Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Đọc Bóng đèXXX

Đọc Bóng đè

Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD), với tập Bóng đè, đã tạo ra hai luồng dư luận trái ngược nhau, người khen thì hết lời mà người chê cũng hết cỡ.
Người chê thì cho văn của cô là “những chuyện tình dâm ô”,“quên đi cội nguồn văn hóa để viết ra những câu chữ mang nội dung thô tục”, “phản giáo dục và vô trách nhiệm, làm bẩn tâm hồn người đọc”, “làm nhục văn chương và văn hóa Việt” (Phúc Linh, báo Công an TPHCM).
Ngược lại, những người khen cô, những “bà đỡ của văn chương đổi mới”, lại cho cô là một nhà văn đầy bản lĩnh, tài năng, theo Châu Diên, cô đã “bộc lộ một quyền lực giời cho”; một Website tiếng Việt ở hải ngoại cho cô là “một thiên tài mới”.
Riêng tôi, khi đọc xong Bóng đè, thấy cả người chê lẫn người khen đều có lý nhất định, nên muốn viết ít dòng mong tìm ra được cái tính có lý của hai điều ngược nhau trên.
Tập truyện ngắn Bóng đè gồm 8 truyện, nhưng chỉ có các truyện “Bóng đè”, “Vu quy”, “Dòng sông hủi”, “Bốn người đàn bà và một đám tang” là mang đậm sắc thái ĐHD, gây được ấn tượng mạnh nơi người đọc, kể cả những người yêu và ghét văn cô. Văn ĐHD không nhiều sự từng trải thâm nho như Nguyễn Huy Thiệp, không nanh nọc như Phạm Thị Hoài, không khoe kiến thức như Nguyễn Việt Hà, nhưng ý tưởng của cô lại bạo liệt và lớn hơn. Cách viết của ĐHD rất hiện đại, đưa ra được những kết cấu phúng dụ, rồi xây nên tác phẩm bằng những chất liệu là những xúc cảm, những rung động, những hành động tính dục rất lạ lùng nhưng cũng rất phong phú và sinh động, vì thế truyện của cô cuốn hút và có sức gợi mở. Theo tôi, cách viết này có thể coi là một bút pháp cao cường. Không biết ĐHD có đọc Tử cấm nữ không, vì Tử cấm nữ có kết cấu phúng dụ tương tự như truyện của ĐHD, nếu chưa đọc mà viết được vậy thì cô quả là một nhà văn tài năng độc đáo, còn nếu rồi mà bắt chước thì cũng đáng ghi nhận tinh thần học hỏi, áp dụng cái mới. Bởi tôi nhận thấy, đa số người viết thường viết chủ yếu bằng các giác quan, viết ra tác phẩm chủ yếu bằng sự tái hiện những điều tai nghe, mắt thấy hoặc đọc được; nếu có hư cấu, thì cũng là dựa trên những dữ liệu đó. Ý nghĩa tác phẩm là chính những điều thể hiện chứ không cất giấu điều gì phía sau vỏ chữ. Nói chung, loại văn chương “giác quan” này phụ thuộc nhiều vào tài liệu, thấy chuyện hay thì viết được truyện hay, còn chỉ biết chuyện dở thì viết được truyện dở. Còn có một loại văn chương khác nữa, đòi hỏi người viết không phải lệ thuộc chủ yếu vào “tài liệu” mà là tài viết, những nhà văn viết bằng trí tuệ. Ở loại văn chương “đầu óc” này, sức mạnh của nó không chỉ phụ thuộc vào sự ly kỳ, kịch tính của những “chuyện” nó kể, mà nó còn phụ thuộc, có khi là chủ yếu, vào ngôn ngữ, kết cấu, các biểu tượng, hình tượng và các ý tưởng mà người viết tạo ra. Tội ác và trừng phạt, nếu không có ý nghĩa triết lý, thì chỉ là câu chuyện hình sự đơn giản; Trăm năm cô đơn, không hàm chứa những tư tưởng lớn, chỉ là cuốn sách dâm ô về sự loạn luân. Nói chung, người viết loại này phải dụng công nhiều hơn, có tài hơn.
ĐHD thuộc loại thứ hai, cô có nhiều tố chất văn chương, khi viết, hiện thực với cô chỉ là cái cớ, thậm chí cô còn bịa ra cả hiện thực để mã hóa, cài đặt ý tưởng của mình. Cô dẫn chuyện khá nhuần nhuyễn, khéo che đậy, khiến đa phần độc giả lầm, đến nỗi cô phải thanh minh: “Tôi đã và sẽ luôn khẳng định rằng tôi chưa bao giờ viết về tính dục cả. Tôi chỉ mượn tính dục làm cái vỏ để chuyển tải những thông điệp khác của mình”.
