Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Người đàn bà đan len

Người đàn bà đan len

Con ngõ nhỏ gom hơn chục căn nhà tập thể cũ kỹ nép mình dưới một gốc đa to, cây đa chắc cũng có tuổi thọ cao lắm rồi vì thân nó cả vòng tay hai người ôm không xuể. Rễ nó cũng đã thả xuống bám đất và lại hình thành những thân đa mới thì cũng đã to như cái bắp cày ruộng. Con ngõ với hơn chục căn nhà cấp bốn là của một xưởng đóng tàu cũ. Giờ xưởng đóng tàu đã dời đi, dãy nhà vẫn ở lại vì nó nép lưng vào khu làng phía sau, đương nhiên nó trở thành một phần không thiếu được của khu quần cư ven biển còn hoang sơ này. Căn nhà cuối ngõ gần gốc đa cổ nhất, chủ nhân là người đàn bà đan len. Chị tên là Tân, cái tên cũng dịu ngọt êm đềm là Nguyễn Thanh Tân. Sau thì chị có một cái tên để gọi không lẫn với ai mà cả vùng ai cũng nhớ  gọi theo thời gian tuổi tác, từ khi là chị rồi cô rồi đến bà Tân đan len.
Dáng chị nhỏ thó, chị bị bệnh hen suyễn mãn nên ở cổ bao giờ cũng quấn chiếc khăn màu rêu. Gương mặt góc cạnh. Nếu không ngó kỹ nhỡ chị đến bảy mươi tuổi. Nhưng hóa ra chị chỉ qua năm chục một tí. Gương mặt gồ ghề, cặp môi mỏng luôn mím lại, đôi mắt đục mờ không có tia sáng nhưng lại rất sắc. Chị  đã ở căn phòng cuối dãy từ lâu rồi. Nghe đâu mấy người em đã rời đi, nhường cho bà chị căn phòng ấy. Căn phòng ẩm mốc cùng thời gian. Nó chất chứa mọi tủi hờn, và cả niềm vui của chị. Thi thoảng người ta nghe thấy tiếng con mèo đực gào rợn người phía ấy. Rồi thôi. Chị ít khi đi xa. Nếu không nhầm thì chị chỉ đi qua con ngõ dài hơn chục căn phòng tập thể có từ thập niên sáu mươi, cũ nát, xập xệ này. Con đường của chị chỉ đi ra đến đầu con ngõ có cái chợ tự phát của khu tập thể thì dừng lại. Hồi nhỏ Tân cũng học hành sáng láng, nhưng do trận sốt dịch chị bị co giật khi mới mười tuổi, chân tay rúm ró lại, may nhờ bố mẹ đã lo phục thuốc tốt nên giờ cũng không đến nỗi tàn phế.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Những bước đi của chị khó khăn cộng thêm với bệnh hen suyễn mãn nên lúc nào chị cũng yếu ớt. Một bên tay cùng phía chân cũng đã bị teo theo. Ai cũng nói, may trời thương chị còn được sống, nhưng lại thành ra gắn với cả đời là kẻ bệnh tật. Ăn gì, làm gì với chị cũng là những câu hỏi không lời đáp. Khi cha mẹ còn, chị và hai em trai luôn được cưng lựng. Rồi cả bọn lớn dần, đi học này kia, lấy vợ, sinh con, chỉ mình chị ôm nỗi cô đơn về bệnh tật. Chị tự kiếm niềm vui từ công việc đan móc khăn, áo len khi mẹ chị đưa chị đến một trung tâm hướng nghiệp ở quận. Ở trung tâm có nhiều công việc lắm, nhưng chị chỉ hợp với công việc đan len. Vì chị biết bàn tay chị chỉ có thể làm được công việc ấy. Sau này chị có nhiều việc làm để lo được cuộc sống của mình chị bội phần thầm cảm ơn mẹ chị đã biết nhìn xa cho chị. Nếu mẹ không hướng chị đến công việc này chắc giờ chị khó mà lo nổi cuộc sống của mình. Thế là từ ngày đó, chị tự học, mày mò từng mũi kim, rồi khi đã thành nghề thì chị có nhiều sáng tạo cho công việc ấy. Sản phẩm của chị nhiều người đến đặt hàng. Cả năm chị bận bịu với các món hàng đặt cho khách. Cả xóm vì thế còn gọi chị là người đàn bà đan len.
