Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Bùi Như Lan: Mùa mắc mật

Truyện ngắn Bùi
Như Lan: Mùa mắc mật

Năm nào cũng thế, tôi về nhà trúng lúc mắc mật đeo những chùm quả lúc lỉu, vàng ươm trên cành. Quả nào, quả ấy tròn vo to bằng đầu ngón tay mọng nước chụm lại. Cây mắc mật cùng tuổi tôi mà cao to sừng sững, ngả bóng rợp góc sân. Vỏ nó xù xì mốc trắng, trên thân chằng chịt những bụi cây tầm gửi, lá nhỏ tin hin như những vảy cá leo bám. Dưới gốc, rễ lớn, rễ nhỏ cuồn cuộn nổi lên giống con rắn lục gấp khúc chúi vào lòng đất. Mắc mật xanh mướt mát, nẩy nụ chồi hoa khi xuân sang, trĩu trịt quả lúc hè về.
Tôi như con chim đủ lớn  rời tổ đi xa, còn mắc mật tri kỷ với căn nhà sàn ba gian, cột ngoãm, dựa lưng vào vách núi Phạ Dú, ngọn nối ngọn dắt díu nhau xuôi mãi về Tả phìn. Từ trong bụng núi trào ra những mạch nước trong vắt, len lỏi qua khe đá, lần tìm đến nhau, nhập vào nhau, tuôn ầm ầm xuống sau nhà làm thành dòng Nậm Khuổi mềm mại, uốn mình dưới thung vắng.
Cây mắc mật ăn đất núi Phạ Dú, ngậm nước suối Nậm Khuổi cho trái ngon nhất bản Xín Chải. Chị Ngải thường đứng dưới gốc cây, đôi mắt mòn mỏi nhìn hút đằm xuống con đường lúc khúc gập như cái võng, lúc vồng lên như sống lưng con trâu gầy, chờ tôi trở về. Có lần, chịi than vãn: “Nhìn cây, mong người Páo à”. Tôi cúi đầu lặng thinh, mắc mật khẽ cho nghiêng nhành lá, tỏa hương thơm, phả vào từng nếp áo, thấm qua vành khăn chàm, rồi đọng lại trong hơi thở ấm nồng của chị.
Nhà tôi có hai chị em. Chị Ngải nhìn thấy mặt trời trước tôi hơn mười con lũ về. Ngày bé tôi như dính chặt vào lưng chị. Mãi đến bây giờ, tôi mới kịp nhận thấy lưng chị hơi chồi lên trong dáng đi cắm cúi lao về phía trước. Ngực tôi chợt dội lên, nhói buốt.
Sáng sáng, bầy chim Noộc Phầy lảnh lót cất tiếng gọi dân bản, đánh thức ông mặt trời ngủ quên trên núi Phạ Dú tỉnh dậy. Chị Ngải đeo gùi lên vai. Trong dáng đi tất tả, chị cầm cây sào trúc vàng óng lùa đàn bò lên núi. Tụi bò chen chúc, ào qua suối Nậm Khuổi. Dòng nước bực bội bắn tung tóe, sủi bọt ngầu đỏ. Lúc ấy, tôi mắt nhắm, mắt mở vì ngái ngủ, ngồi bệt xuống cầu thang nhìn hút theo…
Nhà văn Bùi Như Lan ở Thái Nguyên
Chiều, Mặt trời kéo mây xuống núi, nắng nhợt nhạt, uể oải xiên ngang cây rừng. Trên lưng chị khi đeo gùi sắn, gùi ngô, lúc lại là bó củi to gấp mấy lần tôi. Gạt những giọt mồ hôi lăn tròn trên má, chị nhấc bổng tôi lên, dụi chiếc cằm thon nhỏ, trắng như bỏng nếp vào bụng tôi. Hai chị em tôi cười nắc nẻ…
Mùa trăng về. Chị Ngải cõng tôi xuống bãi đá ven bờ suối chơi. Tay tôi túm mớ tóc đuôi gà đỏ hoe, khét nồng mùi nắng của chị giật giật, hét tướng lên: “Nhoong… nhoong… nhoong”. Tiếng tôi được lèn chặt trong tiếng kêu rỉ rả, ẩm ướt như sôi lên của cả cộng đống ếch nhái. Điều làm chị em tôi ngạc nhiên là trăng ở bản tôi sáng lắm. Trăng ngoi lên từ lòng núi, cưỡi mâm vàng, sà xuống mặt suối Nậm Khuổi. Trăng đi, trăng thở, trăng bơi lội trong dòng nước tuôn chảy… và tụi ếch nhái đua nhau kêu lên như phát cuồng. Những âm thanh “oồm…oộp” lúc hối hả quấn rít, lúc rời rạc rền rĩ, lúc say sưa khao khát, lúc đột