Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn: "Thơ là duyên, văn là nợ"

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn:
"Thơ là duyên, văn là nợ"

Công việc ở đơn vị bận rộn là thế nhưng đồng chí thiếu tá sinh năm 1984 này luôn nhìn ra chất thơ và những câu chuyện đang cựa quậy quanh mình. Anh tâm niệm: “Thơ là duyên, văn là nợ. Văn chương là duyên nợ tôi mong trả kiếp người…”
Tôi chưa được gặp thiếu tá – nhà thơ Hoàng Anh Tuấn ngoài đời thực. Nhưng hằng tuần, mạng xã hội Facebook vẫn kết nối anh em chúng tôi gần nhau bằng những cuộc gọi video dài cả mấy tiếng đồng hồ để rủ rỉ bàn luận về đời sống văn chương trong nước. Qua những cuộc gọi ấy, tôi tự thấy mình hiểu sâu thêm về con người và các tác phẩm của anh mà tôi từng đọc. Đó chính là động lực thôi thúc tôi viết nên những dòng cảm nhận mộc mạc này.
Thành công đến sớm
Thuộc nhóm tác giả nổi bật của thế hệ 8X, Hoàng Anh Tuấn bén duyên với nghiệp viết bằng những bài thơ học trò hồn nhiên, trong sáng được đăng đều đặn trên báo Thiếu niên tiền phong vào đầu thập niên trước. Hồi ấy, hầu như chẳng cô cậu học trò nào mê tờ báo này mà chưa từng đọc qua Hoàng Anh Tuấn.
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn
Thậm chí, “nhà thơ nhí” lúc bấy giờ còn sở hữu một lượng fan lớn vẫn thường gửi thư cho anh, bày tỏ niềm trân quý, ngưỡng mộ chân thành. Cũng nhờ những lá thư tương tác qua lại mà động lực viết của anh được duy trì bền bỉ và mãnh liệt hơn.
Thơ anh “phủ sóng” liên tục. Anh có những câu thơ ấn tượng đã trở thành “kinh điển” trong các trang lưu bút học trò như: “Trưa hè, mây gánh trời xanh/ Gió qua vườn nắng đan thành tiếng ve”.
Tình yêu văn chương nói chung và thi ca nói riêng trong Hoàng Anh Tuấn sâu đậm đến nỗi năm lớp 12, anh nhất quyết làm hồ sơ đăng ký thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du để nguyện dành cả đời vắt kiệt mình cho lao động chữ nghĩa khiến cả gia đình một phen… hốt hoảng. Bố mẹ ra sức khuyên ngăn cậu con trai vốn sẵn mộng mơ, lãng mạn chọn hướng đi khác an toàn hơn bởi từ xưa đến nay “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu).
Sau rất nhiều những đắn đo, thay đổi, cuối cùng, Hoàng Anh Tuấn đã chọn nghề Cảnh sát như một mối lương duyên tiền định. Những tưởng môi trường kỷ luật, kỷ cương sẽ khiến anh hờ hững với Nàng Thơ. Nhưng chính từ khi khoác lên mình màu áo xanh nghiêm ngắn ấy, thơ anh lại càng nồng đượm, xốn xang, da diết.
Viết sớm, thành công sớm nhưng Hoàng Anh Tuấn không bị thôi miên bởi lời khen hay những thứ hào quang màu mè, phù phiếm. Anh luôn sòng phẳng nhìn rõ điểm yếu và thế mạnh trong khả năng của mình để có đường đi, nước bước chậm rãi, chắc chắn, phù hợp. Bởi vậy, anh là một trong số rất ít những tác giả cầm bút từ độ tuổi thiếu niên còn duy trì được đam mê, phong độ ổn định cho đến hôm nay.
Hơn hai mươi năm dấn thân vào nghiệp viết, tình yêu thi ca trong trái tim nhà thơ đầy tài năng này chưa bao giờ nhạt phai, sứt mẻ. Với Hoàng Anh Tuấn, nhờ làm thơ mà anh thấy mình sống trọn vẹn ý nghĩa hơn, thấy năm tháng trôi qua không mờ nhòa, hoài phí, thấy mỗi ngày mới là một món quà ẩn chứa nhiều điều bí mật.
