Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Triết gia, nhà văn A. Zinoviev: Người tới từ tương lai

Triết gia, nhà văn A. Zinoviev:
Người tới từ tương lai

Chưa bao giờ thỏa mãn với hiện tại, nhưng Alexander Zinoviev cũng không khi nào tỏ ra bi quan đối với nền văn minh trần thế. Có thể trong một thời điểm nào đó, những lập luận của ông chưa được hiểu đúng chiều và đúng hướng nhưng trong nhận thức của xã hội Nga và cả trong tâm thế của nhiều trí thức trên thế giới, di sản triết học và văn chương của Zinoviev luôn đồng nghĩa với tiến bộ và phát triển.
Nhà văn Nga Alexander Zinoviev
Đêm 10/5 tại Moskva, ở tuổi 84, nhà văn kiêm triết gia nổi tiếng thế giới Alexander Zinoviev đã trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài lâm trọng bệnh (ung thư não). Có lẽ đó cũng là một kết cục tất yếu đối với một trí thức suốt đời mê mải tư duy về số phận nước Nga và thế giới đã không có được phút nào bình an trong tâm tưởng như Zinoviev. Tuy nhiên, dẫu người đã về cùng cát bụi nhưng những suy nghĩ của ông chắc chắn sẽ còn giúp nhân loại tiếp tục quá trình nhận thức gian khó và không mệt mỏi về tương lai của mình.
Con đường trăn trở
Cuộc đời của Zinoviev không bằng phẳng và rất phong phú sự kiện. Ông sinh năm 1922 tại tỉnh Kostroma trong một gia đình nông dân Nga đông con nhiều cái. Học giỏi từ nhỏ, năm 1939, Zinoviev thi vào Trường Đại học Triết, văn và sử Moskva (MIFLI), học đường đã đóng vai trò thay thế các khoa xã hội nhân văn của Trường Đại học quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) trong 10 năm, từ 1931 tới 1941. Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ, Zinoviev gia nhập quân đội, trải qua mọi cảnh lửa, nước và ống đồng trong đạn bom, bắt đầu là một chiến sĩ lái xe tăng và cuối cùng trở thành một phi công lái máy bay tiêm kích, tham dự tới 31 chuyến bay chiến đấu. Đảng và Nhà nước Xôviết đã trao tặng người lính Zinoviev nhiều huân và huy chương…
Năm 1946, Zinoviev lại vào học tiếp ở Khoa triết MGU và tốt nghiệp vào năm 1951. Năm 1954, Zinoviev bảo vệ rất thành công luận án phó tiến sĩ về phép lôgích trong bộ sách “Tư bản” của Karl Marx. Năm 1960, Zinoviev bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở thành người phụ trách bộ môn toán lôgích tại Khoa triết MGU. Hàng loạt những tác phẩm triết học có giá trị đã xuất hiện dưới ngòi bút ưu thời mẫn thế và đầy trách nhiệm với cuộc sống của Zinoviev.
Là một triết gia có cách nhìn hiện thực phê phán đối với những gì còn chưa hoàn thiện, Zinoviev đã không mấy quan tâm tới việc giữ mồm giữ miệng khi phát ngôn quan điểm của mình. Trên phương diện này, có lẽ ông là người gần gũi với nhà văn Nga nổi tiếng từ thế kỷ XIX, Saltykov-Shedrin (1826-1889). Trong tâm thức của hai nhân vật khác thời nhưng cùng kiệt xuất này, tình yêu tổ quốc vô bờ bến trước sau như một luôn gắn liền với thái độ đấu tranh không khoan nhượng và trung thực với những khoảng tối đang còn ám ảnh dân tộc Nga. Chính vì thế nên ngay cả khi do hoàn cảnh phải tạm thời sang cư trú ở nước ngoài (tại Munich từ năm 1978 tới 1999), Zinoviev vẫn nhất mực chối từ xã hội tư bản. Về sau, ông đã rất tự hào là trong gần 20 năm ở xa nước Nga, ông đã hoàn toàn sống bằng tiền nhuận bút và các bài giảng chứ không hề nhận bất cứ một xu nào từ phía những kẻ muốn ông phát ngôn theo chúng để chỉ trích chế độ Xôviết. Những tác phẩm của ông xuất hiện trong thời gian này cũng đầy trăn trở và tâm huyết đối với nước Nga và nhân loại…
Có lần, ông đã tâm sự: “Tôi là người Nga, tôi thuộc về dân tộc Nga. Tôi biết thế nào là dân tộc Nga. Nhưng tôi không phải là kẻ theo chủ nghĩa dân tộc…”. Ngay cả trong lúc tưởng như sa cơ, tưởng như bị quê hương ruồng bỏ, ông vẫn còn nói được một câu nổi tiếng làm “tẽn tò” một số thế lực muốn kích động ông chống lại nước Nga: “Tôi không coi phương Tây là vương quốc tự do, tôi cũng không coi Liên Xô là vương quốc nô lệ…”.
