Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

120 ngày mây thì thầm với gió

120 ngày mây thì thầm với gió

Cơn bão Covid-19 giờ đang lắng xuống, người ta có nhu cầu tìm đọc những cuốn sách tư liệu về thời kỳ đại dịch này. 120 ngày mây thì thầm với gió là một cuốn sách như vậy. Có cảm tưởng tác giả đã ghi nhật ký thật chi tiết trong những ngày ấy, cho nên mới phục dựng được tỉ mỉ và sinh động đến thế.
“120 ngày mây thì thầm với gió” của Nuage Rose, NXB Trẻ 2021.
120 ngày mây thì thầm với gió còn có một phụ đề: Ghi chép từ cuộc chiến sống còn xua đuổi Cô Vy. 120 ngày là khoảng thời gian trong cuốn sách, từ tháng 2.2020 cho đến tháng 5.2020, khi tác giả qua lại giữa Việt Nam và Pháp. Đấy cũng là quãng thời gian cơn bão dịch bệnh bắt đầu hoành hành trên hành tinh, khởi đầu từ châu Âu, mà trong sách là nước Pháp, nơi chị chứng kiến.
Tháng 2.2020, Nuage Rose (tên Việt là Hồng Vân) rời Hà Nội đi Pháp khi ở Việt Nam đã bắt đầu biện pháp phòng vệ, còn nước Pháp vẫn vô tư không biết rằng chỉ vài tuần sau đã bắt đầu chết chóc, và thiếu thốn không chỉ khẩu trang mà cả đến giấy vệ sinh trong các siêu thị. Con trai của tác giả, vào một siêu thị đã bị vơ vét hết nhẵn, may tìm được một gói thịt vịt còn sót lại. “Chưa kịp bỏ vào giỏ thì đã có vài người lao đến, và từ đâu đó, một người phụ nữ nhảy chồm tới, giật gói thịt vịt trong tay con. Với một sức nhảy và tốc độ giằng làm con bất ngờ. Móng tay bà ta cào thành một vết thương sâu, và nhiều vết xước xung quanh…” (trang 117). Câu chuyện này tương đồng với tình trạng tranh giành mua hàng xảy ra ở Việt Nam sau đó. Nhưng thời gian trong cuốn sách là từ tháng 2 đến tháng 5.2020, khi ấy không khí tự hào chống dịch vẫn còn đang tràn ngập ở Việt Nam.
Nước Pháp và châu Âu mới trước đó vẫn còn chủ quan “gel diệt khuẩn, cồn xoa tay, cũng được trưng dụng cho Trung Quốc và một số nước Đông Âu” (trang 137). Lúc ấy chưa ai nhận ra rằng “từ tháng 12.2019 và tháng 1.2020, Trung Quốc, dưới nhiều hình thức… thu thập, gom góp gần hết khẩu trang ở châu Âu. Kể cả đặt hàng chính thức 100% khẩu trang sản xuất ở Pháp” (trang 136). Kết quả là trong thời gian giãn cách xã hội ở Pháp, ngay cả khẩu trang cho nhân viên y tế cũng thiếu. Riêng tác giả “may mắn”: nhận được một chiếc mũ khẩu trang, do con gái và con rể gửi từ Việt Nam sang. “Chắc hẳn là chiếc mũ khẩu trang đắt nhất thế giới”, “tiền gửi gấp ba mươi lần tiền mũ”, mà cũng chỉ gửi được một chiếc cho mẹ, không thể gửi thêm một chiếc cho em. “Việt Nam giữ để đủ bảo trợ cho dân, nên hàng cấm xuất” (trang 126).
Tất nhiên, tác giả có nhắc đến những đợt khẩu trang hỗ trợ gửi từ Việt Nam sang Pháp, nhờ nỗ lực của chính phủ và các hội nhóm người Việt.
Con virus Wuhan ập đến như thác lũ, nước Ý rồi nước Pháp rồi châu Âu. Thiếu giường bệnh, người bệnh nhẹ được xuất viện sớm để nhường giường cho người nặng. Các đường dây tư vấn hoặc cấp cứu đều quá tải. Xe cấp cứu không đủ, có khi người ta phải điều cả xe cứu hỏa hoặc bất kỳ phương tiện nào có thể đến đưa người ốm đến bệnh viện. Đúng lúc ấy, tác giả nhiễm bệnh. Thầm lặng tự điều trị tại nhà, cố gắng lắm mới được một tổ cấp cứu đến khám tạm thời, sau đó được nhận vào viện mấy ngày. Tên sách “mây thì thầm với gió”, đúng là thì thầm, vì suốt thời gian cách ly, phải tránh tiếp xúc với mọi người, phải đeo khẩu trang và thôi luôn cái việc nói. “Mây” là tên của tác giả, Hồng Vân, áng mây hồng. Mây chỉ còn biết độc thoại, với bao nhiêu nỗi niềm, từ lo lắng đến hoảng sợ, đến kiềm chế và cảm thông.
