Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Anh Bảy Văn Nghệ

Anh Bảy Văn Nghệ

Bảy Dũng có biệt danh Bảy Văn Nghệ. Anh mê tân nhạc và có giọng hát mỗi lần cất lên làm người nghe cứ nổi gai ốc. Nay ngoài sáu chục nhưng chất giọng anh vẫn trầm ấm, truyền cảm lạ lùng.
Thời sau bảy lăm thất nghiệp, anh từng đạp xe lôi chở khách với bốc vác lúa mướn kiếm sống. Lúc vắng khách anh thường đứng vỗ thùng xe hát say sưa giữa ngả ba đường. Cả cỗ xe lôi của anh đủ tạo ra âm thanh chát chát bùm của một dàn trống jazz. Nhìn gương mặt điển trai, mái tóc chấm vai bồng bềnh nghệ sĩ, người qua đường mới nhìn cứ tưởng ca sĩ gạo cội lừng danh nào hết thời về xứ này làm anh cu-li. Sau mỗi chuyến gồng lưng đạp xe, vác lúa đổ mồ hôi, anh phanh áo để lộ mấy chữ Đời trai binh lửa xăm trước ngực còn nét mờ nét tỏ. Đồng nghiệp vác lúa đọc “Đời trai rinh lúa”! Dân bến xe lôi ưa nhậu nhẹt đọc “Đòi chai bình nửa”! Lúc sắp hết một chai nửa lít, cả bọn nằng nặc đòi anh kể chuyện “ Đời binh lửa” nghe chơi!…
Bảy Dũng kể, hồi đó anh thuộc loại chống quân dịch ngoan cố. Tụi cảnh sát, quân cảnh bắt anh cũng như bắt cóc bỏ dĩa. Xứ này bước ba bước là sông với rạch. Đêm anh chủ động ngủ luôn dưới ghe, rục rịch là nhảy sông liền. Ban ngày thấy bóng tụi nó là anh phóng cái đùng, lặn như tôm, chui như chạch vô bụi lùm nổi lên nghe tiếng tụi nó trên bờ đứng chửi thề “Má nó, bắt được thằng này là tao cho nó đi Vùng I ngay lập tức!”. Ngày đó, “đi Vùng I” là mấy tiếng ám ảnh với lính tráng Vùng 4, nghe tới là thằng nào thằng nấy lạnh cẳng xanh mặt!… Đêm đó đang ngủ trong ghe nghe một loạt AR 15 nổ sát rạt hai bên lườn ghe, hai chiếc tắc ráng vỏ vọt áp sát hai bên, năm sáu nòng súng chĩa vô. Bảy Dũng bị túm cổ!… Tụi nó tìm cách tống anh ta vô trung đoàn 2, sư đoàn 3 bộ binh. Đẩy thẳng ra vùng 1 chiến thuật, chảo lửa Quảng Trị!…
Nhà văn Dương Đức Khánh
Ngày cuối tháng ba năm bảy hai, trung đoàn 2 của Bảy Dũng với trung đoàn 56 đang hoán chuyển vùng đóng quân, bất ngờ bão lửa của Việt Cộng bên kia Bến Hải trút qua, sư đoàn 3 địa đầu giới tuyến lãnh đủ, te tua tan tác! Tướng tá tới lính lác cứ vắt giò lên cần cổ, mạnh thằng nào nấy chạy. Bảy Dũng với thằng Sánh cùng tiểu đội, cũng dân Định Tường Long An gì đó, hai thằng vừa chạy bộ gặp xe khách dân sự thì đu lên, được khúc nào hay khúc nấy. Vô tới Huế, hai thằng đang lang bang xấc bấc bỗng gặp một toán tụi Lữ đoàn Nhảy Dù trong Nam vừa mới đổ quân ra ngồi trên một chiếc jeep không mui nhào xuống chỉ ngay mặt: “Đú má tụi mầy sư đoàn 3 “chạy làng” hả mầy?…”. Thằng Sánh kịp bỏ chạy, tụi nó đè cổ Bảy Dũng xuống lột súng rồi xúm nhau nện tới tấp. “Đú má lính tráng cái con c. ! Chưa đánh đã chạy! Chạy làng nè, chạy làng nè!…”. Từng cú đá bằng bốt-đờ-sô vô bụng, từng bá súng thẳng tay dộng vô lưng muốn gãy xương sống.
