Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Vụn vặt ký ức vui buồn

Vụn vặt ký ức vui buồn

Một buổi chiều cuối mùa hè. Cánh đồng trước cửa nhà Mơ vào vụ cấy. Có những chân ruộng đã xanh non màu mạ vừa được cắm xuống. Nơi thì đã được cày bừa kỹ. Mặt ruộng như chiếu gương khổng lồ phản chiếu những tia mặt trời sắp tắt trong buổi chiều tà trở lên sáng lóa.
Tốp thợ cấy toàn đàn bà con gái đang cắm cúi chia nhanh những cây mạ xuống mặt bùn lệt sệt. Mơ cũng đang thoăn thoắt tay cấy cố cho hết phần mạ đã nhận trước khi tắt nắng. Từ đầu xóm con Mận tất tả chạy ra. Trong một tay giơ cao của nó là mảnh giấy nhỏ. Nó muốn chạy nhanh tới đầu bờ chỗ gần chị nó, nhưng đôi chân cứ luýnh quýnh. Còn cách rất xa chân ruộng có đám thợ cấy ai nấy khom lưng thoăn thoắt tay cắm mạ xuống mặt bùn đua cùng những tia nắng cuối ngày, Con Mận đã rối rít gọi to.
“Chị ơi! Chị Mơ ơi! Giấy báo đỗ đại học này! Chị Mơ ơ…ơ…i!”.
Mơ quăng nắm mạ trong tay xuống ruộng, bước nhanh như chạy trên mặt ruộng sền sệt bùn như cối vữa vừa mới đánh xong. Cô nhảy khỏi mặt ruộng bước lên bờ. Mơ chạy lại phía em gái. Những mảng bùn đặc bám theo hai cẳng chân rơi lả lả.
Mơ có giấy báo được đi du học. Cho đến lúc đó, cô là người con gái đầu tiên và duy nhất của xóm núi đỗ đại học. Mơ là người đầu tiên tạo ra một sự kiện hy hữu ở vùng quê nghèo.
Nhà văn Y Mùi
Quê nghèo thì ở đâu cũng giống như nhau. Cái khó bó cái khôn. Tuy biết không cho con cái học hành đến nơi đến chốn thì suốt đời này sẽ không mở được mặt. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước chỉ theo đít con trâu. Truyền kiếp sẽ vẫn chân lấm tay bùn, lam lũ, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cái nghèo đeo bám suốt cuộc đời người nông dân dù ai cũng lam làm, suốt bốn mùa không có ngày thư nhàn. Nhà nhà quanh năm tất bật, lật đất cấy cày mỗi năm hai, ba vụ lúa nhưng cứ ráo mồ hôi, xong vụ gặt đã lại bắt đầu những ngày giáp hạt, ăn đong. Thiếu đói cứ triền miên đối với rất nhiều gia đình. Nhà Mơ cũng thuộc diện ăn đong ăn vay quanh năm.
Ai cũng biết không có cái chữ thì sẽ khổ cả đời. Ai cũng hiểu, không học hành đến nơi đến chốn thì sẽ chỉ cắm mặt xuống ruộng nương, phơi lưng cho trời xem; nhưng cho con đi học thì lấy đâu ra người làm; đứa lớn đến trường thì lấy ai trông đứa bé cho người lớn ra đồng; càng học lên các lớp trên thì mức đóng góp xây dựng trường lớp và phí công ích xã hội càng cao, lấy gì mà nộp.
Bọn trẻ quê Mơ thường bị thất học, chưa kịp đọc thông viết thạo đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Vì thế, cái sự được học hành đến đầu đến đũa của một đứa con gái nhà nghèo như Mơ, nhất là lại được đi học ở tận một nước lớn nhất phe xã hội chủ nghĩa lúc đó là một hiện tượng rất hiếm hoi không chỉ ở cái xóm nhỏ heo hút nơi chân núi mà còn là một sự kiện đặc biệt trong xã, một vùng quê nghèo khó đến độ được ví von là “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Tờ giấy báo nhập học chỉ to hơn cái bàn tay nhưng có sức lan tỏa rộng và nhanh như tia chớp. Cả xóm núi nhanh chóng biết tin Mơ được đi du học.