Những niềm trăn trở
Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ khá đặc biệt, đặc biệt ở cách anh duy trì trong tâm hồn mình hai thi mạch song song, vừa tương phản, vừa bổ sung chặt chẽ cho nhau mà không bị trùng lấn, hòa lẫn. Khi trong trẻo, êm đềm như “nốt nhạc mưa xuân/ gieo vần trên lá”; thoáng cái đã thâm trầm, suy tư như thể “vắt nỗi buồn đem phơi”. Vì thế mà anh có thể đan xen viết được cả thơ cho thiếu nhi và người lớn mà không bị rơi vào sự sượng sùng, gượng ép như một số tác giả khác.
Và dù viết thơ cho đối tượng độc giả nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là Hoàng Anh Tuấn đều để lại những dấu ấn khá riêng biệt với những câu thơ đẹp tựa “những chiều tam giác mạch”. Một cái đẹp dễ thẩm thấu, đồng cảm nhưng khó phai mờ, tan loãng.
Sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên và trưởng thành ở Lào Cai nên thơ Hoàng Anh Tuấn là sự tổng hòa, giao thoa đầy thú vị những đặc trưng văn hóa của đồng bằng và miền núi. Nếu thơ viết về đồng bằng là nét vẽ sinh động, hài hòa về hội làng, hát chèo, chầu văn… thì thơ miền núi của anh lại mang đậm sắc màu của núi rừng, ruộng bậc thang, váy thổ cẩm…
Thiếu tá – nhà thơ Hoàng Anh Tuấn
Anh từng nói, chính sự rời xa quê hương thuở ấu thơ khiến tâm tưởng anh luôn đau đáu hướng về nguồn cội, về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình bằng một niềm hoài thương thổn thức. Và rồi, có những đợt đi công tác ở các thành phố sầm uất, phồn hoa, anh lại nôn nao cảm giác muốn “trở về trên núi cao” (Đỗ Bích Thúy). Những xúc cảm dùng dằng “nửa nhớ, nửa thương” ấy là nguồn dưỡng chất nuôi thơ anh lớn dần.
Đọc Hoàng Anh Tuấn, có khi thấy phảng phất bóng dáng của một họa sĩ khéo léo “vẽ tranh bằng thơ” trên nền bối cảnh cuộc sống sinh hoạt đời thường yên bình, dung dị. Rồi có lúc, chợt nghĩ, anh như vị đầu bếp tài hoa biết cách chế biến một món ăn lạ miệng từ những nguyên liệu đơn sơ, quen thuộc.
Bài thơ “Chơi hội chọi dê” là dẫn chứng tiêu biểu cho nhận định trên khi anh chọn thể thơ lục bát để viết về một thú vui đậm chất Tày: “Chọi dê mở giữa lòng mường/ Đạp mây phủ núi, vén sương giăng rừng/ Bàn chân ngấm rượu đỏ phừng/ Rộn ràng kèn trống, tưng bừng cồng chiêng”. Thì ra, cái mới, cái sáng tạo trong nghệ thuật chẳng ở đâu xa cả, nó nằm ngay trong những sự kết hợp nhẹ nhàng, uyển chuyển và cũng đầy thông minh, nhạy cảm.
Thơ Tuấn bình dân mà không hề dễ dãi. Anh viết chỉn chu, chắt lọc kỹ càng như tính chất của nghề nghiệp Công an mà anh đang theo đuổi, cống hiến. Nói về kỹ thuật, Hoàng Anh Tuấn có thế mạnh quan sát và miêu tả. Các thi phẩm của anh ít nhiều luôn để lại điểm nhấn và cũng chính là dấu hiệu nhận biết rõ nét bằng những câu thơ tả cảnh độc đáo thông qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thủ pháp chiết tự và biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Một “Tuổi thơ mỏng manh sợi khói/ Loãng vào trời tím hoàng hôn”. Một “Ao bèo đóm mở hội làng/ Trăng khuya vẳng tiếng chẫu chàng mành thưa”. Một “Gió ùa khung cửa ghé thăm/ Sẻ tha sợi mõ ngày rằm thảnh thơi”… Tất cả hiện lên gần gũi mà tinh tế, thuần mộc mà dịu đằm, khẽ khàng mà gợi mở.