nhiên ắng xuống…Chị Ngải vẫn nhẫn nại bò lổm ngổm để tôi hò, tôi hét, tôi nhảy choi choi trên lưng gầy, ướt dượt mmò hôi của chị. Đầu gối, bàn tay chị trầy trật, rớm máu, là lúc tiếng khèn lá, tiếng hát giao duyên gọi bạn từ bên kia bờ suối thong thả cất lên. Khuôn mặt chị tôi thoắt ửng hồng, ngời ngợi như được dệt bằng luồng sáng huyền ảo. Giây lát ấy, tôi ngỡ tưởng chị là nàng tiên núi vừa bước ra từ thế giới cổ tích mà đêm, đêm chị vẫn kể cho tôi nghe. Chị tôi kể nhiều chuyện lắm, giọng chị ấm áp vời vợi. Nhưng, tôi thích nhất chị kể chuyện về bố, mế tôi.
… Ngày mế sinh tôi, bố từ đơn vị trở về, bộ quân phục bạc màu đỏ đất bụi đường. Bố với tay cuốn chjiếc khăn chàm lên đầu, xách ống bương ào xuống suối, lội ra giữa dòng. Nước líu ríu, xúm xít vỗ về chân bố. Bố lẩm nhẩm: “Ơi dòng suối sinh ra từ núi lớn, người cho con sự tinh khôi của đất trời, người ban cho con giọt nước đong đầy hồng phúc để con tắm đứa con muộn mằn, cho nó vững chân, khỏe tay, mang vóc dáng uy nghi của núi, cái tam trong bụng nó sáng như dòng nước đầu nguồn chảy mãi không gợn đục”. Bố nói thế rồi thong thả vục ống bương lấy đầy nước mang về. Chị Ngải đun nước vào chiếc nồi đồng. Nước chạy lòng vòng, nắm tay nhau nhảy múa, réo sôi lóc róc, dâng cao như muốn trào ra miệng nồi. Trong buồng, mế chồm dậy, bíu chặt thắt lưng chàm. Từ trong tiếng nước đor ào ào, xối xiết, có tiếng trẻ khóc “…oa…oa…oa…” chào đời. Chị Ngải nhảy tưng tưng reo to: “Em trai”. Sàn nhà lát bằng mai rung lên dưới chân chị, phát ra tiếng kêu: “Két…buum…phùm….phuùm…” như tiếng  trống ngày hội. Đứa trẻ đỏ hỏn, nhan nheo, bé bằng bắp hoa chuối rừng ấy là tôi. Bố bế tôi trên tay, kỳ cọ trôi đi chín tháng, mười ngày bưng bít, rồi hoan hỉ cho núm nhau của tôi vào ống bương. Đôi tay to khỏe vồng lên, từng mảng đất núi đỏ sậm lật ra. Bố chôn chặt ống bương đựng núm nhau của tôi xuống góc sân, trồng cây mắc mật lên trên.
Cây mắc mật được chọn làm “cây vía” của tôi mập mạp cao hơn gang tay, có ba lá mầm bé xíu, xanh mướt như mắt chim cú mèo. Bố bảo: “Ngải à, cây mang hồn người, nó cần uống nhiều nước đấy”. Chị Ngải di di ngón chân xuống gốc cây ngập ngừng: “Pá à, cái cây của con đâu?”. Thoáng chút ngỡ ngàng, bố ôm chị vào lòng trả lời qua quýt:”Ờ…ờ…ngày ấy, pá không có nhà”. Chị bỗng òa khóc tức tưởi. Tiếng khóc như muốn xé da, bứt thịt. Bố nén tiếng thở dài trong ngực. Không khí ngột ngạt, bức bối. Như chợt nghĩ ra, bố quày quả đánh búi xả non tơ, tròn đầy trồng quây quanh cây mắc mật. Khẽ vuốt tóc chị, bố bảo: “Cây xả của con, mắc mật của em Páo. Con lớn hơn ở ngoài”. Cho đến tận bây giờ, bố tôi là người duy nhất “phá” lệ bản, trồng hai cây như thế. Ở Xín Chải, tục lệ sinh con trai trồng cây bên trái nhà, sinh con gái trồng cây bên phải. Từ ngoài bờ rào đi vào, nhà nào đông con nhìn hàng cây thì biết, không cần phải hỏi chủ nhà. Mỗi cây là một núm nhau của đứa trẻ. Cái cây mang hồn người, đứa trẻ khỏe cái cây xanh tốt, đứa trẻ ốm yếu cây còi cọc, quặt quoẹo, còi cọc. Cây cao sàn sàn bằng nhau là chủ nhà đẻ dày. Cây lớn vổng lên, đứng bên cây thấp lè tè là đẻ thưa.
