Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Cây táo mèo cô đơn

Cây táo mèo cô đơn

Đó là cây táo mèo to nhất ở Hồ Ca. Nó sừng sững đứng ở cuối bản. Cuối bản! Nơi người ta muốn thấy phải đi tìm, đi lòng vòng qua con đường đất ngoằn ngoèo và bé nhỏ. Cũng chẳng hiểu sao, cả vùng này không trồng được táo mèo mà bản này lại có một cây thật cao to ở đó. Nó mọc chênh vênh trên mỏm đá. Một phần rễ chồm lên đá nhưng vẫn cố tìm lấy mặt đất để cắm xuống. Rồi hình như đất phía dưới cũng cứng quá mà bộ rễ lại uốn lượn gồ ghề lên mặt đất.
Táo mèo ở đây đẹp nhất khi mùa xuân tới. Hoa táo mèo trắng xoá. Trắng đến nỗi mặc dù cây táo mèo ở tận cùng của cái bản này nhưng người ta chỉ cần đứng từ xa nhìn lại đã thấy rồi. Nhiều hoa vậy nhưng năm nào cây táo mèo cổ thụ cũng chỉ lác đác ít quả đậu lại! Chẳng ai buồn hái! Và lạ thay những cái hạt rơi xuống chẳng thể nảy mầm hay nảy mầm rồi chết yểu giữa vùng đất đá hoang vu khắc nghiệt này. Lâu rồi thành quen. Chẳng ai đến dưới gốc táo mèo mà trèo, mà hái, mà ngửa cổ ngắm nhìn. Cây táo mèo cô đơn, có lẽ từ ngày ấy. Chỉ đợi mỗi mùa xuân về để thêm chút rộn ràng bướm ong.
Tác giả trẻ Lê Thuỳ Giang
Một điệu sáo chơi vơi. Nghe không ra tiếng róc rách của suối, không ra tiếng ríu rít của chim, tiếng xào xạc của lá, mà nghe ra tiếng mưa não nề, tiếng nấc run run, tiếng nước mắt chảy vào trong hồn sâu thẳm… Người cô đơn tìm đến gốc cây cô đơn.
“Này A Phái! Sao mày lại ngồi đây thổi sáo một mình?”
“Tao thổi cho tao thôi mà Phù Phong!”
“Tao nghe được lòng mày”.
A Phái quay đi, không dám nhìn vào mặt Phù Phong. Không dám nói câu nào. Ngồi lặng yên lân vân cây sáo trong tay. Đôi ngón tay từng rèn dao, cuốc nương mà ngón vẫn thuôn dài. Có lẽ nào vì thế mà A Phái thổi được cây sáo dài, âm thanh vang nhất bản!
“ Phù Phong này! Có bao giờ mày nghĩ mày sẽ đi thật xa khỏi cái bản Hồ Ca này không?”
Phong chưa kịp trả lời thì A Phái đứng lên rảo bước ra về. Mà đầu cứ cúi xuống. Vừa như vội, mà vừa như không biết đi đâu!
*
Tại sao? Tại sao? A Phái vẫn không thể hiểu nổi! Tại sao mình không thể với Thẩm Hoa! Tại sao cơ thể mình lại như hòn lửa run rẩy trong lễ hội nhảy lửa trước cái chạm của Phù Phong? Tại sao hôm nay mình cũng không dám nhìn vào mắt Phù Phong? Đôi mắt ấy có lửa hay lòng mình cứ âm ỉ cháy?
