Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Một ý tưởng về lương dễ "va chạm"XXX

Một ý tưởng về lương
dễ "va chạm"

Bao nhiêu người đang mỏi mắt chờ đợi tăng lương; báo chí thì đã bàn luận chuyện tăng lương suốt từ đầu năm đến giờ, nay đến giờ "G" mà bàn cài số lùi hoặc đề xuất ý kiến "ý cỏ" thì có khi "rách việc". Nhưng "nghe đồn" rằng kế hoạch tăng lương từ tháng 10/2004 còn bàn soạn, chuyển đổi này nọ lôi thôi, nghĩa là mọi sự vẫn có thể điều chỉnh; đó là chưa nói đến việc Quốc hội sắp họp, biết đâu căn cứ tình hình giá cả đang leo thang, sẽ có quyết sách khác. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, trên diễn đàn Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa rồi thì đã nêu vấn đề "không sợ va chạm" để cổ vũ khuyến khích sự thẳng thắn góp ý kiến vì lợi ích của dân của nước. Vậy nên xin được thẳng thắn nêu một ý tưởng về lương chắc là dễ "va chạm" với không ít người.

1. Trong khi nền kinh tế phát triển chưa thật vững chắc và giá cả đang leo thang, xin hãy thận trọng hơn nữa trong chủ trương tăng lương bình quân lên 30% với số tiền khổng lồ 20 ngàn tỉ (so với khoản chi đầu tư phát triển 2003 là 44 ngàn tỉ - Báo "Thanh niên" ngày 3.10). Xét mối tương quan với sự tăng trưởng kinh tế về thực chất (xin nhấn mạnh "thực chất" vì các con số tăng 7-8% bao gồm cả những khoản đã "bốc hơi" do tham nhũng, lãng phí rất lớn) việc tăng lương 30% chắc chắn sẽ dẫn tới lạm phát quá mức cho phép. Cần phải thận trọng, vì số người hưởng lợi nhờ chủ trương tăng lương chiếm tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng dân cư; ngược lại, tác hại hay mặt tiêu cực (như tăng giá, lạm phát) thì lại ảnh hưởng đến toàn xã hội.
2.
Giá đã tăng mà lương không tăng thì rõ ràng đời sống sẽ khó khăn, nhưng nếu so với toàn thể cộng đồng dân cư thì điều đó chỉ đúng với một số ít người thôi (người có mức lương thấp). Cần nhìn thẳng vào sự thật là trong những năm qua, tốc độ tăng lương không bằng tăng giá, nhưng đời sống toàn xã hội vẫn nâng lên, nhà xây nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn, ăn nhậu nhiều hơn... Vì đời sống một bộ phận không nhỏ trong xã hội không phụ thuộc vào đồng tiền Nhà nước cấp. Các doanh nghiệp tư nhân, hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị sản xuất kinh doanh tuy thuộc Nhà nước nhưng không nợ nần, làm ăn có lãi thì họ đã tự "tăng lương" thích đáng; nếu chưa, thì cần khẳng định họ có quyền tự chủ trong việc tăng lương, không lệ thuộc vào quy định của Nhà nước.
3.
Nếu tôi không nhầm thì trên thế giới hiện nay còn rất ít quốc gia dùng ngân sách Nhà nước trả lương cho cả 3 "bộ máy" khổng lồ là các cơ quan chính quyền các cấp, cơ quan Đảng các cấp và các hội, đoàn thể từ Trung ương cho đến phường xã. Cần nhận rõ, với một nền kinh tế chưa phát triển, với 3 bộ máy như thế, cán bộ phải hưởng lương thấp là điều tất nhiên. Đó là chưa nói đến "đối tượng chính sách" hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của ta có lẽ cũng vào loại lớn nhất thế giới. Chúng ta - cả các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đã nhiều lần đánh giá là "bộ máy của chúng ta cồng kềnh, kém hiệu lực" nhưng lại né tránh việc chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự "cồng kềnh kém hiệu lực". Chưa giải quyết được sự "cồng kềnh" thì việc tăng lương nhất định phải hạn chế. Nói một cách khác: cơ chế nào thì tiền lương như thế. Còn việc giải quyết "cơ chế cồng kềnh kém hiệu lực" thì lại là vấn đề quan trọng phải bàn vào dịp khác. Nếu được Bộ Chính trị của Đảng chấp thuận, nhân dịp Đại hội Đảng các cấp sắp tiến hành, mở cuộc trưng cầu ý kiến với tinh thần "không sợ va chạm" thì nhất định sẽ có nhiều giải pháp hay.
4. Do đó, trong điều kiện hiện nay, thiết nghĩ chỉ nên đặt vấn đề tăng lương cho những người hưởng lương từ ngân sách ở mức thấp, khoảng 600-700.000 đồng /tháng trở xuống. Đời sống như vậy đã tạm đủ, nhất là so với thu nhập của bà con nông dân, của các thương bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Không phải là chủ trương "cào bằng", bình quân chủ nghĩa; số người hưởng mức lương cao hơn sẽ được Nhà nước "ghi nợ", đợi khi nền kinh tế phát triển vững chắc sẽ thanh toán với điều kiện anh làm tốt nhiệm vụ, không tham nhũng hay phạm tội "hành dân". Như thế, sẽ hạn chế số bạc phát hành, hạn chế lạm phát, mặt khác đó là cách ràng buộc cán bộ phải tận tụy làm công bộc của dân. Xin đừng lo số cán bộ có mức lương cao chưa được tăng lương kỳ này sẽ gặp khó khăn, vì đa số trong đó còn nhiều thứ bổng lộc khác (ví như 1 tháng 10 lần đi họp, tiền "phong bì" ít ra cũng đã 500.000 đồng; rồi đề án này, đề tài nọ... Chưa nói đến những quan tham như Mai Thanh Hải - Bộ thương Mại, hay Lương Quốc Dũng - Tổng cục Thể dục thể thao nghe "đồn-lầm" rằng đã bỏ cả tiền tỷ chơi gái non, thì chẳng cần gì khoản thu nhập cò con này!); cũng không ai dại gì từ chức vì chưa được tăng lương đâu! Đó là chưa bàn đến trách nhiệm của người cán bộ - nhất là với người hưởng lương cao phần lớn có chức vụ trong cơ quan các cấp hoặc là đảng viên - phải góp sức cùng Đảng và Nhà nước giải quyết những khó khăn hiện nay (ví như người dân Hàn Quốc đã góp vàng giúp Nhà nước vượt qua khủng hoảng mấy năm trước).
Mấy ý tưởng dễ "va chạm" và có khi bị chê là "không tưởng" hay "chuyện đùa", nhưng xin mạnh dạn nêu lên vì trên đời này không thiếu những điều tưởng là "không thể", là "chuyện đùa" đã thành sự thật; ít nữa thì cũng gợi ra những suy nghĩ hẳn là có ích.
17/12/2004
Trung Sơn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...