Mế sinh tôi, bố ở nhà tranh thủ lụi hụi sửa chuồng bò, đóng lại cái cần cối giã gạo ngoài bờ suối. Những ngày bố đi vắng, cần cối gãy chỏng trơ nằm đấy. Mế không muốn đi giã gạo nhờ, phiền lắm. Mế phải giã bằng tay cả buổi mới được cối gạo. Chị Ngải ăn cơm là nuốt cả vị mặn mòi mồ hôi của mế. Nhà vắng đàn ông khổ thế. Việc gì cũng đến tay mế. Trong họ, ngoài bản có đám, bố không ở nhà thì mế phải đến rồi. Có việc lớn không được nói, chỉ biết nghe. Đàn bà mà. Khổ nhất là lúc tôi còn ngồi trong bụng mế. Đám cưới làm dâu, làm rể không sao, nhưng đám khóc đưa người vào trong lũng mả phải kiêng. Cái ma người chết không cho đàn bà đeo bụng vào. Biết thế, không đi không được. Thường thì, mế dắt chị Ngải đến cổng nhà đám, nấp ngoài ngõ để chị Ngải vào cho người chết nhận mặt. Có người không biết thả lời nói ác: “Không biết ăn ở”. Lời nói khắc chạy vào tai mế. Đêm, nước mắt mế ướt đằm má chị Ngải. Mế nghĩ nhiều, người gầy như con ve “tua bua” qua mùa hè, đuôi mắt hằn cộm vết chân chim. Những chuyện ấy mế không nói mà bố tự biết. Bố chép miệng: “Mọi chuyện rồi cũng qua ngay thôi”.
Chị tôi kể tiếp.
Ngày cúng đầy tháng tuổi của tôi, trai gái trong bản í ới gọi nhau kéo đến nhà đông lắm. Hộ đổ xô đi làm bánh dầy. Ở bản nhà nào có việc cũng thế cả. Khi cái chõ lớn đồ xôi được bắc lên trên bếp, là lúc những câu chuyện cháy theo ngọn lửa. Trai gái gần nhau, cái mắt đắm đuối, cái miệng rì rầm như nước chảy trong lòng suối.
Cứ như vậy, đến lúc mặt trời lưng chừng tầm bắn nỏ, xuyên nắng qua đọt lá, rắc những vệt vàng xuống lưng áo chàm, người già mường trên, bản dưới mới kéo đến đầy sàn, chật sân. Mọi người nói chuyện ồn ào như sóng nước vỗ bờ đá. Từ gi;ữa sàn có tiếng ai đó thủng thẳng cất lên: “Bộ đội Pính à, có con trai ở nhà lâu chăm nó, mày đi nó buồn không tốt đâu”. Bố tôi cười, mọi người cươpì theo hỉ hả. Tôi giật mình khóc ré lên: “Oa…oa….oa…”. Vừa lúc ấy, vượt lên tiếng khóc của tôi, ngoài sân vang lên nhịp chày đôi gõ vào máng gỗ: “Kum kông! Kum kông! Kum kông!…” ngân dài, vọng vào núi, dội xuống cây rừng, lướt theo gió, thoát khỏi mọi sự gò bó, nở tung thành làn điệu trong trẻo,báo tin: “Ơi dân bản gần, bản xa, một hình hài, một sinh linh bé bỏng, uống nước của núi, thở hơi của rừng được đầy tháng tuổi”. Trai gái dàn hàng ngang, mặt đối mặt, chày chen chày giã bánh. Tiếng chày nhịp nhàng xoắn xuýt rộn lên cuồng nhiệt. Những câu chuyện bén duyên đậm đà trong nhịp chày bay bổng. Trên ban thờ, bánh dày nhuyễn mịn được bày lên, mâm trắng là mặt trăng, mâm đỏ tượng trưng cho mặt trời. Hai cặp bánh dày, nmửa đỏ, nửa trắng, nằm trên mâm xôi hồng. Cạnh đấy cây hoa ngũ sắc tỏa hương. Mọi người hoan hỉ, đôi mắt đổ dồn hướng lên ban thờ như cùng thốt lên: “Hỡi những người đàn ông, đàn bà, con trai, con gái mường trên, bản dưới, ơi những mái đầu tóc ngả trắng như ngàn mây, đến