Bảy Dũng ngửa cổ ực cạn trăm phần trăm ly xây chừng rồi đấm ngực kể tiếp: “Mẹ cha nó, cùng mặc áo lính ông Thiệu, cùng đồng hương nói giọng Nam với nhau mà tụi nó đấm tao còn hơn đấm kẻ thù! Đá tao như đá trái banh! Một thằng kêu: “Đú má lột áo nó quăng đi, cho khỏi xấu hổ, khỏi nhục lây Quân lực Việt Nam Cộng Hòa!” Tụi nó lột áo tao thấy mấy chữ Đời trai binh lửa xăm trên ngực, nó đấm còn bạo hơn nữa!. “Binh lửa nè! Binh lửa há mầy! Đồ quân chuột nhắt, chưa cháy nhà đã chạy! Muốn tụi tao moi lá gan mầy dồn trấu vô không?! Hả?!”… Tao quỳ không nổi mà chắp tay lạy tụi nó rồi đổ gục xuống, máu mũi máu miệng ướt cả tấm thẻ bài đang đeo trên ngực. Tụi nó bỏ đi. Một hồi tỉnh lại, thấy cái áo có huy hiệu sư đoàn 3 với cái tên DUNGZ (Dũng) còn quăng đó, tao lột lẹ cái thẻ bài nhét túi quần. Cũng may tụi nó chưa nện tao cái tội tên Dũng oai phong, ngon lành quá mà chưa nổ súng đã “chạy làng”. Tao rờ túi quần vẫn còn cả tháng lương mới lãnh. Bị nện một trận hội đồng gần chết những cũng còn may. Không có vố đó chắc thằng bộ binh sư đoàn 3 Trương Minh Dũng dân miền Tây này bỏ xác ngoài Bến Hải, hồn thì lên ngồi bàn thờ lâu rồi!…
Thằng Sánh vừa trốn chui đâu đó hớt hãi chạy tới xốc tao lên, dìu xuống một bến nước của dòng sông Hương xanh biếc mà lâu nay chỉ nghe qua sách vở. Rửa mặt mũi máu me rồi ực cả bi-đông nước sông mát lịm. Một hồi tỉnh táo, hai thằng tiếp tục nhảy xe khách quá giang vô Đà Nẵng. Sau khi rã hàng ngũ, Bộ Tư lệnh rút về đóng trong Hòa Khánh, Quảng Nam để bổ sung quân và tái trang bị. Tới đất Quảng, cảm thấy trong người mệt rã rời bởi trận đòn vừa thấm. Hai thằng tao cố tình lang thang kiếm đường đào ngũ! Đi bộ vô một xứ quê rồi tấp vô cái lều bà cụ bán nước chè xanh ngồi thở muốn đứt hơi. Vừa rót nước ra hai cái bát, bà cụ hỏi ngay: “Má anh đáng ở đâu?…”. Cả hai thằng nhìn nhau ngẩn tò te, lắc đầu ú ớ. Tao nói, dạ tụi cháu từ Quảng Trị mới dzô, đâu biết nhà má anh Đáng nào đâu?!. Bà cụ lặp lại rõ ràng từng tiếng: “Tui hủa, má anh đáng ở đâu? Hỉ?!”. Liền lúc đó có đứa cháu gái bước ra, nó nói: “Mệ con hủa má chú “đáng quân” ở đâu?!”. À, thì ra bà cụ hỏi “Mấy anh đóng ở đâu?”… Cũng là tiếng Việt, giọng Nam với nhau mà chịu, không “thông dịch” được!.
