Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Đào Sỹ Quang: Y án

Truyện ngắn Đào Sỹ Quang: Y án

Làng Kình nơi “khỉ ho cò gáy” bị hai dãy núi chèn cho dài thuồn thu ột. Làng cách trung tâm thị trấn huyện đúng hai mươi cây số và cách trung tâm tỉnh ngót tám chục cây. Nơi đây từng có những chuyện cười đến rụng răng, rách miệng. Khách vãng lai ghé qua làng không quên gom vào đầu vài câu chuyện “vui” để về làm quà. Quà này quý lắm, vì nó có thể làm tan biến đi mọi ưu phiền!
Làng Kình có những cái tên nghe cũng rất chi là… “không giống ai”. Tỉ dụ như vợ chồng ông Tình Tứ (chồng Tình, vợ Tứ) sinh con “năm một”, toàn “thị mẹt”. Mười năm cho ra lò “một đàn bướm bướm xinh”, đặt tên theo cách gọi thứ tự trong Hán ngữ cổ đại: Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục, Thất, Bát, Cửu, Thập. Dân tếu táo gọi là “mười quả bom nổ chậm”. Tuy không sinh được “chim cu”, nhưng vợ chồng ông bà Tình Tứ cũng rất tự hào về những con “bướm” của mình, 15, 16 tuổi là đã có người đến xin “rước”. Trong số các con thì cô Thập là người học cao nhất, tốt nghiệp “10 + 3” ra làm cô giáo làng và cũng là người xinh đẹp khó ai bì. Còn nữa, rất kén chồng!
Nhà ông Đinh có nghề gò thùng. Kính thưa các loại thùng. Thời đó người ta chưa chạm mũi với hai từ “công nghệ”, nên nghề gò hàn thủ công vớ bở. Cả thị trấn Hùng Sơn, cả huyện ấy chứ, chỉ có mỗi nhà ông Đinh làm cái nghề “điếc tai hàng xóm”. Tính ông Đinh vui vẻ, thoáng đãng nên khách hàng gần xa uy tín lắm. Hàng ra tới đâu hết tới đó. Vì thế ông được thiên hạ cho vào cái “rọ” giàu có. Thường giàu có thì lắm kẻ ghen ghét, nhưng không dám coi khinh. Và, khi người ta đã giàu có rồi thì lại thích thiên hạ kính nể, thậm chí sợ mình! Ông Đinh có tất cả năm người con cả trai lẫn gái. Anh Duynh là con thứ tư. Và, ông Đinh cũng nổi tiếng về việc kén rể, chọn dâu. Có nghĩa là anh nào, cô nào được ông “chấm điểm” là cả một niềm hãnh diện!
Nhà văn Đào Sỹ Quang ở Đồng Nai
Một hôm ông Đinh dẫn anh Duynh về làng Kình thăm vợ chồng ông bà Tình Tứ. Hai ông chủ quen nhau cũng từ việc ông Tứ lên thị trấn mua thùng của ông Đinh. Hai ông này hợp nhau ở chỗ rất thích chơi cờ tướng. Mỗi lần từ làng Kình lên thị trấn mua bán gì là ông Tứ không quên ghé ông Đinh “chơi mấy ván”. Hôm nay ông Đinh về làng Kình không phải để chơi cờ mà muốn cho con trai mình gặp cô Thập. “Âm mưu” lâu dài là muốn cô Thập làm con dâu nhà mình.
“Nhà gái” vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai vị khách chở nhau bằng chiếc xe đạp Pôgiô cá vàng (Peugeot). Xe Pôgiô hồi đó chỉ đến với những ai thật sự giàu có. Nó như một tài sản quý hiếm.
– Đúng là rồng đến nhà tôm, mời hai bố con ông vào nhà! – ông Tứ mời khách, cười rõ là tươi. Vợ chồng ông cũng nổi tiếng ở làng Kình về cái gọi là “hiếu khách”. Không biết những chiếc thùng sắt, thùng tôn trong “nhà gái” có nhận ra người “đẻ” ra mình đang ở đây hay không? Đã có lần ông Tứ kể cho cả nhà nghe về tấm gương lao động gò thùng của ông Đinh: “Ông ấy lúc thì tay kéo, lúc thì tay búa, làm việc hết mình, chịu khó cải tiến sản phẩm lắm, cả huyện này dùng hàng của ông ấy. Lúc lao động thì trông lem thuộm, đen đủi, nhưng khi chỉn chu một cái trông cứ tưởng cán bộ cấp cao…”.  Hôm nay anh Duynh mang trên mình bộ trang phục anh bộ đội. Hồi vừa học xong cấp ba thì anh xung phong đi bộ đội, vào Nam đánh Mỹ theo lí tưởng người anh hùng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Sau giải phóng miền Nam anh trở về đeo đầy huy chương trên ngực.