Với những phẩm chất văn chương như vậy, những người khen ĐHD không phải không có lý. Có điều, những quan niệm về cái mới, về tài năng và giá trị tác phẩm của một số người được coi là “cấp tiến” thời gian qua thường cực đoan và không toàn diện. Có tác giả, tác phẩm được họ đẩy lên tột cùng, có tác phẩm được ca ngợi chỉ vì cách viết mà không để ý gì đến nội dung, bất kể đúng sai, tốt xấu. Với một số người, đổi mới đồng nghĩa với việc trước ca ngợi thì nay phản kháng; trước êm đềm thì nay giật cục; trước nghiêm trang thì nay giễu cợt, khinh bạc; trước tế nhị, lịch sự thì nay nanh nọc, thô tục… Theo tôi, đổi mới như vậy mới chỉ là đổi mới cái vỏ văn chương, khi không khám phá được điều gì nghiêm túc, sâu sắc, lớn lao thì gây ấn tượng bằng những điều lập dị, ngược ngạo, sản phẩm của trí tuệ nông cạn nhưng hãnh tiến. Văn chương chân chính muôn đời vẫn luôn dựa trên bản năng thẩm mỹ mang tính người. Theo tôi, đổi mới thực chất nghĩa là phải làm cho văn chương “mạnh” hơn, biểu đạt cao hơn, sâu rộng hơn, đúng hơn và có tác động tích cực hơn đến hiện thực cuộc sống; biểu cảm sâu hơn, toàn diện hơn cuộc sống tinh thần con người. Giống như trong công nghệ, những chiếc máy tính đời sau nhỏ gọn hơn nhưng lại đa dụng, tiện lợi hơn; trong khoa học, một công thức đơn giản nhưng lại bao hàm những quy luật lớn lao của tự nhiên. Muốn vậy, đòi hỏi nhà văn phải có trình độ cao. Riêng điều này tôi thấy lạ là, ngày xưa lạc hậu thì nhà văn lại có trình độ mọi mặt cao hơn đa phần độc giả, còn ngày nay, ngoài khiếu văn chương, đa phần nhà văn kém hơn nhiều tầng lớp, nhất là những trí thức, nên khi viết về những lĩnh vực liên quan đến chuyên môn của họ, họ thường thấy có những điều ngô nghê và buồn cười.
Cái chưa được của văn chương ĐHD chính là ở chỗ cái trình độ này. Với lứa tuổi, sự từng trải của cô thì như vậy cũng là lẽ thường tình, có điều cô lại có tham vọng quá lớn, đã hồn nhiên đưa ra lời giải những bài toán lớn của thời đại, cái việc mà theo tôi đến cả một viện nghiên cứu, gồm những nhà bác học hàng đầu của đất nước cũng chưa chắc đưa ra được thỏa đáng. Bởi những bài toán xã hội đều rất khó. Xem sự tranh luận trên mạng về nhận thức lại, về dân chủ, về đổi mới, về phát triển, nhiều chỗ tôi thấy buồn cười về sự ông chẳng bà chuộc, ai cũng vì nước, vì dân cả, nhưng thực chất đều vì cái tôi. Là những người có lương tri, ai cũng muốn đất nước phát triển tốt đẹp, ai cũng muốn những quốc nạn được dẹp bỏ, nhưng phải dựa trên những lời giải khoa học. Tôi rất mong có những tác phẩm thể hiện được điều này. Còn không, nếu nông nổi, chỉ viết ra được loại văn chương a dua, xu thời. Tôi tuy không đồng ý với Phúc Linh, trên báo CATPHNM, về sự phê phán nặng tính dâm ô của văn ĐHD, vì nó chỉ là cái vỏ, nhưng anh viết có lý: “qua những chuyện tình dâm ô, tác giả muốn chuyển đến người đọc thông điệp gì?... Nếu có thông điệp thực sự thì cũng chỉ là lời vu cáo hồ đồ, độc địa!”. Tuy tôi cũng không thích cách viết và dùng từ trong việc viết phê bình của Nguyễn Chí Hoan, trên báo Người Hà Nội, mà chị Dư Thị Hoàn có chê, nhưng tôi rất đồng ý với những nhận xét này của anh: “việc nhận thức những chủ đề phức tạp đòi hỏi nhiều tri thức khác nhau... tập “Bóng đè”, lấy những chuyện tình dục tình yêu làm môi trường bàn chuyện thân phận đàn bà, rồi từ đó phóng chiếu lên thân phận lịch sử nòi giống, tính cách và bản sắc văn hóa, thậm chí là mơ hồ một chút gì đó về hòa hợp và hội nhập đương thời v.v... đều mới chỉ dừng ở mức độ có tham vọng luận bàn”; “Ðiều đáng phải nói là khi một nghệ thuật như thế lại phô bày tham vọng nhận thức cái thực tại mà vốn nó đã không/ chưa hiểu biết cho đến nơi đến chốn”.