Đêm đó xin tá túc nhà một bác nông dân, kể sự tình rồi được bác đãi một nồi cháo ếch, tỉnh hẳn cả người. Mờ trời bác vác cuốc dẫn hai thằng quay trở ra trên con đường đất cặp mé ruộng. Bất ngờ gặp một toán lính Mỹ đang chuẩn bị tập kích, hai nòng đại liên 30 đang chĩa ra một mục tiêu xa xa ngoài ruộng. Một thằng Mỹ cầm ống nhòm đang xí lô xí la, gặp hai thằng lính tao đi tới, thằng Mỹ vẫy vẫy rồi đưa cái ống nhòm kêu tao nhìn. Trong ống nhòm hiện lên hai người đội mũ lá đang lúi húi bên một cái giàn, hai bên hai bánh xe màu đen hình nan quạt, giữa là một cái khối dài dài dựng nghiêng bốn lăm độ trên bờ ruộng đang chĩa về hướng tụi Mỹ, trên thân nó có cái gì đó như kiểu xích xe tăng. Trong đầu tao và có lẽ tụi Mỹ cũng nghĩ, một loại pháo tối tân nào đó của Nga Sô, Trung Cộng mới viện trợ cho Việt Cộng. Tao định phất tay cho tụi Mỹ khai hỏa loạt đại liên nhưng vẫn còn  ngờ ngợ, liền giơ ống nhòm chỉ tay nói với ông già, bác nhìn giúp cháu coi ai làm cái gì ngoài đó. Ông già giơ tay che trán nheo mắt: “Chu choa, cái xa độp nước! Ngừi ta độp nước lên ruộng má ông ơi!!”. Tao liền xua tay với tụi Mỹ “Nô Vi-xi, nô Vi-xi! Nông dân đạp nước lên ruộng!”… Ông già chống cuốc đứng kể, hôm tụi Mỹ mới đổ bộ càn vô làng lúc chập choạng, gặp ba bốn bóng người đang lúi húi bên hai cái ống đen sì như hai nòng đại pháo, lửa ra phụt phụt. Dzậy là tụi nó lập tức “quạt” ngay mấy loạt AR 16. Ba bốn anh thợ rèn đang thụt ống bễ chết tức tửi, oan mạng!… Còn cái cỗ xe guồng đạp nước lên ruộng làm bằng gỗ đen thui, hình thù như cái giàn pháo của dân miền Trung, chính tao dân miền Tây làm ruộng ba đời cũng không tưởng ra nổi, nói chi tụi Mỹ. Trong Nam xứ mình ruộng bát ngát cò bay, đâu có cái gì na ná giống dzậy đâu?! Cũng may, suýt nữa là tao mắc tội đồng lõa bắn giết thường dân, ân hận cả đời!…”
Sau trận thất thủ Quảng Trị Bảy Dũng dông về đào ngũ luôn, rồi đâm đơn vô binh chủng Tâm lý chiến – lính văn nghệ! Y mê ca hát đờn địch, mê thứ lính này từ hồi đi học. Lúc đó trường trung học của y kết nghĩa với đơn vị Tâm lý chiến của Chi khu. Mỗi dịp trường có lễ lộc, đội “lính tài tử” đi cả chiếc Dodge quân đội về trường, chở nguyên dàn trống jazz, dàn organ, mấy cây đờn điện bóng loáng. Tay chân y cứ cà giựt cà giựt, sướng đê mê. “Ui chao, lính không ôm cây súng mà ôm cây đờn tằng tắng tăng. Lính mà múa hai cây dùi vung lên từng loạt trống chát chát bụp bụp xèng chớ không bóp cò tành tành tành! Lính mà cầm mi cờ rô vút lên: “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc/nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình/lệ mừng nhòa đôi mắt long lanh/nghe tin con vẫn còn ngày xanh…”. Mê nhứt là đôi song ca nam Hoàng Thân – Tấn Sĩ, đúng là ca sĩ thứ thiệt chớ không phải kiểu “lính hát lính nghe” nữa! Cả hai đeo một bông mai – thiếu úy, mái tóc bồng bềnh đúng mốt nghệ sĩ vừa đàn vừa hát “Áo anh sứt chỉ đường tà” nhạc Phạm Duy phổ thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Một giọng thanh một giọng trầm hát bè: “Nàng có ba người anh…”. Trời ơi nó hay không đường nào tả, hay lạnh lùng tê tái! Tới điệp khúc lại chuyển qua nhịp hành khúc “Ngày hợp hôn/tôi mặc đồ hành quân/bùn đồng quê/bết đôi giày chiến sĩ…”. Rồi trở lại lắng dịu “… Tôi về/không gặp nàng/má ngồi bên mộ vàng/chiếc bình hoa ngày cưới/đã thành chiếc bình hương….”. Thầy trò cả trường lặng đi! Y nhớ cô Kim Chi dạy Văn lớp y đã ôm mặt vô vạt áo dài, rưng rức! Thầy Khoa dạy Hội họa, thầy Mai dạy Sử Địa thì vừa vỗ tay vừa rút khăn mùi soa lau cặp mắt đỏ hoe!”