thằng bé con đỏ hỏn, miệng ngậm bầu sữa nằm trong vòng tay ôm ấp của lòng mẹ kia. Mặt trời đổ nắng cho cây lúa trổ đòng, đơm bông, kết hạt. Mặt trăng tỏa sáng cho đất lên hương, cho hơi sương thấm đượm, hội tụ trong hạt lúa. Ngày qua ngày, theo dòng mồ hôi mặn mòi mưa nắng, làm nên chất dẻo thơm trên mâm bánh dày. Đôi mắt bánh nửa đỏ, nửa trắng kia, là bầu vú căng sữa ngọt ngào của mẹ nuôi con lớn khôn. Con ngậm vào núm vú mẹ, uống những chất tinh khiết từ dòng máu nóng trên tấm ngực hồng. Lớn lên, con đem trí tuệ mẹ cha chăm bẵm, dâng lên bản mường, ngọn núi, nở muôn vàn cỏ hoa. Con người, cuộc sống của con cắm rễ vào lòng đất, nơi giữ kín núm nhau mẹ dứt ruột nuôi con, nhắc tâm con luôn hướng về cội nguồn. Dòng nhựa tràn trề sinh lực đang chảy trong “cây vía” ngoài kia, theo bước chân con nối niềm vui dòng tộc…”. Cùng lúc, bố đón tôi từ trong lòng mế, bước chắc nịch xuống cầu thang, ra bãi đá ven suối cho tôi được tắm nắng. Chị Ngải dâng dải lụa hồng, vắt qua người chị, quấn lên người tôi, quàng vào vai bố, như muốn nói: “Dòng máu trong chị, trong tôi là sự chắt chiu, hòa quyện của dòng máu pá, mế sinh thành”. Bố áp miệng vào má tôi thầm thì: “Con trai! Ngày mai con sẽ chập chững bước đi đầu tiên, ánh sáng mặt trời sẽ dẫn lối cho con”. Trên vòm mây màu sữa, mặt trời đỏ rực bỗng nhô ra nheo mắt như cười, những viên đá dưới lòng suối ngậm nắng vàng óng lên.
Đêm. Tiếng nước suối thủ thỉ, tiếng côn trùng da diết hòa cùng tiếng thảng thốt của con vạc đi ăn đêm gọi bầy, tạo thành giai điệu bí ẩn. Bố tôi cho thêm củi vào bếp. Ánh lửa bập bùng, nhảy nhót trên khuôn mặt khắc khổ, ưu tư. Bố bảo: “Mế cái Ngải à, ngày mai tôi đi”. Mế dân dấn nước mắt: “Hết giặc rồi, pá Ngải bỏ súng về làm nương nuôi con thôi”. Mặt bố sẫm lại, tiếng bố xót xa: “Giặc hết nhưng còn nhiều cái ác, bộ đội còn việc cần làm mà”. Mế nín lặng, hơi thở nóng ngột ngạt, bụng mế chợt dội lên cơn đau như có cối đá đè.
Từ lúc mế sinh tôi, cái miệng mế như đốt lửa, người xanh màu lá. Có con gì đấy lớn lắm, âm ỉ trườn trên bụng mế. Nó giãy, nó đạp, nó cắn xé làm mế thi thoảng đâu từng cơn dữ dội. Mế cắn chặtt răng để không bật lên tiếng kêu, người khẽ gập lại. Mế cố giấu bố tôi. Đau trong người cất kín để bố di xa cái bụng klhông lo. Giấu mãi, tránh mãi, ốm lay lắt mãi, đến lúc bố tôi đi được hơn một mùa lúa chín thì toàn thân mế nóng hầm hập như cái bếp đầy than. Những cơn đau cứ dày lên, quặn thắt. Mế tôi vật vã hai tuần trăng. trên núi có lá thuốc gì cũng uống rồi, trongn hà có con lợn, con bò lần lượt đưa lên mâm cúng hết. Nhưng, đã quá muộn. Đôi mắt mế nhìn chị em tôi như muốn nói điều gì đấy mà không kịp, cái miệng mế cứng lại. Một chiều giá rét, gió lạnh lồng lên rú rít, mế bỏ chị em tôi mà đi… Tôi ngằn ngặt khóc trên bầu vú lạnh cứng, loang lổ vết sữa khô của mế… Chị Ngải ôm mế, ôm tôi tức tưởi.
