Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Tản văn Đặng Thị Thu: Chợ ven đường

Tản văn Đặng Thị Thu: Chợ ven đường

Tôi sinh ra ở vùng xuôi, từ bé tôi đã thích được đi chợ phiên với bà và mẹ. Chợ phiên dưới xuôi họp một tuần ba lần. Tôi nhớ chợ phiên thường có nhiều khu, mỗi khu bán một mặt hàng như quần áo, cá thịt, hoa quả, rau cà, không thiếu thứ gì nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là cảnh chen lấn vì người đi chợ rất đông. Lớn lên, tôi lên Sơn La công tác.
Lần đầu lên đến Tây Bắc tôi đi vào buổi đêm, trời tối xe cứ leo dốc, qua những khúc cua ngoằn ngoèo, lượn lên lượn xuống mà đi. Đi xa đến lỗi người ta có cảm giác mình đi sâu vào rừng núi.Thế nhưng đến một đoạn đường người ta thấy những hàng rào bằng tre ven đường bao lấy những mảnh vườn người ta chợt vui và nghĩ: ta đã đến được nơi có người ở. Ở vùng cao lâu, tôi lại thấy vùng cao không xa cách vì vùng cao có những quả đồi, những mảnh vườn cây cối mướt xanh, vùng cao còn có cả những dãy chợ ven đường, nơi bán những sản vật làm ra từ đồi, từ rừng. Những cái chợ đó còn làm cho bữa cơm mỗi ngày của mỗi gia đình thêm đủ và thêm vui.
Nhà giáo Đặng Thị Thu ở Sơn La
Khi bạn đi đâu đó trên vùng cao vào những ngày mùa xuân. Mưa xuân lất phất bay, cỏ khô còn rối ven vệ đường thì các loài hoa trong rừng và trong vườn đua nhau nở. Hoa píp nụ vàng nở kín trên cành, tuyệt nhiên không thấy một chút màu xanh của lá. Cây ban, hoa nhụy hồng cánh trắng nở thành màu trắng xốp của mây, len lỏi vào màu vàng úa của rừng tre, rừng trúc. Vào những ngày xuân như thế, bạn cứ đi, đi theo những cung đường ven sườn đồi mà đến bản, đến phiêng bạn sẽ gặp chợ ven đường bán rất nhiều hoa lấy từ nương từ rừng về. Những rổ hoa ban trắng, cánh hoa múp nhựa non mà đôi cánh hơi rập một chút xíu thôi. Hoa ban cho vào chõ đồ lên làm món nộm ăn ngọt mát lắm đây. Rồi bạn gặp mấy gói hoa píp nụ vàng, nụ hoa dài khum khum, vị hoa hơi đắng nhẹ, làm nộm chung với rau rừng thập cẩm hay cho một chút vào bát canh thịt, canh cá cũng làm cho món ăn thêm đậm đà vị núi rừng. Ngoài hoa, chợ ven đường mùa xuân còn có các loại rau non búp lá. Một nắm rau lá thối (cách gọi của người dân vùng cao), lá nhỏ như lá me, sờ vào mát mịn bàn tay, gờn gợn vài cái gai nhỏ, mùi đặt trưng hăng hắc, thum thủm nhưng luộc lên, lá chín rừ làm nộm với măng hay chấm chẳm chéo ăn đều thấy vị bùi thơm rất đậm.
Thế rồi thời gian qua đi, chợ ven đường không còn thấy bán rau hoa và rau lá mùa xuân. Trên những mảnh đồi, những khu rừng, hoa đã kết quả và lá thì đã mọc thành những vừng xanh um. Khi những tia nắng sớm mai chiếu rọi sớm hơn và nhiều lên, khi có rất nhiều tiếng ve kêu dạo bản nhạc mùa hè thì chợ ven đường lại bán những sản vật của nương dãy càng nhiều thêm. Mùa mưa, nước trong khe suối, trong vách đá rỉ ra, rỏ tí tách; đất trên nương rẻo quánh, cỏ vừa phát đi lại mọc lên xanh non là nơi trú ngụ của các loại ốc và côn trùng. Nào là những con ốc đá vàng hau, bò lêu nghêu trong xô chậu. Những rổ ve non múp míp. Dế mèn chạy lau thau trong chiếc chậu con. Rau mùa hạ thì nhiều quá mà ăn không hết. Những vườn rau cạp bên hông mỗi căn nhà đua nhau mà mọc. Chiều về các mẹ, các chị lượm lặt mỗi thứ một ít bỏ vào trong các túi bóng tái sử dụng đem ra chợ ven đường. Một ít gói ớt chỉ thiên, một ít gói mắc hói leo bờ rào, một ít gói cà pháo.
