa hơn mà nhìn cho khách quan, việc không đưa những bài viết đã nói vào các bộ toàn tập sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn đọc?”
Xin thưa, ông Nguyễn Văn Lưu, Giám đốc Nhà xuất bản, biết ảnh hưởng của việc đó đến bạn đọc, nhưng ông còn biết rõ hơn một điều khác, có thể ông không phát biểu được gãy gọn điều đó, nhưng có thể nói nó đã ngấm vào máu thịt, đã là tiềm thức của ông, chính vì thế ông mới được chọn làm giám đốc cái Nhà xuất bản quan trọng ấy. Đấy là khẩu hiệu của đảng được George Orwell viết trong tác phẩm 1984 [2]: “Ai làm chủ hiện tại, người đó sẽ làm chủ quá khứ. Ai làm chủ quá khứ người đó sẽ làm chủ tương lai”. Muốn làm chủ quá khứ thì người ta phải viết đi viết lại nó. Sách, báo, tạp chí, tất cả đều phải được Bộ sự thật (Nhà xuất bản Văn học là chi nhánh của Bộ này?) xào xáo, viết lại, thêm bớt cho phù hợp với như cầu của đảng trong hiện tại. Quá khứ lúc đó có thể chỉ còn trong trí nhớ của ông Nguyễn Huệ Chi mà thôi.
Nếu có thể làm được việc đó thì những người như chúng tôi sẽ chẳng còn hi vọng gì. Ngoài những người đã được nêu, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ được đọc toàn tập của những tác gia khác, Tố Hữu là một thí dụ. Nhưng may quá, nhân vật chính của tác phẩm 1984 có lúc đã suy nghĩ như sau: “… ta có thể tham gia tạo lập tương lai đó nếu ta vẫn giữ được tâm, như họ giữ được thân và truyền đi mãi cái học thuyết bí mật rằng hai cộng hai là bốn”. Hai cộng hai là bốn trong trường hợp này chính là “Ông Trần Thanh Mại đã từng viết bài phê phán Nhân văn–Giai phẩm”. Chỉ cần như thế thôi thì quá khứ vẫn còn và những biện pháp dối trá không thể giúp người ta làm chủ được quá khứ, cũng như không ai có thể làm chủ tương lai bằng những trò lừa bịp.
Lại nhớ đến câu hỏi của tác giả Vũ Ngọc Tiến [3]: “Người Trung Quốc họ làm được bao việc lớn lao, tình nghĩa cho những bạn văn đau khổ và bất hạnh của mình, sao ở Việt Nam ta không làm được điều cần thiết, hợp đạo lý ấy? Hai khóa Ban chấp hành gần đây vô tình hay thiếu dũng khí? Có dư luận cho rằng nhà văn Việt Nam chỉ giỏi cúng giỗ người đã chết, nhưng ngay cả người bị oan sai, vùi dập, khi chết cũng chỉ được xoa dịu bằng đôi lời biểu dương chung chung!”. Cái “anh Tầu” ấy phải nói bao giờ cũng khôn hơn ta. Trong chuyện này họ đã bịa ra huyền thoại “tứ nhân bang” hay là “bè lũ bốn tên” và đổ riệt mọi tội lỗi lên đầu chúng. Bác Mao và Đảng vẫn cứ là trong sạch, vẫn cứ là sáng suốt không chê vào đâu được! Các nạn nhân của Đại Cách mạnh Văn hoá vì vậy mà được đón tiếp, được vinh danh. Ở Việt Nam không có “tứ nhân bang”, chỉ có “bè lũ một tên”, đấy là ông Hoàng Văn Hoan, người đã gây ra sự kiện mà dân Hà Nội thời đó gọi là “quốc nhục” (ông ta trốn sang Trung Quốc ngay đúng vào lúc do lỗi của những người cùng hội cùng thuyền với ông mà nước ta bị người láng giềng phương Bắc “dạy cho bài học”). Nhưng có thể ông Hoàng Văn Hoan không phải là người “đầu têu” của phong trào phê phán Nhân văn–Giai Phẩm, mà cũng có thể là trong trường hợp này Bộ sự thật đã có trí nhớ quá ngắn, hay như dân gian thường nói, trong đầu của Bộ “chất xám thì ít mà bã đậu thì nhiều”. Nếu lúc đó người ta sáng suốt hơn, người ta làm chủ ngay quá khứ và gán cho Hoàng Văn Hoan tội khủng bố Nhân văn–Giai phẩm thì thật là “nhất cử, lưỡng tiện”. Sẽ không còn ai phải lúng túng khi làm toàn tập nữa và chúng ta có thể hố hởi, phấn khởi, trống dong cờ mở đi đón Nguyễn Hữu Đang hay Phùng Quán và những người bị qui kết oan khác, tác phẩm của họ không chừng còn được đóng bắng bìa cứng mạ vàng cũng nên!
Có một câu ngạn ngữ Nga mà tôi xin tạm dịch như sau: “Điều đã được viết ra bằng mực thì không thể nào lấy rìu mà đẽo đi được”. Đúng thế, không thể gọt đẽo, cắt, cúp gì được hết! Và những cuốn toàn-tập-thiếu nói đến bên trên có thể làm “gương cho khách hồng quần” soi chung chăng?.
Chú thích:
[1] Nguyễn Huệ Chi “Trao đổi cùng Nguyễn Văn Hoàn”, talawas, 7.6.2005
[2] George Orwell, 1984, talawas
[3] Vũ Ngọc Tiến: “Nghĩ về sự phục hưng văn học-nghệ thuật Trung Quốc (1979-1990)”, talawas, 6.6.2005

10/6/2005
Nguyên Trường
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...