Rồi cũng tới cái ngày y toại nguyện ước mơ: Ngày được lệnh gọi nhập ngũ. Nghe y đăng vô Tâm lý chiến, tụi thằng Phúc, thằng Long… bạn y sắp sửa đi Thủy quân lục chiến nó chửi “Mẹ mầy ngu! Sao không vô Hắc báo, Biệt động quân, rồi đi tìm cái tụi Dù uýnh mầy, nện lại một trận cho nó hộc xì dầu mà trả thù! Đi lính là phải vô thứ dữ, khỏi sợ thằng nào ăn hiếp, biết chưa?!”
Bảy Dũng được thẩm vấn, có chứng chỉ học xong lớp Đệ ngũ, được đưa vô Trung tâm huấn luyện ba tháng rồi nhận quân số, ra Tiểu đoàn 40 (phục vụ quân khu 4). Vô đơn vị được sát hạch có khả năng ca hát, y được chọn đi học khóa nghiệp vụ của Nha Chiến tranh tâm lý tại đường Lê Thánh Tôn Sài Gòn. Vô đó gặp toàn lính văn nghệ “tầm cỡ” của Tiểu đoàn 50 (Phục vụ Biệt khu Thủ đô) với những gương mặt nghệ sĩ “thứ thiệt” của Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương. Đúng là các nghệ sĩ mặc áo lính, đứng huấn luyện các lớp học làm báo, phát thanh truyền hình, lớp học nhạc công… Rồi dân viết văn, làm thơ làm nhạc đủ cả. Y chọn môn thanh nhạc và đánh trống jazz. Lần đầu tiên được ngồi lên bộ trống jazz mới cáu của Nhựt mà gõ rum-ba, cha cha cha… “Trời đất ơi nó sướng rêm mình!”… Hồi nhỏ mê trống jazz, y lò mò đi kiếm ruột áo giáp của lính, bịt vô mấy cái thùng gánh nước làm được bộ trống, gắn luôn lên chạng ba cây sung sau hè uýnh chát bùm bùm tối ngày. Y lấy cái nắp nồi nấu bánh tét của má y làm cái sam-pan, uýnh tới móp méo bả mới phát hiện chửi cho một trận như tát nước!…
Chừng nửa tháng sau, má y dưới quê đánh điện tín lên báo tin cậu Hai, cậu ruột y ngoài Đồng Nai đang đau nặng, má không thể đi được, con tranh thủ xin phép ra thăm Cậu. Quê ngoại y ngoài đó, ngoại y chỉ có hai người con là má với cậu Hai. Mấy năm súng đạn loạn lạc, chạy tản cư mỗi người mỗi ngả. Má lên Sài Gòn làm công nhân rồi gặp ba y, dân Lục tỉnh lên thành phố mưu sinh… Hồi nhỏ ba  có đưa y ra thăm cậu một lần…
Chiều hôm đó Bảy Dũng cầm cái giấy “Sự vụ lệnh” nhảy xe đò đi Đồng Nai. Đóng bộ quân phục ủi hồ, mang đôi bốt-đờ-sô láng bóng, oai oách như anh sĩ quan. Nhưng nhìn lại thấy mình thằng “lính chay” binh nhì chưa cấp bậc gì, trước lúc lên xe y tạt vô chợ trời bán quân trang quân dụng mua hai cái “bông mai” bằng đồng gắn hai bên ve áo – thiếu úy!
