Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

La Thị Ánh Hường: Ngày nắng lên

La Thị Ánh Hường: Ngày nắng lên

Căn nhà mới của Lam nằm lọt thỏm giữa mảnh sân. Ban đầu, chồng Lam nói dùng đất chung quanh nhà để trồng cây cối phù hợp, một mảnh trồng rau ăn hằng ngày, cây ăn trái, cây ra hoa, cây cho bóng mát, khu nuôi gà và không thể thiếu nữa là khoảng trống cho những chú cún đáng yêu… Đúng với mong muốn khi hai vợ chồng còn khó khăn, là có cái nhà và vườn cây. Vậy mà nỗ lực đến hơn 40 tuổi, khi đứa con đầu đã vào đại học, mong ước đó mới thành hiện thực.
Nhà văn La Thị Ánh Hường
1.
Cứ nghĩ đến ngày các chú cún lon ton chạy loanh quanh đùa giỡn dưới những luống rau, gốc cây trong sân là lòng Lam thấy hân hoan hẳn lên. Lam yêu những chú cún và ngược lại, bất cứ chú cún nào về nhà Lam đều quấn quýt cô.
Ngày Lam đón Gấu về, nó chỉ mới mở mắt, chân ngắn cũn, đi còn khập khiễng, thỉnh thoảng té oạch dưới nền gạch bông bóng loáng nhưng bộ lông màu nâu nhạt thì đã xù dày. Nhìn giống hệt những con thú nhồi bông bày bán ngoài cửa hàng. Chỉ khác là cặp mắt của Gấu long lanh và hiếu động nên chẳng khi nào chịu ngồi yên một chỗ.
Gấu tỏ ra thân thiện với tất cả những người đến nhà. Gấu có trí nhớ rất tốt, chỉ cần gặp người nào đó lần thứ 2 là cái đuôi ngắn cũn cỡn của nó ngoáy tít lên mừng rỡ. Những người mới gặp lần đầu, thường Gấu nhìn qua Lam để “dò ý”, rồi khi Lam mở lời kết nối Gấu với khách, Gấu mới xáp lại cạ cạ vào người hoặc cắn nhẹ ngón chân như lời chào làm quen. Vì vậy mà bất cứ ai gặp Gấu cũng đều có thiện cảm.
Bạn bè Lam thường xuyên hỏi thăm Gấu như một thành viên trong gia đình. Khi quá lâu không ghé nhà chơi, họ thường nhờ Lam chụp hình Gấu và hỏi xem đã bao nhiêu ký rồi. Gấu lớn rất nhanh. Cứ khoảng 1 tuần không gặp là thấy chân cao thêm lên. Mới hơn 8 tháng mà đã ngoài 20 ký. Nghe đâu giống nòi của Gấu khi trưởng thành có thể lên đến 30 ký.
Gấu trổ mã thành anh chàng cao to nhất trong bầy chó nhà Lam. Dù to xác vậy nhưng nét mặt vẫn hết sức trẻ con, những trò nghịch phá cũng rất trẻ con. Khi nào chơi chán, mệt lại tìm nơi lót gạch bông mát rượi mà áp cả khoảng bụng tròn lẳn, nhẵn bóng của mình xuống, đánh một giấc.
Từ ngày Gấu xuất hiện, căn nhà Lam như sinh động hẳn lên. Mỗi sáng Lam xuống vườn tập vài động tác thể dục, thỉnh thoảng phải dừng lại can ngăn bầy chó giỡn quá đà, chạy nhảy khắp sân vườn. Nhưng vui lắm, nhà vốn không có người, may mà có bầy chó cho bớt cô quạnh.
Từ ngày có Gấu về, căn bệnh trầm cảm của Lam cũng giảm hẳn. Chồng Lam vui lắm. Bởi vậy mà mỗi khi nghe ai đó nói nhà có chó con mới sinh, không nuôi xuể là anh đến xin về một con. Anh tin, kể cả với con vật thì cuộc gặp gỡ nào cũng là cái duyên. Lam thì mỗi lần chồng đưa về là cô đặt tên, loay hoay cho cún ăn, có con còn đang bú mẹ nên phải bón từng muỗng sữa, rồi cho làm quen với những thành viên khác trong nhà. Khách đến chơi nhìn bầy chó hơn chục con, hỏi có khi nào Lam lộn tên hay quên tên chúng không, Lam lắc đầu. Cô chăm bẵm từng con từ nhỏ, nhìn chúng lớn lên từng ngày, hiểu tính tình và cả thói quen ăn uống của từng đứa, làm sao có thể quên?