Buổi tối đó, tại nhà Mơ trong ngôi nhà tranh vách đất một gian hai chái, mái đã sập xệ lại nhộn nhịp người và đầy ắp tiếng nói cười của cả người lớn và trẻ con. Mấy chiếc đèn măng – xông và đèn chuyên dùng để soi bắt cá ban đêm huy động từ các nhà hàng xóm được treo cao, làm khoảng sân đất nện nhà Mơ sáng trưng. Những chiếc đèn dầu hỏa nhỏ của gia chủ và của khách mang theo để soi đường đi được chia ra đặt thấp cho đủ sáng khắp gian nhà.
Người lớn ngồi uống nước vối, hút thuốc lào vặt. Tiếng cười nói râm ran. Lũ trẻ con tuổi choai choai chạy lăng xăng trong sân, ngoài ngõ cùng những trò chơi trận giả, trốn tìm, thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê…
Mơ chân sáo chạy ra chạy vào phụ giúp bố mẹ tiếp khách. Lòng cô lâng lâng vui. Chỉ mấy ngày nữa thôi Mơ sẽ được bay nhảy tới một phương trời mới rất xa rất lạ. Mơ háo hức mường tượng những điều kỳ diệu đang chờ một cô gái quê nghèo.
Họ hàng, làng xóm đón nhận tin vui của gia đình Mơ như một sự kiện đại hỷ của cả xóm. Ai cũng chúc mừng bố mẹ Mơ và xuýt xoa khen.
“Cháu Mơ giỏi quá!”; “Thật sung sướng quá!”; “Nhất ông bà đấy!...
Bố Mơ dè dặt cất lời cảm ơn làng xóm đã đến chia vui. Ông trầm ngâm vê thuốc lào, hút hết điếu này đến điếu khác. Mơ biết bố đã giấu sự sung sướng và niềm tự hào về cô con gái rượu của ông trong cơn phê thuốc lào. Còn mẹ, thực lòng Mơ không đoán nổi mẹ đang vui hay đang buồn. Mẹ Mơ lẳng lặng, khi thì rót thêm nước, khi thì chìa cái âu đựng trầu thuốc bằng đồng đưa mời mấy bà mấy bác gái răng đen. Lúc mẹ têm mấy miếng trầu thêm vào âu trầu đã vơi dần. Có ai đó khen con gái thì bà lại phân trần: “Ấy là nhờ ơn Đảng và chính phủ thôi chứ nhà em nghèo thế này làm sao nuôi nổi cháu nó học lên cao. Nếu con Mơ nhà em không được nhà nước nuôi mấy năm học cấp ba thì chắc cũng không thoát được ra khỏi lũy tre làng đâu ạ”.
Sẽ đúng như mẹ nói. Nếu Mơ không được nhà nước nuôi chắc chắn bố mẹ Mơ sẽ không đủ gạo tiền nuôi cô ăn học hết cấp ba. Bố của Mơ có một lần đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng cô còn phải học lên cấp ba chưa thể lấy chồng. Ấy là khi cô học hết cấp hai trong làng có người đánh tiếng muốn sang xin cho Mơ về làm dâu nhà họ.
Suốt những năm học cấp hai, năm nào Mơ cũng được tham gia các kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện, rồi của tỉnh. Năm học cuối cấp hai Mơ đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc nhưng không có giải gì. Mơ có giấy gọi tham dự kỳ thi tuyển vào lớp chuyên toán của tỉnh. Sau đó, Mơ cũng quên luôn việc đã đi thi tuyển vào lớp đặc biệt. Mơ nghĩ, được đi thi thì cứ đi cho biết, chứ việc tuyển chọn học sinh lớp toán đặc biệt của tỉnh đâu phải chuyện đùa.