Nhà cậu ở dưới một thung lũng gần Dốc Cổ Ngựa, đường đi Vũng Tàu. Y cứ nhớ cái chóp đồi có tượng đầu ông Phật mà nhắm hướng. Tìm được nhà Cậu trời sắp tối, thấy thằng lính sĩ quan mang huy hiệu Tâm lý chiến, cả nhà hoảng hồn. Cậu đang bệnh nằm trên cái giường tre, mặt mày xanh dờn. Nghe nói cậu là dân hoạt động nằm vùng, vô tù ra khám như cơm bữa… Tới lúc y xưng con là thằng Dũng, má con là bà Ba Bùng, cậu cầm tay y run rẩy, nước mắt trào ra… Khuya đó nghe tiếng chó sủa, mợ Hai ra mở cửa sau, nói xù xì với ai đó, rồi mấy bóng người cả đàn ông đàn bà mang AK, giắt lựu đạn lách cửa bước vô. Hai người đàn bà nhào tới ôm siết y “Trời ơi em tui, thằng Dũng con cô Ba! Chị đây, chị Tư chị Sáu đây!… Anh Tư anh Sáu đây!… May mà mợ Hai báo trước, không thì chắc chị em bắn nhau. Em đi lính hồi nào?!…”. Chị khoác tay hai anh ra ngoài canh chừng… Nhớ lần nghỉ hè ra thăm quê ngoại hồi đó y còn nhỏ xíu. Hai chị còn thả bò trên đồi, chiều nào cũng dắt thằng Cu Dũng theo, cho cỡi bò rồi hai chị chạy đi hái cò ke, ổi rừng cho thằng em ăn. Nhớ vui nhứt là hai chị rượt bắt được con sóc rừng, bỏ vô lồng cho nó mang về quê chơi. Tụi con nít cả xóm xúm tới coi chật nhà!… Chị em ôm nhau chuyện trò rù rì “Ui chao! Thiếu úy Tâm lý chí à em!… Thôi, đào ngũ đi, ra đây theo anh chị vô rừng, tao nướng thịt thỏ thịt chồn cho mà ăn, sướng lắm!…”. Tới gần sáng, hai chị ôm y hun miết… Chị Tư ngồi suy nghĩ một hồi “À, em còn phép tới bao giờ?”. “Dạ, tới chiều mai!”. “Vậy chị nhờ em một việc này… Trưa nay, có người dắt em lên chỗ dưới chân cầu sông Buông, rồi có người giao cho em một đứa nhỏ ba tháng tuổi, nó là con của chị. Em ẵm về đây cho cậu mợ. Có mặt bà con xóm giềng, em cứ nói: Con đi lính lỡ quan hệ với một cô gái bán bar gì đó, nay cổ đem giao con, giờ con nhờ cậu mợ nuôi giúp một thời gian rồi tính sau, đem về quê là ba má con rầy lắm!… Giúp chị nghe em! Thôi anh chị đi đây!”. “Dạ! Em nghe chị!…”
Mấy anh chị vừa ra khỏi nhà chừng một lát bỗng có tiếng chó sủa, tiếng giày thình thịch ngoài sân cùng tiếng quát: “Yêu cầu các ông đứng im! Quăng tất cả vũ khí ra sân, các ông đã bị bao vây!…”. Y đứng dậy nhìn cửa sổ thấy một toán địa phương quân với cảnh sát dã chiến rằn ri đang lên đạn rốp rốp. Y bước ra dập chân chào cái rụp “Các ông tìm ai? Tôi – thiếu úy Trương Minh Dũng, tiểu đoàn 40 thuộc Nha Tâm lý chiến – Trên đường công tác xe hư nặng dọc đường, tá túc ở đây từ đêm qua đến giờ. Các ông muốn tìm ai nữa, cứ việc lục soát!”. Y móc cái giấy “Sự vụ lệnh” con dấu đỏ chót nhá ra, tay thượng sĩ Cảnh sát dã chiến mặt mày sượng ngắt, đút cây col vô vỏ bước tới bắt tay y “Xin lỗi thiếu úy, chúng tôi vì nhiệm vụ! Khu vực này đang “mất an ninh” hoàn toàn. Thiếu úy cần bảo trọng tính mạng! Xin phép, chào thiếu úy!”…