Vẫn trong dòng ghi chép tư liệu, cuốn sách tái hiện chuyến bay “giá vé đặc biệt cao” đưa người Việt “hồi hương” từ Pháp về Việt Nam. Chuyện mới đấy, giờ có thể đã có người quên, nhưng cuốn sách tư liệu làm tốt nhiệm vụ nhắc nhớ. Mười bốn ngày trong khu cách ly của đơn vị quân đội ở Uông Bí. Phác họa hình ảnh những chiến sĩ nỗ lực và thiện chí. Kể tỉ mỉ về nếp sinh hoạt, không khí trong khu trại, những quy định và chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Phác họa chân dung bạn cùng phòng: một bác cao tuổi sáng dậy sớm mở nhạc tụng kinh và thực hành thiền. Một người kém tuổi với chiếc điện thoại linh hoạt giải quyết mọi vấn đề với con cái và gia đình ở cả hai phía Việt và Pháp, chính con người ấy lại luôn tay giặt giũ phơi phóng cho cả bạn cùng phòng… Có những chuyện chứng tỏ người Việt dù có đi đâu thì vẫn là người Việt: từ nước ngoài hồi hương, vào khu cách ly mà còn đặt mua bên ngoài một giàn karaoke hát cho sướng. Hoặc bữa ăn cách ly không đến nỗi nào nhưng bỏ đi cả đống, rồi đặt gà rán bia hơi từ bên ngoài mang vào để nhậu nhẹt…
Trong những ngày bị bệnh ở Pháp, tác giả nhận được tin mẹ mình mất ở Hà Nội, còn khi cách ly ở Uông Bí, thì lại nhận tin dữ, một người chị gái cũng ra đi. Giữa đại dịch thì cho dù có đại tang, không có cách gì và không ai có thể tiễn biệt người ruột thịt.
Bên cạnh vai trò làm tư liệu, cuốn sách đã vượt lên để thành một tác phẩm có chất văn. Cuốn sách trước, tự truyện Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, Nuage Rose viết bằng tiếng Pháp và đến với người đọc ở ta bằng bản dịch. Văn mình nhưng lại được dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, cho nên nó chưa nói đúng về khả năng ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả. Phải là cuốn 120 ngày mây thì thầm với gió mới bộc lộ sự chuẩn xác và uyển chuyển tiếng Việt của Hồng Vân (xin gọi tên Việt của chị). Biến tư liệu khô khan thành chi tiết sinh động, biến ngôn từ thông tin thành ngôn ngữ nghệ thuật, giàu thanh điệu và man mác như thơ. Nhiều bài thơ được đưa vào để làm thay công việc của nhật ký. Những câu văn xuôi có âm điệu rất lắm khi lại là thơ, rất gợi và khác lạ. Khá tinh tế về câu chữ, có lúc chị đã trực tiếp bày tỏ ưu tư khi ngôn ngữ hiện đại bị pha trộn, khi tiếng Việt phổ thông đã nhiều phần hư hao: “Phó mát đã mất dần, nhường chỗ cho phô mai. Mừng tuổi – từ rất đẹp và ý nghĩa vào dịp năm mới – gần như bị giẫm bẹp bởi lì xì”. Cái mà ta vẫn gọi là con giống, bây giờ hầu như bị quên mà chuyển sang gọi là tò he. Món nhúng (dúng) bây giờ khắp nơi đồng loạt gọi là lẩu… (trang 94).
Tác giả Hồng Vân, bốn mươi năm qua sống và làm việc ở Pháp, từng là nhà ngoại giao ở các sứ quán Pháp tại Đông Nam Á. Khi viết văn bằng tiếng Việt, chị chứng tỏ không chỉ là một cây bút đáng kể, mà còn là người có ý thức bảo tồn vẻ đẹp của tiếng Việt.
27/7/2022
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...