Dù chồng Lam ủng hộ nhưng anh cũng không khỏi thấp thỏm lo lắng mỗi khi có con chó sinh bệnh. Còn nhớ hồi mới quen nhau, anh đã chứng kiến cảnh Lam ngồi giữa sân, bên cạnh là xác con chó được úp trong chiếc lồng úp gà, Lam khóc ròng rã, dai dẳng. Đó cũng là chú cún mà Lam yêu thương hết mực. Thỉnh thoảng anh lại nhắc vấn đề sinh, lão, bệnh, tử để Lam không quá đau lòng khi một ngày nào đó phải rời xa chú cún mà mình yêu thương.
2.
Mỗi lần Lam ra khỏi nhà trở về là Gấu đợi sẵn bên trong song cửa, giành với những con chó khác để được nhảy chồm lên người Lam. Cái đuôi Gấu giờ xòe ra đã to như cánh quạt, mắt thì vẫn nhắm tít lại mỗi khi vui. Mà có phải Lam đi đâu cho xa, có khi cô chỉ chạy qua hàng xóm một lát, về đã thấy Gấu đứng đợi sẵn, chỉ cần mở cửa là nhào tới quấn quýt lấy Lam như thể Lam đi đâu lâu lắm.
Trong những con chó, chỉ có mình Gấu là kiên trì đợi cửa Lam bất kể ngày hay đêm. Vậy sao Lam không thương cho được.
Hôm Lam lên thăm con gái ở thành phố vài ngày, chồng Lam cập nhật liên tục thông tin Gấu. Mỗi sáng ngủ dậy, vẻ mặt Gấu thất thần hẳn, dù chồng Lam cho ăn đủ 3 bữa, đúng thức ăn hằng ngày Lam cho. Có hôm Gấu dáo dác chạy quanh vườn, rồi lên lầu tìm Lam. Đi một vòng không thấy Lam, Gấu ủ rũ về nằm dưới gốc cây trước cổng. Mặc cho đám mèo con vờn nắng, thỉnh thoảng nghịch ngợm cào cào cái đuôi Gấu, Gấu vẫn không thèm hưởng ứng lại như mọi khi. Nhìn vẻ mặt buồn thiu của Gấu mà thảm thương. Đến nỗi con gái Lam nói với mẹ: “Thôi mẹ về đi, nhìn Gấu tội quá! Vài bữa nữa hết học kỳ con về thăm ba mẹ”. Thế là Lam về.
3.
Mẹ chồng Lam ghé chơi, nhìn bầy chó cưng quá, xin một con. Lam dù không muốn xa con chó nào nhưng nể mặt mẹ chồng nên đồng ý, chỉ gặng trước là sẽ không cho Gấu. Nói trước vậy để khỏi mất lòng vì lỡ đâu lại xin ngay đúng Gấu, đương nhiên là Lam không cho rồi. Lúc đó câu chuyện lại sang hướng khác, lại nói Lam tiếc con chó với mẹ chồng. Rồi câu chuyện truyền miệng sẽ thêm thắt theo hướng tích cực hay tiêu cực tùy theo mối quan hệ của họ với Lam. Mà ở đời, có người thương mình thì ắt cũng có kẻ không ưa mình.
Nhưng mẹ chồng cũng hiểu vì thấy Gấu quấn quýt Lam hơn bất cứ con chó nào. Sau bữa cơm, mẹ chồng liền chọn một con chó có bộ lông màu trắng pha đốm đen, đó là con Na. Lam nghĩ bụng thôi kệ, đằng nào những thành viên trong nhà chồng cũng thương chó, với lại nhà mẹ chồng cũng gần đây, nếu nhớ, Lam vẫn có thể ghé thăm Na. Biết đâu trở thành “con một” bên nhà mẹ chồng, Na lại có tương lai xán lạn hơn thì sao?
Lúc chồng Lam chở mẹ ôm theo Na về thì trời cũng nhá nhem, hàng cột đèn phía trước đường vừa mới bật, cái màu ánh sáng phả ra còn vàng chói lói, nhập nhòe trong ánh chiều tà. Lam không dám nhìn theo vì tránh ánh mắt Na. Nó có giận Lam không khi biết Lam đồng ý cho đi như vậy?
Khi biết Na đã đi hẳn, Lam mới dám chạy ra đóng cửa. Lam giật mình khi nhận ra bóng dáng Gấu nhập nhòa trong ánh đèn nửa tối nửa sáng từ những chiếc xe máy pha đèn vụt qua. Rất nhanh, Lam nhớ ra Na khá thân với Gấu, ý nghĩ ấy khiến Lam quặn lòng. Từ ngày Na về, Gấu luôn nhường nhịn Na, như kiểu anh cả nhường nhịn em út. Chỗ nào có Na là chỗ đó có Gấu, cả giấc ngủ trưa có khi thấy Na cũng kê cằm lên chân Gấu ngủ. Lam thấy trách mình, hình như mình chẳng bao giờ nghĩ cho tường tận mọi vấn đề chung quanh. Lam lại nghĩ nó cũng chỉ là con vật, rồi sẽ quên Na ngay thôi.