Tới mười giờ trưa, “thiếu úy” Dũng đi theo một người xưng dì Sáu tới chân cầu. Chiếc xuồng đậu sẵn với một người ẵm đứa nhỏ đang nựng nịu “Con gái về với ba mày được uống sữa bò sướng nha!… Nó dễ lắm cậu, ai ẵm cũng được, không khóc la chi cả!”. Lúc ẵm nó đi bộ ngang Ủy ban hành chánh xã, y bỗng nãy ra sáng kiến rồi quẹo vô, thẳng tới phòng hộ tịch, kể hoàn cảnh rồi xin làm giấy khai sanh cho đứa nhỏ. Tay Cuộc trưởng cảnh sát đứng bật dậy chào cái rụp, rồi nhìn nhếch bộ râu cá trê cười cười: “Chà, thiếu úy đẹp trai quá! Lính đàn hay hát giỏi như thiếu úy chắc đàn bà có gái theo nườm nượp! Con rơi con rớt chắc đếm không hết! Đủ “tiểu đội” chưa? Gom về đây tụi tui làm khai sinh cho một lượt luôn!…”. Y đặt tên cho nó Trương Thị Lành, tên cha Trương Minh Dũng, nghề nghiệp: Quân nhân!… Cậu mợ y mừng run ẵm đứa cháu ngoại, cầm cái giấy khai sanh đóng dấu chưa ráo mực: “Ui chao con giỏi quá! Dzậy là an tâm rồi!… Con của anh sĩ quan Cộng hòa có khai sanh hẳn hoi, không đứa nào dám khảo tra hạch hỏi chi nữa!”… Mấy ngày sau, nghe tin anh Tư chồng chị, cha đứa nhỏ, anh nhớ con quá, tìm về thăm bị lính Địa phương quân phục kích bắn chết ngay gần nhà!…
“Tới sau giải phóng, tao cưới vợ. Chị Tư dẫn con bé Lành ba tuổi về dự đám cưới. Lúc đang đứng với cô dâu, chị dẫn con gái tới nói “Con thưa cậu Bảy đi con, Cậu cũng là cha của con trong giấy khai sanh đó, tên con cũng do cậu đặt!…”. Vợ tao đứng chớp chớp ánh mắt mấy giây, chẳng hiểu chuyện gì!… Để tao kể duyên cớ gặp vơ tao bây giờ…
Năm đó xong khóa học tao về lại đơn vị đóng ở Cần Thơ. Hôm cả tốp xuống bo bo đi phục vụ tụi bộ binh Sư đoàn 9 ở mặt trận Vị Thanh, Chương Thiện, lúc chạy vô con kinh dài ngút ngàn, cả tốp đang đồng ca “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn/đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…. Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại/xương da thịt này ông cha ta miệt mài…” Bỗng sóng bo bo đánh dạt mấy đám lục bình hai bên, một cô gái mặc bà ba đang chèo xuồng lảo đảo, xuồng lật nhào! Bo bo liền giảm tốc, cả tốp lính quýnh quáng. Nhanh như chớp tao phóng cái đùng như mọi lần bị rượt bắt quân dịch, định bơi tới cứu cô gái nhưng tới nơi cổ đã đứng trên bờ, không ngờ cổ bơi giỏi quá! Cả tốp lính tranh nhau ríu ran xin lỗi người đẹp sông nước. Một thân hình trắng nõn trong bộ bà ba ướt sũng đang đứng cười ngặt nghẽo “Em bắt đền mấy anh nè!…”. “Ờ, mai mốt lãnh lương anh mua đền em mười cái áo bà ba đủ màu hết nha!…”. Tao vừa kéo xuồng xao nước mắt không rời nàng tiên ướt đẫm. “Ha ha, tụi nó đồ đểu cả! Anh mới là người thiệt tình thương em nè… đúng hông?! Thôi tụi anh chia tay đây!… À, mà từ đây tới chợ Kinh Mương còn bao xa nữa em? Tụi anh đi tới đó. À mà em tên gì?…”. “Gần tới rồi anh, đi bộ cũng chừng mươi phút à, nhà em cũng gần chợ í! Em tên Út Thắm”… “Dzậy anh đi xuồng theo em luôn nha, anh bơi xuồng giỏi lắm!…”. “Thôi, kỳ lắm, má em thấy bả rầy chết luôn á!”. Tao liền phất tay nháy nháy mắt cho bo bo tụi nó chạy trước “Gần tới địa điểm rồi, tao đi xuồng, 5 phút nữa tới!”  Bo bo nổ máy, cả tốp lại nhao lên tranh nhau “Mai mốt hòa bình anh về cưới em nha, anh đẹp trai hơn thằng đó! Ha ha!!… Mẹ, cái thằng mê gái, kỳ nầy chắc dính luôn rồi… mà công nhận con nhỏ đẹp thiệt, quá đẹp há tụi bây! Mẹ, cưới một cái rồi đi trận chết cũng sướng cái đời!!… ”