Căn buồng nhỏ ấy chị và hai đứa em trai đã chào đời. Căn buồng ấy đã chứa cả tuổi thơ vui tươi của ba chị em, đã lần lượt đón hai đứa em dâu và lần lượt cha mẹ chị đón những đứa cháu nội đầu tiên. Và lần lượt cha mẹ về cõi xa thì căn buồng đó càng chất chứa những kỷ niệm vô giá về gia đình đầm ấm của chị mà chị luôn lưu giữ không bao giờ muốn nó biến mất khỏi trái đất này. Chị đã chăm bẵm nuôi những đứa cháu, đứa nào bé cũng chị chăm. Khi chúng lớn, bố mẹ chúng có điều kiện ra ở riêng thì theo cha mẹ đi đến nơi khác, bọn chúng đã bỏ lại chị với căn buồng cuối ngõ. Thì biết sao, chúng  đi chứ. Chị biết kết cục thế mà… Khi chỉ còn gia đình cậu út ở lại với chị lâu hơn một chút. Chị nghĩ, chắc nó vẫn cần chị trông hai đứa trẻ, nó lớn chút, nó cũng sẽ đi. Chị cố giữ lòng mình bình yên với căn buồng cuối ngõ. Thì kệ đi, họ ở lại chị vui, họ đi chị cũng sẽ tự chăm lo cho bản thân, trách sao được các em. Căn buồng này ngày xưa nghèo khó thì rộng rãi cho cả gia đình năm sáu người, còn bây giờ cuộc sống đã tốt lên nhiều, chỉ một mình chị nó đã quá chật. Phải bằng lòng với hiện tại chứ, chị luôn tự nhủ thế. Nhưng đến một ngày, cậu út  cầm bàn tay chị yếu ớt trong tay nó, mắt cậu ầng ậc nước, cậu nói. Mẹ dặn em trông chị đến khi nào chị “đi”, mẹ dặn thế và bảo, căn nhà này thuộc về đứa nào thì đứa đó chăm chị. Nhưng chị biết đấy, em dâu không hợp với chị. Các cháu quý bác, nhưng em dâu lại không thích bác. Em ở giữa cũng khó nói lắm. Hơn nữa, các cháu bác còn phải học hành. Giờ ở đây thì cũng khó có cơ hội cho chúng nó vươn lên. Mà bên nhà bà ngoại chúng thì sẵn sàng cho chúng căn hộ chung cư cao cấp để cho các cháu yêu  của chị và của họ được hưởng thụ. Chị tính sao. Chị cần gì, chị nói với em đi. Em không bỏ chị đâu. Chị nhé. Cậu khóc tu tu. Chị chỉ cầm chặt bàn tay nó. Nước mắt chị dội vào trong. Miệng chị mím chặt nhưng lại nở nụ cười tươi như hoa, chị nói với em trai chuyện đi khỏi căn buồng này như chị đan xong một cái mũ len, bận tâm làm gì cho khổ. Cậu em thì khóc. Chị thì cười. Dù chị vẫn biết rằng mọi việc sẽ đến như thế này, nhưng không nghĩ nó nhanh đến thế. Chị nén giọng trìu mến nói với em trai, cậu yên tâm chị không sao đâu, căn buồng này quá đủ với chị. Cậu cứ lo cho vợ con thật tốt đi, đừng bận lo cho chị, nghề đan len giúp chị sống khỏe rồi. Và ngày đẹp trời cũng đến, nhà cậu chuyển đi. Căn hộ hạng sang phía bên kia con đường. Trước khi đi,  em dâu cũng bảo chị:
– Chị cả ơi, vì điều kiện học hành của các cháu nên chúng em mới phải dời xa chị. Em nghĩ, rồi chị cũng sẽ già yếu đi… Hay chị đóng cửa bên này, sang ở với các cháu và chúng em, bác cháu vẫn bên nhau mà bọn em cũng không bị xóm láng chê cười vì bỏ chị mà đi.
