Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Người đồng hành âu yếm của tuổi thơ

Người đồng hành âu yếm của tuổi thơ

Sống nửa đời người rồi, tôi mới nghiệm ra một điều, cái đích đến của con người sau cả chặng đường vất vả xa xôi, hoá ra lại là Tuổi Thơ. Người ta càng về sau càng thích trở về hoài niệm, lục tìm trong ký ức những khoảnh khắc quen thuộc, hạnh phúc của tuổi nhỏ, để bám bíu lấy cảm giác và cảm xúc của đứa trẻ xưa, dường như chỉ có cô bé hay cậu bé ấy mới biết rõ thế nào là hạnh phúc.
Và với “Câu hỏi trẻ thơ” (Lê Phương Liên, NXB Kim Đồng, 2020), tôi một lần nữa hiểu về hạnh phúc như một đứa trẻ, một lần nữa hiểu, để có được hạnh phúc ấy, người ta không đơn giản là sống, mà phải phấn đấu cho mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm đều thấm đẫm tình yêu con người, nhất là “những con người bé bỏng như trẻ em”. Nhà văn Lê Phương Liên đã có được hạnh phúc lớn lao như vậy khi không chỉ “mong mỏi sống trong một xã hội thắm tình yêu thương chân thật” mà còn góp phần xây đắp những yêu thương trong trẻo ấy giữa những con người.
Nhà văn Lê Phương Liên
TIẾNG GỌI TUỔI THƠ QUÁ MẠNH MẼ.
Giữ cuốn sách ở dạng bản thảo mà nhà văn tin cậy đưa cho đọc trước, tôi đã đọc rất lâu. Đọc chậm, như thể đặt mình ở vị trí những người đọc khác nhau. Tôi thấy mình là một cô bé có đôi bím tóc xanh, tha thẩn vườn bà, gọi cây gọi cỏ như trong “Khu vườn biết nói”, vuốt ve trò chuyện với con mèo mướp với những âm thanh không lời, giao lưu với những nàng tiên hoa, tiên rau đập cánh lấp lánh khắp vườn. Có khi, một ngày khác, tôi lại là một cô giáo trẻ, háo hức tìm con đường đến với trái tim, tâm hồn học trò. Đôi quãng, tôi lại đã thành một độc giả có tuổi, ngẫm sự đời trong mối giao tiếp kỳ ảo với người trong quá khứ… Tôi hiểu ra rằng, tiếng gọi tuổi thơ trong văn của Lê Phương Liên quá mạnh mẽ, cho dù nó có vẻ không ồn ào, nhiều lời. Nó chỉ như tiếng đạp thầm của đứa trẻ trong bụng mẹ (như trong Mùa Xuân hồ Gươm) hay như tiếng Tết cụng cựa xôn xao trong thế giới âm thanh của một người già (như trong Tiếng Tết). Sức mạnh của tiếng gọi nằm ở tiếng vọng dội trở lại khi nó chạm vào miền sâu thẳm trong ký ức mỗi người. Tiếng gọi vì thế cũng là lời đáp.
Cuốn sách dày dặn với 25 truyện ngắn và 25 tản văn – con số 50 đánh dấu 50 năm thăng hoa, quý giá của đời người cầm bút. Nhà văn Lê Phương Liên lựa chọn cho nó cái tên vừa nhẹ nhõm, vừa sâu sắc: “Câu hỏi trẻ thơ”. Trẻ con đứa nào chẳng lắm câu hỏi! Nhưng cái cách vài thập kỷ nay ta dạy trong trường học đang tước dần của chúng thói quen và năng lực … hỏi. Chúng luôn phải trả lời. Mà thậm chí, trả lời cũng không hoàn toàn được theo cách của mình. Các câu hỏi thường có đáp án sẵn, chúng chỉ cần học thuộc và nhắc lại.
Bìa sách “Câu hỏi trẻ thơ” của Lê Phương Liên
Nhan đề cuốn sách là tên của một truyện ngắn, khẳng định một thái độ ứng xử của nhà văn, đại diện cho người lớn, đối với trẻ em: trân trọng những câu hỏi của trẻ, không coi thường, bỏ qua hoặc gạt đi những băn khoăn dù là ngây ngô nhất của các em, thậm chí còn khuyến khích các em phản biện, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. “Câu hỏi trẻ thơ” ở tâm thế ấy là sự đồng hành âu yếm với tuổi thơ!