Nàng ngồi trên triền đê cỏ xanh rì, rũ rũ mái tóc ướt xõa xuống lưng áo cũng ướt ròng, bày chiếc cổ non tơ mịn ngần rồi e ấp vén ống quần sa-tanh đen mướt gần tới gối, vắt vặn cho ráo nước, để lộ đôi chân tròn lẳn trắng tươi như hai củ khoai mì vừa bóc… Tao kéo xuồng vô sát bờ rồi níu đám cỏ leo lên, nàng nói: “Ui, giày anh dính sình dơ hết rồi kìa!”. “Có sao đâu “lính mà em!”. Trong ngực thằng lính văn nghệ lại vang lên Ngày hợp hôn/ tôi mặc đồ hành quân/ bùn đồng quê/ bết đôi giày chiến sĩ… Tao tháo đôi giày òng ọc nước, ngồi xuống bờ cỏ, cách nàng chưa tới cái với tay. Gió chiều lồng lộng thổi dạt đám lục bình tím rịm dưới kinh. Sau lưng là con đê vắng. Cánh đồng vừa trổ đòng đòng, và những ngọn lúa như đang hát Trên đồng lúa vàng/một bầy sơn ca/… Ta yêu nhau trên đồng lúa vàng/ta quen nhau ngày lúa còn xanh/ta quen nhau khi bầy én liệng/đôi cò nào hạ cánh vu vơ… Nàng ngồi áp đôi má vào gối, bàn tay nõn nà đeo chiếc vòng cẩm thạch bứt bứt mấy ngọn cỏ: “… Mấy anh… đi lính mà đòi cưới vợ… gồi bỏ ngừi ta ở nhà mình ên à?… “Anh là lính văn nghệ mà, chỉ đi hát hò đờn địch loanh quanh, đâu phải lính tác chiến mà đi trận xa…”.
Từ đàng xa có người đánh xe bò leng keng đi tới, lại có hai chiếc xuồng đang chèo ngang. Nàng lấy hai tay che mặt khúc khích: “Ngồi dzầy lỡ gặp người quen về méc chắc tía má em ra rượt chạy không kịp!… À, mà tía em hay kể chuyện nầy, vui mà hay lắm, em kể lại anh nghe nha!… Mà kỳ hông ta?… Thôi em kể, chuyện như dzầy: Hồi đó có cái đám cưới đưa dâu qua sông, ra giữa sông xui rủi đò chìm. Mạnh ai nấy bơi. Cô dâu áo cưới lùng bùng bơi không được, chới với sắp đuối. Anh “rể phụ” nhào tới (giống như anh lúc nãy dzậy đó, hi hi!) lẹ như tép lặn tép lội, cắp nách cô dâu, bơi một tay vô bờ. Cũng may là ai cũng biết bơi nên không sao cả, chỉ có cô dâu, có phước gặp anh rể phụ lẹ làng… Lên tới bờ thấy chú rể chính đang đứng trố mắt dòm như thằng ngáo!… Lễ rước dâu phải dời lại ngày mai. Đêm đó cô dâu thức trắng, suy nghĩ, trằn trọc… Sáng ngày mai họ đàng trai vừa tới chưa kịp làm lễ, cô dâu chạy ra ôm chầm ngay anh rể phụ rồi lớn tiếng tuyên bố: “Anh nầy mới là chồng tui, là người cứu mạng sống cho tui!!…”. Rồi cổ cởi vàng vòng quăng ngay mặt chú rể, mắng te tát: “Anh bước ra khỏi nhà tui! Bản mặt của anh về mà đi cưới con ngỗng con vịt dưới mương kìa, nó lội giỏi. Còn tui coi như chết chìm hôm qua rồi, còn đâu mà anh đón với rước!!…”. Cả hai họ lặng phắc một hồi, rồi bên này bên kia cãi vả, lý sự thiếu đường muốn uýnh lộn. May sao lúc đó có ông làm việc ngoài xã, làm bên hôn ước hôn thú chi đó, có bà con với nhà gái, cũng vừa tới ăn đám cưới. Ổng phân giải tình lý một hồi rồi đứng ra tuyên bố giữa hai bên, chấp nhận lựa chọn của cô dâu là đúng hoàn toàn… Ông chủ hôn nhà trai kéo tay chú rể với cả họ thất thỉu kéo về, không thèm lễ kiếu lễ từ chi nữa… Hi hi, anh thấy chuyện hay hông?”