– Thôi, chị cảm ơn em dâu. Chị ở đây quen rồi, lại còn cúng giỗ cha mẹ.
– Thì chị cũng đã biết, con cái ở đâu cha mẹ  ở đó. Chị cứ sang với chúng em. Có phòng riêng cho bác cháu gần nhau mà…
– Không, chị ở đây quen rồi, các em cứ yên tâm. Nếu chị có cần gì chị sẽ gọi các em, không thì cũng không sao. Yên tâm đi, chị sống tốt mà.
– Nhưng …
– Chả nhưng gì đâu, chị nói chị sống tốt là các em yên tâm rồi
Cậu út thấy vợ nói thế cũng tham gia một câu cho lấy lệ, chị biết thế. Chị nuốt nước mắt vào trong.
– Chị ơi, em dâu nói rồi, chị không đồng ý sang với chúng em nên nếu sau này chúng em không qua lại với chị lúc cần kíp chị đừng trách chúng em nhé.
– Ừ, chị biết rồi. Chị nói là chị sống tốt. Các em cứ yên tâm làm ăn, nuôi các cháu chị tốt là chị mừng rồi. Công việc học hành của chúng còn cả núi, đừng băn khoăn chị ở một mình nhé. Chị còn có việc đan len, chị còn bận với khách hàng đòi chị mẫu này, mẫu kia, chị bận hơn các em ý, yên tâm sang bên đó đi, đừng lo cho chị.
Thấy chị dứt khoát thế, vợ chồng cậu út đành lặng lẽ đi. Họ đi khỏi con ngõ ấy,lòng chị dội lên niềm thương nhớ cha mẹ. Chị khóc. Những giọt nước mắt lạnh lùng rơi trên đôi bàn tay đan len đã có vết đồi mồi sầm sẫm. Những sợi len dài ngắn, những sợi len xanh đỏ nối đuôi nhau theo dòng nước mắt rơi như mưa của chị. Đêm đó chị nghĩ là đêm buồn thảm nhất cuộc đời chị. Dù chị biết, đó là điều sẽ đến với chị, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Lúc ấy vào độ cuối đông. Năm đó trời đổ những cơn rét căm căm nhiều hơn những năm trước. Chị nhận hàng và đan không xuể. Mùa đông ấy tóc chị cũng bạc trắng như những cuộn len trắng lăn dưới chân. Một mùa đông chị nhớ mãi. Mùa đông chị vĩnh viễn chia xa gia đình các em, một mình vò võ trong căn buồng chứa chất đầy kỷ niệm của ngày xưa cha mẹ và ba chị em chị. Mùa đông ấy cho chị một cảm giác mất mát. Và chị chợt mím chặt đôi môi khô khát lại để kìm nén những giọt nước mắt. Kìm nén nỗi giày vò nhớ nhung về những tình thân, cốt nhục của bố mẹ để lại cho chị. Cũng may mà mùa đông ấy nhiều người đặt hàng quá, chị đã đan, móc cả đêm, và nỗi buồn mùa đông cũng theo những đợt lạnh ấy đi xa. Chị đã quên mùa đông ấy. Quên mình từng có một gia đình đầm ấm. Từng có những hạnh phúc nhỏ nhoi trong căn buồng bé xíu mà chứa biết bao niềm hy vọng của chị về một đại gia đình ruột thịt. Chị đã hy vọng rằng, chả ai chia xa nổi căn buồng này vì cả mấy chị em đều gắn bó, đều thương yêu nhau, keo sơn, gắn bó, chứ làm gì có chuyện chia xa như thế. Chị vẫn biết rồi họ sẽ đi, họ sẽ dời xa chị. Chị không thể và