“A Phái à? Đi đâu về mà hớt hải thế?” – Giọng Thẩm Hoa vẫn trong như tiếng nước suối khe đầu nguồn. Thẩm Hoa đẹp như một quả mâm xôi chín đỏ mọng nước. Có phải vì mẹ sinh ra Thẩm Hoa giữa đồi ngô mà hàm răng cô ấy đều như hạt bắp? Có phải vì sinh ra giữa đêm trăng mà khuôn mặt Thẩm Hoa sáng hiền hoà xinh đẹp như trăng rừng mùa thu. Đêm thu, từng giọt trăng chảy tràn trên lá. Ánh lên cái mát dịu, cái xa xôi, cái tĩnh lặng, cái đẹp mà khó chiếm lấy. Chẳng vậy mà không chỉ Hồ Ca mà cả mấy bản bên cạnh như Hồ Sang, Hồ Thầu, chẳng có tiếng sáo ai rủ được Thẩm Hoa ra khỏi cái then cài cửa bằng gỗ vốn đã mòn vẹt. Cái then từ thời bà, thời các cô của Hoa đã mở ra theo tiếng sáo rồi lại khép lại cùng với bao nhiêu tiếng thở dài. Nhưng Hoa thì không. Tiếng sáo đến rồi rời đi. Hoa biết sẽ có lúc như thế. Có gì đâu mà tiếc. Hoa bảo rồi. Hoa phải học. Hoa muốn đến những vùng đất bao la, rộng lớn, mặc những bộ váy tươi đẹp,… Hoa sẽ lấy một người chồng tử tế, không nghiện rượu ngô, không chửi vợ chửi con, không bán mất đàn dê mà chị em Hoa chăn suốt những chiều trốn học chỉ để trả nợ cúng ma cho giàu có từ tận đời nào… Một người mà khi ở cùng, Hoa sẽ cười như đoá hoa “pằng tớ dày” suốt bốn mùa chứ không phải chỉ nở mỗi khi mùa xuân về.
Ở cái bản này chỉ có A Phái là khiến Thẩm Hoa thấy “an toàn” nhất. A Phái không nhìn Hoa bằng ánh mắt như muốn xuyên thấu, hay nuốt chửng như mấy đứa trai trong bản. A Phái cũng không như người ta trêu đùa, chạm tay vào má, vào vai, có khi cả vào… mông mỗi khi Hoa đi chợ phiên. Hoa giận lắm! Đi chợ phiên ai chẳng đẹp. Nhưng đẹp có phải để mong bị trêu đùa vô duyên đâu. Hoa thường đi chợ với mẹ, với các chị em. Cũng như mọi người, Hoa chọn bộ váy mới đẹp nhất, cái ô nhiều màu nhất… Mấy chị em Hoa còn lấy quả mâm xôi bôi vào môi, quả bồ quân bôi vào má cho đỏ. Da Hoa thì trắng. Môi mọng, má  hây hây. Nhìn Hoa chỉ muốn cắn vào cho đỡ khát. Mà cảm giác cắn xong thì ngọt. Hoa còn học giỏi, được đi học ở tận trường huyện. Những đứa trai trong bản ngưỡng mộ lắm. Thằng trai nào chạc tuổi Hoa cũng mong được Hoa để mắt đến. Chẳng biết nói lời hay, chẳng biết thổi sáo giỏi thì cứ ghẹo Hoa bằng bàn tay “vô duyên” thế thôi. Chẳng lẽ Hoa lại không đi chợ phiên nữa. Nhưng thi thoảng đi học về Hoa mới được theo mẹ tới chợ. Không đi thì tiếc lắm! Tuần này, vừa thích đi chợ mua mấy cuộn chỉ màu, vừa muốn mua quyển vở cho em gái nhưng Hoa lại sợ mấy cái thằng trai hôm trước trêu ghẹo. Chúng còn doạ chơi trò bắt vợ như từng nói thầm vào tai Hoa. Nếu chuyện đó xảy ra thì Hoa biết làm gì. Hoa chợt nghĩ đến A Phái. Phải rồi, mình sẽ rủ A Phái đi cùng, như kiểu đôi trai gái yêu nhau cùng đi thì sẽ không ai dám trêu Hoa nữa. A Phái lại cao to thế kia. Cần thiết thì doạ cho chúng nó một trận, cho hết cái thói trêu hoa đã có chủ. Nghĩ thế rồi làm thế. Thẩm Hoa tự tin, vui vẻ hẳn. Đi giữa chợ phiên đông nghít, người chạm vào người, bỗng nhìn thấy mấy thằng trai hôm trước, Thẩm Hoa vội đưa tay cầm lấy tay A Phái. A Phái bất ngờ quay sang nhìn rồi dường như hiểu chuyện, để nguyên tay Hoa trong tay mình. Đôi bàn tay bé nhỏ của Thẩm Hoa, như đôi tay em gái của A Phái ở nhà vậy. Nho nhỏ, tròn, trắng mềm dù cũng làm cỏ nương, trồng cây, bẻ bắp như bao đứa con gái Mông khác.