– Rồng gì mà rồng, hôm nay tôm đến nhà rồng mới đúng! – ông Đinh đáp từ thật là khôn khéo làm cho vợ chồng ông Tứ trẻ hẳn ra, tự hào hẳn ra.
Ở làng Kình không ai lạ gì ông bà Tình Tứ, làm ăn căn cơ, giàu có nhất làng. Nhà ông chả thiếu thứ gì. Được bà vợ thì “làm sang cho chồng” cứ gọi là “miễn chê”.
Trong bữa cơm trưa thân mật, ông Đinh chủ động nêu vấn đề “muốn xin ông bà cho cháu Thập làm dâu nhà tôi”. Cô Thập mặt đỏ phừng phừng chạy vào  trong buồng, còn anh Duênh thì lại bẽn lẽn  như con dâu mới về nhà chồng, chẳng có chút gì gọi là “khí thế” của một người từng xông pha trận mạc!
– Thì cứ để cho hai cháu chúng nó đi lại tìm hiểu nhau, giờ thì đâu như xưa mà ép được! – Bà Tình nói thế. Ông Đinh như định nói gì nhưng lại rất dè dặt, không mạnh mồm như trong lúc “chiếu tướng” nơi bàn cờ. Hình như cái cụm từ “giờ thì đâu như xưa mà ép được” làm ông muốn bay ngay về nhà. Ông nghĩ trong lòng “rừng thiếu mẹ gì thú, chả bắn được con này thì bắn được con khác”…
Ông Tứ cười nói:
– Thằng Duênh cứ về đây chơi cháu ạ, nếu hai đứa chúng mày mà lấy được nhau thì chúng tao ủng hộ một trăm phần trăm – nhìn sang ông Đinh – đúng thế ông nhỉ?
– Vâng, thì… như chị nhà vừa nói đấy “giờ thì đâu như xưa mà ép được”!
– Ép được chứ, như tôi với bà nó này, bị ép đấy chứ, nhưng từ ngày lấy nhau có bao giờ to tiếng cãi vã gì đâu!
– Ông thì chuyện nọ xọ chuyện kia! – Bà Tình nhắc khéo chồng – nhìn sang Duênh – thì cháu Duênh cứ về đây chơi, không có ngại ngần gì cả, lần sau về chở mẹ theo nhé!… Ông Đinh như đã nuốt trôi cục xương mắc trong họng…
Đêm đó vợ chồng ông bà Tình Tứ không sao ngủ được để bàn chuyện nên hay không cho con gái lấy chồng ở xa? Rồi cuối cùng cả hai đều tặc lưỡi, thôi thì mặc duyên số!
Sau lần về làng Kình, anh Duynh phải đi lại mòn cả đôi lốp xe mới “cưa” đổ người đẹp. Một thời gian sau thì cô Thập lên xe hoa về thị trấn. Đám cưới to nhất làng! Thực ra ngày ấy chả ai ham hố lấy chồng thị trấn, vì cho rằng dân buôn bán thường hay gian dối. Nhưng ông Tứ thì hoàn toàn không nghĩ thế. Ông quý anh Duyênh vì đã kinh qua bộ đội giống như ông ngày trước. Ông bảo, làm thằng đàn ông mà dám xông pha trận mạc thì không gì sánh bằng!
Anh Duênh xin vào làm một chân loong toong trên huyện, chứ không theo nghề gò hàn của cha mẹ, mặc dù nghề này vẫn đang hái ra tiền. Thời gian sau anh được cấp trên giới thiệu đi học lớp trung cấp tài chính kế toán, rồi hàm thụ tại chức đại học. Anh là người có chí tiến thủ, lại có tài ăn nói nên thăng tiến nhanh như diều gặp gió. Chị Thập hãnh diện về người chồng đã làm chỗ dựa tinh thần cho cả nhà.
Mười mấy năm ở huyện anh Duynh được cấp trên đề bạt lên tỉnh giữ chức “to” hơn, danh dự cho cả dòng họ Ma. Anh là người có đầy uy lực, là khắc tinh của bọn trốn thuế, buôn lậu, hàng giả…
Thế là anh Duynh đưa cả gia đình về thành phố sống trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, mà anh đã xây cất tự bao giờ? Một ngôi nhà hiện đại, kiểu cách. Nói đúng hơn, đó là một biệt thự không dễ gì ai cũng có được. Không nói ra, nhưng với chị Thập thì đây như một giấc chiêm bao…
Anh Duynh càng ngày càng ít về nhà sớm, với lý do lo việc công. Có lúc chị Thập vui đùa nói với các con rằng, “bố Duênh cứ như hoạt động tình báo không bằng”. Càng ngày anh Duynh càng đạo mạo hơn, phong độ hơn, không còn gầy gò như hồi làm cái anh nhân viên văn phòng nơi phố huyện. Đồng hành với sự “thành công” của anh là nỗi cô đơn của vợ, để mỗi đêm về chị Thập lại thui thủi với chiếc gối ôm, nghe tiếng rên rít của những cơn gió chen chúc nhau qua khe cửa… Tuy nhiên chị Thập vẫn hết lòng với chồng, vẫn dõi theo từng bước đi của chồng. Và, đã có nhiều lúc trái tim chị bị loạn nhịp bởi những suy tưởng không may xảy ra? Và, chị đã “mạo hiểm” muốn biết lý do về sự thờ ơ của chồng? Vẫn câu trả lời như thế: “Phải tập trung chống buôn lậu và chống trốn thuế!”.
