Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Thân thương rau dại miệt đồng

Thân thương rau dại miệt đồng

Một ngày bình yên nơi đồng bưng, tôi ngồi giữa chiếc xuồng ba lá nhỏ thả trôi theo con nước lớn, nước ròng.  Nhìn trời xanh, mây trắng, gió mơn man cùng một màu xanh mướt mắt của những loài rau dại miệt quê, tôi như được thả mình trong sự  thanh bình yên ả của thiên nhiên.
Con sông quê nước vẫn xanh biêng biếc, chiếc cầu nhỏ bắt ngang qua sông làm tôi không kìm được cảm xúc bồi hồi, xao xuyến. Tôi có cảm giác như đang trở về dòng sông tuổi thơ của mình. Con đường mòn lọt thõm giữa bờ cỏ hoang dại dẫn tôi về xóm nhỏ thân thương. Tôi nhớ người dân quê tôi hay nói vui với nhau “ Xứ mình cái gì thiếu chớ rau dại thì không thiếu à nhen, đâu đâu cũng thấy ”.  Những loài rau dại tuy dân dã, mộc mạc nhưng thấm đẫm hồn quê của vùng Đồng Tháp Mười đầy khởi sắc.
Nhà văn trẻ Diệp Linh ở Long An
Tôi nhớ hồi nhỏ, trước nhà có con kênh lớn, lục bình hay tấp đầy kênh. Mỗi dịp nghỉ hè nước lên lé đé, những đứa trẻ như tôi hay bơi xuồng ra kênh để ngắt ngó lục bình đem về cho má tôi nấu các món ăn dân dã. Thời đó, ngó lục bình hầu như hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân nghèo ở vùng quê sông nước. Những ngày mưa gió trở trời, tôi hay canh tạnh mưa là đi cắt ngó lục bình vì sau mưa ngó lục bình “trổ mã” rất nhanh, đọt ngó non tơ xanh mơn mởn. Ngoài ra, phần thân non phía dưới cây lục bình ăn được, bông lục bình ăn rất ngon. Những món ăn làm từ lục bình không quá cầu kỳ, phức tạp chỉ là: Ngó lục bình xào tép đồng, canh chua lươn với lục bình, cháo cá lóc nhúng bông lục bình,…Càng trở nên hoàn hảo khi ăn cùng chén cơm trắng mùa vụ, hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt đồng quê hòa huyện vào nhau đã khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản riêng, rất thi vị.
“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh”.
Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn đã khiến lòng người xa quê bâng khuâng hoài niệm về những ký ức ấu thơ. Một thời gợi thương, gợi nhớ về rau đắng đất. Loại rau mọc hoang dại ở các mô đất quanh nhà, dọc bờ kênh quanh ruộng lúa, có lá nhỏ nhưng loại rau này có vị đắng “cực đại” nên thường chỉ những người dân quê hoặc người “sành ăn” mới đủ sức nếm vị siêu đắng của rau này.
Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt trời sa mưa giông như mùa này, thể nào đám rau đắng đất trong ruộng cũng “nhổ giò” thiệt nhanh. Khi đó, đám con nít trong xóm tụi tôi lại được bữa la cà ngoài đồng hái rau đắng. Chẳng phải vì thèm ăn, mà chỉ là một thú chơi sau ngày mưa, y như thú đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng, hay giống như thú chơi khi mỗi đợt lũ về tôi cùng đám bạn trong xóm đi xuồng ba lá nhỏ ra kênh ngồi câu cá rô, cá lòng tong, hay đi đặt sờ di bắt cá lóc đồng đem về nấu cháo. Để rồi bên chái bếp hiên sau, có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất nóng hổi, mà má dành cho lũ trẻ chúng tôi ăn cho giải cảm, lại no bụng trong những ngày mưa gió lao xao về.
Nồi cháo giải cảm của má chỉ có vài hạt gạo trắng tinh nở bung như hoa súng, hoa sen quê tôi, kèm với mấy lát cá lóc và gừng thái chỉ bốc khói nghi ngút. Má múc cháo ra tô rồi cho vào một dúm rau đắng xanh non, rắc thêm một chút muối tiêu vào, đứa nào cũng húp xì xà xì xụp rồi miệng cười tí toét: “Má ơi! cho con chén nữa”. Mùi quê  lại lâng lâng trong từng thớ thịt của người con vùng Đồng Tháp Mười. Hương vị ấy phải được hòa cùng mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng cùng nồi cháo được bắt trên cái cà ràng làm bằng đất sét rồi chụm năm ba cây củi quê than đỏ rừng rực mới ấm lòng, ngọt ngào cho những ai từng bôn ba xứ người.