Thẩm Hoa bỗng thấy tay mình như chạm vào điện, tim đập nhanh, mà hình như má cũng nóng đỏ lên, người còn toát mồ hôi nữa. Nóng quá! Tại chợ đông hay tại bộ quần áo của Thẩm Hoa dày quá. A Phái cầm tay Hoa kéo ra quán bánh rán đầu chợ. “Ngồi đây lát cho đỡ nóng đi Thẩm Hoa”. Cho đến khi A Phái bỏ tay ra thì Hoa mới bớt nóng dần thật. Hoa cầm chiếc bánh A Phái đưa cho mà quên ăn, thấy A Phái giục nên cắn một miếng mà chẳng biết bánh ngon như nào. Lần đầu tiên trong đời Thẩm Hoa thấy mình khác như vậy. Lần đầu tiên trong đời Thẩm Hoa trộm nhìn A Phái. Nụ cười thật đẹp!
Vừa bước chân vào nhà, Thẩm Hoa đã thấy tiếng quát của bố.
– Mày đi đâu giờ này mới về?
– Con đi chợ phiên mua vở cho Thẩm Lim thôi ạ!
– Không sách vở gì hết! – Lão Sếnh vừa quát vừa giật phắt quyển vở từ tay Hoa ném ra ngoài cửa. Nhà hết dê, hết gà rồi. Chúng mày ở nhà đi làm cho đẻ ra còn gà, con lợn đi! Đứa nào đi làm ma nhà khác, tao cho đi hết, đổi được cái gì thì đổi! Nghèo khổ thế này? Sống làm gì hả giàng ơi!
Rồi chợt như nhớ ra, lão Sếnh chỉ tay vào mặt Hoa:
– À, con Thẩm Hoa. Mày đủ lớn rồi đấy, bằng tuổi mày, mẹ mày đã đẻ ra mày biết gặm ngô rồi. Ở nhà! Lầy chồng! Không học hành gì hết!
– Bố cho con đi học. Giờ ai lấy chồng sớm thế đâu bố! – Thẩm Hoa vừa lùi lại, vừa van xin!
– Tao không có tiền nuôi chúng mày học!
– Nhà nước nuôi con rồi mà bố.
– Nhưng nhà mình hết tiền, hết rượu rồi…
Thì ra là thế. Cũng chỉ vì con ma rượu thôi. Thẩm Hoa vào buồng thay bộ váy đẹp nhất mang ra phơi ở tảng đá đầu hồi. Bỗng nhiên, Hoa thấy ai như cái thằng Dìa hôm trước trêu Hoa ở chợ đi cùng một, hai người đàn ông già đi về phía nhà Hoa. Hoa chạy vội vào bếp, vừa trốn, vừa xếp gọn mấy quả bí ngô vào góc bếp để lấy chỗ đứng nhòm qua khe hở. Ôi, sao thằng Dìa nó đi vào nhà mình? Hoa vừa bất ngờ, vừa khó hiểu. Tò mò, Hoa theo dõi mấy người đàn ông ấy qua khe cửa. Thằng Dìa nhìn quanh như tìm kiếm. Hai lão kia ngồi nói chuyện với bố Hoa như thân lắm. Hoá ra họ đến một vài lần từ trước rồi. Lão Dề – bố thằng Dìa bỏ trong túi vải ra mấy chai rượu với ít thịt nai rừng mời lão Sếnh. Lão Sếnh vui lắm.
– Cái Hoa nhà tôi đẹp như bông “pằng tớ dày” đấy! Không phải thằng trai Mông nào cũng được làm con rể tôi đâu!
– Đúng quá! Đúng quá! Nên nay tôi mới sang thăm ông, rồi chọn ngày nhà trai sang hỏi cái Hoa về. Hoa đẹp phải hái ngay thì còn ở nhà mình không là người ta cắt trộm mất! Ông thích hái trộm mất con hay là sính lễ đàng hoàng? – Lão Dề vừa nói vừa ý doạ!
– Đàng hoàng chứ! Đàng hoàng chứ! – Lão Sếnh vừa cầm chén rượu vừa gật gù nói.