Đêm hoang vu. Thăm thẳm. Tiếng khóc của tôi xa xả như muốn xé rách màn đêm. Tiếng khóc lúc duềnh lên nhức nhối, lúc dẹp xuống nỉ non. Chị Ngải vạch áo, chĩa đầu vú chỉ nhỉnh hơn chũm đào của đứa trẻ mới lớn nhét vào mồm tôi. Tôi chầm bập mút, nín được một lúc lại ra rả khóc. Người già trong bản nghe tiếng khóc, chép miệng: “Thằng bé nhớ mế. Rõ khổ!”.
Ngày nối ngày qua đi. Thấm thoắt đã sáu mùa mắc mật trôi qua, tôi phổng phao, lớn bổng lên trong muôn nỗi đắng cay, vất vả của chị Ngải.
Một buổi tôi, chị đơm đầy bát cơm to giục tôi: “Páo à, em ăn cơm thôi, chị còn tắm”. Ăn xong, tôi nằm lăn bên bếp lửa ấm áp ngủ một giấc. Trẻ con là thế, dễ ăn, dễ ngủ. Bất chợt, tiếng chuột chí chóe cắn nhau trên mái nhà làm tôi giật mình thức dậyy. Chị tôi đang trệu trạo ăn sắn với canh rau bò khai. Thì ra, những năm tháng qua, chị ăn ngô, ăn sắn, khi đói, lúc no, chắt chiu dành phần ngon cho tôi… Tôi nào có biết! Nước mắt tôi chợt trào ra mặn chát, tôi thầm gọi bố: “Pá ơi…pá về thôi!”. Trong đêm tối, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Lần đầu tiên, tôi biết đêm mông mênh, dài vô tận.
Tiết thanh minh năm ấy, trời rắc mưa nhỏ li ti như bụi phấn. Hai chị em tôi cùng đoàn người đi vào lũng mả. Tết thanh minh là ngày tảo mộ. Ngày này cửa mả mở để cái ma người chết về sum vầy cùng con, cháu. Mỗi năm cửa mả mở có một lần. Dòng họ nào nhiều mộ phải đi từ sớm để người dưới âm lên lâu hơn, chơi nhiều hơn. Ngày tảo mộ, con cháu các dồng họ xa, gần đều biết đường mà về. Cây rụng về cội, ăn ở cốt cái tâm, cái đức, thế nên ngày tảo mộ đông vui hơn ngày hội.
Trong lũng mả, nhiều ngôi mộ mới mọc lên như nấm gặp mưa, bụng xót xa lắm. Dòng họ nhà tôi, mỗi năm thêm một vài mộ mới. Đến từng ngôi mộ, ké Sính trưởng họ kể lại cho hậu thế biết người ở dưới mộ đã sống như thế nào.
Nhiều chuyện lắm, năm nào cũng thế, nghe mãi không biết chán. Bao giờ câu chuyện cũng bắt đầu từ mộ cụ tam đại họ Liềng và kết ở mộ phần gia đình tôi.
Khi những đốm nhang cháy đỏ thơm mùi trầm, những lá cờ phướn bé xíu lật phật bay, hương rượu ngô thoang thoảng trên các ngôi mộ, ké Sính bắt đầu cất giọng trầm, buồn…
Có lẽ, chuyện không dài ra, nếu mế chưa vội bỏ chị em tôi để nằm ngủ dưới ngôi mộ đất chưa kịp lèn chặt lại kia. Mọi người lặng lẽ trước vòng hoa oan nghiệt. Nước mắt từ trong im lặng bật trào rưng rưng… Những tiếng thở dài sâu hút nhất loạt hắt ra. Ngột ngạt quá. Ké Sính phá tan nặng nề bằng tiếng héo hắt: “Ông “phạ” sinh mỗi người một phận, sao cái phận của vợ Pính ngắn thế? Khổ thế?”. Tưởng như những bí mật theo mế tôi đi vào cõi âm rồi, thế mà, trong phút chốc không kìm nén được, câu chuyện từ thời xa lắc bỗng nhất loạt cháy lên trong lời kể của ké Sính.