Zinoviev tự gọi mình là “người tới từ tương lai” bởi lẽ, với trí tuệ siêu việt của mình, ông muốn giúp nhân loại tỉnh táo và hiện thực hơn khi lựa chọn con đường phát triển. Không phải mọi điều ông nói đều hiển nhiên đúng, nhưng dẫu sao đó cũng là những thông tin tham khảo hữu ích đối với những ai muốn tạo dựng một tương lai bớt u ám hơn những gì đã có.
Công bằng với lịch sử
Trong cách nhìn nhận của Zinoviev ở đầu thế kỷ XXI, xã hội Xôviết đã là đỉnh cao của lịch sử nước Nga, mặc dầu chưa chắc đã là điều tốt nhất mà nhân loại mơ ước: “Tôi không viết sách giáo huấn, tôi không đưa ra những nhận định mang tính chủ quan nhưng tôi biết: trong lịch sử Xôviết của chúng ta đã mở ra một dạng thức mới của tiến hóa xã hội. Khác hẳn tất cả những gì đã có và những gì đang hiện hữu. Xét về ý nghĩa này thì đấy là một thí nghiệm xã hội vĩ đại, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nhân loại, và toàn bộ quá trình tiến hoá của nhân loại đã và đang diễn ra dưới ảnh hưởng của mô hình ấy. Quý vị nghĩ rằng Liên bang Xôviết đã không có ảnh hưởng tới lịch sử thế giới ư? Thật là nực cười nếu ta phủ nhận ảnh hưởng đó. Tại phương Tây, người ta đã vay mượn từ kinh nghiệm Xôviết vô số những thành tựu và những thành tựu này đã trở thành máu thịt của nhân loại”.
Xã hội Xôviết, theo cách lý giải của Zinoviev, đã là một hệ thống tổ chức xã hội khác hẳn: “Liên Xô lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã bắt tay vào việc thành lập những liên hiệp tầm cao hơn hẳn so với các mô hình xã hội khác… Trong cuốn sách “Siêu xã hội” tôi đã mô tả tỉ mỉ cái đó là như thế nào. Siêu xã hội – đó là mức độ tổ chức xã hội cao hơn hẳn. Chúng ta hãy thử xem xét toàn bộ quá trình tiến hóa của nhân loại – một thí dụ kinh điển: có những quốc gia mang tính dân tộc của các nước Tây Âu, nhưng cũng có những liên hiệp thô sơ hơn. Liên bang Xôviết chỉ tồn tại 70 năm. Nhưng tại Liên Xô lần đầu tiên đã phát minh ra một hình thức tổ chức cao hơn hẳn…”.
Zinoviev cho rằng, xã hội Xôviết đã có rất nhiều ưu thế chủ quan bất chấp vô số những khó khăn khách quan. Và sự tan vỡ của Liên bang Xôviết đã có thể diễn ra, ngoài một số yếu tố nội tại nào đó, chủ yếu là do những “mưu ma chước quỷ” từ bên ngoài cộng hưởng với sự phản bội lại đạo lý và tư tưởng cộng sản từ phía một bộ phận lãnh đạo cấp cao bị tha hóa bởi những “viên đạn bọc đường” từ phương Tây.