Mùa hè cũng là mùa măng lay. Măng lay không lấy từ vườn mà lấy trên rừng. Sáng dậy sớm ăn uống qua loa, các chị đeo túi rứa vào rừng hái măng, áo đi hái măng phải dầy, đầu phải quấn piêu vì dễ mắc cây rừng. Những cây măng mới mọc chừng gang tay, to bằng ngón tay cái bẻ mang về bóc bớt vỏ, chặt bỏ đầu trên ngọn, cho vào chõ đồ bốn đến năm tiếng khi bỏ ra măng mềm, ngả màu hơi vàng, cho vào các túi nilon mang xuống chợ ven đường. Các bà các chị đầu còn mướt mồ hôi, mặt lấm tấm đốm nâu vì sương nắng, đôi bàn tay sạm đen và sù sì chọn cho khách những chiếc măng lay trắng ngà, non mềm và nụ cười tươi rói làm cho những bữa cơm tối của các gia đình thêm vui. Măng lay chấm chắm chéo là món quà đặc biệt của núi rừng Tây Bắc. Ăn măng lay người ta thấy được cái vị giòn, ngọt, thơm mùi ngô non của măng giống như được ngắm nhìn cô em mười sáu; người ta thấy được vị cay nồng thơm bùi của lá chanh, tỏi, mắc khén như cưới được cô vợ nhiều vẻ mặn mà bên trong. Mùa hè còn có cá suối, cá sông. Những mớ cá sông lượm được thật là hiếm hoi nhưng ngon nhất chợ ven đường bởi cá ăn rong rêu mà lớn, thịt chắc thơm. Khi mua cá các bà các chị đã nghĩ đến việc đổi món cho gia đình bằng một bát canh chua nấu măng hay nấu me ngọt thanh mà đượm đà gia vị.
Mùa thu, khi quả trong vườn đã chín, lúa ngô trên nương dưới ruộng màu xanh chen lấn màu vàng, bụi đỏ trên đường nhiều hơn, cây dại ven đường núc nỉu cành quả thì chợ ven đường lại thật là phong phú. Nào là quả vườn nhà như nhãn, ổi, thanh long, bơ, hồng xiêm, hồng giòn, hồng ngâm xếp gọn gàng trên các bao tải dứa. Nào là quả trên rừng như dâu da đất vàng nghệ, quả lúc lác màu nâu sẫm, dài thượt như cái dao phay, quả sơn tra đổ đống ăn vừa chua vừa chát lại thơm thơm chạm đầu môi. Thỉnh thoảng còn có rổ sim rừng, lạc tiên, bồ hòn, bồ quân để trong những chiếc rổ con con. Mùa thu quả rừng và quả trong vườn cứ làm đầy các khu chợ ven đường, làm lòng người nao nức khi đi một quãng đường xa mà chưa thấy gặp người.