Có thể ĐHD sẽ chối, như cô từng nói: “Sự phê phán quá tay của dư luận đối với những điều mà tôi không chủ trương viết”. Châu Diên cũng có bài trên mạng cho rằng “nhà viết truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu không chủ bụng “phản ánh” một hiện thực nào cả”. Nói như Châu Diên vô tình đã hạ thấp văn ĐHD, còn nếu ĐHD chối những điều mình ám chỉ thì ĐHD ngoài đời quả là hèn nhát so với tác giả ĐHD khi viết.
Tôi muốn phân tích thêm về hai truyện “Bóng đè” và “Vu quy”.
Về “Bóng đè”: Trước hết, để mỗi thao tác văn chương đạt hiệu quả, người ta phải sử dụng những hình ảnh đắc địa, hợp cách. Nguyễn Du dùng phép ẩn dụ, ví vầng trăng bị xẻ làm đôi với tình yêu bị chia cắt thật tuyệt diệu. Vậy với thao tác phúng dụ trong “Bóng đè” của ĐHD, chuyện loạn luân giữa hồn ma cha ông tổ tiên nhà chồng gốc Tầu với người con dâu khiến cô mang thai, thật khó tìm ra được một thực tại nào tương đồng hoàn toàn. Nếu ám chỉ nước ta ảnh hưởng Trung Quốc thì chúng ta đang ảnh hưởng Trung Quốc hiện tại chứ không phải phong kiến xưa, mà không chỉ Trung Quốc, ta đang ảnh hưởng tất cả những gì tiên tiến của thế giới hiện đại. Trịnh Cung trên mạng cho viết vậy, ĐHD đã có “ý tưởng dữ dội về việc nhìn lại quá khứ, nhằm tháo bỏ những giá trị ảo, những ám ảnh trói buộc đeo đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Sự loạn luân đó (mà có lẽ ĐHD đã triển khai từ ý của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện “Vàng lửa”: “Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này (chỉ Việt Nam) là nhược tiểu. Đây là cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vùa căm thù nó”) có thể gợi người ta nghĩ tới việc nền văn hóa nước ta ảnh hưởng Trung Quốc do bị đô hộ, nhưng trên thế giới có một xã hội nào không có sự lai tạo văn hóa? Đó là một lẽ đương nhiên của xã hội loài người với một lịch sử đầy biến động, đầy đối kháng, đầy những tham vọng thống trị của kẻ mạnh. Còn cho hành động loạn luân ấy giúp người ta tháo bỏ những giá trị ảo, rồi thoát khỏi những ám ảnh trói buộc thì thật là một sự liên tưởng khấp khểnh. Người đọc am tường luôn có những khám phá những hàm ý sau các hình tượng văn chương, thậm chí cả những điều người viết không nghĩ tới, nhưng phải xuất phát từ văn bản chứ không phải gán ghép tuỳ tiện. Như vậy, kết cấu truyện “Bóng đè” không vững vì thể hiện không “sõi” các ý tưởng mà một truyện có kết cấu phúng dụ buộc phải có.
Truyện “Vu quy” khá hơn, ý tưởng ĐHD cũng bạo liệt hơn, đa nghĩa hơn, được thể hiện qua những hồi ức kỳ lạ của một nhân vật nữ trong đêm trước ngày cưới về những cuộc tình với 5 người đàn ông, rồi cuối cùng, theo quyết định của ông bố, cô phải cưới và trải qua đêm tân hôn với một xác chết! Rõ ràng, đây không phải là một truyện thực mà là một truyện phúng dụ, nhằm ám chỉ nhiều điều. Ở truyện này ĐHD quả khéo tay, hình ảnh thật, ảo, ngôn ngữ thật, ngôn ngữ phúng dụ trộn lẫn nhuần nhuyễn, người đọc tinh sẽ thấy tầng tầng lớp lớp ý tưởng của cô cài đặt trong đó.
