Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Trần Thu Hằng: Đôi mắt bạc

Truyện ngắn Trần
Thu Hằng: Đôi mắt bạc

1. Đứa bé sinh ra không có màng mắt, cũng không có mi mắt. Và nó không ngừng khóc. Mắt lúc nào cũng mở trừng trừng, và lấp lánh ánh bạc. Có lẽ đó là nước mắt, của một số phận bất bình thường, quái dị. Thân thể bé xíu, trần trụi của nó cứ ưỡn lên, giãy đạp trên hai bàn tay của một người nào đó, chập chờn trước mắt anh. Anh cảm thấy rõ ràng người đó cứ dứ đứa bé vào người anh, nhưng anh không thể nào đưa tay ra đón lấy nó được. Nỗi sợ hãi đè nặng lên tim anh, khiến người anh cứng đờ. Và tâm hồn anh tan nát…
Đêm nay giấc mơ ấy lại đến với anh. Không biết từ bao giờ, có lẽ đã hơn mười năm rồi, hình ảnh đứa con ấy đến với anh, vào lúc nó vừa lọt lòng mẹ. Và lần nào nó cũng khóc, khóc mãi, vành môi rung bần bật, đôi mắt lấp lánh ánh bạc, thỉnh thoảng lại lóa lên một thứ ánh sáng kỳ lạ, siêu thực. Và cũng thật kỳ lạ, trong giấc mơ, anh lại thấy mình còn rất trẻ. Để sợ hãi khi có ai trao cho mình một hài nhi, để hốt hoảng khi thấy nó oằn oại không yên. Và để không thể nào ngờ được chính mình đã tạo ra nó.
Nhà văn Trần Thu Hằng
Anh ngồi hồi lâu trong bóng tối, đợi cho cảm giác hãi hùng, đau đớn tan đi. Tiếng trẻ con cười đùa dưới đường nghe trong trẻo, giòn tan. Có lẽ anh mới vừa thiếp đi một chút thôi, thái dương vẫn còn đau nhức và toàn thân ê ẩm. Anh rời giường đứng lên, thì thào vài tiếng lạc lõng rồi đi tìm công tắc điện. Rồi chợt nhớ đèn trong phòng ngủ đã hỏng từ lâu lắm rồi, anh liền gọi:
– Liên! Dậy, dậy mau đi.
Không có tiếng trả lời, anh lại gọi, giọng gắt gỏng. Biết chắc chắn vợ mình đã tỉnh giấc, anh ra lệnh:
– Ra ban công ngồi chơi!
– Ồ, anh…
Liên khẽ rên, có vẻ mỏi mệt, song cũng tuân lời anh. Anh đã tâm sự với nhân viên tư vấn qua điện thoại rằng: “Tôi có một người vợ tử tế, trung thành. Nhưng bạn bè tôi sau khi gặp mặt bà ấy thì xa lánh luôn cả tôi…” Trước khi rời giường, Liên không quên xỏ tay vào cái áo khoác đen, rồi líu ríu theo chân chồng ra cửa… Để cho vợ ngồi xuống chiếc xích đu, anh đứng tựa mình vào giàn hoa để cúi nhìn xuống đường rõ hơn. Đèn đường rất sáng, lũ trẻ con đang chơi đùa trong một bầu ánh sáng màu đỏ. Chúng là con của những người công nhân từ nhiều nơi về đây sinh cơ lập nghiệp. Khác với vợ chồng anh, vẫn thường ngắm nhìn họ từ trên lầu ba, lầu tư, đa số họ đều ở trọ trong những dãy phòng chật chội. Bởi thế, ánh đèn cao áp và lề đường thật rộng trở thành một sân chơi rộn rã đến tận khuya. Nhìn những thân hình bé nhỏ trong những tấm áo rẻ tiền đang chạy vun vút, anh lại muốn chụp ảnh. Đó là một phác thảo anh muốn thực hiện cho loạt ảnh về tuổi thơ. Nhưng vừa quay mình định vào lấy máy ảnh, thấy vợ ngồi co mình trên xích đu, anh lại cau có, gần như gằn hắt:
– Đi vào đi ngủ đi.