Chị Thập như một ô-sin trong nhà. Tồi tệ! Chị bỗng dưng trở thành kẻ thấp cổ bé họng, không dám mở mồm đòi hỏi chồng một điều gì cả. Hai vợ chồng cứ như hai điện tích cùng dấu, đẩy nhau.  Chiếc xe hơi bóng lộn, sang trọng đã góp phần làm tăng “chân kính” cho anh Duynh, nhưng chưa bao giờ anh cho vợ đi cùng. “Sao bố không cho mẹ ngồi thử một vòng cho sướng cái đời của mẹ?”. Con anh Duynh nói thế. Anh Duynh khác xưa, như thể đầu chiếc compa quay nửa vòng tròn! Khi người ta có chức có quyền ngoài xã hội thì cũng dễ trở thành kẻ cai trị luôn gia đình! Đời đôi khi nó ngang trái tới độ khó bề giải thích! Mọi việc ở quê, từ giỗ chạp đến xây cất mồ mả, làm thế nào, thiết kế ra sao đều do anh Duynh quyết định. Anh “qua mặt” anh chị em trong nhà! Ông Đinh là người được thiên hạ kính nể như thế mà khi nói tới đứa con “quyền chức” của mình là ông như người không có miệng? Ông sợ con mình hay ông sợ cái gì gì thì chỉ có mình ông biết!  Tại sao anh Duynh lại là người quyết đoán và được nhiều người sợ kinh khủng đến như vậy? Có lẽ ngoài cái chức quyền và đồng tiền ra, anh còn có thêm cái tinh tướng, khi đã trợn mắt lên thì chắc chắn có kẻ coi chừng! Nhưng lại có thể, “sức mạnh” của anh là ở  chỗ “nắm quyền kinh tế” trong gia đình. Ngày trước, làm gì anh cũng hỏi ý kiến tham khảo của vợ. Chị Thập đọc sách, xem phim… nắm bắt thời sự nên rất nhạy cảm trong sự liên tưởng với thực tế.  Rất nhiều ý kiến của chị đã giúp ích cho chồng trên đường công danh ở cái thời “ăn bo bo đi guốc đẽo”. Giờ thì hết rồi, anh Duynh coi vợ như người có cũng được mà chả có cũng được. Anh chê vợ đủ điều bằng sự im lặng, chứ không thô lỗ như những kẻ nông nổi bốc đồng. Chị Thập chỉ còn biết cắn răng chịu đựng! Anh Duynh giao cho vợ nhiệm vụ chăm sóc con cái và trông coi nhà cửa. “Con hư là tại mẹ”. Ở thành phố mà chị Thập nào có biết tới shoping, siêu thị, nhà hàng… Cần gì, thiếu gì đã có người đem đến tận nhà. Bạn bè gần gũi hàng ngày với chị Thập là con chó cảnh, có tên là Jon. Nếu như không có Jon thì không biết cuộc sống của chị buồn đến đâu  nữa. Đúng là trung thành như loài chó! Jon không thể xa chị và chị cũng không thể xa nó. Chị đi đâu lâu về là Jon rối rít, quẫy đuôi tít mù. Chị ôm Jon vuốt ve lên bộ lông bông thơm thơm của nó. Nó há mồm thè ra cái lưỡi hồng dài mỏng tang có những đốm đen, ngồi trên bọc chị yên vị. Nó thở. Nhịp thở như thể vừa kết thúc một cuộc chạy đua ma-ra-tông dành cho loài chó. Thật sự khi đã hiểu về loài chó thì khó ai muốn làm điều ác. Mà đã làm điều ác thì không phải là người! Chị Thập bảo thế. Jon lúc nào cũng bên chị. Chị gọi Jon bằng “con”. Rồi chị kể cho nó nghe câu chuyện “Con mèo trèo cây cau”… Chị răn dạy nó đủ điều…  Chị hiểu ngôn ngữ của loài chó như học trò hiểu “Thế nào là một câu đơn giản?”.