Hoa thảng thốt chạy vội sang nhà A Phái.
– A Phái cứu Hoa. Hoa muốn đi học. Không muốn lấy chồng!
– Chắc chỉ cô giáo chủ nhiệm mới cứu được Hoa thôi.
– Đợi cô giáo đến thì bố Hoa gả Hoa cho nhà người ta xong rồi.
– Thế biết làm thế nào?
– Phái nghĩ cách đi, không thì Phái mang ngay tôi đến trường. Tôi đến đấy rồi thì không ai bắt tôi được.
– Mình không trốn mãi được đâu. Để Phái nghĩ cách!
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Thế rồi, như một cái chớp mắt, Hoa bỗng có chồng, bỗng trở thành “con ma” nhà Giàng A Phính do A Phái “say rượu” bắt về, chót làm gì con gái nhà người ta rồi thì phải lấy thôi. Ông Phính là trưởng bản Hồ Ca này, ai chẳng nể chứ, ai chẳng muốn con gái mình được làm dâu nhà ấy. Không chỉ việc ông Phính nói ai cũng nghe mà nhà ông còn nhiều trâu, bò, lợn, gà, cả mấy hec-ta lê dự án ở sườn đồi bên kia nữa. Ai nghe theo ông thì mái nhà đều được thay từ nhà lá sang nhà gỗ chắc chắn, mát mẻ. Ông Phính bảo A Phái và Hoa cố học lấy cái chữ, về biết trồng cây, nuôi con cho nhanh lớn. “Hai vợ chồng” A Phái và Thẩm Hoa lại tiếp tục đi học nhưng giấu không cho bạn bè biết. Về nhà thì Hoa vẫn phải ngủ chung giường với Phái. Vẫn phải cài then buồng vào. Ôi, lần đầu tiên Hoa phải như thế này. Hoa luống cuống. A Phái cười:
– Hoa cứ nằm trên giường đi, tôi nằm dưới đất.
– Thế sao được! Phái cứ nằm trên giường đi. Tôi đứng còn ngủ được ấy. Hồi ở nhà có lúc đứng ngủ, ngồi ngủ khi coi nồi cám lợn ấy. – Hoa nói rồi cười cho xoá đi không khí rất lạ lúc này.
A Phái bật cười rồi kéo tay Hoa lên giường chẳng chút ngại ngần.
– Ham ngủ như lợn ấy nhỉ!
– Ô kìa, dám ví người ta như thế. – Hoa định lấy gối đập vào tay Phái thì trượt tay rồi ngã đè lên người Phái.
Cơ thể Phái ấm quá. Vững chãi. Thẩm Hoa lặng đi một lúc khi cảm nhận được mùi cơ thể A Phái rất gần bên mình. Nhưng A Phái dường như không có biểu hiện gì khác thường. Phái vẫn vui đùa với liên tưởng của mình:
– Thôi, con “nợn” Hoa ngủ đi. Hoa nằm góc này, tôi nằm góc này, cách hàng gối được chưa?
Phái làm đúng như thoả thuận. Hai người chỉ giả vờ thế thôi. Vẫn chỉ là bạn bè. Sau này ai thích lấy ai thì lấy, thích yêu ai thì yêu. Học xong cấp ba rồi tính tiếp. Đấy là nói vậy. Nhưng sao Hoa cứ run rẩy thế này. Hoa quay sang A Phái đã ngáy đều đều. Ánh sáng mờ mờ của vầng trăng chiếu qua ô cửa sổ gỗ nhỏ tràn vào phòng ngủ của đôi trai gái mười bảy, mười tám tuổi. Bao nhiêu nét đẹp của dòng họ Giàng hiện hết lên khuôn mặt Phái. Chiếc mũi cao, khuôn mặt thanh tú, đẹp như con gái. Bỗng nhiên, A Phái quay sang gác chân lên mấy cái gối ngăn giữa hai người, gác luôn cả vào Hoa. Thẩm Hoa nằm im không dám nhúc nhích. Nhưng hơi ấm của A Phái thì lan truyền sang người Hoa. Bản năng thúc giục, Hoa chỉ muốn được A Phái ôm chặt trong đêm giá rét giữa rừng núi này. Nhưng A Phái ngủ say, A Phái không thể biết những suy nghĩ nổi lên như thác lũ trong lòng Thẩm Hoa được. Thẩm Hoa chạm tay vào ngực, vào người A Phái. Hoa chưa một lần như thế trong đời. Một người đàn ông là như thế này sao! Hoá ra A Phái ấm áp như thế này sao!