Học xong cấp hai, được bố khuyến khích Mơ đi thi vào cấp ba của trường huyện. Mơ khăn gói rau gạo lên trọ trên huyện để tham dự kỳ thi. Hôm thì xong trở về nhà, Mơ thấy mẹ đang ngồi sàng gạo ở nhà bếp, từ phía sau cô sà xuống ôm cổ mẹ, nói: “Con không làm được bài. Chắc là trượt U ạ”.
Ấy là do đang vui nên Mơ trêu mẹ vậy thôi. Con gái của mẹ giỏi nhất trường xã thì làm sao mà trượt cấp ba, nhưng mẹ lại tưởng là thật. Bà ngừng tay sàng, ngẩng lên nhìn con gái dửng dưng, bảo: “Ừ, không sao. Không cho con đi thi thì con lại ấm ức. Bố mẹ mang tiếng không nuôi nổi con ăn học. Trượt cũng tốt. Ở nhà làm phụ giúp mẹ rồi lúc nào muốn lấy chồng thì U gả chồng cho”.
Mẹ nói rồi cắm cúi vào công việc.
Nghe mẹ nói, Mơ đủ hiểu là mẹ rất muốn cô dừng việc học hành nhưng không đành bảo cô đừng đi thi. Cho Mơ đi thi nhưng mẹ đã không mong cô đỗ. Nếu Mơ không được đi học tiếp là tại cô bị trượt chứ không phải tại bố mẹ.
Mơ nhập học cấp ba với điểm thi môn toán cao nhất trường. Những ngày đầu tiên đi học cấp ba là những ngày thử thách thực sự với Mơ. Trường cách nhà mười bảy cây số. Ngày nào Mơ cũng phải cuốc bộ đến trường, hai lượt đi về là hơn ba chục cây số. Mơ thường phải thức dậy sớm và ra khỏi nhà từ ba rưỡi sáng để kịp giờ học; lót dạ chỉ là mấy củ khoai hay sắn hấp cơm để dành từ bữa tối hôm trước. Có hôm bữa tối không còn gì Mơ nhịn luôn. Ba giờ chiều về đến nhà, sau khi vội vàng ăn những thứ được để phần từ bữa trưa mà cũng chỉ là rau dưa và khoai hoặc sắn độn cơm. Chiều và tối Mơ lao vào những công việc được mẹ phân công, cắt đặt. Việc gì mẹ bảo làm Mơ cũng ngoan ngoãn hoàn thành một cách miễn chê vì cô sợ nếu làm mẹ phật ý thì sẽ bị nghỉ học vĩnh viễn luôn.
Sự thèm học đã át những cơn đói và sự mệt mỏi trong cái cơ thể quắt queo suy dinh dưỡng trường diễn của Mơ. Mơ biết, cứ tình trạng ấy tiếp diễn chắc không trụ được bao lâu. Cô nghĩ, thôi cứ cố gắng được đi học ngày nào thì cứ vui ngày ấy. Khi bố mẹ kiệt lực và cô kiệt sức thì thôi. Hồi ấy đóng góp cho việc học cấp ba cũng khá tốn kém so với kinh tế của nhà Mơ. Đầu năm học có nhiều khoản phải chi. Mỗi khi cần tiền đóng góp cho nhà trường hay mua sắm sách vở, đồ dùng học tập là Mơ rất ngại ngùng khi phải hỏi xin bố mẹ.
Bất ngờ đã đến. Năm học mới bắt đầu được khoảng một tháng. Mơ nhận giấy báo đỗ vào lớp toán đặc biệt của tỉnh. Từ đó cuộc đời của cô con gái nhà nghèo nhưng giầu mơ mộng rẽ sang một ngả mới với những may mắn nối tiếp may mắn trong cuộc đời của Mơ.
Chia tay gia đình, tạm biệt ngôi trường cấp ba của một huyện bán sơn địa nghèo, Mơ đến với một môi trường sống và học tập mới. Mơ được học tại một ngôi trường có bề dày lịch sử cùng với cuộc cách mạng Tháng Tám của dân tộc. “Trường ta ra đời từ ngày cách mạng”, là câu mở đầu bài hát truyền thống của trường mà mỗi học sinh đều được học thuộc ngay từ khi bước chân vào trường.