Tôi có thể nói như vậy về nhà văn Lê Phương Liên không chỉ khi đọc “Câu hỏi trẻ thơ”. Tôi có may mắn được chứng kiến cuộc đồng hành ấy ngay cả ngoài đời, khi nhà văn luôn ưu tiên thời gian, tâm sức của mình cho những hoạt động của thiếu nhi và cùng thiếu nhi. Đến với các em, dường như, bà không chỉ đứng ở vị trí người đi trước chia sẻ và chỉ dạy mà bà như trở thành một người cũng trẻ trung hồn nhiên, cũng háo hức được nghe, được quan sát, được học, được trải nghiệm. Bà không ngại tham gia các trò chơi, điệu nhảy, vào vai một nhân vật cổ tích tương tác cùng trẻ. Các cháu nhỏ CLB Đọc sách cùng con chúng tôi thường gọi bà bằng cái tên vui nhộn thân thương: “Bà Thuỷ Thần”- một vai bà từng đảm nhận trong các buổi sinh hoạt đọc sách.
DẤU ẤN ĐẶC BIỆT CỦA THIÊN NHIÊN
Trong cuốn sách ghi dấu ấn sáng tác xuyên suốt chiều dài nửa thế kỷ đời cầm bút của mình, nhà văn Lê Phương Liên cũng khắc hoạ con đường miệt mài bà đồng hành cùng trẻ nhỏ. Trên con đường ấy, phần đặc biệt đáng nhớ và lung linh là hình bóng êm đềm mà lộng lẫy của thiên nhiên.
Thiên nhiên của Lê Phương Liên không chỉ lồ lộ sắc màu mà còn là thứ thiên nhiên của tâm tưởng, nó đã hoà vào tâm hồn bà thành một. Vì thế, nó là “tiếng trò chuyện vô thanh”  bất tận giữa con người với cây cỏ hoa lá, vạn vật, là sự giãi bày không e dè, tin cậy đến cùng của thế giới. Dẫu là Hà Nội hay Huế, dẫu là Việt Nam hay Đức, Nhật, Lào, thì thiên nhiên của bà đều tỏ ra “thân mật và cảm thông với con người”, còn những con người lại nặng lòng với cảnh vật xung quanh. Họ nghe được nhau, nghe được mình, những âm thanh vang lên tinh tế từ bên trong là tiếng lặng đẹp đẽ còn lại từ những âm thanh hỗn tạp bên ngoài.
Với Rừng thu, “rừng cây xạc xào như dàn nhạc dây dạo khúc mở đầu”, những con chim hót khúc tình ca, tiếng vó ngựa lốc cốc dắt người vào miền cổ tích. Trong Giấc mơ xuân ở ngôi nhà Huế lại có cảnh “trời đang bệnh, nắng ôm ốm”, gió sông Hương nhẹ như sợi tóc mẹ chạm vào má đứa trẻ, có người bà hiền hậu cúi nhặt hoa mà thầm thì cùng ai… Đọc Cây chanh, các em lại thấy được nỗi đau của một cây chanh bị chiết cành, cây mẹ chịu đựng cơn đau và nhận về mình những xơ xác héo gầy để cây con tách ra tự lập. Các em sẽ biết nỗi nhớ dành cho một cái cây có thể là nỗi nhớ có thật, tha thiết, theo cả vào giấc mơ… Với Chim Lạc Việt trở về, mặt nước thẫm dần, màn sương loang trên hồ cũng đều như vỗ về, hát lời ru thầm thĩ với đứa bé nào đó, và những tán lá đa thì xao động như nhịp thở một người… Cùng Én nhỏ, người đọc lại nghe tiếng gió như tiếng nói của người khổng lồ kể chuyện, những tiếng động của cánh chim, tiếng mỏ chim chạm vào lông vũ rũ nước và âm thanh của những giọt nước khô dần – là mối giao cảm mùa Xuân giữa chim én và bạn nhỏ.