Hình ảnh người con gái “Tấm thân tôi cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng” khiến người đọc dễ dàng hiểu ĐHD ám chỉ thân phận cô gái chính là lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân vật ông bố ám chỉ sự lãnh đạo, lực lượng có quyền quyết định lựa chọn những bước đi của lịch sử. Những mối tình cũng như những hành động tính dục trong truyện cũng đều mang tính phúng dụ. Nhân vật người đàn ông đầu tiên được cô gái nhớ đến như một nhà tiên tri, một nhà văn, đã cho cô biết sẽ biến cô từ một thiên thần thành người đàn bà trần tục, rồi mỗi người đàn ông đến với cô sau đó cũng sẽ lại như một nhà văn, đều có khả năng “khám phá cô”, điều này như ám chỉ điều chỉ có tư chất nhà văn mới nói ra được sự thật về lịch sử, về số phận của đất nước. Như vậy, mỗi một cuộc tình trong “Vu quy” đều ám chỉ một một sự khai ngộ, một nhận thức lại, chỉ ra một sự thật hiện trạng của đất nước theo cách nhìn cũng như thái độ của ĐHD. Cuộc tình đầu với người thanh niên “nhà treo tranh Đông Hồ” và “da thịt mang mùi phù sa sông Hồng”, một thanh niên Việt, đã tan vỡ bởi sự không chung thủy, vô trách nhiệm và hèn kém của người con trai; viết vậy, sự tan vỡ mối tình thuần Việt bởi tính cách của chính con người Việt, tác giả đã cho chính chúng ta thích sự lai tạp, không trân trọng giữ gìn bản sắc cũng như tính độc lập của dân tộc. Cuộc tình vừa mê đắm vừa sợ hãi và đã bội bạc với người đàn ông Tàu có “Thân thể toát ra… mùi đền đài, lăng tẩm và uy quyền”, cho “em là nô lệ… từ ngàn năm nay”, rồi “người tôi oằn xuống… phục tùng ông… Không còn chữ S nữa…”; rõ ràng tác giả đã thể hiện cách nhìn của mình về mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc trong lịch sử cũng như hiện tại “Em đã phản bội tôi trong khi tôi giúp em hồi sinh. Em chạy theo ảo ảnh bên kia đường chân trời. Tôi không đuổi em… nhưng tôi không thể cho em những gì em muốn như trước đây nữa… Tôi chỉ cho em ăn khi nào tôi thích. Em phải quỳ gối…” (tr. 52). Mối tình đầy thương xót với anh chàng Việt kiều không thành do ông bố cho là “quân bán nước” thể hiện quan điểm của ĐHD về cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, tác giả cho đó là một cuộc chiến đã gây ra mất mát, ngăn cách, chia lìa “Bao nhiêu cạm bẫy,… chông mìn,… kẽm gai dựng lên những thù hằn ngăn cách còn nằm sâu, nắm giữ mảnh đất mẹ của chàng. Có làm ra bao nhiêu tiền để mang về, bức tường đó vẫn không phá bỏ được” (tr. 58). Mối tình đầy thỏa mãn, tiếc nuối với một người Mỹ không thành, vì ông bố không chấp nhận thứ “văn hóa B52”, cũng thể hiện quan điểm của tác giả đối với Mỹ.
Và cuối cùng, phần đáng nói nhất, người con gái bị bố ép làm đám cưới và đêm tân hôn đã diễn ra ở khách sạn Eden (“Vườn Ðịa đàng”) với một xác ướp một người đàn ông tên Karl “từa tựa bức tượng tôi vẫn thường trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố”, với “hàm râu quai nón rậm rì loen nhoen nhiều vệt trắng”, người đàn ông “uyên bác và nhiều vốn tư bản đã định cư ở Việt Nam vĩnh viễn”, với đoạn đối thoại:
- …Con không hiểu sao chồng con lại là một xác ướp? Là trò đùa của mọi người?
- Không phải trò đùa. Mà số phận con gái ạ. Cả dân tộc này đâu có đùa…
- Nhưng chúng ta có thể thay đổi được số phận mà bố. Con có thể chọn một người đàn ông khác. Hà cớ gì phải lấy một xác ướp?
- Xác ướp ấy là người tốt nhất trong số đàn ông con đã dẫn về (tr. 78).