Mơ trở thành công dân của một thị xã sầm uất tại vùng trung du có con sông Hồng thơ mộng chảy quanh ôm gọn. Thầy, cô dạy lớp chuyên toán là những thầy, cô dạy giỏi của các bộ môn. Mơ có thêm nhiều bạn bè mới; một số là con nông dân giống như cô; một số khác là con cán bộ, viên chức, tiểu thương; một số là con em của các thầy cô giáo đang dạy tại trường…
Ba năm Mơ tạm quên đi thân phận nông dân nhà nghèo, hòa nhập với cuộc sống phố thị. Tất cả học sinh lớp của Mơ được ăn gạo giá mậu dịch, được cấp tem phiếu thực phẩm và phiếu vải như công nhân nhà nước. Mơ sống cách ly với sự nghèo khó của gia đình, nên không bị đói như khi còn ở quê. Mục tiêu duy nhất của cô là học, học cho bằng bạn bằng bè. Mơ đã vùi đầu vào sách vở suốt ngày đêm, nhiều khi suốt đêm nếu gặp bài toán khó. Mơ đã thỏa thích với việc học toàn thời gian, quên đi những công việc nhà nông chân lấm tay bùn.
Học bổng mỗi tháng chín đồng rưỡi. Khoản tiền nhỏ nhoi thôi nhưng Mơ đã tự trang trải việc ăn mặc, việc học hành, kể cả việc mua vé tàu hỏa đi về thăm nhà vào mỗi dịp nghỉ Tết và nghỉ hè.
Ba năm sống xa nhà, Mơ tạm quên quê nghèo, tạm quên công việc cấy gặt và những việc nhà nông khác. Chỉ còn mỗi việc là miệt mài đèn sách nên Mơ luôn ở vị trí tốp năm, tốp mười của lớp. Có một số môn, có những tháng Mơ xếp số một.
Việc vào đại học thì Mơ nắm chắc như nó ở trong lòng bàn tay. Du học thì cô đã không dám mơ. Vậy mà, giấy báo là thật đây này.
Quả thật là Mơ đã bất ngờ! Sự việc quá sức tưởng tượng không chỉ của riêng Mơ. Bố mẹ, họ hàng và cả xóm đều ngỡ ngàng mừng vui khôn tả.
Vui quá là vui! Nhưng mẹ sao thế nhỉ? Mơ đoán già đoán non xem tại sao mẹ lại buồn. Tại sao khi cả nhà cả xóm núi đón nhận một may mắn lớn nhất trong đời cô thì hình như là mẹ lại không vui?
Mơ lờ mờ nhận ra lý do. Mẹ buồn vì bà nghĩ rằng mình không có vai trò gì trong những thành tích học tập và phấn đấu của con gái. Bà đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ với con cái. Cứ theo như sự tính toán kiểu “cháo nóng húp quanh” của bà thì Mơ, cô gái chăm ngoan nhất xóm đã thất học từ lâu. Nếu cứ tính quẩn lo quanh thì một buổi tối đặc biệt mừng vui như vậy ở trong nhà như này làm sao mà có được?…
Mơ thương mẹ quá! Khi nào nhà cô mới hết nghèo đây? Tự nhiên, sống mũi cay cay, nước mắt tràn ra chảy xuống hai má, Mơ chạy vào nhà bếp và ngồi luôn trong đó cho đến khi nghe tiếng mẹ gọi, hỏi vọng từ nhà trên.
“Cái Mơ đâu rồi? Ấm nước sôi chưa mang lên cho U”.
Mơ dạ dài. Một tay cô lau những gọt nước mắt chưa khô, một tay sách ấm nước bước ra khỏi bếp.
Đó là một buổi tối cuối mùa hè đáng nhớ của Mơ! Một buổi tối cả nhà cả xóm đều vui. Khi trong nhà có rất nhiều tiếng cười, tiếng nói râm ran, trẻ con người lớn ai cũng  vui nhưng mẹ và Mơ thì buồn.