Một tuần, hai tuần học xong, hai đứa lại dắt nhau về nhà. Thẩm Hoa chỉ mong được về nhà nhiều hơn. Lần này, Thẩm Hoa không mặc áo váy dày như lần trước đi ngủ nữa mà mặc một chiếc áo mỏng. Giờ thì Thẩm Hoa mới thấy ngực mình phập phồng – ngay khi mình còn thức chứ không phải như A Phái khi chìm vào giấc ngủ. Hoa nhẹ nhàng bỏ chiếc gối. Chạm nhẹ ngực mình vào A Phái. Đầu ngực của cô gái mới lớn nóng hổi chạm vào A Phái. Bao nhiêu khát khao khi ấy. A Phái tỉnh giấc. Thấy Thẩm Hoa nằm bên cạnh thì ngạc nhiên:
– Hoa không ngủ à? Tôi được một giấc rồi đấy!
– Tôi không ngủ được! Lạnh quá!
– Thế đắp chăn này với tôi đi. – A Phái hồn nhiên mà không biết ánh mắt Thẩm Hoa đang nhìn mình đầy thúc giục lại gần hơn một chút. Chắc tại bóng đêm nên Phái không thấy. Thẩm Hoa ôm chầm lấy A Phái. Áp toàn bộ cơ thể căng tròn, nóng hổi ấy vào A Phái.
– Thẩm Hoa sao đấy? Đêm rồi còn trêu tôi!
– Hoa không trêu đâu! – Nói rồi Hoa cởi hẳn chiếc áo ra. Cơ thể Hoa dưới ánh sáng mờ ảo trắng loá lên. Khuôn ngực tròn đầy nhấp nhô. Thân người chắc lẳn, khoẻ mạnh. A Phái chưa bao giờ thấy một cô gái đẹp trong một hoàn cảnh như thế này. Nhưng tại sao anh không thể xông đến mà chiếm lấy Hoa? Không có gì sống dậy trong A Phái lúc này: cả cảm xúc, cả cái ấy. A Phái như thấy mình không có một sức lực nào!
-A Phái vẫn chưa tỉnh ngủ à? Không phải là mơ đâu? Thật đấy! Hết lớp 12 rồi, mình được làm vợ chồng thật rồi. – Nói rồi Thẩm Hoa choàng tay vào cổ, hôn ngấu nghiến đôi môi A Phái. Phái hôn lại. Chạm tay vào cơ thể Hoa.
Mềm mại quá. Ánh trăng kia là gì?
Rồi A Phái bỏ Hoa ra, chạy ra ngoài sân, đứng nhìn về phía trước chơi vơi. Cả núi đồi chìm lẫn vào nhau một màu lam trầm. Phái chỉ nhận ra mỗi cây táo mèo cô đơn kia. Cao nhất. Trong đêm mờ ảo, cây táo mèo vẫn đứng đó, tán lá in trên nền trời. Lặng lẽ, và cô đơn.

A Phái được tuyển thẳng vào trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật. A Phái thổi sáo hay, hát múa đều giỏi. Trên sân khấu, A Phái cao ráo, thanh tú, đẹp như một thiên thần. Đôi mắt một mí đúng kiểu trai Mông, luôn tỏ ra lạnh lùng, mạnh mẽ nhưng lại ẩn chứa một nỗi cô đơn sâu hơn cả con vực giữa thung vắng.