Mùa đông vùng cao thường đến sớm, đồi núi thường xanh thẫm những mảng cây rừng. Bên dưới các chỏm vườn đồi màu xanh, những con đường tạo thành những đường viền màu trắng. Rạ rơm trên đồng cũng ngả màu trắng. Trong các khu chợ ven đường gió đông sấp sải đập nát nhàu, bạc phếch những tấm vải bạt màu xanh. Lúc này chợ ven đường thưa hơn, thường lùi vào sâu hơn, dựa vào một vạt đồi hay một mỏn núi để tránh gió đông. Mùa này trên các sạp tre màu nâu thếch có bày rất nhiều lọ ớt măng cay. Vỏ những chai nước ngọt, những chai nước lọc được tận dụng để ngâm măng. Lọ măng ngâm ớt nhiều màu tươi được xếp lủ khủ bên cạnh các rổ ớt, rổ măng khô nửa vàng nửa đen. Vài em nhỏ đứng bán hàng cho mẹ, tay ôm vào cột quán, áp cái má bầu bĩnh vào cái cột tre. Dưới làn tóc lòa xòa ánh mắt em hướng về xa xăm nghĩ ngợi gì đó hay đơn giản là các em đang chán vì đi bán hàng mà chẳng có người mua.
Đi qua các ngôi nhà ven đồi có rất nhiều sàn nứa bên bếp phơi măng khô, thấy mùi măng thật nhiều vị thơm chua. Mùa đông, khói bếp bay là là bên khung nhà sàn. Trong gian bếp, ánh lửa bập bùng, người ta hun thịt để làm đặc sản thịt trâu gác bếp, thịt bò gác bếp. Nếu không có thịt trâu, thịt bò thì giản dị hơn là một ít thịt lợn, cá sẻ phanh hun khói cũng đủ để nhâm nhi khi hàng xóm sang chơi vào dịp năm mới vừa sang. Mùa đông, mọi người nghĩ nhiều đến một cái tết, một năm lao động trồng cấy vất vả qua đi. Trên các sạp tre trước cửa bếp, hay bên hiên nhà những vồng hành hoa, những chậu rau thơm hay những nhánh lan rừng xanh non hơn vì chủ nhà ít đi nương mà ở nhà đan tre, chẻ lạt và tưới cây. Về mùa đông chợ ven đường ít và thưa vì các sản phẩm của núi rừng và vườn nhà cũng ít đi, các hoạt động của các gia đình trở về trạng thái tự cung tự cấp.
Ở vùng cao lâu tôi thích nhìn thấy những khu chợ ven đường. Chỉ trên dưới chục quán hàng bày trên khu đất trống, đôi khi là một sạp tre bắc qua rãnh nước, áp lưng vào ta luy đường, dăm ba người ngồi bán, đôi khi là trẻ nhỏ, người già. Người bán hàng không khéo léo chào mời, người mua cũng không chọn lựa và mặc cả nhiều. Tất cả đã được định lượng tương đối trong túi nilon, trong bó, trong mớ. Người ta mang đến chợ những thứ mà mảnh vườn làm ra, núi rừng làm ra, từ giọt mồ hôi làm ra sau một ngày lao động. Tất cả đều sạch và thật thà. Người mua có thể là một đôi vợ chồng đi nương dãy từ sớm về qua, một giáo viên đi dạy ở trường xa về hay một ai đó đi qua vùng đất này muốn đem về nơi khác một ít của sạch, của thơm từ núi rừng. Nếu ai đó nói rằng chợ ven đường vi phạm luật lệ giao thông nhiều lắm thì xin mời người đó lên với vùng cao, nơi đó bạn phải độc hành trên các con đường hàng chục km mới gặp lại sự đông vui, khi ấy bạn sẽ không còn xét nét chợ ven đường vi phạm luật an toàn giao thông. Nếu có ai nói rằng chợ gì mà nhỏ thó, vài hàng quán chênh vênh thì xin mời người đó cầm cái quốc mà quốc vào các khu vườn nhỏ chênh vênh bên bờ suối hay cầm chiếc lù cở nho nhỏ mà đi hái măng rừng, lúc đó bạn sẽ thấy rằng chợ ven đường là nhựa sạch của nương của rừng nơi vùng cao biên giới xa xôi.
Lặng lẽ mà thật thà như tính tình người miền núi, chợ ven đường đem đến một chút vui cho khách bộ hành, đem đến nguồn thu nhập nho nhỏ cho các hộ gia đình và hơn hết chợ ven đường còn lưu giữ những ký ức của con người về dòng chảy của cuộc sống và thời gian. 
8/9/2023
Đặng Thị Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...