“Ông có tiếc về sự tan rã của Liên bang Xôviết không?” – khi nghe câu hỏi này, Zinoviev đã đáp ngay lập tức: “Tôi không bao giờ tiếc nuối cái gì cả. Liên Xô đã tan rã, không còn Liên Xô nữa. Nhưng chính nhờ Liên bang Xôviết mà dân tộc Nga mới có thể tồn tại được và đã đóng được một vai trò nào đó. Sau khi Liên Xô tan rã, dân tộc Nga đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái… Điều này đã được các nhà chiến lược của phương Tây tính toán từ những năm 40 của thế kỷ trước. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ đã có tới hơn 300 trung tâm chuyên về nghiên cứu chiến tranh lạnh với nước ta. Trong chiến tranh lạnh đã có hàng chục triệu người bị lôi kéo vào những hoạt động chống lại Liên Xô. Đó là một mưu đồ khổng lồ. Chuyện này đã diễn ra không phải là trong ngày một ngày hai…”.
Đọc đến đây có thể nhớ tới những lời phát biểu mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thông điệp Liên bang thường niên đọc trước hai viện Quốc hội Nga cũng vào ngày 10/5 vừa qua. Ông Putin đã đề cập tới nhu cầu nước Nga phải trở nên mạnh mẽ hơn, đông dân hơn để bảo vệ quyền tồn tại xứng đáng của mình trên trường quốc tế.
Không lý tưởng hóa xã hội Xôviết, nhưng Zinoviev luôn cố gắng nhất quán gìn giữ thái độ công bằng đối với quá khứ, đặc biệt là với những nhân vật từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Liên Xô trước đây. Về Stalin, Zinoviev nhận xét: “Tôi đánh giá ông ấy là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại… Bởi lẽ, ông ấy đã tạo lập được một cường quốc vĩ đại”. Theo Zinoviev, trong những năm Stalin lãnh đạo quốc gia Xôviết, đặc biệt là những năm cuối thập niên thứ ba đầu thập niên thứ tư của thế kỷ trước, tại Liên Xô đã xảy ra những vụ việc này nọ nhưng cần phải có một lãnh tụ cứng rắn như Stalin thì mới làm bình ổn được tình hình đất nước; khắc họa hình ảnh Stalin chỉ dưới những góc nhìn tiêu cực đều là xuyên tạc sự thật.
Là một triết gia sâu sắc, Zinoviev không bao giờ tư duy theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Ông tâm sự, ngay trên chính trường Nga hiện nay, dù luôn bị tác động bởi những xung lực tiêu cực xa và gần vẫn đang tồn tại những nhà chính trị xứng đáng được kính trọng bởi tâm huyết và đạo đức của họ. Khi ông Putin mới vào làm chủ Điện Kremli, Zinoviev đã nhận xét như sau: “Tôi rất kính trọng Tổng thống mới. Tôi nghĩ rằng, trong số những người có tham vọng đối với vị trí đó thì đây là phương án tốt nhất. Tôi có thể nói rằng, trong tình hình hiện nay thì tôi cũng không thể nghĩ ra cách ứng xử nào tốt hơn cách ứng xử như của Tổng thống Putin…”.
Vô thần nhưng có tín ngưỡng – đó chính là lời tự nhận xét của Zinoviev về bản thân mình. Tín ngưỡng của ông là tình yêu thật sự vô tư, thật sự xót xa, thật sự chân thành đối với con người theo cái nghĩa chung nhất của từ này. Ông trước tiên là một triết gia lớn đậm đặc tính nhân văn của dân tộc Nga nhưng cũng là một triết gia lớn đậm đặc tính nhân văn của chung nhân loại.
30/10/2019
Phương Hà
Nguồn: ANTG
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...