. Tao dang hai tay suýt nữa ôm lấy tấm lưng tròn lẳn, ướt rượt mà nâng bổng lên! Thay vì trả lời nàng, tao hát luôn Trên đồng lúa vàng/một chiều yêu em/trên đồng lúa vàng/là mùi quê hương/là mùi yêu thương…. “Ui, anh hát hay như Chế Linh á, em mê giọng Chế Linh từ nhỏ tới giờ!”… “Anh là Chế “lính” nè, giờ mê Chế Lính nha!…”
Trưa ba mươi tháng tư bảy lăm. Đã có lệnh buông súng nhưng lính văn nghệ tụi y cứ nấn ná không muốn chia tay, cứ xúm nhau ngồi nghe đài phát thanh Sài Gòn. Bỗng nghe giọng nhạc sĩ họ Trịnh nói giọng Huế, kêu gọi anh em văn nghệ sĩ… Rồi ổng hát “Rừng núi dang tay….”. Lúc đó tại đài không có cây đàn, ổng hát “chay”!… Cao hứng, thằng Lâm liền nhảy tới chộp cây ghi-ta. Y phóc lên dàn trống, rầm rập hòa lên “Mặt đất bao la/anh em ta về…”
Cởi áo lính, Bảy Dũng ra chợ thị xã sắm bộ sơ-vin tới đăng ký trình diện Ban quân quản. Xong anh ta hối hả nhảy xuống tàu đò về quê tìm nàng và “trình diện” luôn với ông già vợ tương lai. Ít lâu sau đó là cưới luôn.
Về quê làm anh đạp xe lôi, vác lúa mướn ở Kho lương thực nhưng đôi lúc cái máu văn nghệ cứ sôi sùng sục trong người Bảy Dũng. Chiều hôm đó, có bốn năm anh em của Đội Văn nghệ quần chúng xã tới kêu xe y chở lên Nhà Văn hóa huyện dự hội diễn. Lúc chưa tới giờ mở màn, nhạc dạo trong băng cát-xét đang rộn ràng bài “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”. Thấy dàn trống jazz đặt trên sân khấu không người, tay chân y cứ ngọ nguậy. “Ngứa nghề” quá, y nhảy đại lên vung dùi gõ “chachacha”, đổ từng hồi nhịp nhàng như một tay trống thiện nghệ. Trong hội trường nháo nhác chạy ra, có cả mấy anh trong Phòng Văn hóa huyện, vén màn hậu thấy một anh chàng đang say sưa lim dim, mặc quần áo cũ rích, giống dân bốc vác cu-li ở đâu ra mà uýnh trống “ác đạn” quá! Nghe ăn đứt cả tay trống số một ở huyện! Dứt bản nhạc, y bước xuống chắp tay “Xin lỗi, xin lỗi!…”
Sau đợt hội diễn, mấy đêm tập dợt anh em trong Đội cứ tới kéo y bằng được. Tài văn nghệ của y xứng đáng làm “thủ lĩnh” của Đội Văn nghệ quần chúng mới đổi tên thành Nhóm Ca khúc chính trị. Những đêm xuống diễn ở các ấp, Bảy Dũng mặc bộ đồ mới keng, ăn-ta-ni bảnh toỏng, đạp xe lôi! Chuyến đầu chở anh em, chuyến sau chở dàn trống đờn, âm ly…
Tới hội diễn huyện năm sau, Đội đoạt giải nhứt toàn huyện. Riêng Bảy Dũng đoạt liền hai giải cá nhân về đơn ca bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” và giải nhạc công xuất sắc! Tấm giấy khen ghi nắn nót: “Ô. Trương Minh Dũng – Trưởng nhóm Ca khúc Chính trị. Đơn vị xã…”
Cho tới bây giờ, đã ngoài sáu mươi nhưng chất giọng trầm ấm của “Anh Bảy Văn Nghệ” vẫn làm tê tái người nghe trong mỗi cuộc vui…
19/3/2020
Dương Đức Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...