… Mế tôi về làm dâu họ Liềng chưa đầy tuần trăng mật thì bà nội mất. Đám cưới mế là đám cưới chạy tang. Rễ có một cội, cây có một cành, lấy dâu về bà nội mới yên lòng nhắm mắt. Làm ma cho bà xong, cái miệng nói lời còn ngại, bố tôi vội lên đường vào miền Nam đánh giặc. Ngày bố đi, ông trời đổ mưa to, cây cành nghiêng ngả, sũng nước. Mế đưa tiễn bố đến ngang đèo Pí Tèn, nơi có ngôi chùa lặng lẽ ẩn mình dưới rừng cây dẻ cổ thụ thì dừng lại, ngậm ngùi: “Con sóc không quên hang cũ, anh đi nhớ lối về”. Đột nhiên, trong ùng oàng, chan chát của sấm chớp, vọng lên tiếng kêu khóc của trẻ thơ vang ra từ mái chùa hoang vắng, rêu phong, bốn bề trống trải, gió lùa. Tiếng khóc yếu ớt như quấn lấy đôi vợ chồng trẻ mà níu gọi. Trên nền đá ẩm ướt, dưới chân bệ đá của Phật bà quan âm đại từ, đại bi, một bé gái nhỏ nhoi bọc trong mảnh vải chàm cũ đang run lên, tím tái. Đôi bàn tay con bé bị dị tật, bàn tay có sáu ngón. Đứa bé ấy là chị Ngải.
Người họ Liềng đổ dồn tội lỗi lên đầu chị tôi. Họ ồn lên, cho rằng, vì nuôi chị, cái người dòng họ khác, nên linh hồn mế tôi phải sớm giã biệt nơi trần thế. Nỗi đau phồng rộp, bỏng rát cào xé chị tôi. Chị đã biết vì sao “cây vía” mang núm nhau của chị không có trong vườn nhà. Run rẩy, khuỵu xuống, chị úp mặt vào vòng hoa đá cồn quặn, thổn thức… Rất lạ! Trên mộ mế, chân nhang bỗng bùng bùng phát hỏa, cháy rừng rực xua tan hơi đất âm u, lạnh lẽo.
Chiều, chiều. Mặt trời đội mây, nghiêng núi rơi về phía tây, chị Ngải lững thững dắt tôi lên chùa. Mặc cho tôi hò hét chơi trò tụt dốc, đuuỏi bắt cùng lũ trẻ trong bản, chị ngồi thẫn thờ dưới chân Phật bà quan âm, nước mắt tràn ra, tràn ra mãi. trong tay chị chùm hoa dẻ bị xé nát, tơi tả… Cứ thế, đến lúc sập tối, trời như trùng xuống thấp, những ngôi sao rức cháy trong nền trời sũng ướt sương đêm, tụi trẻ đứa nào, đứa ấy tản về nhà, còn lại hai chị em tôi. Chị giục: “Về thôi!” mà chốc chốc còn ngoái đầu lại, chị mong bố về…
Một buổi tối, trong ánh đèn dầu hiu hắt, đột nhiên tôi hỏi chị: “Em có giống pá không?”. Chị thảng thốt: “Giống lắm! Em giống hệt pá mà”. Tôi cầm chiếc gương tròn bé xíu nhnư chiếc nấm trắng trong vắt, xăm xoi nhnf khuôn mặt mình, rồi ngắm tấm ảnh bố trên chiếc khung treo trên vách. Bố tôi mặc quân phục, mắt ánh niềm vui, mỉm cười… tôi chợt thấy lòng mình ấm áp.