***
Bố mẹ Mơ làm một bữa cơm liên hoan rất thịnh soạn trước khi Mơ lên tỉnh tập trung.
Ngày ấy, chăn nuôi lợn nhưng không được giết mổ tự do như bây giờ nên con chó đang nuôi đã phải thí mạng cho cuộc đại hỷ của gia chủ. Mơ thấy nó chỉ nằm một chỗ, ủ rũ suốt cả buổi sáng. Bữa trưa con chó bỏ ăn dù mẹ đã cho một ít cơm lẫn vào với khoai sọ rồi đem đổ xuống đất gần ngay mõm nó. Ngày thường thì người còn chả có cơm mà ăn, lấy đâu cơm cho chó. Nhưng bữa trưa hôm đó là bữa cuối cùng của con chó nên mẹ đặc cách, cho nó ăn cả cơm. Mẹ vỗ về con chó cứ như nó hiểu tiếng người.
“Ăn đi. Bữa cuối cùng đấy. Ăn hết đi rồi tao hoá kiếp cho mày. Sang kiếp khác mày không phải làm chó nữa. Mà nếu tiếp tục làm chó thì đừng chọn chủ nhà nghèo nhé. Nhà tao nghèo quá nên các con tao cũng đói huống chi mày”.
Hình như con chó chẳng để ý đến những gì bà chủ nói và đống thức ăn có cả cơm chứ không chỉ toàn là khoai như mọi bữa ở ngay trước mũi. Chỉ đôi mắt của nó là rất lạ, nhìn bà chủ như trách móc: “Chỉ tại cô chủ cưng của nhà này sắp xuất ngoại nên mới ra nông nỗi”.
Mấy hôm nay bố mẹ Mơ nhỏ to bàn tính thịt con chó để làm bữa cơm liên hoan tiễn con gái đi học xa. Mơ đoán chừng con chó hiểu chuyện gì đang sắp xảy ra. Thấy con chó bỏ ăn Mơ thương nó quá. Mơ đến vuốt ve con chó. Nước mắt nó chảy ra ướt nhèm đám lông quanh mắt. Sống mũi cô cũng cay cay.
Mơ đề nghị bố mẹ không giết mổ con chó nữa nhưng không được vì cuộc liên hoan đã được ấn định; phải có bốn mâm cỗ để mời đại diện các gia đình anh em họ hàng làng xóm. Chiều ấy, khi bố và chú Hai (em trai của bố Mơ) chuẩn bị giết mổ con chó thì Mơ kiếm cớ đi khỏi nhà để không phải chứng kiến cảnh nó bị cắt tiết.
Một bữa liên hoan thịnh soạn. Rượu uống bữa đó là của nhà chú Hai nấu bằng sắn bán chịu cho. Gạo nấu bữa cơm liên hoan là của nhà cô Loan cho vay. Cô Loan là hàng xóm tốt của cả xóm chứ không chỉ của gia đình Mơ.
Suốt bữa cỗ có nhiều món từ thịt chó ấy, Mơ đã không đụng vào miếng thịt chó nào. Mơ vừa thương con chó vừa nghĩ đến bữa ăn khá tốn kém trong khi nhà cô đang rất khó khăn. Bố mẹ Mơ sẽ lại bị nợ chồng lên nợ. Con chó cái ấy nếu nuôi được đến lúc nó đẻ con thì rất có thể bố mẹ Mơ đã có một món kha khá từ tiền bán chó con để trả bớt nợ nần.
Mơ lùa miếng cơm trắng (cách gọi cơm không có độn ngày ấy) vào miệng. Miếng cơm ứ lại, tắc trong cổ họng. Mơ không thể nuốt đi được.
Lẽ ra con chó đã không phải chết sớm như thế nếu Mơ không được đi du học.
“Cô Loan” hàng xóm của gia đình Mơ bây giờ đã lên chức cụ. Cô gái tên Mơ đã lên chức bà. Nửa đời người đã trôi đi nhưng những câu chuyện buồn vui như thế nhớ lại vẫn như vừa mới hôm qua.
Tam Đảo, 19/11/2018
Y Mùi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...