không baogiờ níu kéo được gia đình của các em ở lại cùng chị căn buồng chật chội này được. Các em chị thành đạt về mọi thứ, họ đều có thừa mọi thứ. Chị nghĩ, vì mình mà chúng phải nặng lòng trở lại căn buồng này, vì chị nên chúng phải lui tới chốn này. Nhẽ ra, không có chị, đúng thế, không có chị, chúng nó tự do hơn chứ. Chúng sẽ bán đứt căn buồng này đi. Chúng dọn đến những nơi ở khác tốt hơn nhiều lần, và chúng sẽ quên luôn những gì thuộc về nơi đây. Mọi thứ sẽ trôi đi không còn một dấu vết.  Chị còn ở đây, chị còn ở lại căn buồng này, dù gì chúng nó vẫn phải vương vấn nới cha mẹ  chúng từng nuôi dậy chúng nên người, chúng không thể bỏ được, vì chị vẫn đang ngày ngày ở đó là người coi kho báu ký ức của chúng. Nơi đã gắn bó cả thời thơ ấu đầy yêu thương, nơi chúng được nâng niu như những báu vật. Nơi chúng được thăng hoa từ sự nâng niu ấy của cha mẹ. Vì thế, nếu không có chị, ừa nhỉ, nếu không có chị, chắc chắn, căn buồng ấy chả còn nữa…nghĩ tới đó chị nén tiếng thở dài.
Có lần cậu em kế chị về thắp hương cho cha mẹ chị đã thốt lên. Chị ơi, chỉ ở ngôi nhà này thắp hương cho bố mẹ, em mới thấy bình tâm. Dù ban thờ cũ kỹ, ban thờ cha mẹ quá nhỏ so với cả phòng thờ lớn nhà em. Chị ơi. Chị ở lại và thắp hương cha mẹ đều cho em nhé. Nó đã cắn môi khóc và quay quả bước ra khỏi ngõ. Nó để lại một khoảng trống vô biên cho chị. Những cuộn len khác màu dưới chân chị như ríu vào nhau. Những màu sắc cuộn len cũng làm chị hoa mắt. Chị đã ngã vào đống khăn len ấy bao lâu không biết. Trong cơn mê sảng ấy chị đã gọi cha mẹ bao lần. Trong cơn mê sảng ấy những màu sắc rối lòa cả mắt chị, nó khiến cho mí mắt chị như chập lại, không tài nào mở ra được.  Chị đã khóc bao lâu không biết. Và khi chị tỉnh dậy thì chị biết người hàng xóm tốt bụng đã giúp chị tỉnh lại. Sau thì chị biết người ấy về phía căn buồng cuối ngõ gọi chị đi họp tổ dân phố. Ông gọi mãi mà không thấy người mở cửa nên đã gọi thêm mấy người hàng xóm hỗ trợ. Chị tỉnh dậy và biết ơn những người hàng xóm tốt bụng. Chị thề với lòng mình phải gắng gượng. Phải quên nỗi cô đơn. Quê nỗi đau luôn vây bủa chị. Quên cả những đứa em còn hiện hữu bên kia đường. Chị sẽ quên hết để sống một cuộc đời của mình. Và chị chợt nhận ra, từ lâu chị đã bị lệ thuộc vào họ quá, lệ thuộc vào những điều giáo lý vô tiền khoáng hậu, để rồi tự chui vào thòng lọng ấy mà không có đường thoát ra. Bây giờ nhất định sẽ phải tự thoát ra. Như những cuộn len rối bao lần chị tự gỡ để mà đan, móc đấy thôi. Chị thề với lòng mình nhất định không lệ thuộc vào những sự rối ren ràng buộc này nọ nữa.