Cho đến một ngày, bố tôi không bao giờ trở về với chị em tôi được nữa. Hôm nhận giấy báo tử bố tôi, người trong bản đổ dồn về nhà tôi. Trời đấy quay cuồng, vật vã… Bên tai tôi văng vẳng: “Đồng chí Pính đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên vùng đất Tây Nguyên”. Không! Không! Pá tôi không chết! Pá tôi sẽ trở về… Chị tôi hét lên như thế rồi ngất lịm…
Trước ban thờ, người tôi rung lên như chim non gặp bão… Bố, mế tôi trong ảnh qua khói nhang khi tỏ, lúc mờ nhìn hai chị em tôi như muốn nói: “Nín đi các con!”. Gió ào ạt tràn về mang theo cái lạnh buốt. Lá mắc mật bứt khỏi cành, bay chấp chới, rồi khẽ khàng buông lơi, rơi kín mặt sân…
Ngày tháng trôi nhanh như gió cuốn. Năm tôi mười ba tuổi, cây mắc mật đang độ sung sức cho quả sai trĩu trịt. Bóng nó đủ để tụi trẻ trong bản tụ tập dưới gốc chơi trò “lày cỏ”. Những búi sả quanh mắc mật bén hơpi người xanh mướt mát, trên ngọn bừng nở chùm hoa tim tím, cánh hoa mỏng mảnh, tròn như cúc áo bé xíu. Trong bản, nhà nào cũng trồng sả quanh bờ rào, không ai trồng dưới gốc cây. Trồng sả ngăn rắn rết vào nhà, lấy hương thơm lên tóc đàn bà, con gái. Búi sả to đến đâu cũng chưa bao giờ trổ hoa. Ké Sính lộc cộc đôi guốc tre, chống gậy sang nhà tôi, ké ve vuốt hồi lâu những cánh hoa mềm mại, nói với hai chị em tôi: “Hoa nở báo tin vui đấy”. Chị Ngải thơt dài, tiếng thở mỏng nhẹ như gió thoảng.
Lời ké Sính thật hiệu nghiệm. Tháng bảy, mắc mật chín vàng, xòe tròn như ngàn vạn con công vít cong cành nhảy múa. Trên Ban chỉ huy quân sự huyện đưa giấy báo, tôi được tuyển thẳng vào học Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Chị Ngải tôi trong bụng vui lắm. Dịp ấy trúng vào rằm tháng bảy, trong nhà có hột gạo nếp nào, chị đem hết rta gói bánh “coóc mò” (sừng bò), lấy hũ mật ong để dành trên gác bếp xuống, mời mọi người trong bản, mừng tôi được đi học. Chị tôi bảo: “Hai chị em mang bánh lên chùa thắp hương”. Trên chùa bây giờ có nhà sư mặc áo nâu sồng đến trụ trì, cầu phúc cho dân bản. Tiếng mõ, tiếng kinh đều đều xua tan cõi thâm u, cô tịch. Chị tôi dâng hương, lặng lẽ chắp tay trước cửa tam bảo, mắt ầng ậng nước… Khuôn mặt phúc hậu của sư thầy thoáng nhợt nhạt, đôi mắt bà nhìn thật lâu vào bàn tay thon nhỏ, sáu ngón của chị tôi, miệng khe khẽ mấp máy: “Mô phật! Ún… ún tiểu…”. Tôi chợt thấy vị sư và chị tôi sao giống nhau đến thế? Lòng tôi cồn lên nỗi khắc khoải.
Mới chớm thu, trời đã se lạnh. Gió hiu hiu lẩn trón trong vòm lá, gió lùa hơi sương vào trong nhà, đẩy ngọn lửa liếm chân kiềng bập bùng. Chị tôi nước mắt rơi lã chã, ướt đẫm vạt khăn, đeo túi chàm vào vai tôi, chị dặn: “Páo à, em đi “bộ đội bé” thì tốt rồi, học nhiều chữ, lấy khôn vào đầu rồi về dạy chị cách xem quyển chữ…”. Tôi chợt mím chặt môi để không bật lên tiếng nấc. Đâu đó, xào xạc, bồng bềnh trong hơi thở của đất trời có tiếng mõ đều đều, tiếng kinh cầu nhẹ êm, dìu dặt vọng ra từ ngôi chùa như khúc hát ru vọng về…
… Một mùa mắc mật lại đến nhuộm vàng Xín Chải. Tôi về đến nhà trời vừa sẩm tối. Trăng nhô lên khỏi bụng núi rắc ngàn tia sáng mỏng mảnh lòa mặt suối, tụi ếch đồng thanh cất lên bản hoan ca “… oồm ộp… oồm ộp…”. Đã nghe tiếng hát trầm bổng, da diết vắt qua núi gọi bạn gái. Chị Ngải mừng rỡ: “Em Páo! Mong mãi đỏ cả con mắt”. Tôi cười: “Bây giờ em mới thi xong mà”. Chị ngắm tôi xuýt xoa: “Em mặc quân phục đẹp quá đi thôi”.