Thời gian học ở trường chuyên nghiệp cũng là những năm tháng A Phái kiểm nghiệm lại chính con người mình. Phù Phong cũng được tuyển vào học diễn viên múa như Phái. Nghề diễn viên múa chưa bao giờ đơn giản. Những buổi tập oằn mình. Những vết chai ở bàn chân cho đến khi dày dạn. Vừa phải mềm dẻo, lại phải bền bỉ, và đầy sức mạnh. Cám ơn núi đã bồi đắp cho A Phái và Phù Phong những đặc tính này. Thế nhưng để trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp thì cần cả mồ hôi và nước mắt nữa. Phái cũng nhớ nhà và trở về thì càng cảm thấy cô đơn. Có gì trỗi dậy trong lòng để chợt nhận ra là mình khác biệt giữa núi. Bố mẹ cứ giục A Phái và Thẩm Hoa nhanh sinh thằng cháu trai cho dòng họ Giàng. Thẩm Hoa cứ hừng hực như lửa. Nhưng ai có thể hiểu trong lòng A Phái lạnh như nước trong khe núi đầu nguồn. A Phái dù ngưỡng mộ, dù tự hào, dù thân thiết với Thẩm Hoa nhưng sự thật là A Phái… chưa từng ham thích Thẩm Hoa. Cái cơ thể trắng hồng mũm mĩm tràn trề nhựa sống ấy trước mắt A Phái như một bức vẽ đẹp. Chỉ ngắm rồi ngưỡng vọng. Hai cơ thể không thể và chưa từng là một. Thẩm Hoa càng rạo rực, đam mê, dâng hiến bao nhiêu thì A Phái lại càng lặn sâu vào bên trong mình bấy nhiêu.
– Thẩm Hoa à! Phái trả tự do cho Thẩm Hoa! – Phái chậm rãi và khuôn mặt lạnh lẽo như con suối mùa khô.
– Không đâu, A Phái. Hai đứa đã như tằm chung kén. Sao mà nói xa là xa được.
– Hoa xứng đáng có được hạnh phúc. Rồi Hoa sẽ gặp người phù hợp.
A Phái một mực cắt đứt rồi đi. Thẩm Hoa như rơi tự do xuống khe núi. Bao ấm ức trong lòng Hoa, A Phái đều biết nhưng không thể làm khác được. A Phái đang không định hình nổi con người mình. Mình là ai trong cõi núi, cõi người rộng lớn này? Mình để lại điều gì nếu sau này mình đã nằm im trong lòng núi?
Giữa thành phố xa lạ này, chỉ có Phù Phong là thân nhất với A Phái. Chia sẻ, bảo vệ, động viên nhau. A Phái luôn cảm thấy rất thoải mái và muốn ở bên cạnh Phù Phong. Những tối đi tập, đi làm về muộn, đến gói mì tôm cũng ăn chung. Bố mẹ gửi quà từ núi xuống, gửi cho một đứa thì tức là gửi cho cả hai rồi. Mọi chuyện bình thường, cho đến một đêm mưa, Phù Phong ở lại phòng của A Phái. Cái đêm định mệnh đó khiến A Phái biết mình là ai. A Phái nhớ nguyên rằng mình đã run rẩy thế nào khi nhìn thấy Phù Phong tắm cùng. Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ đâu dám để Phù Phong biết. Sao Phù Phong lại mạnh mẽ và nam tính đến thế! Người Phù Phong đầy cơ bắp. Rồi kích cỡ! A Phái choáng ngợp. Cơ thể A Phái dường như mềm mại hơn, nhỏ bé hơn. Lúc nhỏ, A Phái cũng tắm chung với các bạn trai ở suối khe nhiều lắm nhưng cảm giác không như bây giờ. Bây giờ, rung động đến từng ngóc ngách, từng tế bào. Máu chảy rần rần trong cơ thể anh. Mặt nóng ran. Cảm giác muốn được chạm vào cơ thể kia của Phù Phong, muốn được ôm ấp và che chở. Tại sao đằng sau vẻ vạm vỡ của A Phái lại là sự yếu đuối rất nữ tính này. A Phái quay sang góc khác, cố giấu đi những cảm xúc bất thường này.
– Hôm nay ngủ lại đây đi Phù Phong. Mưa gió thế này về làm gì! Mai đi học sớm luôn.
– Ừ thế cũng được. – Phù Phong vẫn vô tư như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chỉ trong lòng Phái là có cơn thác lũ. Phù Phong chẳng mấy chốc đã thở đều đều. Nằm bên cạnh Phong, A Phái không ngủ được. Một giấc ngủ ngon và hiền lành. Phái muốn dang tay ra chạm vào mà rụt rè. Đấy là mình sống cho mình thôi. Chứ không thể làm thế với Phong.
