Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Nhà thơ Yến Lan: Một buổi chiều chiêm bao ta đã thấy

Nhà thơ Yến Lan: Một buổi
chiều chiêm bao ta đã thấy

Chuyến đi chúng tôi dừng chân tại thành cổ Đồ Bàn (An Nhơn - Bình Định). Tháp Cánh Tiên lấp ló trong màn sương mờ ảo. Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang người dẫn đường nói, đây chính là cái nôi thi ca của nhóm “Bàn Thành tứ hữu” gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn. Cánh chim đầu đàn dầy công xây dựng nhóm thơ Bình Định này chính là nhà thơ Yến Lan (1916-1998). Ông có tên thật là Lâm Thanh Lang.
Nhà thơ Yến Lan (1916-1998)
Khi ửng lòng đêm một ngấn hằng
Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang kể trong nhóm “Bàn Thành tứ hữu” nổi lên tình bạn thân thiết của Yến Lan và Chế Lan Viên. Hai gia đình ở gần nhau tại trung tâm huyện An Nhơn bên cạnh thành Bình Định. Những huyền thoại xa xưa về vương quốc Chăm tồn tại ở Đồ Bàn – Bình Định đã gieo vào hồn thơ trẻ của Yến Lan và Chế Lan Viên sự kỳ bí khác thường. Với Chế Lan Viên đó là những ma hời, mảnh xương còn rướm máu thì riêng Yến Lan lại là sự ám ảnh băng lạnh của ánh trăng huyền ảo hiện hình.
Tập thơ “Giếng loạn” của Yến Lan ra đời trước cả “Điêu Tàn” của Chế Lan Viên như sự khởi đầu cho sự nghiệp thi ca của Yến Lan với hồn thơ mang phong cách tượng trưng độc đáo: “Mây nổi đó những hồn chừng xa xứ/ Trăng cô liêu trắng mộng hồ xa nao?”, hoặc những sắc màu trừu tượng nổi bật: “Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ/ Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi”.
Cũng từ đó hình ảnh Trăng được coi là “thương hiệu” của Yến Lan khi ông viết những bài hay như: “Bến My Lăng”, “Bệnh trăng”, “Trăng khuyết”, “Để lạc trăng”, “Trăng lối cũ”, “Bình Định 1935”… Có thể nói bộ ba thi phẩm nổi tiếng của Yến Lan gồm “Bệnh trăng”, “Bình Định 1935” và “Bến My Lăng” đã thể hiện tài năng xuất sắc của ông khi viết về trăng. Đồng thời đó là sự hiện diện cuộc sống tràn ngập tình yêu thương và đầy sóng gió của ông.
Hình ảnh khi ông ra đời thật sự ám ảnh: “Quê ngoại bên kia bãi cát vàng/ Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang/ Cơn đau, trở dạ không giường chiếu/ Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng” (Bệnh trăng). Chính vì thế ánh trăng còn huyền diệu hơn khi nhà thơ thể hiện: “Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh/ Đón những vầng trăng mẹ vớt lên”. Phải vậy chăng khi mới cất tiếng khóc chào đời sinh linh bé nhỏ đã mắc “Bệnh trăng”. Niềm vui cuộc đời đầy khổ ải và gian truân chỉ bừng lên “Khi ửng lòng đêm một ngấn hằng”. Nhà thơ đã dõng dạc tuyên ngôn với cuộc đời rằng: “Tôi yêu trăng quá, mê trăng quá/ Như má yêu môi đến đến gần”.
Thực ra “Bệnh trăng” trong ông trước đó đã tạo dựng tượng đài nổi trội trên văn đàn với sự hiện diện “Bến My Lăng” từ năm 1933. Ngấm trong trăng từ khi còn đỏ hỏn trên bãi sông nên khi lớn lên tuy sống trong cảnh nghèo túng nhà thơ vẫn chỉ lấy trăng làm niềm an ủi và chia sẻ.
“Bến My Lăng” là hình ảnh làn mi cong hay vành trăng khuyết của doi cát trên con sông quê hương. Những ký ức tuổi lên 6 khi quay quắt gọi đò qua sông mang bánh về cho mẹ trong đêm trăng luôn day dứt tâm hồn ông. Đây là một trong những bài thơ đậm phong cách Yến Lan từ rất sớm. Một ánh xạ vô ngôn trong bài thơ mang tính thiền thi bật lên trong khổ thơ đầu: “Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/ Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu”.
Không khí liêu trai dâng đầy khi: “Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh/ Tơ vương trời nhưng chỉ dải trăng trăng/ Từng áo chiều bọc vàng đua lảng tránh/ Để trăng buồn vây phủ bến My Lăng”. Mặc cho tiếng gọi đò của chàng kỵ mã hối hả trong đêm đầy oán trách và lo lắng còn đò vẫn im lìm bởi “Mà ông lão say trăng đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng”. Sự ám ảnh của “thuyền hồn” bơi trong trăng đã làm nên thành công đặc sắc của Yến Lan.
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng
Dư âm của trường thơ loạn vẫn còn lưu luyến đâu đó trong hành trình tham gia kháng chiến của nhà thơ Yến Lan. Nhưng có thể coi thi phẩm “Bình Định 1947” là gạch nối chuyển nhịp điệu thơ Yến Lan sang một trang mới: “Bài thơ nhỏ gửi qua tay bạn trẻ/ Tôi viết lên bia gãy nắng ngang đầu/ Từng nét chữ vùng lên hồn sóng bể/ Hải cảng lòng tôi chờ giặc đến chìm tàu”. Đó là những mùa xuân mới thi ca với một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa như Yến Lan.