Chị lại đan len. Những khăn, những áo, những mũ len đủ màu, đủ lại đầy góc nhà. Người đặt hàng chả phải mất thời gian đợi chị lâu hơn với thời gian đặt. Giờ chị cũng ra ngõ ít hơn. Phía trước khu tập thể lại có một khu chung cư mới. Người đến đông hơn. Cuộc sống của khu tập thể có sức sống hơn vì có đông người nên cái chợ đầu ngõ nhà chị cũng thành cái chợ lớn nhiều hàng hóa.  Hàng chị nhận nhiều hơn. Một chiều nọ. Do thời tiết mát mẻ, chị lại mang cả túi len sang góc khu chung cư mà các bà ô sin của khu ấy hay ngồi tán chuyện mà chị thường đến vừa đan len vừa tán chuyện cho vui. Ngồi ở góc này buôn chuyện mới thấy xã hội còn ối cảnh buồn vui họa phúc như nhau. Chị chợt nhận ra mình còn hạnh phúc chán. Có gì đâu mà sầu muộn. Chị đã có một cái tên Tân đan len mà cả khu chung cư biết đến. Họ mới tới đây nhưng họ đã biết đến chị. Người nọ mách người kia và chị lại mệt nhoài với đủ kiểu, đủ hình để đan áo cho đám trẻ con, móc khăn cho bà già. Công việc của chị không có mùa. Bàn tay chị hình như cứ vẹt đi, nhất là các đầu ngón tay cứ vẹt như những cái đuôi con chuồn chuồn đực. Bàn tay chị cũng săn chắc hơn vì phải làm việc liên tục. Chị thấy bằng lòng với mình. Bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Thời gian như bóng câu qua cửa. Tóc chị bạc thêm, rụng nhiều cũng thưa hơn. Mắt chị cũng đã mờ hơn. Những màu len cứ làm chị loạn thị. Căn phòng của chị vẫn len và những sản phẩm do chị làm ra. Nhưng những ngón tay quen móc của chị đã quá thành thạo, chả cần nhìn nó vẫn móc mũi này vào mũi kia. Nó vẫn móc hình nọ vào hình kia…
Rồi một đêm, sau khi đan xong cả bộ váy áo cho con mẹ trẻ chung cư đặt. Chị ngắm nhìn sản phẩm của mình mà thấy niềm vui dâng trào. Tự dưng chị khóc. Giá như mình được đan cho con gái của mình. Giá là đan cho con gái mình, chị vẫn mơ thế. Bỗng nhiên mắt chị hoa lên. Đóm đóm. Những con đóm đóm tóe ra từ mắt chị. Trong cơn hoảng thị ấy chị thấy đàn con gái tươi xinh mặc những bộ váy len của chị múa vui, cười như nắc nẻ. Chị nhìn chúng mà thấy trào dâng hạnh phúc. Chị nghĩ mình đã được đền đáp. Cả cuộc đời chị đã chờ đợi điều này. Giờ chị mãn nguyện quá, đó là đàn con gái xinh tươi của chị, chúng xinh đẹp trong những chiếc váy len do chị đan. Hạnh phúc nào bằng khi được trao cho chúng món quà từ bàn tay mình. Chị như được chúng thơm lên những nụ hôn thơm mùi sữa. Thơm lên những nụ hôn ứa tràn hạnh phúc. Và chị đã thiếp đi trong cơn mộng mị ấy.  Cho đến ngày hôm sau cậu em út sang nhà mở cửa gọi chị nói chuyện chuẩn bị làm giỗ cha, cậu em đã gào lên trong bất lực. Chị ơi.
Cả ngõ tập thể mươi căn buồng ấy nhộn nhạo hẳn lên. Chị Tân đan len đã chết. Chị ấy chết tay vẫn còn cầm que đan, vẫn còn ôm cái thân váy len vừa đan xong. Cái váy len màu hồng. Thương quá. Con người cả đời cặm cụi ấy, đã không chịu lệ thuộc vào ai. Chị đã đi theo những sợi len cuộc đời, những sợi len đã đan vào biết bao cuộc đời với  những niềm vui nho nhỏ…
Hạ Long, 8/10/2018
Vũ Thảo Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...