Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Kịch văn học rộng đất cho diễn viên trẻ

Kịch văn học rộng đất cho diễn viên trẻ

Xu hướng dàn dựng những kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học, đã giúp sân khấu TP HCM có được sức sống
Theo đạo diễn Ngọc Hùng, không hẹn mà gặp, nhiều sân khấu khi chọn vở diễn giới thiệu các gương mặt diễn viên trẻ đều chọn tác phẩm văn học. Kịch văn học hứa hẹn sẽ chắp cánh sáng tạo cho các diễn viên trẻ để họ thỏa sức tung hoành.
NSND Hồng Vân trên sàn tập vở “Làm đĩ”
Hỏi tên khi mua vé
Tối 11.3, đông đảo khán giả và giới chuyên môn đã đến Sân khấu Kịch Hồng Vân – Phú Nhuận xem vở kịch “Làm đĩ” (tác giả Chu Thơm, dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng; đạo diễn NSND Hồng Vân) do các diễn viên trẻ thể hiện.
NSND Hồng Vân cho biết: “Dòng kịch văn học đã có sẵn cốt truyện hay, ly kỳ; tính cách nhân vật có đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tiết tấu, tình huống, tính tư tưởng, mỹ học đầy ắp… Nền tảng này sẽ giúp các diễn viên trẻ có cơ hội thể hiện, ứng biến trong quá trình làm nghề chuyên nghiệp”.
Sân khấu Kịch Hồng Vân (Phú Nhuận, TP HCM) nhiều năm qua đã là “vườn ươm” cho nhiều diễn viên trẻ thông qua các tác phẩm dựa theo văn học như: “Bỉ vỏ”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Chí Phèo”, “Con nhà nghèo”, “Giông tố”… Từ đây, thương hiệu Kịch Phú Nhuận đã giới thiệu đến công chúng một thế hệ diễn viên giỏi như: Cát Phượng, Thái Hòa, Lê Khánh, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Thúy Nga, Lan Phương, Vũ Xuân Trang, Hoàng Thy, Minh Dũng…
Sân khấu Sài Gòn Phẳng – Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng đã tạo tiếng vang với kịch bản “Đời Như Ý” do tác giả Bùi Quốc Bảo chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư. Hiện nay, Bùi Quốc Bảo đang triển khai vở mới “Lời thề trước miễu” cũng do anh sáng tác (theo truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và dàn dựng. Vở kịch này sẽ dự thi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc vào tháng 7-2021, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức.
Tương tự như Sân khấu Kịch Hồng Vân, sau khi tự tin giới thiệu dàn diễn viên trẻ tham gia kịch văn học, Sân khấu Sài Gòn Phẳng – Nhà hát Thế Giới Trẻ đã thu về khoản lợi nhuận vô giá là một đội ngũ diễn viên được đánh giá giỏi nghề, khán giả hiện nay đến với sân khấu đều hỏi tên diễn viên ở phòng vé trước khi quyết định mua vé vào xem như: Quang Tuấn, Khả Như, Hoàng Phi, Minh Dự, Hồng Trang, Nam Thư…
Sân khấu Hồng Hạc dù chỉ mới đi vào hoạt động, ngoài những vở kịch của đạo diễn Việt Linh thì thương hiệu này đã cho ra đời 2 vở dựa theo tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Thiên thần nhỏ của tôi” (biên kịch Việt Linh, đạo diễn Lan Phương) và “Làm bạn với bầu trời” (đạo diễn Việt Linh).
Nhà hát Kịch TP HCM đã dàn dựng vở “Thằng quỷ nhỏ” – một tác phẩm văn học nổi tiếng trong giới học trò của Nguyễn Nhật Ánh, qua tay đạo diễn Lê Cường, vở kịch này cũng gây tiếng vang trong khán giả trẻ, giúp đội ngũ diễn viên nhí của CLB kịch Tuổi Ngọc tỏa sáng.
Tiếp tục khai thác “mỏ vàng”
Từ nhiều năm qua, Sân khấu Kịch Hồng Vân – Phú Nhuận đã chú trọng khai thác dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam những năm 1930 – 1945 với các tác giả như: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Qua bàn tay dàn dựng của NSND Hồng Vân, lối đi này đã tạo hiệu ứng tốt trong thưởng thức tác phẩm văn học của khán giả. Đây cũng là động lực để Sân khấu Kịch Hồng Vân – Phú Nhuận tiếp tục khai thác “mỏ vàng” từ những tác phẩm văn học.
NSND Hồng Vân chia sẻ: “Chúng tôi đang ấp ủ ý tưởng kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đưa những buổi diễn thành giờ học ngoại khóa về văn học cho học sinh. Cách làm này sẽ làm giàu hơn đời sống văn học ở học sinh, giúp các em có thêm nhiều góc nhìn trong việc tiếp cận các tác phẩm văn học”.
“Cần có sự trợ giá trong phát hành vé cho học sinh, sinh viên để đưa kịch văn học vào đời sống. Qua đó, các diễn viên trẻ có thêm cơ hội để trải nghiệm, nâng cao khả năng diễn xuất và gắn bó với nghề” – đạo diễn Minh Ngọc nêu ý kiến, đồng thời phân tích thêm: “Cuộc sống tồn tại quanh ta được xem là hiện thực thứ nhất. Khi được phản ánh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đó là hiện thực thứ hai. Khi phản ánh qua cách thưởng thức kịch chính là hiện thực thứ ba. Khán giả khi ấy là người đồng sáng tạo nên tác phẩm. Do vậy, kịch dựa theo tác phẩm văn học rất cần thiết trong giáo dục văn học hiện nay, để qua từng vở diễn, sự cảm nhận sẽ phong phú hơn. Thế hệ diễn viên trẻ có thêm cơ hội để đúc kết kinh nghiệm, tỏa sáng bằng tài năng đích thực. Và để đạt được điều này, cần “bà đỡ” Nhà nước cho các sân khấu, từ dàn dựng và đào tạo nguồn nhân lực”.
13/3/2021
Thanh Hiệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...