Lam cố bước những bước chân dài hơn để bắt kịp Gấu nhưng vừa lúc đó, Gấu đột ngột quay ngang người rồi lao ra giữa đường, theo chiếc xe máy mà nó nghĩ là có Na trên xe. Vừa lúc có thứ ánh sáng đèn pha của chiếc xe tải lao tới. Lam rú lên kinh hãi khi thấy Gấu biến dạng dưới bánh xe tải vừa lướt qua, chỉ để lại làn gió nhẹ như không.
Khi chồng Lam quay trở lại, Lam vẫn khụy gối bên xác Gấu, lúc này đã được ai đó mang vào sát lề đường. Anh ôm lấy bờ vai rung lên theo tiếng nấc nghẹn của Lam, biết rằng chẳng có điều gì khiến Lam nguôi ngoai trong lúc này. Anh thấy lòng mình quặn thắt lại.
4.
Vắng Gấu, khu vườn tựa như bức tranh nhuốm màu ảm đạm. Đám xoài rũ những chùm lá non dài thượt, đón những hạt mưa mát lành và chuẩn bị cho mùa nở hoa mới. Những chú mèo lười nhác nằm im bên hiên nhà. Cả mấy ngày nay trời cứ ẩm ương, không mưa hẳn hay nắng bừng lên cho mọi thứ tươi mới. Có phải vì vậy không mà cả đàn chó nhà Lam con nào con nấy ỉu xìu, cho ăn cũng không vui, gọi đến tên cũng không mừng rỡ như mọi khi.
Mỗi tối, Lam vẫn nghe con gái lớn gọi điện về cho ba, hỏi thăm và dặn dò ba chăm sóc mẹ. Chắc nó biết Lam không muốn nhắc chuyện cũ nên cũng ngại hỏi. Biết đâu như vậy vết thương trong lòng nhanh nguôi ngoai hơn.
Lam không nằm ủ rũ mỗi khi có chuyện buồn như trước, cô vẫn làm công việc hằng ngày của mình, như không có gì xảy ra. Nhưng chồng là người hiểu tính Lam nhất, những nỗi buồn đã thấm vào Lam sẽ rất khó phôi pha. Chỉ là cô không muốn anh thêm lo đó thôi.
Đến sáng nay thì trời ửng nắng. Những tia nắng lấp lánh nhảy nhót cùng đám chó, mèo khắp sân vườn. Lam biết mà, sau những ngày u ám và cơn mưa nặng hạt trút xuống đêm qua, trời sẽ trong xanh trở lại.
Tiếng xe máy của chồng Lam dừng trước nhà, anh xuống, kéo cửa rất khẽ. Từ ngày Gấu đi, anh luôn đẩy cửa rất khẽ, tránh để khỏi gây tiếng động càng tốt. Anh biết Lam còn bị tiếng mở cửa khơi dậy hình ảnh hớn hở của Gấu.
“Em xem anh mang gì về này!”.
Giọng chồng Lam từ ngoài vọng vào, chưa kịp để Lam lên tiếng thì anh đã xuất hiện trước mặt Lam cùng một chú cún con xinh xắn.
“Là anh em cùng mẹ của Gấu”.
Lam ngỡ ngàng không thốt lên thành lời. Cô lại gần, run run chạm vào mảng lông mềm mịn màu đen của chú cún đang nằm ngoan hiền trong tay chồng. Cảm giác như có một sự kết nối kỳ diệu khiến cho cung bậc yêu thương dâng lên trong lòng. Nhưng rồi Lam khe khẽ rụt tay lại, sợ một lần nữa những yêu thương lại bỏ Lam mà đi. Cái cảm giác ấy, chỉ nghĩ thôi lòng Lam đã như có ai đó xát muối. Chú cún ngơ ngác nhìn Lam, ánh mắt nó thân thuộc, như Lam đã gặp nó ở đâu đó rồi. Ánh mắt đó khiến Lam thấy lòng mình dịu lại. Không sao đâu, Lam! Cô tự trấn an mình, rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy cứ trao đi những yêu thương khi còn có thể.
Lam rưng rưng đón nhận chú cún bé bỏng từ tay chồng với niềm biết ơn!
Ngoài kia, nắng vàng rực rỡ đã trải đều khắp sân vườn.
11/1/2020
La Thị Ánh Hường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...