Có hàng trăm bài thơ được in báo, từng xuất bản hai tập thơ, giành hàng chục giải thưởng văn chương lớn, nhỏ và đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng khi được hỏi bài thơ nào của mình khiến anh tâm đắc nhất thì Hoàng Anh Tuấn khiêm tốn trả lời ngay rằng, chưa có bài nào cả. Anh vẫn đang trên hành trình khám phá, va đập, vỡ vạc và hoàn thiện bản thân từ những vệt xước cuộc đời.
Anh thẳng thắn thừa nhận cái mà anh còn non là cấu tứ, đôi khi hơi lạm dụng phương pháp liệt kê khiến thơ anh mới chỉ đèm đẹp, cầu kỳ bề mặt mà chưa thực sự chạm tới những vỉa tầng tiềm ẩn để thơ đạt đến độ “ý tại ngôn ngoại”. Như có ý kiến nhận định, một số bài thơ của Hoàng Anh Tuấn, nếu tách từng câu lẻ thì đằm nhưng gom chung vào chỉnh thể thì đâu đó đang hơi lỏng.
“Văn chương là duyên nợ”
Mấy năm gần đây, bên cạnh thơ, Hoàng Anh Tuấn đang chứng minh được bút lực căng đầy khi mạnh dạn thử sức với văn xuôi thông qua việc trình làng những truyện ngắn, tản văn “bàng bạc chất thơ” và ngồn ngộn vốn sống.
Tiếp nối thành công của “Mùa phơi váy” (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, năm 2013), “Những chiều tam giác mạch” (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, năm 2015), “Bay trên đồi cọ” (Tập tản văn, NXB Quân đội nhân dân, năm 2018), anh vừa ra mắt cuốn sách thứ tư mang tên “Chín bậc nhớ thương” (NXB Quân đội nhân dân) tập hợp những truyện ngắn chọn lọc với cốt truyện giản dị và văn phong mềm mại, chau chuốt, giàu hình hình ảnh, cung bậc. Sắp tới, anh sẽ đầu tư nhiều thời gian, tâm sức hơn cho mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.
Hoàng Anh Tuấn từng chia sẻ: “Có những điều, thơ không đủ diện tích để giãi bày hoặc bản thân chưa đủ sức diễn đạt bằng thơ, tôi đành mượn văn xuôi để thổ lộ nhiều hơn, gửi gắm sâu hơn”.
Công việc ở đơn vị bận rộn là thế nhưng đồng chí thiếu tá sinh năm 1984 này luôn nhìn ra chất thơ và những câu chuyện đang cựa quậy quanh mình.
Anh tâm niệm: “Thơ là duyên, văn là nợ. Văn chương là duyên nợ tôi mong trả kiếp người. Bà tôi bảo, dan díu với văn chương là khổ nhưng làm sao mà tránh được cái án “phong vận” ấy. Nhưng với tôi, thơ là một đam mê, một đam mê như thế cũng đáng để sống trên đời”.
Quan niệm ấy giúp anh tìm thấy những giọt hạnh phúc chưng cất từ muộn phiền, cô độc. Điều đó có lẽ đáng quý hơn nhiều lần một cuộc sống phẳng lặng mà lu mờ, tẻ nhạt.
Có thể ngày mai, trong gia tài sáng tác của Thiếu tá – nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, văn xuôi sẽ “lấn át” cả thơ. Nhưng tôi tin, với anh, thơ mãi là mối tình đầu vẹn nguyên và thuần khiết nhất. Thảng hoặc, nếu anh lỡ quên thơ chính mình thì đã có nhiều bạn đọc mến mộ thơ anh nhớ hộ. Ai nỡ quên những vần thơ đẹp và đau đến nhường này: “Mẹ đi về phía khói hương/ Có còn sàng nhớ, sảy thương mỗi mùa/ Con là thóc lép đồng chua/ Sàng vào bão táp gió lùa trần gian…”.
7/11/2020
Phan Đức Lộc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXThời của thánh thần 4

Thời của thánh thần 4 Chương 22 Người trở về Cơn mưa rả rích khiến đêm thật dài. Nghe rất rõ cành cây khô bên đầu trái nhà rơi xuống m...