– Anh cứ ngắm nhìn đi. Em chờ…
– Không ngắm gì cả. Đi vào.
Hai vợ chồng quay vào nhà, đóng sập cánh cửa lại. Thế là bóng tối lại bưng bít lấy họ. Anh nhớ rõ từng lời anh đã nói vào điện thoại: “Vợ tôi không bình thường chút nào. Hay là chính tôi không bình thường. Tôi chưa nhận được chút ngọt ngào nào từ bà ấy. Mặt dù bà ấy rất yêu tôi”. Để mặc vợ ở đó, anh chằm chằm đi tìm cầu thang, đi chân không xuống. Trong một khoảnh khắc, đối với anh, cuộc sống vụt trở nên trống rỗng. Trống rỗng.
2. Anh bật đèn lên. Anh sáng xanh. Tim anh vỡ ra mất thôi, bởi sự dịu nhẹ và u huyền của nó, anh đã bố trí một dàn đèn rất nhiều màu sắc cho phòng làm việc của mình, và anh phó mặc sự hiện hữu của những ánh đèn ấy. Cho đến lúc chính anh sẽ bị mắc bẫy. Anh tự nhủ như vậy. Cùng lắm thì cũng đến lúc giống văn hào Hemingway chĩa nòng súng săn vào đầu mình thôi. Anh tự cho rằng mình hiểu chuyện này hơn ai hết, bởi bao năm rồi, anh đã chuẩn bị một kết cục cho riêng mình. (Cho dù kết cục ấy chẳng có ý nghĩa gì hết)…
Đêm nay lại là ngọn đèn xanh. Anh ngồi xuống, lặng lẽ ngắm những tấm ảnh trên tường. Những bức ảnh đã mang đến tiếng tăm vang dội cho anh. Giờ đây chúng sống động lạ thường; chỉ là một bờ vai, một đôi mắt, những đầu ngón tay của một bàn tay xòe rộng… Mỗi đường nét là một niềm khao khát được chiếm hữu cái đẹp của tự nhiên, bàn tay con người không sao vẽ thành. Thậm chí trí tưởng của con người cũng không sao khám phá hết được. Song chúng mãi mãi chỉ là hình ảnh thấp thoáng mà thôi, cả đời anh không bao giờ ôm được vào vòng tay trần tục. Ôi, ta thật đáng thương!
Anh lại nhớ đến đứa bé ấy, cùng đôi mắt giận dữ ấy. Anh vẫn chưa có con. Ngày ấy, Liên nói rằng cô ấy có thai với anh, và anh đã cưới cô ấy, coi đứa con sắp ra đời như một sự ràng buộc suốt đời. Nhưng anh chờ đợi mãi mà không có gì máy động. Biết đâu đứa bé trong giấc mơ kia chính là con của anh, nó đang còn chờ đợi anh ở một cõi mơ hồ xa thẳm nào; vẫn chưa có tiếng gọi nào đủ sức cho nó sống dậy. Nhưng mà ra đời chắc nó sẽ chết, bởi nó không thể khóc mãi được, không thể trừng trừng đôi mắt kia mãi mãi được.
Nhưng mà đứa con ấy?! Là của Liên, người vợ xấu xí gớm ghiếc, vừa đáng thương, vừa đáng ghét của anh? Hay của Nga, người con gái anh yêu nhưng đã đi xa mãi mãi?
3. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Liên bước vào phòng, nói với anh đã gần bảy giờ sáng rồi. Thế ra đêm đã cạn, anh phải rời nơi trú ẩn này thôi. Anh nặng nề đứng dậy. Không, không, anh đã quyết định rồi mà, rằng anh sẽ không rời khỏi căn phòng này nữa, đêm qua đã là đêm cuối cùng… Vợ của anh đang đứng chờ anh, lớp da trên cổ giật giật và anh thấy những vết nấm da đỏ tía đã bò lên má, leo lên tận da đầu. Bộ quần áo đen ngòm trên người Liên không che dấu được chúng. Đúng là hết phương cứu chữa. Vợ chồng anh đã đổ biết bao tiền của để chữa căn bệnh quái ác này, nhưng vô ích, những vết vảy nến cứ lan ra, tím tái khắp người Liên. Ai đời, vợ một nghệ sĩ lớn mà trông thật đáng sợ đến thế…
Anh không nhìn vợ, nhưng nói một cách quyết liệt:
– Tôi mệt lắm, không đi đâu. Bà đi một mình đi.
– Nhưng em biết làm gì bây giờ…
Đột nhiên anh nổi giận:
– Tôi mà chết, thì bà có chết theo không?
Lẽ ra không nên như thế. Anh cảm thấy hơi hối tiếc về câu nói của mình. Vợ anh đã tận tụy như thế, đã hối lỗi như thế, cớ gì mà anh phải đay nghiến cô ấy đến phút cuối (cái giây phút đẹp nhất của đời anh…). Nhưng không làm như thế, lúc nào cô ta cũng kè kè bên cạnh, chẳng thể nào cảm thấy thoải mái để tưởng nhớ đến Nga. Thiên thần hộ mệnh của anh, lẽ ra anh không có quyền chết đi, không có quyền xao lãng….
Suốt đời, anh sẽ mãi hướng về cái thế thế giới bí hiểm và đáng sợ mà nàng đã sa chân. Thật khủng khiếp. Mỗi ngày, mỗi giờ anh sống, anh đã hút lấy khí độc của cái ngày định mệnh ấy. Giờ đây nó đã tràn ngập cõi lòng anh như một niềm khoái cảm tuyệt với. Anh nhớ. Anh đã khóc lóc, vật vã hàng giờ, nhưng nàng không hề lay chuyển. Anh thề với nàng: “Anh sẽ giết chết đứa con trong bụng Liên để không phải xa em!”. Nhưng nàng chỉ lắc đầu và khuyên anh trở về nhà. Không thể thuyết phục được nữa, anh bước chân ra. Lần cuối cùng ngoảnh lại, mặt nàng vụt thay đổi. Nàng như đã già đi hàng trăm tuổi, nghìn tuổi, đôi mắt xa vắng, vô hồn như mẹ nàng, như bà nàng, như bà tổ của một thời xa xôi, hoang dại. Như bức tượng đá được tạc bằng những nỗi đau khổ của nhân gian này. Anh không bao giờ quên, không thể nào quên. Bởi đêm ấy, nàng đã chết.
Về sau anh đã kể lại câu chuyện này cho một cô gái – một cô người mẫu rất thông minh – nhờ cô ta làm mẫu cho anh chụp, để tìm lại khoảnh khắc chết người ngày xưa. Nhưng đốt hàng chục cuộn phim cũng không thành. Anh không biết có phải sức ám ảnh của quá khứ quá dữ dội hay không, hay vì tay nghề của anh còn kém cỏi? Hay là không thể chụp ảnh giây phút ấy, rằng điều ấy là điên rồ, như chính cuộc đời anh?
Anh bỏ ra hàng giờ để sắp xếp lại kho tư liệu của anh, bần thần mang mấy tấm ảnh của Nga ra ngắm. Chúng đã nhạt nhòa hết cả, có chỗ đã đen bóng lên như bị cháy. Nàng đẹp lắm, nhưng chẳng còn ai nhìn thấy nàng đâu. Chỉ có anh, anh nhận ra khuôn mặt nàng bằng tâm tưởng mà thôi. Lẽ ra, anh đã có thể phục hồi, sửa sang lại chúng, thậm chí mang đi triển lãm. Nhưng anh đã mặc cho thời gian tàn phá đi hình bóng yêu kiều đó bởi con người đã chết, cái anh giữ lại chỉ là nỗi khổ đau trống trải mà thôi.