Rồi lần ấy anh Duynh về, không hiểu sao giữa hai người có chuyện gì mà chị Thập nổi cơn thịnh nộ:
– Tôi biết ông chán tôi rồi. Ông có quyền, có tiền, có vợ bé, có chân dài. Ông thích gì ông cứ làm, đừng mang cái thiếu văn hóa về nhà này, con cái nó học theo!
Anh Duynh chồm lên như một con sư tử vồ mồi! Anh thả ra những ngôn từ thô thiển, và cấm vợ “Không được xúc phạm đến danh dự đảng viên!”. Rồi anh vỗ vào ngực mình bam báp. Anh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Đồ đạc trong nhà đổ vỡ, va chạm vào nhau loảng xoảng…
Nhưng lạ thay… chị Thập không hề sợ? Chị bình thản như một người anh hùng ra pháp trường sẵn sàng đón nhận cái chết! Đôi mắt chị  rực lửa:
– Ông đừng mang hai tiếng danh dự ra dọa tôi! Đảng không dạy người ta làm những việc xấu! Tôi xin hỏi ông, tôi có tội tình gì? Ông tưởng nhà lầu xe hơi làm tôi sung sướng lắm hả? Ông nhầm! Nhà lầu xe hơi có năm bảy loại! Người chức quyền cũng có năm bảy loại! Tôi chả còn sống được bao lâu đâu, tôi khuyên ông hãy nhìn thấy chính mình! Rồi ông sẽ hay, chỉ có cái gì của chính mình mới là của mình!
– Câm mồm đi, đừng có lên lớp dạy đời, quanh quẩn xó bếp biết cái gì, sướng không biết đằng sướng!
Chị Thập lăn ra khóc! Khóc như để đẩy cuộc đời mình xuống hố nhanh hơn!.
Đúng là “Nhân bảo như thần bảo”, anh Duynh đã phải đưa tay vào chiếc còng số tám, tạm sống nơi trại giam! Các phương tiện thông tin đại chúng ngày nào cũng đưa tin về những sai phạm của anh…  Anh bỗng trở thành tin “giật gân” nhất trên các kênh thông tin. Đã nhiều lúc chị Thập muốn tìm đến cái chết vì không chịu nổi “sự quan tâm” của người thân và hàng xóm. Mọi người đến với chị lúc này chỉ nhằm mục đích  hiếu kỳ, kèm theo sự  thương hại, có khi là khinh bỉ…
Anh Duynh được tạm hoãn ra tòa xét xử, vì đang bị căn bệnh quái ác hoành hành. Anh nhắm nghiền đôi mắt trên giường bệnh. Chị Thập đã không bỏ chồng. Chị không nhìn chồng bằng hiện tại! Chị nhìn chồng trong màu áo lính năm xưa “nhìn thẳng quân thù mà bắn!”. Chị không bỏ chồng, vì chị đã ngấm hiểu đức Phật dạy tu ba nghiệp “thân, khẩu, ý”. Chị ân hận vì trong mất mát đã có lúc không kìm được lòng để rồi thốt lên sự căm giận. Chị cầm tay anh để như truyền dòng nhiệt lượng, để như nhớ lại một thời đã qua…
Những giọt dung dịch vẫn đang rơi nặng nề trong ống dẫn để đi vào đường ven nổi bờ xanh trên cánh tay từng trải của anh Duynh. Cánh tay từng bồng súng xông pha chiến đấu để làm sáng chói bao tấm huân huy chương! Cánh tay từng vung lên trong các cuộc họp báo để sau đó rộn lên những tràng pháo tay tưởng chừng không ngớt!  “Đừng bỏ bố trong lúc này, kể cả khi bố phải chịu án phạt nặng nhất!” – Chị Thập nhìn các con nói vậy.
Con gái ngồi cùng mẹ ở hàng ghế thứ ba trong tòa xử án. Người mẹ heo hắt, như một bức tranh khắc họa sự đau thương tràn trề! Chị Thập dán mắt vào chồng trong bộ đồ tây đóng thùng. Trước vành móng ngựa, đôi mắt anh Duyênh nhìn thẳng như để chạy trốn con người. Không biết lúc này anh có còn nhớ tới gia đình và những tấm huân huy chương đỏ rực không? Với gia đình anh, đây là những giây phút căng thẳng và bi thương nhất! Mỗi một lời cáo trạng của quan tòa phát lên là một nhát dao sắc lẹm cứa vào vợ con anh và những người thân trong dòng họ. Nhưng, sao trông anh vẫn “bình thản”?
Và, tuyên bố cuối cùng của Chủ tọa phiên tòa đã cất lên: “Y án!”.
Đôi tay của một viên cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã vội đỡ bị cáo đứng dậy!.
Chị Thập khóc thét…
17/1/2021
Đào Sỹ Quang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...