Ngày tháng vẫn qua đi. A Phái dường như luôn phải kìm nén tiếng gọi, tiếng giục giã bên trong mình. Những giờ luyện tập, A Phái vẫn nhìn thấy, vẫn chạm vào cơ thể rắn chắc của Phù Phong trong bộ đồ tập múa nam. Phù Phong hấp dẫn quá. Có lúc A Phái như bị choáng váng, ngã xuống phòng tập. Phong lại chạy tới hỏi han. Phái cảm thấy tội lỗi.
– Mày mệt à? Nghỉ lát đi! – Phù Phong nói rồi đưa cho A Phái chai nước.
– Nao được nghỉ về quê đi Phù Phong! – A Phái trốn tránh tất cả những xáo động trong lòng mình. Giá như những rung động kia không phải là thật.
Chuyện gì đang xảy ra với mình thế này- A Phái hoang mang. Núi rừng tươi đẹp là thế có lẽ nào lại sinh ra một phiên bản lỗi là A Phái. Những khát khao hạnh phúc không giống ai, và dường như không thể có được. Tại sao?
A Phái đọc rất nhiều sách. Tìm cả những tài liệu nước ngoài. À, thì ra cơ thể A Phái là vậy. Những điều phức tạp này, sao có thể nói cho bố mẹ hiểu được. Không ai ở xứ núi này hiểu được. A Phái hiểu mình hơn thì con đường cũng bớt rối bời. Không mù mịt như con đường núi mỗi sáng mưa mùa đông đầy sương giăng và trơn trượt.
A Phái về nhà. Những năm tháng học ở thủ đô khiến Phái như chẳng phải người của xứ này. Da trắng. Tóc bổ đôi, chải keo bóng mượt. Quần áo như người Kinh, mà bọn trẻ còn bảo như người mẫu. Những chiếc áo bó sát lộ cả khuôn ngực nở nang, bụng săn chắc… Chỉ có đôi mắt một mí là buồn hơn.
Thẩm Hoa đi học du lịch về, giờ làm hướng dẫn viên ở bản mình. Bản Hồ Ca của A Phái giờ là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng. Du khách thập phương tới thăm quan ngày càng đông, khiến bản nhộn nhịp hơn cái thời A Phái còn ở nhà. Có lần về, A Phái còn nghe những tiếng xì xồ của những anh chàng mắt xanh, tóc đỏ. Thấy Thẩm Hoa cũng nói xì xồ với họ. Thẩm Hoa giỏi thật đấy. Muốn học là học cho bằng được. Nếu không đi học, không lấy A Phái thì giờ Thẩm Hoa đã như bao đứa gái cùng tuổi ở cái bản này. Hai lăm tuổi đã có mấy con. Có khi đang địu một đứa, vừa cuốc nương vừa coi một đứa ngồi giữa những rãnh ngô. Có khi đi chung qua lối mòn, A Phái cũng chẳng nhận ra Thẩm Hoa trong dáng hình luộm thuộm, khuôn mặt lấm lem đầy tàn nhang, tóc đỏ hoe vì phải phơi nắng nhiều. Nhưng may quá, Thẩm Hoa bây giờ là một cô gái hiện đại. Tóc vàng uốn lọn. Cô mặc một chiếc váy Mông cách tân thêu dệt tinh tế. Tai đeo khuyên tai bạc của người Mông, nhưng lại vô cùng hợp với khuôn mặt tròn bầu bĩnh của Thẩm Hoa. Nhìn Hoa thật hiện đại, thật rạng rỡ trong nắng mới. Như thể Hoa cũng không thuộc về nơi này, không thuộc cả về A Phái.
Bản Hồ Ca này dù có đông vui cỡ nào thì cây táo mèo kia vẫn cô đơn lắm. Nó vẫn ở cuối bản. Vẫn trầm ngâm bốn mùa. A Phái lại mang cây sáo ra đó ngồi một mình thật lâu. Những nỗi cô đơn nguyên khối đặt cạnh nhau. A Phái từ biệt Hồ Ca một thời gian để đi, để tìm lại chính mình, ở một phương trời thật xa.