Đồng hành cùng tuổi thơ, gia tài văn chương của nhà văn không chỉ có những trang viết về thiên nhiên. Bà còn tặng các em nhiều câu chuyện thú vị gợi nhiều suy ngẫm, từ đó những “câu hỏi trẻ thơ” lại đang vang lên bất tận: Vì sao cây ngải mọc đầy vệ đường lại xoăn lá? Đèn biển được duy trì ánh sáng bằng cách nào? Ngày mình ra đời có gì đặc biệt? Hồ Hoàn Kiếm có những cái tên khác và những câu chuyện thú vị nào? Một giọt mưa rơi từ chiếc lá hoa sữa bên đường có thể gợi một ký ức về ai? Những loài hoa nào có thể mang cả mùa xuân trong lòng mình?Vì sao các cụ già lại mau nước mắt? Đường tàu điện của Hà Nội ngày xưa đưa người ta qua những chợ nào và vì sao giờ đây không còn tàu điện nữa?…
Trong nhiều truyện ngắn, Lê Phương Liên chia sẻ quan điểm triết lý nhân sinh sâu sắc qua những yếu tố kỳ ảo, những chi tiết thực thực hư hư kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bà trân trọng sự kết nối ấy và mong muốn các bạn nhỏ của mình biết nhận ra lịch sử trong lòng hiện tại, biết mở lòng đón nhận những câu chuyện cổ tích trong đời thường. Những truyện ngắn Mưa xuân Hồ Gươm, Chim hải âu ở đảo Hòn Dấu, Hẹn hò ở phố Hoa, Chim Lạc Việt trở về đều có phong vị kỳ ảo, giả tưởng. Những cuộc trở về của những con người trong ký ức, của con chim Lạc bay ra từ mặt trống đồng đều không thể có được nếu thiếu đi sự hiểu biết lịch sử, tình yêu thương vượt thời gian, không gian mà con người dành cho nhau, trí tưởng tượng phong phú, bay bổng không giới hạn đi cùng với sự nhạy cảm đến mức tinh tế với thế giới xung quanh và những gì đang diễn ra trong sâu thẳm lòng mình. Tôi rất tâm đắc với hình ảnh cô bé “cúi xuống nhặt mẩu diêm bé mọn” để giữ lại dấu vết của một trò chơi chia sẻ giấc mơ ngày thơ ấu trong truyện Cô bé Kì Duyên. Tôi thích cách nhà văn hướng dẫn trẻ nhìn ra những “người bạn” kỳ lạ có trong mình và bên mình như “hoàng hôn”, “ban mai, “nỗi buồn”… trong Vị ngọt ban mai. Tôi cũng đặc biệt thích tản văn Tiếng trò chuyện vô thanh với triết lý “vạn vật hữu linh” và lời kể của bà về những ngày hạnh phúc của loài mèo ở Hà Nội. Thời gian khó xa xôi, khi ăn thiếu chất, mặc không đủ ấm, lại có những góc êm ấm kỳ lạ, khi loài mèo “tha hồ lang thang đi chơi, chạy nhảy trên những vỉa hè rộng rãi, leo trèo lên những mái nhà ngói cổ rêu phong mà ngắm ánh trăng, nằm phơi nắng trên những ban công lim dim hưởng mùi thơm hương hoa hồng bạch”. Cái hạnh phúc của loài mèo cũng sang trọng như nếp sống nhẹ nhõm, khoan hoà của người Hà Nội một thời vậy!
MỘT NGƯỜI HÀ NỘI RẤT HIỂU HỒ GƯƠM
Lê Phương Liên sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ bên hồ Hoàn Kiếm. Dẫu thời thế có thay đổi, bà đã bôn ba khắp nơi lên rừng xuống biển dạy học, viết văn, gắn bó không ít thời gian với nông thôn làng xóm, thì tinh thần bà vẫn thuộc về nơi này: Hà Nội, Hồ Gươm. Đó là lý do mà trong các câu chuyện bà kể, Hồ Gươm hiện ra không chỉ là một địa danh, một không gian văn hoá lịch sử mà còn như một nhân vật! Nhân vật đặc biệt ấy thay đổi tâm trạng theo bốn mùa trong năm, theo cả những biến động của thời cuộc. Khi rầu rĩ mang nặng những nỗi buồn, lúc lại ngời lên ánh mắt thanh xuân.
Và giữa những trang viết của nhà văn, ta thấy hiện lên hình ảnh một người mẹ, một nhà giáo, một người Hà Nội. Người mẹ thường mặc áp dài thong thả dạo bước trên đường, ẩn cả trong dáng thả bước của người con gái trên đường phố Nhật Bản mùa Thu. Người mẹ cầm tay học trò, mỉm cười với các em bé quê đang vất vả dùng bàn tay chai sần của mình tập viết. Cái vẻ chậm rãi, ung dung của người Hà Nội trong hình ảnh người mẹ và trong chính hình ảnh nhà văn trò chuyện với con kiến, con sẻ trong Mùa xuân Corona tạo cảm giác bình an, yên ổn cho người đọc, như nước Hồ Gươm sau những vui buồn chỉ êm đềm gợn sóng, như hơi thở đều đều của phố phường Hà Nội trong giấc ngủ mùa Đông đang đợi sang Xuân bừng mắt đón niềm vui hiền hậu… Vì thế, tôi thích đọc bà, nhà văn Lê Phương Liên, để tìm lại tâm an đang bị xáo trộn. Và cũng xin cảm ơn bà về cái điều lớn lao ấy! Tiễn năm 2020 đầy biến động của chúng ta, đón năm mới 2021, điều lớn lao quý giá là sự tĩnh lặng cho tâm hồn, sự bình an cho từng người, chứ quyết không phải là những kỷ lục dữ dội xa xôi.
Hà Nội, 4/1/2021
Nguyễn Thụy Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...