Nếu anh phải lòng ai đóo, có lẽ cuộc đời anh giờ đã khác đi. Nhưng vì sao tất cả lại không hề thay đổi nhỉ? Phải chăng đúng như lời anh thổ lộ: “Biết đâu tôi không có khả năng làm một con người bình thường? Trời đã lấy đi của tôi cái năng lực làm một người đàn ông đúng nghĩa!”
4. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng, anh ngồi xuống chiếc bàn lớn, chuẩn bị gọi điện thoại. Anh không quên nhìn lên dàn đèn đồ sộ trên đầu; chỉ cần nhấn công tắc nó sẽ truyền một dòng điện đến thẳng ghế ngồi của anh. Sau ba phút, nó sẽ tự động ngắt điện, nhưng chừng đó là đủ để trái tim anh bị cháy thành than. Còn gì nữa không? Một bức thư cho Liên, anh sực nhớ ra. Nhưng anh đã không viết. Cô ấy không bao giờ hiểu được duyên cớ cùng sự sắp đặt này của anh. Cô ấy đã không chịu rời xa anh, việc mà cô ấy nên làm bất cứ lúc nào trong hai mươi năm qua. Anh chợt nhận ra tận đến lúc này anh vẫn còn nguyền rủa vợ mình. Ồ, Hemingway, trước khi chết ông có nguyền rủa bà ấy không? Ông rất yêu bà ấy mà. Anh nhắm mắt lại hồi lâu rồi mới đủ sức cầm lấy ống nghe.
– A lô, tổng đài A xin nghe…
– Xin nối máy cho cô Tường Vân…
Người phụ nữ tri kỷ của anh, anh sẽ gặp cô ấy lần cuối cùng, để nói rằng anh chết sau bao nỗi chán chường. Dù sao anh cũng ngỏ lời cảm ơn cô đã lắng nghe anh tâm sự bấy lâu nay và…
– Ông là khách hàng của cô Tường Vân ạ? Thưa ông, cô Tường Vân đã mất cách đây ba ngày rồi…
– Mất! Có nghĩa là chết à? Sao lại thế? Anh sửng sốt. Cách đây mấy ngày tôi còn nói chuyện với cô ấy…
– Vâng, đúng là cô ấy chết rồi. Nhưng xin ông bình tĩnh. Cô ấy có gửi lại cho chúng tôi một cuộn băng ghi âm, và dặn chúng tôi mở lại cho khách hàng của cô ấy nghe, bất kể là ai. Thưa ông, ông có muốn nghe không ạ?
– Muốn chứ. Làm phiền cô…
Giọng anh khàn hẳn đi, bởi một cơn xúc động rối bời. Có ai mà ngờ được…
Từ ống nghe vang lên một đoạn nhạc êm ái thổi bằng kèn harmonica. Bài hát Thiên Thai. Anh nhận ra nó từ những nốt nhạc đầu tiên. Song thay vì cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng như bao lần được nghe từ giọng hát Ánh Tuyết, anh lại như thấy kim châm vào lòng. Am thanh khàn đục của chiếc kèn phương tây gợi nên một sự trầm luân và xa vắng, như tiếng trái tim bị dồn nén từ biết bao năm trời, lần cuối cùng là để tự tưởng mình để buông rơi mãi mãi. Phải, đúng là cảm giác ấy, bởi chính anh đang muốn nói lên, tất cả. Nhưng thoạt nghe người ta nhận ra ngay đó là tiếng nói của một trái tim phụ nữ, nó mang đến cảm nhận thật dịu dàng, tinh tế. Lặng đi một lúc, giọng nói quen thuộc của cô Tường Vân vang lên, nhưng không còn êm ái như mọi lần trước. Giữa những câu nói là hơi thở nặng nhọc, có lúc rít mạnh:
– “Tôi xin thành thật cáo lỗi, vì không còn phục vụ được quý vị nữa. Từ lâu, tôi đã mắc bệnh ung thư, và bây giờ tôi nằm đây, trên giường bệnh. Sắp đến giờ phút tôi từ giã cuộc đời, và thú thật, tôi sợ đến phát khóc…