A Phái tham gia một chuyến lưu diễn tại đất nước của những chú Kangaroo thân thiện. Cuộc sống ở đây có nhiều nét hoang dã, vừa giống vừa không giống với vùng quê hoang sơ của Phái. Rồi Phái gặp Alex. Những tâm hồn đồng điệu, những hoàn cảnh trớ trêu như nhau thấu hiểu nhau, dù mỗi người ở bất kì đâu trên đất mẹ hình cầu này. Alex đưa A Phái đến sinh hoạt cùng những người đồng tính nam. A Phái dè dặt trước đám đông. Nhưng thực ra, đằng sau đó lại khiến A Phái tự tin hơn. Hoá ra có rất nhiều người như A Phái. Và người ta tự tin nhường kia. Tạo hoá ban cho mình cơ thể thế nào, mình cũng đều cần trân trọng nó. Và ai cũng có quyền được hạnh phúc. Những người A Phái gặp ở đây cũng vẫn làm việc, cống hiến cho cộng đồng, xã hội rất nhiều. Chia sẻ, giúp đỡ, cho đi… Và có một điều, Phái thấy Alex làm được mà Phái chưa thể. Alex thừa nhận mình là người đồng tính. Alex sẽ kết hôn với Ricky – một người cũng cùng cộng đồng với anh. Tất cả những sự mới mẻ này, A Phái chưa từng biết đến. Trong giới hạn tâm thức của mình, Phái chỉ từng nghĩ đến sự tội lỗi, đến sự cô đơn không bao giờ được giải toả và có lối thoát. Chấp nhận con đường cô độc, đi dần đến cái chết. Ai rồi cũng phải chết. Buông xuôi… Nhưng giờ thì có ánh sáng le lói nào đó cho Phái. Chỉ là ở vùng quê núi rừng của Phái, có ai chấp nhận Phái không.
Phái trở về. Ngay lập tức Phù Phong xuất hiện. “Trời ơi, nhớ mày quá đi”. Phù Phong ở lại căn nhà gỗ giữa rừng với Phái. Đó là ngôi nhà ông Phính làm để trông coi trang trại. Một ngôi nhà nhỏ bé, đơn độc nhưng yên tĩnh, mát mẻ. Có cánh cửa sổ gỗ rộng để nhìn ra ngoài kia hứng gió từ thung lũng và ngắm sao trời những đêm hè không mưa. Nhưng giờ là mùa đông. Gió núi hun hút thổi, tìm cách lách qua từng kẽ cửa để vào nhà. Lạnh tái tê. Khiến Phù Phong leo ngay lên giường của Phái trùm chăn. Câu chuyện về Thẩm Hoa chảy gần hết đêm. Vậy là Thẩm Hoa chuẩn bị đi lấy chồng ở một phương trời Tây xa lạ. Cô gái Việt Nam xinh đẹp, nói tiếng Anh như gió, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Thẩm Hoa xứng đáng có được hạnh phúc lắm chứ. Chỉ là Hoa đi xa quá. Không biết khi nào gặp lại. Những câu chuyện với Hoa luôn là kí ức đẹp trong lòng Phái. Tại sao có những con người sinh ra ở núi lại phải thuộc về một nơi khác? Bà mẹ núi bao dung, rộng lớn là thế. Phái cần một tiếng nói để Phái vẫn được thuộc về núi với hạnh phúc rất người.
Phái chạy ra khỏi căn nhà gỗ. Gió lạnh táp vào mặt. Chỉ thấy bóng cây táo mèo cổ thụ kia dường như cũng đang ngả nghiêng dưới ánh trăng vàng vọt. Phù Phong, chính Phù Phong đã chủ động, đã chạm vào, đã làm thức giấc Phái. Đây hoàn toàn không là mơ. Một giọt nước mắt mặn đắng nóng hổi vừa kịp rơi khỏi đôi mắt một mí xuống đôi môi căng đầy của Phái. Xa lắm, thấy mùa xuân về, cây táo mèo nở đầy hoa, kết đầy quả, mọc lên cả một rừng táo mèo quanh bản…
26/7/2022
Lê Thùy Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...