Năm 1954 gia đình nhà thơ tập kết ra Bắc với bao niềm vui ngỡ như giã từ “Bến My Lăng”. Yến Lan và Chế Lan Viên lại hội ngộ tại số nhà 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Tình bạn của hai người càng mỗi lúc một gắn bó trong từng bài thơ viết cho cuộc sống mới. Tuy trong lòng luôn mong nhớ và hò hẹn ngày trở về quê hương nhưng với Yến Lan phía trước luôn là vườn hoa tươi thắm. Mùa xuân và những cánh hoa luôn xuất hiện trong thơ ông.
Ở thập niên thuở (1932-1942), hồn thơ xuân của Yến Lan là nỗi buồn cô quạnh: “Mảnh áo tơ vân lỗi hẹn rồi/ Mùa xuân này lạnh lắm em ơi/ Bài thơ ấy đắp sao cho kín/ Mang tuyết cô liêu phủ suốt đời” (Mùa xuân này lạnh lắm em ơi); Hoặc “Khi hoa đào nở” tâm hồn thi ca luôn bảng lảng mông lung: “Nàng mơ sống lại thu hôm trước/ Đã rụng bao nhiêu ánh mặt trời/ Mùa đông buồn quá, chìm lâu quá/ Chìm cả trong lòng nét thắm tươi”. Nhưng kỳ diệu thay “Mùa xuân vượt sóng” trong tâm hồn của thi nhân. Yến Lan mang nhịp điệu mới tươi vui cuồn cuộn: “Đi lên – đi lên tàu như say/ Tàu trôi qua miền hoa bắp lay/ Nắng biếc sông Thương thuyền chở khuất/ Nhà sàn khói đã bén nương cây” (Theo gió xuân lên biên giới). Cánh thơ xuân trong tâm hồn thi sĩ luôn bay bổng hòa tan giữa thiên nhiên và lòng người: “Cầu mây lắt lẻo/ Cỏ tranh bập bềnh/ Tay nâu ai dẻo/ Dưới nắng ngồi thêu cánh áo viền/ Tay ai dắt ngựa ra phiên Tết/ Năm cũ người Mèo mai trẩy hết/ Năm mới về theo những điệu khèn” (Mùa xuân lên cao).
Vượt qua mươi năm nhập vào những mùa xuân nhà thơ Yến Lan đã tìm ra một khoảng trời thi ca mới. Đó là mạch thơ tứ tuyệt với những sáng tạo đậm dấu ấn Đồ Bàn kỳ ảo. Khi viết lời tựa cho tập thơ “Lẵng hoa hồng” của Yến Lan, nhà thơ Chế Lan Viên nhấn mạnh: “Yến Lan có tài, có tài đặc biệt và rất sớm”. Cuối bài ông còn viết: “Mình thèm viết được một bài – “Lại về tỉnh nhỏ”, một bài -“Mùa xuân lên cao”, một bài – “Uống rượu với đồng hương” như Lan. Rất đỗi là thèm” (1985).
Thuở ban đầu Yến Lan đã từng viết không ít thơ tứ tuyệt. Ông giỏi chữ Hán và nắm vững thể loại Đường thi. Sau ngày thống nhất đất nước, nhà thơ trở lại ngôi nhà cũ gần thành Bình Định. Mạch thơ huyền diệu xưa luôn chắp cánh thơ xuân Yến Lan gây ấn tượng khó quên. Với hoa nhà thơ đã bày tỏ nỗi niềm lỡ làng xưa: “Em đến xin hồng, hồng mới nụ/ Đêm nay hồng nở, bóng em xa/ Cầm em bữa trước, em không ở/ Giờ biết làm sao cầm được hoa” (Cầm chân em, cầm chân hoa). Với xuân không ai không nhớ đến bài thơ “Xuân muộn” của ông. Đây có lẽ là chân dung tự họa của Yến Lan, luôn khiêm tốn nhún nhường: “Vụng sắm, cành đào không kịp Tết/ Ra giêng chợt hé một vài bông/ Xuân người lả tả bay đi hết/ Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng” (1978).
Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Âm hưởng “Trường thơ loạn” đeo đẳng nhà thơ Yến Lan đến cuối đời. Hàng trăm bài thơ tứ tuyệt của ông vẫn ám ảnh như ngày nào trong không gian ảo mộng của “Bến My Lăng”. Những bài thơ cuối đời luôn hiển hiện một thi nhân ung dung tự tại trên quê hương Bình Định. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết thơ tặng ông với sự thương nhớ tinh tế: “Giếng loạn trường thơ bóng tháp Chàm khắc khoải/ Thân mảnh mai dầu lãng đãng bút tơ măng/ Biển động Quy Nhơn tay gầy run không hướng lái/ Đến bây giờ thuyền đậu bến My Lăng”.
Nhà thơ Yến Lan đã in hơn 10 tập thơ, kịch thơ và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007). Thơ ông là tiếng thở dài về nỗi buồn cùng tình yêu quê hương. Nhà thơ Yến Lan được người đời thương nhớ với những câu thơ đậm dấu ấn thiền qua những hình ảnh làm mê hoặc lòng người: “Kìa mặt trăng đêm nay/ Tựa yên thành cửa sổ/ Hẳn vì thấy ta say/ Kê gối vào giấc ngủ” (Uống rượu với bạn đồng hương). Và đây là những câu thơ cuối cùng trước khi nhắm mắt ra đi của ông: “Một buổi chiêm bao ta đã thấy/ Đau thương phiền muộn khác chi đời” (Không khác).
24/9/2022
Vương Tâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...