Tôi biết rằng mọi người nghĩ tôi hoàn hảo, ít ra thì cũng xinh đẹp, có kiến thức, có tâm hồn và sống hạnh phúc. Bởi vì tôi có một giọng nói ngọt ngào và quyến rũ. Vâng, tôi cũng tự cho mình có hạnh phúc, nhưng không như mọi người nghĩ. Tôi là một người tàn tật, không có chi từ lúc lọt lòng. Ngoài ra, gương mặt tôi rất xấu xí, khó coi. Tôi bị cha mẹ bỏ rơi ngay ở nhà bảo sanh, và lớn lên nhờ tình yêu thương của mẹ nuôi tôi, một nữ hộ sinh góa chồng. Bà đã cho tôi ăn học từ đồng luơing ít ỏi của bà, trong lúc cuộc sống rất khó khăn ba bốn mươi năm trước. Bà cũng không hề phân biệt tôi với những người con ruột. Bà chết năm tôi mười lăm tuổi, từ đó tôi tự lập. Tôi không có chồng, không có con. Noi gương mẹ tôi, tôi nhận một người con nuôi. Cháu là người đã thổi khúc nhạc Thiên Thai cho tôi nghe và sẽ cầm cuộn băng này gửi về trung tâm tư vấn thay tôi. Cháu cũng là một người khuyết tật nhưng cháu cố gắng lắlm.
Tính tuổi đời, tôi chưa đầy bốn mươi lăm tuổi. Nhưng tôi đã mang bệnh gần mười năm rồi. Tôi đã tìm nhiều cách chữa bệnh khác nhau nhưng cuối cùng tôi đã phải đầu hàng. Nhưng tôi đầu hàng vì cơ thể tôi đã cạn kiệt sức lực, chứ không phải vì chán chường, thất vọng. Tôi rất sợ cái chết, mặc dù tôi không biết mình sợ nó vì lẽ gì nữa.
Sở dĩ tôi gửi lại cuộn băng này cho mọi người vì tôi nghĩ công việc của mình còn dang dở. Còn rất nhiều người đã thổ lộ với tôi những nỗi đau mà tôi chưa tìm cách xoa dịu hoặc góp sức giải quyết được. Tôi cũng biết tôi không đủ sức gỡ rối hay khuyên nhủ điều gì hay ho cho người khác, bởi vì bản thân tôi không hoàn hảo, không đủ hiểu biết. Sự có mặt của tôi chỉ là góp một phần nhỏ nhoi cho cuộc sống rộng lớn này. Tôi chỉ xin mọi người hãy lắng nghe trong lòng mình, những tiếng nói lương thiện, từ tâm nhất, để mang đến những niềm an ủi và hạnh phúc cho người thân của mình, cũng là cho bản thân mình.
Tôi cũng mong việc làm này của tôi sẽ giúp con tôi bình tâm và vững bước trên đường đời. Bởi vì tôi chưa hoàn thành trách nhiệm đối với cháu. Bởi vì tôi rất yêu thương cháu…
– Mẹ!…
Tiếng gọi nấc nghẹn ấy đã kết thúc cuộn băng ngắn. Tiếp theo là những tiếng tít tít nhỏ trong điện thoại. Anh đã buông điện thoại xuống một cách vô thức, theo thói quen. Song bên tai anh vẫn vang lên những câu nói của cô Tường Vân, như thể chúng đã lọt vào tim, vào óc của anh. Mắt anh tối sầm, nhưng từ bóng tối ấy ẩn hiện hình ảnh một dòng sông đang chảy, và một con người, không rõ già hay trẻ đang bơi, bơi mãi. Sự im lặng hoàn toàn của dòng sông ấy khiến anh nhức nhối, như thể cơn đau không sao thoát ra được. Đứng dậy, hãy đứng dậy. Hãy khóc lên. Hãy hát lên. Hãy mở toang cánh cửa kia ra, bởi vì anh đang sống.
3/2/2021
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...