Đêm yên tĩnh, nghe tiếng mọt nghiến gỗ trèo trẹo trên xà nhà. Sau tuần chè dây ướp lá mắc mật ngọt lịm, thứ chè chỉ có ở Xín Chải, Ngoài bờ rào đá nhà tôi bỗng réo rắt vang lên tiếng hát gọi bạn gái. Tiếng hát ấy ở gần lắm, như thôi thúc, như mời gọi: “… Em ơi yêu nhau cây mía rừng cũng ngọt. Em không chê anh nghèo, anh xấu, anh nhờ người đến đặt cơi trầu…”. Tiếng hát giao duyên ngân nga bay lên không gian vời vợi, lay động cả vầng trăng bồng bềnh.
Không biết từ bao giờ, chị Ngải tôi bồng nhiên đẹp lạ kỳ. Cái đẹp thoát ra thầm kín từ lời nói, bước đi, từ đôi mắt tròn đen thăm thẳm mặn mà. Ánh mắt tụi con trai xoáy mãi vào cái cổ ba ngấn trắng ngần màu hoa bật bông mà mơ tưởng, đắm đuối. Nhưng, biết bao con trăng đi qua, bao mùa rẫy đã tàn, lâu lắm rồi chị tôi không hò hẹn, không trao khăn thêu cho người con trai nào.
Trăng lênh loang sáng. Bản chìm trong yên ả nghe rõ tiếng nước thở dưới lòng suối. Quanh nhà rộn lên tiếng hát réo rắt. Từ dưới gầm sàn, tiếng ầm ì, ù, ù… cất lên. Tiếng cối xay. Chị tôi vồng người xay ngô, chiếc cối nặng thế mà cứ xoay vù vù. Đêm nào cũng thế, hết quẩy tấu ngô là quẩy tấu lúa. Hết ngô, hết lúa cho lõi ngô, cho đá sỏi vào xay. Tai chị bịt kín khăn. Chị tôi không muốn nghe lời hát. Chị sợ…
Trăng đêm giát bạc đổ tràn vào người chị. Đôi má chị chín đỏ, mồ hôi, nước mắt tong tả đầy vơi lòng cối. Tôi lôi chị ra, người chị nóng bỏng, hơi thở cũng nóng, chị nức nở: “Em…em còn nhỏ…chị…chị…”. Ký ức chợt ùa về, lúc rõ ràng khúc triết, lúc mờ ảo mông lung. Vì tôi, chị lặn lội âm thầm nhường tất cả những tươi tắn cho tôi, nhận về mình sự héo úa…
Tôi nuốt sâu vào ngực hơi thở nóng hầm hập của chị, chạy ào ra rút then cổng. Người con trai ngưng hát từ bao giờ, áo quần, đầu tóc rối bù ướt sũng sương đêm, mặt anh bợt bạt trong ánh trăng. Tưởng ai xa lạ, thì ra anh Lầu, người cùng bản thôi. Tôi cầm tay anh: “Anh à, vào nhà chơi”. Chẳng biết đêm ấy hai người nói gì mà sáng ra, chi tôi vui đấy mà thoắt buồn đấy. Có điều lạ, lâu rồi chị mới mang vải ra thêu. Những sợi chỉ xanh đỏ nhảy nhót trên tay chị. Tôi biết chị thêu khăn, thêu gối… Chim rừng từng đôi đậu xuống mặt vải như muốn cất tiếng hót chia vui với người con gái…
Cuối mùa mắc mật, sau mắt lá còn đôi chùm quả chín muộn đung đưa trên cành. Gió lạnh từ lũng núi tạt về kéo những bông hoa sả cánh tím nhè nhẹ bay. Tôi lại ra đi. Chị Ngải đứng dưới gốc cây cố dấu đi tiếng thở dài. Chị ấn vào tay tôi chùm hoa sả tim tím tỏa hương nồng nàn: “Mùa sau em nhớ về…”. Mắt tôi cay nồng. Tiếng đá ràn rạt vặn mình như muốn nứt ra dưới bước chân trĩu nặng…
Thấp thoáng phía chân trời, bầy chim noộc phầy chao cánh ríu rít gọi mặt trời lên. 
18/1/2021
Bùi Như Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...