ĐHD viết vậy, bất cứ người trưởng thành có ý thức bình thường nào cũng đều nhận ra “người đàn ông tên Karl” đó là ai và việc kết hôn giữa một cô gái với một xác chết cô dựng lên có ngụ ý gì. Có lẽ trong văn chương Việt Nam chưa có một tác phẩm nào thể hiện sự phủ nhận ý thức hệ quyết liệt như vậy. Như vậy, theo ĐHD, con đường hiện nước ta đang đi là một sự ép buộc của các nhà lãnh đạo theo một chủ thuyết đã chết. Vậy ĐHD đúng hay sai? Có thể có những người đồng ý với tác giả, nhất là nhóm những người đang chống chế độ, nhưng tôi tin là hiện tại đại đa số người dân Việt sẽ phản đối cô. Riêng rôi, tôi không trả lời được ĐHD đúng hay sai? Vốn là một người từng làm công tác nghiên cứu khoa học tự nhiên ở các viện và trung tâm, lại tham gia viết phê bình lý luận, tôi luôn thận trọng, bởi như tôi đã nói, những bài toán xã hội thường rất phức tạp, bởi chúng phụ thuộc rất nhiều vào nhiều biến số, trong đó có biến số quan trọng là thời gian. Chúng ta đã thấy, có cái hôm qua tưởng là quy luật nay lại sai, có cái hôm qua sai nay lại đúng. Chẳng phải có người từng bị bỏ tù sau lại được phong anh hùng đó sao? Không biết ĐHD sau này có thành anh hùng không? Nhưng cách nhìn phiến diện cực đoan, thái độ phủ nhận sạch trơn của cô thì phải coi lại. Tôi không phải là một tín đồ của chủ nghĩa cộng sản, nhưng đã từng là một anh lính 20 tuổi tham gia giải phóng Sài Gòn, gia đình tôi cũng như bao người dân Việt Nam khác, nhờ chủ nghĩa cộng sản, cái chủ nghĩa bênh vực người bị áp bức và bóc lột, từ người dân bị mất nước được trở thành người dân sống trong một nước có chủ quyền, dù không được hưởng bất cứ một đặc quyền đặc lợi nào, nhưng tôi vẫn tạo được một cuộc sống khá thoải mái do chính công sức, trí tuệ mình bỏ ra. Nhiều bạn bè cùng trang lứa tôi cũng như vậy. Vậy viết như ĐHD, giống như có người cho rằng 80 triệu dân Việt Nam đang rên xiết dưới ách thống trị thì không đúng với thực tế, rất dễ bị mọi người cho là xuyên tạc, phản động. Những điều ĐHD đặt ra, tuy không mới nhưng cô là nhà văn đầu tiên thể hiện thành tác phẩm như vậy, thực ra đã khiến những người có đầu óc suy nghĩ nhiều. Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa nhân đạo, chống áp bức, bóc lột và bất công, chủ trương xây dựng một xã hội không còn mâu thuẫn đối kháng nên sẽ phát triển bền vững. Nhưng trong thực tiễn, nhiều nước xây dựng CNCS lại đổ vỡ, những nước không đổ vỡ thì xã hội lại nảy sinh nhiều tính chất của chủ nghĩa tư bản lạc hậu; ngược lại, nhiều nước tư Bản lại phát triển mạnh và bền vững, trở thành những nước tiên tiến, nhiều tính chất xấu xa của chủ nghĩa tư bản cũ chết đi mà thay vào đó lại nảy sinh những tính chất tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản. Còn xã hội Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, với khí phách dân tộc Việt, chỉ cần bỏ ra một phần quyết tâm của thời kháng chiến thôi cũng sẽ đưa đất nước phát triển rất mạnh rồi, vậy tại sao lại tụt hậu? Nhiều quốc nạn mà ngày nào người ta cũng được thấy trên phương tiện thông tin, với đủ thứ biện pháp phòng chống, trừng phạt, nhưng vẫn sinh sôi như nấm mùa mưa, đe dọa sự tồn vong của chính chế độ! Tại sao? Tại sao? Đó là những bài toán xã hội lớn chưa có lời giải thỏa đáng. Có lẽ, chỉ có người có trí tuệ vĩ đại và nhân cách vĩ đại mới giải quyết được thôi.
Còn ĐHD, chắc chắn cô có tài văn rồi, rất tài nữa là đằng khác, nhưng khi 50 tuổi, trải đời hơn, học nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, bớt nông nổi, cô sẽ viết khác và thuyết phục hơn. Bởi kiểu truyện của cô là kiểu dành cho những người có trí tuệ.
Tp.HCM, 10/12/2005
Đông La
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...