Những ngày nước lên, tôi cùng má bơi xuồng ra đồng hái bông điên điển, giữa bềnh bồng sóng nước, chiếc xuồng ba lá nhỏ chao nghiêng, cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm hai má con. Bỗng tiếng má từ mũi xuồng vọng lại “Bây cứ ngồi yên, đừng có lắc càng lắc là cái xuồng chìm luôn đó”. Nghe lời má tôi chẳng dám nhúc nhít. Thật vậy, sau đợt sóng to chiếc xuồng vững vàng, không lảo đảo nữa. Tôi lại nhớ bài hát Bông Điên Điển“Với màu điên điển say mê/Vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân/Trót thương tình nghĩa vợ chồng/Nên bông điên điển nở cho lòng vấn vương/Tình thương em khó mà lường”….
Trên cánh đồng lúc này rợp sắc vàng tươi của bông điên điển. Đúng bài thì bông điên điển phải nấu canh chua cùng cá linh non. Bên tô canh chua bông điên điển cá linh nghi ngút khói. Trong tiết trời ẩm ướt thế này, chấm những con cá linh vào chén nước mắm dầm ớt cay, húp chén canh chua, vị ngòn ngọt của bông điên điển, vị beo béo từ cá linh hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị mà ai đã từng xa quê chỉ nghe rưng rức trong lòng bởi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Sau cơn mưa nặng hạt, tôi hay bơi xuồng ra kênh hái rau muống đồng. Rau muống nổi theo nước, rể hút phù sa tràn về cọng no tròn cỡ ngón tay cái, ăn giòn rụm. Đọt rau muống hái về rửa sạch, ăn sống hoặc luộc chấm với cá kho, mắm kho, sẽ làm cho bữa cơm lúa mùa thêm ngon miệng. Rau muống cũng có thể dùng nấu canh chua cá lóc đồng, cá dồ. Đơn giản là vậy, nhưng sao mà quyến rũ biết bao.
Ngoài bông điên điển, rau muống đồng. Bà con vùng Đồng Tháp Mười còn mê loại bông súng ma mà chỉ có trong mùa nước lên. Dù mọc hoang dại nhưng bông súng ma có nguyên tắc tồn tại riêng của mình. “Nàng tiên ruộng đồng” chỉ xuất hiện trong mùa nước lên, mực nước càng cao bông súng càng vươn mình ngoi lên mặt nước, tỏa hương thơm ngát khắp cánh đồng. Cha tôi cùng mấy chú trong xóm lại hò nhau đi hái bông súng ma lúc sáng sớm. Hễ gặp cộng nào xanh non, tươi mà nhổ, làm sạch bùn đất. Đôi ba cộng cha tôi lại khoanh tròn đem về cho má. Má tôi bắt tay làm mấy món dân dã từ bông súng ma: Bông súng nấu canh chua cá rô đồng, ăn sống chấm mắm kho, bóp xổi chấm cá kho, xào với tóp mỡ,…Cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc vào mùa nước lên.  Tất cả trở thành miền ký ức tươi đẹp và tràn đầy yêu thương.
Về miền Tây, len lỏi sâu vào các xóm nhỏ thân thương, hầu như chỗ nào cũng có đọt rau trai, đọt nhãn lồng. Chúng mọc hoang trong vườn nhà, có khi mọc lan ra mé kinh, bờ ruộng. “Cá kho chấm đọt nhãn lồng, ngày má gả chồng con vẫn nhớ quê” . Đúng vậy, đọt nhãn lồng mà hái xong rửa qua nước để ráo, luộc chấm cá kho là hết xảy. Rau trai, đọt nhãn lồng kết hợp cùng nhau nấu một nồi canh tập tàng cùng mớ tép đồng hoặc cá rô mề cũng ngon dữ lắm.
Cảm ơn quê hương yêu dấu của tôi đã sản sinh ra những con cá, con tôm, cọng rau, ngọn cỏ. Tất cả đều nồng nàn, thấm đẫm hương vị đất trời. Nuôi dưỡng những hoài bão, ước mơ nhỏ bé để tôi có một tâm hồn nhạy cảm như hôm nay.
Giữa nền trời xanh thẳm, giữa bốn bề cảnh sắc quê hương, tất cả những hình ảnh thân thương về rau dại miệt đồng chính là đặc sản trời ban hiện lên càng điểm tô thêm cho vẻ đẹp cuộc sống ngọt ngào của người dân vùng Đồng Tháp Mười chân chất, mộc mạc. Để rồi, người ở lại thì luôn chung thủy một lòng, kẻ ra đi thì hoài niệm ký ức tuổi thơ.
7/12/2022
Diệp Linh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...